LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT



LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT
http://truthlady3.blogspot.com/2016/11/link-post-truthlady3blogspot.html

goosee
The Sound of Silence

Friday, October 14, 2016

BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Bệnh tiểu đường (đông y)

Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường rất khác nhau bởi nó phụ thuộc vào các yếu tố: địa lý, chủng tộc, lứa tuổi, mức sống, thói quen ăn uống sinh hoạt và tiêu chuẩn chẩn đoán.
Đại cương
Bệnh tiểu đường là một loại rối loạn chuyển hóa và biến dưỡng các chất Glucid, Lipid, Protid, kèm theo tình trạng thiếu Insuline gây nên sự giảm dung nạp đối với chất Carbohydrate, khiến đường huyết tăng cao. Có 3 loại tiểu đường:
Tiểu đường type 1: Đa số bệnh xuất hiện từ thời niên thiếu hoặc thanh thiếu niên, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào. Phần lớn trường hợp là do sự đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào phá hủy hoạt động điều khiển sản xuất Insuline và phá hủy tế bào  tuyến tụy, một số ít trường hợp khác là do sự mất khả năng sản xuất Insuline không rõ nguyên nhân. Bệnh có tính lệ thuộc Insuline.
Tiểu đường type 2: Thường xuất hiện sau tuổi 30, phần lớn bệnh nhân đã có một giai đoạn bị mập phì. Bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền và stress. Việc điều trị đôi khi cũng dùng Insuline nhưng không phải luôn luôn mà thường là sử dụng các Sulfamide.
Tiểu đường type đặc biệt khác: Là loại tiểu đường thứ phát gặp trong các trường hợp:
Bệnh của tuyến tụy: viêm tụy mạn, ung thư tuyến tụy, giải phẫu cắt bỏ tụy.
Bệnh của tuyến yên: bệnh khổng lồ, cực đại đầu chi.
Bệnh tuyến giáp: cường giáp trạng.
Bệnh tuyến thượng thận: hội chứng Cushing.
Nhiễm sắc tố sắt.
Do dùng thuốc: Corticoides, thuốc ngừa thai, lợi tiểu Thiazide, Diazoxid.
U não, viêm não, xuất huyết não.
Ngoài ra còn có các loại tiểu đường liên quan đến suy dinh dưỡng.
Tiểu đường và thai kỳ: xuất hiện khi người phụ nữ mang thai và lượng đường huyết cao trong suốt thai kỳ, sau khi sinh ngưỡng đường huyết trở lại bình thường, nhưng sau những lần thai kỳ xảy ra bệnh tiểu đường muộn (khi đã có tuổi).
Dịch tễ học
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường rất khác nhau bởi nó phụ thuộc vào các yếu tố: địa lý, chủng tộc, lứa tuổi, mức sống, thói quen ăn uống sinh hoạt và tiêu chuẩn chẩn đoán.
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở các nước:
Châu Mỹ 5 - 10%.
Châu Âu 2 - 5%.
Đông Nam Á 2,2 - 5%
Singapore 8,6%
Việt Nam: Hà Nội 1,1% (1991), thành phố Hồ Chí Minh 2,52% (1992).
Yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường
Béo phì, tăng huyết áp, xơ cứng động mạch.
Di truyền, nhiễm virus, xuất hiện với cùng một số bệnh tự miễn.
Thói quen ít vận động, ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng, sử dụng nhiều các chất kích thích như rượu, thuốc lá.
Phụ nữ sinh con trên 4 kg hoặc bị sẩy thai hay đa ối.
Sử dụng các thuốc: Corticoides, ngừa thai, lợi tiểu nhóm Thiazide, Diazoxide.
Lâm sàng và cơ chế bệnh sinh bệnh tiểu đường
Theo y học hiện đại
Tiểu đường type 1:
Đặc điểm lâm sàng:
Là tiểu đường phụ thuộc Insuline, chiếm tỷ lệ 10 - 15% bệnh tiểu đường. Tiểu đường type I có 2 thể IA và IB.
Type IA: hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, chiếm 90% tỷ lệ bệnh của type I liên quan đến hệ thống kháng nguyên HLA.
Type IB: chiếm 10% của bệnh type I. Thường kết hợp với bệnh tự miễn thuộc hệ thống nội tiết. Gặp nhiều ở phụ nữ hơn nam giới. Tuổi khới bệnh trẻ 30 - 50 tuổi.
Đặc điểm lâm sàng của type I:
Bệnh thường khởi phát dưới 40 tuổi.
Triệu chứng lâm sàng xảy ra đột ngột, rầm rộ, sụt cân nhiều.
Nồng độ Glucagon huyết tương cao, ức chế được bằng Insuline.
Vì tình trạng thiếu Insuline tuyệt đối nên dễ bị nhiễm ceton acid, rất đáp ứng với điều trị Insuline.
Cơ chế bệnh sinh:
Khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện thì đa số tế bào  tuyến tụy đã bị phá hủy. Cơ chế bệnh sinh liên quan đến yếu tố nguy cơ nhiễm virus như virus quai bị, sởi, Cosackie B4. Quá trình viêm nhiễm có diễn tiến như sau:
Khởi đầu phải có gene “nhạy cảm”, sau đó sự nhiễm virus có tính cách phát động gây bệnh. Nhiễm virus sẽ gây một tình trạng viêm tuyến tụy (insulitis). Quá trình này sẽ hoạt hóa tế bào lympho T và thâm nhiễm tiểu đảo của tuyến tụy. Các tế bào lympho T được hoạt hóa sẽ làm thay đổi bề mặt của tế bào  tuyến tụy, làm nó trở thành vật lạ đối với hệ thống miễn dịch cơ thể. Ngay lập tức sẽ xuất hiện đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Các kháng thể độc tế bào này sẽ được tạo thành và phá hủy tế bào tuyến tụy.
Như vậy cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type I liên quan đến hệ thống kháng nguyên HLA - DR3, - DR4, - B8, - B15.
Kháng nguyên B8 rất đáng chú ý vì liên quan nhiều đến các bệnh tự miễn như Basedow, suy thượng thận, bệnh nhược cơ.
Người ta cũng mô tả kháng thể chống màng tế bào trên người bị tiểu đường thể trẻ nhưng không rõ chính những kháng thể tự miễn này sinh ra bệnh, hay nó chỉ sinh ra do kháng nguyên xuất hiện từ tụy tạng bị viêm. 
Tiểu đường type 2:
Đặc điểm lâm sàng:
Là tiểu đường không phụ thuộc Insuline.
Thường khởi phát từ tuổi 40 trở lên.
Triệu chứng lâm sàng xuất hiện từ từ hoặc đôi khi không có triệu chứng. Bệnh được phát hiện một cách tình cờ do khám sức khỏe định kỳ. Thể trạng thường mập.
Nồng độ Insuline huyết tương bình thường hoặc chỉ cao tương đối, nghĩa là còn khả năng để duy trì đường huyết ổn định.
Nồng độ Glucagon huyết tương cao nhưng không ức chế được bằng Insuline.
Bệnh nhân thường bị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
Tiểu đường type II không có liên quan đến cơ chế tự miễn và hệ thống kháng nguyên HLA.
Yếu tố di truyền chiếm ưu thế đối với tiểu đường type II. Sự phân tích về cây chủng hệ cho thấy bệnh tiểu đường có thể di truyền theo kiểu lặn, kiểu trội hoặc kiểu đa yếu tố trong cùng một gia đình. Như vậy không thể quy định một kiểu di truyền duy nhất bao gồm toàn thể hội chứng tiểu đường. Chỉ riêng đối với phenotype gia tăng đường huyết hoặc giảm dung nạp đối với chất đường, người ta đã mô tả đến 30 kiểu rối loạn di truyền. Thí dụ: có 2 anh em sinh đôi cùng trứng, ở tuổi trên 40, tỷ số tiểu đường đồng bộ xảy ra là 100% và tuổi dưới 40 là 50%, chứng tỏ ảnh hưởng di truyền ưu thắng trong bệnh tiểu đường đứng tuổi.
Cơ chế bệnh sinh:
Thực sự cũng chưa được hiểu rõ. Tuy vậy, người ta cũng nhận thấy rằng có 3 rối loạn cùng song song tồn tại trong cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type II là:
Rối loạn tiết Insuline.
Sự kháng Insuline ở mô đích.
Sự tăng sản xuất Glucose cơ bản ở tại gan.
Theo y học cổ truyền
Đại cương:
Theo Y học cổ truyền, các triệu chứng ăn nhiều vẫn gầy, tiểu nhiều, uống nhiều và khát nhiều nằm trong phạm trù chứng Tiêu khát.
Tiêu có nghĩa là thiêu đốt, đốt cháy trong chữ Tiêu có bộ Hỏa, để diễn tả loại bệnh lý do Hỏa thiêu đốt làm cạn khô huyết dịch, tân dịch khô thì phát khát, khi khát uống bao nhiêu cũng không cảm thấy đủ, uống vào đi tiểu ra ngay.
Tiêu khát được định nghĩa là chứng khát đi kèm với uống nhiều, ăn nhiều mà người lại gầy hóc.
Nguyên nhân và bệnh sinh:
Do ăn quá nhiều chất béo ngọt cùng uống quá nhiều rượu, tích nhiệt rồi hóa Hỏa ở trung tiêu.
Do thần chí thất điều, do ngũ chí cực uất mà hóa Hỏa, Hỏa sinh ra thiêu đốt phần âm của phủ tạng, và Thận là nguồn gốc của âm dịch và là nơi tàng trữ Tinh ba của ngũ cốc. Sách Nội Kinh viết: “hai kinh dương là kinh Thủ dương minh đại trường chủ về Tân dịch, kinh Túc dương minh vị chủ về Tinh huyết. Nay hai kinh ấy nhiệt kết thì tân dịch khô, huyết cạn làm ra Tiêu khát”.
Chứng Tiêu khát phát ra ở thượng tiêu là bệnh Phế - Đại tràng, có chủ chứng là khát nước nhiều.
Chứng Tiêu khát phát ra ở trung tiêu là bệnh của Vị âm. Chủ chứng là thèm ăn, ăn nhiều mà vẫn gầy khô vì Vị hỏa nung đốt, Vị hư lâu ngày tổn hại Tỳ đưa đến Tỳ khí hư. 
Hỏa nhiệt tích lâu ngày thiêu đốt chân âm, nếu có Tiên thiên bất túc (Thận âm hư sẵn hoặc Thiên quý đã suy) âm tinh hao tổn lại kết hợp hỏa nhiệt sinh ra chứng Tiêu khát ở hạ tiêu. Âm tổn đến dương lâu ngày dẫn đến Thận dương hư.
Do tiên thiên bất túc hoặc thiên quý suy làm âm tinh hư tổn, hư nhiệt được sinh ra lưu tích lại làm âm càng hư hơn mà sinh bệnh.
Chẩn đoán
Theo y học hiện đại
Triệu chứng lâm sàng:
Thường biểu hiện bởi nhóm triệu chứng:
Khát nước và uống nước nhiều.
Tiểu nhiều hay còn gọi là đa niệu thẩm thấu.
Ăn nhiều.
Sụt cân.
Sự xuất hiện các triệu chứng trên là do tình trạng thiếu Insuline dẫn đến hậu quả tăng áp lực thẩm thấu máu, làm nước ở nội bào ra ngoại bào khiến lưu lượng tuần hoàn tăng và tăng tốc độ lọc ở vi cầu thận. Một khối lượng lớn nước tiểu được thải ra cùng Glucose là do Glucose máu vượt quá ngưỡng thận.
Ngoài ra cũng tăng thải qua đường niệu ion K+ và Na+. Hậu quả gây mất nước nội bào và ngoại bào làm rối loạn điện giải, kích thích trung tâm khát nên bệnh nhân uống nhiều. Lượng Glucose mất qua đường niệu khoảng trên 150 g/24 giờ sẽ gây cảm giác đói và bệnh nhân phải ăn nhiều mà vẫn sụt cân.
Ngoài triệu chứng trên, người bệnh còn bị khô da, ngứa toàn thân và mờ mắt thoáng qua.
Xét nghiệm cận lâm sàng:
Glucose huyết lúc đói:
Ít nhất phải thử 2 lần liên tiếp khi đói. Lấy máu ở tĩnh mạch. Chẩn đoán xác định khi:
Glycemie > 120 mg% (bình thường 75 - 100 mg%).
Máu mao mạch: Glycemie > 120 mg%.
Glucose huyết sau khi ăn 2 giờ:
Cả máu mao mạch và máu tĩnh mạch có Glucose huyết > 200 mg%.
Glucose huyết sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp Glucose:
Glucose huyết (máu tĩnh mạch huyết tương) > 200 mg%.
Glucose huyết (máu mao mạch toàn phần) > 200 mg%.
Với giá trị Glucose huyết ở các thời điểm nêu trên, chẩn đoán xác định tiểu đường và rối loạn dung nạp Glucose khi 140 mg% < Glucose huyết < 200 mg%.
Glucose niệu:
Bình thường: không có đường trong nước tiểu. Có hiện diện đường trong nước tiểu chứng tỏ tiểu đường.
Ngày nay giá trị của xét nghiệm Glucose niệu có giới hạn trong chẩn đoán vì phụ thuộc vào ngưỡng thận từng người và sự gia tăng theo tuổi của ngưỡng thận.
Thể Ceton huyết:
Bình thường: 0,5 đến 1,5 mg%.
Trên người bị tiểu đường, sự hiện diện của thể Ceton trong máu với nồng độ cao chứng tỏ cơ thể đang thiếu Insuline trầm trọng.
Huyết sắc tố kết hợp với Glucose (Glycosylated Hemoglobine):
Là huyết sắc tố trong tủy chưa kết hợp với Glucose. Khi hồng cầu được phóng thích vào máu, các phân tử huyết sắc tố sẽ gắn với Glucose theo quá trình glycosyl hóa (glycosylation). Nồng độ huyết sắc tố kết hợp với Glucose tỷ lệ với đường huyết và được gọi là Glycosylated Hemoglobine.
Bình thường lượng huyết sắc tố kết hợp với Glucose chiếm khoảng 7%. Khi có bệnh tiểu đường, có thể tăng đến 14% hay cao hơn.
Có 3 loại huyết sắc tố kết hợp với Glucose chính A1A, A1B, A1C. Trên bệnh tiểu đường ổn định, lượng huyết sắc tố kết hợp với Glucose sẽ trở về bình thường sau 5 đến 8 tuần. Trên bệnh tiểu đường không ổn định, lượng huyết sắc tố kết hợp với Glucose sẽ cao và song song với lượng Cholesterol máu tăng cao.
Theo y học cổ truyền
Đối với thể không có kiêm chứng hoặc biến chứng:
Có biểu hiện chủ yếu là âm hư nội nhiệt như khát, uống nước nhiều, ăn nhiều chóng đói, người gầy da khô, mồm khô, thân lưỡi thon đỏ, rêu lưỡi mỏng hoặc vàng, mạch hoạt sác hoặc tế sác.
Thể Phế âm hư:
Chủ chứng là khát nhiều, uống nhiều nước, họng khô.
Lưỡi đỏ, ít rêu, mạch sác.
Thuộc Thượng tiêu phế nhiệt.
Thể Vị âm hư:
Ăn nhiều, vẫn đói muốn ăn thèm ăn hoài.
Người gầy, khát, tiểu nhiều, đại tiện táo.
Lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hoạt sác.
Thuộc Trung tiêu khát, Vị âm hư.
Thể Thận âm hư - Thận dương hư:
Tiểu tiện nhiều, tiểu ra đường, miệng khát, hồi hộp, lòng bàn tay bàn chân nóng, lưỡi đỏ không rêu, mạch tế sác là thể Thận âm hư.
Nếu chân tay lạnh, mệt mỏi, người gầy, mạch tế hoãn vô lực là thể Thận dương hư.
Đối với thể có kiêm chứng và biến chứng:
Ngoài ra, người thầy thuốc YHCT còn chú ý đến những dấu chứng kèm theo và biến chứng sau đây để quyết định chọn lựa gia giảm vào cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Hồi hộp mất ngủ do âm hư tân dịch tổn thương, tiêu bón kém, dễ sinh lở nhọt, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch tế sác. (Phép trị: Ích khí dưỡng huyết, tư âm thanh nhiệt).
Chứng đầu váng mắt hoa: Nếu là Âm hư dương xung: chóng mặt, ù tai, đau căng đầu nặng hơn lúc tinh thần căng thẳng, nóng nảy dễ gắt, mồm đắng họng khô, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền. Nếu là Đờm trọc: váng đầu, buồn ngủ, ngực bụng đầy tức, ăn ít buồn nôn, lưỡi nhạt rêu nhớt, mạch hoạt.
Chứng nhọt, lở loét thường hay tái phát, khó khỏi, răng lợi sưng đau, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch sác. (Phép trị: Thanh nhiệt, giải độc).
Chân tay tê dại: mệt mỏi, cơ teo, đầu chân tay tê dại đi không vững, lưỡi nhợt, rêu vàng mỏng, mạch tế sác. (Phép trị: Dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế chỉ khái).
Điều trị và theo dõi
Mục tiêu của điều trị tiểu đường là tránh các hậu quả trực tiếp của sự thiếu Insuline, bao gồm các triệu chứng của tăng đường huyết, của nhiễm acid cetone, của hội chứng tăng áp lực thẩm thấu và làm giảm các chứng do bệnh kéo dài gây nên. Rõ ràng các biến chứng mạn của tiểu đường là do bất thường về chuyển hóa và kiểm soát tăng đường huyết có thể giảm tỷ lệ của biến chứng này.
Đối với mỗi bệnh nhân, người thầy thuốc phải có một kế hoạch điều trị để có thể đạt được hiệu quả kiểm soát đường huyết tốt nhất mà không gây ra hạ đường huyết thường có hoặc nặng.
Theo y học hiện đại
Theo dõi điều trị:
Chú ý đến tình trạng kiểm soát đường và bất cứ biến chứng cấp hoặc mạn nào biểu hiện trên lâm sàng bằng cách điều tra về mặt triệu chứng học như iểu đêm, tiểu nhiều, uống nhiều, mệt mỏi, nhìn mờ …
Định lượng đường:
Glucose huyết tương: lúc đói (tức sau 1 đêm nhịn ăn) < 115 mg%.
Dung nạp Glucose sau 2 giờ < 140 mg%. 
Chẩn đoán tiểu đường đặt ra nếu 140 mg% < Glucose < 200 mg%
Glucose ở mao mạch < 115 mg%. Độ tin cậy của kết quả định lượng này phụ thuộc vào kỹ thuật lấy máu, chuẩn định dụng cụ và số lần theo dõi.
Glucose trong nước tiểu để xác định đường máu có nằm trên ngưỡng thận không (150 - 350 mg%). Bình thường Glucose không có trong nước tiểu.
Đo Hemoglobine Glycosylated:
Là một biện pháp quan trọng để kiểm tra đường từng thời kỳ. Tỷ lệ % của Hemoglobine gắn đường ổn định trong máu giúp đánh giá các dữ kiện tự theo dõi đường máu của bệnh nhân.
Xét nghiệm cetone:
Đo Cetone trong máu và nước tiểu. Cetone có thể sinh ra nhiều khi bị nhiễm acid cetone, bị đói kéo dài hoặc ngộ độc rượu hoặc bị stress.
Giáo dục bệnh nhân:
Bệnh tiểu đường được điều trị tối ưu khi bệnh nhân có thông tin đầy đủ. Điều trị bệnh tiểu đường sẽ thuận lợi khi bệnh nhân làm đúng việc săn sóc hàng ngày. Giáo dục phải nhấn mạnh tới khía cạnh thực hành và việc điều trị bao gồm:
Chế độ ăn.
Kỹ thuật theo dõi đường và cetone.
Hoạt động thể lực và thái độ tâm thần trong cuộc sống.
Dùng thuốc.
Hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình hoặc các người ở cùng phòng.
Thay đổi chế độ ăn:
Quan trọng với tất cả mọi loại tiểu đường, kể cả với bệnh nhân kém dung nạp đường.
Các mục tiêu của điều trị bằng chế độ ăn khác nhau tùy thuộc vào:
Type tiểu đường.
