Minh
triết trong đời sống
Darshani Deane - dịch Nguyên Phong
Mục lục :
15. Trong tinh thần Thiền định
Elliot làm việc cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
nhiều năm tại Nhật Bản, anh vừa bị đổi đến một quốc gia ở Bắc Phi. Khi còn ở Nhật,
Elliot từng học thiền trong một tu viện, nhưng anh chưa ý thức được tinh thần
thiền trong cuộc sống hàng ngày. Anh nói:
- Thưa bà hiện nay tôi đang sống trong một
hoàn cảnh hết sức khó chịu, nhiệt độ Bắc Phi lúc nào cũng nóng trên 100 độ F.
Máy lạnh chạy suốt ngày đêm vẫn không làm giảm sự bực bội của tôi đối với thời
tiết nơi đây và mỗi khi máy lạnh bị hư thì quả là một cực hình. Khi đi tắm thì
nhiệt độ sa mạc đã làm nước trở nên nóng hổi khiến tôi có cảm tưởng như bị luộc.
Đã thế cuộc sống thiếu văn minh còn đem lại nhiều bực mình khác, khi cần sử dụng
điện thoại thì lúc xài được lúc không, đi đâu cũng ngửi thấy mùi hôi thối, thiếu
vệ sinh, nhưng tệ hơn cả là nạn ruồi muỗi, mỗi lần tôi tham thiền là ruồi muỗi
bu lại không thể tĩnh tâm được. Suốt ba tháng nay tôi không sao thiền được, tôi
nghe nói rằng nếu không thiền đều đặn trong vòng bốn mươi ngày thì mất hết công
phu. Điều này thực hư ra sao?
- Cũng có thể lắm, nếu anh không thực tập
thiền đều đặn thì anh khó có thể trở lại thói quen này; nhưng vấn đề ở đây
không phải như vậy. Vấn đề chính là thiền định không bao giờ bị ngăn trở trong
môi trường thực tế. Thiền định có nghĩa là không phản ứng, trí óc luôn luôn điềm
đạm, không đồng hóa với các cảm xúc như ưa, ghét, giận, hờn, khao khát, ác cảm,
ảo ảnh, thích thú, v.v. Thiền định là một nghệ thuật sống chứ không phải sống một
cách phong lưu sung túc. Có người đã hỏi Đức Phật: “Hạnh phúc chân thật là
gì?”. Ngài trả lời: “Sống điềm đạm trong mọi thăng trầm, thắng bại, được thua,
vinh nhục vẫn mỉm cười”. Bất cứ ai cũng cảm thấy thoải mái khi cuộc đời trôi chảy
êm đềm. Nhưng hoàn cảnh hoàn hảo đó không có sự gạn lọc, thử thách, không có đất
màu cho sự nảy nở và phát triển nội tâm. Genne Turney, nhà vô địch quyền Anh,
cho biết anh đoạt chức vô địch thế giới chỉ vì có sức chịu đựng. Anh đã luyện
được sự chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài. Tiểu
sử của những bậc hiền triết phương Đông đều đề cập đến việc làm chủ thể xác một
cách khắt khe. Để vượt lên sự chống đối của xác thân, mỗi ngày Swami Sivananda
thường ngâm mình dưới dòng nước lạnh của sông Ganges từ 3 giờ sáng, nước ngập đến
cổ và ngài vẫn thản nhiên trì tụng những bài thần chú. Mấy người phương Tây nào
có thể tập luyện khổ hạnh như thế? Sức chịu đựng của chúng ta kém xa người
phương Đông có phải không? Nhưng đó không phải lỗi của chúng ta. Cuộc sống văn
minh vật chất đã làm cho chúng ta trở nên lười biếng, quên mất sự chịu đựng,
không biết kiềm chế xác thân như những dân tộc khác. Có lẽ đó là lý do mà những
dân tộc thường gọi là “thiếu văn minh” lại có một cuộc sống thoải mái, thư giãn
hơn chúng ta rất nhiều.
Phải chăng vì sự chịu đựng của họ với
hoàn cảnh bên ngoài rất cao nên thần kinh của họ ít căng thẳng trước những biến
chuyển tất nhiên của đời sống. Để tiến bộ trên đường tâm linh, chúng ta cần phải
tin cậy vào sự minh triết sáng suốt của đấng cao cả trong vũ trụ đã đặt chúng
ta vào môi trường chúng ta đang sống hiện nay. Tất cả mọi nơi chốn đều có những
mục đích, đều có những điều mà chúng ta phải học hỏi. Anh cần vượt lên mọi sự bực
bội, chống đối trong trí óc, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách và cố gắng tham
thiền, suy ngẫm trở lại. Trong thiền định, người ta không quan tâm đến những sự
kích động mà chỉ để ý đến các phản ứng của mình trước những kích động đó. Cứ
làm như thế, rồi anh sẽ hiểu chúng là gì. Anh hãy trở lại với việc thực tập thiền
định và suy ngẫm về một câu nói sau đây: “Giá trị của một con người không phải ở
chỗ anh ta có cái gì, mà ở chỗ anh ta làm được những gì khi không có gì cả”.
16. Tư tưởng và hành động
Isabel là nhân viên phục vụ trong một
nhà hàng, công việc bận rộn và nhiều áp lực khiến cô muốn tìm sự an tĩnh qua việc
thực hành thiền định. Nhưng vì đã quá quen sống phóng túng trong nhiều năm, cô không
thể dậy sớm để tham thiền đều đặn được. Cô nói:
- Thưa bà, nỗi khó khăn lớn nhất của tôi
là tuân theo kỷ luật. Tôi là người sống bừa bãi không có kỷ luật gì hết, nhất
là trong việc ăn và ngủ. Tôi đã tham dự các lớp huấn luyện, đọc sách “Học làm
người”, đi chữa ở các bác sĩ tâm thần nhưng chẳng kết quả gì, chứng nào vẫn tật
nấy. Tôi đến đây để xem bà có phương pháp nào thay đổi được cuộc đời vô kỷ luật
của tôi hay không?
