LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT



LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT
http://truthlady3.blogspot.com/2016/11/link-post-truthlady3blogspot.html

goosee
The Sound of Silence

Wednesday, May 15, 2019

Minh triết trong đời sống (1)

Minh triết trong đời sống
Darshani Deane  - dịch Nguyên Phong



Mục lục :






















Lời Giới Thiệu

Trong nhiều năm qua, tôi đã diễn thuyết khắp nơi về nhiều đề tài khác nhau như “Con đường chuyển hóa”, “Định hướng cho tương lai”, “Hạnh phúc và đau khổ”, v.v. Thính giả của tôi gồm đủ mọi tầng lớp trong xã hội: chủ doanh nghiệp, nhà quản lý, giáo sư đại học, sinh viên, học sinh, quân nhân, công chức, thợ thuyền, người nội trợ, v.v. Sau buổi nói chuyện thường có buổi thảo luận, một số người đã đặt những câu hỏi tương tự như sau:
• Cuộc đời của tôi là một chuỗi đau khổ, bà có cách nào giúp tôi không?
• Tại sao những bất hạnh lại xảy đến cho tôi? Tôi đã làm gì nên tội?
• Tại sao lúc nào tôi cũng cảm thấy bất an, lo sợ? Tôi đã áp dụng nhiều phương pháp, từ uống thuốc an thần đến thiền định nhưng không đạt kết quả gì. Liệu bà có giúp được gì cho tôi hay không?
• Làm thế nào để một người bình thường như tôi có thể sống thoải mái trong cuộc đời hiện tại?
• Tôi đã tập thiền trong nhiều năm mà chẳng thấy kết quả gì khả quan. Theo bà tôi phải làm gì nữa đây?
• Tại sao khi ở nhà tôi thấy thoải mái dễ chịu nhưng khi vào đến cơ quan thì những nỗi bực bội, phiền hà lại nổi lên?
• Tôi đã theo học với nhiều thầy, tu nhiều phương pháp khác nhau nhưng càng ngày càng thấy bối rối hơn. Tôi không biết phải làm gì nữa bây giờ?
• Tại sao tôi cứ cảm thấy tuyệt vọng?
• Làm thế nào để đối diện với cái chết?
• Chúng ta có thực sự tự do không?
Sau khi tiếp xúc với họ, tôi thấy dù ở địa vị hay hoàn cảnh nào trong xã hội, đa số đều có những tâm trạng và thắc mắc như nhau. Điều này khiến tôi suy luận rằng nếu những người tôi đã gặp đều có những ưu tư giống nhau thì những người tôi chưa gặp chắc cũng có những tâm sự tương tự. Nếu đã giúp được một số người qua các buổi hội thảo thì biết đâu tôi cũng giúp được người khác qua hình thức một cuốn sách nhỏ ghi lại những điều tôi đã thu thập được.
Phần lớn những câu trả lời của tôi đều dựa trên các phương pháp đã được truyền dạy và thực hành tại phương Đông trong nhiều thế kỷ. Dĩ nhiên nó không giống cách chữa bệnh của khoa phân tâm vốn dựa trên căn bản “Phân tích mọi việc bằng lý luận, đưa nó ra ánh sáng rồi mọi việc tự nó giải quyết”. Tôi quan niệm rằng: Tâm hồn con người hiện nay đã trở nên quá máy móc, thụ động, không thể tự chữa cho nó bằng lý luận thông thường. Nó cần phải được nâng lên một bình diện khác cao hơn để mở rộng ra, nhìn mọi sự qua một nhãn quan mới. Chỉ có áp dụng cách đó, việc chữa trị mới mang lại kết quả tốt đẹp.
Tôi khám phá ra phương pháp này một cách ‘tình cờ”, nhưng dường như trong đời không có gì gọi là tình cờ được thì phải. Tôi xin chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm bản thân như sau:
Cách đây không lâu, tôi là một nhạc sĩ nổi tiếng trình diễn âm nhạc khắp thế giới nhưng tôi chưa thỏa mãn với chính mình, hình như tôi còn muốn một cái gì nữa mà lúc đó tôi chưa ý thức rõ rệt. Tôi lái xe hơi vòng quanh thế giới, khởi sự từ châu Âu, qua Trung Đông với ý định sẽ đi khắp châu Phi, châu Á trước khi trở về châu Mỹ. Cuộc hành trình đưa tôi đến bờ sông Hằng xứ Ấn Độ. Hôm đó tôi dừng chân trước đạo viện Sivananda nơi đạo sư Krishnanandaji đang giảng kinh Vệ Đà. Dĩ nhiên tôi chưa bao giờ nghe nói đến kinh Vệ Đà và cũng chẳng biết vị đạo sư đó là ai. Tôi chỉ muốn chụp vài tấm ảnh kỷ niệm để làm bằng chứng cho chuyến du lịch của tôi mà thôi. Hôm đó đại sư đã giảng cho học trò về Đại Ngã (Brahman), về cái lý tưởng tuyệt đối, không thể phân chia của vũ trụ. Vì lý do gì đó, đầu óc của tôi bỗng nhiên được đánh thức, tôi ý thức rằng từ trước đến nay cuộc đời của tôi chỉ là một giấc ngủ dài không tỉnh. Tôi nghe giảng một cách say sưa, quên cả thời gian, không gian và lý do cuộc thăm viếng đạo viện. Điều tôi hằng mong muốn nhưng chưa ý thức được bỗng hiện lên rõ rệt trong đầu óc tôi. Tôi quyết định dừng chân tại đây để học đạo. Năm đó tôi vừa tròn 35 tuổi.
Tôi xuất thân trong một gia đình trung lưu tại thành phố New York. Cha mẹ tôi tin rằng tôi có năng khiếu âm nhạc nên họ không quản tốn kém thuê giáo sư kèm riêng cho tôi. Giáo sư của tôi, một nhạc sĩ nghiêm khắc, đã quyết định rằng tôi phải trở thành một nghệ sĩ độc tấu nhạc cổ đìển, và chỉ nhạc cổ điển mà thôi. Điều này có nghĩa là tôi không được chơi các bài nhạc vui như Valse hay hòa tấu với những học sinh khác. Qua âm nhạc, tôi nhận thức được một sức sống mạnh mẽ tiềm tàng trong mình và khám phá rằng tôi có nhiều nhiệt thành với cuộc sống, lúc nào tôi cũng muốn vươn lên nắm bắt lấy một cái gì mặc dù lúc đó tôi không rõ mình thực sự muốn gì.
Không như những thiếu nữ cùng lứa tuổi, tôi tin rằng hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy trong sự thành công về nghề nghiệp, danh vọng và “sống cho ra sống” chứ không phải ràng buộc trong những giới hạn của hôn nhân. Trong thời gian học đại học, tuy quen biết nhiều ngưòi nhưng không bao giờ tôi muốn bị lệ thuộc vào bất cứ ai.
Đời sống đối với tôi là một khu rừng đầy hoa thơm cỏ lạ với những buồi trình diễn trên đài phát thanh, đài truyền hình, trên sân khấu những hộp đêm sang trọng tại New York, Chicago, Paris, London v.v. Tôi đã trình diễn trên du thuyền của những vương tôn công tử hào hoa phong nhã. Giao thiệp với những người đàn ông từng trải, chín chắn. Nhiều người ngỏ lời cầu hôn và hứa hẹn một đời sống thoải mái cho tương lai nhưng tôi chỉ muốn tự do làm tất cả những gì mình muốn, và tôi vẫn còn muốn nhiều thứ lắm.
Nghề nghiệp đưa tôi vào nhiều chuyến du lịch đầy hứng thú từ Âu qua Á, từ những đô thị đông đúc ở châu Á đến những làng mạc hoang vu tại châu Phi. Tuy nhiên tôi không muốn chỉ là một nghệ sĩ thuần túy mà phải nhiều hơn thế nữa.
Tôi học lái máy bay và trở thành một phi công có hạng. Tôi đã một mình bay nhiều chuyến từ thành phố này qua thành phố khác. Tôi đã vẫy vùng trên không trung như một cánh chim giang hồ và đạt nhiều kỷ lục đáng kể. Lúc ấy, số phụ nữ có bằng lái máy bay còn rất hiếm nên tôi đã trở thành đề tài cho nhiều câu chuyện thời sự.
Tôi ham thích chơi cờ; ngoài việc giải trí thanh nhã, nó còn là môi trường để thử thách cá tính con người. Tôi đã tranh giải trong các hội quán quốc tế và hạ nhiều cao thủ xuất sắc. Trong các danh thủ môn cờ này, rất ít người thuộc phái nữ nên tên tuổi của tôi còn lẫy lừng hơn nữa; nhưng đối với tôi nó vẫn chưa đủ, tôi chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn cả, tôi còn muốn nhiều hơn nữa kìa…
Tôi ký hợp đồng trình diễn tại châu Phi và lang thang nhiều năm trên lục địa nắng cháy này. Tôi sống trên một du thuyền lộng lẫy chạy dọc theo sông Nile suốt sáu tháng liền, nhưng rồi cuộc sống vương giả ấy làm tôi thấy nhàm chán. Tôi tìm đến một làng hẻo lánh, sống chung với những người nông dân trồng trọt rau trái. Tại đây tôi học được bài học về lòng hy sinh, nhẫn nại, sự gắn bó chặt chẽ với đất đai để biến mảnh đất sa mạc khô cằn thành những đồn điền trù phú, nhưng không hiểu sao tôi không thấy mình gắn bó vào đâu cả.
Tôi trở lại châu Âu trình diễn âm nhạc một thời gian. Máu phiêu lưu thúc đẩy, tôi mua một chiếc xe Jeep để du lịch vòng quanh thế giới. Hầu như bất cứ nơi nào ghé qua, tôi cũng đều bị bao vây bởi rừng phóng viên, nhà báo tò mò muốn tìm hiểu người phụ nữ đầu tiên dám du lịch thế giới một mình bằng xe ô tô. Cuộc du hành đưa tôi qua châu Phi, Trung Đông và rồi châu Á. Tôi đi dọc theo rặng Hy Mã Lạp Sơn hiểm trở để vào đồng bằng xứ Ấn, cho đến một hôm dừng chân bên bờ sông Hằng và nghe nói đến từ “Đại Ngã” (Brahman). Trí óc của tôi bị thôi thúc mạnh mẽ, dường như tôi đã tìm được điều tôi muốn. Tôi quyết định dừng chân nơi đây học đạo với Swami Krishnanandaji.
Tôi học hỏi ý nghĩa kinh Vệ Đà và chú trọng nhiều đến bộ Upanishads. Với tấm lòng cương quyết có được kinh nghiệm tâm linh, tôi đã nhập thất thiền định nhiều năm trên rặng Hy Mã Lạp Sơn. Một hôm thấy trong lòng ngây ngất rạo rực bởi một cảm giác an tĩnh lạ thường, tôi vội báo tin cho thầy tôi biết rằng: “Nếu tiếp tục cố gắng khoảng sáu tháng nữa tôi có thể giác ngộ”. Thầy tôi không nói gì chỉ lắc đầu rồi yêu cầu tôi trở lại động đá suy gẫm thật kỹ về một đề tài của kinh Vệ Đà: “Khiêm tốn là bước đầu của tất cả sự tiến bộ”. Sau khi suy gẫm kỹ lưỡng về đề tài trên, tôi ý thức rằng người ta không thể tự hào với một công phu nhỏ bé như thế được, tôi bèn cương quyết nhập thất trọn đời. Tôi báo tin cho thầy tôi biết rằng “Tôi sẽ từ bỏ thế gian này để thực hành thiền định cho đến khi chết”. Một lần nữa thầy tôi lắc đầu và nói rằng: “Tại sao con lại nghĩ rằng con có thể từ bỏ thế gian này hoặc thế gian này sẽ từ bỏ con? Hãy suy gẫm thêm nữa về sự liên hệ giữa cá nhân và thế giới”. Thế là tôi lại chui vào động đá để suy gẫm thêm.
Mùa mưa đến với rắn rết, côn trùng bò đầy vào trong hang nhưng tôi vẫn không sờn lòng, tôi ao ước có được kinh nghiệm tâm linh trước khi giấy thông hành của tôi hết hạn. Tuy nhiên thời gian là một thử thách lớn, sau mấy năm nhập thất mà vẫn chưa trải nghiệm được điều tôi muốn, lòng phiêu lưu mạo hiểm thúc giục tôi lên đường. Tôi muốn biết ngoài giáo lý Vệ Đà còn có những giáo lý nào khác nữa hay không? Biết đâu tôi có thể học hỏi thêm được điều gì hay hơn chăng? Biết đâu tôi có thể tìm được một giáo lý nào thích hợp với tôi hơn nữa? Thế là tôi từ giã động đá để đi Katmandu.
Tôi dừng chân trước một trại dành cho người Tây Tạng di tản. Việc những người dân hiền lành chất phác phải rời bỏ mảnh đất quê hương làm cho tôi xúc động. Hơn lúc nào hết, tôi ý thức rõ rệt về sự liên hệ giữa cá nhân tôi và thế giới bên ngoài. Tôi lập tức tình nguyện làm người quản lý ở trại này. Tôi thành lập trường học, thiết lập trạm y tế, họp báo kêu gọi thế giới ý thức về tình trạng khốn khổ của những con người ở đây. Tôi nghĩ rằng nhờ công tác xã hội này tôi sẽ tìm được điều tôi muốn nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy thiếu thốn một điều gì đó. Đời sống đối với tôi bỗng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Hằng ngày tôi thường lái xe chuyên chở thực phẩm cho trại, đi qua những con đường đèo nhỏ hẹp trên rặng Tuyết Sơn. Tôi nhìn thấy hàng trăm xác xe hơi dưới đáy thung lũng, chỉ một lơ đãng một chút là cả người và xe đều rơi xuống vực sâu. Cái chết bắt đầu ám ảnh tâm trí tôi hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ nhiều về cái chết, về đời sống và bắt đầu sợ hãi.
Tôi vừa lái xe vừa cầu nguyện, đôi khi tôi còn đọc những bài thần chú Tây Tạng nữa. Không ai muốn chết trước khi được một quyền năng nào đó “bảo đảm“ cho.
Qua công việc xã hội, tôi quen biết Linh mục Moran và Hòa thượng Serkong Rimpochen. Tôi than thở với hai vị này rằng: “Khi xưa tôi vẫn nghĩ đời sống là một cái gì đẹp đẽ nhưng hiện nay tôi lại thấy đời sống sao đầy những khó khăn, không sao thoải mái được”. Cả hai khuyên tôi phải có một thái độ với cuộc sống. Linh mục Moran khuyên tôi cầu nguyện Thượng Đế nhiều lần trong ngày. Hòa thượng Serkong khuyến khích áp dụng một kỷ luật chặt chẽ để kiểm soát thân và tâm. Tuy nhiên tôi không tuân giữ được điều gì vì đầu óc của tôi lúc đó cứ bị giày vò, xung đột bởi một cảm giác trống rỗng, thiếu thốn không thể diễn tả.
Ít lâu sau tôi trở lại đạo viện Sivananda khóc lóc với đạo sư Krishnanandaji: “Con không thể sống với cái thế giới đầy phiền não này được nữa, con quyết định nhập thất thiền định cho đến khi đạt được kinh nghiệm tâm linh. Con không muốn du lịch hay làm công việc xã hội nữa mà chỉ ao ước kinh nghiệm được Thượng Đế mà thôi. Từ nay con nhất quyết đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài”.
Một lần nữa đạo sư Krishnanandaji lại lắc đầu nói rằng: “Tại sao con lại nghĩ mình có thể từ bỏ thế giới này? Thượng Đế và thế giới này đâu phải hai phần cách biệt, hãy tập trung tư tưởng để suy gẫm thật kỹ về đề tài này”. Từ đó bên dòng nước sông Hằng, tôi đắm mình vào việc thiền định, suy gẫm về cuộc đời đã qua của mình. Cho đến lúc đó, tôi mới hiểu được rằng cuộc sống “thiếu ý thức” của tôi khi trước chỉ là những gì chập chờn như giấc mộng. Tuy hiểu được vậy nhưng tôi vẫn chưa biết cách sống làm sao cho thoải mái để tìm sự an tĩnh trong nội tâm.
Sau một thời gian thiền định, quán tưởng, lòng phiêu lưu mạo hiểm lại thúc giục tôi lên đường. Tôi tự nhủ, biết đâu tôi có thể học hỏi thêm được điều gì hay hơn chăng? Tôi qua Nga, Đông Âu và Tây Âu trình diễn âm nhạc và dừng chân ở một làng nhỏ nước Ý. Tại đây tôi gặp Linh mục Padre Pio, một người mà trên thân thể có những bí tích (những dấu vết đóng đinh giống như Chúa Jesus, mỗi năm cứ đến thời gian trước lễ Phục Sinh thì những vết thương đó lại chảy máu một cách kỳ lạ).
Tôi được Linh mục Pio chỉ dẫn rất nhiều về giáo lý bí truyền chỉ phổ biến trong những dòng tu kín. Sống gần Linh mục, tôi trải nghiệm được một sự bình an lạ lùng, mỗi khi Ngài giơ tay ban phép lành thì tôi lại thấy trong người dào dạt một cảm giác bình an vô hạn. Hàng ngày tôi tham dự khóa lễ tại nhà thờ San Giovani, lòng yêu thương sùng kính của tôi đối với đấng Christ gia tăng mãnh liệt. Tôi muốn gia nhập dòng tu kín, trở thành một nữ tu dành trọn cuộc đời cầu nguyện Thiên Chúa nhưng tôi vẫn ngần ngại vì không quên cái ý thức về Đại Ngã (Brahman) và những kinh nghiệm thu thập bên dòng sông Hằng. Tôi cảm thấy trong người bị xâu xé bởi một cảm giác mâu thuẫn. Một mặt muốn quay về với triết lý phương Đông nhưng mặt khác tôi lại thấy thoải mái với lối giải thích của thần học phương Tây.
Ít lâu sau tôi nhận lời mời của giáo sư John Bennett qua Luân Đôn nghiên cứu công trình còn lại của Gurdjieff, một triết gia kiêm nhạc sĩ nổi tiếng. Gurdjieff đã dung hòa được tư tưởng Đông và Tây qua những lời khuyên hết sức thực tế, ngoài ra ông cũng là một nhạc sĩ nên tôi nghĩ rằng một nhạc sĩ tôi có thể thông cảm với nhạc sĩ hơn.
Tôi chuyên tâm nghiên cứu công trình của Gurdjieff. Một hôm đang đi bộ trên đường Oxford, tôi bỗng ý thức được một cảm giác tự do kỳ lạ, tôi không còn thấy mình là mình nữa mà cứ lâng lâng như được nâng lên một bình diện nào đó cao hơn. Tôi ngây ngất một lúc rất lâu và ý thức được điều Gurdjieff vẫn nói: “Sự ý thức toàn vẹn về sự sống”.