Tình trạng béo phì.
Lượng mỡ bất thường trong máu.
Có các biến chứng của tiểu đường.
Đang được điều trị nội khoa.
Và cả theo sở thích, khả năng tài chính và yêu cầu của bệnh nhân.
Các mục tiêu của calorie đặt ra cần phải đạt được và giữ vững cân nặng lý tưởng. Giảm calorie chỉ đặt ra khi bệnh nhân quá béo.
Giữ vững thành phần và thời gian ăn là quan trọng, nhất là đối với bệnh nhân dùng một chế độ Insuline hoặc thuốc Sulfamide hạ đường huyết cố định.
Thành phần món ăn, thành phần dinh dưỡng tối ưu cho người tiểu đường không cố định. Sự quan tâm không chỉ vì thức ăn ảnh hưởng tới đường huyết mà còn làm giảm xơ vữa động mạch và các biến chứng mạn tính khác.
Hydrate carbon: 55 - 60%, là chất chủ yếu cung cấp calorie ăn vào. Thức ăn có lượng đường cao phải hạn chế nhưng vẫn phải có để cân bằng bữa ăn.
Protein: 10 - 20%, đủ cung cấp bilan nitrogen và tăng trưởng. Đối với các bệnh nhân có biến chứng thận phải giới hạn lượng Protein.
Mỡ: 25 - 30%, phải hết sức hạn chế. Lượng Cholesterol ăn vào phải dưới 300 mg và mỡ bão hòa phải thay bằng nhiều loại mỡ không bão hòa.
Thức ăn có sợi 25 g/1000 kcal có thể làm chậm sự hấp thu đường và đỡ tăng đường sau khi ăn. Thức ăn có chứa sợi gồm đậu, rau, thức ăn có chứa keo, cám, có thể làm giảm đường đồng thời hạ Cholesterol toàn bộ và Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL).
Các chất ngọt nhân tạo có thể dùng thay đường trong nước uống và một số thức ăn. Aspartame và Saccharine giúp làm giảm lượng đường ăn vào mà vẫn giữ được ngon miệng.
Cần hạn chế rượu:
Rượu ức chế hình thành glycogen ở gan và có thể làm hạ đường huyết ở bệnh nhân dùng Insuline hoặc thuốc hạ đường huyết.
Rượu làm tăng Triglyceride cấp và mạn và rối loạn chuyển hóa chất Sulfamide.
Rượu có chứa đường cũng có thể gây tăng đường huyết.
Rượu làm thương tổn hệ thần kinh nặng hơn.
Y học cổ truyền cũng rất chú ý đến vấn đề tiết chế trong điều trị bệnh Tiêu khát. Nhìn chung không có gì khác biệt so với y học hiện đại.
Hạn chế các chất cao lương mỹ vị, giảm ăn các chất cay, béo, ngọt. Nên ăn nhiều chất hoa quả, rau xanh, giá đậu, bí, ngô, nên uống nước trà xanh hàng ngày.
Giảm mỡ để tránh nê trệ hại Tỳ vị, không có lợi cho người bệnh.
Tuyệt đối kiêng rượu và thuốc lá, vì rượu tính ôn vị cay phát tán vào cơ thể làm cho hao tân dịch, làm tăng bệnh và dễ gây biến chứng.
Hoạt động thể lực:
Vừa có lợi, vừa có hại cho bệnh nhân tiểu đường.
Ở người bình thường, sử dụng đường tăng lên khi cơ bắp hoạt động do được điều hòa sản xuất đường ở gan. Cân bằng này được Insuline điều chỉnh.
Ở người tiểu đường, khi tập luyện đường huyết tăng lên rõ rệt và tình trạng nhiễm cetone có thể xảy ra khi bệnh nhân tiểu đường không được kiểm soát tốt, hoặc sự hạ đường huyết có thể nặng do lượng Insuline đưa vào nhiều hoặc Insuline tiết ra do tác dụng kích thích tụy của thuốc uống hạ đường huyết. Một kế hoạch ăn cẩn trọng và có định mức là rất cần thiết khi bệnh nhân đang được điều trị Insuline tăng hoạt động hay thử tập luyện nặng. Tập luyện nặng có thể hại cho bệnh nhân tiểu đường tăng nguy cơ biến chứng mạn như tim mạch, thần kinh và võng mạc. Để đề phòng cần đánh giá tình trạng tim mạch, săn sóc cẩn thận.
Y học cổ truyền trong bệnh này, khuyên người bệnh tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, thư giãn, đi bộ vận động nhẹ nhàng mỗi ngày. Tuyệt đối giữ cơ thể không bị chấn thương xây xát ngoài da.
Thái độ tinh thần trong cuộc sống:
Vấn đề này được chú ý nhiều trong y học cổ truyền hơn.
Tự tạo cho mình cuộc sống thoải mái cả về thể xác lẫn tinh thần, tránh không để tức giận thái quá, căng thẳng quá làm Can khí uất kết, uất trệ sinh nhiệt hóa táo thương âm, sinh ra mồm khát nhiều, hay đói; hoặc vui mừng thái quá, thần tán sinh nhiệt, lo nghĩ nhiều hại Tỳ, lo sợ nhiều hại Thận …
Điều trị thuốc:
Gồm điều trị bằng Insuline, hoặc uống thuốc hạ đường huyết Sulfonylure.
Lựa chọn thuốc phải cân nhắc cẩn thận tới tác dụng phụ có thể tổn hại tới việc điều tri bệnh và làm nặng lên các biến chứng của tiểu đường. Nhưng việc điều trị là bắt buộc khi có chỉ định chắc chắn. Phải theo dõi đường huyết nhiều lần khi thay đổi liều lượng hoặc ngừng (gián cách) bất cứ loại thuốc nào.
Chăm sóc dự phòng:
Một số biến chứng nặng có thể giảm nhờ săn sóc dự phòng đặc hiệu.
Sự hiểu biết của bệnh nhân về bệnh của mình, các biến chứng và chế độ điều trị để tiếp ứng khi có biến chứng xảy ra, sẽ giúp đỡ rất lớn cho việc điều trị tốt hơn.
Tiêm chủng: Tiêm vaccin phòng bệnh phế cầu cho tất cả bệnh nhân. Hằng năm phải tiêm chủng phòng cúm.
Phải chú ý tới các yếu tố nguy hiểm khác về bệnh tim mạch. Phát hiện và điều trị bệnh cao huyết áp, tăng mỡ trong máu, tránh hút thuốc lá đặc biệt trong các mục tiêu giữ gìn sức khỏe.
Các biến chứng thần kinh trên bệnh nhân tiểu đường. Cần được chăm sóc 2 chân cẩn thận gồm đi giày vừa vặn không chật, mang vác quá nặng; cần thăm hàng ngày các chỗ tổn thương, cẩn thận khi điều trị sẹo, cắt và làm sạch móng chân.
Theo y học cổ truyền
Biện chứng luận trị:
Phép trị chung là lấy Dưỡng âm thanh nhiệt, sinh tân dịch làm cơ sở.
Nhưng trên lâm sàng hội chứng của bệnh tiểu đường có thể thiên về chủ chứng mà gia giảm.
Đối với thể không có kiêm chứng hoặc biến chứng:
Phép trị: Dưỡng âm thanh nhiệt.
Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:
Bài thuốc Tri bá địa hoàng hoàn gia vị gồm Sinh địa 20g, Tri mẫu 12g, Hoài sơn 20g, Hoàng bá 12g, Sơn thù 10g, Mạch môn 12g, Đơn bì 12g, Sa sâm 12g, Phục linh 12g, Ngũ vị tử 4g, Trạch tả 12g.
Phương thuốc này có bổ có tả, kiêm trị tam âm, trị âm hư hỏa vượng triều nhiệt là phương thuốc dưỡng âm thanh nhiệt mạnh mẽ.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc
Dược lý Y học cổ truyền
Vai trò
Sinh địa
Bổ Can Thận
Quân
Hoài sơn
Sinh tân chỉ khát
Thần
Sơn thù
Thanh tả Can hỏa
Đơn bì
Tư Thận, tả Hỏa
Phục linh
Thẩm thấp hòa Tỳ
Thần
Trạch tả
Thanh tả nhiệt
Thần
Tri mẫu
Thanh tả nhiệt Hỏa
Quân
Hoàng bá
Thanh tả nhiệt Hỏa
Quân
Mạch môn
Bổ Phế âm, dưỡng Vị, sinh Tân
Thần
Ngũ vị tử
Liễm Phế tư Thận, sinh Tân liễm hãn
Sa sâm
Dưỡng Vị, sinh Tân
Ngoài ra, theo tài liệu Trung dược ứng dụng lâm sàng (Y học viễn Trung Sơn) do GS Trần Văn Kỳ lược dịch có nêu:
Nước sắc Sinh địa có tác dụng hạ đường huyết rõ trên súc vật thực nghiệm đường huyết cao, cũng có thể làm cho đường huyết bình thường của thỏ hạ thấp.
Nước sắc Tri mẫu có tác dụng kháng khuẩn mạnh trên các loại trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn đường ruột, tụ cầu khuẩn, và tác dụng hạ đường huyết trong thể Phế Vị táo nhiệt.
Nước sắc Sơn thù có tác dụng ức chế Tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ và hạ đường huyết trên thực nghiệm.
Ngũ vị tử trên thực nghiệm có tác dụng tăng chức năng của tế bào miễn dịch, gia tăng quá trình tổng hợp và phân giải Glycogen, cải thiện sự hấp thu đường của cơ thể.
Bài thuốc 2 gồm Sinh địa 40g, Thạch cao 40g, Thổ Hoàng liên 16g.
Bài thuốc có tác dụng Dưỡng âm thanh nhiệt.
Phân tích bài thuốc
Vị thuốc
Dược lý Y học cổ truyền
Vai trò
Sinh địa
Tư âm giáng hỏa.
Lương huyết, sinh tân, nhuận táo.
Quân
Thạch cao
Thanh nhiệt lương huyết
Thần
Hoàng liên
Thanh nhiệt tả hỏa
Theo nghiên cứu thực nghiệm của Tạp chí Y học Quảng Tây - 1984, Thạch cao có tác dụng hạ áp, hạ nhiệt, có tác dụng bảo hộ và điều tiết khả năng miễn dịch của cơ thể.
Hoàng liên có tác dụng kháng khuẩn lỵ trực trùng đường ruột, lợi tiểu, hạ nhiệt và dùng ngoài chữa đau mắt và mụn nhọt.
Gia giảm bài thuốc theo các thể lâm sàng:
Thể Phế âm hư:
Phép trị: Dưỡng âm nhuận Phế.
Những bài thuốc sử dụng:
Bài thuốc Tri bá địa hoàng hoàn gia vị gồm Sinh địa 20g, Tri mẫu 12g, Hoài sơn 20g, Hoàng bá 12g, Sơn thù 10g, Mạch môn 12g, Đơn bì 12g, Sa sâm 12g, Phục linh 12g, Ngũ vị tử 4g, Trạch tả 12g.
Gia thêm Thạch cao 40g.
Bài thuốc Thiên hoa phấn thang gồm Thiên hoa phấn 20g, Sinh địa 16g, Mạch môn 16g, Cam thảo 6g, Ngũ vị tử 8g, Gạo nếp 16g. 
Vị thuốc
Dược lý Y học cổ truyền
Vai trò
Thiên hoa phấn
Sinh tân dịch, hạ hỏa, nhuận táo
Quân
Sinh địa
Tư âm giáng hỏa, lương huyết, sinh tân, nhuận táo
Quân
Mạch môn
Bổ Phế âm, sinh tân
Cam thảo
Giải độc, tả hỏa
Sứ
Ngũ vị tử
Liễm Phế tư Thận, sinh tân, liễm hãn
Gạo nếp (sao)
Dưỡng Vị trợ Tỳ
Thể Vị âm hư:
Phép trị: Dưỡng Vị sinh tân.
Những bài thuốc sử dụng:
Bài Tri bá địa hoàng hoàn gia vị gồm Sinh địa 20g, Tri mẫu 12g, Hoài sơn 20g, Hoàng bá 12g, Sơn thù 10g, Mạch môn 12g, Đơn bì 12g, Sa sâm 12g, Phục linh 12g, Ngũ vị tử 4g, Trạch tả 12g.
Gia thêm Hoàng liên 16g.
Bài Tăng dịch thang gia giảm gồm Huyền sâm 20g, Sinh địa 20g, Mạch môn 16g, Thiên hoa phấn 16g, Hoàng liên 16g, Đại hoàng 8g.
Thể Thận âm hư - Thận dương hư:
Phép trị: Tư âm bổ Thận, sinh tân dịch (cho Thận âm hư). Ôn bổ Thận, sáp niệu (cho Thận dương hư).
Những bài thuốc sử dụng:
Bài Tri bá địa hoàng hoàn gia giảm gồm Sinh địa (hoặc Thục địa) 20g, Kỷ tử 12g, Hoài sơn 20g, Sa sâm 8g, Sơn thù 8g, Thạch hộc 12g, Đơn bì 12g, Thiên hoa phấn 8g.
Bài Bát vị quế phụ gia giảm gồm Thục địa 20g, Tang phiêu tiêu 12g, Hoài sơn 20g, Kim anh tử 12g, Đơn bì 12g, Khiếm thực 8g, Trạch tả 12g, Sơn thù 8g.
Đối với thể có kiêm chứng và biến chứng:
Hồi hộp mất ngủ do âm hư tân dịch tổn thương:
Phép trị: Ích khí dưỡng huyết, tư âm thanh nhiệt.
Bài thuốc sử dụng:
Bài Thiên vương bổ tâm đơn gồm Sinh địa 30g, Ngũ vị tử 6g, Nhân sâm 6g, Đương quy 15g, Huyền sâm 6g, Thiên môn 15g, Đơn sâm 6g, Mạch môn 15g, Phục thần 6g, Bá tử nhân 15g, Viễn chí 6g, Táo nhân 12g, Cát cánh 6g, Chu sa 6g.
Chứng đầu váng mắt hoa:
Phép trị: Bình Can tiềm dương (Âm hư dương xung).
Hóa đờm giáng nghịch (Đờm trọc).
Những bài thuốc sử dụng:
Bài Thiên ma câu đằng ẩm gồm Thiên ma 9g, Thạch quyết minh 18g, Câu đằng 12g, Tang ký sinh 12g, Hoàng cầm 9g, Sơn chi 9g, Ngưu tất 12g, Ích mẫu 9g, Đỗ trọng 12g, Phục thần 9g.
Bài này dùng trong trường hợp Bình Can tiềm dương.
Bài Bán hạ bạch truật thiên ma thang gồm Bán hạ 10g, Trần bì 6g, Bạch truật 20g, Phục linh 6g, Thiên ma 6g, Cam thảo 4g.
Bài này dùng trong trường hợp hóa đàm giáng trọc.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc
Dược lý Y học cổ truyền
Vai trò
Bán hạ
Tiêu đàm thấp, giáng khí nghịch
Quân
Bạch truật
Kiện Tỳ táo thấp
Quân
Phục linh
Kiện Tỳ, lý khí, trừ thấp
Thần
Trần bì
Kiện Tỳ, lý khí, táo thấp, hóa đàm
Thiên ma
Hóa đàm, tức phong
Cam thảo
Ôn trung, hòa vị
Sứ
Chứng nhọt, lở loét thường hay tái phát, khó khỏi, răng lợi sưng đau:
Phép trị: Thanh nhiệt giải độc.
Những bài thuốc sử dụng:
Bài Ngũ vị tiêu độc ẩm gồm Kim ngân 20g, Huyền sâm 15g, Cúc hoa 20g, Hạ khô thảo 15g, Bồ công anh 15g.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc
Dược lý Y học cổ truyền
Vai trò
Kim ngân hoa
Thanh nhiệt giải độc
Quân
Huyền sâm
Tư âm giáng hỏa, lương huyết giải độc
Thần
Cúc hoa
Thanh nhiệt, giải độc, tán phong
Hạ khô thảo
Thanh can hỏa, tán uất kết
Bồ công anh
Giải độc tiêu viêm, thanh nhiệt
Chân tay tê dại, mệt mỏi, cơ teo, đầu chân tay tê dại đi không vững:
Phép trị: Dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận Phế chỉ khái.
Những bài thuốc sử dụng:
Bài Bách hợp cố kim thang gồm Sinh địa 16g, Thục địa 16g, Bách hợp 12g, Bạch thược 12g, Bối mẫu 8g, Cam thảo 4g, gia Đương quy 8g, Mạch môn 12g, Huyền sâm 12g, Cát cánh 12g.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc
Dược lý Y học cổ truyền
Vai trò
Sinh địa
Tư âm thanh nhiệt lương huyết
Thần
Thục địa
Tư âm dưỡng huyết
Thần
Bách hợp
Nhuận phế chỉ khái, bổ tâm thanh nhiệt
Quân
Bạch thược
Liễm âm, dưỡng huyết, chỉ thống
Bối mẫu
Thanh phế hóa đàm, dưỡng âm
Cam thảo
Ôn trung, điều hòa các vị thuốc
Sứ
Đương quy
Nhu nhuận, dưỡng huyết
Mạch môn
Nhuận phế, sinh tân
Quân
Huyền sâm
Tư âm thanh nhiệt
Thần
Cát cánh
Thông phế khí, dẫn thuốc đi lên
Tá - Sứ
Điều trị bằng châm cứu:
Thể châm: Có thể chọn các huyệt sau:
Khát nhiều: Phế du, Thiếu thương.
Ăn nhiều: Tỳ du, Vị du, Túc tam lý.
Tiểu nhiều: Thận du, Quan nguyên, Phục lưu, Thủy tuyền.
Nhĩ châm:
Uống nhiều: Nội tiết, Phế, Vị. 
Ăn nhiều: Nội tiết, Vị.
Tiểu nhiều: Nội tiết, Thận, Bàng quang.
Mai hoa châm:
Gõ dọc Bàng quang kinh hai bên cột sống từ Phế du đến Bàng quang du, kích thích vừa, mỗi lần 5 - 10 phút. Gõ cách nhật hoặc hàng ngày.
Kinh nghiệm dân gian đơn giản trị tiểu đường:
Bài thuốc kinh nghiệm 1:
Bao gồm Dây lá khổ qua 40g, Lá đa 20g. Kinh nghiệm trên được GS. Bùi Chí Hiếu nghiên cứu trên thực nghiệm ghi nhận được có tác dụng hạ đường huyết, chống viêm. Trên lâm sàng có hiệu quả ổn định đường huyết đối với loại tiểu đường không lệ thuộc Insuline.
Những kinh nghiệm dân gian khác:
Bí đao: 100g nấu sôi, giã nát vắt nước uống thường xuyên, hàng ngày.
Rau cần tây: 100g nấu sôi, giã nát vắt nước uống ngày 2 lần.
Củ cải 5 củ, gạo tẻ 150g, củ cải nấu chín, vắt lấy nước cho gạo vào nấu ăn thường xuyên.
Trái Khổ qua 250g, thịt 100g. Nấu canh ăn.
Tụy heo 250g, Hoài sơn 120g, Thiên hoa phấn 120g. Tụy heo giã nát trộn với bột thuốc.
Vỏ trắng rễ dâu, gạo nếp rang phồng mỗi thứ 50g. Sắc uống hàng ngày.
Biến chứng của bệnh tiểu đường
Biến chứng mãn
Bệnh nhân bị tiểu đường có thể bị rất nhiều biến chứng làm thể trạng suy tăng sụp. Trung bình các biến chứng xảy ra khoảng đến 20 năm sau khi đường huyết cao rõ rệt. Tuy nhiên cũng có vài người không bao giờ bị biến chứng hoặc biến chứng xuất hiện rất sớm. Một bệnh nhân có thể có nhiều biến chứng cùng một lúc và cũng có thể có một biến chứng nổi bật hơn tất cả.
Biến chứng ở mạch máu lớn:
Xơ cứng động mạch thường gặp trên người bị tiểu đường, xảy ra sớm hơn và nhiều chỗ hơn so với người không bệnh.
Xơ cứng động mạch ở mạch máu ngoại biên có thể gây tình trạng đi cách hồi, hoại thư và bất lực ở đàn ông. Bệnh động mạch vành và tai biến mạch máu não cũng hay xảy ra. Nhồi máu cơ tim thể không đau có thể xảy ra trên người bị tiểu đường và ta nên nghĩ đến biến chứng này khi bệnh nhân bị tiểu đường thình lình bị suy tim (T). Vì vậy phải làm ECG định kỳ và Doppler mạch máu để phát hiện sớm sang thương.
Biến chứng ở mạch máu nhỏ:
Sang thương xảy ra ở những mạch máu có đường kính nhỏ, có tính lan tỏa và đặc hiệu của tiểu đường. Ảnh hưởng chủ yếu lên 3 cơ quan: bệnh lý võng mạc, bệnh lý cầu thận và bệnh lý thần kinh.
Cơ chế bệnh sinh của sang thương mạch máu nhỏ chưa rõ. Có sự tham gia của rối loạn huyết động học như tăng hoạt tính của tiểu cầu, tăng tổng hợp Thromboxan A2 là chất co mạch và kết dính tiểu cầu, tạo điều kiện cho sự thành lập vi huyết khối. Ngoài ra sự tăng tích tụ Sorbitol và Fructose ở các mô, sự giảm nồng độ Myonositol cũng làm cho sang thương mạch máu trầm trọng hơn. Cuối cùng tình trạng cao huyết áp cũng làm nặng thêm bệnh lý vi mạch ở võng mạc và thận.
Sang thương được mô tả của mạch máu nhỏ là sự dày lên của màng đáy mao mạch và lớp dưới nội mạc của các tiểu động mạch. Nặng hơn nữa là sự biến mất của các tế bào chu bì bao quanh và nâng đỡ mạch máu. Tổn thương này hay gặp trong bệnh lý võng mạc và thận. Các sang thương mô học đầu tiên xảy ra sớm nhưng các biểu hiện lâm sàng chỉ xuất hiện khoảng 10 đến 15 năm sau khi bệnh đã khởi phát.
Bệnh lý võng mạc:
Thay đổi cơ bản: Thay đổi sớm nhất ở võng mạc là các mao quản tăng tính thấm. Sau đó những mao quản bị nghẽn tắc tạo nên các mạch lựu dạng túi hay hình thoi. Sang thương mạch máu kèm theo sự tăng tế bào nội mạc mao quản và sự biến mất của các tế bào chu bì (pericytes) bao quanh và nâng đỡ mạch máu. Ngoài ra còn có hiện tượng xuất huyết và xuất tiết ở võng mô.