- Thánh Teresa d’Avilla đã nói: “Nếu muốn
có một đức tính nào, hãy tưởng tượng mình có đức tính đó và như vậy thì đã đi một
nửa con đường rồi”. Hãy hình dung chính mình là người đã có những đức tính mình
muốn một cách hứng thú, và rồi cách cư xử của ta sẽ dần dần thay đổi để thích hợp
với những đức tính đó. Bao lâu nay cô vẫn tự nhủ: “Tôi là người vô kỷ luật, tôi
chẳng tuân theo kỷ luật gì cả...” do đó hành động của cô đã phản ảnh đúng tâm
trạng vô kỷ luật này. Phải chăng khi đồng hồ báo thức reo lúc 5 giờ sáng, tiềm
thức của cô lặp đi lặp lại một điệp khúc quen thuộc rằng: “Tôi không có kỷ luật,
tôi không có kỷ luật”, và rồi trí óc của cô đã sai khiến cái tay của cô tắt đồng
hồ báo thức đi để ngủ thêm ít lâu nữa. Điều này có khác chi một cái mẫu mà người
thợ may dùng để may quần áo. Mẫu thế nào thì bộ quần áo sẽ như thế. Trong cuốn
“Psychocybernetics”, giáo sư Maxwell Waltz đã viết: “Cách xử sự của một người
không bao giờ trái ngược với hình ảnh của chính đương sự”. Vì cô thích đọc những
loại sách “Học làm người”, để tôi giới thiệu cuốn “Power of Affirmation” của đạo
sư Subramuniya, nhà xuất bản Himalayan Acadamy tại Hawaii. Trong cuốn này tác
giả đã dạy chúng ta cách phá bỏ những thói quen trong trí óc để bước vào một địa
hạt khác. Ông viết: “Nếu một người cảm thấy mình không thể làm được thì người
đó sẽ không bao giờ làm được việc đó”. Phương pháp thực hiện là thay đổi tư tưởng,
thay đổi suy nghĩ bằng tất cả sức mạnh bản thân, sao cho toàn thân, từ đầu óc
xuống đến các lỗ chân lông đều toát ra một ý nghĩ duy nhất là “Tôi có thể làm
được”. Tác giả đề nghị mỗi ngày nên lặp đi lặp lại hàng trăm lần câu: “Tôi có
thể và tôi sẽ làm được chuyện đó” thì người ta sẽ thay đổi được. Bây giờ chúng
ta hãy áp dụng phương pháp này vào trường hợp của cô. Thay vì giữ ý nghĩ: “Tôi
không có kỷ luật” trong tâm tư tưởng, cô cần đổi nó thành: “Tôi có kỷ luật, tôi
là người rất kỷ luật”. Không những giữ trong tâm như vậy mà cô còn phải lặp đi
lặp lại mỗi khi có dịp như một câu thần chú. Sau nữa, khi trí óc của cô ở tình
trạng nhạy cảm như lúc trước khi ngủ thì cô hãy hình dung trong trí óc về hành
động mà cô muốn thực hiện. Muốn dậy sớm ư? Cô hãy hình dung mình sẽ dậy đúng 5
giờ sáng và thực hành thiền định đều đặn trong suốt một giờ liền. Nếu trước khi
đi ngủ cô cứ nghĩ về tư tưởng này thì cô sẽ hành động như vậy.
Bây giờ qua đến việc ăn uống, nếu cô
nghĩ mình có thói quen ăn bừa bãi bất cứ thứ gì và bất cứ lúc nào thì cô sẽ làm
như vậy. Để thay đổi, cô phải hình dung chính cô là người mà cô muốn trở thành.
Hãy nghĩ rằng cô là người ăn uống rất kỷ luật, ăn đúng giờ giấc và chỉ ăn những
thức ăn do cô định trước, không hơn không kém. Hãy hình dung cô chỉ mặc những
quần áo do chính cô chọn lựa. Ăn uống ngủ nghỉ vào những giờ giấc nhất định do
cô định đoạt. Cứ như thế, cô sẽ kiểm soát được đời sống của chính cô. Phương
pháp giản dị này còn giúp cô thay đổi các thói quen vô ý thức từ trước, tạo dựng
đức hạnh và biển đổi cuộc đời.
- Nhưng phần lớn con người sẽ trở lại
các thói quen cũ vì bao giờ thói cũ cũng mạnh hơn cái mới. Làm sao ta có thể vượt
qua trở ngại này?
- Vì cô thích đọc sách, tôi giới thiệu
thêm cuốn “The Mental Equivalent” của Emmet Fox. Trong cuốn này tác giả đã đưa
ra ba chìa khóa để khắc phục trở ngại như sau: Rõ ràng, Thường xuyên và Mạnh mẽ.
Rõ ràng là đặt mục tiêu thật rõ rệt trong trí, Thường xuyên là luôn luôn nuôi
dưỡng trong trí cái hình ảnh mới này. Khi thói quen cũ bắt đầu hoạt động trở lại
thì lập tức thay thế nó bằng một hình ảnh mới vào đó. Mạnh mẽ là làm sao nuôi
dưỡng cái hình ảnh mới này một cách sâu xa, mạnh mẽ. Làm sao để nó không những
là một quan niệm trong trí óc, mà từ trái tim đến mỗi tế bào trong cơ thể cô đều
cảm thấy như vậy. Kinh Thánh đã dạy: “Anh muốn thế nào thì sẽ được như thế”.
Kinh không hề nói rằng mong thế nào thì sẽ vậy vì sự mong mỏi thì hời hợt, yếu
đuối, nông cạn, trong khi sự ham muốn thì mạnh mẽ hơn nhiều.
Lòng tin là một thứ quyền lực, và sức mạnh
của tư tưởng có thể thay đổi được nhiều việc. Khi thay đổi tư tưởng, người ta sẽ
thay đổi hành động vì chúng ta nghĩ thế nào thì sẽ hành động như thế.
17. Giải thoát
Donald là một sinh viên còn trẻ có giọng
nói nhỏ nhẹ và lễ phép, anh đang cố gắng tìm hiểu về ý nghĩa cuộc sống qua thiền
định và đọc sách vở về tâm linh. Anh nói:
- Thưa bà, nếu chỉ một kinh nghiệm tâm
linh nhỏ có thể thay đổi hẳn cuộc đời một người thì sự giác ngộ đạt đến tâm thức
vũ trụ chắc chắn phải tuyệt vời lắm. Một việc tốt đẹp như thế tại sao có ít người
làm quá?
- Không đâu, tôi nghĩ rằng tất cả mọi
người đều muốn tìm sự giải thoát. Mọi sinh vật đều muốn tự do, hạnh phúc và sống
mãi, nhưng đa số người ta đều tìm kiếm những sự này qua việc ăn uống, tình dục,
tiền bạc, thành công, của cải, danh vọng hay giải trí. Vấn đề không phải là người
ta không muốn tìm sự giải thoát, nhưng người ta đã tìm nó sai chỗ. Điều này có
thể diễn tả qua câu chuyện ngụ ngôn sau:
“Có một thiếu nữ kia cứ cắm cúi lục lọi
trong vựa lúa trước nhà cho đến khi một người qua đường thấy vậy hỏi:
- Cô kiếm gì mà lục lọi trong vựa lúa vậy?
- Tôi tìm một cây kim khâu.
- Cô đánh rớt nó trong vựa lúa ư?
- Không, tôi đánh rớt nó ở trong nhà.
- Ủa! Cô đánh rớt nó ở trong nhà thì tại
sao cô lại tìm nó ở ngoài vựa lúa?
- Tại vì trong đó tối quá tôi khó tìm, ở
ngoài này sáng hơn.”
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng tất
cả những gì chúng ta muốn tìm đều có sẵn trong nội tâm chúng ta cả, nhưng thay
vì quay vào bên trong thì chúng ta lại cứ xoay ra bên ngoài tìm kiếm rồi than
là không thấy. Chúa Jesus đã dạy rõ rằng: “Thiên đường ở nội tâm”. Cái ánh sáng
cao cả bao la thấm nhuần tất cả lúc nào cũng chiếu soi nhưng vì bị lớp mây vô
minh che lấp, khi mây tan hết thì ánh sáng lại hiện ra. Kinh điển Phật giáo
cũng đề cập đến việc một người có viên ngọc cất trong tay áo nhưng không biết
dùng mà cứ sống một cuộc đời nghèo đói lam lũ, ăn xin, cho đến khi tỉnh ngộ biết
rằng mình vốn là người giàu có, có ngọc trong tay áo chứ không phải một người
nghèo kém.