Tôi kể cho giáo sư Bennett nghe về kinh nghiệm này và ngỏ ý muốn tìm một nơi yên tĩnh để suy gẫm thêm. Giáo sư Bennett không đồng ý, ông nói: “Tách ra khỏi đời sống không phải là điều Gurdjieff chủ trương; sống và ý thức sự sống, ý thức sự chuyển hóa của mình với đời sống mới là điều quan trọng”. Tôi không đồng ý với giáo sư Bennett, đầu óc của tôi vẫn khăng khăng nghĩ rằng tôi có thể tìm đến một nơi chốn nào đó để sống trọn vẹn với cái cảm giác bình an đó mãi. Tôi tìm đến một tu viện hẻo lánh ở châu Phi và tuyên bố với tu sĩ trưởng: “Tôi đến đây để tìm sự yên tĩnh, để suy gẫm, để nghiên cứu, để kinh nghiệm…”. Trước khi tôi có dịp nói hết lời thì tu sĩ này đã lạnh lùng ngắt lời: “Muốn sống tại đây thì ai cũng phải làm việc. Tôi giao cho bà một số văn kiện, giấy tờ, bà có bổn phận chép ra thành nhiều bản, gửi đến địa chỉ trong danh sách này. Yêu cầu bà làm việc ngay vì đây đều là những thư khẩn cả”.
Thế là tôi thấy mình “è cổ” ra sao chép những văn kiện, giấy tờ. Lúc đó không có máy photocopy, không có máy vi tính như hiện nay nên mọi việc đều phải làm bằng tay. Khi tôi trình lên tu sĩ xấp văn thư dầy cộm, ông này liếc qua mấy hàng và phê bình ngay: “Bà làm việc cẩu thả, chữ viết nghiêng ngả, những con tem dán không thẳng hàng. Yêu cầu bà hãy làm lại, bà hãy ngâm những con tem vào nước, bóc ra rồi dán lại cho thật ngay hàng thẳng lối. Tuyệt đối không được phí phạm một thứ gì vì phong bì, giấy tờ và những con tem đều tốn kém, phí phạm nó sẽ gây thiệt hại cho ngân quỹ nơi đây. Yêu cầu bà làm việc cho thật nghiêm chỉnh vì đó là đường lối tại đây, nếu không được như thế xin bà rời nơi này ngay lập tức”.
Tôi không thể tin rằng một người mang danh tu sĩ lại ăn nói lạnh lùng, bất lịch sự như vậy. Từ trước đến nay tôi là người nổi tiếng, đi đâu cũng được kính trọng, nể vì, không ai ăn nói hỗn xược như vậy với tôi nhưng rồi tôi cũng dẹp bỏ tự ái, cắn răng hoàn tất công việc được giao phó. Đến khi đó vị tu sĩ mới dịu giọng hỏi tôi: “Thưa bà, bà muốn học hỏi điều chi?”. Tôi nói ngay mà không cần suy nghĩ: “Tôi muốn được trải nghiệm về sự hợp nhất với đấng Vô Cùng”. Vừa nghe vậy, tu sĩ đã lạnh lùng: “Thế thì bà đi lầm chỗ rồi, tại đây chúng tôi chỉ chủ trương ý thức tất cả mọi hành động và hoàn hảo trong mọi hành động mà thôi”. Tôi sững sờ một lúc nhưng rồi quyết định sống tại đó một thời gian xem sao vì biết đâu tôi có thể học hỏi thêm được điều gì hay hơn chăng?
Ngày tháng trôi qua, tôi bị ép buộc phải làm nhiều việc một cách vô cùng cực nhọc. Tôi dậy sớm quét nhà, lau dọn, lau chùi nhà vệ sinh và tất cả mọi việc lao động trong tu viện, thế mà tôi còn bị chỉ trích và phê bình đủ thứ. Hình như người ta cố tình áp dụng “kỷ luật sắt” riêng với tôi. Dù tôi làm việc tốt đến đâu người ta cũng có thể tìm cách chê trách được, dĩ nhiên lúc đầu tự ái của tôi bị va chạm mạnh nhưng rồi sau cũng quen đi. Điều tôi không ngờ là cái bản ngã tự cao tự đại, đầy kiêu căng phách lối của tôi nhờ thế mà cũng giảm dần theo thời gian. Cái cảm giác thiếu thốn khó chịu cũng theo đó mà biến mất, tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái với chính mình nhiều hơn. Khi biết thoải mái với mình thì người ta bắt đầu nghĩ đến người khác và tôi đã suy nghĩ nhiều về mối liên hệ giữa cá nhân và xã hội. Tôi thấy từ trước đến nay tôi sống một cách ích kỷ quá. Do đó, khi một phái đoàn truyền giáo đi ngang, tôi vội tháp tùng theo họ đến Nam Phi. Tại đây tôi dồn sức ra làm việc xã hội, mở trường học, lập trạm y tế, sống trong những làng mạc của người da đen.
Công việc hoạt động này giúp tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhân vật quan trọng của châu Phi. Tôi thấy người ta đã cố tình loại bỏ tên tuổi những người da đen trong các công trình xây dựng quan trọng tại đây. Cuốn niên giám nhân vật châu Phi, “Who’s who in Africa”, không hề đề cập đến bất cứ một người da màu nào.
Sự bất công, kỳ thị chủng tộc của người da trắng đã thúc đẩy tôi phải làm một điều gì đó. Tôi dành thời gian nghiên cứu để xuất bản một cuốn niên giám nhân vật khác. Lúc đầu tôi nghĩ nó chỉ mất khoảng sáu tháng là nhiều, sau đó tôi sẽ tìm về một làng mạc hẻo lánh để tiếp tục công tác xã hội và thiền định. Nhưng sáu tháng lại biến thành bốn năm. Công trình nghiên cứu cuốn niên giám nhân vật đòi hỏi một sự kiên nhẫn, bền chí và cương quyết trong môi trường mà sự kỳ thị chủng tộc và nỗi bất công là lẽ đương nhiên. Cho đến khi đó, tôi mới ý thức được sự ích lợi của thời gian sống trong kỷ luật tuyệt đối tại tu viện kia. Thời gian làm việc tại châu Phi giúp tôi ý thức giá trị của cuộc sống và hiểu biết về bản thân mình nhiều hơn. Tôi biết cách sống một cách thoải mái, bình dị và quyết định châu Phi là quê hương thứ hai của tôi.
Để nghiên cứu làm cuốn niên giám nhân vật, tôi đã du lịch qua nhiều làng mạc, quốc gia tại châu Phi. Một người phù thủy đã nói với tôi: “Bà sẽ trở thành một giáo sư và có rất nhiều học trò”. Tôi không tin những điều tiên đoán vu vơ nên gạt đi, viện lẽ tôi không hề có bằng cấp về sư phạm và cũng không có ý định mở trường dạy dỗ ai hết, nhưng ông này nhấn mạnh: “Quá nhiều người không ý thức được điều họ làm và cần giúp đỡ. Thế giới này thiếu gì người có bằng cấp nhưng nếu họ không ý thức được chính họ thì làm sao họ có thể giúp đỡ hay dạy dỗ ai? Bà có nhiều kinh nghiệm cá nhân, và bà nên chia sẻ điều này với người khác”.
Tôi không để ý đến lời khuyên của ông này nhưng sau khi cuốn sách được xuất bản, tôi được nhiều nơi mời diễn thuyết và một bất ngờ xảy ra. Đa số thính giả chỉ muốn nghe tôi nói về những kinh nghiệm cá nhân của tôi hơn là tiểu sử nhân vật mà tôi ghi chép trong cuốn niên giám nhân vật. Chỉ ít lâu sau, người ta chính thức mời tôi diễn thuyết về những kinh nghiệm tâm linh thay vì những đề tài khác. Số thính giả mỗi ngày một đông, nhiều người cho biết họ tìm được sự thoải mái sau khi áp dụng những phương pháp mà tôi đề xướng.
Ít lâu sau tôi gặp lại người phù thủy nọ. Lần này ông ta cho biết: “Bà sẽ rời châu Phi đi diễn thuyết khắp nơi trên thế giới, bà sẽ giúp đỡ nhiều người hơn nữa…”. Tuy bán tín bán nghi nhưng tôi đã trả lời: “Tôi chán du lịch lắm rồi, tôi chỉ muốn sống yên ổn tại đây thôi. Không ai có thể bắt tôi đi đâu nữa”. Người phù thủy thản nhiên nói: “Điều bà muốn và điều Ngài muốn có thể không giống nhau, nhưng rồi bà sẽ học được điều cần phải học”.
Kiên định với suy nghĩ của mình, tôi cho đi tất cả quần áo, hành trang, và cương quyết không đi đâu nữa. Vài tháng sau tôi được mời nói chuyện tại câu lạc bộ phụ nữ ở New York. Tôi nghĩ thầm: “Dự một buổi diễn thuyết ngắn ngủi về phong tục và văn hóa châu Phi rồi trở về đây ngay thì ăn nhằm gì”. Thế là tôi thu xếp hành trang lên đường qua Hoa Kỳ.
Khi đến New York, tôi được biết đạo sư Baba Muktananda cũng đang diễn thuyết ở đó. Tôi đã nghe nhiều người nói về ông này khi còn ở Ấn Độ nên nhủ thầm đây quả là dịp may hãn hữu vì biết đâu tôi có thể học hỏi thêm được điều gì hay hơn chăng?
Tôi ngồi trên hàng ghế đầu nghe Baba Muktananda diễn thuyết về những kinh nghiệm tâm linh. Tôi băn khoăn tự hỏi: “Tại sao trải qua bao công phu tu tập, thiền định và quán tưởng mà tôi vẫn chưa có được kinh nghiệm tâm linh nào?”. Đang diễn thuyết, đạo sư Baba bỗng ngưng nói, nhìn thẳng vào chỗ tôi và thong thả nói:
- Này chị kia, chị chưa trải nghiệm được gì vì chị còn ích kỷ, tham lam và có nhiều ràng buộc quá.
Tuy giật mình nhưng là một phụ nữ quen hoạt động, tôi đã trấn tĩnh ngay:
- Ông nói tôi ư? Tôi có nhiều ràng buộc sao?
Baba thản nhiên:
- Đúng thế, nếu không tin chị hãy nhìn vào ví của chị mà xem.
Tôi lục chiếc ví nhỏ, ngoài các đồ dùng cá nhân lặt vặt thì trong ví chỉ còn mỗi chiếc vé máy bay về châu Phi ngày hôm sau thôi. Dĩ nhiên tôi phải trở về châu Phi… Ngay lúc đó, một ý nghĩ nổi lên trong đầu, tôi run giọng:
- Ông muốn nói người ta có thể bị ràng buộc vào một quốc gia, một lục địa, một lý tưởng hay một con chó. Nếu người ta cứ mải miết suy nghĩ về những điều mình muốn nhiều hơn suy gẫm về những điều cao thượng khác?
Quả thế, thời gian gần đây tôi thường nghĩ đến châu Phi, nghĩ đến những công trình mà tôi đã xây dựng tại đây, nghĩ đến những làng mạc hẻo lánh, những người dân quê chất phác hồn nhiên, những nơi chốn mà tôi đã cải thiện được và cảm thấy hết sức hãnh diện nhưng tôi không bao giờ nghĩ mình lại bị ràng buộc vào đó. Không hiểu sao Baba đọc được ý tưởng thầm kín của tôi, ông nói luôn:
- Chị không nghĩ chị bị ràng buộc hay sao? Nếu vậy chị nghĩ sao khi phải từ bỏ tất cả những nơi đó để sống tại Hoa Kỳ?
Sống tại Hoa Kỳ ư? Không bao giờ! Không đời nào tôi muốn sống tại nơi mà các giá trị vật chất như tiền bạc, danh vọng được đề cao như những giá trị tối thượng. Không đời nào tôi muốn chui rúc vào những phiền toái của đời sống mà tôi đang cố gắng thoát ra. Tôi đã đoạn tuyệt với nó từ lâu rồi kia mà. Một lần nữa Baba nói lớn:
- Này chị kia, chính những điều mà chị muốn tránh né đã ràng buộc chị vào những điều khác. Chị không thể trốn chạy mãi như thế được, chị có muốn thực sự trải nghiệm những điều cao thượng tốt lành không?
Tôi im lặng, câu nói của Baba như có một sức mạnh phá tung tất cả quan niệm từ trước đến nay của tôi. Tôi ngồi im, sững sờ, nhưng trong đầu của tôi là cả bãi chiến trường. Sau cùng tôi mở ví, rút tấm vé máy bay đưa cho Baba. Ông cầm tấm vé trên tay và thong thả nói riêng với tôi:
- Chị có chắc chị sẽ làm như vậy không?
Tôi biết ông ám chỉ điều gì. Tôi nói qua hàng lệ:
- Thưa có, tôi muốn kinh nghiệm được Thượng Đế.
Tôi không trở lại châu Phi nữa mà tìm đến một khách sạn nhỏ gần đó tập trung công phu vào việc thiền định và suy gẫm về sự tự do tuyệt đối, về sự cởi bỏ ràng buộc. Tôi không còn nghĩ đến điều mình muốn nữa, không còn nghĩ đến quá khứ, đến những phiền toái, những điều mà tôi muốn xa lánh. Tôi chỉ chuyên tâm suy nghĩ về những điều cao thượng tốt lành. Từ khi ý thức được điều này, công phu thiền định của tôi tăng tiến rõ rệt, tôi cảm thấy như được che chở trong một luồng từ điện yên tĩnh an lành nào đó. Nhưng rồi một vọng niệm lại nảy sinh trong đầu óc tôi, tôi ao ước sẽ an trú trong trạng thái an lạc này mãi mãi. Ý tưởng đó vừa nảy sinh tôi đã hối hận nhưng đã muộn, chỉ vài giờ sau, người chủ khách sạn đã đến đập cửa đòi tiền và tôi nhận ra rằng tôi đã tiêu sạch số tiền dự trữ mang theo.
Để kiếm sống, tôi đành trở lại việc diễn thuyết về đề tài tâm linh. Số thính giả mỗi ngày một đông nhưng tôi vẫn không quên trạng thái an lạc mà tôi đã trải nghiệm được trong khi thiền định. Tôi mong có thể tìm một nơi chốn vắng vẻ, yên tĩnh để an trú trong trạng thái an bình đó.
Cơ hội đã đến khi một người bạn cho biết anh có một căn nhà nghỉ mát nhỏ nằm sâu trong rừng, nếu muốn, tôi có thể đến sống tại đó mà không phải trả tiền thuê mướn chi cả. Căn nhà này không có những tiện nghi như điện, nước hay lò sưởi vì chủ nhân chỉ tạm trú mỗi khi săn bắn mà thôi. Tôi vội vã chộp ngay cơ hội hiếm có này.
Đời sống tại đây không dễ dàng như tôi nghĩ, hàng ngày tôi phải gánh nước từ một dòng suối nằm sâu dưới đáy thung lũng lên nhà. Tuy nhiên tôi học cách ý thức từng cử chỉ và hành động của mình và tìm sự bình an trong mọi hành động. Tôi thoải mái khi giặt giũ quần áo dưới suối, khi nấu ăn, khi lau nhà và việc tu thiền của tôi càng ngày càng tiến bộ. Tôi nhủ thầm sẽ không đi đâu nữa vì tôi đã tìm được một nơi trú ẩn thoải mái, đã tìm được điều tôi ao ước bấy lâu nay. Nếu những bậc đã chứng ngộ đều đạt đạo tại những nơi hoang vu cô tịch thì biết đâu điều đó lại chẳng xảy ra cho tôi?
Một ngày mùa đông, thời tiết lạnh giá, chỉ trong thoáng giây nhiệt độ trong nhà đã sụt xuống đến mức khủng khiếp. Chiếc lò sưởi xách tay nhỏ tự nhiên không hoạt động nữa mặc dù nó vẫn còn đủ dầu. Tôi mặc tất cả quần áo vào cơ thể để chống lạnh và thực tập phương pháp Yoga về Nhiệt Công. Không hiểu vì lý do nào mà mọi ngày tôi có thể chịu đựng được thời tiết giá lạnh nhưng lần này lại khác, một luồng hơi lạnh ở đâu thấm vào cơ thể khiến chân tay tôi đông cứng. Tôi cố gắng tập trung tư tưởng để thiền định, mọi khi tôi có thể nhập thiền dễ dàng nhưng hôm nay người tôi cứ run lên vì lạnh. Tôi cố gắng làm tất cả những gì tôi biết để chống lạnh nhưng vô hiệu, hơi lạnh như muôn ngàn con dao sắc bén đâm sâu vào da thịt. Tôi bắt đầu lo sợ, từ đây ra đến làng gần nhất cũng phải mất hơn mười cây số, mười cây số đường bộ trong cái lạnh kinh hồn này quả là một thử thách vô cùng lớn lao.
Đến gần sáng, không thể chịu đựng được nữa tôi đành thu thập hành trang lên đường. Tôi run rẩy bước đi trong làn gió bấc rét căm căm, toàn thân tôi như bị đông cứng trong cái lạnh kinh hồn. Tuyệt nhiên không một tiếng động nào mà chỉ có tiếng chân lê bước trên con đường mòn nhỏ phủ đầy tuyết trắng.
Ba giờ sau, tôi dừng chân trước quán ăn ở đầu làng, chưa bao giờ mùi cà phê nóng lại có thể quyến rũ tôi đến thế. Ánh đèn điện sáng choang, tiếng người nói ồn ào, mùi xào nấu thơm phức… Hơn lúc nào hết, tôi ý thức ngay cảm giác hoan hỷ khi được trở lại với cái thế giới mà tôi vẫn muốn từ bỏ nó. Tôi ngồi trên chiếc ghế bành ấm áp của nhà hàng và ý thức rằng: “Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm để từ bỏ thế gian vì tôi nghĩ thế gian này và tôi là hai thực thể tách biệt. Cho đến lúc đó tôi mới ý thức rằng tôi chính là một phần của thế gian này và vì là một phần của nó, tôi không thể tách riêng ra được. Chính sự ham muốn đã thúc đẩy tôi đi tìm tất cả, kể cả những kinh nghiệm tâm linh. Nhưng trải qua nhiều biến cố rời rạc, tôi mới thấy rõ một sự liên hệ, gắn bó, có ý nghĩa vô cùng giữa tôi và thế giới này. Tôi đã học được bài học mà tôi phải học”.
Tôi trở lại với công việc diễn thuyết, số khán giả mỗi ngày một đông hơn trước. Điều tôi trải nghiệm được trong buổi sáng mùa đông hôm đó đã dạy cho tôi một bài học vô cùng quý giá. Thật ra những điều này tôi vẫn biết qua sách vở, kinh điển, qua sự dạy dỗ của các đạo sư, nhưng tôi chưa thực sự trải nghiệm nó, ý thức được nó.
Có lẽ chúng ta không học được bài học mà chúng ta phải học nên chúng ta cứ phải học đi học lại mãi cho đến khi nào thực sự học được điều cần phải học vì đời sống tự nó vốn không có tính cách cá nhân. Khi cần tĩnh tâm trong sự cô tịch thì hoàn cảnh đó sẽ đến với chúng ta; khi cần hoạt động thì hoàn cảnh sẽ thúc giục chúng ta hoạt động. Tất cả mọi sự mong cầu, ao ước, dù là ao ước một sự bình an cũng đều là những vọng niệm, và nếu là những vọng niệm thì nó đều cần phải được loại trừ.
- Darshani Deane
1
________________________________________