Sang thương tăng sinh: Chủ yếu do tân tạo mạch máu và hóa sẹo. Cơ chế kích thích sự tăng sinh mạch máu không rõ, có giả thiết cho rằng nguyên nhân đầu tiên là tình trạng thiếu oxy do mao quản bị tắc nghẽn, 2 biến chứng trầm trọng của sang thương tăng sinh là xuất huyết trong dịch thể và bóc tách võng mô gây ra mù cấp tính. Thường sau 30 năm bị tiểu đường, hơn 80% bệnh nhân sẽ có bệnh lý võng mạc, khoảng 7% sẽ bị mù. Muốn phát hiện sớm các sang thương đầu tiên của võng mạc phải dùng phương pháp chụp động mạch võng mạc có huỳnh quang thì những sang thương vi mạch lựu sẽ phát hiện kịp thời, điều trị sớm, phòng ngừa diễn tiến của bệnh lý võng mạc.
Bệnh lý thận:
Đây thường là một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh tiểu đường. Có 4 loại sang thương được mô tả trên kính hiển vi:
Tình trạng xơ hóa vi cầu thận.
Tình trạng xơ cứng động mạch tới và động mạch đi khỏi vi cầu thận.
Glycogen, mỡ và Mucopolysaccharides ứ đọng quanh ống thận.
Ở vi cầu thận, người ta có thể thấy 2 loại sang thương:
Những đám tròn chất hyalin, phản ứng PAS dương tính xuất hiện gần bờ ngoài vi cầu thận.
Màng cơ bản của các mao quản dày lên, phần trung mô cũng tăng sinh.
Tuy nhiên không có sự liên quan mật thiết giữa sang thương vi thể và triệu chứng lâm sàng. Có thể khi làm sinh thiết thận đã có sang thương nhưng trên lâm sàng chức năng thận hoàn toàn bình thường. Mặt khác, nếu trên lâm sàng có biến chứng thận, người ta có thể nghĩ là đã có thay đổi vi thể.
Hội chứng Kimmelstiel Wilson bao gồm phù, cao huyết áp, tiểu đạm và suy thận trên bệnh nhân bị tiểu đường. Tiểu đạm > 3 g/24 giờ là dấu hiệu xấu.
Đa số các bệnh nhân bị biến chứng thận đồng thời có thay đổi ở đáy mắt nhưng nhiều bệnh nhân có thay đổi ở đáy mắt lại không có triệu chứng rõ ràng của bệnh thận.
Thời gian bán hủy của Insuline kéo dài trên người suy thận, cơ chế của nó chưa được biết rõ.
Biến chứng thần kinh:
Biến chứng thần kinh ảnh hưởng lên mọi cơ cấu của hệ thần kinh, có lẽ chỉ trừ não bộ. Biến chứng gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân dù ít khi gây tử vong.
Tham gia vào cơ chế sinh bệnh do rối loạn chuyển hóa dẫn tới giảm Myonositol và tăng Sorbitol, Fructose trong dây thần kinh. Ngoài ra còn có thiếu máu cục bộ do tổn thương vi mạch dẫn đến thoái biến myelin dây thần kinh và giảm tiêu thụ oxy.
Biến chứng thần kinh hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường là:
Viêm đa dây thần kinh ngoại biên: Thường bị đối xứng, bắt đầu từ đầu xa của chi dưới, tê nhức, dị cảm, tăng nhạy cảm và đau. Đau thường âm ỉ hoặc đau trong sâu, có khi đau như điện giật. Khám thường sớm phát hiện mất phản xạ gân xương, đặc hiệu là mất phản xạ gân Achille. Mất cảm giác rung vỏ xương.
Viêm đơn dây thần kinh: cũng có thể xảy ra nhưng hiếm. Triệu chứng cổ tay rớt, bàn chân rớt hoặc liệt dây thần kinh III, IV, VI, bệnh có thể tự hết. Bệnh nhân còn có thể bị đau theo rễ thần kinh.
Biến chứng thần kinh dinh dưỡng (hay thực vật) còn gọi biến chứng thần kinh tự chủ ảnh hưởng lên các cơ quan như:
Tim mạch: Tăng nhịp tim ở trạng thái nghỉ ngơi: 90 - 100 lần/phút. Giảm huyết áp tư thế (huyết áp tâm thu ở tư thế đứng giảm > 30 mmHg).
Tiêu hóa: Mất hoặc giảm trương lực của thực quản, dạ dày, ruột, túi mật. Bệnh nhân nuốt khó, đầy bụng sau khi ăn. Tiêu chảy thường xảy ra về đêm, từng đợt không kèm theo đau bụng, xen kẽ với táo bón.
Hệ niệu sinh dục: Biến chứng thần kinh bàng quang làm giảm co bóp và liệt bàng quang. Bất lực ở nam giới.
Bất thường tiết mồ hôi: Giảm tiết mồ hôi ở nửa phần thân dưới và tăng tiết phần thân trên, tay và mặt, nhất là khi ngủ tối và sau khi ăn các chất gia vị.
Rối loạn vận mạch: Phù ngoại biên ở mu bàn chân.
Teo cơ, giảm trương lực cơ.
Biến chứng nhiễm trùng:
Cơ địa tiểu đường rất dễ bị nhiễm trùng bởi vì khả năng thực bào giảm do thiếu Insuline dẫn tới giảm sức đề kháng của cơ thể. 
Nhiễm trùng mụn nhọt ngoài da thường do Staphylococus aureus gây ra. Nhiễm nấm Candida Albicans ở bộ phận sinh dục hay kẽ móng tay và chân.
Nhiễm trùng tiểu thường vi trùng gram (-) E.Coli gây viêm bàng quang, viêm đài bể thận cấp, mãn, viêm hoại tử gai thận. Viêm phổi do vi trùng gram (-) hay gặp, vi trùng gram (+), vi trùng lao.
Loét chân ở bệnh tiểu đường:
Thường do phối hợp biến chứng thần kinh, biến chứng mạch máu và biến chứng nhiễm trùng. Vi trùng gây nhiễm trùng chân thường ít khi một loại vi trùng mà thường phối hợp các loại vi trùng gram (+), vi trùng gram (-) và vi trùng kỵ khí.
Biến chứng cấp
Hôn mê do nhiễm Cetone - acid: 
Sinh bệnh học:
Tình trạng hôn mê này là hậu quả của sự thiếu Insuline tương đối hay tuyệt đối kèm theo sự gia tăng nhiều ít của các hormone chống Insuline như Glucagon, Cortisol, Catécholamine, hormone tăng trưởng.
Thiếu Insuline:
Tăng Glucose huyết.
Glucose không vào được tế bào cơ và tế bào mỡ.
Sự sản xuất Glucose nội sinh tăng lên, gan tăng sự thủy phân Glycogen và tăng sự tân sinh đường để phóng thích Glucose vào máu. Ngoài ra, gan tăng sự phóng thích Glucose cũng còn do tăng Glucagon, tăng Cortisol trong máu và gia tăng các chất cần cho sự tân sinh đường đến gan (như acid amin, Lactate, Glycérol)
Tăng Glucose huyết đưa đến rối loạn nước và điện giải. Tăng Glucose huyết => tăng áp lực thẩm thấu ngoại bào => nước từ nội bào ra khoảng ngoại bào => lúc đầu tăng thể tích huyết tương => tăng lượng máu đến vi cầu thận => tăng lượng Glucose lọc qua vi cầu thận => đa niệu thẩm thấu. Tình trạng đa niệu thẩm thấu này tuy giới hạn phần nào sự tăng Glucose huyết nhưng gây kiệt nước, mất K+, mất Na+.
Tăng thể Cetone huyết:
Thiếu Insuline, các men ở gan hướng về sự thành lập thể Cetone. Mỡ bị thủy phân thành acid béo nhiều hơn. Tăng Glucagon sẽ kích thích men Carnitine acyl transferase giúp cho acid béo đi vào ty thể (mitochondries) để được oxyt hóa.
Cetone là năng lượng có thể được sử dụng bởi cơ tim, cơ vân, thận. Ở người thường nó có thể ức chế sự ly giải mô mỡ, có lẽ do kích thích sự tiết Insuline. Sự ức chế ly giải mô mỡ này không có trong tình trạng nhiễm cetone acid. Nồng độ thể Cetone khi đó tăng rất nhiều so với sự sử dụng và tăng nhanh huyết tương đến 100 - 300 mg% (bình thường dưới 5 mg% sau 12 giờ nhịn đói).
Thể Cetone gồm chủ yếu acid  hydroxybutyric và acid aceto acetic là acid mạnh sẽ gây độc toan biến dưỡng. Lượng dự trữ kiềm HCO3- trong máu sẽ giảm và khi khả năng bù trừ bị vượt quá pH máu sẽ giảm.
Bệnh nhân sẽ có nhịp thở sâu Kussmaul để tăng thải CO2. Tăng thải các acid cetonic qua thận dưới thể muối Na, K. Độc toan nặng có thể đưa đến trụy tim mạch do giảm co bóp cơ tim, giảm trương lực mạch máu, giảm sự cảm thụ của cơ tim với Catécholamine nội sinh.
Thoái biến chất đạm và tăng acid amin trong máu:
Giảm Insuline và tăng các hormone chống Insuline trong huyết tương. Thí dụ Cortisol sẽ gia tăng sự thoái biến chất đạm.
Thủy phân đạm ở cơ.
Alanine (acid amin chính của sự tân sinh đường) từ cơ dồn đến gan. Cơ giảm thu nạp các acid amin có nhánh (valine, leucine, isoleucine).
Sự thoái biến đạm này làm K+ từ nội bào ra ngoại bào nhiều.
Nguyên nhân:
Trên bệnh nhân thiếu Insuline tuyệt đối: Xảy ra trên tiểu đường trẻ 83% trường hợp khi bệnh nhân thình lình ngưng Insuline.
Trên bệnh nhân thiếu Insuline tương đối: Khi có một nguyên nhân thêm vào:
Nhiễm trùng (50% trường hợp): Nhiễm trùng hô hấp trên (tai, miệng), abcès miệng, viêm phổi, viêm đài bể thận cấp, viêm đường mật, nhiễm trùng huyết.
Nhồi máu cơ tim.
Viêm tụy cấp, thủng dạ dày tá tràng.
Thai kỳ (tăng nhu cầu Insuline từ tháng thứ tư).
Cường giáp trạng.
Mổ.
Chấn thương (cơ thể hay tinh thần).
Các trường hợp trên đều làm tăng Cortisol, Glucagon, Catécholamine.
Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:
Thời kỳ nhiễm Cetone:
Nếu chưa biết bệnh nhân có tiểu đường, hỏi bệnh sử sẽ có gầy nhanh, 2 - 3 ngày nay ăn kém, nôn, tiểu nhiều, uống nhiều, mệt.
Trong nước tiểu: đường niệu > 20 g/l, có Cetone trong nước tiểu.
Máu: tăng đường huyết, giảm dự trữ kiềm 18 < HCO3- < 25 mEq/l, pH máu bình thường.
Nếu điều trị đúng, diễn tiến tốt rất nhanh. Nếu đã biết có bệnh tiểu đường, theo dõi nước tiểu thấy bắt đầu có nhiễm cetone, sẽ tăng liều Insuline nhanh cho đến khi hết cetone trong nước tiểu. Nếu không hết, cho bệnh nhân nhập viện.
Thời kỳ nhiễm Cetone acid nặng:
(thời kỳ độc toan biến dưỡng do nhiễm Cetone nặng).
Rối loạn tri giác, lơ mơ, hôn mê.
Thở sâu nhịp Kussmaul.
Hơi thở có mùi Cetone.
Dấu kiệt nước ngoại và nội tế bào: da khô, mắt hõm sâu, tĩnh mạch cổ xẹp, hạ huyết áp, giảm cân, khô niêm mạc miệng, giảm trương lực nhãn cầu, nếu có kích xúc nên tìm sang thương nội tạng như nhồi máu cơ tim, viêm tụy cấp.
Nôn mửa, đau bụng.
Hạ nhiệt độ, dưới 36oC.
Khi khám nên hỏi: trường hợp xuất hiện các triệu chứng, thời điểm xuất hiện và độ trầm trọng của từng triệu chứng nôn, đi cầu, các thuốc dùng trước khi nhập viện như lợi tiểu, Corticoides, chú ý phát hiện dấu chứng rối loạn nước điện giải và hạ K+ máu.
Triệu chứng cận lâm sàng (thử ngay tại giường bệnh):
Trong nước tiểu: Glucose niệu > 20 g/l, Cetone nước tiểu (+) mạnh.
Trong huyết tương: Cetone máu (4+) với huyết tương chưa hòa tan, Cetone máu (2+) với huyết tương đã hòa tan.
Các xét nghiệm khác:
pH máu < 7,20, dự trữ kiềm HCO3- < 10 mEq/l.
Thể Cetone máu 100 - 300 mg%.
Glucose huyết tăng < 6 g/l. Nếu > 6 g/l phải nghi ngờ bệnh nhân đã truyền Glucose hoặc có suy thận.
K+ máu trước khi điều trị có thể bình thường, tăng hoặc giảm. Dù sao bệnh nhân vẫn mất K+. Nếu K+ máu giảm thì sự mất K+ rất trầm trọng, ta cần điều trị ngay từ đầu. 
Na+ có thể bình thường, tăng hoặc giảm.
Dung tích hồng cầu, đạm huyết tăng do giảm thể tích huyết tương.
Urê huyết tăng, một phần do thoái biến chất đạm, có thể do suy thận chức năng.
Diễn tiến:
Theo dõi diễn tiến:
Mỗi giờ: nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, nước tiểu, đường niệu, Cetone niệu.
Đo điện tim (ECG).
Mỗi 4 giờ: pH máu, HCO3- máu, đường huyết, ion đồ.
Theo dõi biến chứng:
Trong những giờ đầu tiên bệnh nhân có thể bị trụy tim mạch, nhiễm toan nặng, hạ K+ máu, hạ đường huyết nên phải truyền nước ngay.
Phù não bộ.
Bệnh nhân hôn mê nặng và nằm lâu có thể bị xẹp phổi, loét da, nhiễm trùng tiểu.
Điều trị:
Sửa các rối loạn nước và điện giải:
Mất nước:
Truyền 75 ml/kg cân nặng.
Tốc độ 1 l/giờ (3 - 4 giờ đầu).
Theo dõi áp suất tĩnh mạch trung ương.
Loại dịch truyền: mặn đẳng trương NaCl 9‰, khi đường huyết = 2,5 g/l truyền thêm ngọt đẳng trương 5%
 Mất Na+:
Bù khoảng 10 mEq/kg cân nặng trong dung dịch mặn đẳng trương
 Mất K+:
Bù khoảng 5 mEq/kg cân nặng.
Pha dung dịch KCl 2 - 4 g/l trong dung dịch truyền ngay từ đầu nếu K+ máu bình thường hay giảm, hoặc từ giờ thứ 2, thứ 3 nếu K+ máu lúc đầu tăng.
Chỉ truyền K+ khi không có vô niệu.
Điều trị nhiễm Cetone acid:
Bằng Insuline, ngày nay có khuynh hướng dùng liều thấp. Dùng Insuline thường, tiêm mạch 6 - 8 đơn vị/giờ. Hoặc Insuline thường tiêm mạch 20 đơn vị sau đó truyền tĩnh mạch 20 đơn vị mỗi giờ. Nếu pH máu giảm đến 7,1 có thể phải truyền dung dịch Bicarbonate HCO3- 50 - 100 mEq.
Săn sóc người hôn mê.
Điều trị các tác nhân làm trầm trọng thêm bệnh:
Hôn mê do Aceto acidosis là bệnh lý trầm trọng, tỷ lệ tử vong 14%. Muốn ngăn ngừa cần giáo dục bệnh nhân kỹ trong điều trị. Trong điều trị cần dùng Insuline và sửa các rối loạn nước - điện giải.
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu
Đây là biến chứng cấp tính thường xảy ra trên bệnh nhân bị tiểu đường đứng tuổi không phụ thuộc Insuline. Bệnh xảy ra ở người trung niên, già có đường huyết cao kéo dài kèm với tình trạng kiệt nước mà bệnh nhân không thể uống đủ số nước cần thiết để bù lại. Bệnh nhân thường sống một mình, bị tai biến mạch máu não, trước đó có dùng lợi tiểu, Corticoides hoặc làm thẩm phân phúc mạc.
Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:
Triệu chứng toàn phát sẽ không xảy ra cho đến khi thể tích máu giảm trầm trọng làm giảm lượng nước tiểu. Bệnh nhân hôn mê hoặc rối loạn tri giác.
Run cơ, kinh giật.
Cổ hơi gượng.
Có dấu hiệu kiệt nước trầm trọng cả nội bào lẫn ngoại bào.
Glucose huyết > 10 g/l.
Na+ máu > 150 mEq/l.
Cl- máu > 110 - 115 mEq/l.
K+ máu giảm.
Áp lực thẩm thấu máu tăng đến 350 - 450 mmol/l (bình thường 300 mmol/l). Ta có thể tính gần đúng áp lực thẩm thấu máu như sau:
Na mEq/l x 2 + 5,5 (đối với mỗi 100 mg% Glucose huyết).
Nếu Na+ = 160 mEq/l, Glucose huyết 100 mg%.
Áp lực thẩm thấu máu sẽ là: 160 x 2 + 5,5 x 1000/100 = 375 mmol/l.
Thể Cetone không có hay dương tính ít.
Dung tích hồng cầu tăng, đạm huyết tăng.
Trong nước tiểu: đường cao, Na+ thấp, K+ cao.
Điều trị:
Trong giờ đầu tiên truyền 2 đến 3 lít NaCl 9‰, sau đó dùng dung dịch NaCl 4,5‰. Phải truyền thêm KCl trong dung dịch. Sau khi tỉnh, không phải ai cũng cần dùng Insuline.
Tỷ lệ tử vong trên 50%.
Hôn mê do hạ đường huyết
Thường do bệnh nhân dùng Insuline hoặc Sulfamides hạ đường huyết quá liều. Dùng thuốc mà không ăn hoặc chậm giờ ăn. Hoạt động nhiều ngoài chương trình.
Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:
Hạ đường huyết cấp tính: bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi, hoa mắt, nói ngọng, lơ mơ, tim đập nhanh. Nếu cho 10 - 20 g Glucose triệu chứng sẽ hết, nếu không bệnh nhân sẽ đi vào hôn mê, có thể kèm theo kinh giật.
Hạ đường huyết từ từ và nặng: bệnh nhân nhức đầu, rối loạn tri giác, mê mệt hay ngáp. Cảm thấy yếu, nói khó và nghĩ khó. Buồn ngủ, ngủ lâu, dần dần đưa đến mất tri giác, hôn mê. Nhiệt độ cơ thể thấp. Ngoài ra bệnh nhân có thể bị giật cơ, kinh giật, động kinh, có những cảm giác kỳ lạ hoặc những cử động bất thường như múa giật …
Cận lâm sàng: Glucose huyết < 40 mg% (<0,4 g/l).
Điều trị:
Tiêm tĩnh mạch dung dịch đường ưu trương 50% 50 ml (25 g), bệnh nhân sẽ tỉnh lại trong giây phút, rất hiếm khi tỉnh lại sau 1 giờ.
Hoặc có thể chích Glucagon 0,5 mg tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, hoặc tiêm bắp lập lại mỗi 15 phút.
Khi tỉnh lại cho bệnh nhân ăn đường. Nếu hạ đường huyết do dùng Sulfamides, cần theo dõi lâu đến 3 ngày.
Đây đúng ra là một biến chứng của điều trị, nếu bệnh nhân được hướng dẫn kỹ, theo dõi kỹ, có thể ngừa được biến chứng này.
Tuy nhiên trong trường hợp phức tạp như tiểu đường kết hợp với xơ gan hoặc trên bệnh nhân suy kiệt, sinh bệnh lý học của hạ đường huyết trở nên phức tạp hơn nhiều.
Hôn mê do acid Lactic tăng cao trong máu:
Xảy ra trên bệnh nhân lớn tuổi, điều trị bằng Biguanides (Phenformine) kèm thêm yếu tố suy hô hấp cấp, suy tim, kích xúc, nhiễm trùng huyết do vi trùng gram (-), viêm tụy cấp, uống nhiều rượu.
Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:
Bệnh khởi đầu mau, hôn mê thật sự, bệnh nhân có nhịp thở Kussmaul.
pH máu < 7, dự trữ kiềm giảm.
Acid lactic máu 10 - 20 mEq/l (bình thường 1 mEq/l hoặc 9 mg%).
Acid pyruvic máu tăng gấp 3 - 4 lần bình thường (bình thường 0,214 mEq/l).
Cl- giảm, K+ tăng, Na+ tăng.
Khoảng trống anion tăng. Bình thường khoảng anion là (Na+) – (Cl- + HCO3-) = 10 - 20 mEq/l hoặc 9 mg%.
Điều trị:
Không có thuốc điều trị thích hợp.
Có thể dùng Bleu de Méthylène 1,5 - 5 mg/kg cân nặng.
Hoặc truyền dung dịch NaHCO3.
Hồi sức cấp cứu tim mạch, tuần hoàn.
Đây là biến chứng rất trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao ngay cả ở các trung tâm điều trị hiện đại.



