Minh
triết trong đời sống
Darshani Deane - dịch Nguyên Phong
Mục lục :
35. Những chiếc “cúp” luân chuyển
Bill làm nghề thợ sơn gần 50 năm trước
khi về hưu, vợ ông đã qua đời mấy năm trước, các con ông đều khôn lớn và đã có
gia đình. Nguồn vui hiện nay của ông là chơi bowling và viếng thăm con cháu.
Ông nói:
- Thưa bà, tôi già rồi và chắc chẳng còn
sống được bao lâu. Nhưng, nói ra thì ngượng quá, tôi thường lo lắng khi chết sẽ
phải bỏ lại căn nhà, những chiếc “cúp” bowling, và nhất là mấy đứa cháu nội.
Tôi biết khi lìa đời người ta không thể mang theo một cái gì, nhưng dù biết vậy
tôi vẫn thấy mình cứ gắn bó vào những đồ kỷ niệm: những chiếc “cúp” bowling,
gia đình, con cháu, v.v. Làm sao một người già như tôi có thể chữa được sự gắn
bó này để thoải mái hơn khi đến “chuyện phải đến”, hay nói một cách văn vẻ là
ung dung đi trên con đường dẫn đến sự tự do tuyệt đối?
- Nếu ông đã gọi “điều phải đến” là “con
đường tự do tuyệt đối” thì ông đã đi được một bước tiến rất xa rồi đó. Theo tôi
nghĩ thì người phàm chúng ta chẳng ai làm chủ được cái gì hết, từ nhà cửa, tài
sản, tiền bạc, nữ trang, xe cộ, quần áo đến thời gian, tài năng, hình dáng hay
sức khỏe. Nhận thức được điều này không dễ, nhưng có ý thức được chúng thì người
ta mới ý thức được sự tự do tuyệt đối. Vì ông thường chơi bowling nên xin hỏi
ông đã tham dự các cuộc tranh giải “Cúp luân chuyển” nào chưa?
- Có chứ, không những tôi đã tranh giải
mà hiện còn giữ mấy chiếc “Cúp luân chuyển” nữa.
- Tốt lắm, vậy ông nghĩ sao về những chiếc
“Cúp luân chuyển” này?
- Tôi rất vui mừng và hãnh diện về những
thành quả đạt được. Nhưng chiếc “cúp” này không hoàn toàn thuộc về tôi mà sẽ được
chuyển qua tay một người khác, người thắng giải kỳ tới.
- Ông nói rất đúng. Tất cả mọi thứ ông
có trong nhà và ngay trong thân thể của ông cũng chỉ là những chiếc “Cúp luân
chuyển” mà thôi. Chúng ta vui và hãnh diện khi có nó trong tay nhưng cũng biết
rằng chúng ta không thể giữ chúng mãi được. Trong cuộc đời vô thường này, quan
niệm “làm chủ” một vật gì chỉ là điều giả tưởng; làm “người quản lý” thì đúng
hơn. Ông, tôi và tất cả mọi người chỉ quản lý mọi vật chứ không làm chủ, vì bất
cứ lúc nào chúng ta cũng có thể phải xa lìa những cái chúng ta có. Tóm lại,
phương pháp hay nhất dẫn đến sự giải thoát, để được tự do tuyệt đối như ông đề
cập đến là tập nhìn tất cả mọi sự việc như chiếc “Cúp luân chuyển”; vì mọi thứ,
tốt hay xấu cũng chỉ có tính cách tạm thời. Khi nhìn người, vật, sự vật, hay cả
tấm hình của mình trong gương, ông cũng hãy quán tưởng nó chỉ là “huyễn” - tưởng
như có thật nhưng không phải là thật. Đời ban cho chúng ta thứ gì, chúng ta hãy
nhận lãnh và sử dụng chúng một cách đúng đắn. Không nên nghĩ vật này là “của
tôi” hay “của gia đình tôi”. Suy nghĩ như vậy là có ngụ ý liên hệ, gắn bó rồi.
Mọi vật tự chúng không hề tốt hay xấu, nhưng chính sự liên hệ của chúng ta với
chúng đã tạo thành một sợi dây trói buộc. Điều chúng ta cần làm là cởi bỏ sợi
dây đó. Mỗi khi thấy mình có ý muốn bám víu vào một cái gì đó, ông hãy tự nhắc
nhở mình rằng ông không sở hữu bất cứ một cái gì. Các con các cháu đến với ông
cũng chỉ là những hình ảnh chập chờn trên màn ảnh, các chiếc “Cúp” thể thao có
thể đến rồi lại đi khi một người khác thắng giải. Hãy nhận thức rằng sự vật và
ý nghĩa của mọi sự vật chỉ là do cái giá trị mà người ta đặt cho chúng.
Tôi có quen một thiếu nữ kia, cô luôn
luôn lo lắng cho sắc đẹp của mình. Mỗi ngày cô bỏ ra nhiều giờ chăm lo săn sóc
nhan sắc như thoa kem bôi mặt, xức dầu thơm, làm tóc, v.v. Trong nhà cô treo
nhiều tấm gương lớn như để nhắc nhở về nhan sắc yêu kiều, lộng lẫy của cô. Vài
tháng sau, tôi gặp lại cô nhưng khi đó cô vừa trải qua một tai nạn xe hơi trầm
trọng. Thú thật là tôi không còn nhận ra cô ấy nữa. Mặc dù đã trải qua nhiều cuộc
giải phẫu thẩm mỹ nhưng nhan sắc yêu kiều kia đã bị hủy hoại hoàn toàn. Thánh
Kinh đã nói: “Chớ để tài sản nơi nó sẽ hư hoại”. Ông hãy quan sát những chiếc
“Cúp luân chuyển” đang có ở trong nhà và suy ngẫm về những chiếc cúp “không
luân chuyển và không bao giờ hư hoại”.
36. Cầu nguyện
Sáng Chủ nhật nào Elizabeth cũng đi lễ
nhà thờ nhưng bà không tin tưởng gì vào việc đó. Bà nói:
- Thưa bà, tôi đi nhà thờ hơn hai mươi
năm nay mà chẳng thấy lợi ích gì cả. Khi bước ra khỏi nhà thờ thì con người tôi
vẫn y như khi bước vào, chẳng có gì thay đổi. Các cử chỉ và lời cầu nguyện của
tôi hoàn toàn khô khan, máy móc. Tôi phải làm sao đây?
- Bà hãy cầu nguyện với tất cả tấm lòng.
- Tôi không biết làm thế nào để cầu nguyện
với tất cả tấm lòng vì từ các bài hát đến những câu kinh tôi đều thuộc lòng cả,
cứ như một cái máy phát thanh phát ra thôi...
- Bà đã từng yêu bao giờ chưa? Khi yêu
bà đâu có tính toán xem mình phải suy nghĩ như thế nào hay hành động ra sao với
người bà yêu. Trái tim bà biết, trái tim bà hoạt động một cách tự nhiên mà
không cần chỉ dẫn. Cầu nguyện với tất cả tấm lòng cũng như vậy, vì bà không thể
sai khiến con tim bà được, lúc đó trái tim tự điều khiển lấy nó và rung động với
những rung động cao thượng khác. Tôi có một phương pháp giản dị may ra có thể
giúp bà: Trước hết bà cần phải có một ý niệm thật rõ ràng về cái lý tưởng của
bà. Muốn vậy bà hãy viết lên giấy tất cả những điều bà biết, tin tưởng, hay cảm
nhận về Thượng Đế. Những điều này phải được viết một cách chân thành từ quan niệm
riêng của bà chứ không phải chép ra từ một cuốn sách. Bà có thể dùng những chữ
như “Đấng Toàn Năng, Toàn Trí”, “Niềm thương yêu vô bờ bến” hay “Ánh sáng thanh
khiết thấm nhuần tất cả”, v.v. Bà có thể giản dị hóa các danh từ này lại thành
sáu chữ hay ba chữ thôi. Sau khi viết xong, mỗi ngày bà tìm một nơi vắng lặng,
không bị quấy nhiễu để tập suy nghĩ về những chữ này. Bắt đầu bằng cách ngồi
cho thoải mái, thư giãn rồi tập trung tư tưởng vào danh sách của bà. Hãy đọc
trong trí và phóng chiếu các chữ này vào tâm thức của mình giống như một cuốn
phim được chiếu lên màn ảnh. Trong khi đọc hãy chăm chú vào sự hiểu biết sâu xa
nhất về tinh hoa của các chữ ấy và lặp đi lặp lại những chữ này trong đầu cho đến
khi hình ảnh đó hòa nhập vào trái tim của bà. Đó là một cách cầu nguyện chân
thành bằng tim chứ không bằng lời vì thà cầu nguyện trong im lặng bằng tim còn
hơn thốt ra lời mà thiếu vắng trái tim.
37. Cần có thầy hay không cần?
Mark là một nhạc sĩ chuyên về kèn
clarinet. Cách đây nhiều năm anh tham dự buổi diễn thuyết về Thiền của một đạo
sư Ấn Độ và đã thực tập thiền định từ đó. Anh đọc rất nhiều sách Thiền của các
tác giả khác nhau, từ Suzuki đến George Lozamov. Anh nói:
- Tôi vẫn thắc mắc không biết trên đường
tâm linh, tôi có cần một vị thầy hay không?
- Xin hỏi khi học kèn clarinet anh có cần
thầy không? Liệu người ta có thể học hàm thụ qua sách vở được không?
- Tôi có thể học lý thuyết về âm nhạc
qua sách vở chứ không thể học tất cả được. Sách vở không thể dạy tôi cách đặt
miệng sao cho đúng, giữ hơi ra sao, thổi như vậy đã được chưa, độ rung như thế
nào, v.v. Do đó ngoài sách vở tôi vẫn cần có thầy chỉ dạy thực hành thêm, nhưng
học kèn clarinet là một chuyện còn đời sống tâm linh lại là một chuyện khác chứ?
- Muốn học bất cứ thứ gì đến nơi đến chốn,
từ sinh ngữ đến âm nhạc hay điện toán, hội họa, điêu khắc, chúng ta đều cần có
thầy. Thầy giáo là người đã kinh nghiệm, đã từng trải, đã đạt đến đích và biết
cách vượt qua các trở ngại khó khăn, v.v. Trên đường tâm linh, chúng ta ở một vị
thế tế nhị và lạ lùng hơn âm nhạc hay điện toán vì chúng ta phải vươn từ tầm mức
tâm linh này đến tầm mức tâm linh khác. Chúng ta cần sự trợ giúp để biết hiện
nay chúng ta đang ở đâu, đang đi đến đâu, làm cách nào đạt đến mục đích. Đó là
nhiệm vụ của những người thầy mà người Ấn Độ gọi là “Guru”, nghĩa là “Người đem
lại ánh sáng” hay “Người phá tan bóng tối”.
- Thưa bà, tôi không hề có thầy hay
“Guru”, tuy nhiên tôi đã tự học qua sách vở và sống với những điều đó. Tôi
trông cậy vào vị thầy trong tâm của tôi mà danh từ Ấn Độ thường gọi là
“Sadguru”.
- Ai đã hướng dẫn cho anh đi vào con đường
Thiền?
- Vị đạo sư Ấn Độ đầu tiên đã diễn thuyết
trong trường đại học cách đây nhiều năm rồi.
- Như vậy ông ấy là vị thầy đầu tiên của
anh đó. Ông ấy đã đến đúng vào lúc anh sẵn sàng. Chính vị thầy trong tâm của
anh (Sadguru) đã hướng dẫn anh đến với vị thầy bên ngoài hay vị đạo sư Ấn Độ
đó. Có người hỏi Sri Nisargadattha rằng “Có cần thầy không?” thì ông trả lời
“Điều đó cũng như hỏi chúng ta có cần mẹ hay không vậy?”.
- Nhưng ngoài vị thầy đó ra tôi có cần
thầy khác hay không?
- Bất kỳ lúc nào anh cần thì nội tâm của
anh, vị thầy trong tâm của anh (Sadguru) sẽ hướng dẫn anh đi tìm một người thầy
bên ngoài (Guru). Điều này cũng ví như bà mẹ đưa con đến lớp học với một thầy
giáo vậy.
- Có người nói rằng chúng ta chỉ cần một
vị thầy duy nhất mà thôi và phải tuyệt đối trung thành với vị này.
- Có thể điều đó đúng nếu gặp đúng thầy.
Kinh nghiệm riêng của tôi thì khác, tôi đã học hỏi và thực tập dưới sự hướng dẫn
của nhiều vị thầy khác nhau. Lúc nào tôi cũng biết ơn tất cả.
- Như vậy người ta có cần trông cậy vào
một vị thầy không?
- Có người nhấn mạnh việc trông cậy vào
một vị thầy, có người không đồng ý. Truyền thống Ấn Độ chú trọng đến việc các
môn sinh sống gần với thầy, trông cậy vào sự hướng dẫn của thầy. Tuy nhiên “sống
gần” hay “trông cậy” không có nghĩa là phải ở cùng nhà, ăn cùng bàn, thở hít
cùng một bầu không khí mà có nghĩa là chuyên cần, vâng lời, tuân theo sự chỉ dạy
để không uổng phí công lao dạy dỗ của thầy. Một đạo sư Ấn Độ khác, Ram Das nói
rằng người ta sẽ không tiến bộ bao nhiêu nếu cứ quanh quẩn bên cạnh một vị thầy
vì họ sẽ gắn bó, trông cậy vào một cái gì có tính cách hình thức bên ngoài mà
quên đi phần tinh thần ở bên trong. Một lý do nữa là càng gần thầy bao nhiêu,
chúng ta càng ỷ lại vào vị thầy đó bấy nhiêu; chúng ta quan tâm đến sự gần cận,
hầu hạ, vâng lời thầy nhiều hơn là vào các tiến bộ tâm linh của chính ta. Nên
nhớ dù vị thầy đó có cao cả đến đâu, hay đạt các quả vị gì chăng nữa thì ngài
cũng không thể tu giùm chúng ta được, chúng ta phải tự mình tiến bước, tự mình
tu tập sửa đổi chính mình. Đó là điều hết sức quan trọng, là một căn bản chính
yếu của truyền thống Đông phương.