1. Thần chết và đời sống

Ken và Lola là một cặp vợ chồng mới cưới. Lola là người có đời sống tinh thần khá cao, cô thường đọc sách vở về tâm linh, tham thiền và cầu nguyện hàng ngày, trong khi Ken thì không tin tưởng gì đến những điều mà vợ anh coi trọng. Lola phải nài nỉ mãi Ken mới chịu tháp tùng vợ đi nghe buổi diễn thuyết của tôi. Lola nói:
- Thưa bà, tôi muốn cuộc hôn nhân của tôi được tốt đẹp, tôi nghĩ chúng tôi sẽ có hạnh phúc dài lâu nếu chồng tôi biết chú trọng đến vấn đề tinh thần nhiều hơn vật chất. Nếu cả hai chúng tôi đều biết hướng về một mục tiêu chung là tinh thần thì chúng tôi có thể tránh được các cạm bẫy của vật chất, tránh được các đổ vỡ đau thương do cuộc sống hưởng thụ đầy xa hoa phung phí mang lại.
Ken cãi lại ngay:
- Thưa bà, vợ tôi muốn làm gì thì làm, đó là quyền của cô ấy nhưng đừng kéo tôi vào cuộc chứ. Tại sao tôi phải chú trọng đến những vấn đề tinh thần? Từ nhỏ tôi rất cực khổ, bây giờ có việc làm tốt, có đầy đủ tiện nghi vật chất thì phải hưởng thụ chứ. Sau này khi về già nếu muốn thì tôi có thể nghĩ đến vấn đề tinh thần sau. Khi đó đâu đã muộn, còn thiếu gì thời giờ để làm. Dù cho khi về hưu sau 65 tuổi tôi cũng còn đủ sức theo đuổi các vấn đề tinh thần kia mà. Bà nghĩ sao? Liệu tôi đúng hay vợ tôi đúng?
- Không ai có thể nói rằng ông đúng hay sai. Việc này chỉ mình ông biết nhưng bất cứ quyết định gì cũng phải dựa trên những dữ kiện thực tế chứ không thể giả tưởng được. Trước hết hoạt động tâm linh không hề ngăn cách với đời sống hiện tại mà là một phần của đời sống hàng ngày. Hoạt động tâm linh không có gì khác thường, không có nghĩa phải từ bỏ các hoạt động hàng ngày để theo đuổi một cái gì xa vời. Đi theo con đường tâm linh là sống cho ra sống, sống thoải mái với cuộc sống, sống một cách có ý thức và chủ động chứ không phải sống một cách máy móc thụ động. Muốn được như vậy chiều hướng tâm linh phải là trung tâm của ông và trung tâm của tất cả những hoạt động của ông. Làm sao để các năng lực của ông đều phát xuất từ cái trung tâm đầy an tĩnh và sáng suốt ấy. Trung tâm này càng mạnh thì sức khỏe, công việc, các mối quan hệ của ông càng ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, và đời sống sẽ trở thành một ân phước thay vì là một cái gì đó mà ông phải vật lộn, phấn đấu.
Bây giờ chúng ta hãy xét đến vấn đề thời gian. Tôi muốn lưu ý ông về câu nói rằng lúc nào chúng ta cũng có thời giờ, ngoài sáu mươi vẫn có thể theo đuổi những công việc như ý muốn. Liệu ông có chắc rằng ông sẽ sống đến tuổi sáu mươi hay không? Trong cuốnJourney to Ixtlan nói về cuộc tìm đạo của một người tên Castaneda với đạo sư Don Juan. Đạo sư Don Juan nói rằng: “Thần Chết là người bạn đồng hành luôn luôn đi sát bên cạnh chúng ta, gần đến nỗi chúng ta chỉ giơ tay ra là có thể chạm đến hắn”. Dĩ nhiên anh chàng Castaneda không muốn nghĩ đến cái chết, anh chỉ muốn học hỏi những kiến thức kỳ lạ, những điều huyền bí, những phép thuật của Don Juan nên tỏ ra khó chịu. Don Juan bèn khuyên bảo: “Con chớ nên bắt chước mọi người cứ nghĩ rằng mình không bao giờ chết mà đòi làm những việc vĩ đại, kinh thiên động địa, vá trời lấp biển mà nên ý thức rằng Thần Chết là vị cố vấn khôn ngoan nhất mà con sẽ gặp”.
Đức Phật đã đề cập đến việc này qua câu chuyện sau: “Một người đi trong rừng thì gặp một con cọp dữ, anh bỏ chạy và cọp đuổi theo. Anh chạy mãi rồi gặp một vực thẳm sâu hun hút đầy những tảng đá nhọn hoắt, nhảy xuống thì cũng chết mà đứng lại thì bị cọp ăn thịt. Bất chợt anh nhìn thấy một cành cây đu đưa giữa bờ vực, anh vội chồm lên bám vào cành cây này. Vừa bám vào cành cây anh đã trông thấy hai con chuột, một đen một trắng đang gặm nhấm cành cây. Trong giây phút đó anh nhìn thấy một trái cây nhỏ xinh xinh mọc trên cành, anh vội hái ăn mà quên đi hoàn cảnh khốn cùng. Anh xuýt xoa khen ngợi vị ngọt của trái cây, quên cả con cọp đang gầm gừ bên cạnh, quên cả vực sâu đầy những tảng đá nhọn hoắt, quên cả hai con chuột đang gặm nhấm cành cây. Anh chỉ ước ao có thể tìm thêm một vài trái như vậy để ăn cho đã thèm thì sướng biết bao”.
Khi chìm đắm trong sự vui sướng, chúng ta quên những vô thường của cuộc đời. Cuộc đời chẳng bao giờ bằng phẳng êm xuôi mà luôn luôn có những biến động, ví như mặt biển trước cơn giông tố. Chúng ta quên thời gian đang gặm nhấm cuộc đời chúng ta không ngừng như hai con chuột đen và trắng (Ngày và Đêm). Dù chúng ta đẹp đẽ hay xấu xí, giàu có hay nghèo hèn, khôn ngoan hay khờ dại thì chúng ta cũng không thể thoát khỏi cái chết. Giống như con cọp trong câu chuyện trên, cái chết đang rình rập chúng ta, theo đuổi chúng ta, không chờ đợi đến lúc tuổi già. Những tảng đá nhọn hoắt dưới đáy vực sâu tượng trưng cho những sự bất ngờ, tai nạn, sự tàn phá của con người, thiên tai, động đất, bệnh tật, chiến tranh, v.v. Bất cứ lúc nào cái chết cũng có thể đến với chúng ta, Thần Chết luôn luôn đứng cạnh chúng ta với chiếc lưỡi hái giơ cao sẵn sàng bổ xuống. Người châu Á có câu thành ngữ: “Lúc hoàng hôn xuống, chớ tự hào rằng ngày mai bạn sẽ thức dậy như thường lệ”. Để đối phó với cái chết, chúng ta không thể trốn chạy nó được mà chỉ có một cách là sẵn sàng đối mặt với nó bất cứ ở đâu và lúc nào. Hãy sống làm sao để cho Thần Chết không gặp mình lúc mình chưa chuẩn bị. Vậy hãy sẵn sàng ngay từ bây giờ.
Tóm lại, vấn đề không phải là việc chứng minh rằng anh nên hay không nên theo đuổi vấn đề tâm linh với vợ anh, mà ở chỗ anh sẽ phải làm gì một cách thiết thực với cuộc đời của anh. Đừng quên Thần Chết lúc nào cũng lảng vảng ở bên cạnh tất cả mọi chúng ta.