Hạ glucose máu

ĐỊNH NGHĨA
Hạ glucose máu còn được gọi là hạ đường huyết, để diễn đạt những biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng xảy ra đối với cơ thể người khi nồng độ glucose huyết tương tĩnh mạch (50 mg/ dl (2,7 mmol / l).
Hạ glucose máu là một trong những cấp cứu nội khoa thường gặp trên lâm sàng, là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường sử dụng insulin hoặc sulfamide hạ đường huyết trong đó tỷ lệ tử vong 3 - 7% ở bệnh nhân đái tháo đường týp1. Tuy nhiên thực tế lâm sàng giới hạn nồng độ đường máu nói trên có thể thay đổi do tình huống lâm sàng cấp hay mạn tùy thuộc vào độ tuổi cũng như bệnh lý đi kèm nhất là bệnh nhân đái tháo đường có thời gian mắc bệnh kéo dài.

BỆNH NGUYÊN
Hạ đường huyết lúc đói kèm cường insulin

Phản ứng insulin
Chế độ ăn không đầy đủ về số và chất lượng hoặc là do quên bữa ăn ở bệnh nhân đái tháo đường điều trị.
Hoạt động thể lực quá mức: ở người không bị đái tháo đường lượng thu nhận glucose của cơ vân (tăng 20-30 lần trên mức căn bản) được bù tân sinh đường ở gan. Điều này là do giảm insulin lưu hành do tăng catecholamine do vận động làm ức chế tế bào beta. Điều hòa này bị giảm ở bệnh nhân đang điều trị insulin. Khi các nơi lắng đọng thuốc dưới da tiếp tục phóng thích insulin trong quá trình hoạt động và tăng hấp thu insulin ở những vùng cơ gần gốc.
Hệ thống điều hòa glucose bị tổn thương ở bệnh nhân đái tháo đường bị bệnh lâu ngày. Phần lớn bệnh nhân đái tháo đường týp 1 có sự kém đáp ứng glucagon khi hạ đường huyết
Quá liều insulin. Do không nhìn rõ hoặc do thay đổi nồng độ Insulin trong lọ thuốc (40 UI/ ml thay thế 100 UI/ ml)
Quá liều sulfamide hạ đường máu, thuốc có tác dụng kéo dài (Chlopropamide có thời gian bán hủy trên 35 giờ...) Đặc biệt bệnh nhân có thương tổn gan, thận, người lớn tuổi dễ có nguy cơ hạ đường huyết.