18. Chống đối và thử thách
Sau cuộc ly dị, Laura sống một mình
trong căn nhà nhỏ tại ngoại ô Los Angeles. Bà tìm được sự thoải mái qua việc thực
hành thiền định và đọc sách vở về tâm linh, nhưng cuộc sống của bà lại bị xáo
trộn bởi một biến cố khác. Bà cho biết:
- Mẹ tôi vừa dọn đến viện dưỡng lão gần
nơi tôi ở, trước đây bà sống với em trai tôi ở San Francisco nhưng vì nó bị sở
thuyên chuyển đi ngoại quốc nên bà dọn về đây để được ở gần con gái. Bà cần có
người lo cho bà nhưng việc này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, trong khi
tôi đang cố gắng xây dựng lại cuộc đời đổ vỡ của mình. Việc mẹ tôi xen vào đời
tôi lúc này đã làm xáo trộn cuộc sống tạm thời thoải mái của tôi. Tôi rất khó
chịu và bực bội về sự kiện “khác thường” này nhưng không biết phải làm gì?
- Chúng ta hãy nhìn vấn đề một cách
khách quan hơn. Hoàn cảnh một bà mẹ sống ở viện dưỡng lão gần con gái không có
gì là khác thường cả. Nhiều cha mẹ già còn sống chung nhà với con cháu và việc
này còn gây xáo trộn cũng như đòi hỏi nhiều thời gian công sức hơn nữa. Điều
làm bà bực mình không phải vì hoàn cảnh mà vì sự chống đối phát xuất từ chính
bà. Biết đâu hoàn cảnh mẹ bà dọn về ở gần bà đã đáp ứng đúng nhu cầu của bà lúc
này? Nhu cầu này hiện nay có thể chưa rõ rệt nhưng nó vẫn có. Hãy thay đổi lối
nhìn của bà, thay vì nhìn nó như một hoàn cảnh không thể chịu nổi thì hãy coi
đó như một thử thách, dùng nó làm tấm gương soi vào nội tâm của bà. Hãy quán
xét trong tấm gương đó cái nguyên nhân ẩn giấu sự chống đối của bà và tìm cách
giải quyết nó. Nếu không có cơ hội như thế này thì bà sẽ không nhìn được nơi bà
vốn vẫn có sự chống đối và rất có thể là bà sẽ phải trải qua một sự đau khổ giống
như vậy trong tương lai. Muốn vượt qua bất kỳ thử thách nào, chúng ta cũng cần
giáp mặt với nó và trải nghiệm nó. Đức Phật nói rằng: “Tất cả mọi sự đau khổ đều
do sự chống đối”. Thay vì nói rằng: “Đây là nỗi khổ vô cùng tận”, thì hãy lặp
đi lặp lại rằng: “Đây là một cơ hội vàng giúp tôi nhìn sâu vào nội tâm để hiểu
biết thêm về chính tôi và xóa bỏ những rắc rối phiền muộn nằm sâu trong tâm khảm;
giúp tôi có cơ hội đền đáp công ơn mẹ tôi đã phải dẹp bỏ những điều bà thích
trong quá khứ để nuôi nấng, dạy dỗ cho tôi nên người; và để xóa bỏ những tình cảm
không đẹp trong mối quan hệ mẹ con để lúc từ giã cõi đời, bà sẽ không buồn phiền
vì tôi, và tôi cũng không ân hận hay mang mặc cảm tội lỗi suốt đời. Các nhà hiền
triết phương Đông đã dạy: “Khi không chống đối và biết chấp nhận thì mọi sự đau
khổ đều chấm dứt”.
19. Làm chủ tình dục
Greg từng là giáo viên trường tiểu học
trước khi đổi qua nghề lái xe tải. Khi làm thầy giáo anh không có nhiều thời giờ
và tiền bạc nhưng từ ngày lái xe vận tải thì anh kiếm được rất nhiều tiền và có
nhiều thời gian hơn cho bản thân. Là người có đời sống nội tâm phong phú, anh
thường suy nghĩ về chân lý ngay trong khi lái xe mà không sợ bị ai quấy rầy.
Anh nói:
- Tôi có một vị thầy, người đã đạt đến sự
tuyệt đỉnh của tiềm năng con người. Thầy tôi lúc nào cũng vui vẻ tươi cười
trong mọi hoàn cảnh. Ngài ban rải tình thương yêu và sự sáng suốt khắp nơi. Hàng
năm tôi vẫn ghé thăm ngài để học hỏi thêm về triết lý phương Đông. Lần chót
ngài đã đề cập đến vấn đề tình dục và nói rằng nếu không biết làm chủ tình dục
thì sự tiến bộ về tâm linh của chúng ta sẽ bị giới hạn. Thầy tôi không giải
thích lý do tại sao nên tôi hết sức bối rối và thắc mắc. Tôi thích cảm giác
bình an mỗi khi tham thiền, tôi muốn đi càng xa càng tốt trên con đường tâm
linh, nhưng tôi cũng là một người bình thường, có những rung động và cảm xúc
như tất cả con người trên trái đất này. Tôi có rất nhiều bạn gái, nghề lái xe vận
tải khiến tôi có cơ hội làm quen với phụ nữ khắp mọi nơi, gần như thành phố nào
trên lộ trình đi qua tôi cũng đều có bạn gái và tôi đã tận tình viếng thăm những
địa chỉ này. Khi còn độc thân, không bị ràng buộc, thật khó có thể bỏ qua những
cơ hội về tình dục này. Nỗi khó khăn hiện nay của tôi là làm sao dung hòa được
những điều tôi làm và lời khuyên của thầy tôi?
- Sức mạnh của tình dục chứa đựng một
mãnh lực huyền bí mà rất ít người biết đến. Khi sức mạnh của nó không phát lộ
ra ngoài thì nó biển đổi thành tinh chất “Ojas”, một yếu tố cần thiết để đạt đến
tâm thức đại đồng. Chính Ojas sinh ra khí lực, sức mạnh và sự hấp dẫn, không những
để đạt đến các trạng thái cao thượng của con người mà còn để thành công trong
nhiều lĩnh vực, đặc biệt nhất là lĩnh vực sáng tạo.
- Xin bà giải thích rõ hơn vì tôi không
hiểu biết nhiều về những khái niệm lạ lùng này.
- Để tôi lấy một thí dụ cho anh dễ hiểu:
Nếu anh có 100 đồng trong ngân hàng, anh dự định sẽ trích một phần trong đó ra
để học một nghề mới. Anh không biết sẽ phải trả học phí ra sao nhưng anh không
muốn nghĩ đến điều đó vội. Ngày mai là sinh nhật của anh và anh muốn tổ chức một
bữa tiệc lớn. Việc anh nghĩ đến trước mắt là đi chợ mua thật nhiều đồ ăn, kẹo
bánh, thịt cá, rượu, v.v. Anh tiêu cho buổi tiệc mất 95 đồng và chỉ còn lại 5 đồng
để trả học phí. Số tiền 5 đồng này chính là điều mà thầy anh đã nói đến. Người
ta khó có thể tiến xa trên lãnh vực tâm linh nếu không biết kiểm soát tình dục.
Sức mạnh của tình dục cũng giống như số tiền trong ngân hàng, nó đi theo hai
khuynh hướng hoặc đi lên cao hoặc đi ra phía ngoài.
- Nhưng... thưa bà, tôi là một người đàn
ông khỏe mạnh, có rất nhiều ham muốn về tình dục. Liệu có cách nào để tôi chia
sẻ điều này ra cho thật quân bình không?