2. Tính nóng giận

Thời gian hưu trí mà Boyd mong đợi từ lâu đã đến nhưng nó đến cùng một lúc với bệnh cao huyết áp, bệnh tim và bệnh phong thấp. Boyd là nhân viên kiểm soát tài chính cho một công ty lớn, ông chuyên tính toán những con số bằng máy vi tính nhưng bây giờ bác sĩ khuyên ông hãy toan tính cho việc chăm lo chính bản thân mình thì hơn. Là một người nóng tính như lửa, ông thú nhận với tôi:
- Thưa bà, tôi phải tìm cách làm chủ tính nóng giận, nếu không thì với bệnh tim và cao huyết áp, tôi khó có thể kéo dài cuộc sống hết năm nay.
Vợ chồng Boyd đến tham dự khóa dạy Yoga cho những người cao niên của tôi. Ông cho biết ngay trong buổi thực tập đầu tiên, ông đã cảm thấy như có ai nhấc gánh nặng ngàn cân ra khỏi vai ông, chưa bao giờ ông lại thấy mình có thể thoải mái, thư giãn như vậy. Ông tâm sự:
- Thưa bà, trước đây vợ chồng tôi chỉ ao ước đi du lịch vòng quanh thế giới bằng tàu thủy nhưng bây giờ thì chúng tôi chỉ mong có được sự yên tĩnh thoải mái. Nỗi khổ tâm của tôi là tính nóng giận, như đã kể, tôi là một người nóng tính như lửa. Khi đi làm, tôi là một “hung thần” đối với nhân viên dưới quyền, ai trái ý là có chuyện với tôi ngay. Bây giờ tuy về hưu nhưng tính tôi vẫn nóng như xưa. Trưa hôm qua tôi đang ngủ thì có người gọi cửa, hắn muốn mời tôi mua bảo hiểm. Tôi chỉ muốn bẻ cổ hắn ngay lập tức vì đã phá giấc ngủ của tôi. Tuy đó chỉ là chuyện nhỏ nhưng cho thấy sự thật là tôi vẫn nóng như hồi nào. Có điều bây giờ đã già, huyết áp cao và thêm bệnh tim, nóng nảy quá chỉ có hại nên tôi muốn tìm cách chinh phục sự nóng giận này.
- Có nhiều phương pháp chinh phục sự nóng giận, vì ông là một chuyên viên vi tính nên tôi tạm sử dụng những thuật ngữ vi tính cho dễ hiểu. Có ba cách chinh phục sự nóng giận: Xóa bỏ (Delete), Kiểm soát (Control), và Thêm vào (Insert).
Phương pháp Xóa bỏ như sau: Đã từ lâu các vị đạo sư phương Đông đều nói rằng chúng ta ăn thứ gì thì sẽ chịu ảnh hưởng những thứ đó. Do đó, việc loại bỏ các thức ăn như thịt, cá là điều rất cần để kiểm soát tính nóng giận. Trong cuốn Các luân xa (The Chakras), tác giả C. W. Leadbeater đề cập đến việc chất thịt làm thân thể trở nên nặng trược, thô kệch, có những rung động làm ngăn trở luồng vận chuyển của sinh khí qua các luân xa và gây nhiều tai hại đối với cơ thể. Muốn hiểu rõ chi tiết, ông nên tìm đọc cuốn này. Sách vở của truyền thống Vệ Đà cho rằng thịt cá mang tính chất nặng trược hay Tamas, ảnh hưởng và kích thích sự tức giận, dâm dục, thuộc các cơ quan cấp thấp trong cơ thể.
Nếu nói một cách khoa học hơn, có lẽ ông biết rằng ngày nay người ta thường chích vào thân thể các gia súc như bò, gà, heo những liều thuốc kích thích có chứa hormone tăng trưởng và hàng trăm loại hóa học khác mục đích để làm sao cho chúng béo tốt, nặng cân. Dĩ nhiên những hóa chất này có hại cho huyết quản và sức khỏe con người vì hậu quả việc sử dụng hóa chất chưa được nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng. Khi những con thú này bị đưa đến lò sát sinh, lòng sợ hãi hoang mang, ý tưởng căm thù của chúng cũng tạo ra những thay đổi trong thể xác, ảnh hưởng vào hạch nội tiết, tạo ra những hóa chất trong máu huyết hay xác thịt của chúng. Do đó khi ăn nhiều thịt, chúng ta chắc chắn sẽ gặp những phản ứng bất lợi không thể lường trước được. Tóm lại, chúng ta ăn thứ gì thì trở thành thứ đó, muốn giữ thân thể lành mạnh, trí óc an tĩnh thì chúng ta chỉ nên ăn các thức ăn tinh khiết mà thiên nhiên đã mang lại như rau trái, các loại ngũ cốc mà thôi.
Một điều khác cũng cần “xóa bỏ” nữa là việc xem phim ảnh, chương trình truyền hình mà không chọn lựa. Các chương trình có nội dung bạo lực có thể ảnh hưởng lên đầu óc chúng ta một cách vô thức và tạo ảnh hưởng khiến người xem dễ trở nên nóng nảy, bạo động. Các hình ảnh khêu gợi, kích thích tính dâm dục cũng gây nên hậu quả không tốt vì đam mê thèm khát cũng là mặt trái của tính nóng giận.
Bây giờ chúng ta hãy xem đến phương pháp Kiểm soát (Control). Như ông thấy, việc mất đi năng lượng tạo nên sự tức giận và chúng ta đều mất năng lựợng khi chúng ta nói nhiều. Đa số các đạo sư phương Đông đều khuyên học trò nên kiểm soát việc nói năng, không được phát ngôn bừa bãi. Các ngài dạy học trò phải giữ yên lặng vài giờ mỗi ngày và sau đó gia tăng thời gian này lên như một phương pháp làm chủ xác thân. Khi không làm chủ được thân xác, lời nói cử chỉ làm hao tán năng lượng một cách phung phí và hậu quả là chúng ta không còn kiểm soát được mình nữa. Đó là nguyên nhân của hầu hết những nỗi tức giận, bực dọc và bất an trong đời sống.
Nếu đã kiểm soát được những điều trên, ông có thểThêm vào (Insert) hay thay thế các thói quen không tốt bằng những thói quen tốt hơn. Việc luyện tập các tư thế Hatha Yoga có công dụng điều hòa sự bài tiết, giúp xác thân khỏe mạnh, làm êm dịu hệ thần kinh. Việc thực tập hô hấp theo phương pháp khí công Pranayama giúp thân thể tự động điều hòa, tống thải các chất cặn bã. Việc thiền định và quan sát bản thân qua câu hỏi “Ta là ai” sẽ giúp chúng ta nhận thức rằng chúng ta không phải là các cảm xúc của chúng ta. Việc đồng hóa với tâm thức thay vì cảm xúc sẽ giúp chúng ta ý thức rõ rệt mình là ai, và lấy lại sự quân bình và kiểm soát được chính mình.
Nhà tư tưởng George Ivanovitch Gurdjieff nói rằng phần đông chúng ta đều sống như một cái máy. Khi mọi việc suôn sẻ, chúng ta thấy vui vẻ nhưng khi gặp lúc khó khăn thì chúng ta ngã lòng thối chí ngay. Tất cả mọi việc đều “xảy ra” cho chúng ta: thương yêu, thù hận, ham muốn, giận hờn. Chúng ta sống và hành động như thể chúng ta là những “hậu quả” mặc dù thật ra chúng ta chính là “nguyên nhân”. Tóm lại, sự thay thế những năng lượng giận dữ qua việc tập luyện này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng thụ động, “sống như một cái máy”. Đã đến lúc chúng ta phải biết cách sai khiến “con ngựa tâm thức” thay vì để nó điều khiển cuộc đời chúng ta.
- Thưa bà, đó là điều tôi cần để kiểm soát sự nóng giận sao?
- Ông cần hành động chứ không phải chỉ nghe nói suông. Nếu làm được phân nửa điều tôi trình bày thì ông cũng tiến rất xa trên đường làm chủ bản thân của ông rồi.
- Nhưng... nhưng nếu như vẫn có kẻ chọc tức tôi thì tôi phải làm sao đây...
- Nếu đã làm chủ được chính mình thì những lời chọc giận đó làm sao có thể ảnh hưởng đến ông được? Ông nên suy ngẫm về câu nói: “Chúng ta không bao giờ nhìn đúng về người khác mà chỉ nhìn họ theo quan niệm riêng của chúng ta mà thôi”.
- Thưa bà, tôi có thể tạm thời chấp nhận được ý kiến đó nhưng nếu có kẻ cố ý chọc tức tôi và mọi sự hoàn toàn là do lỗi của y chứ không phải lỗi của tôi thì sao?
- Trong trường hợp đó ông có thể suy ngẫm về câu chuyện sau. Một hôm Đức Phật hỏi người kia rằng: Nếu anh đưa cho tôi một tờ giấy mà tôi không nhận thì sao? Người kia trả lời: Nếu Ngài không lấy thì tôi giữ lại tờ giấy đó chứ sao nữa. Đức Phật bèn nói: “Đối với các lời nhục mạ của anh, tôi cũng làm đúng như vậy. Tôi không nhận nó và nó ở lại với anh”.

3. Sự nóng giận

Belle đến tham dự buổi diễn thuyết về đề tài “Chinh phục sự nóng giận” với ý muốn sẽ học được cách kiểm soát sự nóng giận xuất phát trong công việc hàng ngày. Cô cho biết rằng cô không quan tâm gì đến các vấn đề tâm linh, cô cũng chẳng bao giờ cầu nguyện, tĩnh tâm hay đọc những sách vở gì khác ngoài những tiểu thuyết tình cảm thịnh hành. Cô làm công việc quét dọn, lau chùi các văn phòng thương mại và thường gặp khó khăn với một nhân viên kiểm soát. Người này thường ỷ thế hống hách và bắt nạt những nhân viên dưới quyền, dù cô làm việc cẩn thận thế nào cũng bị bà này phê bình, chỉ trích và nói xấu đủ thứ.
Dĩ nhiên cô không ham thích gì chỗ làm tẻ nhạt, tồi tệ đó nhưng cô cần một việc làm để kiếm sống nên đành nén lòng chịu đựng. Sự nhịn nhục đã làm cô muốn phát điên lên. Cô cho biết:
- Thưa bà, tuần trước tôi xem truyền hình thấy các bác sĩ nói về sự thay đổi bên trong thân thể con người khi nóng giận, một bác sĩ cho rằng sự giận dữ có thể gây ra bệnh ung thư... Tôi tự nhủ rằng mình phải tìm cách chế ngự những cảm giác nóng giận này hay tìm kiếm một việc làm khác chứ kéo dài tình trạng hiện nay thì tôi đến chết mất... Bà có thể giúp tôi gì không?
- Tôi có thể chỉ dẫn cho chị một phương pháp giản dị để kiềm chế sự tức giận. Trước hết, mỗi khi chị vừa cảm thấy như muốn nổi giận lên, tôi không nói đến cơn giận, mà chỉ nhấn mạnh đến tâm trạng sắp sửa nổi giận thì chị phải tìm cách kiểm soát ngay. Chị hãy tìm một nơi tương đối yên tĩnh, một hành lang hay một phòng tắm, bất cứ chỗ nào chị có thể đứng yên lặng một mình, chị hãy uống một ly nước lạnh, uống một cách thong thả từ từ để nguôi bớt cơn giận rồi chị hít thở thật chậm và đọc câu thần chú “OM” tượng trưng cho sự bình an. Chị hãy kéo dài âm thanh chữ “M” chứ không phải chữ “O”. Nếu không tiện đọc ra thì chị có thể đọc thầm trong trí cũng được. Âm thanh của chữ “OM” có công hiệu làm dịu thần xác và trí não của chị. Chị hãy nghĩ đến cảm giác bình an mỗi khi hít vào và nghiệm rằng âm thanh này là một cây chổi, quét sạch tất cả mọi phiền não trong tâm của chị mỗi khi chị thở ra. Sau cùng, khi tâm hồn đã tương đối dịu lại chị hãy cầu nguyện cho người đã làm chị giận...
- Bà nói cái gì? Cầu nguyện cho con mụ đó ư? Không đời nào tôi lại làm như vậy...
- Chị không bao giờ cầu nguyện hay sao?
- Không, tôi chẳng bao giờ cầu nguyện điều gì trừ khi tôi hết sức mong muốn một cái gì đó.
- Vậy thì chị muốn gì?
- Tôi chỉ muốn con mụ đó để cho tôi yên, tôi muốn bà ta đối xử đàng hoàng với tôi hơn...
- Tôi đã chỉ dẫn cho chị một phương pháp kiểm soát cơn giận và đạt được điều chị muốn nhưng chị đâu chịu nghe.
- Bà khuyên tôi nên cầu nguyện cho con mụ đó, làm sao tôi có thể cầu nguyện cho một người mà tôi không ưa được?
- Bất cứ điều gì chúng ta mong muốn đều có cái giá của nó. Khi chị muốn một bộ quần áo đẹp, chị phải trả tiền để mua nó, nếu chị muốn người kia thay đổi cách cư xử với chị thì chị cũng phải trả một cái giá chứ?
- Giá đó là cái gì?
- Đó là việc chị phải nuốt một liều thuốc đắng có tên là “Bản ngã” bằng cách cầu nguyện...
- Cầu nguyện như thế nào?
- Chị có thể cầu nguyện một cách đơn giản như sau: “Hỡi Thượng Đế, xin Ngài hãy giúp bà ấy khỏe mạnh và sống lâu”.
- Điều bà nói thật ngây thơ, làm như vậy thì được cái gì? Làm sao chỉ cầu nguyện khơi khơi như vậy mà bà ta lại đối xử tử tế hơn với tôi?
- Tư tưởng là một sức mạnh vô cùng tinh tế và quan trọng. Nó có màu sắc, sự rung động và sức mạnh riêng của nó. Chị nghĩ rằng mỗi khi chị nghĩ đến ai thì tư tưởng của chị chỉ hiện diện trong đầu óc của chị mà thôi, đó là một điều không đúng. Tư tưởng hoạt động như một bình điện, các tác động hóa học có thể xảy ra bên trong bình điện nhưng luồng điện sẽ phát ra bên ngoài một cách mạnh mẽ và nó sẽ đi đúng chỗ mà chị muốn dẫn nó đến. Nói một cách đơn giản hơn, tư tưởng là một năng lượng và năng lượng đó có thể tạo ra nhiều việc. Năng lượng luôn luôn chuyển động chứ ít khi đứng yên một chỗ, và sự chuyển động của nó có tính chủ ý. Nguồn năng lượng hay sức mạnh của tư tưởng này hoạt động vô cùng tế nhị nhưng một khi tư tưởng về một cá nhân nào đó nảy sinh, người kia có thể nhận được nó ngay. Khi chị nghĩ rằng “Tôi ghét bà A” thì bà ấy biết ngay và sẽ trả lại chị bằng sự thù ghét.
Tôi đã chỉ cho chị một phương pháp để thay đổi bà kia nhưng tự nó cũng thay đổi chị nữa. Khi chị cầu nguyện cho bà ấy mạnh khỏe, sống lâu, bình an thì không những chị ngăn chặn được hậu quả độc hại về sự nóng giận trong cơ thể của chính chị mà còn có thể ảnh hưởng đến bà kia nữa. Điều này có thể mang lại sự thay đổi trong cảm nhận và ứng xử của bà ta đối với chị, có thể bà ta sẽ bớt gay gắt hơn ... Một khi chị đã ý thức được sức mạnh của tư tưởng và hiểu rằng tư tưởng phát xuất từ nội tâm có thể ảnh hưởng đến cơ thể của chị như thế nào thì chị sẽ thấy viên thuốc đắng của bản ngã không quá khó nuốt nữa đâu.
- Tôi vẫn không hiểu điều bà muốn nói?
- Để tôi lấy một thí dụ khác dễ hiểu hơn, chị có thấy những màng lưới choàng trên tóc mỗi khi chị đi uốn tóc không. Chỉ cần chạm nhẹ vào phần lưới là cả cái lưới chuyển động phải không? Cũng như thế, khi một tư tưởng nảy sinh, nó tác động trực tiếp ngay lên bầu không khí chung quanh và thu hút những rung động đồng nhịp. Đó là định luật “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của vũ trụ. Nghĩ đến những điều xấu thì tư tưởng sẽ thu hút những điều xấu ngay, và ngược lại, khi chúng ta chỉ nghĩ đến những điều cao thượng thì những tư tưởng tốt lành sẽ đến với chúng ta. Đó là định luật của tạo hóa mà người ta có thể giải thích theo vật lý học, rằng bất cứ một lực gì phóng ra cũng đều có một phản lực khác tương tự ngược chiều. Tất cả mọi hành động hay tư tưởng của chúng ta đều liên quan trực tiếp đến định luật này. Dĩ nhiên chị có thể không tin nó, chối bỏ nó cũng như nhiều người không chấp nhận là có lực hấp dẫn của trái đất, nhưng dù tin hay không, định luật đó vẫn ảnh hưởng đến chúng ta...
Chị hãy tập cách làm sao cho cơ thể của chị được thoải mái. Mỗi khi có cơ hội, chị hãy ngồi yên thở thật nhẹ và đều. Chị hãy xem, tại sao ý nghĩ của chị cứ chạy loạn lên như những con ngựa không cương? Chị có phải là những ý nghĩ đó hay không? Vì chị biết quan sát, biết suy ngẫm về đối tượng là những ý nghĩ đó thì chị đâu phải là nó. Chị là một cái khác đấy chứ. Thân thể chị càng thư giãn bao nhiêu thì trí óc chị càng thoải mái rõ rệt bấy nhiêu. Tư tưởng của chị là một khối thành kiến đã được tạo thành từ khi chị còn nhỏ và có lẽ không ai chỉ cho chị cách quan sát nó để xem nó hoạt động như thế nào? Một ngày nào đó khi thật thoải mái và bình an, chị sẽ nắm bắt được sự thật: Chị chính là sự bình an chứ không phải một cái gì khác. Chị sẽ thấy rằng chính cái tư tưởng và thành kiến phức tạp ẩn sâu trong tâm hồn của chị đã ngăn chặn sự bình an hằng có này. Trong tâm chị đã có sẵn một nguồn phúc lạc dồi dào, có sẵn một sự an tĩnh tuyệt vời mà chị cứ đi tìm kiếm ở bên ngoài làm chi. Một khi chị đã trải nghiệm được điều này thì chị sẽ muốn đi sâu hơn nữa vào các trạng thái thiền định. Khi chị đã biết tĩnh tâm và làm chủ tâm hồn mình thì không những chị đã thay đổi mà hoàn cảnh chung quanh cũng sẽ biến đổi theo vì tất cả đều do tâm biến hiện.
- Tại sao sự thoải mái và bình an có thể đem lại những đổi thay mầu nhiệm như vậy?
- Chúng ta luôn luôn thay đổi vì chúng ta đang sống. Chị không thấy sao? Chúng ta luôn luôn thu vào một số năng lượng trong thiên nhiên và thải ra một số năng lượng khác. Trên phương diện vật lý thì những năng lượng này là không khí, nước, ánh sáng, thực phẩm, nhưng chung quanh thân thể của chúng ta còn có những thể khác thanh cao hơn, tinh tế hơn, nó có thể đón nhận những sức mạnh vi tế khác khi chúng ta có đủ sức đón nhận. Tôi không muốn đi quá xa trong vấn đề này. Trong lúc rảnh rỗi, chị nên suy ngẫm về hai câu nói sau đây. Câu thứ nhất của đạo sư Swami Swanada nói với một người đang cơn tức giận khi bị gọi là “thằng ngu”. Ngài nói như sau: “Nếu có người gọi anh là thằng ngu thì tại sao anh lại tức giận và chấp nhận rằng người kia nói đúng”. Câu thứ hai của nhà tâm lý học danh tiếng Carl Jung: “Điều chúng ta không thể tha thứ cho người khác chính là điều mà chúng ta không thể tha thứ cho chính chúng ta”. Tôi mong chị hãy suy nghĩ kỹ về câu nói này và chúc chị tìm được sự bình an như ý muốn.