- Nhưng làm sao có thể tìm ra một vị thầy
chân chính, một người có thể hướng dẫn tôi được? Như bà cũng đã biết, thời gian
gần đây đã có quá nhiều kẻ bất tài tự xưng là “Guru”, “Bhagwan”, “Swami” hay đấng
này, vị nọ...
- Dĩ nhiên người tìm đạo có quyền thử
thách vị thầy trước khi xin học. Cũng như thế, các vị thầy thường thử thách học
trò trước khi thu nhận. Anh hãy quan sát vị đó một cách cẩn thận và tự hỏi “Vị
đó có cởi mở không? Có khuyến khích các đệ tử tự tu, tự học hay tìm học thêm ở
những vị thầy khác hay không? Liệu vị đó đã chế ngự được các khát vọng, tham
lam, giận hờn, ganh tỵ, sợ hãi và làm chủ được bản ngã không? Vị đó có đi tìm
danh vọng không?”. Một vị thầy chân chính không phải chỉ có đức hạnh là đủ, mà
còn phải vượt cao khỏi các cám dỗ của thể xác, tư tưởng, vượt ra ngoài vòng
tranh chấp nhị nguyên. Chỉ như vậy thì lời nói của ngài mới là những hạt giống
bất hoại trong đời chúng ta được.
- Nhưng làm sao tôi có thể xét đoán như
vậy?
- Hãy tự hỏi: “Đứng trước ngài tôi cảm
thấy thế nào?”. Đừng để những người khác khuyến dụ, đừng tin những lời quảng
cáo hay khen ngợi bên ngoài. Hãy tự hỏi: “Nội tâm tôi cảm thấy như thế nào khi
nghe ngài nói chuyện? Ngài có làm cho nội tâm của tôi phong phú lên không?”.
- Có người nói rằng muốn tiến bộ trên đường
tâm linh thì phải quy phục một vị thầy. Bà nghĩ sao?
- Lẽ dĩ nhiên, nếu không biết quy phục
thì có thầy làm gì? Quy phục với vị thầy bên ngoài cũng là quy phục vị thầy bên
trong. Chính vì nhiều người trong chúng ta không làm gì cho chính mình nên mới
cần có một vị thầy bên ngoài để phá vỡ sự chống đối của phàm ngã, khắc phục
tính hiếu động hay trì trệ của chúng ta. Đó là lý do chúng ta cần một vị thầy
hướng dẫn. Trước sau gì thì chúng ta sẽ học được rằng cuộc đời là vị thầy tối
cao, là vị “Guru” tốt nhất, mỗi người đi qua đời chúng ta, mỗi sự kiện như
thành công, thất bại, vui, buồn, lo lắng, thương yêu, thù hận, đều đến với
chúng ta như những bài học mà chúng ta cần phải học. Chúng không đến như một sự
tình cờ hay trùng hợp, mà như một kế hoạch nhất định để dạy cho chúng ta những
bài học đó. Nếu chúng ta không chịu quy phục và chấp nhận các bài học trên đường
đời này thì chúng ta cần một vị thầy để vạch rõ các bài học đó ra cho chúng ta.
Nếu chúng ta chấp nhận, quy phục các bài học ngoài đời thì chúng ta ít cần một
vị thầy bên ngoài. Đạo sư Ram Das nói rằng: “Người ta chỉ cần nương tựa vào sự
thúc hối bên trong để có sự hướng dẫn đúng ở ngoài đời”. Nhưng dù có thầy hay
không có thầy, rốt cuộc chúng ta sẽ nhận thức rằng đằng sau tất cả các vị thầy
bên ngoài, các vị “Guru” và đằng sau bàn tay chuyển động của đời sống là vị thầy
bên trong, vị “Sadguru” cao cả và im lặng, đó chính là cái chân ngã vô hình, bất
khả phân, là cái ánh sáng bao la thấm nhuần tất cả.
38. Một quan niệm về tình yêu
Mamie là một phụ nữ rất đẹp, ăn mặc lịch
sự và có giọng nói thật hấp dẫn. Bà cho biết bà rất yêu thi ca, âm nhạc cổ điển
và tiểu thuyết lãng mạn. Bà đã ly dị ba lần và đang chuẩn bị lập gia đình lần
thứ tư. Bà nói:
- Thưa bà, tôi không biết cuộc hôn nhân
sắp tới này có hơn gì những cuộc hôn nhân trước không?
- Tại sao chị nghĩ như thế?
- Khi sống một mình thì cuộc đời của tôi
hết sức thoải mái, suôn sẻ, dễ chịu nhưng khi chung sống với một người khác thì
luôn luôn có những chuyện rắc rối, bất hòa, thất vọng.
- Tại sao?
- Tại vì họ không đáp ứng được những
mong ước bé nhỏ của tôi. Thí dụ như người chồng sau cùng là một gã chỉ say mê
làm việc và luôn luôn quên những điều mà tôi cho là quan trọng: những kỷ niệm đẹp
khi mới quen nhau, ngày sinh nhật của tôi, những câu nói tình tứ, các món quà dễ
thương. Đó là bằng chứng rằng tôi không quan trọng đối với hắn...
- Này chị, nhiều năm trước tôi có quen một
người đàn ông hào hoa phong nhã, hắn không bao giờ quên ngày sinh nhật hay ngày
kỷ niệm chúng tôi gặp nhau lần đầu, hắn có thể nhớ bất cứ một câu nói tình tứ
nào mà tôi đã nói với hắn và luôn luôn gửi quà tặng hay hoa hồng cho tôi...
- Tôi thích những người lịch sự, chân
thành như vậy. Đó mới thật là đàn ông.
- Khoan đã, chị đừng nóng vội. Đó chỉ là
dấu hiệu của một người có trí nhớ tốt mà thôi. Sự thật thì hắn ta không những
nhớ ngày sinh nhật của tôi mà còn cả bốn cô gái khác mà hắn đang “bồ bịch”
trong cùng một lúc. Sở dĩ tôi nói điều này ra để chị thấy rằng điều mà chúng ta
mong đợi nơi người khác vốn không có căn bản thực tế. Chị cần phải biết kiểm
soát những mong đợi hão huyền này và biết rằng mỗi người chúng ta đều hành động
theo quan niệm riêng của mình, chúng ta không thể hành động, cảm xúc hay suy
nghĩ như người khác muốn chúng ta như vậy. Chị không thể vạch ra một cách cho
người khác xử sự được. Kinh Bhagavad Gita nói “Chúng ta có thể hành động nhưng
không thể kiểm soát được kết quả”.
- Tôi vẫn không hiểu, xin bà giải thích
rõ hơn.
- Để tôi lấy một thí dụ này: Nếu chị
dành ra nửa ngày để nấu một bữa ăn thật thịnh soạn, bày bàn ăn thật đẹp, cắm
vào đó mấy ngọn nến cho thật thơ mộng rồi chờ chồng đi làm về để cùng ăn. Khi
chồng chị về nhà, ông chẳng ngó ngàng gì đến bàn ăn, chẳng tỏ thái độ muốn ăn
thì chị phản ứng ra sao?
- Tôi sẽ nghĩ: “Biết đâu hắn ta đã đi ăn
với một cô ả nào đó rồi?”. Ít ra thì hắn cũng phải khen ngợi sự cố gắng của tôi
chứ...
- Nếu hiểu biết thì chị sẽ phản ứng
khác. Chị sẽ chấp nhận cách xử sự của chồng mà không phán đoán gì hết, cũng chẳng
cần phải kể công lao làm gì.
- Vậy thì tôi phải suy nghĩ thế nào?
- Hãy suy nghĩ như sau: “Tôi không cần sự
vỗ về, khen ngợi và tôi cũng chẳng mong chờ gì cả. Mọi điều tôi làm vì tôi muốn
làm, dù người khác thích hay không thích, không ngó ngàng hay đoái hoài đến thì
cũng chẳng phải là lỗi của tôi. Đó là chuyện của họ”.
Nhưng mấy ai đã nghĩ như vậy. Nếu chuyện
đó xảy ra thì tôi sẽ dạy cho hắn một bài học tức thì...
- Tại sao chị làm vậy? Tại sao chị lại đồng
hóa mình với cái suy nghĩ nông nổi, ấu trĩ đó? Mỗi khi trí óc của chị nghĩ: “Tại
sao hắn không làm vừa ý tôi” thì chị phải lập tức từ chối không chấp nhận cái
suy nghĩ ích kỷ, tiêu cực đó. Chị hãy nhìn ngắm chúng với tâm trạng của một người
đứng bên ngoài quan sát, không đồng ý và không chịu đồng hóa với nó. Chị hãy tự
nhủ: “Lại mày nữa, lần này tao nhất định sẽ không tuân theo cái luận điệu giận
hờn cũ rích của mày nữa đâu”. Khi các tư tưởng đầy ích kỷ đầy giận hờn đó không
còn ảnh hưởng được chị nữa thì chị đã tiến được một bước xa rồi. Sự khó khăn của
chúng ta đều là do trí óc chúng ta mà ra chứ không phải do nơi kẻ khác. Khi đã
biết phương pháp dừng lại và nhìn ngắm “trò hề” của cái trí óc nông nổi đó thì
mối quan hệ của chị với người khác sẽ được cải thiện rất nhiều. Để tôi kể cho
chị một thí dụ dễ hiểu sau đây: Chị hãy hình dung hai cặp tình nhân đang đi dạo
trong vườn hoa. Cặp thứ nhất là A và B, họ luôn luôn tay trong tay, mắt nhìn mắt
thật đắm đuối nhưng khi B làm A thất vọng thì A giận dữ. Khi A giận dữ thì B bực
mình vì cho rằng A quá đòi hỏi và khi đó, tay họ không còn tay trong tay nữa mà
chỉ còn là những cử chỉ giận dữ, mắt họ không còn đắm đuối nữa mà chỉ còn là những
tia giận hờn. Cặp thứ hai C và D cùng nắm tay nhau đi nhưng mắt họ chẳng nhìn
nhau mà cùng nhắm mắt, hướng suy nghĩ vào một mục tiêu cao đẹp chung là “hạnh
phúc”. Vậy thì dù cho có việc gì xảy ra thì thái độ của họ cũng không thay đổi,
vì họ vẫn cùng nhau hướng về mục tiêu chung đó. Nếu như một người ngã thì người
kia nâng, một người gặp rắc rối thì người kia an ủi và cứ như thế họ thanh thản
đi trọn con đường.
Thi sĩ Kahlil Gibral có một bài thơ thật
hay mà tôi mong chị hãy suy ngẫm kỹ vì nó có thể giúp cho chị nhiều:
Love
one another but make not the bond of love
Let
it rather be a moving sea between the shores of your soul
…
Give
your hearts but not into each other’s keeping
For
only the Hand of Life can contain your hearts
And
stand together yet not too near together
For
the Pillars of the temple stand apart
And
the oak tree and cypress grow not in each other’s shadow.
Tạm dịch:
Hãy yêu nhau nhưng đừng biến
tình yêu thành dây ràng buộc;
Mà tình yêu nên là đại dương
chuyển động giữa đôi bờ của hai linh hồn.
Hãy cho nhau trái tim nhưng đừng
giao nhau cất giữ.
Vì chỉ Bàn tay của Cuộc đời mới
có thể chứa đựng trái tim các bạn.
Và hãy đứng cùng nhau nhưng đừng
quá sát vào nhau:
Vì các cột đền thờ đều đứng một
mình,
Và cây sồi với cây hạnh đào
không lớn lên trong chiếc bóng của nhau.
(Bản dịch của Nguyễn Ước)
39. Thực tại chỉ nằm trong hiện tại
Neville là một thanh niên trẻ làm việc
cho tiệm bán thực phẩm ở Texas. Ngoài giờ làm việc, anh và một số bạn bè thường
tụ họp để học hỏi, nghiên cứu các vấn đề tâm linh. Anh rất thích quan niệm và
triết lý của người phương Đông như luân hồi, luân quả, và đặc biệt say mê việc
sử dụng Thần nhãn để chữa bệnh của Edgar Cayce. Cách đây mấy năm, cha mẹ anh
qua đời, để lại tất cả gia tài cho Al, người em út, chứ không chia cho anh một
chút gì. Mãi sau này anh mới biết chính Al đã nói xấu anh và vận động cha mẹ
truất quyền thừa kế của anh để chiếm trọn gia tài. Neville nói bằng một giọng
xúc động:
- Thưa bà, khi biết được việc này tôi muốn
bắn Al mấy viên đạn vào đầu nhưng nhờ bạn bè ngăn cản nên mới thôi. Theo thời
gian, mối hận của tôi dịu bớt phần nào nhưng vẫn không hết mà cứ tiềm ẩn, chờ dịp
lại bùng lên. Hiện nay thằng em bất lương của tôi sống trong một biệt thự lớn,
lái xe Cadillac, có nhiều bạn gái rất xinh, còn tôi thì làm nghề bán hàng,
lương chỉ đủ tiêu một cách dè sẻn. Các bạn tôi nói rằng có lẽ kiếp trước tôi đã
làm điều gì ghê gớm lắm đối với Al nên ngày nay mới phải trả quả báo như vậy.
Suy nghĩ như thế cũng giúp tôi rất nhiều vì tôi tin ở luật nhân quả. Biết mình
đã lầm lỗi trong quá khứ thì dễ chấp nhận sự kiện đau lòng hiện nay hơn. Nhưng
tôi vẫn thắc mắc không biết có thực là tôi đã làm điều gì xấu trong tiền kiếp
không? Cách đây ít lâu, tôi đọc báo thấy có mấy pháp sư quảng cáo là có thể xem
tiền kiếp của người khác, tôi muốn biết những người này có thể xem được tiền kiếp
sâu xa đến đâu?