- Này anh bạn, khả năng tình dục không
phải là những con số của một bài toán mà là một tặng phẩm. Bản chất tình dục
cao độ là dấu hiệu của một sức mạnh phong phú về tinh thần, đa số những người
có đời sống tâm linh cao, những người có nhiều khả năng sáng tạo đều là những
người có bản chất tình dục rất mạnh. Sức mạnh của tình dục là chiếc thang có thể
nâng chúng ta lên tâm thức vũ trụ, thành những nhân tài sáng tạo.
- Tôi đồng ý với bà trên phương diện này
nhưng có gì sai quấy với việc bộc lộ khả năng tình dục lúc nó bị kích thích
không?
- Các hiền triết phương Đông thường nói
rằng tình dục tự do phóng túng có thể làm trí óc mất quân bình, gây ra các hậu
quả tai hại.
- Hậu quả như thế nào? Xin bà giải thích
rõ hơn về sự liên quan giữa trạng thái mất quân bình và sự phóng túng về tình dục?
- Các giáo lý bí truyền phương Đông dạy
rằng khi chúng ta quan hệ tình dục với một người nào thì không những chúng ta
thu nạp vào người chúng ta sức mạnh tình dục của họ mà còn cả mức độ tâm thức của
người ấy nữa. Sự chung chạ bừa bãi làm chúng ta tiêm nhiễm nhiều mức độ tâm thức
khác nhau, đôi khi trái nghịch nhau là đằng khác. Điều này dĩ nhiên làm xáo trộn
tâm thức của chúng ta, gây trở ngại cho việc làm chủ tư tưởng, cản trở những trạng
thái tâm thức thanh cao.
- Nói như vậy thì có cách nào làm chủ được
sự kích thích của tình dục không?
- Có ba phương pháp giản dị mà ông có thể
áp dụng, nói theo danh từ Toán học là Thay thế (Substitution), Trừ
(Subtraction) và Cộng (Addition). Hãy lấy một thí dụ cho việc Thay thế: Nếu ông
lái xe đi ngang qua một thành phố có một cô bạn gái xinh đẹp trú ngụ, anh hình
dung cô ta trong trí óc và liền có ngay một sự ham muốn về tình dục. Đạo sư Sri
Goenka nói rằng sự bộc lộ hay đè nén những cảm giác này đều có hại, ngài dạy rằng
mỗi khi anh cảm thấy có sự thèm khát nổi lên thì anh cần quan sát cái cảm giác
này xem nó từ đâu đến? Biến chuyển ra sao? Khi anh đã quan sát nó thì sự ham muốn
sẽ mất đi uy lực đối với anh. Sri Aurobindo đã dạy các đệ tử: “Mỗi khi các kích
thích về tình dục nổi lên thì các con hãy quan sát xem nó là cái gì? Một chuyển
động của tâm thức? Một biến đổi của bản chất thấp kém? Hãy quan sát nhưng đừng
chống cự với nó vì nếu chống cự nó sẽ thắng. Thay vì chống cự thì các con hãy
lui khỏi nó, tự tách mình ra khỏi nó và ngắm nhìn nó, coi nó không phải là mình
mà chỉ là những mãnh lực từ bên ngoài con người thật của mình đang tạo áp lực
vào mình mà thôi. Các con không cần phải chống chọi lại chúng mà chỉ từ chối sự
lừa bịp của chúng. Hãy quan sát với một tâm thức nhân chứng thì các con sẽ ngạc
nhiên mà thấy rằng sự kích thích đó sẽ tan biến đi rất mau và sức mạnh của tình
dục mạnh mẽ đang phát triển sẽ được thăng hoa, biến đổi thành những năng lực mạnh
mẽ khác”.
- Nhưng còn việc Trừ đi (Substraction)
thì thế nào?
- Muốn làm chủ bất cứ hành động nào,
chúng ta đều cần biết nguyên nhân của nó và dẹp bỏ cái nguyên nhân đó. Giáo lý
Veda có nói đến ba “Gunas” hay là ba đặc tính điều khiển mọi sinh vật trên trái
đất: Tamas, Rajas và Sattwa. Tamas là đặc tính Tĩnh hay tiêu cực, tượng trưng bởi
đen tối hay vô hình. Rajas là hiếu động hay các cảm xúc nhất thời và Sattwa là
đặc tính điều hòa hay quân bình. Sri Aurobindo dạy các đệ tử rằng khi các yếu tố
Tiêu cực (Tamas) chiếm ưu thế trong thể xác thì chúng ta thấy mệt mỏi, lười biếng
và chỉ muốn ngủ. Khi yếu tố Xúc cảm hay Động (Rajas) chiếm ưu thế thì chúng ta
thấy linh hoạt, hiếu động và sôi nổi. Những yếu tố này được thu nạp vào cơ thể
của chúng ta qua dinh dưỡng. Các thực phẩm có tính chất Tiêu cực hay Tĩnh
(Tamas) là thịt, cá, trứng tạo ra sự nặng nề trong thể xác khiến chúng ta trở
nên u mê, chỉ chú ý đến các thúc giục của hạ thể. Các thức ăn có tính chất Xúc
cảm hay Động (Rajas) như hành, tỏi, các chất nóng sẽ kích động các cảm xúc và
tình dục. Các đạo sư phương Đông khuyên đệ tử phải kiêng cữ các thức ăn có tính
chất Tĩnh hoặc kích thích này. Để có thể trải nghiệm được sự an tĩnh khi ngồi
yên bất động và mở rộng tâm hồn cho ánh sáng trí tuệ tràn vào, người ta cần ăn
các thức ăn có tính chất điều hòa để chúng chuyển vận các tư tưởng thanh cao.
Các thức ăn này là rau trái, ngũ cốc.
- Phải chăng chỉ có kinh Veda dạy như vậy?
- Không, hầu như truyền thống thần bí
nào cũng đều dạy rằng thức ăn đóng một vai trò chính trong sự chi phối của tình
dục. Trong cuốn “Philokalia”, thánh Neilos viết rằng sự ham muốn tình dục liên
quan mật thiết đến những gì chúng ta ăn, và vị trí gần nhau của cái bụng và cơ
quan sinh dục minh chứng cho sự liên lạc mật thiết giữa thức ăn và tình dục.
Các vị thánh của Thiên Chúa giáo thường chỉ sống bằng trái cây và ngũ cốc. Các
ngài dạy rằng chúng ta chỉ cần cố gắng đôi chút để lo cho nhu cầu thân xác
thôi, thánh Maximos nói rằng con quỷ bất tịnh rất mạnh và nó luôn luôn tấn công
những người lơ là trong việc giữ giới chay tịnh.
- Nhưng những người theo Thiên Chúa giáo
còn giữ những điều này không?
- Đa số các nhà tu hành vẫn giữ vậy, các
dòng tu khổ hạnh như Trappist theo luật thánh Benedic đều tuân giữ việc ăn uống
giản dị. Khi người ta hỏi thánh Benedic: “Người Thiên Chúa giáo không nên ăn những
thức ăn nào?” thì ngài đã trả lời ngay: “Những thức ăn có thể chạy ra khỏi bàn
ăn thì bạn chớ nên ăn”.
- Còn những tu sĩ Phật giáo thì sao?