4. Quyền tức giận

Gary là một người trung niên, ăn mặc lịch sự, làm việc cho một công ty kinh doanh chứng khoán lớn ở New York, ông tham dự buổi diễn thuyết về đề tài: “Chinh phục sự nóng giận”. Khi tôi vừa dứt lời, ông đã giơ tay phát biểu ý kiến và nói lớn bằng một giọng vô cùng tức giận:
- Dĩ nhiên ai chẳng biết sự giận dữ không tốt cho sức khỏe, nhưng trong cuộc đời đầy rẫy bất công này, người ta có quyền tức giận một chút chứ. Tháng trước sếp tôi đã thăng chức cho một phụ nữ rất trẻ lên vị trí cao hơn tôi. Kinh nghiệm của cô này chỉ bằng một nửa của tôi vậy mà lương cô ta lại gấp đôi lương của tôi. Khi biết điều này tôi đã nổi nóng, dĩ nhiên tôi biết sự ghen tỵ không tốt nhưng bà hãy nghĩ xem, tình đời “khốn nạn” như vậy đó, một đứa “con nít hỉ mũi chưa sạch” mà được đặt vào địa vị rất cao, có số lương bổng rất hậu. Một địa vị mà người nhiều kinh nghiệm như tôi đã cố gắng bao năm vẫn chưa đạt được. Nghĩ cho cùng trong trường hợp này tôi có quyền tức giận chứ?
- Này ông bạn, cách đây vài hôm tôi đã đọc trên báo một chuyện như sau: Có một phụ nữ kia cãi lộn với chồng. Họ đã sử dụng những từ ngữ tục tằn thô bạo nhất với nhau. Sau một lúc cãi vã, người chồng giận dữ bỏ đi sau khi đập mạnh cánh cửa như muốn giật sập căn nhà. Người phụ nữ nọ tiếp tục ngồi lải nhải chửi rủa thêm mấy tiếng đồng hồ cho đến khi phải cho con bú. Vừa bú mẹ xong vài giờ, đứa bé ba tháng bỗng xám ngắt, co giật rồi tắt thở chết. Cuộc khám nghiệm cho biết đứa trẻ chết vì nhiễm độc. Này anh bạn, y học đã chứng minh rằng khi giận dữ, độc tố từ các hạch nội tiết có thể chảy vào huyết quản - huyết quản của anh chứ không phải của sếp anh hay cô bạn đồng nghiệp của anh. Khi anh tức giận, số lượng bạch huyết cầu của anh có thể sụt giảm một cách nhanh chóng, và khi quá thấp nó sẽ làm hư hại đến hệ thống miễn dịch của cơ thể - hệ thống miễn dịch của cơ thể anh chứ không phải của sếp anh hay cô bạn đồng nghiệp của anh. Tóm lại, chính sự tức giận của anh đã tàn phá cơ thể anh, hủy hoại cuộc đời anh chứ không phải người khác. Tức giận có khác gì một hình thức tự tử đâu? Này anh bạn, bây giờ anh đã thấy tại sao anh có quyền không tức giận chưa?

5. Sự gắn bó

Roslyn ăn mặc thật lịch sự nên dù có tuổi mà bà vẫn còn nhiều nét trẻ trung. Bà đến dự buổi nói chuyện về đề tài “Phát triển đời sống tâm linh” cùng với các con, một cô gái trẻ đang theo học với một đạo sư nổi tiếng người Ấn và một cậu con trai đang tập thiền với một thiền sư người Nhật. Năm ngoái khi chồng bà qua đời, các con đã khuyến khích bà thực tập thiền định. Từ đó bà tìm được sự an tĩnh trong tâm và những niềm vui thầm lặng khác mà trước đây bà chưa hề có. Hiện nay bà muốn “đi sâu hơn” nhưng các con của bà nói rằng sự gắn bó đã ngăn chặn bước tiến của bà. Roslyn nói:
- Thưa bà, trong nhà tôi có rất nhiều đồ cổ quý báu và tôi rất thích chúng. Các con tôi cứ bảo tôi phải bỏ hết đi nếu muốn có tiến bộ về tâm linh, nhưng tôi không sao bỏ được những thứ đó. Tôi thấy rằng giữ chúng đâu có gì hại. Xin bà cho biết tôi sai hay các con tôi đã sai?
- Một con chim không thể bay được nếu cánh của nó bị cột. Dù cánh chim bị cột bằng sợi tơ hay sợi dây thừng thì cũng thế thôi. Nếu muốn tiến bộ trên địa hạt tâm linh thì chúng ta cần phải biết loại bỏ lòng tha thiết, gắn bó vào bất cứ một cái gì. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là lòng gắn bó chứ không phải các đồ vật mà người ta gắn bó vào. Sự vứt bỏ những đồ cổ giá trị mà bà rất thích không có ích gì cho bà lúc này vì bà sẽ vẫn giữ chúng trong tâm trí. Nếu sự gắn bó dù tích cực hay tiêu cực vẫn còn nằm ở trong trí chúng ta thì nó vẫn nắm giữ chúng ta. Để tôi kể cho bà nghe một câu chuyện ngắn: Có hai nhà sư một già, một trẻ cùng đi trên đường. Khi gặp dòng sông thì họ bỏ giầy lội qua, nhưng thấy một thiếu nữ rất đẹp đang ngần ngại ở trên bờ không dám lội qua sông vì sợ ướt quần áo. Vị sư già thẳng thắn cúi xuống bồng cô gái nọ và lội qua sông. Vị sư trẻ đi theo rất đỗi ngạc nhiên. Sau khi qua đến bờ bên kia, vị sư già đặt cô gái xuống và tiếp tục đi, vị sư trẻ giữ im lặng trong mấy giờ liền nhưng sau cùng ông không chịu nổi nữa:
- Sư huynh đã làm một việc không đúng.
- Tại sao đệ lại nói vậy?
- Sao sư huynh dám ôm một thiếu nữ, huynh không biết rằng chúng ta đều phải giữ giới hay sao?
Vị sư già bật cười nói lớn:
- Này sư đệ. Khi tôi đặt cô ta xuống đất là tôi quên cô ta rồi, còn đệ, vẫn giữ mãi hình ảnh đó trong trí óc suốt mấy giờ đồng hồ. Vậy trong hai người chúng ta, ai là người có sự gắn bó?
Theo thiển ý của tôi, bà có thể giữ những đồ cổ đó, nhưng hãy giữ chúng một cách nhẹ nhàng thôi. Bà hãy tiếp tục công việc thiền định đều đặn chuyên cần. Nếu đã cảm nhận được các niềm vui an tĩnh rồi thì bà sẽ tiếp tục cảm nhận được nhiều làn sóng ân huệ khác, nó sẽ cho bà thấy rằng mọi vui thú khác trên đời này chỉ như đồ chơi con nít vậy. Một khi đã thực sự nếm được những ân phước thiêng liêng thì bà sẽ không còn bị lay chuyển bởi những thứ khác nữa, dù có hay không có một đồ vật gì trên đời.
Tóm lại, đối với các món đồ cổ đó bà có thể giữ chúng nhưng đừng quá gắn bó vào chúng, có cũng được mà không thì cũng chẳng sao.

6. Nghịch cảnh

Fred đến dự buổi diễn thuyết với chủ đề “Nghịch cảnh và đường đạo” trên một chiếc xe lăn. Một tai nạn xe cộ vì sử dụng ma túy đã làm anh bị liệt nửa người. Vóc dáng gầy gò, khắc khổ, đầu hơi hói khiến anh trông già trước tuổi rất nhiều. Anh nói bằng một giọng nhỏ nhẹ:
- Thưa bà, bà có nghĩ rằng đằng sau sự đau khổ của mỗi con người đều có một bàn tay cao cả nào đó không?
- Kinh nghiệm cá nhân đã dạy tôi rằng không một việc gì có thể gọi là tình cờ, ngẫu nhiên cả. Đằng sau mọi việc xảy ra cho chúng ta đều có một chương trình nào đó... Để tôi kể cho ông một câu chuyện sau đây:
Hai mươi năm trước đây, Norman Cousins chủ bút tờSaturday Review được mời tham dự một buổi tiếp tân quan trọng tại Liên Xô. Địa điểm tổ chức là một biệt thự cách Moscow khoảng 40 dặm. Vì tầm quan trọng của nó, Norman đã gọi taxi đưa ông đi từ 3 giờ mặc dù buổi tiếp tân sẽ bắt đầu lúc 5 giờ. Một phần vì ông cẩn thận muốn đến sớm, nhưng phần khác vì kinh nghiệm trong nghề đã dạy ông rằng nếu đến sớm, ông có thể nghe ngóng thêm được những tin tức hành lang hay có dịp phỏng vấn những nhân vật quan trọng trong chính quyền. Không hiểu vì không thuộc đường sá hay sao mà taxi cứ loanh quanh chạy mãi đến 6 giờ chiều vẫn chưa đến nơi. Đã vậy người tài xế không chịu chạy nhanh hơn, mà cứ tà tà đi dọc theo những con đường nhỏ hẹp, bẩn thỉu ở ven đô thành. Norman là một người Mỹ nóng tính, sự chậm trễ đã làm ông điên tiết lên nhưng dĩ nhiên ông không thể làm gì hơn vì ngôn ngữ bất đồng. Khi tìm ra được địa điểm thì buổi tiếp tân đã tan, quan khách ra về gần hết và Norman đành dằn sự phẫn nộ, nuốt giận trở về Hoa Kỳ mà không phỏng vấn được ai cả.
Về đến nhà là ông phải vào bệnh viện ngay vì sự tức giận đã tàn phá cơ thể ông, và rồi ông đau ốm từ ngày này qua tháng nọ. Tình trạng sức khỏe của ông suy sụp một cách thảm hại cho đến khi ông nhận thức rằng chính ông là người đã gây nên tình trạng này. Là một người thông minh, ông nghiệm rằng nếu các cảm giác tiêu cực có thể hủy hoại sức khỏe của mình thì các cảm giác tích cực có thể đổi ngược lại. Ông tìm đến một bãi biển khí hậu trong lành, ăn toàn những đồ ăn tươi, nghỉ ngơi điều độ và chỉ đi xem những vở kịch hài hước. Các trận cười thoải mái đã giúp ông hồi phục sức khỏe, ông trở lại làm việc và khởi sự viết cuốn sách “Anatomy of an illness” (Phân tích về một cơn bệnh), một cuốn sách nói về Tâm Sinh bệnh lý hiện bán rất chạy không những tại Hoa Kỳ mà còn trên khắp thế giới.
Mỗi khi nghĩ đến chuyện này, tôi không khỏi nghĩ đến người lái xe taxi ở Moscow. Tại sao anh ta lại lơ đãng không chịu chạy nhanh hơn? Phải chăng anh ta có vai trò nào đó trong một “chương trình” lớn lao hơn, vì những bực bội mà anh ta gây ra cho Norman Cousins đã dẫn đến việc ông này nghiên cứu và viết sách truyền bá sự hiểu biết của ông về mối liên quan giữa tâm trí và thể xác. Cuốn sách này đã giúp cho biết bao người ý thức về trách nhiệm của họ đối với tình trạng sức khỏe của bản thân...
- Tôi đồng ý với bà rằng có thể Cousins đã trải qua sự đau khổ vì một mục đích lớn lao nào đó nhưng tôi không biết sự khổ đau của tôi có mục đích rõ rệt nào không? Tuy nhiên tôi cũng cám ơn bà đã chọn một thí dụ rất thích thú là cuốn sách nổi tiếng của Cousins. Một trong những lý do tôi tìm đến đây là để chia sẻ với bà một kinh nghiệm của tôi nhưng tôi đang phân vân không biết có nên nói ra hay không?
- Xin ông cứ nói...
- Thưa bà, từ khi gặp tai nạn thì tôi sống thường xuyên trong một trạng thái đau khổ cùng cực. Tôi tự than thân trách phận và một hôm ý tưởng tự vẫn nổi lên trong đầu óc đầy chán chường, mệt mỏi của tôi. Mặc dù đã cố gắng gạt bỏ nó nhưng không hiểu sao đầu óc tôi lại hoạch định một kế hoạch tự vẫn ngay trong đêm đó. Khoảng 9 giờ tối, có một thanh niên cắm trại bị lạc ghé ngang nhà tôi để hỏi đường. Tôi vốn không ưa người lạ nhưng không hiểu sao như có một cái gì xui khiến mà tôi lại bảo cậu ta có thể tạm ngủ ở ngoài phòng khách vì đường còn xa mà trời đã tối rồi. Cậu thanh niên để hành lý xuống sàn và xin phép được sử dụng phòng tắm. Trong đống hành lý nằm ngổn ngang có một cuốn sách của đạo sư Swami Sivananda, dĩ nhiên tôi chẳng biết ông này là ai hay Swami có nghĩa là gì. Tôi chỉ vô tình cầm lên, lơ đãng đọc thử vài trang vì đầu óc tôi vẫn quanh quẩn với ý nghĩ sẽ tự vẫn trong đêm đó.
Bất chợt tôi nhìn thấy một dòng chữ nhảy múa trước mặt tôi. Tôi linh cảm đó là thông điệp của vị đạo sư này đang nói riêng với tôi. Đó là một đoạn văn ngắn nội dung như sau: “Có một cái còn quý hơn sự giàu có, quý hơn gia đình, quý hơn đời sống... Đó chính là Chân Ngã của anh, là cái đang ngự trị trong vạn vật, là cái tinh hoa đang thấm nhuần tất cả mọi danh tánh, hình tướng, giống như bơ trong sữa, như luồng điện trong sợi dây điện. Có thể anh chưa nhận biết được cái Chân Ngã này nhưng sự ý thức nó, đạt đến nó là sự thực hiện Chân Ngã chính là mục đích của kiếp người...”.
Những dòng chữ giản dị này có một sức lôi cuốn lạ lùng khiến tôi cứ đọc đi đọc lại mãi và khi đặt cuốn sách xuống bàn, tôi thấy mình trở thành một người khác hẳn với con người trước khi tôi cầm cuốn sách lên.
Thấy tôi có vẻ thích cuốn sách, người thanh niên đã tặng nó cho tôi; anh còn tặng thêm một cuốn sách khác của Swami Sivananda nói về cách thực tập các tư thế Yoga. Từ đó tôi bắt đầu luyện tập Yoga, tập thở hít, tham thiền, suy ngẫm, quán tưởng theo lời chỉ dẫn của cuốn sách.
Một đêm, đang lúc thiền định tôi bỗng cảm thấy có một cái gì kỳ lạ diễn ra trong tâm. Mặc dù ngồi yên bất động nhưng tôi cảm giác như có một bông hoa đang nở lớn trong lồng ngực. Sau đó tôi ý thức rằng tôi không còn là “tôi” nữa, tôi không còn là một “con người” , một cá nhân riêng rẽ. Cái gọi là “Fred” đã tan biến lúc nào không hay, và tôi thấy mình ở khắp mọi nơi trong cùng một lúc, tôi thấy mình thực sự được thảnh thơi, tự do hoàn toàn và mặc dù không có chân tôi vẫn thấy mình đi đứng, hiện diện trong tất cả mọi nơi, mọi chốn. Cái kinh nghiệm lạ lùng đó kéo dài khoảng vài giây, có thể vài phút, tôi không biết rõ lắm vì thời gian không có ý nghĩa gì nữa. Tuy ngồi yên bất động nhưng lòng tôi vô cùng xúc động. Tôi nghĩ lại quá khứ của mình, những năm tôi còn sử dụng ma túy thì thấy khi đó tôi chỉ là kẻ đuổi theo những mẩu bánh vụn còn giờ đây tôi đang tham dự yến tiệc đế vương.
Kinh nghiệm đó trôi qua và không trở lại, nhưng không sao, chỉ cần trải nghiệm nó một lần thôi cũng đủ thay đổi cả cuộc đời tôi rồi. Nghĩ đến tai nạn năm nào, đến ý tưởng tự vẫn, đến người khách lạ xuất hiện bất ngờ, đến cuốn sách dường như tình cờ mà tôi đã nhặt lên đọc. Tôi không khỏi nghĩ rằng phải chăng đằng sau mỗi sự kiện xảy ra đều có bàn tay cao cả của một đấng thiêng liêng?... Tôi cứ thắc mắc về ý tưởng này mãi, tôi muốn viết câu chuyện của tôi ra để chia sẻ với mọi người. Bà nghĩ thế nào?
- Sự thúc đẩy anh viết câu chuyện này ra không phải là một ý nghĩ vớ vẩn đâu. Anh có thể tạo cảm hứng cho nhiều người khác vì đa số vẫn chưa hề biết rõ mục đích và ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta đều là một phần của Toàn Thể. Mọi đổi thay trong tâm thức cá nhân cũng đều ảnh hưởng đến cái Toàn Thể đó. Đối với riêng tôi thì câu chuyện của anh có ba điều quan trọng. Một là mục đích của kiếp người là đạt đến sự thực hiện Chân Ngã, một trạng thái mà trong đó chúng ta ý thức được tâm thức vô giới hạn, là sự hiện hữu và ân huệ mà không bao giờ bị ảnh hưởng bởi điều gì xảy ra cho thân xác chúng ta. Hai là sự ý thức rõ rệt về một định luật sáng suốt đang điều hành vũ trụ theo mục đích cao cả của chính nó; và sau cùng, điều thứ ba là bất cứ nghịch cảnh nào cũng đều có ý nghĩa riêng của nó, cũng như đồng tiền có hai mặt vậy.