- Này anh bạn, có lẽ những vị pháp sư đó
sẽ đưa anh đi sâu vào tột cùng sự tưởng tượng của họ và xa đến tận số tiền anh
để dành trong tài khoản ngân hàng. Họ đòi trả thù lao rất nhiều để đưa anh đi
vào những vòng luẩn quẩn, họ nói về luân hồi mà chính họ lại không tin gì ở
luân hồi, nhân quả. Giả dụ rằng họ có thể xem được tiền kiếp và nói rằng anh
không hề làm điều gì xấu với người em hiện nay của anh thì sao? Anh sẽ làm gì?
Anh sẽ hành động như thế nào? Nếu đã nghiên cứu về Edgar Cayce thì có lẽ anh đã
đọc cuốn “Many Mansions” của tác giả Gina Cerminara. Trong cuốn này tác giả đã
kể rằng khi Edgar Cayce biết một người trước đây là bạo chúa Nero, ông từ chối
không tiết lộ điều này vì sợ người kia chịu không nổi. Phần anh cũng vậy, biết
đâu anh không thể chịu nổi về điều anh đã làm trong quá khứ? Rồi anh sẽ thắc mắc
về chuyện người khác đã làm điều này hay điều nọ cho anh và cứ thế luẩn quẩn
trong các liên hệ rắc rối, không khởi đầu mà cũng không chấm dứt. Vấn đề xem tiền
kiếp không có lợi gì cả vì biết đâu Al, người em của anh trong kiếp này lại là
cha anh trong kiếp trước, hay mẹ anh kiếp trước hiện nay lại là vợ của anh thì
sao? Phải chăng khi biết được các liên hệ tiền kiếp với người nào thì cuộc sống
hiện tại đang yên lành bỗng trở thành một thảm kịch đầy rắc rối, sóng gió ngay?
- Vậy thì việc xem tiền kiếp chữa bệnh của
Cayce là vô ích hay sao?
- Không đâu, Edgar Cayce là một hiện tượng
đặc biệt. Bằng quyền năng Thần Nhãn, ông đã chữa trị, giúp đỡ hàng ngàn người
trên thế giới khỏi các bệnh về thể xác cũng như tinh thần mà các phương thuốc
thông thường đều bó tay. Cayce không bao giờ xem tiền kiếp để thỏa mãn trí tò
mò vô ích hay để kiếm tiền làm giàu (ông không lấy thù lao). Ông chỉ làm nhẹ bớt
các đau khổ của người khác. Dĩ nhiên những người như ông thì thật hiếm có và đặc
biệt rồi.
- Nếu không xem tiền kiếp nữa thì có
cách nào khiến tôi giải quyết các mối giận hờn hiện nay không?
- Anh đã nghiên cứu nhiều về Edgar Cayce
thì chắc hẳn anh cũng biết những lời khuyên của ông. Hãy áp dụng những câu đó
vào cuộc sống hiện nay của anh. Dĩ nhiên hiểu biết thì dễ nhưng hành động lại
là một chuyện khác, do đó anh cần tham thiền suy ngẫm thật kỹ về những lời
khuyên này. Hãy suy ngẫm rằng hiện nay người em của anh đang đóng một vai trò
trong vở kịch mà hắn không hề soạn ra. Vở kịch đó được căn cứ vào định luật
luân hồi, nhân quả và đạo diễn là một đấng tối cao hay một định luật thiêng
liêng của vũ trụ, tùy theo quan niệm mỗi người. Cayce nói rằng bằng cách nương
tựa vào các định luật đó mà tâm thức của chúng ta thay đổi bởi vì đó là chân
lý, là ánh sáng. Nếu tin những định luật này thì chúng ta chấp nhận tất cả những
gì xảy ra cho chúng ta như một bài học tốt để cho ta học hỏi. Vì biết rằng mỗi
món nợ chỉ đòi đúng cái giá mà chúng ta phải trả nên chúng ta không chống cự
hay phản kháng mà chấp nhận rằng có vay ắt có trả. Khi biết chấp nhận, người ta
có thể giải quyết rất nhiều việc.
Này anh bạn, đời người qua mau như bóng
câu qua cửa, tại sao chúng ta cứ làm nô lệ cho dục vọng, sợ hãi quá khứ và chỉ
biết sống cho tương lai, một tương lai mơ hồ không rõ rệt. Phải chăng chúng ta
đã bỏ qua một điểm toàn vẹn và chính yếu là Hiện tại. Hiện tại là tất cả những
gì chúng ta đang có, tất cả những gì chúng ta hiện hữu. Quá khứ chỉ là kỷ niệm,
tương lai chỉ là tưởng tượng. Duy chỉ Thực tại là Hiện tại mà thôi. Hãy biết
cách sống cho ra sống rồi anh sẽ giải quyết được tất cả.
40. Thiền định và khoa học
Richard là một thanh niên ham hoạt động.
Khi còn nhỏ anh đã tập các tư thế Yoga và tham thiền, lúc trưởng thành lại say
mê khoa học, kỹ thuật và làm việc cho một công ty điện tử rất lớn. Anh nói:
- Thưa bà, hình như thời gian gần đây
phong trào tham thiền được phổ biến sâu rộng khắp nơi, mang lại nhiều đổi thay
bất ngờ, nhanh chóng. Tôi đã thấy những nhân viên quản trị lúc nào cũng căng thẳng,
khó chịu nhưng chỉ sau một khóa thiền đã trở nên vui tươi, thoải mái. Tôi muốn
biết tại sao thiền định có thể giúp người ta như vậy? Tôi xem các tài liệu khoa
học chứng minh rằng thiền định có thể làm hạ huyết áp, chữa nhiều bệnh tật,
v.v. Mặc dù đã tham thiền từ nhỏ nhưng tôi vẫn không hiểu chuyện gì thực sự xảy
ra trong lúc người ta thiền?
- Nếu anh muốn giải thích theo cách hoàn
toàn khoa học thì đã có nhiều tài liệu chứng minh rằng tham thiền đem lại sự
quân bình cho cả hai phần phải và trái của khối óc. Trải nghiệm được trạng thái
quân bình này là trải nghiệm được sự duy nhất, bất nhị, toàn vẹn, tràn đầy,
quân bình các mãnh lực âm dương trong cơ thể. Một số tài liệu khoa học đã
nghiên cứu mối tương quan giữa thiền định và sự rung động của bộ não như sau:
Hãy tưởng tượng anh đang làm việc trong công sở, có nhiều vấn đề phải giải quyết
mà không biết phải làm chuyện gì trước. Đầu óc anh bối rối, bực bội rồi điện
thoại reo, anh phải trả lời. Nhìn vào thời khóa biểu, anh biết sẽ có một cuộc họp
quan trọng trong vài phút nữa, anh lo lắng về việc trong sở, việc tại nhà v.v.
Trong tình trạng đó, nếu có một điện não đồ để đo mức độ rung động, làn sóng
trong óc anh thì nó sẽ ghi nhận sự rung động ở mức 22 chu kỳ trong một giây hay
ở mức Beta. Sau khi đi làm, trở về nhà, ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi thoải mái
cho thư giãn thì mức độ rung động ở óc anh sẽ hạ thấp xuống khoảng 10 chu kỳ
trong một giây hay ở mức Alpha. Nếu tham thiền, tập trung tư tưởng vào một hình
ảnh đẹp đẽ như một bông hoa, một câu thần chú, hay quán niệm hơi thở, thể xác
anh ngồi yên bất động, tâm trí lặng yên, không bị những tư tưởng lộn xộn xâm nhập
thì mức độ rung động của các làn sóng trong óc sẽ được ghi nhận khoảng 4 chu kỳ
trong một giây hay ở mức Theta. Nếu là một hành giả đã thiền định nhiều năm, nhập
thiền dễ dàng, mức tập trung hoàn hảo, không còn phân biệt chủ thể hay đối tượng
mà đạt đến trạng thái bất nhị, hòa nhập toàn vẹn thì mức rung của bộ óc sẽ vào
khoảng 2 chu kỳ trong một giây hay ở mức Delta. Khi nhập vào các trạng thái
siêu đẳng của thiền định hay Đại định (Samadhi), toàn thân đắm chìm trong niềm
phúc lạc tuyệt vời, không còn lo lắng, sợ hãi, vượt ra khỏi các hư ảo, bỏ lại đằng
sau các giới hạn vật chất, thì tiến đến mức ra ngoài Delta, ra ngoài tầm mức mà
máy móc kỹ thuật có thể đo lường được. Vì không thể ghi nhận được gì nữa nên
chuyện gì xảy ra trong tình trạng tâm thức siêu đẳng này thì chỉ người đã đạt đến
trạng thái đó mới biết, lúc đó Chân Ngã cảm nhận được chính nó.
- Nhưng phải chăng con người cũng cảm nhận
được Thượng Đế chứ?
- Không đâu, một con người tầm thường không
cảm nhận được Thượng Đế, cái hữu hạn không thể biết được cái vô biên. Chỉ có
người cảm nhận biết được người cảm nhận.
- Phải chăng bà muốn đề cập đến một trạng
thái tôn giáo hay một tín điều nào đó?
- Điều này không phải là một ý kiến hay
quan niệm của một tôn giáo nào. Nhưng điều này vượt ra khỏi thể xác và thể trí,
ngoài ranh giới của bản ngã hữu hạn. Đó là cái kinh nghiệm thần bí mà tất cả mọi
truyền thống tôn giáo đều nói đến. Thánh Bernard đã viết: “Không có niềm vui
nào trên thế giới có thể so sánh được với cái kinh nghiệm khi con người tan biến
như thể người đó không còn là gì nữa”. Thánh Augustine cũng viết rằng: “Sự
chiêm ngưỡng Thượng Đế đưa đến một trạng thái trừu tượng, thanh khiết hoàn toàn
và người ta thấy chính mình là tất cả và như thể mình không còn là ai cả”. Thiền
sư Han Shan đã nói: “Bất thình lình tôi đứng yên lặng, toàn thân tràn đầy một sự
nhận thức rằng tôi không còn là thể xác hay thể trí này nữa. Tất cả những điều
tôi nghiệm được là một cái toàn thể sáng chói, có mặt khắp nơi, hoàn hảo, sáng
ngời và thanh tịnh... Tôi cảm thấy rõ ràng, thông suốt...”. Đạo sư Ramana
Maharshi giải thích rằng chúng ta vốn không có hình tướng và việc tự coi mình
có hình tướng là sự vô minh căn bản và là nguyên nhân cội rễ của mọi khổ đau,
phiền não. Thiền định giúp người ta trở về, ý thức được họ thực sự là gì. Trong
trạng thái tâm thức siêu đẳng, Chân Ngã biết nó là cái gì, biết được và quán
triệt tất cả. Nếu kinh nghiệm này kéo dài một cách lâu bền thì trạng thái đó có
thể gọi là giác ngộ.
- Như vậy Chân Ngã liên hệ với thể Trí
ra sao?
- Chân Ngã là nhân chứng của cái Trí.
- Nhưng nếu Chân Ngã chứng kiến cái Trí
thì tại sao chúng ta lại tham thiền?
- Thiền định giới thiệu chúng ta với
nhân chứng hay nói một cách khác là tháo gỡ các tấm màn vô minh vẫn che mắt
chúng ta từ bao lâu nay để biết mình thực sự là ai.
41. Con đường tâm linh
Brian là một bác sĩ trẻ tuổi, hoạt động,
rất thích các môn thể thao như lặn nước, leo núi, chạy bộ và đã tu tập thiền định
từ nhiều năm nay. Anh nói:
- Thưa bà, nếu chúng ta đã là Chân Ngã,
là Tâm thức vô biên thì tại sao chúng ta phải cực nhọc tu tập mới biết được nó?
Tôi là một bác sĩ, tôi đâu cần phải tự biến đổi chính mình để biết rằng tôi là
một bác sĩ. Tại sao con đường tâm linh lại khác biệt như thế?
- Này anh bạn, sự đạt đến thực hiện Chân
Ngã là một tiến trình hết sức tế nhị. Tiến trình này có thể tạm ví như việc leo
núi. Vì càng lên cao không khí càng loãng nên người leo núi phải trèo từ từ để
phổi và các cơ quan khác có thể thích hợp với sự thay đổi nhiệt độ, áp suất
không khí, v.v. Thường khi bắt đầu leo núi, người ta hay mang theo một ba lô thật
nặng chứa đủ các đồ dùng, dụng cụ, lều chõng, v.v. Những thứ này đã cản trở việc
leo núi cho đến khi họ nhận thức rằng phải bỏ lại những gì không cần thiết thì
mới có thể leo cao được. Trèo núi một lúc, thấy đường gập ghềnh khó leo, họ lại
bỏ thêm một ít và cứ như thế cho đến khi lên đến đỉnh. Con đường tâm linh cũng
như thế, chúng ta phải bỏ tất cả những gì không cần thiết, làm xao lãng việc tiến
đến mục đích của chúng ta. Thoạt đầu là từ bỏ những dư thừa vật chất, các vật sở
hữu không cần thiết, các thói quen như ngủ nhiều, ăn nhiều, nói nhiều, nhất là
các lời nói vô ích. Sau khi kiểm soát được những điều này, chúng ta cần phải biết
từ bỏ các thói quen cẩu thả, bừa bộn về giờ giấc, thu xếp làm sao để không phí
phạm thời gian quý báu vào những việc có thể khiến chúng ta đi lệch khỏi mục
tiêu. Sau đó chúng ta bắt đầu tháo gỡ các tấm màn dày đặc vẫn bao phủ lên tâm
trí chúng ta như các phán đoán, quan niệm, sự ưa thích cái này cái kia… Khi từ
bỏ hành lý này, chúng ta có thể trèo leo dễ dàng, nhẹ nhàng và nhanh nhẹn. Từ
lúc này thấy cần bỏ cái gì thì chúng ta cứ việc xả bỏ, càng bỏ nhiều thì bản chất
thật sự của chúng ta càng biểu lộ rõ rệt hơn.