- Phần lớn tu sĩ Phật giáo đều giữ giới
chay tịnh, đa số chỉ ăn các thực phẩm từ rau trái thôi. Ngoài việc giữ giới
không sát sinh, các tu sĩ này biết rằng thịt và các gia vị kích thích thể trí
và nếu muốn kiểm soát cái trí qua việc thực hành thiền định thì người ta phải
kiêng những thức ăn này. Tuy nhiên cho đến nay chúng ta chỉ nói đến việc kiêng
cử ăn uống mà thôi, nếu hiểu một cách đúng đắn thì đó chỉ là một trong năm giác
quan của con người. Ngoài việc giữ gìn ăn uống, một người đi trên đường đạo còn
phải biết giữ gìn, kiểm soát các giác quan khác nữa như sự trừ bỏ những sự kích
thích của mắt, tai, mũi, cảm xúc da thịt. Điều này có nghĩa là tránh những phim
ảnh, sách vở khêu gợi tình dục hoặc gần gũi với những người có thể khêu gợi ham
muốn tình dục nơi chúng ta.
- Còn việc Cộng vào (Addition) thì như
thế nào?
- Điều này ngụ ý khuyên chúng ta nên thực
tập các đức hạnh để thanh lọc tâm trí như việc tụng kinh, trì chú, thực hành
các phương pháp Yoga, tham thiền, quán tưởng.
- Tôi rất thích sự thiết yếu của các
phương pháp này vì tôi biết Yoga và thiền định đã giúp ích cho tôi như thế nào.
Tôi cũng thích cái phương pháp nói về một chứng nhân đáp ứng sự kích thích tình
dục qua việc quán xét, theo dõi các trạng thái của tâm. Tôi cũng đồng ý với bà
về việc phải cẩn thận khi ăn uống, kiêng cữ các thức ăn có tính chất Tĩnh và
kích thích, nhưng việc tuân giữ các cảm giác khác như mắt, tai, mũi, xúc giác
thì quả là rất khó khăn cho con người.
- Con người thông minh hơn loài vật nên
dĩ nhiên họ có những thử thách lớn lao hơn. Hãy nhìn vào con thiêu thân, nó bị
sức hấp dẫn của ngọn đèn mà lao vào lửa và chết thiêu. Hãy nhìn những con cá
tham mồi mà mắc phải lưỡi câu. Mùi thơm của hoa làm con ong quên cả giờ giấc,
đêm xuống cánh hoa cụp lại giam giữ làm con ong mắc kẹt. Những người săn hươu
phương Đông mướn người thổi sáo làm cho hươu nai mê mẩn, chạy tìm tiếng sáo và
sa lưới, chết vì âm thanh. Những người săn voi đào một hố sâu và đặt một con
voi cái trong đó, voi đực muốn gần con cái, chạy lại sa hầm và bị bắt. Mọi sinh
vật đều chết vì một giác quan nhưng con người có đến năm giác quan cùng hoạt động
một lúc nên dĩ nhiên việc làm chủ sẽ khó hơn gấp năm lần, nhưng con người có điều
kiện cần thiết cho sự thành tựu tinh thần vì họ có ý chí và lòng ham muốn mạnh
mẽ. Anh muốn đi xa hơn trên con đường tâm linh và ý chí của anh có thể khiến điều
này trở thành sự thật. Sự thành thật với chính mình, hiểu biết chính mình là chìa
khóa đưa anh tiến đến điều anh muốn. Giống như thí dụ mà tôi đã kể ở trên, cái
chìa khóa này sẽ tác động vào tinh thần của anh vào ngày sinh nhật sắp tới của
anh. Khi cái ý nghĩ về tiệc tùng nảy ra trong trí của anh thì thay vì chạy liền
đến chợ để mua rượu và đồ ăn thì có lẽ anh sẽ nghĩ đến những ưu tiên của anh
trước. Anh sẽ tự hỏi mình: Ta sẽ làm gì? Mua rượu hay để dành tiền cho khóa học
sắp tới?
20. Lòng kiêu hãnh
Pete là giáo sư đại học chuyên nghiên cứu
triết lý Vệ Đà. Ông và vợ đã thực tập Yoga đều đặn trong nhiều năm và cố gắng
tâm linh hóa cuộc sống hằng ngày. Pete vừa cho xuất bản cuốn sách biên khảo đầu
tay, ông nói:
- Thưa bà, đối với tôi bản ngã là cả một
vấn đề, dù không muốn nuôi dưỡng nó nhưng nó cứ gây khó khăn cho tôi hoài. Tôi
vừa hoàn tất cuốn sách biên khảo công phu sau 3 năm trời nghiên cứu, mọi người
đều cho rằng đó là một tuyệt tác và tôi có quyền hãnh diện về nó. Vì biết sự
hãnh diện chỉ làm gia tăng bản ngã nên tôi tự nhủ rằng mình không nên đi vào
con đường kiêu hãnh viển vông này, nhưng vợ tôi lại nói rằng: “Một sự kiêu hãnh
chân chính vốn không thuộc về bản ngã”. Nói một cách khác, tôi có quyền hãnh diện
về việc làm của tôi. Hiện nay tôi đang lúng túng về vấn đề này. Theo bà thì điều
này như thế nào?
- “Một sự kiêu hãnh chân chính” tự nó đã
là một mâu thuẫn, làm sao lại có thể kiêu hãnh một cách chân chính được?
- Tại sao lại không?
- Từ “kiêu hãnh” ngụ ý có một tác nhân
hành động độc lập có phải không? Vậy tác nhân đó là ai?
- Là tôi, là Pete.
- Là người chuyên nghiên cứu về triết lý
Vệ Đà thì theo ông, cái gì gọi là Pete?
- Theo tinh thần Vệ Đà thì Pete gồm có một
thể xác và trí não hằng thay đổi. Thân xác của Pete gồm có năm yếu tố chính được
cấu tạo bởi các “Gunas” hay các nguyên chất của vũ trụ là Tamas, Rajas và
Sattwa (Tĩnh, Động, Quân bình). Các Gunas xuất phát từ năng lực của Brahma, Thực
tại Vô Ngã, Vô Danh và Vô Hình.
- Nếu vậy thì cái gọi là Pete ở đâu?
- Tôi không biết... hắn vừa biến mất.
- Ông hãy suy ngẫm thật kỹ đi, cái gì vừa
biến mất vậy?
- Cái phóng ảnh của trí óc cho thấy Pete
là một tác nhân hành động độc lập nhưng nay suy ngẫm lại thì tôi thấy vốn chẳng
có một thực thể riêng biệt nào gọi là Pete cả, nhưng khi vướng mắc vào những hư
ảo trong dòng đời thì cái gọi là Pete lại trở lại. Tại sao lại như vậy?
- Tại sao lại như vậy ư? Phải chăng vì
chúng ta chỉ tham thiền về chân lý có một giờ trong ngày còn lại 23 giờ kia thì
chúng ta vẫn nuôi dưỡng cái ảo ảnh về một thực thể riêng rẽ, về một tác nhân độc
lập.
- Thưa bà lúc gần đây tôi thường cố gắng
đem Thiền vào cuộc sống hàng ngày. Tôi tìm cách ngưng các hoạt động bình thường
lại trong vài giây, vài phút để quan sát xác thân cũng như trí óc của tôi xem
chúng hoạt động ra sao. Tôi thấy rằng Pete chỉ là những năng lực tinh khiết, là
sự nhảy múa của năng lực này. Nói một cách khác, Brahma là người khiêu vũ còn
tôi là sự nhảy múa của người. Nghĩ như vậy có đúng không? Nghĩ rằng tôi chỉ là
một khối năng lực...