7. Mặc cảm tội lỗi

Shawn là một thanh niên còn trẻ, râu tóc rậm rì. Anh đến tham dự buổi diễn thuyết của tôi với một dải băng đỏ quấn trên trán và chiếc áo thun có hàng chữ lớn ngạo nghễ: “Thời đại mới là đây”. Bề ngoài thì trông như vậy nhưng bên trong Shawn lại mang nặng mặc cảm tội lỗi vì khi cha anh bị ung thư sắp chết thì anh vẫn còn mải mê tụ tập bạn bè để hút ma túy, không săn sóc gì cho ông cụ. Anh đã than thở:
- Thưa bà, tôi đã không ở với cha tôi cho trọn đạo làm con và bây giờ thì muộn rồi vì cha tôi đã chết. Tôi phải làm gì để chuộc bớt tội lỗi đây?
- Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về nghĩa của từ “Chết”. Theo hiểu biết của tôi thì sự sống không thể mất đi vì nó có tính chất vĩnh cửu. Không ai có thể vượt khỏi nó hay làm gì được nó. Sự sống là cái cơ bản, tiềm ẩn trong mọi vật. Phần bên trên của nó là các hình thể, danh tánh, tạm thời nổi lên và rồi lại chìm xuống như sóng biển. Chết chỉ là sự tan rã của các nguyên tố bên trên xác thân chứ không phải mất đi sự sống. Khi các yếu tố của xác thân đã hư hoại, không còn biểu lộ được cái tinh thần bên trong nữa thì tâm thức tự rút lui. Nếu một người không đạt được sự thực hiện Chân Ngã ở trong kiếp này thì họ sẽ tái sinh ở một hình thể khác biệt khác.
- Nếu bà nói như vậy thì con người ra sao sau khi chết và giữa các kiếp sống?
- Theo các đạo sư Ấn Độ thì sau khi chết, sự sống được các thực thể thanh nhẹ bao bọc lại, người ta thường gọi cái thực thể này là linh hồn. Nếu cái thực thể này có sự gắn bó mạnh mẽ với một người, một vật hoặc nơi chốn nào đó thì nó sẽ quanh quẩn ở cõi trần này một thời gian khá lâu trước khi di chuyển sang cõi khác để trải nghiệm những kết quả của các hành động trong kiếp sống. Sau khi trải qua các kinh nghiệm này rồi thì nó bắt đầu nghỉ ngơi trong một trạng thái an tĩnh cho đến khi bắt đầu bước vào một kiếp sống mới. Anh có thể tìm hiểu tiến trình này qua các sách vở huyền môn của ông C. W. Leadbeater và bà Annie Besant về cõi Trung giới và các thể sau khi chết. Trong quan niệm này, chúng ta hãy khách quan mà nhìn vào lỗi lầm của anh. Hiện nay anh còn trẻ và lúc anh theo bè bạn tụ tập hút chích ma túy thì anh còn trẻ hơn bây giờ nhiều lắm. Lúc đó phẩm giá và tư cách của anh ra sao? Tình trạng suy nghĩ của anh thế nào? Nếu lúc đó mà ở cạnh cha anh thì liệu tư cách, hành động và lời nói của anh có giúp ích gì được cho cha anh hay không? Biết đâu sự thân cận với cha anh khi đó lại có thể mang lại những hậu quả xấu? Hiện nay anh đã tỉnh táo hơn, trưởng thành hơn và là lúc có thể giao tiếp với cha anh được. Lúc này tâm hồn anh đã rộng mở, có thể chuyển được các năng lượng cao cả của anh để giúp đỡ cho cha anh. Tuy cha anh không còn mang xác phàm nữa nhưng ông cụ vẫn cảm nhận được tư tưởng của anh như thường. Biết đâu hiện nay cha anh đang ở gần anh, còn gần hơn cả người thính giả đang ngồi cạnh anh nữa kìa. Theo tôi thì mỗi buổi sáng anh hãy bỏ ra vài phút ngồi yên lặng, để thân thể hoàn toàn thư giãn, hãy thở nhẹ và hình dung hình ảnh của ông cụ trong tâm trí rồi bắt đầu gọi thầm tên ông. Nếu anh làm việc này một cách chân thành thì anh sẽ cảm thấy một cảm giác thân mật, vô cùng gần gũi với cha anh. Khi anh cảm nhận được sự giao tiếp này thì anh hãy gửi đến ông cụ những làn sóng tư tưởng thân yêu, an lạc, những cảm giác chân thật phát xuất từ đáy lòng của anh dành cho ông cụ. Nếu anh thực hành việc này một cách đều đặn thì không những nó giúp cho cha của anh mà nó sẽ giúp cho tâm hồn của anh nữa. Anh nên nhớ rõ điều này: “Không bao giờ quá trễ để sửa đổi bất cứ lỗi lầm nào”.

8. Tính nôn nóng

Susan là một phụ nữ trẻ, làm việc bán thời gian cho một cửa hàng. Cô thường tham thiền cho thân thể được thư giãn vì cô mắc bệnh cao áp huyết. Tuy tham thiền giúp cô giảm bớt áp huyết nhưng cô vẫn chưa tìm được sự bình an ở nội tâm. Cô nói:
- Thưa bà tôi là người có tính nóng, việc gì cũng có thể khiến tôi nổi giận được. Tôi vừa ghé qua một siêu thị để mua thuốc lá, tôi đang vội vì còn phải đón con gái ở trạm xe buýt nên đến chỗ quầy trả tiền cấp tốc (Express check out) cho nhanh. Đa số mọi người đều di chuyển rất nhanh cho đến lượt một bà già đứng trước tôi, bà đổ ngược túi tiền, đếm từng xu từng cắc. Nhìn bà già thong thả đếm tiền mà đầu óc tôi phát khùng lên được. Tôi vừa đứng vừa rủa thầm bà già “chậm như rùa” làm trễ việc của tôi. Tôi chỉ muốn vặn cổ bà này cho rồi. Tôi đứng chờ mà lòng như bốc lửa, khi ra khỏi siêu thị tim tôi đập liên hồi khiến tôi phải ngồi nghỉ một lúc mới có thể lái xe được. Những chuyện lặt vặt như vậy xảy ra rất thường mà tôi không biết phải đối phó bằng cách nào. Liệu bà có thể chỉ cho tôi một phương pháp để giảm bớt tính nóng này không?
- Trước hết chị cần biết rằng bà già kia không có trách nhiệm gì trong việc làm gia tăng áp huyết của chị cả. Chị cần biết sự bực tức, nôn nóng của chị chẳng thúc giục bà già kia nhanh được chút nào mà chỉ làm hại cho bản thân của chị mà thôi. Nếu đã từng thực tập thiền định thì chị hẳn biết rằng khi không có một ý nghĩ nào nổi lên trong tâm trí thì trí của chị sẽ lặng yên và chị sẽ cảm thấy bình an. Suy tưởng có sức mạnh rất lớn, khi nó đã nổi lên trong tâm của chị thì các hình ảnh liên quan đến ý nghĩ đó cũng nổi lên theo. Khi chị tức giận rồi nghĩ đến việc đập bà già kia một trận thì hình ảnh đánh đập bà già này đã nổi lên trong tâm của chị rồi và chị đồng hóa mình với các hình ảnh đó. Sự đồng hóa này tạo ra nỗi vui cũng như điều khổ, sự bực tức cũng như nỗi hân hoan. Nếu ý thức được điều này thì chị có thể tránh khỏi bị nó mê hoặc qua sức mạnh của tư tưởng mà chị tạo ra trong tâm. Chính vì không ý thức mà chúng ta đã tự tạo ra địa ngục cho mình rồi lại cố gắng để thoát ra. Chị cần biết rằng tất cả đều do tâm tạo, chính trí óc của chị đã tạo ra thiên đường hay địa ngục. Tôi giúp chị chìa khóa để sử dụng quyền lực này một cách có lợi hơn: lần sau, mỗi khi đứng chờ mà cảm thấy có các phản ứng nôn nóng như trên thì chị phải lập tức thay đổi ngay suy nghĩ của mình và nhủ thầm: “Nếu tôi biết tự chủ và kiên nhẫn thì tôi sẽ thoải mái, những điều đang xảy ra này sẽ không ảnh hưởng gì đến tôi cả vì tôi biết cách khiến cho mình cảm thấy bình an”. Cứ lặp đi lặp lại tư tưởng này mãi trong trí óc thì các cảm giác thoải mái, bình an sẽ lan tỏa trong lòng chị, sẽ điều khiển xác thân chị và quan trọng hơn nữa là chị sẽ tiến một bước dài trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của mình. Chị hãy ghi nhận thật kỹ điều quan trọng sau đây:
Chúng ta không thể thay đổi cuộc đời mà chỉ có thể thay đổi được thái độ của chúng ta đối với cuộc đời mà thôi.

9. Ly nước đầy

Teresa là một thiếu nữ yêu thích hoạt động. Cô tập thể thao, Yoga, thiền định và tham dự đều đặn các buổi sinh hoạt, thảo luận về tâm linh. Năm ngoái cô và một người bạn tên Penny đã qua Ấn Độ để gặp một đạo sư nổi tiếng. Cô nói:
- Khi chúng tôi ngồi dưới chân ngài thì Penny tự nhiên bước vào một trạng thái xuất thần kỳ lạ, cô ngồi lặng yên, nét mặt rạng rỡ như thiên thần. Sau đó cô cho biết cô cảm thấy có những rung động kỳ diệu tràn ngập khắp cơ thể, có những chuyển động như điện khí di chuyển dọc theo xương sống khiến cô ngây ngất trong một sự bình an không thể diễn tả... Trong khi đó, tôi chẳng cảm thấy một rung động gì cả. Tôi đặt nhiều câu hỏi với vị đạo sư và ngài cũng trả lời một cách lễ phép nhưng tôi không thấy câu trả lời của ngài có gì đặc biệt. Đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao tôi và Penny lại có những kinh nghiệm khác nhau như vậy?
- Không phải bất cứ ai cũng có những phản ứng giống nhau trước một đạo sư. Có những người lôi cuốn được chúng ta và có những vị không ảnh hưởng gì đến chúng ta cả.
- Như vậy phải chăng vì tôi thiếu chuẩn bị? Khi nghe Penny kể về những rung động tâm linh, tôi đã đặt câu hỏi với vị đạo sư. Ngài trả lời như sau: “Cái ly của bạn cô thì trống rỗng còn ly của cô thì đầy ắp, không thể chứa đựng những điều mới lạ”. Tôi không hiểu ngài muốn nói gì?
- Vậy khi ngồi trước đạo sư đó thì cô đã nghĩ gì?
- Tôi nghĩ rất nhiều về ngài, tôi muốn biết xem ngài đã có những kinh nghiệm tâm linh gì? Đã đắc đạo quả nào? Liệu ngài có xúc động khi thấy nhiều phụ nữ đẹp quây quần bên cạnh hay không? Ngoài ra tôi còn thắc mắc xem mình phải có thái độ gì trước người được tôn sùng như một vị thánh đó?
- Nếu vậy điều cô đang suy nghĩ chính là cái “ly nước đầy” mà vị đạo sư đề cập đến. Cô đã phán đoán, có thành kiến với vị đạo sư kia rồi cứ thắc mắc không biết phải cư xử như thế nào. Tóm lại, đầu óc của cô đầy những ý nghĩ lộn xộn thì làm sao có thể thu nhận thêm điều chi nữa?
- Nhưng làm cách nào để tránh được điều đó?
- Dĩ nhiên cô phải luyện tập, học đạo là để dùng vào việc đó. Khi quan sát tâm mình, cô sẽ thấy chính nó là nguyên nhân của mọi sự rắc rối. Nếu cô biết dừng lại, đào sâu vào tâm hồn mình thì cô sẽ thấy tâm hồn cô trở nên yên lặng hơn. Những người học đạo phương Đông thường đến gần vị thầy của họ với “cái ly trống rỗng” này, họ lặng lẽ đến, lặng lẽ ngồi bên cạnh vị thầy và lặng lẽ ra về. Họ biết cách giữ cho xác thân yên tĩnh, trí não không chất chứa những thành kiến này nọ, không mong đợi, không phán đoán, không ao ước hay mong cầu bất cứ điều gì. Đôi khi họ lên tiếng hỏi một vài điều nhưng thường thì không đặt câu hỏi nào cả.
- Nhưng nếu không đặt câu hỏi thì làm sao ngài biết được những thắc mắc mà giúp cho?
- Các bậc đạo sư biết rõ những câu hỏi khi nó hiện ra trong trí óc học trò và nếu trí óc họ yên tĩnh, họ sẽ nghe được những câu trả lời của ngài ngay lập tức. Đó là điều người phương Đông gọi là “Dĩ tâm truyền tâm”.
- Nhưng hỏi lớn tiếng có gì sai quấy đâu?
- Dĩ nhiên không có gì sai quấy cả. Câu hỏi có tác dụng của nó, nhưng ngôn ngữ thường bị giới hạn; trong khi sự chuyển vận của tư tưởng thì rõ rệt hơn. Để tôi lấy một thí dụ cho dễ hiểu, dòng điện ở Ấn Độ là 220 volts trong khi các dụng cụ bằng điện dùng tại Hoa Kỳ đều là 110 volts. Giống như một cái máy biến thế chuyển điện áp từ mức cao xuống mức thấp thì tâm trí cũng mang sự hiểu biết từ mức độ cao xuống đến mức độ của nó. Cô nên biết ngôn ngữ không phải là phương tiện truyền thông duy nhất. Nếu chúng ta chỉ tùy thuộc vào nó để cảm nhận mọi sự thì chúng ta rất thiệt thòi.
- Phải chăng đó là quan niệm của truyền thống Vệ Đà?
- Không hẳn thế đâu, rất nhiều truyền thống cũng đề cao sự cảm nhận tiếng nói vô thanh này. Chính Chúa Jesus vẫn thường nói với các tín đồ: “Ta không dạy bằng lời nói”.
- Thưa bà, Penny và tôi dự định năm tới sẽ qua Ấn Độ gặp vị đạo sư này một lần nữa. Như vậy tôi phải chuẩn bị cách nào?
- Theo sự hiểu biết của tôi thì thiền định là cách chuẩn bị tốt nhất. Nếu chúng ta không biết cách làm chủ tư tưởng thì tâm hồn ta dễ bị lôi cuốn vào những chuyện viển vông không ích lợi gì hết.
- Penny dạy cho tôi một phương pháp thiền, tôi tập thử một thời gian nhưng không thấy kết quả gì cả. Bà có thể chỉ cho tôi một cách nào khác không?
- Cô hãy kiên nhẫn và vững tin, rồi sẽ tìm được điều cô muốn. Có thể phương pháp của Penny không thích hợp với cô và dĩ nhiên cô có thể chọn một phương pháp khác. Cô hãy tìm đọc cuốn “How to Meditate” của tác giả Lawrence Leshan. Đây là một cuốn sách về thiền rất giá trị và có thể giúp cô rất nhiều.
- Thưa bà, phải chăng lý do đầu óc tôi cứ lộn xộn hoài là vì tôi thích “thảo luận” nhiều quá?
- Có thể tại cô ham hoạt động và nói nhiều quá. Cô nên tập cách lắng nghe trong các buổi thảo luận hơn là đóng góp ý kiến một cách ồn ào. Cô hãy tự nhủ mình sẽ nghe nhiều hơn nói, hoặc sẽ không nói gì. Nếu phải nói thì nói thật ít, vừa vặn đủ mà thôi. Mỗi khi cảm thấy như có cái gì thôi thúc mình phải đứng lên phát biểu ý kiến thì cô hãy quán xét xem sự thúc giục đó ở đâu đến? Phải chăng nó là những yếu tố đến từ bên ngoài, từ các hoạt động tự nhiên quanh các đề tài thảo luận, nó xâm nhập vào tâm hồn cô và thúc giục cô phải làm điều gì đó. Nếu cô biết tự chủ và ý thức được sự kích động ấy thì nó sẽ tan biến ngay. Sau khi đã kiểm soát được điều này, cô hãy quyết định sẽ không đặt một câu hỏi nào cả, mỗi khi câu hỏi vừa hiện lên trong đầu óc thì cô hãy ngừng lại, quan sát nó và tự hỏi rằng: “Câu hỏi này là của ai? Ai đang cảm nhận câu hỏi này?”.
- Như vậy là sao? Tôi không hiểu bà muốn nói gì.
- Đó là cách kiểm soát trí óc phóng túng, náo loạn của cô. Thay vì đồng hóa mình vào những dòng suy nghĩ quay cuồng thì cô hãy quay về với cái tâm thức tự nhiên của mình là “tâm thức chứng kiến”. Là người chứng kiến, cô làm chủ được trí não của mình, không để nó sai khiến cô nữa.
- Nhưng nếu đó là một câu hỏi quan trọng và cần được trả lời thì sao?
- Dĩ nhiên cô có quyền đặt câu hỏi nhưng đó là giải pháp cuối cùng. Trước khi lên tiếng, cô hãy xem mình có thể cảm nhận được câu trả lời đằng sau các lời nói của người khác không? Chỉ khi nào tuyệt đối cần thiết mới phải đặt câu hỏi bằng lời. Nhờ sự tự chủ này cô sẽ ý thức được điều tôi muốn trình bày sau đây, đó là cách nghe những điều người khác phát biểu bằng Tâm chứ không phải bằng trí. Hãy lắng nghe với một đầu óc yên tĩnh, để cho cái thông điệp đằng sau những câu nói đi thẳng vào trong tâm mà không bị cái trí óc lộn xộn làm sai lạc, méo mó nó đi qua các quan niệm hay thành kiến. Khi tâm cô đã yên tĩnh, cô sẽ cảm nhận được điều người khác muốn nói. Tóm lại, phương pháp tôi vừa trình bày là cách đổ hết cái “ly nước đầy” đi và nâng đời sống lên một bình diện cao hơn. Nếu tập được như thế, khi gặp lại vị đạo sư kia, “cái ly của cô” sẽ sẵn sàng ngài cho đổ đầy vào đó những điều mới lạ.