Khi chúng ta lau hết bụi bặm quanh bóng
đèn thì đèn sẽ chiếu sáng rực. Bụi là hành lý của chúng ta, bóng đèn là trí của
chúng ta và ánh sáng là Chân Ngã. Khi lau sạch bụi nhơ và sự lầm lẫn về cái gì
không phải là chúng ta thì chúng ta thường xuyên sống trong sự trọn vẹn với cái
thực sự là chúng ta.
42. Tám bậc thang của thiền
Gail là bác sĩ tâm lý trị liệu, cô đã áp
dụng nhiều phương pháp phân tâm nhưng thấy việc chữa trị của mình vẫn còn thiếu
sót. Cô tham dự khóa hội thảo về thiền để mong có thể học hỏi được một phương
pháp mới. Cô nói:
- Tôi thấy hầu hết các phương pháp chữa
trị thông thường đều không đạt kết quả khả quan mà chỉ có tính chất tạm thời
xoa dịu những nỗi khổ đau. Dù áp dụng phương pháp nào tôi vẫn có cảm tưởng như
mình chỉ là kẻ làm việc bên lề mà thôi. Thời gian gần đây một số bệnh nhân của
tôi nói về thiền như một phương pháp chữa bệnh mầu nhiệm nên tôi bèn học thiền
xem sao. Tôi học cách tham thiền vào ngọn nến, quán niệm hơi thở, tập trung ý
chí vào các màu sắc, hình ảnh, niệm thần chú chân ngôn nhưng vẫn chưa thấy đầu
mối của thiền hay hiểu rõ sự tác động của nó như thế nào?
- Nói một cách thật giản dị thì thiền định
làm lặng yên cái trí. Tại sao chúng ta cần làm cho cái trí lặng yên? Khi cái
trí yên lặng thì chúng ta mới thực sự biết mình là ai. Khi đầu óc không bị chi
phối bởi các tư tưởng xáo trộn thì chúng ta mới thực sự ý thức được những mầu
nhiệm của sự sống. Theo các bậc thầy phương Đông, chúng ta không phải là thể
xác hay thể trí này mà là một tâm thức thanh khiết vô biên, vượt khỏi giới hạn
của thể xác và thể trí. Chúng ta vốn là sự hiện hữu, và sự hiện hữu này không
tùy thuộc vào thời gian, không gian hay điều kiện gì. Chúng ta thực tập thiền
là để trở về với con người thật sự, để sống mãi trong kinh nghiệm đó. Ý thức được
điều này gọi là “Giác Ngộ” hay “Thực hiện Chân Ngã”. Chúng ta không tham thiền
để “được” một cái gì mà chúng ta không có, mà để biết chúng ta thật sự là ai.
- Nếu vậy tôi phải làm gì? Làm sao tôi
có thể đạt được kinh nghiệm đó?
- Tại sao bệnh nhân của cô lại chuyển
qua tập thiền? Phải chăng họ đã chán ngấy các luồng tư tưởng lao xao, không kiểm
soát được trong trí óc của họ? Phải chăng chính các tư tưởng này đã sai khiến
và chi phối chúng ta, khiến chúng ta luôn luôn bận rộn vào những chuyện gì đâu
đâu mà quên đi thực tại nhiệm mầu? Phải chăng nguyên nhân của việc sử dụng cần
sa, ma túy, trong giới thanh thiếu niên ngày nay cũng chỉ là một cách tạm quên
đi sự chi phối của những luồng tư tưởng xáo trộn này? Phải chăng đa số con người
đều chán ngấy những trò bạo động, thù hận, tranh giành, sợ hãi, lo lắng, bất an
của xã hội văn minh ngày nay? Nhưng tại sao lại như thế? Phải chăng nguyên nhân
sâu xa của điều này chính là sự xa lìa Chân Ngã, là sự mất đi chính mình? Là sự
mất ý thức về mình và về sự sống? Chúng ta giống như cây cối đã bị bứng khỏi
môi trường quen thuộc, bị mất gốc rễ, mất cội nguồn nên đâm ra lo sợ, bất an,
cô đơn, chán nản, đã đồng hóa mình với thể xác hiếu động, thể trí hằng thay đổi,
và để cho cảm xúc, tư tưởng lăng xăng đó lôi kéo?
Chúng ta muốn tự do, muốn bình an, muốn
thoải mái, nhưng cái trí của chúng ta cứ thúc đẩy chúng ta chạy theo sự náo động
của nó nên chúng ta mất tự do, mất bình an vì nghĩ rằng cái trí đó chính là
mình. Phải chăng chúng ta đã nhầm lẫn con ngựa chúng ta cưỡi với chính chúng
ta? Tham thiền là tự quán xét xem mình thực sự là ai rồi từ đó biết sống cho ra
sống. Dĩ nhiên điều này đòi hỏi một sự suy ngẫm sâu xa, một công phu thực tập
lâu dài chứ không phải hời hợt trên những lý thuyết mông lung, không thực tế.
Nói một cách khác, thực tập thiền là công việc của cả một đời chứ không phải chỉ
vẻn vẹn trong một khóa cấp tốc.
- Xin bà chỉ dẫn thêm về nguyên tắc của
thiền mà bà đã học.
- Khoa Raja Yoga dạy rằng có tám bậc
thang hay “Ashtanga Yoga” giúp con người đi từ thấp lên đến tột đỉnh của sự tiến
hóa tâm linh. Hai bậc thang đầu chú trọng đến việc sửa đổi tính tình và phát
triển tâm hồn trong sạch qua phương pháp dưỡng sinh, ngủ nghỉ đều đặn trong một
kỷ luật nhất định. Bậc thứ ba là Hatha Yoga (Tư Thế) hay cách kiểm soát thân thể.
Muốn thiền định cho thâm sâu, thân thể phải hoàn toàn thoải mái để có thể ngồi
yên bất động trong thời gian lâu dài. Tư thế tọa thiền có vững chãi thì mới đem
lại sự thăng bằng cho nội tâm. Bậc thang thứ tư là Pranayama (Khí Công) hay
cách điều hòa hơi thở. Muốn thở thật chậm, thật sâu, thật từ tốn và thật ý thức
thì người ta phải thực hành phương pháp hô hấp này. Bậc thang thứ năm là sự
thâu nhiếp các giác quan vì các giác quan có rút khỏi các mục tiêu cố định của
chúng thì người ta mới có thể kéo dài việc định trí. Bậc thang thứ sáu là sự tập
trung, vì thiếu tập trung thì không thể đi lên giai đoạn thứ bảy. Các sách vở về
Yoga đều nói rằng sáu giai đoạn đầu giống như việc xây nhà phải đắp móng, dựng
nền nhà cho thật vững chắc, xây tường vách cho kiên cố trước khi lợp mái nhà.
Khi đã ngồi yên, tập trung tư tưởng, hoàn toàn làm chủ thân và tâm thì người ta
sẽ bước vào trạng thái “Định” hay bậc thang thứ bảy. Bậc thang thứ tám hay Đại
Định (Samadhi) không thể tập luyện được, nó là cái sức mạnh thiêng liêng dồi
dào trong nội tâm nhờ công phu tu tập đã “nâng” tâm thức người ta lên mức đó.
Nếu sống tại những nơi có sẵn các lớp giảng
dạy về Hatha Yoga, Raja Yoga thì cô nên tham dự các lớp học này. Nếu không, cô
có thể tìm đọc sách vở về Yoga của những đạo sư phương Đông nổi tiếng. Sự hiểu
biết rõ rệt về phương pháp và nguyên tắc sẽ giúp cô đi xa hơn trên con đường tự
biết mình.
- Liệu tôi có thể dạy bệnh nhân của tôi
tập thiền không?
- Được chứ, một khi đã thực hành nhiều
năm, có kinh nghiệm bản thân, cô có thể chỉ dẫn cho người khác được. Khi cô đã
đạt được tâm thức cao cả thì không những nó sẽ biến đổi cô mà còn ảnh hưởng cả
đến các bệnh nhân của cô nữa.
43. Bệnh tật: nguyên nhân và cách điều trị
Yvonne là một nữ điều dưỡng có nhiều năm
kinh nghiệm ở một trung tâm nghiên cứu về bệnh Ung thư. Cô tham dự buổi diễn
thuyết của tôi về phương pháp dưỡng sinh của người phương Đông. Cô nói:
- Thưa bà, trước đây tôi không để ý gì đến
điều này nhưng hiện nay nhờ chứng kiến tận mắt một phép lạ mà tôi hết sức tin
tưởng về phương pháp điều trị và dưỡng sinh của người phương Đông. Cách đây ít
lâu tôi có chăm sóc một bệnh nhân bị chứng ung thư gan, các bác sĩ đều nói rằng
ông ta khó sống qua năm nay. Ông ta bèn khởi sự thiền định, tập trung tư tưởng
vào một trạng thái sức khỏe tốt đẹp hoàn hảo. Ông “quán tưởng” rằng lá gan của
ông hoàn toàn tốt đẹp, không hề bị bệnh gì, và sau một thời gian tự nhiên ông hồi
phục, lá gan của ông trở lại bình thường khiến các bác sĩ đều ngạc nhiên. Một số
kết luận rằng cơ thể của ông thích hợp với các phương pháp điều trị và thuốc
men, nhưng là nữ điều dưỡng nên tôi biết rất rõ tình trạng của bệnh nhân này. Sự
tò mò về nguyên nhân và cách điều trị khiến tôi tìm đọc các sách nói về Tâm
sinh bệnh lý như cuốn “The Stress of Life” của Hans Seyle, “Anatomy of an
Illness” của Norman Cousins, và công cuộc khảo cứu về bệnh Ung thư của bác sĩ
Carl Simonton. Tôi cũng khởi sự tham thiền, và sau một thời gian tôi bắt đầu cảm
nhận sức mạnh tuyệt diệu mà thiền định mang lại cho tôi. Khi trí óc hoàn toàn
an tĩnh thì nó mở lớn ra như một tờ giấy trắng mà tôi có thể viết lên đó bất cứ
cái gì tôi muốn. Tôi nghiệm ra rằng chính tôi có thể góp phần tạo dựng lại số
phận và tình trạng sức khỏe của chính mình. Điều tôi thắc mắc là tôi sẽ ảnh hưởng
thế nào đến số phận của mình hàng ngày, khi làm việc, lúc không thiền định? Phải
chăng mỗi người đều ít nhiều góp phần vào công việc tạo dựng hay hủy hoại sức
khỏe và số phận của họ?
- Đúng thế, tất cả chúng ta đều trực tiếp
ảnh hưởng đến số phận và tình trạng sức khỏe của chúng ta trong cuộc sống hàng
ngày, tùy theo thái độ, quan niệm và cách xử sự của chính chúng ta. Các dòng tư
tưởng tình cờ, không kiểm soát sẽ đem lại các hậu quả ngẫu nhiên và ảnh hưởng đến
chúng ta một cách bất ngờ. Một tâm trí bình an giống như một cánh đồng màu mỡ
không có cỏ dại và một tâm trí xáo động, tràn ngập các tư tưởng sai quấy thì giống
như một cánh đồng mà cỏ dại mọc tràn lan.
- Thưa bà, tôi muốn dạy bệnh nhân cách
tham thiền nhưng không mấy người chịu tập. Tôi kể cho họ nghe chuyện người bệnh
ung thư gan đã tự chữa khỏi bệnh nhưng không mấy ai chịu tin. Tôi đưa những cuốn
sách của Hans Seyle, Norman Cousins và Simonton viết về ảnh hưởng của tâm lý đối
với sinh lý mà chẳng ai chịu đọc. Đa số bệnh nhân cứ than thở, trách móc về số
phận không may của họ. Nếu cứ tiếp tục như thế thì làm sao bệnh trạng có thể
thuyên giảm được.
- Cái đó cũng là sự thường thôi. Thói
thường người ta không tin những điều giản dị mà chỉ quan tâm đến những cái phức
tạp rắc rối mà mình không thể hiểu. Việc sử dụng trí óc như tham thiền, nhập định,
thay đổi chính mình chứ không cần sự trợ giúp bên ngoài thì không mất tiền,
không mất thì giờ, lại bị đa số người Tây phương cho là không có giá trị. Quan
niệm của người Tây phương là cái gì càng đắt, càng quý, càng khó tìm, càng khó
khăn thì càng giá trị. Một phần nữa, đa số được giáo dục rằng phải trông cậy
vào các cơ quan y tế. Các cơ quan này phê chuẩn và hướng dẫn chúng ta trong giới
hạn và kiến thức của họ. Các trường y khoa không hề dạy cho sinh viên về sức mạnh
tâm linh, sức mạnh tư tưởng, hiệu quả của thiền định, ảnh hưởng của tư tưởng đối
với thể xác. Họ cũng phủ nhận các quan niệm y học của người phương Đông như huyệt
đạo, kinh mạch nối liền các thể, các luân xa hay trung tâm năng lực tâm linh, sự
liên hệ giữa sinh lực và các hạch nội tiết hay dịch thể của xác thân, v.v. Có lẽ
vì thế mà các bác sĩ y khoa thường bỏ qua những dữ kiện, bằng chứng không hợp với
tiêu chuẩn hay khuôn mẫu của họ. Có lẽ họ không chấp nhận vì sợ thay đổi, sợ phải
đối mặt với những yếu tố có thể phá vỡ quan niệm cố hữu của họ, sợ các bằng chứng
có thể chọc thủng truyền thống khoa học như vật lý, hóa học, sinh lý học, giáo
dục và cả tôn giáo nữa. Giống như một người muốn lên thang lầu nhưng cứ nắm chặt
lấy lan can mà không chịu buông.