- Theo triết lý Vệ Đà thì nếu nghĩ “cái
gọi là Pete” chỉ là những năng lực, là điệu múa, là hành động của Brahma, là
đúng đấy.
- Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy có một cái
gì trường tồn và tĩnh lặng bên trong tôi.
- Cái đó là tâm thức, nó chứng kiến Pete
từ lúc hắn mới chập chững biết đi cho đến lúc hắn trở thành một giáo sư đại học,
nó quan sát tất cả mọi sự.
- Nếu như thế thì ai đã viết ra cuốn
sách hiện nay được mọi người ca ngợi và có tên Pete ở đó.
- “Trí Vũ Trụ” (Universal Mind) đã viết
ra cuốn sách đó chứ không phải một tác nhân hành động cho một mục đích cá nhân.
Trong cuốn “I am That” Sri Nisargadatta nói rằng Trí Vũ Trụ làm tất cả mọi việc,
nó sáng tạo và phá hủy hết thảy mọi vật và Đấng Cao Cả đặt sự đúng đắn vào bất
cứ gì thể hiện ra. Ông diễn tả Đấng Cao Cả là sự bình an vô biên và tình thương
vô tận.
- Xin trở lại với cuốn sách và sự kiêu
hãnh của tôi. Tôi phải làm gì mỗi khi lòng kiêu hãnh nổi lên? Tôi phải áp dụng
phương pháp gì? Cần câu hỏi nào để thức động tâm thức của tôi? Làm sao tôi có
thể được soi sáng, kiểm soát cái lòng kiêu hãnh này?
- Có một câu nói hết sức sáng suốt dưới
hình thức một câu hỏi có thể giúp ông trong trường hợp này. Đó là một câu trong
cuốn “Gương Chúa Jesus” (Imitation of Christ) của Thomas A. Kepis trong chương
“Sự phán xét bí mật của Chúa - Chúng ta không được kiêu hãnh vì đã làm việc tốt”.
Câu này như sau: “Liệu đất sét lại được tôn vinh hơn người đã sáng tạo ra nó
hay sao?”.
- Xin lỗi bà, tôi là một học giả chuyên
về Vệ Đà, tôi muốn biết trong Kinh này có câu nói nào giống như vậy để áp dụng
nhằm chống lại sự kiêu hãnh của bản ngã không?
- Được lắm, trước hết tôi muốn biết ông
đã soạn bản thảo cuốn sách đó bằng phương tiện gì? Ông viết bằng bút, sử dụng
máy chữ hay máy vi tính?
- Tôi luôn luôn sử dụng bút.
- Nếu vậy để tôi chia sẻ với ông một câu
chuyện ngắn của một đạo sư phương Đông và một học giả người Âu. Học giả này vừa
hoàn tất một cuốn bách khoa từ điển lớn, các bạn của ông xúm lại khen tặng rằng
đó là một công trình lớn lao phi thường. Trong chuyến thăm Ấn Độ, vị học giả đã
hỏi một đạo sư Vệ Đà rằng liệu ông ta có xứng đáng được hưởng những danh dự đó
không thì vị đạo sư này nói như sau: “Khi anh viết xong cuốn sách, anh có thường
cảm ơn cây bút mà anh đã dùng không?” - Đó cũng là câu hỏi của tôi đối với ông.
21. Thượng đế duy nhất
Vera xuất thân trong gia đình theo Thiên
Chúa giáo nhưng cô không chịu đi dự thánh lễ cuối tuần. Cô nói:
- Tôi tin ở Chúa nhưng không tin các cha
xứ. Thành phố tôi sống có mấy chục nhà thờ khác nhau. Mỗi nơi có một cha xứ cai
quản, bề ngoài họ có vẻ thân thiện nhưng bên trong họ thường bất đồng ý kiến,
ai cũng cho rằng mình đúng và kẻ khác sai. Do đó tín đồ cũng phân chia thành
nhiều nhóm rồi công kích lẫn nhau. Tôi không thích sự phân hóa, cạnh tranh như
vậy nên không tham dự các buổi lễ cuối tuần. Cha mẹ tôi rất buồn vì cho rằng
tôi là kẻ tội lỗi. Tôi muốn biết tại sao lại có quá nhiều nhà thờ như vậy? Liệu
người ta có thể sống thoải mái với niềm tin vào Chúa mà không cần đi dự lễ cuối
tuần được không?
- Con người đã phân hóa giáo lý của Đấng
Cứu Thế thành nhiều giáo phái, hệ phái, dựa trên những khác biệt về tín điều, mặc
dù đôi khi sự khác biệt này rất nhỏ. Một lý do nữa là phần lớn con người thường
giải thích Kinh Thánh qua lăng kính của lý trí. Chính cái trí óc luôn luôn lý
luận này đã đưa đến sự phân tách tỉ mỉ và tạo ra khác biệt. Đôi khi phong tục tập
quán xã hội, khuynh hướng cá nhân, hoặc sự giáo dục của gia đình trong nhiều
năm tháng, cũng nhồi nắn quan niệm cá nhân vào một đường hướng riêng, không giống
quan niệm của người khác. Chỉ khi nào biết vượt lên trên các tranh chấp, phân
biệt đó thì sự thật mới trở nên rõ rệt được. Theo sự hiểu biết của tôi, tinh
hoa mọi giáo phái đều giống nhau nhưng vì con người thích phân biệt nên mới có
sự khác biệt. Thay vì đi tìm những điểm giống nhau thì phần lớn lại cố tìm những
điểm khác nhau để phân biệt tôn giáo này với tôn giáo khác, truyền thống này với
truyền thống kia. Chính cái lý trí giới hạn, thiển cận của con người đã dựng
lên những hàng rào ngăn cách, xếp đặt những cái sống động thành những hệ thống
cứng nhắc, rồi đặt vào đó những giá trị như cái này tốt, cái kia xấu, cái này
đúng, cái kia sai. Vì quan niệm này, ai cũng cho rằng mình đúng và kẻ khác sai
nên mới có sự phân hóa, cạnh tranh. Khi biết vượt ra khỏi sự phân biệt, ra
ngoài phạm vi giới hạn của hàng rào phân cách, người ta sẽ thấy một sự thật là
vốn không có sự khác biệt. Tóm lại việc sống theo đức tin nồng nhiệt vào một
Thượng Đế duy nhất là điều có thể thực hiện được. Thượng Đế đâu muốn chúng ta
phải thờ phụng ngài mỗi tuần một cách máy móc đâu, ngài chỉ mong chúng ta hãy
thực hành những lời dạy bảo đầy bác ái của ngài, áp dụng nó vào đời sống. Nếu
không thích tham dự các buổi lễ cuối tuần, cô vẫn có thể đến thánh đường vào những
ngày trong tuần, và cầu nguyện trong sự yên tĩnh, vắng lặng. Cô nên tìm đọc
thêm các tác phẩm của Thánh Teresa d’Avila, hãy suy ngẫm thật kỹ và thực hành
những điều khuyên răn của vị này. Để tôi kể cho cô một câu chuyện ngụ ngôn Ấn Độ
như sau:
“Một tia sáng mặt trời bỗng tự nhiên
thích thú hình dáng của nó. Tia sáng ấy tự cho mình là đẹp, là đặc biệt, khi nó
lấp lánh phản chiếu trong hồ nước trong vắt. Nó nghĩ rằng nó là một tia sáng độc
lập, có hình dáng, màu sắc riêng biệt khác hẳn với những tia sáng khác. Dĩ
nhiên nó đẹp hơn, tốt hơn, và đặc biệt hơn. Nó bèn quay ngược trở về nguồn gốc
là mặt trời để khoe về tính chất đặc biệt của mình, nhưng khi trở về nguồn nó
ngạc nhiên khi thấy mặt trời là một nguồn ánh sáng bao la, chói sáng. Càng đến
gần trung tâm nó thấy mình không còn là một tia sáng độc lập nữa. Trước sau chỉ
có một mặt trời duy nhất mà thôi, chính nó là một phần của mặt trời và các tia
sáng khác cũng đều là mặt trời chứ không là gì khác”. Bước thang tinh thần của
người đang đi trên đường đạo cũng giống như leo lên một Kim Tự Tháp, dưới chân
tháp có nhiều điểm nhưng khi lên đến đỉnh chỉ có một điểm nhọn duy nhất mà
thôi.