Các nguyên khác
Stress: Khi bị stress (bệnh tật, nhiễm trùng, phẫu thuật...) thường tăng liều Insulin để cân bằng đường máu. Khi stress chấm dứt cần phải giảm liều.
Suy vỏ thượng thận (bệnh Addison) gây hạ đường huyết vì thế cần giảm liều
Insulin.
Bệnh lý dạ dày đái tháo đường: Bệnh lý thần kinh thực vật các tạng làm dạ dày giảm trương lực làm chậm đưa thức ăn từ dạ dày vào ruột, nguy cơ hạ đường sau ăn ở bệnh nhân sử dụng Insulin.
Thai nghén. Nhu cầu tiêu thụ đường tăng trong thai nghén vì thế cần giảm liều Insulin trong 3 tháng đầu.
Suy thận: Làm giáng hóa Insulin và thuốc hạ đường huyết bị kéo dài.
Thuốc dùng phối hợp: Bệnh nhân đái tháo đường có phối hợp thuốc điều trị như: Allopurinol, ức chế beta, clofibrate, cimetidine, thuốc chống đông, hydralazine, indomethacine, Maleate de perhexilline, miconazole, phenolbarbitale phenylbutazole, probenecide, salycile, sulfamide chống nhiễm khuẩn, IMAO.quinine, quinidine, úc chế men chuyển, disopyramide, tricycliques, propoxyphene, octreotide, tetracycline, mebendazole, cibenzoline, stanozolol, fluoxetine, ethanol, sertaline, tromethamirne, gancilovir, lithium, temafloxacilline.
Hạ đường huyết giả (dùng lén lút Insulin và các thuốc hạ đường huyết): liên quan đến bệnh nhân có bệnh lý tâm thần phối hợp.
Hạ đường huyết tự miễn. Có kháng thể kháng Insulin. Hạ đường huyết xảy ra 3 - 4 giờ sau ăn và được quy cho sự phân ly giữa phức hợp miễn dịch kháng thể & Insulin làm phóng thích Insulin tự do... Hạ đường huyết tự miễn do tích lũy số lượng kháng thể lớn có khả năng phản ứng với Insulin nội sinh, đã được ghi nhận ở bệnh nhân điều trị methimazole trong bệnh Basedow tại Nhật Bản, cũng như một số bệnh nhân lymphoma, đa u tủy, hội chứng lupus, trong đó paraprotein và kháng thể phản ứng chéo với Insulin.
Hạ đường huyết do kháng thể kháng thụ thể Insulin tương đối hiếm, bệnh nhân này có thời kỳ đề kháng Insulin và chứng gai đen (acanthosis nigricans).
Hạ glucose máu cũng được ghi nhân sự đáp ứng với điều trị glucocorticoid mà không thấy trong lọc huyết tương và ức chế miễn dịch.
Hạ đường huyết do dùng Pentamydine: Loại thuốc dùng điều trị nhiễm khuẩn Pneumocystic carinii ở bệnh nhân AIDS, thuốc làm tăng Insulin cấp do tác dụng trên tế bào beta (10 - 20% bệnh nhân).
U tế bào beta tuyến tuỵ.
Hạ đường huyết lúc đói không cường insulin.

Các rối loạn phối hợp với giảm lưu lượng glucose ở gan.
Do mất một số lượng tế bào gan như teo gan vàng cấp, nhiễm độc gan cấp.
Do rối loạn cung cấp acid amin đến gan (chán ăn thần kinh, nhịn đói lâu ngày, hội chứng uree máu cao, suy vỏ thượng thận).
-Do bất thường chuyển hóa glucose ở trẻ sơ sinh (thiếu men thoái biến glycogen, men tân sinh glucose).

Hạ đường huyết do rượu
Rượu (ethanol) chuyển hóa tại gan nhờ NAD và xúc tác bởi ethanol dehydrogenase. Vì thế dùng rượu lâu ngày làm giảm lượng NAD ở gan. Đây là chất cần thiết trong phản ứng tân sinh đường. Hạ đường huyết do rượu do giảm tân sinh đường kèm giảm nguồn dự trữ glycogen tại gan. Ngoài ra insulin máu giảm thuận lợi cho tăng cetone máu và trong nước tiểu.
Bệnh nhân hạ đường huyết do rượu thường kèm thiếu vitamine B1 (Beriberi) cấp vì thế ngoài sử dụng glucose cần phối hợp với vitamine B1. Ngoài ra do hai yếu tố nói trên việc sử dụng Glucagon trong hạ đường huyết do rượu không có tác dụng.
Triệu chứng thường xảy ra sau ăn từ 8 - 12 giờ. Bệnh nhân trước đó uống nhiều rượu về số lượng cũng như thời gian làm giảm nguồn dự trữ glycogen một phần do ăn uống không đầy đủ.

U ngoài tuyến tuỵ.
Fibrosarcome sau phúc mạc, ung thư gan, ung thư thượng thận, ung thư thận, ung thư dạ dày ruột, lymphoma và bạch cầu cấp. Định lượng Insulin khoảng 8 (U/ml vào lúc hạ đường huyết lúc đói. Có lẽ có sự tiết Insulin lạc chỗ.
Khoảng 50 % khối u có tiết peptid có trọng lượng phân tử thấp với tác dụng giống Insulin gọi là peptide hoạt động giống Insulin không bị kiềm hãm (NSILA peptide = nonsupressible Insulinsulin like activity) bao gồm human Insulin like growth factor và một vài chất của somatomedine.
Hạ đường huyết phản ứng (hạ đường huyết không xảy ra lúc đói)  Hạ đường huyết phản ứng xay ra sau ăn 2 - 3 giờ hoặc muộn hơn 3 - 5 giờ.
Hạ đường huyết do thức ăn sau cắt dạ dày.
Đây là hậu quả của cường Insulin sau cắt dạ dày. Thức ăn xuống nhanh sau ăn, hấp thu glucose nhanh làm tăng đường huyết, kích thích tiết Insulin làm bệnh nhân chóng mặt, xâm xoàng, vả mồ hôi. (dạ dày trống nhanh sau ăn, kích thích thần kinh phế vị và sản xuất hormone dạ dày ruột kích thích tế bào beta (beta cytotropic gastrointestinal hormone). Có thể dùng kháng cholinergic như propantheline (15 mg / ngày 4 lần), nên ăn từng bữa nhỏ, hạn chế đường hấp thu nhanh, có thể dùng thuốc ức chế men alpha glucosidase.
Hạ đường huyết chức năng do thức ăn.
Thường gặp ở bệnh nhân mệt mỏi mạn tính, loại âu, kích thích, yếu, kém tập trung, giảm tình dục, nhức đầu, đói sau ăn...
Hạ đường huyết muộn.
Hạ đường huyết sau ăn 4 - 5giờ sau khi uống đường gợi ý tiền triệu đái tháo đường thể 2.

BỆNH SINH HẠ GLUCOSE MÁU
Khi nồng độ Glucose máu bắt đầu giảm dưới mức sinh lý sẽ kích thích vùng dưới đồi kích thích tuyến yên tiết ACTH (tăng Cortisol) và STH (tăng glucose).
Khi hạ glucose máu nhiều còn phát sinh cảm giác thèm ăn đường và kích thích hệ lưới - hành tủy gây kích thích tủy thượng thận tiết adrenaline, hệ phó giao cảm (nhân X), tụy tạng (tế bào alpha) tiết glucagon, dạ dày ruột tiết gastrin, secretine, kích thích tiết ADH.
Adrenaline cùng glucagon làm tăng thoái biến glycogene và tăng tân sinh glucose tại gan, adrenaline (cường giao cảm & thần kinh thực vật: đổ mồ hôi, lo lắng, nhịp tim nhanh)
Gastrin và secretine làm tăng hấp thu glucose ở ống tiêu hóa. Kích thích hệ đối giao cảm (đói bụng, buồn nôn và nôn).
Những triệu chứng trên thường xuất hiện sớm nhưng chủ yếu và trầm trọng của hạ glucose máu tác động chủ yếu trên tế bào não (vì không có nguồn dự trữ glycogene) xảy ra trong vòng vài phút. Thiếu glucose máu kéo theo giảm tiêu thụ oxy. Nhu cầu glucose tế bào não khoảng 60 mg / phút và xảy ra hôn mê khi còn 30 mg / phút. Thương tổn tế bào não không hồi phục khi nếu sự thiếu năng lượng trầm trọng và kéo dài. Do nhạy cảm về thiếu năng lượng của các vùng thuộc não bộ có khác nhau, vì thế thứ tự xuất hiện triệu chứng của các giai đoạn giải phẫu lâm sàng xuất hiện lần lượt như sau.
Giai đoạn vỏ não: Lơ mơ, buồn ngủ, kích thích tâm thần, nhìn đôi.
Giai đoạn dưới vỏ não và não trung gian: hoạt động tự động, vật vả, co giật.
Giai đoạn não giữa: co cứng cơ, uốn vặn, giãn đồng tư và không đáp ứng ánh sáng, giật nhãn cầu.
Giai đoạn trước tủy não: dấu mất não.
Giai đoạn tủy não: hôn mê sâu, mất trương lực cơ, mất phản xạ giác mạc.
Chủ mô não bị phù nề nhất là ở bệnh nhân đái tháo đường, hoại tử, xuất huyết, dễ gây dị ứng. Ngoài ra mạch vành, hệ tiêu hóa và hô hấp xảy ra muộn hơn và không thường xuyên.

TRIỆU CHỨNG HẠ GLUCOSE MÁU
Triệu chứng lâm sàng
Cần lưu ý triệu chứng lâm sàng thường ít tương ứng với nồng độ glucose máu. Triệu chứng hạ glucose máu thường xảy ra khi đói hoặc xa các bữa ăn, tương ứng thời gian tác dụng tối đa của thuốc (insulin hoặc sulfamide hạ đường huyết) đối với bệnh nhân đái tháo đường. Triệu chứng trên cải thiện nhanh khi cung cấp glucose tức thời.
Hạ đường huyết mức độ nhẹ:
Dấu toàn thân: Bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi thể lực lẩn tinh thần, buồn ngủ, chóng mặt
Vã mồ hôi (dấu chứng rất quan trong trong giai đoạn này).
Dấu tiêu hóa: đói bụng và co thắt vùng thượng vị, có thể nôn hoặc ỉa chảy.
Dấu tim mạch: Hồi hộp, nhịp tim nhanh hoặc ngoại tâm thu. Huyết áp tăng. Đau vùng trước tim kèm rối loạn nhịp hoặc dạng đau thắt ngực.
Dấu thần kinh: Chuột rút, dị cảm đầu chi và quanh môi, nhức đầu thường xuyên hoặc kịch phát. Rối loạn điều tiết, nhìn đôi, run lạnh (dễ nhầm do nhiễm trùng.
Dấu tâm thần kinh: Rối loạn nhân cách và tính khí: kích thích, vui vẻ, liếng thoắng, hoặc đôi khi buồn bả hoặc nóng tính.
Dấu hô hấp: cơn khó thở dạng hen.
Nếu giai đoạn này phát hiện kịp thời và xử trí đơn giãn với các thức uống có chứa đường, dấu hiệu lâm sàng cải thiện nhanh.

Hạ đường huyết nặng:
Có thể đột ngột hoặc xảy ra trên nền các biểu hiện lâm sàng kể trên. Trong giai đoạn này biểu hiện lâm sàng chủ yếu là dấu tâm thần kinh.
Tâm thần kinh: Sửng sờ, đờ đẫn, cơn trầm cảm với xu hướng tự sát, kích động hoặc công kích, hoang tưởng, ảo giác, mất ý thức thóang qua.
Cứng hàm (dấu quan trọng dể nhầm uốn ván) và dấu hạ glucose máu nặng.
Động kinh toàn thể hoặc khu trú dạng Bravais Jackson, liệt nửa người, khu trú, rối loạn tiểu não - tiền đình: chóng mặt, rối loạn vận động (để nhầm tai biến mạch máu não).
Giai đoạn này sử dụng glucose ưu trương đường tĩnh mạch trực tiếp hơn là cho đường uống bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh.
Hôn mê hạ glucose máu
Khởi đầu thường không đột ngột, kèm co cơ, co giật, tăng phản xạ gân xương, co đồng tử, cứng hàm, đổ nhiều mồ hôi, kèm nét mặt đỏ bừng và hồi phục sau khi chuyền glucose sớm trước khi qua giai đoạn không phục hồi với hôn mê sâu thương tổn não không hồi phục và tử vong nếu hạ glucose máu nặng và kéo dài.
Cận lâm sàng: Glucose huyết tương: (50 mg/dl (2,7 mmol / l)
Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng thường không tương ứng với nhau.
Đường huyết tĩnh mạch chính xác nhưng thời gian trả kết quả thường chậm vì thế trong bối cảnh tối cấp đường huyết mao mạch cũng là dấu chứng tin cậy và kết quả có tức thời. Không nên cờ đợi kết quả đường máu tĩnh mạch mà nên làm song hành.

CHẨN ĐOÁN HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
Chẩn đoán xác định: Tam chứng Whipple Triệu chứng lâm sàng hạ glucose máu.
Nồng độ glucose máu dưới 2,7 mmol/l (50 mg%).
Cải thiện triệu chứng khi dùng các chất chứa đường
Chẩn đoán nguyên nhân
Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường
Điều trị với các thuốc Insulin hoặc thuốc sulfamide hạ đường huyết tiền sử ghi nhận vài lần qua lời khai bệnh nhân nếu còn tỉnh, thông qua người nhà nếu bệnh nhân hôn mê.
Xác định điều kiện xuất hiện cũng như yếu tố thuận lợi (quên bữa ăn, quá liều thuốc ínsulin, hoạt động thể lực quá mức nhưng quên bù năng lượng, hoặc sử dụng thêm các thuốc làm tăng tiềm năng của thuốc hạ đường huyết (xem phần nguyên nhân). Rút ra từ hậu quả trên cần hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà ngoài giáo dục hạ đường huyết cần phải.
Giảm liều Insulin hoặc thuốc viên hạ đường huyết.
Xem lại chế độ dinh dưỡng về số lượng và chất lượng nhất là thành phần glucide trong các bữa ăn nhất là những lúc đau ốm.
Điều chỉnh lại giờ ăn cho hợp lý.
Tăng bữa ăn giữa giờ (bữa ăn phụ) ngoài bữa ăn chính.
Cần chú ý
Bệnh nhân đái tháo đường được điều chỉnh đường huyết tốt không thể tránh nguy cơ hạ đường huyết.
Hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường trẻ không phải là dấu hiệu xấu, nhưng trên bệnh nhân lớn tuổi hoặc có bệnh lý tim mạch (suy vành, tăng huyết áp) là yếu tố nặng với nguy cơ khởi phát tai biến tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não).
Hạ đường huyết thường xảy ra về đêm gần sáng cần kiểm tra đường máu lúc 4 giờ sáng nếu bệnh nhân có các biểu hiện nghi ngờ.
Hiện tượng Somogyi (tăng đường huyết phản ứng) là biểu hiện của hạ đường huyế trước đó.
Bệnh nhân không mắc bệnh đái tháo đường
Các xét nghiệm cần làm.
Chẩn đoán thường khó đòi hỏi nhiều phương tiện như lượng Insuline máu, C Peptide và các kích tố hoặc các chất khác và các test như sau
Nghiệm pháp nhịn ăn. Bệnh nhân bắt buộc phải nằm viện nhịn ăn hoàn toàn hoặc chế độ ăn hạn chế glucide (50 g glucide, 50 g protide và 70 g lipide)
Thời gian nhịn: Nhịn ăn cho đến lúc xuất hiện triệu chứng hạ đường huyết hoặc 3 ngày với lao động.
Xét nghiệm cần làm đồng thời
Đường máu mao mạch và tĩnh mach (gởi phòng xét nghiệm) mỗi 4 giờ cho đến khi xuất hiện dấu hạ đường..

Định lượng insulin
Định lượng peptide C huyết tương.
Đoán nhận
Dựa vào tỷ lệ insulin / glucose (I/G) theo 2 công thức sau:
Insulin (pmol/l) / glucose (mmol/l) (20 (bình thường).
Hoặc (100 X insulin (U/ ml) / (đường máu - 30 mg%) (50 (bình thường)

Lưu ý: 1U / ml = 7,17 pmol/l.
Test hạ glucose máu bằng insulin như sau  Bệnh nhân cần được theo dõi sát.
Kỹ thuật: lấy máu định lượng đường và peptide C vào các thời điểm Gn.
Liều insulin 0,1 UI/ kg (loại insulin tác dụng nhanh).

Đánh giá kết quả:
Hạ đường huyết khi đường máu dưới 50 mg/dl.
Hãm tiết insulin nội sinh được xác định nếu peptide C huyết tương giảm dưới 65% gíá trị bình thường.
Không hãm hoặc hãm yếu: u tuyến tiết insulin, hạ đường do dùng sulfamide. Không hãm peptide C chứng cớ có tiết ínulin nội sinh tự động cần phải thăm dò nguyên nhân bằng chẩn đoán hình ảnh. Như Định vị u tiết insulin bằng chụp CT scanner. Chụp mạch chọn lọc động mạch mạc treo tràng trên. Phân tích u tuyến tiết insulin đơn độc trong bệnh cảnh đa nội tiết thể I, chủ yếu trẻ em, có thể tăng sản đảo lan tỏa, không nhìn thấy (nesidioblastose)

Chẩn đoán nguyên nhân hướng đến do:
Cần phân biệt 2 tình huống Hạ đường huyết thực thể và hạ đường huyết chức năng.