Để tôi kể cho cô nghe thêm một câu chuyện
sau: Có một phụ nữ mắc bệnh suyễn rất nặng đã hơn hai mươi năm. Các bác sĩ phải
dùng Adrenaline và Cortisone để làm dịu cơn bệnh mỗi khi nó bùng phát. Hai loại
thuốc trên rất đắt và phải được điều trị dưới sự kiểm soát của các bác sĩ hàng
tháng vì sợ phản ứng. Một bác sĩ nói rằng suyễn là một căn bệnh không thể chữa
được, y học hiện đại chỉ có thể tạm thời làm dịu cơn bệnh mà thôi. Người phụ nữ
trên đã trả một giá rất đắt cho công cuộc điều trị suốt mấy chục năm cho đến
khi qua Ấn Độ trả 2 rupees cho một bác sĩ chữa theo phương pháp Ayruveda, một
ngành y học cổ truyền đã có lịch sử hơn 5.000 năm. Phương pháp này chủ trương
điều trị toàn thể con người chứ không giới hạn việc chữa trị vào một trạng
thái. Chỉ hai hôm sau, bệnh suyễn đã dứt hẳn và không bao giờ tái diễn nữa. Bệnh
nhân trở về Hoa Kỳ, kể cho các bác sĩ tại đây nghe thì các ông này đều cười và
nói rằng họ không thể làm gì khác được, điều này hoàn toàn nằm ngoài giới hạn
hiểu biết của họ. Đây là một câu chuyện có thật vì đó là trường hợp của chính
tôi. Một người bạn rất thân của tôi, giám đốc một nhà xuất bản lớn cũng gặp trường
hợp tương tự: Các bác sĩ đã bảo Jane rằng nếu không chịu giải phẫu não để cắt
đi cái bướu trong sọ thì bà không thể sống quá ba tháng. Jane không muốn bị giải
phẫu, bà tham thiền và niệm một bài chú thiêng để chữa bệnh trong suốt 21 ngày.
Sau đó bà đi chụp X-quang thì thấy cái bướu đó đã xẹp hẳn xuống và theo thời
gian thì mất hẳn, mặc dù có bằng chứng hiển nhiên rõ ràng như vậy nhưng các bác
sĩ nhất định không tin phương pháp mà họ gọi là “vô lý” này. Họ gạt bỏ tất cả mọi
dữ kiện không phù hợp với giới hạn tham khảo của họ và kết luận rằng nạn nhân
chỉ gặp “may mắn” mà thôi.
Mặc dù thế, đến nay đã có bao nhà thông
thái chuyên môn nhìn nhận rằng: “con người vốn có khả năng tự chữa bệnh cho
chính họ” vì nguyên nhân và phương pháp điều trị đều nằm tại chính con người.
Chẳng hạn, giáo sư Troskin, giám đốc trung tâm nghiên cứu về bệnh Ung thư của
Nga đã chứng minh rằng lượng tế bào bạch huyết bị suy giảm khi bệnh nhân ung
thư bi quan, tiêu cực hay phát ra những lời nói có tính cách giận dữ. Ngược lại,
lượng bạch huyết gia tăng lên nhiều khi người ta có thái độ tích cực, thoải
mái, chấp nhận. Bác sĩ Douglas Stevenson, giám đốc nghiên cứu về bệnh Ung thư của
Anh cũng kết luận: “Điều mỉa mai nhất là cả nguyên nhân gây bệnh lẫn cách điều
trị đều có trong chính con người”.
Một điều mỉa mai nữa là việc nghiên cứu
về nguyên nhân và phương pháp chữa bệnh này rất giản dị, không đòi hỏi tiền bạc
gì cả; trong khi phần đông các nhà chuyên môn cho rằng muốn tìm ra phương pháp
chữa bệnh thì phải tốn kém hàng tỷ đô la với biết bao công trình thí nghiệm.
- Xin cám ơn bà đã chỉ dẫn một cách rõ
ràng như vậy. Tôi hoàn toàn đồng ý về nhận xét của bà nhưng liệu có cách nào để
tôi trình bày hay thuyết phục những bệnh nhân của tôi như vậy không?
- Cô có thể giải thích cho họ rằng mọi
việc xảy ra trong vũ trụ đều có những nguyên nhân, không có gì có thể gọi là
tình cờ ngẫu nhiên được. Tất cả những nguyên nhân đều bắt đầu từ bên trong mà
ra chứ không bao giờ có việc gì xảy ra từ bên ngoài vào. Chỉ có con chó vẫy
đuôi chứ không thể có cái đuôi vẫy con chó được, do đó muốn biết nguyên nhân
người ta phải quay vào bên trong và chỉ có như thế người ta mới tìm được phương
pháp điều trị thích hợp.
44. Kinh nghiệm tâm linh
Joe là một mục sư lớn tuổi đã thực hành
thiền định trong nhiều năm. Ông nói:
- Thưa bà, cách đây tám năm tôi đã có một
kinh nghiệm tâm linh thật tuyệt vời. Hôm đó đang tĩnh tâm cầu nguyện trong
thánh đường xây bên cạnh bờ biển, qua cửa sổ tôi nhìn thấy biển cả bao la và nghe
thấy tiếng sóng biển vỗ vào bờ. Bất chợt mọi tư tưởng của tôi ngưng lại, một luồng
ánh sáng tinh khiết bỗng bao trùm lên tất cả mọi vật, tôi thấy mình lặn ngụp
trong một trạng thái xuất thần, bình an và thiêng liêng.
Trong giây phút đó đầu óc tôi bỗng thông
suốt và lần đầu tiên tôi ý thức được “Jesus” là gì. Từ đó đến nay ngày nào tôi
cũng cố gắng ngồi tĩnh tâm và cầu nguyện như vậy, nhưng kinh nghiệm tuyệt vời
đó không trở lại. Tôi không hiểu tại sao nó không đến nữa mặc dù tôi đã cố gắng
rất nhiều?
- Thưa ông, nó không trở lại vì ông cố gắng
nhiều quá. Trong khi tĩnh tâm ông đã nghĩ gì?
- Tôi nghĩ đến Thượng Đế, đến Đấng Cứu
Thế, đến luồng ánh sáng tuyệt vời, đến cảm giác thoải mái khi được hòa nhập với
nó, tôi mong muốn nó biết bao.
- Chính sự mong ước của ông đã ngăn chặn
kinh nghiệm đó đến với ông. Bất cứ một sự mong mỏi nào cũng tạo ra yếu tố hiếu
động mà thuật ngữ Yoga gọi là Rajas. Chính yếu tố này đã ngăn chặn kinh nghiệm
tâm linh của ông.
- Nhưng nếu vậy thì tại sao lúc đầu luồng
ánh sáng đó lại đến với tôi?
- Lần đầu tiên ông đâu có biết, ông đâu
có ngờ, trí óc ông đang yên lặng, ông đang tĩnh tâm, mở rộng tâm hồn để cầu
nguyện và rồi kinh nghiệm đó đến với ông.
- Xin bà giải thích thêm về các yếu tố
này.
- Các sách vở về Yoga nói rằng có ba
mãnh lực hay yếu tố (Gunas) điều khiển và chi phối đời sống chúng ta. Nó là
“Tamas” hay Thụ động, “Rajas” hay Hiếu động và “Sattwa” hay Quân bình. Khi yếu
tố Tamas chiếm ưu thế, chúng ta đâm ra lười biếng, chỉ muốn ngủ, không muốn làm
gì hết, đây là yếu tố khiến chúng ta không muốn rời khỏi giường vào buổi sáng.
Khi Rajas chiếm ưu thế, chúng ta chỉ muốn làm hết việc này đến việc khác, toàn
thân cứ náo động như bị một cái gì thúc đẩy. Chẳng hạn khi tham thiền, chúng ta
ngồi im được một lúc thì tự nhiên trong tâm chúng ta nảy sinh một ý nghĩ: “Đứng
dậy đi, như thế đủ rồi”, đó chính là mãnh lực của yếu tố Rajas đang thúc giục
chúng ta. Khi Sattwa chiếm ưu thế thì chúng ta thấy thoải mái, bình an và dễ
dàng thiền định. Trong thiên nhiên, mãnh lực Sattwa mạnh nhất vào khoảng một giờ
trước khi mặt trời mọc và lặn. Nếu biết thu xếp thời giờ để tĩnh tâm thiền định
vào lúc đó thì cái sức mạnh của vũ trụ, của thiên nhiên sẽ trợ giúp chúng ta
nhiều hơn. Đó cũng là lý do các thiền giả thường tham thiền vào lúc buổi sớm.
- Nhưng tôi muốn biết việc ao ước hay
mong mỏi kinh nghiệm đó đến với tôi thì có điều gì sai quấy không ?
- Theo ý kiến của tôi thì nó không có gì
sai quấy nhưng chỉ không ích lợi thôi. Mong cầu bất cứ một điều gì thì đều làm
gia tăng mãnh lực của Rajas và làm hư hoại mục đích chính của chúng ta.
- Nhưng khi đã kinh nghiệm được một điều
gì thì nó cứ thúc đẩy người ta thèm muốn thêm nữa. Ngoài ra tôi vẫn thắc mắc tại
sao kinh nghiệm đó lại đến với tôi?
- Đôi khi kinh nghiệm đó đến với chúng
ta để giúp cho ta có thêm lòng tin ở công việc đang làm.
- Vậy tôi phải hành động như thế nào?
- Ông không nên coi trọng nó quá, hãy
coi nó như một kinh nghiệm thông thường, như diễn tiến của một hiện tượng phù
du, cái gì không còn mãi thì không có thật. Mục đích của kinh nghiệm trên là một
bài học cho ông về thực tại, và thực tại chỉ ở nơi người ban tặng phẩm chứ
không phải tặng phẩm.
- Xin bà giải thích rõ hơn nữa, trong
tương lai tôi phải nghĩ gì, làm gì trong giờ phút tĩnh tâm?
- Hãy để cho cái trí lặng yên, đừng mong
cầu, ao ước, đừng hồi tưởng những gì đã qua, đừng tìm kiếm điều gì chưa đến,
hãy mở rộng cõi lòng cho tình thương của Jesus đến với ông. Thông qua đó, ông
có thể kinh nghiệm được điều Ngài muốn nói: “Hãy lặng yên và biết rằng ta là
Thượng Đế”.
45. Thượng Đế: tự do vô biên
Alan là một kỹ sư ngoài năm mươi tuổi.
Tuy là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành nhưng ông lại thích tham thiền
theo phương pháp thiền định của Nhật. Suốt hai mươi năm nay, ngày nào ông cũng
dậy sớm tham thiền hơn một giờ, theo ông thì đó là phần thưởng quý giá nhất
trong ngày. Ông nói:
- Thưa bà, khi tham thiền tôi cảm thấy hết
sức thoải mái, tôi không có cảm giác tù túng, ngột ngạt như xưa. Tự do là điều
tôi vẫn mong muốn từ lâu, khi còn trẻ tôi đã tìm kiếm nó khắp nơi. Tôi đã từng
chống lại các chủ thuyết hay giáo điều vì nghĩ rằng chúng giam hãm con người,
tôi không thích các thành kiến hay định chế vì chúng giới hạn tư tưởng con người.
Cứ như thế, tôi chống đối và bất mãn suốt thời thanh xuân. Khi bước vào tuổi
trung niên thì tôi nhận thức rằng tự do thực sự là ở trong tôi chứ không phải
hoàn cảnh bên ngoài. Cách đây mấy tuần, tôi kể cho linh mục hướng dẫn về các cảm
giác tự do nội tại mà tôi tìm thấy khi tham thiền thì vị này nói rằng tôi đã đi
trật đường rồi vì đi tìm tự do là một ảo vọng ích kỷ, thay vì tìm tự do tôi phải
tìm Thượng Đế mới đúng. Theo tôi thì tự do chính là Thượng Đế nhưng vị linh mục
không chấp nhận việc này. Ý kiến của bà ra sao?
- Nhiều năm trước, tôi tập lái máy bay tại
một phi trường nhỏ gần Chicago. Khi thực tập với huấn luyện viên, tôi không có
cảm giác gì cả cho đến lúc thực sự bay một mình. Đó là một ngày đẹp trời, gió lặng,
nắng chói chang... Tôi kéo cần lái và chiếc phi cơ vọt thẳng lên trời. Tôi nghĩ
thầm: “Thật tuyệt vời, tự do đây rồi, tự do đây rồi”. Trước mặt tôi, chung
quanh tôi, phía dưới tôi là không gian vô tận và tôi cứ thế vùng vẫy ngụp lặn
trong cảm giác tự do kỳ diệu đó. Khi đáp xuống đất, huấn luyện viên xông đến mắng
cho tôi một trận thậm tệ vì chưa vững tay lái đã ham biểu diễn. Chiếu theo luật
thì tôi đã vi phạm những điều tối kỵ nhất của một phi công và dĩ nhiên tôi bị cảnh
cáo nặng nề.
Chiều hôm đó, khi lái xe trên xa lộ ở
Chicago, tôi đã thốt lên những câu nói khiếm nhã khi một kẻ lái xe khác chèn ép
xe tôi để vượt lên trên. Về sau tôi tự hỏi cái cảm giác tự do đâu rồi? Tại sao
lúc thì tôi thấy tự do, lúc lại không? Nếu người ta thực sự tự do thì phải có một
cách gì để giữ nó bất cứ trong lúc nào, hoàn cảnh nào chứ.
Mười hai năm sau, khi được điểm đạo vào
thế giới tâm linh, tôi ngồi yên lặng tham thiền bên dòng nước sông Hằng. Hôm ấy
tâm tôi thật an tĩnh, không có một tư tưởng nào xâm chiếm thì bất chợt tâm thức
tôi bỗng như bay vụt lên không. Tôi có cảm giác như mình đang tan biến vào một
cái gì uyên nguyên rỗng lặng. Trước mắt tôi, chung quanh tôi, dưới chân tôi là
một khoảng không gian vô tận, vô biên nhưng thay vì phóng vào nó, vùng vẫy
trong đó thì tôi thấy mình hòa thành nó, tan biến trong nó. Cái cảm giác này
khác hẳn lúc trên máy bay khi trước, khi tôi là chủ thể và sự tự do là đối tượng.
Lần này tôi và sự tự do tuyệt đối là một, không còn chủ thể hay đối tượng,
không còn không gian hay thời gian. Đây là sự tự do vượt ngoài sự tưởng tượng,
ngoài tầm phán đoán của trí óc, một kinh nghiệm không thể diễn tả đã đem lại
cho tôi một sự bình an và làm thay đổi hẳn cuộc đời của tôi. Theo kinh nghiệm
riêng của tôi thì Thượng Đế chính là sự tự do vô biên và sự tự do vô biên chính
là Thượng Đế.