10. Kiềm chế, bộc lộ và dứt bỏ

Allison đến tham dự buổi diễn thuyết về đề tài “Chinh phục sự tức giận” trong một tâm trạng hoang mang. Sau 15 năm chung sống, chồng cô đã lẳng lặng bỏ đi không một lời từ biệt. Từ đó cuộc đời của cô là một chuỗi ngày đầy giận hờn, cay đắng. Cô đi chữa hết bác sĩ tâm thần này đến chuyên viên tâm lý kia nhưng vẫn không thấy kết quả gì. Khi một bác sĩ phát hiện cô bị ung thư dạ dày, ông khuyên cô nên tập trung tư tưởng vào những cảm giác tích cực hơn là tiêu cực trong cuộc sống.Allison nói:
- Thưa bà, suốt tám năm nay các bác sĩ tâm thần đều khuyên tôi phải bộc lộ những cảm xúc ra thì nó sẽ tiêu tan, các chuyên viên tâm lý chỉ dẫn tôi cách mang những gì ẩn ức bên trong ra ngoài để mọi việc tự nó giải quyết, và tôi đã làm đúng như thế. Tôi trở về nhà đóng chặt cửa lại, kêu la, than khóc và chửi rủa kẻ bạc tình. Tôi mang quần áo của hắn ra đốt; nhìn thấy bất kỳ thứ gì của hắn là tôi đập, xé, chà nát... Sau những lúc như vậy tôi kiệt sức, nỗi giận cũng vì thế nguôi ngoai đi nhưng nỗi cay đắng của tôi vẫn không chấm dứt. Việc bộc lộ những cảm xúc ra bên ngoài đã làm xáo trộn đời tôi rất nhiều và có lẽ đã gây ra tình trạng bệnh tật hiện nay, nhưng khoa tâm lý lại nói rằng đè nén cảm xúc còn tệ hơn thế nữa... Hiện nay tôi không biết phải làm gì, tôi rất bối rối và hoang mang.
- Các tài liệu y học đã nói rất rõ về hậu quả của tâm lý đối với sinh lý. Muốn biết rõ về sự bộc lộ hoặc kiềm chế các cảm xúc đối với cơ thể như thế nào bà có thể đọc cuốn “The Stress of Life” của Hans Seyles hoặc “Anatomy of an lllness” của Norman Cousins. Một cuốn cổ thư về y học của Ấn Độ, cuốn “Aryuveda” cũng đã nói rõ rằng sự tức giận hay đè nén một cảm xúc tiêu cực nào đó sẽ gây ra các chứng bệnh về dạ dày và ruột. Từ xưa các hiền triết đã biết rõ hậu quả tai hại của sự giận hờn bị kiềm chế hay bộc lộ: Trong cuốn “Suma Theologica”, thánh Thomas Aquino viết: “Bộc lộ sự giận hờn làm gia tăng huyết áp, bắp thịt co thắt lại, tim đập mạnh lên và sự xáo trộn thể chất này sẽ cản trở việc suy nghĩ một cách hợp lý”. Cuốn “Philokalia” của giáo lý bí truyền cũng nói rằng: “Một kẻ giận dữ dù có làm người chết sống dậy cũng không được Thượng Đế chấp nhận”. Đạo sư Swami Sivanada giảng dạy: “Vì giận dữ mà một người mất hết công phu tâm linh trong chốc lát”. Triết gia Gurdjieff cũng nhận xét: “Bộc lộ sự tức giận có thể phá tan tất cả tài sản tinh thần đã rèn luyện và tâm hồn con người sẽ bị trống rỗng trong một thời gian rất lâu”. Kinh pháp cú nói rằng sự giận dữ giống như một chiếc xe ngựa chạy loạn xạ và chỉ ai kìm giữ được nó mới là một người kỵ mã đại tài.
- Nhưng nếu tôi nghe lời bác sĩ chỉ nghĩ đến những tư tưởng tích cực thì tôi phải làm gì với những tư tưởng tiêu cực?
- Cách đối phó đúng đắn nhất với những cảm giác tiêu cực là không bộc lộ, không kiềm chế mà chuyển hóa nó. Chuyển hóa là một tiến trình giải thoát chúng ta ra khỏi những gì tiêu cực và trợ giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường tâm linh.
- Nhưng đó dường như là lý thuyết... Trong tình trạng hiện tại, tôi phải làm sao đây?
- Đó không phải là lý thuyết đâu. Cô để ý xem, phải chăng mỗi khi tư tưởng về người chồng cũ nổi lên trong trí thì cô cảm thấy tức giận, cay đắng? Cô hãy thực hành phương pháp chuyển hóa như sau: Thay vì để tư tưởng đó tiếp tục dằn vặt cô thì cô hãy thay đổi thái độ của mình đối với nó. Cô hãy ngưng sự suy nghĩ về người chồng cũ mà chỉ tập trung vào nỗi cay đắng, tức giận mà thôi. Khi quan sát, cô sẽ thấy rằng nó không phải là cô mà chỉ là một phản ứng đến từ bên ngoài. Cô phải biết cách dừng lại, quan sát tiến trình của phản ứng này và nhất định không chịu đồng hóa với nó. Khi cô không đồng hóa với nó, tự nhiên nó sẽ biến mất như khi nó hiện ra vậy. Khi cô ý thức rằng nó chỉ là những cảm giác đến từ bên ngoài, cô sẽ ý thức về mình nhiều hơn. Dĩ nhiên lúc đầu những cảm giác này sẽ nổi lên liên tiếp nhưng càng tập luyện cách làm chủ tư tưởng thì nó càng ít hiện lên.
- Như vậy, khi nỗi giận hờn tan biến thì tôi có trở lại tâm trạng như lúc không có sự giận hờn hay không?
- Cô sẽ tiến bộ hơn, cô sẽ ý thức hơn vì cô đã biết cách tách rời cô ra khỏi các cảm xúc của cô. Sri Aurobindo đã giảng giải điều này như sau: “Khi bạn quan sát một điều gì thuộc về bản chất thấp kém của mình và tìm cách tách rời nó ra thì bạn đã kêu gọi ánh sáng thiêng liêng và sự bình an ở trên cao tuôn xuống nơi bạn để biến đổi nó, và sức mạnh này sẽ thay thế tất cả hoạt động phản xạ máy móc và tiêu cực bằng ánh sáng thiêng liêng”. Việc thực hành để không đồng hóa với các cảm xúc tiêu cực và mở rộng tâm hồn để đón nhận sức mạnh thiêng liêng sẽ biến đổi bản chất của cô. Từ đó nó sẽ cải thiện sức khỏe của cô và giúp cô thay đổi được thái độ đối với cuộc đời.

11. Tính do dự

Teresa là một phụ nữ yếu ớt, ẻo lả có giọng nói nhẹ như hơi thở. Cô do dự rất lâu trước khi quyết định đến tham dự buổi diễn thuyết, do đó cô đến trễ nửa giờ. Cô cho biết mỗi khi phải quyết định một điều gì thì cô thấy vô cùng khổ sở. Cô nói:
- Thưa bà, tôi cứ cân nhắc mãi về việc “nên” hay “không” nên đi. Có lúc tôi muốn đi, lúc lại không muốn đi. Phân vân một hồi thì tôi lại có những ý nghĩ khác như nếu đi thì tôi sẽ phải nhờ chồng tôi đón mấy đứa con ở trường, nhờ anh nấu cơm, lo việc nhà. Chuyện gì sẽ xảy ra khi anh ấy và mấy đứa con ở nhà? Ai sẽ lo lắng cho mấy đứa nhỏ? v.v. Trí óc tôi cứ do dự giữa những sự việc này mà không thể quyết định gì được. Tôi đã đi khám bác sĩ chuyên môn về tâm thần nhưng vẫn không hết. Theo bà thì có cách luyện tinh thần nào giúp cho tôi không?
- Dĩ nhiên là có nhiều cách, nhưng trước hết cô cần hiểu rõ hai điều sau: Thứ nhất, có lẽ cô là một người thích sự hoàn hảo, tuyệt đối. Thứ hai, cô cần biết rằng lòng hăng say tìm kiếm sự hoàn hảo là một điều vô ích vì sự tuyệt đối không thể có ở cõi đời tương đối này được. Cô cần suy ngẫm thật kỹ và chấp nhận hai điều này. Mỗi khi cô phải quyết định điều gì, cô hãy thực hành một phương pháp giản dị như sau:
Việc đầu tiên cô hãy làm là tự nhủ rằng mình sẽ không đi đến một quyết định gì trong vòng 24 giờ đồng hồ. Sau đó cô lấy hai tờ giấy, một tờ ghi chữ “Thuận” và tờ kia ghi chữ “Chống”. Bắt đầu từ lúc đó, cô hãy viết tất cả những điều thuận lợi hay không thuận lợi vào hai tờ giấy kia. Cô phải ghi chép tất cả những ý nghĩ dù chỉ thoáng qua trong đầu óc của cô lên giấy, viết xong thì cô cất tờ giấy và quên nó đi. Trước khi đi ngủ, cô hãy tập hít thở đều đặn cho thân thể thoải mái, trí óc lặng yên rồi bắt đầu ôn lại những điều đã viết trên giấy, nhưng nên nhớ là cô sẽ không quyết định gì cả mà chỉ ôn lại các tư tưởng đã viết vào tâm trí thôi. Sau đó cô hãy lên giường và ngủ một giấc ngon lành, tuyệt đối không suy nghĩ gì về điều đó nữa. Sáng hôm sau cô sẽ cảm thấy trong lòng mình ngả về một hướng đặc biệt nào đó. Hãy chấp nhận bất cứ sự thỏa hiệp nào mà nó đưa ra. Khi trí óc cô nổi lên ý nghĩ nghi ngờ và do dự thì cô hãy tự nhủ rằng: “Sự thật không có giải pháp nào là hoàn hảo cả, tất cả mọi giải pháp đều là những thỏa hiệp giữa các mãnh lực trái ngược nhau mà thôi”. Nếu suy nghĩ như vậy thì chẳng bao lâu đầu óc của cô sẽ lặng yên và cô sẽ đi đến những quyết định mà trước đó cô không thể làm được.