Hạ đường huyết thực thể
Thường xảy ra khi bụng đói, buổi sáng, ăn muộn hoặc bỏ bữa, sau vận động quá mức. Biểu hiện lâm sàng thường nặng. Cần chú ý đến điều kiện, tình huống xãy ra cũng như yếu tố phối hợp. Định lượng đòng thời glucose máu, insulin và peptide C. Có thể tạo lại tình huống bằng nghiệm pháp nhịn ăn. Có 3 tình huống xảy ra như sau:
Insulin máu, peptide C và tỷ insulin/ glucose đều tăng.
U tiết insulin, Kích thích tiết insulin nội sinh do thuốc hay không., Sulfamide hạ đường huyết, Quinine
Insulin và tỷ insulin/ glucose đều tăng nhưng peptid C thấp.
Dùng insulin ngoại sinh, Chứng giả bệnh., Nghiệm pháp phạm pháp (manoeuvre criminelle). Tìm kháng thể kháng insulin nếu dùng insulin bò, heo không có nếu dùng insulin người.
Insulin thấp, tỷ insulin/ glucose bình thường hoặc thấp.
Có thể liên quan đến bệnh tật, nhiễm độc hoặc do thuốc,hạ đường huyết do u ngoài tụy (u mạc treo định vị phúc mạc, sau phúc mạc, lồng ngực), u gan, u vỏ thượng thận, u biểu mô. Thường hạ đường huyết tái diễn, nặng. Chẩn đoán dễ do u lớn, chụp CT scanner, định lượng tăng IGF2 (insulin like growth factor 2).

Hạ đường huyết chức năng:
Thường xảy ra 2- 4 giờ sau ăn, Thường không có dấu thần kinh cảm giác. Rất hiếm khi hôn mê. Biểu hiện đói cồn cào và đổ mồ hôi. Bệnh nhân thường có tiền sử cắt dạ dày, nối vị tràng, cắt thần kinh X chọn lọc. Đó là hạ đường huyết do cường insulin (do thức ăn xuống quá nhanh trong ruột non) cần phân biệt hội chứng Dumping. Cần phải định lượng đường máu khi xảy ra sự cố trên. Cần thực hiện lại test. Bệnh nhân không có can thiệp bệnh lý dạ dày (thường là phụ nữ) hạ đường huyết do cường insuline hoặc nhạy cảm quá mức đối với insuline. Phản ứng thần kinh thực vật mà không phải hạ đưòng huyết ở phụ nữ lo âu và trầm cảm.

Một số tình huống đặc biệt
Ngộ độc rượu cấp: hạ dường huyết luôn tìm kiếm ở người hôn mê do rượu, suy dưỡng.
Nhiễm độc gan: Glycol, tetrachlorure de carbone, annannite phalloide.
Dùng Hypoglycine (trái cây xanh ở vùng Jamaique)
Bệnh nặng: suy thận, suy gan, suy tiền yên, suy thượng thận cấp, suy dưỡng, suy tim, choáng nhiễm trùng.
Sử dụng một số thuốc như (acetaminophene, ức chế bêta, chlorpromazine orphenadrine, ethionamide, disopyramide, haloperidol, maleate de perhexilline, quinine, pentamidine, propoxyphene, salicyles)...

BIẾN CHỨNG VÀ HẬU QUẢ
Phù não sau hạ đường huyết: Hôn mê kéo dài mặc dù đường máu trở về bình thường kèm phù gai thị. Phù phổi cấp: Do co mao mạch phổi.
Hậu quả thần kinh: Bệnh lý thần kinh ngoại vi: teo cơ tuần tiến, phần xa của tứ chi xảy ra vài tuần sau khi bị một hoặc nhiều cơn hạ đường huyết nặng, thường phối hợp với dị cảm tứ chi. Thương tổn sừng trước tủy sống có thể bị.
Rối loạn tâm thần kinh kéo dài: Điên, động kinh sau hạ đường huyết, hội chứng parkinson, múa vờn.
Gãy hoặc xẹp đốt sống: Xảy ra khi có cơn độüng kinh nặng.
Lưu ý: Bệnh nhân có tuổi (trên 60 tuổi) nhất là có bệnh lý tim mạch dễ có nguy cơ tai biến tim mạch (cần kiểm tra điện tim nếu nghi ngờ thiếu máu cơ tim im lặng).
Bệnh nhân đái tháo đường, hạ glucose máu có thể xảy ra về đêm thường không nhận biết được. Vì vậy kiểm tra đường máu mao mạch vào lúc 4 giờ sáng.
Di chứng thường xuyên: Đó là di chứng của những cơn cấp tính, lập lại và không nhận biết. Liệt bán thân, mất ngôn ngử, múa vờn, hội chứng Parkinson. Mất trí tuệ dần dần, tình trạng sa sút trí tuệ, hội chứng teo cơ tứ chi xa gốc và mất phản xạ gân xương.

ĐIỀU TRỊ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
Điều trị triệu chứng
Bệnh nhân còn tỉnh
Uống các thức uống chứa đường cho đến khi cải thiện triệu chứng.
Không được uống các loại đường hóa học (sacharinate de sodium, saccharineate d’ammonium) dành cho người đái tháo đường.
Bệnh nhân hôn mê: Điều trị cấp cứu
Dung dịch Glucose 30% hoặc 50%.
Bơm trực tiếp tĩnh mạch một lượng glucose như sau
Lượng Glucose = [ Trọng lượng (kg) X 0,2 ] X [ Gbt - Gh ]
Trong đó Gbt là nồng độ glucose huyết tương cần đạt ví dụ G =1 g/l, Gh là nồng độ glucose máu lúc bị hạ đường máu ví dụ Gh = 0,2 g/l. Như vậy một bệnh nhân nặng 50 kg, Lượng glucose cần bơm lúc đầu là: 50 x 0,2 x (1 X 0,2) g = 8 g glucose.
Không nên truyền nhỏ giọt mà phải bơm trực tiếp tĩnh mạch để đạt nồng độ glucose máu tăng nhanh và cao.
Glucagon (ống 1 mg)
Tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da với liều 1 - 2 mg, có thể lập lại sau 10 - 20 phút (thời gian bán huỹ ngắn). Không sử dụng glucagon ở đối tượng nghiện rượu nặng do dự trữ glycogen ở gan kém, hoặc bệnh nhân nhịn đói đã lâu không còn glycogen dự trữ ở gan. Bệnh nhân ĐTĐ týp 1 lâu ngày cũng ít đáp ứng với glucagon.
Hydrocortisone: 100 mg.chích tĩnh mạch

 Điều trị duy trì
Nếu bệnh nhân tỉnh có thể ăn được thì tiếp tục ăn như bình thường.
Nếu không ăn được (nôn mửa, không dung nạp..) Truyền tĩnh mạch Glucose 10% theo liều 1500-200 ml/ 24 giờ (150-200 gam Glucose) cho đến khi nồng độ glucose huyết tương trở lại bình thường sau nhiều giờ. Không cho liều cao vì cơ thể chỉ có khả năng dung nạp tối đa 1.5g glucose/giờ
Cần theo dỏi đường máu thường dựa vào thời gian bán hủy của thuốc gây hạ đường huyết (Insuline, Sulfamide hạ đường huyết..), phải điều trị vượt quá thời gian tác dụng của thuốc gây hạ đường huyết

Kiểm tra điện tim đặc biệt bệnh nhân lớn tuổi, bệnh mạch vành, tăng huyết áp.

NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM
NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH
Xử trí ngay
Hỏi bệnh sử quá lâu
Không chờ đợi kết quả đường máu
Chờ đợi kết quả đường máu
Bơm trực tiếp tĩnh mạch
Chuyền tĩnh mạch nhỏ giọt
Glucose  20%
Glucose  10%
Glucagon
An thần nếu vùng vẩy
Theo dõi sau khi lại
Không theo dõi
Điện tâm đồ bệnh nhân lớn tuổi 
Không kiểm tra điện tâm đồ

Điều trị nguyên nhân
Liên quan đến bệnh nhân Đái tháo đường
Xác định các điều kiện xuất hiện: quên bữa ăn, thức ăn chứa ít đường, dùng quá liều Insuline, hoạt động thể lực quá mức nhưng quên bù năng lượng. Dùng phối hợp một thuốc có tiềm năng làm tăng tác dụng thuốc sulamide hạ đường huyết  Cần thay đổi chỉ thị điều trị:
Thay đổi hoặc giảm liều Insuline, liều sulfamide hạ đường huyết
Điều chỉnh lại thầnh phần năng lương lượng Glucide mỗi bữa ăn cho hợp lý.
Điều chỉnh giờ ăn, nên thêm bữa ăn phụ giữa các bữa ăn chính.
Không nên chỉ định các thuốc Sulfamide hạ đường huyết cho bệnh nhân trên 70 tuổi, nhất là các thuốc có thời gian bán hủy quá dài (Chlopropamide).
Suy thận và suy gan (tăng nhạy cảm thuốc hạ đường huyết)
Phối hợp một số thuốc làm tăng tác dụng thuốc hạ đường huyết hoăc bằng cách giảm liều thuốc thường ngày.
Không áp dụng tiêu chuẩn cân bằng đường huyết lý tưởng ở những bệnh nhân ĐTĐ trên 60 tuổi.
Cần chú ý hiện tượng Somogyi gây tăng đường huyết thứ phát vào buổi sáng do hạ đường huyết trong đêm

Điều trị các bệnh lý gây hạ glucose máu
U tụy tiết insuline: Phẫu thuật,Diazoxide (uống hoặc tĩnh mach) liều 300-1200 mg / ngày thuốc lợi tiểu. Octreotide tiêm dưới da liiều 100-600 (g / ngày. Hóa trị liệu bằng Streptozotocine- 5 fluoro uracile.Chống hạ đường huyết bằng chuyền glucose và điều trị thêm Sandostatine.
U ngoài tụy tiết insuline:Phẫu thuật, Chống hạ đường huyết (khó) bằng chuyền Glucose, chuyền dưới da liên tục Glucagon bằng bơm theo nhịp không liên tục.
Bệnh nhân bị phẫu thuật cắt dạ dày: Giáo dục bệnh nhân và thân nhân dấu hiệu và các xử trí hạ đường huyết.Glucagon và Glucose ưu trương lkuôn có sẳn ở nhà.Chia đều nhiều bữa ăn. Giảm loại đường hấp thu nhanh. Thức ăn phối hợp protide và glucide.

DỰ PHÒNG
Cần giáo dục hạ glucose máu cũng như cách sử trí hạ đường máu cho bệnh nhân đái tháo đường và thân nhân của họ.
Xử trí hạ glucose máu cần phải cấp thời, tại chỗ bằng mọi biện pháp có thể thực hiện trước khi chuyễn bệnh nhân vào viện, không nên chờ đợi kết quả đường máu.
Lưu ý tác dụng hạ đường huyết của một số thuốc khi phối hợp.
Tránh tư tưởng “Đường là kẻ thù” đối bệnh nhân đái tháo đường
Phương châm “KHÔNG ĂN KHÔNG DÙNG THUỐC HẠ ĐƯỜNG HUYẾT, NẾU DÙNG THUỐC HẠ ĐƯỜNG HUYẾT BẮT BUỘC PHẢI ĂN ” cần áp dụng cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường..

TIỂU ĐƯỜNG


Cách chữa Đái đường

 tiểu đường biến chứng, tieu duong bien chung, tieuduongbienchung


Bệnh <em>Đái đường</em>, benh dai duongĐại cương


       Đái đường là một loại bệnh ở bộ phận bài tiết, có các triệu chứng chủ yếu là uống nhiều nước, nước tiểu nhiều, đói nhiều, lượng đường trong máu và nước tiểu tăng cao (lượng đường trong máu > 7mmol/l = 1.2g/l). Bệnh này thường gặp ở người trung niên trở lên, nam giới mắc nhiều hơn nữ

Về lượng đường trong máu và nước tiểu cần lưu ý rằng người khoẻ mạnh sau khi ăn uống nhiều chất đườngcũng có thể làm lượng đường trong nước tiểu tăng lên. Người thận suy yếu, sức hấp thụ kém có thể làm lượng đường trong nước tiểu tăng cao nhưng lượng đường trong máu vẫn bỡnh thường, phụ nữ có thai lượng đường trong người giảm đi cũng sinh ra đái đường nhưng sau khi sinh sẽ hết

Do ăn uống nhiều đồ cay, béo, ngọt, do sang chấn tinh thần tạo thành hoả nhiệt, uất nhiệt làm phần âm của các phủ tạng tâm, vị, thận bị hao tổn. hoả làm phế âm hư gây chứng khát; vị âm hư gây đói nhiều người gầy; thận âm hư không tàng trữ tinh hoa của ngũ cốc, gây tiểu tiện ra chất đường. Mặt khác hỏa nhiệt làm huyết bị cô đặc sinh ra huyết ứ, sinh phong, hợp với nhiệt gây ra các biến chứng như chân tay đau nhức, rát bỏng, ngứa ngáy,mụn nhọt lở loét... nên khi điều trị nên kiêm dùng các thuốc hoạt huyết

Bệnh <em>Đái đường</em>, benh dai duongĐiều trị:


1.Chung cho các loại

Phương pháp chữa: Dưỡng âm thanh nhiệt, sinh tân dịch làm cơ sở, thận là nguồn gốc của âm dịch nên bổ thận âm làm chính kiêm hoạt huyết hoá ứ

Bài thuốc:
  
Đan bì
10
Thiên môn
12
Trạch tả
10
Thiên hoa
8
Hoài sơn
15
Sơn thù
8
ý dĩ
12
Sa sâm
8
Kỉ tử
12
Thạch cao
20
Biển đậu
12
Sinh địa
20
Mạch môn
12
Thạch hộc
12
Tang bì
12
Hoàng liên
8
Khát gia: Thạch cao, Tang bì, Thiên hoa,
Đói gia Hoàng liên,
Đái nhiều gia: Ich trí nhân,Tang phiêu tiêu, Ngũ vị,
Thận dương hư bỏ gia: Phụ tử, Nhục quế
2.Phế nhiệt
Triệu chứng: khát nước, họng khô, lưỡi đó it rêu, mạch sác thuộc thượng tiêu
Pháp: dưỡng âm nhuận phế
 
Thiên hoa
20
Sinh địa
16
Mạch môn
16
Cam thảo
6
Ngũ vị
8
Gạo nếp
16


3.Vị nhiệt
Triệu chứng: Đói nhiều, ăn nhiều người gầy táo bón, lưỡi đỏ rêu vàng mạch hoạt sác
Pháp: Dưỡng âm sinh tân
 
Huyền sâm
16
Sinh địa
16
Mạch môn
12
Tăng dịch thang
Đại hoàng
0-12
Thiên hoa
16
Hoàng liên
6
4.Thận âm hư
Triệu chứng: Tiểu tiện nhiều lần lượng nhiều, nước tiểu như cao mỡ, miệng khô khát, gấy còm, hồi hộp, lòng bàn chân tay nóng lưỡi đỏ ít rêu, Mạch tế sác 
Pháp: bổ âm  
 
Đan bì
10
Thiên môn

Trạch tả
10
Thiên hoa
8
Hoài sơn
15
Sơn thù
8
ý dĩ
12
Sa sâm
8
Kỉ tử
12
Thạch cao
20
Biển đậu
12
Sinh địa
20
Mạch môn
12
Thạch hộc
12
Tang bì
12
Hoàng liên
8
5.Thận dương hư
Pháp trị: bổ dương cố sáp 
 
Thục địa
30
Đan bì
10
Bạch linh
10
Đại hồi
4-8
Hoài sơn
15
sơn thù
15
Trạch tả
10
Tang phiêu tiêu
12
kim anh tử

Khiếm thực

Nhục quế


    



Bộ Bổ Âm Huyết

             Âm huyết kém là nguyên nhân của rất nhiều bệnh chứng. Việc chẩn đoán âm huyết kém không khó. Khó là bồi bổ cho đạt yêu cầu. Có những trường hợp bịnh nhân đã uống thuốc bổ Đông dược hoặc Tây dược hằng mấy tháng vẫn không hề chuyển biến! Thật là khó hiểu và bất hợp lý. Trên lâm sàng không ít lần chúng ta bế tắc khi gặp trường hợp này. Bệnh vì âm huyết suy mà không bổ được thì không thể trị dứt bệnh mà chỉ làm giảm chứng. Thế thì cứ phải gặp nhau hoài, làm bịnh nhân nản lòng mà thầy thuốc nản hơn, đôi khi càng trị theo chứng lại càng làm âm huyết suy thêm. Cho nên khi xây dựng được bộ huyệt BỔ ÂM HUYẾT này, tôi vô cùng mừng rỡ vì qua thực tế sử dụng thấy kết quả rất tốt ngoài ý muốn ban đầu. Xin trình bày để chúng ta cùng dùng, giúp cho bịnh nhân.

I/-        PHÁC ĐỒ

            22, 127, 63M + -, 17 + -, 113 + -, 7 + -, 63, 50, 19, 39, 37, 1, 290 + -, 0 + -.   

            Không phải lúc nào cũng sử dụng hết các huyệt trên, mà chỉ dùng những huyệt có báo bệnh.