46. Tìm một hướng đi
Kevin là một thanh niên trẻ tuổi, có
khuôn mặt sáng sủa, thông minh. Anh có vẻ bối rối ngập ngừng khi bắt đầu nói
nhưng sau một hồi anh lấy lại bình tĩnh và tâm sự:
- Thưa bà, tôi đã tham dự nhiều khóa hội
thảo về tâm linh, đã theo học với nhiều đạo sư, nhiều truyền thống tôn giáo, đã
tu thiền theo phương pháp của Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa nhưng tôi vẫn không biết
mình thích hợp với phương pháp nào hay thuộc về đâu? Tôi không biết con đường
tâm linh nào mới thật đúng cho tôi?
- Muốn tìm một con đường thích hợp, trước
hết anh phải biết tại sao anh tìm nó? Tại sao anh cần một con đường?
- Tôi muốn tìm một con đường thật đúng đắn
để theo đuổi vì cuộc đời không chỉ giản dị với những thú vui tầm thường như ăn
uống, ngủ nghỉ hay làm tình. Hiện nay tôi không cảm thấy thoải mái với cuộc sống
máy móc, đầy tiện nghi vật chất mà thiếu phần tâm linh này.
- Chuyển từ các hành vi máy móc, thụ động
qua những hành động ý thức, chủ động là mục tiêu chính của các truyền thống tâm
linh.
- Truyền thống tâm linh thì rất nhiều,
các đạo sư cũng rất đông, nhưng trong cái rừng hỗn tạp đó làm sao tôi tìm được
con đường tốt nhất, đúng đắn nhất?
- Các con đường không cạnh tranh với
nhau như xe hơi chạy trên xa lộ. Không con đường nào hơn con đường nào và tốt
hơn hết mỗi người nên tự chọn một con đường tâm linh thích hợp với bản chất của
mình. Nói đúng hơn thì trước khi chúng ta lựa chọn một con đường thì con đường
đã lựa chọn chúng ta rồi.
- Vậy ư? Tại sao như vậy?
- Nếu anh biết một định luật căn bản của
phương Đông là “Đồng thanh tương ứng” thì anh sẽ hiểu rằng tùy mục đích mà người
đi sẽ bị thu hút, lôi cuốn vào một con đường thích hợp với sự mong cầu, ao ước
của họ. Nếu họ muốn chân lý một cách hời hợt trên đầu môi chót lưỡi thì họ sẽ gặp
những con đường chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài. Nếu họ mong đợi một phép
lạ nào đó thì họ sẽ gặp những con đường hứa hẹn đem lại những điều họ mong cầu,
miễn là họ phải trả một giá nào đó. Tuy nhiên những con đường đúng đắn thì
không hứa hẹn hay quảng cáo, và chỉ những người thật tâm hướng thượng thì mới
tìm đến với những con đường này.
Tiềm ẩn nơi mỗi người trong chúng ta là
một bản chất có ưu thế trội hẳn về một phương diện nào đó như sùng tín, lý luận
hay trực giác. Người Ấn Độ có câu thành ngữ: “Nếu bạn thích ăn đường cát (tượng
trưng cho chân lý tuyệt đối) thì bạn muốn nếm nó (taste) hay trở thành nó
(become)?”. Tùy theo câu trả lời mà người ta lựa chọn con đường tâm linh để đi
theo: ý muốn được nếm vị ngọt của đường là cái ý thức thương yêu, thờ phụng một
chân lý tuyệt đối, hay nói một cách khác đó là con đường Sùng tín (Bhakti
Yoga). Trên con đường này người ta quy phục chân lý tuyệt đối dưới hình thức một
Thượng Đế cá nhân như Krishna, Shiva, Buddha, Allah, Jesus hay Ram, v.v.
Ý muốn trở thành vị ngọt, hòa nhập mình
với chân lý tuyệt đối là sự tìm tòi, hiểu biết để chấm dứt các đau khổ qua việc
thực hiện chân ngã hay con đường Hiểu biết (Jhanna Yoga). Ngoài ra còn một con
đường thứ ba, con đường Lý luận (Raja Yoga) sử dụng trí tuệ để tìm đến chân lý.
Mục đích của cả ba con đường đều giống
nhau nhưng phương pháp hay sự khác biệt giữa những con đường này ở chỗ người ta
chú trọng đến phần nào trong thân thể để tập luyện mà thôi. Con đường Sùng Tín
hay Bhakti Yoga đòi hỏi việc thanh lọc trái tim để phát triển tình thương rộng
lớn. Con đường Lý luận hay Raja Yoga đòi hỏi việc thanh lọc bộ óc để phát triển
trí tuệ. Con đường Hiểu biết hay Jhanna Yoga đòi hỏi việc phát triển khả năng
trực giác để phân biệt.
- Như vậy Phật giáo thích hợp với con đường
nào?
- Đức Phật phủ nhận các hình tướng bên
ngoài mà đề cao sự khám phá bên trong cho đến lúc người tìm đạo nhận thức rằng
mọi hình tướng vốn không có thực.
- Như vậy sự khác biệt giữa Phật giáo và
Ấn giáo ra sao?
- Các tín đồ đạo Phật không tin có một
Chân Ngã tuyệt đối ở đằng sau mọi vật, giáo lý của đạo Phật là “Vô Ngã”. Kinh Vệ
Đà nói rằng hình thể vốn không có thực chất nhưng vẫn có tâm thức, bỏ tâm thức
khỏi bất cứ cái gì thì sẽ không có gì cả bởi vì nếu không có tâm thức thì không
có gì hiện hữu. Nói một cách khác Ấn giáo chủ trương “Hữu Ngã”. Chân Ngã hay
tâm thức, sự hiện hữu và ân huệ là trái tim và trung tâm của mọi vật. Kinh nghiệm
được điều này là mục đích của Jhanna Yoga.
- Kinh Vệ Đà hay Jhanna Yoga có liên
quan gì đến sự sùng tín không?
- Tất cả mọi mục tiêu đều liên quan đến
lòng sùng tín. Người theo Bhakti Yoga sùng kính một đấng Thượng Đế cao cả hữu
ngã, người theo Jhanna Yoga sùng kính đức Brahaman, Chân Ngã vô ngã hay Atma
Bhakti. Phật giáo sùng kính mục tiêu giải thoát khỏi vô minh hay cái ảo ảnh cho
rằng mọi hình tướng vốn có thật. Phật giáo Tây Tạng sùng kính các vị thần linh
nam và nữ để tập nhiễm các đức hạnh như Từ bi, Bác ái, Can đảm, Điều hòa, Mỹ lệ,
An lạc mà các vị này tượng trưng.
- Thưa bà, chúng ta đã nói rất nhiều về
lý thuyết nhưng tôi vẫn chưa biết cách chọn một con đường thích hợp cho riêng
tôi. Liệu tôi thích hợp với con đường Sùng tín, Lý luận hay Trực giác?
- Trước đây tôi có soạn một vài câu hỏi
để giúp các học trò của tôi, những câu hỏi này có thể giúp anh phần nào. Anh có
khó chịu với sự ganh ghét, đố kỵ hay không?
- Dĩ nhiên, tôi rất ghét tính này và
không muốn thấy tôi ganh tị với bất cứ ai.
- Anh làm sao để trừ bỏ tính xấu đó?
- Tôi đã nhủ thầm: “Tính ganh ghét chỉ
là một trò trẻ con, tôi không thể thay đổi được người khác hay bắt người khác
phải tuân theo ý mình được, tôi chỉ có thể thay đổi chính mình mà thôi”.
- Như vậy sự ganh ghét đó có chấm dứt
không?
- Dĩ nhiên nó không chấm dứt ngay nhưng
tôi đã cố gắng không chú ý gì đến người khác mà chỉ nghĩ đến mình, đến những việc
tôi làm, những thành quả mà tôi đạt được hay những việc được người chung quanh
tán thưởng thì sự so sánh hay ganh tỵ với người khác giảm đi rất nhiều.
- Anh đối phó với sự sợ hãi ra sao?
- Có lần tôi đi cắm trại trong rừng tại
Montana, người bạn đồng hành cho biết có nhiều thú dữ đang luẩn quẩn kiếm mồi
quanh đó khiến ai cũng sợ hãi nhưng tôi tự nhủ: “Cứ yên tâm đi, sợ hãi không có
ích lợi gì” và một hồi sau tôi thấy thoải mái, không sợ hãi nữa.
- Nếu như vậy thì có lẽ anh thích hợp với
con đường lý luận hay Raja Yoga. Một người có óc sùng tín có lẽ đã cầu nguyện
Thượng Đế phù hộ, giúp họ loại bỏ niềm sợ hãi để được bình an. Một người phát
triển khả năng trực giác của Jhanna Yoga sẽ sử dụng óc phân biệt để quán xét rằng:
“Đó chỉ là một cảm xúc, và tôi không phải là cảm xúc đó, tôi là Chân Ngã chói
sáng thấm nhuần tất cả...”.
- Nhưng nếu họ nhìn thấy một con gấu
hung dữ thì sao?
- Người theo Jhanna Yoga cảm thấy sự hiện
diện không hình, không tướng, không danh tánh ở khắp mọi nơi. Họ sẽ nghĩ rằng
con gấu đó chỉ là một phần của Chân Ngã và thái độ này giúp họ làm chủ được
chính mình, không có sự gây hấn, sợ hãi với các tạo vật khác dù đó là người hay
cầm thú. Dĩ nhiên đó chỉ là cách họ kiểm soát tâm và thân để đối phó với sự sợ
hãi mà thôi, còn thái độ phản ứng trước con thú dữ còn tùy thuộc vào các yếu tố
khác nữa.
- Người theo con đường Raja Yoga phản ứng
ra sao?
- Người theo con đường lý luận biết rằng
mọi lời nói, ý nghĩ đều mang lại những cảm xúc tương ứng. Khi không muốn sợ
hãi, họ thay đổi tư tưởng hay chuyển tâm bằng các thái độ trái ngược. Họ nhủ thầm:
“Hãy can đảm, hãy can đảm”, hoặc đọc những câu thần chú có công hiệu nhiếp tâm
như “Om”. Những câu nói này sẽ thức động nội tâm để người ta có thể đối phó một
cách sáng suốt với hoàn cảnh. Tùy con đường anh chọn, anh sẽ tìm được các lời dạy
bảo chi tiết và kỹ lưỡng, các bí quyết từng bước một, để vượt qua các chướng ngại.
- Nếu mục tiêu lâu dài của tôi là thực
hiện Chân Ngã - ví như một cuộc chạy đua 10 dặm, thì mục tiêu ngắn hạn của tôi
- ví như một cuộc chạy đua ngắn khoảng 2 dặm, sẽ ra sao?
- Hãy luôn luôn tưởng nhớ đến Chân Ngã
hay Thượng Đế, vun bồi các đức hạnh và tinh thần hóa cuộc đời của anh.
- Nếu thành công, phần thưởng tinh thần
của tôi là gì?
- Cái phần thưởng tối hậu cho tất cả mọi
con đường đều giống nhau. Thoạt đầu chúng có vẻ cách biệt hay khác nhau trên
phương diện thực hành, nhưng mục đích thì hoàn toàn không khác gì nhau. Đôi khi
người ta gọi nó bằng các danh từ khác nhau nhưng khi thực hiện được Chân Ngã
thì các danh từ đều trở thành vô nghĩa. Trong Bhakti Yoga, phần thưởng lớn nhất
là sự hòa hợp với Thượng Đế. Đối với Jhanna Yoga thì phần thưởng là việc thoát
khỏi các trói buộc của vô minh, thoát khỏi khổ đau để trở thành một với cái thực
tại vô biên. Đối với truyền thống Phật giáo, phần thưởng lớn nhất là giác ngộ,
đạt được tâm thức bồ đề, phá tan các ảo ảnh của vô minh, thoát khỏi luân hồi
sinh tử. Một câu cầu nguyện đọc trước các bữa ăn tại Ấn Độ có thể giúp cho ta
hiểu được phần thưởng của tinh thần này: “Thực phẩm là Brahman, người ăn là
Brahman, diễn trình khi ăn cũng là Brahman”.
Cũng như thế, người chạy đua, mặt đất dưới
chân và cuộc đua đều là Chân Ngã. Cái phần thưởng vĩ đại nhất là sự cảm nhận rằng
Chân Ngã đã trở thành chủ thể đối tượng và không có gì hiện hữu ngoại trừ Chân
Ngã. Khi không còn thấy mình, thấy người, thấy thế giới mà chỉ thấy tất cả đều
là một thì người ta sẽ hiểu được rõ rệt cái phần thưởng tối thượng này. Nói một
cách khác là làm sao đạt được cái mà Phật giáo gọi là “Tâm vô phân biệt”.
47. Người giác ngộ
Tatiana là một giáo sư dạy sinh ngữ ở
Washington, cách đây mấy năm cô tham dự một lớp huấn luyện Yoga và say mê triết
lý phương Đông từ đó. Cô thắc mắc:
- Thưa bà, tôi rất thích đọc sách vở về
tâm linh và nhất quyết đi theo con đường này nhưng tôi thấy việc giác ngộ sao
khó quá. Có biết bao điều phải làm và phải tránh, biết bao giới luật phải giữ
và biết bao công phu phải hành. Tôi đã nghĩ ra một lối tắt nhanh hơn, không biết
con đường này có đúng không? Để tôi kể cho bà nghe về phương pháp mà tôi đã tìm
ra từ khi còn nhỏ.