22. Tự do ý chí
Trevor là nhân viên bảo trì cho một nhà
thờ tại thành phố Pennsylvania. Anh thắc mắc:
- Con người có tự do ý chí không? Nếu tất
cả mọi việc đều đã được Thượng Đế sắp đặt thì ý chí đóng vai trò gì? Theo giáo
lý, tôi không có quyền gì cả vì ơn trên đã lo liệu đầy đủ. Tuy nhiên trên thực
tế, tôi cũng có chút quyền hạn trong công việc hàng ngày. Thí dụ tôi có quyền
yêu cầu mọi người rời khỏi giảng đường để tôi quét dọn, có thể khóa cửa nhà thờ
vào lúc nửa khuya, v.v.
Đêm qua có một buổi họp tại nhà thờ để
bàn việc chi đó. Lúc nửa khuya tôi đi kiểm soát thì thấy vẫn còn mấy người nán
lại trong phòng họp để chơi bài và tán gẫu. Vị mục sư không bao giờ cho phép
chuyện lạm dụng phòng họp như thế, dĩ nhiên tôi có thể yêu cầu họ rời khỏi nhà
thờ ngay. Chiếu theo luật lệ quy định thì điều này thuộc quyền hạn của tôi
nhưng thay vì áp dụng luật, tôi đã dừng lại suy nghĩ. Tôi không biết có nên nhắc
nhở cho họ biết rằng họ đến đây vì Chúa chứ không phải để đánh bài. Tôi cầu
nguyện: “Lạy Chúa, xin Ngài cho biết con phải làm gì?”. Bất chợt tôi cảm thấy
có một sức mạnh kỳ lạ, một thông điệp ở đâu vang lên trong tai tôi rằng hãy để
họ yên. Tôi ý thức rằng đó là một tiếng nói vô thanh phát xuất từ một quyền lực
cao cả nào đó, nên lẳng lặng bỏ đi không can thiệp vào việc đó nữa. Dĩ nhiên đó
là trường hợp ngoại lệ nhưng tôi vẫn thắc mắc nếu tất cả đều do ý Chúa thì công
việc của tôi trong cuộc đời này là gì?
- Nếu anh đề cập đến canh bạc thì tôi tạm
lấy thí dụ về một ván bài cho dễ hiểu. Này anh bạn, cuộc đời cũng giống như một
canh bạc mà trong đó mỗi người được chia một số quân bài nhất định và không thể
thay đổi. Thí dụ anh đã có những lá bài 10, Bồi, Đầm, Vua, chỉ thiếu một con
“Át” nữa thôi là thắng lớn nhưng tiếc thay anh chỉ được lá bài “3 trái tim” nên
không thể thắng. Cuộc đời cũng thế, chỉ cần xê dịch vài con số là kẻ nọ trúng độc
đắc, chỉ cần một giải phẫu thẩm mỹ rất nhỏ là cô kia thắng giải hoa hậu, chỉ cần
có chút bằng cấp là em này tìm được việc làm như ý. Tuy nhiên, sự thật thì người
nào khác chứ không phải kẻ nọ đã trúng độc đắc, một thiếu nữ nào đã thắng giải
hoa hậu chứ không phải cô kia, một người nọ đã được việc làm mà em này mong muốn.
Tóm lại, số độc đắc, giải hoa hậu, việc làm tốt, là của những người khác vì họ
đã có đủ những “lá bài” để thắng. Tại sao họ có đủ lá bài mà anh thì không? Tại
sao anh được lá bài “3 trái tim” thay vì lá bài “Át”? Hiển nhiên anh không biết
lý do nhưng nếu anh biết cuộc đời là một canh bạc mà trong đó không hề có yếu tố
may rủi thì anh sẽ hành động khác. Sự thật thì tất cả đều phát xuất từ một định
luật thiêng liêng công bình và bất biến. Tất cả “Nhân” đều gây ra “Quả” chứ
không có gì là ngẫu nhiên, trùng hợp hay may rủi. Hiểu như thế anh nên nhìn cuộc
đời bằng một nhãn quan khác như sau:
Hãy làm trọn vẹn bổn phận được giao phó
một cách bình thản. Bình thản nghĩa là chấp nhận, không khó chịu, bất mãn, hay
đau khổ. Anh phải chấp nhận rằng anh có lá bài “3 trái tim” chứ không phải lá
bài “Át”, do đó anh không thắng. Anh không nên chống đối, khó chịu hay bất mãn
với bất cứ điều gì dù kết quả chỉ xê xích đi khoảng một sợi tóc. Hãy để mọi việc
xảy ra một cách tự nhiên, đừng phản kháng, đừng bất mãn khi đã làm hết sức mình.
Thật ra một việc sẽ tốt đẹp hơn khi người thực hiện nó biết bỏ qua mọi bám víu
vào các điều kiện hay kết quả. Chúng ta có thói quen nghĩ rằng mình và chỉ mình
thôi mới có thể làm việc đó một cách tốt đẹp. Lúc nào con người cũng nghĩ rằng
họ có thể thay đổi được mọi sự bằng sức mạnh bé bỏng của mình, hiển nhiên họ
thường đau khổ vì kết quả không mấy khi xảy ra như họ nghĩ. Sự thật thì chúng
ta chỉ là một lá bài trong canh bạc lớn là cuộc đời mà trong đó kẻ thắng không
phải là người cầm tiền ra về mà là kẻ biết tin cậy vào sự khôn ngoan, sáng suốt
đầy minh triết của bàn tay điều khiển những cây bài. Dĩ nhiên anh không thể mặc
cho số phận dun rủi hay thụ động để mặc cuộc đời trôi chảy ra sao thì ra. Anh cần
làm việc tích cực nhưng không nên quá chú trọng vào kết quả. Phải biết dừng lại,
ý thức về nguồn cội, biết rằng tất cả chúng ta vốn thực sự là sự thức tỉnh sáng
ngời phát xuất từ một niềm an tĩnh, phúc lạc vô biên chứ không phải là những cá
nhân rời rạc trôi nổi như bèo giạt trên sông.
- Như vậy ngoài tự do ý chí, chúng ta
còn phải biết chấp nhận nữa?
- Đúng thế, một con chim chỉ có thể bay
được bằng hai cánh, trong sự chấp nhận vẫn có tự do ý chí, tự do làm việc, tận
dụng mọi khả năng cá nhân, nhưng điều chính yếu là không quá chú trọng đến kết
quả. Khi đã vượt qua được quan niệm xấu hay tốt, thành công hay thất bại, được
hay thua, còn hay mất thì anh sẽ thấy rằng, biết chấp nhận chính là một phần của
tự do của ý chí.