12. Căn bệnh của trí não

Charlotte có vẻ ngoài trẻ đẹp dù bà đã ngoài năm mươi tuổi. Bà nói:
- Từ năm ngoái đến nay tôi mới già đúng tuổi, tóc tôi mới bạc đi như vậy chứ ngày trước ai cũng tưởng tôi chưa đến bốn mươi. Tất cả chỉ vì đứa con gái ngỗ nghịch mà tôi ra nông nỗi này. Thưa bà, tôi là người biết chăm lo sức khỏe cho mình, tôi đi bộ, tập thể dục và tham thiền đều đặn từ nhiều năm nay nhưng giờ đây con gái tôi đã cướp mất sự bình an nội tâm của tôi. Tôi làm đủ chuyện tốt cho nó mà nó chẳng biết ơn gì cả.
Tôi trả tiền cho nó vào một đại học nổi tiếng nhất thế giới mà nó lại bỏ ngang. Tôi dành dụm tiền cho vào quỹ tiết kiệm để nó tiêu dùng thì nó rút hết ra mua một chiếc xe hơi mới, tương lai của nó như vậy kể như hỏng rồi. Mới đây nó lại giao du với một đứa vô lại, chẳng học hành gì hết mà chỉ suốt ngày đàn đúm, lêu lổng. Điều này làm xáo trộn cuộc sống tinh thần và ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi. Tôi phải làm cách nào để bắt nó thay đổi, làm cho nó sáng mắt ra và để cho đầu óc tôi được yên?
- Theo ý tôi thì bà hãy tự giúp mình trước đã. Ưu tiên trước hết của bà là sự hiểu biết cho đúng. Giúp đỡ người khác, nhất là con cái của mình, là việc nên làm; nhưng bà cũng cần hiểu rằng khi chúng đã đến tuổi trưởng thành thì phương pháp hữu hiệu nhất là hướng dẫn cho chúng mà thôi. Bà không thể bắt buộc chúng làm những gì bà muốn được. Bà có thể giải thích cho con cái biết rằng bà đã lo lắng hoặc đã xử sự với những hoàn cảnh tương tự như thế nào khi bà còn ở tuổi đó. Bà cũng có thể vạch ra cho chúng biết hậu quả của những hành động như vậy sẽ đưa đến đâu. Sau khi đã làm hết sức mình thì bà cần biết cách phó thác, tin cậy vào bàn tay của Thượng Đế và dừng lại ở đó. Quan niệm phương Đông cho rằng Thượng Đế là chân lý tuyệt đối, không hình thể, không danh tánh, nhưng đồng thời cũng là chân lý có hình thể là toàn thể vũ trụ và mọi vật trong vũ trụ. Khi chúng ta cố gắng điều động tấn kịch của Ngài theo ý chúng ta thì chúng ta sẽ bị thương tổn, và kẻ khác cũng vậy. Chúng ta cứ thích đưa ra những phán đoán xấu - tốt về người này người nọ, về mọi sự vật, mọi biến cố mà không nhìn thấy cái sức mạnh đang lèo lái tất cả mọi việc.
Câu chuyện ngụ ngôn sau đây đề cập đến điều ấy: Một người nhà quê nghèo chỉ có một con ngựa, những người hàng xóm bảo ông ta: “Ông nghèo quá, sao ông không bán con ngựa đó đi để lấy một số tiền có hơn không?”. Ông này trả lời “Nhưng tôi thích con ngựa này, nó giúp tôi trong việc đồng áng và tôi không muốn bán nó”. Một hôm con ngựa đi đâu mất. Mọi người trong xóm xúm lại bàn tán và thương xót cho ông. Họ nói “Tội nghiệp ông quá, có mỗi con ngựa mà nó lại chạy mất”. Người dân quê kia trả lời: “Tôi không biết mình có đáng tội nghiệp hay không, điều tôi biết rõ là con ngựa đã đi đâu mất. Thế thôi”. Ít hôm sau, con ngựa trở về dẫn theo một bầy ngựa rừng hai chục con. Những người hàng xóm xúm lại bàn tán: “Ông thật may mắn, tự nhiên lại có thêm hai chục con ngựa nữa”. Người dân quê kia trả lời: “Tôi không biết là tôi may mắn như thế nào, tôi chỉ biết rõ hiện nay tôi có thêm hai chục con ngựa mà thôi”. Hôm sau đứa con trai độc nhất của ông ta leo lên lưng một con ngựa rừng và bị nó hất ngã què chân. Những người hàng xóm lại xúm lại bàn tán một hồi và kết luận: “Thật là khổ, ông có mỗi một đứa con mà nay nó tàn phế rồi”. Người dân quê thản nhiên: “Tôi không biết rằng tôi khổ hay không. Điều tôi biết rõ là con tôi đã tàn phế”. Ít lâu sau có chiến tranh, nhà vua ra lệnh động viên tất cả trai tráng trong làng chỉ trừ những người bị tàn tật và dĩ nhiên con ông lão được miễn quân dịch.
Điểm đáng ghi nhận tại đây là sự phán xét rườm rà phí thì giờ của những người hàng xóm và tinh thần hiểu biết điềm đạm của ông lão nhà quê. Theo ý tôi, bà hãy tiếp tục tập thể dục và tham thiền đều đặn. Khi tham thiền, bà hãy nghĩ đến Thượng Đế, nghĩ đến cái sức mạnh vạn năng đang điều hành mọi vật này. Khi ý thức được sức mạnh của Thượng Đế, trong lòng bà sẽ phát sinh cảm giác quy phục, và rồi bà sẽ tìm lại niềm an lạc nội tâm từ sự quy phục này. Bà hãy đọc cuốn sách của thiền sư Tăng Xán, tổ thứ ba của phái Thiền. Ông nói: “Đạo lớn không khó khăn đối với những người không còn sự ưa thích. Khi không thương, không ghét thì mọi vật sẽ bộc lộ ra một cách rõ ràng, không giấu giếm. Chỉ một chút phân biệt là đã có sự chia cắt đất - trời. Nếu muốn nhìn ra được sự thật thì hãy không phò, không chống một điều gì. Đưa ra những gì mình thích và chống lại những gì mình không thích là căn bệnh của trí não”.
Nếu bà biết hành động như thiền sư Tăng Xán diễn tả thì không những cuộc đời của bà sẽ thay đổi mà cuộc đời của những người xung quanh bà cũng sẽ thay đổi theo. Theo ý tôi thì xác thân và linh hồn là tặng phẩm của Thượng Đế ban cho nhân loại nhưng trí não là bệnh của con người.

13. Sự ganh tỵ

Virginia rất khổ sở vì sự ganh tỵ của mình, cô đã lập gia đình lần thứ ba. Hai cuộc hôn nhân trước đều đổ vỡ vì nguyên nhân bắt nguồn từ sự ganh tỵ của cô. Cô tâm sự với tôi:
- Thưa bà, tôi là người có tính hay ganh tỵ nhưng thay vì ganh tỵ với người ngoài, tôi lại ganh tỵ với chồng tôi. Tôi đã khó chịu về thời gian, về sự tự do, sự thành công của anh ấy. Tôi biết như vậy là không đúng nhưng vẫn không chừa được. Tôi rất thích triết lý phương Đông và muốn biết người phương Đông giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Theo sự hiểu biết của tôi, rất ít người đàn bà phương Đông nào lại ganh tỵ với chồng họ về những vấn đề mà cô vừa trình bày. Tuy nhiên, tôi có thể giúp cô về những chìa khóa của phương Đông để thay đổi điều này.
Phương pháp thứ nhất là Raja Yoga, khoa học phát triển trí não, làm chủ tinh thần. Thánh Teresa d’Avila đã nhắc đến phương pháp này trong câu nói: “Nếu bạn tưởng tượng bạn có một đức tính nào đó là bạn đã có một nửa đức tính đó rồi”. Vun bồi một đức tính trái ngược với tính xấu mà cô muốn bỏ là bí quyết của phương pháp này. Trong trường hợp của cô, cô cần trau dồi đức tính cao thượng, hào hiệp để nâng tâm thức của mình lên một bình diện cao hơn. Mỗi buổi sáng cô nên ngồi ở một nơi yên tĩnh, thở nhẹ, giữ cho thân thể thư giãn. Mỗi khi hít vào cô hãy tưởng tượng như mình đang hít vào một sự bình an, khi thở ra cô hãy nghĩ rằng mình đang thải ra những sự căng thẳng. Sau đó cô hãy lặp đi lặp lại trong trí óc câu thần chú: “OM, hào hiệp, OM, cao thượng”. Cô hãy tập trung tư tưởng vào ý nghĩa của những chữ này, âm thanh của chữ “OM” có nhiều công dụng mầu nhiệm làm gia tăng cường độ của những ý nghĩa đi sau nó. Nếu tập đều đặn, cô sẽ phát triển những đức tính như cao thượng, hào hiệp, và rồi cô sẽ loại bỏ được tính ganh tỵ.
Phương pháp thứ hai là Jhanna Yoga, con đường phát triển sự hiểu biết. Theo lối này, cô hãy suy gẫm, quán tưởng về chính bản thân của cô và những người chung quanh, không phải như những hình hài hay danh tánh khác nhau, mà tất cả đều là một phần của cái Toàn Thể, Duy Nhất, của cái Bất Khả Phân, Vô Giới Hạn, của một Tâm Thức Chung mở rộng như đại dương tràn đầy ánh sáng, thấm nhuần tất cả. Cô hãy coi những cảm xúc như thèm muốn, ganh tỵ là những gì đến từ bên ngoài con người cô. Cô hãy tập nhìn chúng dưới con mắt nhân chứng, quan sát chứ không đồng hóa. Khi cô đã nhận thức được Chân Ngã bên trong thì cô sẽ ý thức được Chân Ngã ở bên ngoài, khắp mọi nơi, trong muôn ngàn hình thức và danh tánh. Cái kinh nghiệm về trạng thái vô phân biệt này sẽ tự nó loại bỏ mọi cảm giác chia rẽ và phá tan sự ganh tỵ.
Phương pháp thứ ba là Bhakti Yoga, con đường sùng tín. Theo con đường này, cô hãy tập cảm nhận Thượng Đế trong tất cả mọi vật. Cô hãy đặt câu hỏi: “Tại sao tôi có thể ganh tỵ với một người khi người đó là một phần của Thượng Đế và chính Ngài đã nói và hành động xuyên qua người ấy? Cô hãy cầu nguyện rằng: Xin Thượng Đế hãy chấp nhận con, con xin dâng tất cả mọi cảm xúc dưới chân Ngài, con là con của Ngài và tất cả đều là của Ngài. Nếu thiết tha cầu nguyện, cô sẽ cảm nhận được một sự bình an sáng suốt, và từ đó cô sẽ thay đổi.
Hãy luyện tập bất cứ phương pháp nào thích hợp với cô một cách chăm chỉ, đều đặn rồi cô sẽ thấy tâm thức mình được nâng cao lên, mở rộng ra, và từ đó cô sẽ thoát khỏi tánh ganh tỵ. Cô sẽ tìm được sự bình an, hòa hợp trong đời sống.

14. Số nhiều

Nadine là một nhà báo nổi tiếng, làm việc cho một cơ quan truyền thông tại Hoa Kỳ. Cô cho biết:
- Thưa bà, tôi có một bài toán nan giải gọi là “Số nhiều”, một căn bệnh mà tôi không biết phải giải quyết làm sao. Tôi xin vắn tắt như sau: Bất cứ làm việc gì tôi cũng phải làm với một số lượng thật nhiều. Trước khi viết về một đề tài nào tôi thường tra cứu thật nhiều tài liệu, đôi khi tôi có đến hàng trăm tài liệu tham khảo trước mặt, đa số chỉ nói đi nói lại về một vấn đề giống nhau. Trong tủ quần áo tôi có rất nhiều thứ, đa số đều là quần áo không mặc đến nhưng tôi không vứt đi mà vẫn tiếp tục mua sắm thêm nữa. Khi nấu cơm tôi có thói quen nấu thật nhiều, đủ cho ba người ăn mặc dù tôi chỉ ăn một mình và luôn luôn phải đổ đi những gì không dùng đến. Tóm lại, đối với tôi chuyện gì cũng phải “thật nhiều”. Theo bà thì có cách nào giải quyết tình trạng này không?
- “Số nhiều” là một căn bệnh thời đại. Các đài phát thanh, truyền hình, báo chí, cơ sở thương mại, các tiệm buôn và ngay cả nền giáo dục thông thường cũng nhắc đi nhắc lại một điệp khúc “càng nhiều càng tốt”. Sở hữu thật nhiều, giải trí thật nhiều, hoạt động thật nhiều, ăn uống thật nhiều. “Số nhiều” đã tạo thành một giá trị trong đầu óc chúng ta. Có nhiều là thành công, có ít là thất bại. Có nhiều là tốt, có ít là xấu. Nguyên nhân của sự “có nhiều” này phát sinh từ những cảm giác giả tạo về sự an toàn. Tuy nhiên, “có nhiều” không làm giảm đi sự bất an vì bất an là bản chất của đời sống, trong khi an ninh chỉ là sức chịu đựng những sự bất an này chứ không phải là sự không bất an. Đa số chúng ta đều biết vậy nhưng rất ít người hành động dựa trên sự hiểu biết này.
Theo ý tôi thì cách đối phó với căn bệnh này cũng giống như cách đối phó với mọi sự thay đổi mà thôi. Có lẽ điều cô mong muốn là có một giá trị nào khác để sống, một giá trị có ý nghĩa hơn cái giá trị mà cô vẫn tin tưởng và theo đó cho đến nay. Sau hết có lẽ cô muốn thay đổi lối sống, thay đổi những thói quen để phù hợp với một cuộc sống xây dựng trên căn bản của nền tảng giá trị mới này. Tôi gọi cái căn bản này là “sự cần thiết tuyệt đối”.
Sau đây là một phương pháp giản dị mà cô có thể áp dụng: Từ lâu cô thường suy nghĩ về cái gọi là “số nhiều” một cách vô ý thức. Hãy thay đổi nó bằng cách suy nghĩ và ý thức về cái gọi là “sự cần thiết tuyệt đối”. Cách bắt đầu tốt nhất là áp dụng phương pháp này như cô vẫn áp dụng những quy tắc viết văn. Là một nhà báo, chắc hẳn cô quen thuộc với cuốn sách “The Element of Style” chỉ dẫn về cách hành văn của Strunk và White. Strunk đã viết như sau: “Viết làm sao để một câu văn không có chữ nào thừa, một đoạn văn không có câu nào thừa cũng như một hình vẽ không có nét nào dư và một cái máy không có bộ phận nào là không cần thiết”. Trước khi làm bất kỳ điều gì, cô hãy tự hỏi mình “Điều đó có tuyệt đối cần thiết hay không?”. Nếu nó không cần thiết thì cô nhất định sẽ không làm. Một nhà văn tôi quen cho biết ông không bao giờ sử dụng sách vở tham khảo nào cho bản thảo đầu tiên. Ông khởi sự “viết từ bên trong viết ra” bằng cách quán xét nội tâm với câu hỏi “Điều gì cần phải viết ra đây?”. Chỉ khi nhận được sự hướng dẫn từ bên trong một cách đầy đủ ông mới đặt bút viết. Làm như thế ông đưa ra được cái thông điệp mà ông muốn trình bày trước khi thêm vào đó những chi tiết hay những tài liệu dẫn chứng khác. Khi bắt đầu viết mà sử dụng quá nhiều tài liệu tham khảo như cô thường làm thì dễ bị rối rắm, lạc đề, vì tài liệu tham khảo chỉ là những gì tô điểm, trang hoàng, phụ giúp cho đề tài chính mà thôi. Việc mua sắm quần áo cũng như vậy, nếu cô cứ đi từ tiệm này qua tiệm khác để xem có món gì mà cô cần - thay vì quyết định xem cô cần cái gì trước rồi mới đi mua sắm - thì chắc chắn cô sẽ mua nhiều hơn nhu cầu thực sự của mình. Việc ăn uống cũng thế, tất cả truyền thống tâm linh đều đề cao việc không phí phạm thức ăn. Cô hãy cố gắng nấu ăn vừa đủ để cung cấp cho thể xác phần nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống và làm việc mà thôi. Ăn nhiều có hại vì cơ thể không đủ sức loại bỏ những chất cặn bã, sẽ khiến cơ thể sinh bệnh. Việc ăn quá nhiều sẽ biến việc ăn uống vì dinh dưỡng xuống thành việc ăn để thỏa mãn cảm giác.
Tóm lại, để giải quyết căn bệnh “số nhiều” này, cô hãy tự hỏi xem điều cô định làm có tuyệt đối cần thiết hay không trước khi hành động. Chìa khóa để áp dụng phương pháp này vào đời sống là áp dụng một câu châm ngôn trong Thánh Kinh: “Nếu tin tưởng ra sao thì việc sẽ như vậy”. Cô hãy tin và hình dung rằng mình đang sống theo phương pháp này, ý thức từng hành động của mình trong nhà bếp, khi mua sắm quần áo, lúc nghiên cứu, khi nghỉ ngơi. Hãy suy ngẫm về sự tuyệt đối cần thiết này trong buổi sáng khi tâm hồn còn sáng suốt. Phương Đông có câu: “Bất cứ việc gì làm liên tiếp đều đặn trong vòng bốn mươi ngày sẽ trở thành một thói quen”. Hãy cố gắng áp dụng điều này vào đời sống, và khi nó đã trở thành thói quen thì cô sẽ nhận ra một chân lý rằng: Sở hữu nhiều chỉ làm ta thêm rối trí, làm ta thêm vướng mắc, tạo ra thêm phiền não. Định luật cần thiết tuyệt đối này sẽ giúp cô đặt ra những tiêu chuẩn theo thứ tự ưu tiên một cách chính xác và giúp cô đạt đến cái Phẩm thay vì cái Lượng.



No comments:

Post a Comment