Lúc bé tôi là một đứa trẻ yếu đuối, thân
thể gầy còm, chậm phát triển, tính tình nhút nhát, vụng về, ăn nói ấp úng, không
bao giờ dám ngửng mặt nhìn ai. Trong khi đó, anh tôi là một người to lớn, khỏe
mạnh, đầy tự tin, bạo dạn. Cha mẹ tôi rất buồn bực về sự khác biệt này và thường
mắng nhiếc chê bai tôi không bằng một góc của anh tôi. Khi lên tám tuổi, tôi bất
mãn và nhất quyết thay đổi bằng cách quan sát kỹ lưỡng các cử chỉ, hành động của
anh tôi và theo đó mà hành động: Tôi cố gắng ngửng mặt lên cao, đi đứng mạnh dạn,
ăn nói thật lớn và rõ ràng, đôi khi nói như hét, như ra lệnh. Điều bất ngờ là
chỉ trong vòng vài tháng, thân thể của tôi bỗng thay đổi hẳn, từ một đứa bé yếu
đuối tôi bỗng lột xác trở nên bạo dạn nhất xóm. Từ đó đến nay tôi trở nên một
người khỏe mạnh, tháo vát, đầy tự tin. Tôi nghĩ rằng con đường tâm linh chắc
cũng như thế thôi, nếu tôi tập đi đứng, ăn nói, có các cử chỉ oai nghi như các
bậc đạo sư đã giác ngộ và cứ thế tập dần dần thì có thể tôi cũng giác ngộ được
như các ngài. Bà đã tiếp xúc và học đạo với các bậc đạo sư minh triết, liệu bà
có thể nói cho tôi biết hình dáng, cử chỉ các ngài ra sao không?
- Này chị, một người đã giác ngộ không
giống như một người có lòng tự tin đâu. Người đã thực sự giác ngộ không có dấu
hiệu gì khác thường cả. Không những thế, hai người đã giác ngộ lại có thể hành
động hoàn toàn không giống nhau. Đôi khi đức hạnh và cách xử thế của những người
này lại dường như bí hiểm, không ai có thể biết được họ sẽ làm gì hay không làm
gì. Tại sao như vậy? Vì họ đã vượt ra khỏi các giới hạn tầm thường của bản ngã,
họ đã trọn vẹn phục tùng Thượng Đế. Họ không còn là nô lệ của các thói quen
thông thường hay các lý lẽ phổ thông. Họ cũng không bị giới hạn bởi các ước lệ
của xã hội hay các kinh điển, giáo điều. Vì họ đã hòa nhập được vào một quyền lực
cao cả, do đó cách cư xử và hành động của họ cũng tùy theo cách thức mà quyền lực
cao cả kia hoạt động. Người ta không thể phán đoán hay nhận xét những người đó
bằng quan niệm thế tục vì đôi khi hành động của họ lại giống như một người khờ
dại hoặc điên khùng. Tuy thế, tất cả những hành vi của họ không bao giờ có tính
chất ích kỷ hay trái với luật nhân quả. Cuốn “The Gospel of Ski Ramakrishna” có
nhắc lại một câu nói của vị này, rằng: “Khi một người đã đạt đến sự hiểu biết của
đấng toàn năng Brahman thì họ có thể hành động như một đứa bé lên năm, một người
khùng hay một kẻ trơ lì bất động”. Ram Das, một hiền triết xứ Ấn viết trong cuốn
“God Experience” rằng dấu hiệu đặc biệt và duy nhất của những người đã chứng đắc
là họ có một sức hấp dẫn mãnh liệt, có thể thu hút mọi người như đá nam châm
hút sắt. Ngoài ra, tính tình hay cử chỉ của họ ra sao thì có lẽ chỉ có họ biết
rõ mà thôi. Sở dĩ họ không còn lo lắng, sợ hãi hay lệ thuộc vào các giới hạn
thông thường là vì họ biết rằng họ không phải là cái thể xác này, mà là một
tinh thần bất tử. Các cảm giác về tội lỗi không còn ở trong họ nữa vì trong tâm
khảm của họ đã dứt tuyệt các ý niệm về tội lỗi, tốt xấu, phải quấy, thiện ác
hay sống chết. Trong cuốn “Self Knowlegde”, hiền triết Adi Shancharachya viết rằng:
“Ân phước của người đã giải thoát thì bất biến, dù đôi khi kẻ khác thấy các
ngài hành động không giống như một người bình thường, vì các ngài không sống
trong dĩ vãng, không nghĩ đến tương lai mà chỉ thản nhiên trong hiện tại”. Dù
các ngài sống trong xã hội như chúng ta nhưng các ngài không hề bị dao động bởi
những sự kiện chung quanh. Dù bị ngược đãi bởi kẻ xấu hay được thờ phụng bởi kẻ
lành, các ngài vẫn thản nhiên không bối rối vì các ngài đã vượt qua quan niệm
thiện ác, thị phi, đã dứt tuyệt được cảm giác về bản ngã. Dĩ nhiên không bao giờ
các ngài làm điều gì bất lợi hay không tốt lành đối với người khác. Các ngài
không có cái dấu hiệu thánh thiện bề ngoài, cũng không có các ham muốn thông
thường. Dù không giàu có các ngài vẫn an vui, dù sở hữu của cải thật nhiều, các
ngài vẫn không lạm dụng chúng. Các ngài không để cho các giác quan bị đắm nhiễm
vào các sự vật nhưng cũng không để giác quan tách ra khỏi các sự vật mà chỉ
nhìn ngắm mọi sự vật một cách thản nhiên. Nói một cách khác, chỉ như khán giả
xem hát, không quan tâm chi hết.
- Nhưng liệu bà có thể nói qua về hình ảnh
các đạo sư mà bà đã gặp không?
- Các vị đạo sư mà tôi đã gặp đều khác
nhau về diện mạo, tính tình, cử chỉ cũng như mọi người trong chúng ta vậy. Có vị
hình dáng hết sức dữ tợn, ăn nói bộc trực, thẳng thắn, dường như không xót
thương ai hết nhưng đó chỉ là một hình thức nhằm loại bỏ những kẻ ỷ lại bám vào
ông ta. Bề ngoài thì như cọp dữ mà thật ra trong lòng ông lại hiền như chim bồ
câu. Một vị khác có bề ngoài đạo mạo, hiền hòa nhưng bên trong lại hết sức dữ tợn,
nghiêm khắc. Cả hai vị này đều có những quyền năng xuất chúng mặc dù rất ít khi
nào các ngài sử dụng quyền năng ấy. Cả hai đều phủ nhận mọi danh hiệu mà người
ta xưng tụng và không bao giờ tự nhận rằng mình có một cái gì siêu phàm khác
người hay đã chứng đắc một điều gì. Tuy nhiên khi đã sống với các ngài một thời
gian thì tôi lại thấy cả hai giống nhau như khuôn đúc. Nói tóm lại, trên đường
tâm linh người ta không thể “Tự kỷ ám thị” hay đánh lừa mình bằng các cử chỉ
bên ngoài vì bộ áo không bao giờ làm nên thầy tu. Theo ý tôi thì thật khó lòng
có thể bắt chước cách xử sự bên ngoài mà đạt đến trạng thái bên trong nội tâm
được.
- Như vậy tôi phải làm thế nào?
- Để tôi kể cho cô nghe một câu chuyện
ngắn như sau: Một đệ tử người phương Tây đã nói với đạo sư Nisargadatta rằng dù
nhận được các lời khen ngợi, khuyến khích của ngài nhưng bà vẫn cảm thấy mình
không xứng đáng. Bà hỏi: “Thưa ngài, tôi phải làm gì đây? Tôi không thấy mình
có những đức tính như ngài đã khen tôi, có thể ngài đúng và tôi sai nhưng làm
cách nào để tôi có thể nhận thức rõ rệt về mình được?”. Đạo sư Sri Nisargadatta
đáp: “Nếu một ông hoàng nghĩ rằng mình chỉ là một kẻ ăn xin thì ông ta có thể
được khuyên rằng ông ta phải cư xử như một ông hoàng rồi xem mọi người phản ứng
ra sao”. Điều này cũng có thể áp dụng đối với trường hợp của cô. Cô hãy hành động
như thể cô là sự thức tỉnh, tinh khiết, sự an lạc vô biên, cô không phải là thể
xác này, cũng không phải là thể trí mà là một cái gì không giới hạn, vượt ngoài
thời gian, không gian. Cô hãy sống với nó, nghĩ về nó, chấp nhận nó và làm sao
để cho tất cả mọi hành động, cử chỉ, lời nói, ý nghĩ của cô đều phản ảnh trung
thực những điều Chân, Thiện, Mỹ. Nếu có thể làm như thế thì cô sẽ tiến rất xa
trên đường tâm linh. Cô hãy tham thiền và suy ngẫm thật kỹ về lời khuyên bảo của
các vị đạo sư đã giác ngộ như Sri Ramakrishna, rằng: “Tôi là sự thức tỉnh tinh
khiết, tôi không phải là xác thân này, cũng không phải là cái trí này mà thực sự
là một thực thể ở ngoài thời gian và không gian”. Hãy cố gắng thực hành như thế
rồi cô sẽ thấy rằng mình thực sự vốn là một ông hoàng chứ không phải là kẻ ăn
xin hèn kém.
48. Ảnh hưởng của màu sắc
Karta là một phụ nữ Đức sống theo chủ
trương Thanh giáo tại Mannheim. Những người trong nhóm này chỉ ăn ngày một bữa,
cùng nhau tham thiền mỗi tháng hai lần vào lúc trăng tròn và trăng lặn, và đặc
biệt chỉ mặc quần áo màu xanh nhạt. Từ khi lập gia đình với một người Mỹ và
theo chồng về đất nước này, cô bắt đầu thắc mắc về các quy luật, giáo điều của
giáo phái này. Cô nói:
- Thưa bà, chúng ta được dạy bảo rằng
người ta cần sống trong một môi trường trong sạch thanh khiết và sự trong sạch
này phải bắt đầu từ chính bản thân chúng ta. Thầy tôi dạy rằng không những màu
xanh nhạt làm êm dịu các rung động thuộc thể trí và thể xác của người mặc quần
áo màu đó mà còn giúp cả những người nhìn thấy màu sắc đó nữa. Có người trong
nhóm chúng tôi cho rằng màu xanh có thể chữa lành bệnh cho những ai mặc màu đó.
Do đó chúng tôi luôn luôn mặc quần áo màu xanh nhạt. Từ khi dọn qua đây tôi thấy
người Hoa Kỳ ăn mặc lung tung, quần áo đủ màu sặc sỡ, phải chăng vì ít ai hiểu
rõ giá trị việc chữa bệnh bằng màu sắc này? Theo sự hiểu biết của bà thì việc
này ra sao?
- Một số người phương Tây thường có thói
quen phân tích mọi sự thành các phần nhỏ, lượm lặt chỗ này một ít, chỗ kia một
chút, chắp nối lại, đặt ra các quy luật và đi đến kết luận dựa trên những quy
luật này. Người phương Đông ít khi làm chuyện đó vì đối với họ, toàn thể là một
cái gì sống động, không thể tách rời nhau được. Họ có một cái nhìn toàn diện và
tổng hợp về mọi việc, mọi sự vật. Cũng giống như âm thanh, màu sắc là các năng
lực rất mạnh và có những hiệu quả hết sức tinh tế và phức tạp, không dễ gì có
thể giải thích trong vòng vài phút. Tuy nhiên vì cô đã đề cập đến màu xanh nên
tôi cũng muốn chia sẻ với cô câu chuyện về một phụ nữ thích mặc quần áo màu
xanh:
“Có một phụ nữ rất thích màu xanh da trời,
từ nhỏ đến lớn bà ấy chỉ mặc quần áo màu xanh. Khi học đạo tại một tu viện Ấn Độ,
vì căn phòng không có tủ đựng quần áo nên bà phải mắc một sợi dây giăng ngang
phòng để treo quần áo vào đó. Mỗi sáng dậy, mở mắt ra là bà nhìn thấy các bộ quần
áo màu xanh này. Một hôm, bà vừa mở mắt thì cả một biển ánh sáng màu xanh đập
ngay vào mắt bà và bất ngờ bà lâm bệnh. Bụng bà đau nhói, cổ họng muốn nôn mửa,
đầu thì nhức như búa bổ. Bà kết luận rằng chính màu xanh đã gây hại như vậy nên
bà dọn hết chỗ quần áo này đem phân phát cho kẻ nghèo. Từ đó bà chỉ mặc toàn đồ
màu trắng, không dám mặc màu xanh nữa. Có lẽ cô đang tự hỏi tại sao lại có chuyện
kỳ cục như vậy? Để tôi giải thích thêm về một khoa học tối cổ của Ấn Độ gọi là
Aryuveda. Đây là một khoa học về các bệnh trạng cũng như cách điều trị dựa trên
cuốn Aryuveda, một cổ thư về y học của Ấn Độ đã có trên 5.000 năm nay. Theo
khoa học này thì vạn vật trong vũ trụ được cấu tạo bởi năm yếu tố chính là Đất,
Nước, Gió, Lửa và Dĩ Thái. Thân thể con người cũng được cấu tạo bởi năm yếu tố
trên nhưng thường thì Đất và Nước đã hòa chung lại thành một tinh chất gọi là
Kapha; Nước và Lửa hợp thành tinh chất gọi là Pitta, Gió và Dĩ Thái hợp thành
Vatta. Từ đó thể tạng được phân loại dựa trên ba tính chất đó vì chúng chi phối
và ảnh hưởng đến trạng thái tâm sinh lý của con người. Nói một cách khác, chúng
ta ốm đau hay khỏe mạnh; mập mạp hay gầy còm đều tùy thuộc vào sự điều hành, vận
chuyển của các tinh chất trên. Khoa Aryuveda đã giải thích rằng từ sự bài tiết,
hô hấp, đến tuần hoàn và tiêu hóa, từ nhịp tim đập, cách ăn uống, ngủ nghỉ, đến
các giác mô, cách nói năng, màu da, tóc khô hay mềm đều bị chi phối bởi ba yếu
tố trên. Bác sĩ Vasant Lad đã đưa ra một tiêu chuẩn để xem xét tính chất con
người một cách giản dị như sau: “Người thuộc tính chất Kapha dễ bị sưng mũi,
sưng cuống phổi và mắc các bệnh thuộc về cơ quan hô hấp. Người thuộc tính chất
Pitta dễ mắc bệnh thuộc đường tiểu, gan, mật, dạ dày hay các bệnh thuộc đường
tiêu hóa. Người thuộc tính chất Vatta hay bị bệnh đau lưng, tê thấp và các chứng
bệnh thuộc về bộ thần kinh. Không giống như trong y khoa phương Tây, mỗi bệnh
trạng đều có một số phương pháp điều trị hay các toa thuốc giống nhau, người y
sĩ theo khoa Aryuveda trước hết phải quan sát thể tạng của từng bệnh nhân và chữa
trị tùy theo phản ứng của thể tạng này đối với phương pháp điều trị. Một bệnh
nhân bị ung thư thuộc thể tạng Pitta sẽ được điều trị bằng một phương pháp khác
hẳn bệnh nhân ung thư thuộc thể tạng Kapha. Phương pháp cổ truyền này chủ
trương rằng vì mỗi cơ thể con người đều khác nhau, cái gì tốt cho một người
không có nghĩa là tốt cho một người khác nên không thể áp dụng một phương pháp
chữa trị chung được.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với câu hỏi
đầu tiên của cô về màu sắc. Như cô biết, sức nóng là đặc tính của màu đỏ, lạnh
là đặc tính của màu xanh. Lạnh đồng thời cũng là đặc tính của thể chất Kapha. Một
người thể chất Kapha mà mặc màu xanh thì tính lạnh sẽ gia tăng và ảnh hưởng đến
sức khỏe của họ. Khi tính chất này tập nhiễm quá lâu trong cơ thể một người, nó
có thể gây nên bệnh. Đó là trường hợp của người phụ nữ thích mặc đồ màu xanh mà
tôi đã kể ở trên. Tóm lại, màu sắc có ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe nhưng
còn tùy thể trạng từng người hợp với màu sắc nào chứ không phải chỉ có màu xanh
là tốt và các màu sắc khác là xấu như cô đã được dạy bảo.