Phác đồ Diện Chẩn Tạ Minh - Bộ Bổ Âm Huyết Phác đồ Diện Chẩn Tạ Minh - Bộ Bổ Âm Huyết
Phác đồ Diện Chẩn Tạ Minh - Bộ Bổ Âm Huyết Phác Đồ Diện Chẩn Tạ Minh - Bộ Bổ Âm Huyết

II/-       KỸ THUẬT

            Trên lâm sàng thường có hai thể khác nhau: hàn và nhiệt.

-                    Hàn chứng thì người mát cho tới lạnh, cảm giác tương đối sợ lạnh hơn sợ nóng.

-                    Nhiệt chứng thì người ấm đến nóng, cảm giác tương đối sợ nóng hơn sợ lạnh.

Khi âm huyết kém thì nóng lạnh đều sợ. Thiên hạ chưa nóng mình đã nóng, chưa lạnh thì mình đã lạnh nên tôi dùng chữ tương đối.

1)                  Hàn chứng: ngải cứu hơ mỗi huyệt nóng một lần không xoa dầu, theo thứ tự trên. Nếu BN không bị hàn rõ rệt thì chỉ cần day có một ít dầu cao. LƯU Ý: đã day dầu thì không hơ, đã hơ thì không chấm dầu vì sẽ gây quá liều.

2)                  Nhiệt chứng: dùng que dò chấm vaseline day mỗi huyệt 30 cái nhè nhẹ theo thứ tự như trên (không cần day mạnh cho thật đau - vaseline ở đây chỉ nhằm bôi trơn chứ không có tác dụng gì).

III/-     TÁC DỤNG VÀ CHỦ TRỊ

            Qua thực tế áp dụng từ năm 1991 đến nay, tôi nhận thấy bộ huyệt này có các tác dụng như sau:

-                    Giúp biết đói khi tới giờ ăn, ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, hấp thu tốt, biến dưỡng tốt.

-                    Sinh tân dịch, sinh cơ nhục, tạo hồng cầu.

-                    Điều hòa thành phần máu.

Qua đó, nó trị được các bệnh do huyết hư suy, thiếu tân dịch như: suy nhược cơ thể do ăn kém hoặc ăn tốt nhưng không hấp thu nên vẫn gầy kể cả các trường hợp đã uống nhiều thuốc bổ Đông Tây y; thiếu hồng cầu; thiếu huyết sắc tố trong máu, thiếu huyết tương; tiểu đường; cholesteron trong máu cao; giai đoạn đầu của các bệnh thuộc về sự thoái hóa (như thoái hóa võng mạc, thoái hóa thần kinh thị giác…); táo bón kinh niên dạng âm hư (phân dê)…

IV/-     ỨNG BIẾN LÂM SÀNG

-                    Thông thường, chỉ sau ba lần điều trị là bịnh nhân đã bắt đầu chuyển biến như thấy đói bụng, ăn ngon miệng hơn… nhưng kết quả cuối cùng lên cân thì không nhanh được mà phải có thời gian.

-                    Nếu sau ba lần dùng bộ huyệt này mà không thấy hiệu ứng gì thì thường do cơ thể ứ đọng thủy thấp quá nhiều, cần trừ thấp trước rồi bổ âm huyết sau (xem bài “Trừ đàm thấp thủy bằng DC-ĐKLP”).

-                    Trong bệnh tiểu đường và cholesteron trong máu cao ta cần thêm huyệt 347.

-                    Nếu thiếu hồng cầu hoặc huyết sắc tố ta phải dùng trọn tam giác Tỳ 37, 40, 481.

V/-       KẾT LUẬN

            Bộ BỔ ÂM HUYẾT này hiệu quả rất tốt trong nhiệm vụ bồi bổ cơ thể đơn thuần. Riêng khi dùng để chữa bệnh thì cần kết hợp linh động với các phác đồ khác một cách khéo léo mới mong đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên với bịnh nhân trên 70 tuổi thì vấn đề khó khăn hơn.

TP. Hồ Chí Minh, 1-1-1999.


Bổ âm huyết và tiểu đường

Cuối năm 1992, tôi nhận một ca bại liệt do tai biến mạch máu não. Bà vốn bị cao huyết áp do đường huyết cao đã lâu. Tôi đã phải hứa điều trị cho đến khi bà đi lại được mới nghỉ. Vì đây là mẹ của một người bạn khá thân. Từ một người chỉ nằm, đến khi bà tập đi được nhưng chưa tự đi được. Tôi đành phải theo vì lời hứa. Đến đầu tháng thứ ba, em bạn tôi hỏi “anh có chữa tiểu đường cho má em không?”. Tôi hơi ngạc nhiên, vì lúc bấy giờ tôi chưa biết cách trị bệnh tiểu đường. Tôi bình tỉnh hỏi lại “sao em lại hỏi vậy? Có gì lạ xảy ra à?”. 

Em bạn trả lời “từ lâu má em bị đường trong máu cao, luôn ở mức 130mg/L trở lên (theo đơn vị Pháp, bây giờ người ta thường theo Mol/L là theo kiểu tính của Mỹ) dù uống thuốc đều đặn. Anh chữa một tháng, đường chỉ còn 100mg/L. Đến tháng này chỉ còn 70mg/L, BS bắt mẹ em ngưng thuốc, theo dõi”.

Tôi lấy làm lạ, dỡ bệnh án, đọc lại từ ngày đầu đến lúc bấy giờ, phát hiện ra luôn dùng bộ Bổ Máu để điều chỉnh tổng trạng cho bà cụ. Sực nhớ đến danh y Trần Tồn Nhân (thời nhà Thanh) xác định muốn chữa Tiêu Khát (tên Đông Y của bệnh tiểu đường) không thể rời xa bài Lục Vị chỉ cần gia giãm trên từng BN mà thôi.

Vì lời hứa ban đầu, tôi không thể nghỉ dù rất nản lòng vì bà đã đứng rất vững, dìu đi rất nhẹ nhàng, nhưng hể buông tay ra là bà đứng im, nếu bước đi là ngã nghiêng ngay. Cho nên tuy đã đi được khi có người dìu sau một tháng, mà thời gian sau đó vẫn không tiến bộ gì thêm trong việc  tự đi, mặc dù thể trạng ngày càng tốt hơn. Tháng thứ sáu, hết mức chịu đựng nên tôi quyết định ngưng điều trị, nhưng……… khi tôi vừa mở miệng “thưa bác, con nghĩ bác đã tốt lắm rồi, chỉ cần chịu khó tập một thời gian nữa là xong”. Bà khóc òa như mưa giông, tôi hoảng hồn thưa lại “dạ……thôi bác nín đi…..bác yên tâm con không nghỉ đâu…….con theo bác cho đến khi bác tự đi được mới thôi”……mà trong lòng nghĩ “bác làm biếng và nhát quá như thế này thì làm sao tự đi được?”. Tôi phải năn nỉ cụ một hồi, con bác cũng phụ vào một hồi bác mới chịu nín. Không biết có bạn nào rơi vào cành ngộ như thế chưa........hihi. Mãi sau này tôi mới biết có thể bà bị tổn thương tiểu não, thời đó chưa có CT hay MRI (xin xem bài “Phương hướng điều trị các di chứng liệt” đã đăng).

Một năm tròn, tôi không chịu đựng nổi nữa đành im lặng rút lui, thời đó cả tôi và gia đình đó đều chưa có điện thoại nên tôi thoát hẵn………….hihi. Có điều vui là cả năm, chính xác là 10 tháng sau đó, bà không hề uống một viên thuốc nào để hạ đường huyết vì tháng nào BS quen của bà cũng đến lấy máu xét nghiệm kiểm tra mà chỉ số đường huyết vẫn trong giới hạn bình thường.

Hồi đó tôi chỉ dám gọi là Bổ Máu. Năm 1997 tôi quyết định đặt tên BỔ ÂM HUYẾT sau khi dùng nó trị thành công nhiều loại bệnh thuộc dạng Âm hư chớ không riêng gì bệnh tiểu đường.

Sài Gòn, chủ nhật 07-04-2013.
Lương y: Tạ Minh



Tự chữa bệnh tiểu đường bằng cách bấm huyệt kết hợp với hạt methi Ấn Độ


Ngày nay tiểu đường thực sự là một bệnh mãn tính. Số người mắc bệnh này ngày càng nhiều, không chỉ ở người cao tuổi mà còn cả ở lứa tuổi thanh niên , thậm chí còn “tấn công” cả trẻ sơ sinh (Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố: trong thập niên trước mắt (2012-2021), tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với các nước Đông Nam Á, cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh. Do đó ngoài việc chữa bệnh tiểu đường bằng thuốc người bệnh có thể tự chữa bệnh này bằng phương pháp bấm huyệt hay còn gọi là phương pháp bấm huyệt bằng Diện Chuẩn


Cách làm như sau:
Xác định thật chính xác vị trí các huyệt rồi bấm theo thứ tự : 63, 7, 113, 37, 40.
Mỗi huyệt nên bấm thành 2 vòng, mỗi vòng 30 lần/huyệt.

bấm huyệt

Trong 5 huyệt trên, huyệt 63, 7, 113 phản chiếu tuyến tụy, hai huyệt 37, 40 phản chiếu lá lách. Cả 5 huyệt gộp lại tạo nên phác đồ chữa bệnh tiểu đường có hiệu quả rất cao. Trong 5 huyệt trên có hai huyệt kép là 7 và 113. Khi gặp huyệt kép, theo quy định phải bấm bên trái trước rồi bên phải sau. (ở đây bấm 113 trái trước rồi bấm 113 phải sau.)
Tùy theo tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2 mà bấm thêm 1-2 lần trong ngày. , Tuy nhiên,không được lạm dụng bấm quá nhiều lần trong ngày để đường huyết hạ quá mức cần thiết.Muốn kiểm tra xem đường huyết hạ được bao nhiêu nên làm như sau: trước hết, hãy đo đường huyết trước khi bấm . Sau đó tự bấm huyệt theo phác đồ trên. Nửa giờ sau khi bấm huyệt mới kiểm tra lại, sẽ có kết quả thật chính xác.
Ngoài ra người mắc bệnh tiểu đường còn có thể sử dụng hạt methi Ấn Độ để có thể kích thích sự tiết insulin do đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngoài ra còn có nhiều galactomannan giúp làm chậm tốc độ hấp thu đường vào máu. Do trong
methi Ấn Độ có chứa axit amin 4-hydroxy-isoleucin.
Trên cơ sở đó, bạn lên kế hoạch chữa trị thật khoa học để bỏ dần, tiến tới bỏ hẳn không dùng thuốc mà vẫn kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Song song với bấm huyệt bằng Diện chẩn, các bạn nên quan tâm tới những yêu cầu sau :
- Ăn uống thật hợp lý, vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng vừa hạn chế được thức ăn có nhiều glucid và lipid, nhằm tránh không cho đường huyết và chất gây xơ vữa động mạch tăng cao.
- Rèn luyện cơ thể phù hợp với sức khỏe, tuổi tác và môi trường sống như: tập dưỡng sinh, đi bộ, đi xe đạp... Tuyệt đối tránh tập luyện quá sức
.



HUYỆT BÁT LIÊU TRỊ TIỂ ĐƯỜNG

HÌNH ẢNH
TÊN HUYỆT
Có 8 (bát) huyệt ở gần (liêu) bên cạnh xương cùng, vì vậy gọi là Bát Liêu.
XUẤT XỨ Châm cứu Học Thượng Hải.
VỊ TRÍ Gồm 8 huyệt: Thượng Liêu (Bq 31), Thứ Liêu (Bq 32), Trung Liêu (Bq 33), Hạ Liêu (Bq 34). [Xem chi tiết từng huyệt].
ĐẶC TÍNH Thuộc kinh Bàng quang.
TÁC DỤNG
Lý hạ tiêu, kiện yêu (làm mạnh lưng), kiện thoái (làm mạnh đùi).

CHỦ TRỊ Trị bệnh ở bàng quang, bệnh ở bộ phận sinh dục, bệnh đường tiểu, vùng xương cùng đau.
CHÂM CỨU Châm thẳng, sâu 1 – 2 thốn. Cứu 3 – 7 tráng. Ôn cứu 5 – 20 phút.

PHỐI HỢP HUYỆT 1.Phối Quan Nguyên (Nh 4) thấu Trung Cực (Nh 3) + Tam Âm Giao (Ty 6) trị thống kinh (Châm cứu Học Thượng Hải).
2.Phối Huyết Hải (Ty 10) + Khí Hải (Nh 6) + Quan Nguyên (Nh 4) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tử Cung trị tử cung xuất huyết do chức năng (Châm cứu Học Thượng Hải).
3.Phối Thừa Sơn (Bq 57) + Trường Cường (Đc 1) trị hậu môn bị rò (Châm cứu Học Thượng Hải).
4.Hợp Cốc (Đtr 4) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Thứ Liêu (Bq 32) + Thượng Liêu (Bq 31) có tác dụng thúc đẻ [dục sinh] (Châm cứu Học Thượng Hải).

GHI CHÚ • Châm đắc khí thấy có cảm giác căng tức ở vùng sống cùng, có khi lan xuống chi dưới.
• Khi châm, nên nằm sấp cho dễ lấy huyệt và dễ châm.

THAM KHẢO
• “Lưng đau không thể xoay chuyển, đau lan đến dịch hoàn: châm Bát Liêu và trên chỗ đau” (Tố Vấn 60,11).





  Tham khảo thêm về bệnh tiểu đường, các bài thuốc và vị thuốc chữa tiểu đường


Tiểu đường giờ đây được coi như đại dịch thế giới. Trước sự bùng phát nguy hiểm của căn bệnh này, hãy bổ sung những kiến thức chính xác về các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và hậu quả của nó…







Theo Giáo sư Lưu Chí Dân, chủ nhiệm Ủy ban nội tiết, Hiệp hội y tế thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), mặc dù bệnh tiểu đường đang có những biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên 60% biến chứng có thể điều trị được.


Ông còn cho biết, bệnh tiểu đường có thể phòng tránh bởi một trong những nguyên nhân chủ yếu của bệnh tiểu đường là do chế độ ăn uống gây ra.


Bệnh thần kinh do tiểu đường là những rối loạn dây thần kinh gây ra bởi bệnh tiểu đường. Tuy bị tổn thương dây thần kinh nhưng một số bệnh nhân không có triệu chứng, số bệnh nhân khác lại bị đau nhức hay mất cảm giác ở bàn tay, cánh tay, bàn chân và chân. Tổn thương thần kinh có thể xảy ra ở mọi cơ quan như tiêu hóa, tim, sinh dục...





Nhờ thống kê kéo dài mấy năm liền ở Phần Lan về yếu tố gây thất bại trong điều trị bệnh tiểu đường, chuyên gia ngành nội tiết bên đó đã đi đến một số kết luận lý do tại sao nhiều người bệnh tuy uống thuốc đầy đủ nhưng đường huyết vẫn không ổn định

Các nhà nghiên cứu quả quyết là đường huyết của tối thiểu 2/3 số bệnh nhân tiểu đường tuy dùng thuốc theo đúng y lệnh nhưng vẫn cao là do ảnh hưởng của thuốc lá. Không có gì khó hiểu khi thuốc hạ đường huyết, theo kết quả nghiên cứu ở Anh, có thể mất đến 70% tác dụng khi gặp khói thuốc lá.
Phòng tránh bệnh tiểu đường Là một loại hormone rất nhạy cảm, chịu trách nhiệm về lượng đường trong máu, insulin phản ứng nhanh trước cách ăn, uống, ngủ của chúng ta. Kẻ thù số một của nó là sự thừa cân.
Insulin điều chỉnh lượng đường trong máu. Đây là chìa khóa để đường máu xâm nhập vào tất cả các tế bào của cơ thể. Nếu cơ thể thiếu hụt insulin hay hormone này không còn hiệu quả, ngay lập tức lượng đường trong máu sẽ tăng.


Loại rau này giúp làm giảm đường huyết, ngăn chuyển hóa chất bột thành mỡ nên rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường, béo phì.
Theo Đông y, bắp cải  vị ngọt, tính hàn, có công dụng giải độc, lợi tiểu, thanh nhiệt, giải khát, mát dạ dày, trừ đờm, chống suy nhược thần kinh, giảm đau, phòng bệnh tim mạch. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy việc ăn bắp cải thường xuyên có thể phòng bệnh ung thư dạ dày, ruột, thanh quản, thực quản, phổi, tiền liệt tuyến, bàng quang, hậu môn.
Đông y trị đái tháo đường


Bệnh đái tháo đường thuộc phạm trù “Tiêu khát” của Y học cổ truyền. Tiêu khát là sự đốt cháy tân dịch ở bên trong cơ thể (tiêu) từ đó mà nhu cầu cơ thể đòi hỏi phải ăn nhiều, uống nhiều để bù đắp tân dịch. Tiêu khát có nhiều hình thức đốt cháy, tiêu hao tân dịch, có thể chủ yếu bằng đường niệu, bằng đường sốt, ra mồ hôi hoặc nung đốt phần âm dịch làm cơ thể luôn luôn nống hơn bình thường… Cuối cùng gây ra 3 chứng trạng chủ yếu: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhanh trong nước tiểu có nhiều đường nên thấy ruồi và kiến bâu.




Bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường ngày càng phổ biến, nhưng liều thuốc đông y đã và đang là những phương cách trong việc điều trị bệnh.

Đái tháo đường là gì?

Bệnh đái tháo đường thuộc phạm trù “Tiêu khát” của Y học cổ truyền. Tiêu khát là sự đốt cháy tân dịch ở bên trong cơ thể (tiêu) từ đó mà nhu cầu cơ thể đòi hỏi phải ăn nhiều, uống nhiều để bù đắp tân dịch. Tiêu khát có nhiều hình thức đốt cháy, tiêu hao tân dịch, có thể chủ yếu bằng đường niệu, bằng đường sốt, ra mồ hôi hoặc nung đốt phần âm dịch làm cơ thể luôn luôn nống hơn bình thường… Cuối cùng gây ra 3 chứng trạng chủ yếu: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhanh trong nước tiểu có nhiều đường nên thấy ruồi và kiến bâu.





Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh

Bệnh này chủ yếu do cơ thể vốn âm hư, ngũ tạng nhu nhược lại do ăn uống không điều độ, nhiều chất béo, ngọt.

Nguyện vọng tình cảm mất điều hoà, lao động, tình dục quá độ mà dẫn tới thận âm suy hư, phế vị táo nhiệt.

Có âm hư là gốc, táo nhiệt là ngọn. Bệnh kéo dài lâu ngày, âm tổn tới dương, dương hư hàn ngưng có thể dẫn tới ứ huyết ở bên trong.

Biến chứng của bệnh đái đường

a. Biến chứng nhiễm trùng

Có thể từ những mụn nhọt rất thường, những vết thương bề ngoài không đáng kể đến nhiễm trùng quan trọng hơn như hoại thư và lao phổi.

b. Biến chứng về thoái hoá

Tình trạng thoái hoá thường xảy ra ở các động mạch hoặc các bộ phận khác, nhất là mắt.

c. Biến chứng về thần kinh

Có thể từ viêm dây thần kinh đơn thuần đến những biến chứng quan trọng hơn như hôn mê do đái đường.

d. Hôn mê do đái đường (Toan – Xeton máu)

Xảy ra vào dịp:

- Nhiễm trùng hoặc nhiễm đôc nặng.

- Chấn thương tinh thần.

- Áp dụng chế độ giảm gluxit quá khắt khe

- Có khi không có nguyên nhân gì cả.

Điều trị đái tháo đường theo y học cổ truyền


Theo Y học cổ truyền tiêu khát gồm nhiều thể bệnh và có pháp điều trị và bài thuốc cho từng thể bệnh như sau:

Thể phế táo vị nhiệt (Thiên về thượng tiêu)

* Chứng trạng: Phiền khát uống nhiều, hay đói, hình dáng gầy còm, miệng khô lưỡi ráo, mép lưỡi nhọn đỏ, mạch hoạt sác.

* Pháp điều trị: Nhuận táo dưỡng âm thanh nhiệt

* Bài thuốc: Bạch hổ gia nhân sâm thang phối hợp ích vị thang gia giảm: Sinh thạch cao 60g (sắc trước), Cam thảo 6g, Sa sâm 15g, Sinh địa 30g, Thiên hoa phấn 15g, Tri mẫu 15g, Đẳng sâm 15g, Mạch đông 12g, Ngọc trúc 15g.

Thể thận âm suy (thiên về hạ tiêu)

* Chứng trạng: Tiểu nhiều lần lượng nhiều, nước tiểu ngầu đục như nước đường, eo lưng mỏi mất sức, miệng khô lưỡi đỏ, hoặc lưỡi nhẵn đỏ không rêu, mạch tế sác.

* Pháp điều trị: Tư dưỡng thận âm

* Bài thuốc: Lục vị Địa hoàng hoàn gia giảm: Sinh đại 15g, Hoài sơn dược 30g, Phục linh 12g, Trạch tả 12g, Nữ trinh tử 12g, Bạch thược 12g, Thục địa 15g, Sơn thù du 15g, Đan bì 9g, Cẩu kỷ tử 12g, Đồng tật lê 12g.

Thể trường vị hoả uất (Thiên về trung tiêu)

* Chứng trạng: Ăn nhiều, chóng đói, cồn ruột, gầy sút nhanh.

* Phương pháp điều trị: Dưỡng vị sinh tân

* Bài thuốc: Tăng dịch thăng: Huyền sâm 32g, Sinh địa 32g, Mạch môn 32g, Thiên hoa phấn 32g, Hoàng liên 10g.

Thể âm dương đều hư:

* Chứng trạng: Tiểu nhiều lần, nước tiểu vẩn đục như nước đường, sắc mặt xám đen hoặc trắng bệch, hoặc có phù, hoặc đi ngoài nát loãng, nặng thì đi lỏng, sợ rét sợ lạnh, lưỡi nhạt rêu trắng, mạch trầm tế vô lực.

* Pháp điều trị: Tư dưỡng thận âm, ôn bổ thận dương.

* Bài thuốc: Kim quỹ thận khí hoàn: Thục đia 30g, Sơn thù du 15g, Đan bì 9g, Nhục quế 3g (nuốt), Sơn dược 30g, Phục linh 15g, Trạch tả 9g, Phụ tử 6g (sắc trước)

Thể ứ huyết

* Chứng trạng: Quá trình bệnh lâu ngày, hoặc bệnh này phối hợp với biến đổi bệnh huyết quản tim mạch não, chất lưỡi tối hoặc có ban ứ, chấm ứ, mạch tế sáp.

* Pháp điều trị: Hoạt huyết hoá ứ

* Bài thuốc: Cách hạ trục ứ thang gia giảm: Ngũ linh chi 15g, Xuyên khung 9g, Đương quy 12g, Đào nhân 9g, Đan bì 9g, Diên hồ sách 9g, Hồng hoa 9g, Xích thược 9g, Ô dược 6g, Chỉ xác 9g.

Các bài thuốc trên cho vào 1 lít nước, sắc lấy n300ml nước thuốc, chia uống 3 lần trong ngầy sau khi ăn 30 phút.





Phương Pháp Kiếm Soát Bệnh Tiểu Đường

Cách đây hơn 3000 năm, con người đã quan sát các sự vật xung quanh, quan sát vũ trụ tìm ra các mối liên quan và quy nạp chúng, phát triển thành 3 học thuyết âm dương, ngũ hành và thiên nhân hợp nhất. Cổ nhân có câu “Nhân thân vi tiểu thiên địa” tức con người là một tiểu vũ trụ, cũng có âm dương, ngũ tạng ứng với ngũ hành, tồn tại và phát triển theo quy luật tự nhiên, con người thích nghi, chế ngự, cải tạo hoàn cảnh thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Nếu phá vỡ quy luật tự nhiên ấy ắt sẽ sinh ra nhiều bệnh tật.

Theo Hoàng đế nội kinh, Tố vấn:
Hoàng đế hỏi:Ta nghe rằng người thời thượng cổ tuổi tác đến trăm tuổi mà động tác vẫn không suy yếu, người thời nay tuổi mới nửa trăm mà động tác đều suy yếu. Đó là vì thời thế khác nhau ư? Hay là con người sắp mất đi sự hòa điệu Âm Dương?
Kỳ Bá đáp: Người ở thời thượng cổ đều biết đạo dưỡng sinh, họ bắt chước theo lẽ biến hóa của Âm Dương, hòa hợp được với thuật số, ăn uống có điều độ, thức ngủ theo lẽ thường, không lao động mệt nhọc một cách cẩu thả, do đó hình thể và thần khí của họ đầy đủ để có thể sống trọn tuổi trời, trăm tuổi mới chết. Người thời nay thì không thế, họ lấy rượu làm thứ uống, lấy sự cẩu thả làm lẽ thường, say rượu rồi nhập phòng, lấy sắc dục làm cho tinh khí bị hao kiệt, hao tổn đến chân khí, không theo đúng sự thay đổi khí tiết bốn mùa để bảo dưỡng tinh thần, họ chỉ muốn làm cho khoái cái tâm, làm nghịch lại cái vui chân thực, họ thức ngủ không điều độ, do đó mà tuổi mới nửa trăm thì đã suy yếu vậy.
Tạo hóa tạo ra con người không phải để bị bệnh mà là để sống khỏe mạnh trăm tuổi, chỉ khi nào phá vỡ quy luật tự nhiên con người mới bị ốm và mắc bệnh.
Bệnh đái tháo đường theo y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng tiêu khát. Bệnh gây ra bởi các nguyên nhân: Tiên thiên bất túc, Tình chí thất điều, Phòng lao quá độ, Ăn uống quá nhiều đồ béo ngọt, cay nóng.
Vì vậy khi điều trị bệnh phải dùng các phương pháp trị liệu tổng hợp theo ứng dụng của học thuyết thiên nhân hợp nhất:
-Tâm lý liệu pháp.
-Dưỡng sinh, khí công.
-Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt.
-Dùng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên.
-Chế độ ăn hợp lý.
-Tâm lý liệu pháp
-Tình chí thất điều: Do suy nghĩ, căng thẳng thái quá, do uất ức lâu ngày, lao tâm lao lực quá độ mà ngũ chí cực uất hóa hỏa. Hỏa thiêu đốt phế, vị, thận làm cho phế táo, vị nhiệt, thận âm hư. Thận âm hư dẫn đến tân dịch giảm, phế táo làm mất chức năng tuyên phát túc giáng, thông điều thủy đạo, không đưa được nước, tinh hoa của thủy cốc đi nuôi cơ thể mà dồn xuống bàng quang nên người bệnh khát nước, tiểu nhiều, nước tiểu có vị ngọt.
Những ảnh hưởng của xã hội ảnh hưởng đến tâm lý của con người. Vì vậy bệnh nhân cần phải tránh xa những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo nghĩ, giận dữ… Bệnh nhân nên tĩnh tâm, vui vẻ, có sự tha thứ và niềm tin tưởng  sẽ giúp cho khí huyết được thông sướng, ngũ tạng được điều hòa.

Dưỡng sinh khí công

Cổ nhân dạy pháp dưỡng sinh để có sức khỏe tốt và phòng chống lại bệnh tật như sau:
Pháp vu âm dương
Hòa vu thuật số
Ẩm thực hữu tiết
Khởi cư hữu thường
Bất vọng lao tác
Hình dữ thần câu
Tận chung thiên niên
(Hình thể tương xứng với tinh thần. Sống tận hết thọ mệnh trời cho)
Bởi vậy việc dưỡng sinh khí công, luyện ý, luyện thở, luyện thể hình mỗi ngày là rất quan trọng. Theo góc độ của y học hiện đại, việc luyện tập sẽ giúp cơ thể tiêu thụ Glucose dễ dàng, giảm đường máu, giảm trọng lượng cơ thể, từ đó giảm được các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, khi luyện tập cần phải chú ý những điểm sau:
-Xây dựng chế độ luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh.
-Nên tập các bài tập nhẹ nhàng, không nên quá sức, không nên tập quá sớm hoặc quá muộn.
-Cần phải có biện pháp chống hạ đường máu trong khi tập luyện.
-Không tập luyện khi đang mắc kèm theo các bệnh cấp tính, hay những biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường.

Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt

Theo lý luận của y học cổ truyền, dựa vào nguyên nhân gây bệnh, chứng hậu chứng trạng mà phân ra các thể bệnh khác nhau. Mỗi thể bệnh sẽ có pháp điều trị khác nhau mà từ đó đưa ra phương huyệt thích hợp. Châm cứu bao gồm châm bổ các huyệt để kiện tỳ vị, ích khí, bổ thận thủy, châm tả các huyệt để tả vị nhiệt, phế táo, cứu hay ôn châm các huyệt để ôn dương. Xoa bóp bấm huyệt để lưu thông khí huyết, bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thần kinh vi mạch cần phải xoa bóp để mạch máu lưu thông, giảm tình trạng tê bì, loét, hoại tử tứ chi. Có thể kết hợp với nhĩ châm (châm loa tai) các điểm Nội tiết, Thận, Bàng quang. Mai hoa châm, gõ dọc kinh bàng quang ở vùng lưng, kích thích mức độ vừa các du huyệt trên lưng.

Dùng thuốc

Sử dụng các vị thuốc Nam, thuốc Bắc có nguồn gốc thiên nhiên từ thực vật. Tùy theo chứng hậu, mức độ tổn thương nông sâu của tạng phủ khí huyết mà đưa ra pháp phương phù hợp. Ngoài những phương thuốc có tác dụng phù hợp với pháp điều trị, đối với bệnh nhân tiêu khát cần phải gia các vị thuốc bổ âm, sinh tân như: Huyền sâm, Thạch hộc, Ngọc trúc, Mạch môn, Sinh địa, Thiên hoa phấn…. Và những vị thuốc đã được nghiên cứu chứng minh có tác dụng hạ đường huyết như: Thiên hoa phấn, Cát căn, Sinh hoàng kỳ, Cẩu kỷ tử, Khổ qua,…

Chế độ ăn hợp lý

Cổ nhân có câu “bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”, ý nói rằng bệnh tật là do từ miệng mà vào, tai họa là do từ miệng mà ra. Vì ăn uống không điều độ, không đúng khoa học nên trăm thứ bệnh cũng bắt nguồn từ việc ăn uống. Ăn quá nhiều đồ béo ngọt, uống quá nhiều rượu, ăn nhiều đồ cay nóng lâu ngày làm nung nấu, tích nhiệt ở tỳ vị, nhiệt tích lâu ngày thiêu đốt tân dịch mà gây ra chứng tiêu khát.
Vì vậy, việc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường là vấn đề quan trọng nhất, xuyên suốt quá trình điều trị bệnh, phòng các biến chứng cấp tính và mãn tính.
-Hạn chế các đồ ăn cao lương mỹ vị, giảm ăn các chất cay, béo, ngọt. Nên ăn nhiều hoa quả, rau xanh, đậu đỗ, các loại củ, loại hạt… Tốt nhất là nên sử dụng ở dạng thô, không qua chế biến để chúng ta hấp thụ được nhiều nhất tinh hoa của trời đất.
-Không nên ăn quá nhiều dầu mỡ để tránh nê trệ hại Tỳ Vị.
-Tuyệt đối kiêng rượu và thuốc lá, vì rượu tính ôn vị cay phát tán vào cơ thể làm cho hao tân dịch, làm tăng bệnh và dễ gây biến chứng.
Dinh dưỡng trực quan (dược thiện chữa bệnh) cho bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo những nguyên tắc sau:
-Đủ calo cho hoạt động sống bình thường.
-Đủ các yếu tố vi lượng.
-Thực hiện đúng giờ ăn, số lượng bữa ăn trong ngày phù hợp.
-Nếu bệnh nhân kèm theo thừa cân, béo phì cần giảm 10 – 20% lượng chất đưa vào cơ thể.
Thức ăn đa dạng, nhiều thành phần. Có sự cân đối giữa các thành phần Lipid, Protein và Glucid.
+ Lipid: Hạn chế sử dụng mỡ động vật, nội tạng động vật, bơ có thể dùng ít dầu thực vật không bão hòa như dầu oliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành….
+ Protein: Bệnh nhân cần giảm lượng Protein từ động vật, nên sử dụng nguồn Protein từ nấm hay các loại đậu đỗ. Lượng Protein cần trong ngày khoảng 8g/kg cân nặng.
+ Glucid: Là nguồn cung cấp năng lượng chính, chiếm 60 – 65% tổng calo cần thiết trong ngày. Bệnh nhân tiểu đường nên lựa chọn nguồn Carbohydrate từ ngũ cốc thô, rau quả tươi và tránh xa đường tinh luyện, ngũ cốc tinh chế và các sản phẩm từ ngũ cốc tinh chế như bánh mì, bánh quy, pizza…
+ Chất xơ: Chất xơ có tác dụng làm chậm hấp thu Glucid và Lipid làm giảm tình trạng tăng đường máu và mỡ máu sau ăn. Chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh, củ, quả tươi. Nên áp dụng nguyên tắc khi ăn rau củ quả là: Ăn sống, nhai kỹ, nuốt chậm.
+ Vitamin và khoáng chất: Việc ăn sống các loại rau củ quả tươi không chỉ cung cấp chất xơ mà còn cung cấp lượng lớn các Vitamin, khoáng chất và Enzyme có lợi. Việc nấu quá kỹ các loại thực phẩm này sẽ làm mất đi những vi chất này.
+ Hạn chế rượu, bia, caffe, thuốc lá, gia vị cay nóng…










No comments:

Post a Comment