- Nhưng biết đâu phản ứng của người phụ
nữ mà bà vừa kể chỉ có tính chất tạm thời mà thôi, có bằng chứng gì rằng bà ta
không hợp với màu xanh?
- Tại vì người phụ nữ đó chính là tôi. Mặc
dù chuyện này đã xảy ra hơn hai mươi năm nhưng đến nay tôi vẫn không bao giờ mặc
quần áo màu xanh nữa.
49. Hậu quả của ma túy
Larry xuất thân trong một gia đình khá
giả, năm 16 tuổi đã theo bạn bè sử dụng ma túy rồi đi vào con đường trộm cắp để
kiếm tiền mua ma túy. Bị gia đình từ bỏ, Larry sống một cuộc đời vô gia cư, vô
nghề nghiệp, ngủ đầu đường xó chợ, ăn uống tại các hội quán từ thiện dành cho kẻ
không nhà. Thỉnh thoảng anh cũng kiếm được vài việc vặt như chất hàng lên xe vận
tải, cắt cỏ, xúc tuyết nhưng được bao nhiêu tiền lại đổ vào ma túy hết cho đến
khi gặp một tu sĩ. Anh nói:
- Vị tu sĩ này đã cảm hóa được tôi, ông
cho tôi một tình thương mà từ trước đến nay chưa hề ai cho tôi, kể cả cha mẹ của
tôi. Không những ông giúp tôi lấy lại sự tự tin mà còn chỉ dẫn cho tôi một
phương pháp tham thiền để tìm sự bình an trong tâm hồn. Hơn một năm nay tôi
không dùng ma túy mà vẫn thoải mái. Thời gian gần đây vị tu sĩ này giao cho tôi
một công việc: Đi tìm những thanh niên nghiện ma túy để giúp đỡ họ như ông đã từng
giúp tôi. Việc tìm kiếm những người này không khó gì nhưng thuyết phục họ từ bỏ
ma túy, dạy tham thiền để họ có thể thay thế các thói quen xấu bằng một thói
quen tốt thì khó hơn nhiều. Vì đã thực hành thiền định nên tôi có thể chỉ dạy
cho họ cách ngồi, cách hít thở, cách quán niệm hơi thở, nhưng tôi chưa nắm vững
lý thuyết và mục đích của thiền định. Nhiều thanh niên đặt câu hỏi mà tôi không
biết phải trả lời hay giải thích thế nào. Hôm nay tôi tìm đến đây để nhờ bà chỉ
dẫn cho tôi xem rượu và ma túy đã làm hại chúng ta như thế nào? Tôi đã nghe những
lý thuyết cũng như lời dọa dẫm mà các bác sĩ, chuyên viên y tế vẫn giải thích,
nhưng điều này không giúp được ai, tất cả những kẻ nghiện đều ít nhiều nghe
chán lỗ tai cả rồi. Tôi muốn biết tại sao thiền định có thể giúp người ta từ bỏ
ma túy một cách dễ dàng thoải mái? Tuy đã trải nghiệm điều này nhưng tôi vẫn
không biết rõ tại sao. Liệu có cách nào giải thích một cách giản dị và hợp lý
không?
- Trước hết anh có thể giải thích cho những
người nghiện ma túy biết rằng chính nơi họ có đầy đủ tất cả những thứ mà họ muốn
mà không phải tìm ở đâu xa hay phải trả một giá nào cả... Nếu muốn trải nghiệm
cảm giác sung sướng, thoải mái, bình an, tự do thì họ có thể có ngay mà không cần
phải sử dụng ma túy. Họ cũng cần biết rằng thể xác và thể trí của họ thì giới hạn
nhưng Chân Ngã thì không. Chân Ngã mới thực sự là họ. Lý do họ cần tham thiền
là để biết và trải nghiệm được điều này. Khi họ đã đạt được mối liên hệ với sự
an lạc thực sự đó thì họ sẽ hiểu điều anh muốn diễn tả. Anh có thể đọc cho họ
nghe vài đoạn trong cuốn sách “On Having No Head” của Douglas Harding diễn tả
rành rẽ cái kinh nghiệm tâm linh này. Một khi biết được mục đích hay nơi chốn để
đến một cách rõ rệt thì người ta sẽ tự động tiến bước đến đó.
- Nhưng ma túy hay rượu ảnh hưởng đến cơ
thể con người ra sao? Tại sao thực tập thiền định có thể giúp người ta từ bỏ
các cám dỗ này?
- Khoa Yoga dạy rằng có ba Thể (body)
bao quanh Chân Ngã của chúng ta ví như ba bộ quần áo khoác bên ngoài. Thể ngoài
cùng được cấu tạo bởi các vật chất thô kệch thường gọi là thể Xác. Thể Vía có
hình dạng giống như thể Xác nhưng được cấu tạo bởi các vật chất thanh và nhẹ
hơn, nó là cây cầu liên lạc giữa thể Xác và thể Trí. Chính cái thể Trí này đã
làm chúng ta cảm nhận các ảo giác của ma túy hay rượu.
Mỗi thể đều có các giác quan riêng nhưng
chúng ta chỉ có thể sử dụng các giác quan thuộc về thể Xác mà thôi. Các giác
quan của thể Vía và Trí tuy hiện hữu nhưng vì không biết cách phát triển nên
chúng ta không sử dụng được chúng. Trong thân thể con người có một số trung tâm
của tâm thức mà thuật ngữ Yoga thường gọi là Luân Xa (Chakras), đó là nơi chứa
đựng các tiềm năng thiêng liêng sẵn có của con người. Hầu hết những Luân Xa này
đều khép chặt hoặc hé mở một phần nào tùy theo trình độ tâm thức của người đó.
Khai mở những Luân Xa là mục đích của một số phương pháp tập luyện làm chủ tinh
thần. Khi các Luân Xa được khai mở thì người ta có thể phát động các quyền năng
đặc biệt hay các giác quan hết sức tinh vi của các thể kia. Có bảy Luân Xa quan
trọng liên hệ trực tiếp với các hạch của thể xác. Vị trí các Luân Xa này nằm ở
đốt xương sống cuối cùng, quanh cơ quan sinh dục, phía dưới rốn, giữa ngực,
trên cổ, giữa trán và đỉnh đầu. Các Luân Xa đều có hình thù giống như một đóa
hoa sen, mỗi cái có một số cánh khác nhau, Luân Xa ở cuối đốt xương sống có bốn
cánh, Luân Xa ở rốn thì có mười cánh, v.v. Bình thường các Luân Xa đều khép chặt,
các cánh hoa úp xuống. Sức mạnh tâm linh thường phát hiện dưới hình thức một luồng
hỏa hầu gọi là Kundalini. Khi biết cách làm chủ tinh thần và thể xác thì luồng
hỏa hầu này khai mở và di chuyển qua các Luân Xa, thức động nó, ví như nước tưới
lên một bông hoa khô héo khiến nó nở ra. Khi Luân Xa được khai mở, các quyền lực
hay giác quan tương ứng cũng được khai mở theo và người ta có thể sử dụng các
quyền năng đặc biệt như biết trước được một số điều quá khứ, vị lai, hay đọc được
tư tưởng của người khác, v.v. Vì luồng hỏa hầu bắt đầu phát động ở cuối xương sống
và đi ngược lên phía trên nên các Luân Xa ở dưới thấp thường được khai mở trước,
các Luân Xa này giúp người ta nhìn thấy một số điều mà thuật ngữ huyền học thường
gọi là Linh Ảnh (Vision). Sự tương ứng giữa các Luân Xa và các quyền năng đặc
biệt được đề cập hết sức rõ ràng trong cuốn “The Chakras” của tác giả C. W.
Leadbeater. Khi luồng hỏa hầu đi đến Luân Xa trên đỉnh đầu hay trung tâm tối hậu
thì hành giả hoàn toàn vượt ra khỏi sự kiểm soát của thể Xác, Vía hay Trí và mọi
giới hạn của thời gian hay không gian. Họ sẽ nhận thức được sự bình an vĩnh cửu
của một trạng thái siêu thức không bút mực nào có thể tả xiết.
Rượu, ma túy cùng các chất kích thích có
tác động phá hoại các Luân Xa này khiến chúng chuyển động lệch lạc rồi cụp xuống,
ngăn chặn các mãnh lực tinh thần. Khi các cành hoa chuyển động, người ta có thể
trở nên ngây ngất trong một thoáng giây, khi các giác quan của thể Vía hay thể
Trí được kích động một cách ngắn ngủi thì người ta có thể nhìn thấy một vài
hình ảnh mơ hồ, màu sắc lạ lùng hay chìm đắm vào một thế giới huyền ảo mông
lung do sự chuyển động của các mãnh lực kỳ bí này. Trong giây phút đó người ta
quên hết mọi thứ, không còn kiểm soát hay ý thức gì nữa. Dĩ nhiên điều này hết
sức tai hại vì khi các Luân Xa bị hư hại thì hậu quả của nó thật không biết đâu
mà lường, và con người không tiến mà lại bước lùi trên con đường tiến bộ tâm
linh.
- Tôi đã nghe nói về các Luân Xa này,
tôi tin rằng điều bà nói rất có lý nhưng làm sao tôi có thể khuyên bảo thanh
niên về những điều mà họ không thể nhìn thấy được?
- Chỉ có kinh nghiệm mới thuyết phục được
họ mà thôi. Anh có thể đưa cho họ xem một số tài liệu nói về các thể. Cách đây
ít lâu, người ta đã chứng minh được sự hiện diện của thể Vía qua một phương
pháp gọi là “Kirlian Photography”, người ta chụp hình được các luồng ánh sáng
liên hệ với các năng lực điện khí của cái thể này, nó có hình dáng giống như thể
Xác nhưng nhô ra ngoài vài tấc. Anh có thể tìm các tài liệu này trong mọi thư
viện. Anh cũng có thể tìm các sách vở nói về các Luân Xa như cuốn The Chakras của
C. W. Leadbeater cho những thanh niên nghiện ma túy xem và giải thích thêm cho
họ về nguyên nhân các ảo giác mà họ cảm thấy khi say sưa.
- Nếu có được tài liệu đó thì tôi nghĩ
các thanh niên này sẽ bị hấp dẫn ngay. Nhưng nếu đã có các chứng cớ rõ rệt như
vậy tại sao không mấy ai chịu chấp nhận sự thật đó?
- Không mấy người can đảm nhìn thẳng vào
sự thật vì điều này sẽ phá tan các ảo vọng mà họ vẫn hằng ấp ủ. Nếu mọi người đều
biết nhìn thẳng vào sự thật như nó vốn có và chấp nhận rằng từ bao lâu nay họ
đang say ngủ thì phong trào sử dụng ma túy sẽ đương nhiên sụp đổ. Cuộc sống sẽ
trở nên tốt đẹp hơn bởi việc biểu lộ Chân Ngã sẽ trở thành một ưu tiên cao đẹp
của con người chứ không phải là việc tìm kiếm hay tích lũy tài sản vật chất.
Nhìn vào hiện tượng thanh thiếu niên sử dụng cần sa, ma túy, rượu chè ngày nay
thì chúng ta rút được kinh nghiệm gì? Phải chăng họ khao khát một cái gì đó
nhưng không biết tìm ở đâu? Phải chăng họ đã chán ngán với đời sống giả tạo, những
quay cuồng vật chất, những áp lực xã hội, gia đình và hoàn cảnh chung quanh? Họ
muốn tìm một lối thoát nhưng thay vì ý thức và làm chủ hành động, tư tưởng của
chính họ thì họ lại tìm quên qua những chất kích thích. Công việc anh đang làm
hiện nay rất quan trọng, anh đang hướng dẫn những người lầm đường lạc lối ra khỏi
vũng lầy đen tối. Anh đang chỉ dẫn cho họ cách trở về với nội tâm và đó chính
là điều mà tất cả mọi người chúng ta đều mong muốn. Bao lâu nay người ta đã đi
tìm ở bên ngoài và hậu quả là cả một xã hội hoang mang phiêu bạt, đầy bất an với
những khủng hoảng từ trong ra ngoài. Chỉ có quay vào bên trong người ta mới thực
sự tìm ra lối thoát cho những khó khăn hiện tại.
No comments:
Post a Comment