23. Gãi ngứa
Mandy cho biết cô không thích theo một
tôn giáo hay đường lối nào. Trong suốt 10 năm nay cô chỉ tham thiền đều đặn,
chú tâm vào tự thân chứ không nhằm đến thực tại vô ngã hay một vị thần linh
nào, cô cố gắng quán xét về sự dối trá lừa gạt của cái trí. Cô nói:
- Tham thiền đã rọi sáng cho tôi thấy rằng
dục vọng là cây gai lớn nhất trong da thịt mình, nó bịt mắt chúng ta và lôi kéo
chúng ta vào trong cái vòng quay cuồng không bao giờ chấm dứt. Trước đây mấy
năm tôi đã dự một buổi thảo luận của bà và bà đã đề cập đến những điều liên
quan đến dục vọng mà tôi không thể quên được. Bà nhắc lại lời một đạo sư nói rằng
khoảng cách giữa chúng ta và Thượng Đế tương ứng với số dục vọng của chúng ta.
Gần đây tôi quan sát thật kỹ cái trí của tôi thì mới thấy các dục vọng đã lôi
cuốn tôi đi trước khi tôi nhận biết, giống như cái máy ấn nút là chạy. Dục vọng
nổi lên, đèn xanh bật, chân tôi chuyển động là trí óc tôi tự động sắp xếp, hình
như không còn ai can thiệp nổi nữa. Bà có thể chia sẻ với tôi sự hiểu biết của
bà về việc này không?
- Vị đạo sư Ấn Độ mà cô vừa đề cập đến
đã nói câu đó trong trường hợp sau. Một buổi sáng ngài đang thuyết giảng cho
các đệ tử thì thấy một thanh niên trẻ tuổi ngồi ở cuối phòng đang gãi lưng.
Ngài bèn hỏi:
- Này anh bạn, anh làm gì vậy?
Thanh niên trả lời:
- Tôi đang gãi lưng.
- Anh cảm thấy dễ chịu chứ?
- Dĩ nhiên rồi, gãi ngứa luôn luôn dễ chịu.
Đạo sư lắc đầu:
- Không phải sự gãi ngứa làm anh thấy dễ
chịu đâu, mà thực ra anh cảm thấy dễ chịu vì sự gãi đó làm cho cái ngứa biến mất.
Cũng như thế, dục vọng cũng như chỗ ngứa đã lôi cuốn chúng ta phải hành động,
phải “Gãi chỗ ngứa” và gãi mãi không thôi. Mỗi khi dục vọng nổi lên đòi hỏi thì
chúng ta liền chú ý đến chúng và kiếm đủ mọi cách để làm thỏa mãn chúng. Sự thỏa
mãn này đem lại một sự bình an tạm thời trong tâm trí chúng ta. Rất ít ai nhận
thức rằng sự bình an này chỉ hiện diện trong một khoảng thời gian ngắn giữa hai
dục vọng mà thôi. Thời gian giữa hai dục vọng càng lâu thì chúng ta càng cảm thấy
bình an nhiều hơn. Nói một cách khác, bình an là “khoảng giữa” của các tư tưởng,
là chỗ nước lặng yên giữa hai ngọn sóng, là lúc cái trí đang lặng yên.
- Như vậy hậu quả việc thỏa mãn các dục
vọng này ra sao?
- Thỏa mãn dục vọng như vậy cũng giống
như đổ dầu vào lửa để dập tắt lửa. Sự thỏa mãn này chỉ làm gia tăng nhiên liệu
cho dục vọng, vì mỗi khi chiều theo nó là chúng ta tự động hoàn tất một chu kỳ
của dục vọng; ngứa thì gãi, gãi thì thỏa mãn, thỏa mãn xong ít lâu lại ngứa nữa
và ngứa thì lại gãi, cứ thế xoay vần làm chúng ta không thể nào yên được. Dục vọng
lúc nào cũng đòi hỏi và sự thỏa mãn dục vọng tạm thời như vậy đã làm chúng ta
không còn ý thức gì được về sự bình an duy nhất và thật sự nữa.
- Nếu bà đã nói như thế thì chúng ta phải
phản ứng thế nào mới đúng?
Sri Ramana Maharshi đã khuyên rằng mỗi
khi dục vọng nổi lên trong trí thì chúng ta phải thẳng thắn đối đầu với nó.
Thay vì lo thỏa mãn thì chúng ta hãy tự hỏi: Dục vọng này là của ai vậy? Ai
đang cảm nhận nó? Hành động tự hỏi này sẽ cắt đứt cái chu kỳ tự động kia. Nó sẽ
hướng dẫn tâm thức chúng ta trở về trung tâm, trở về cái “Ta” thật sự. Nếu
không cắt đứt cái vòng luẩn quẩn này thì chúng ta chỉ như một con chó bị xích
vào một chỗ, cứ kéo sợi dây xích chạy quanh. Sri Maharshi còn nói thêm rằng
toàn thể vũ trụ chỉ là sự thể hiện của nhu cầu. Tôi nghĩ rằng thế giới này giống
như một quả bóng “Bowling”. Dục vọng là ngón tay bám vào quả bóng, tạo một lực
mạnh để quả bóng lao thẳng vào đích nhắm. Mục đích cuộc đời không phải là một
cái đích nhắm mà là làm chủ dục vọng để thoát ra khỏi tầm kiềm tỏa của nó. Con
đường giải thoát là không bị đồng hóa với các làn sóng nhấp nhô của tâm trí. Cô
nói đúng đấy, dục vọng cứ làm cho chúng ta chạy mãi cho đến lúc chúng ta không
thể chạy được nữa, vì chúng ta không bao giờ biết thỏa mãn với cái mà chúng ta
hiện có.
24. Ân huệ
Harry sống cô đơn trong một khu phố tồi
tàn. Ly dị và thất nghiệp khiến anh trở thành một người nghiện rượu rất nặng
nhưng anh không đủ can đảm tham dự các lớp cai nghiện rượu. Anh nói:
- Một hôm tôi đang lang thang trên đường
với một người bạn, mấy hôm không có giọt rượu nào vào cổ khiến tôi có cảm giác
thiếu thốn. Khi đi ngang quán rượu, bạn tôi bảo: “Sao tôi mê một ly cocktail
quá đi”. Vừa nghe nói vậy là trí óc tôi trở nên mê muội, tôi chỉ nghĩ đến ly rượu
và những quả hạnh đào màu đỏ trong đó, miệng tôi chảy nước dãi, dạ dày cồn cào.
Chỉ vài phút sau chúng tôi đã ngồi trong
quán rượu, uống hết ly này đến ly khác. Đêm đó tôi đã phải vào bệnh viện. Vài
tuần sau khi xuất viện, đang đi trên đường thì bạn tôi lại đến rủ: “Mày nghĩ
sao? Chỉ một ly nhỏ thôi”. Thế là tôi lại quên hết tất cả và rồi lại trở vào bệnh
viện một lần nữa. Chuyện này cứ tiếp diễn từ năm này qua năm khác. Tháng trước
một mục sư đã khuyên tôi: “Anh phải cầu xin ơn huệ của Chúa ngay lúc bạn anh rủ
anh uống rượu để Chúa cứu anh thoát khỏi lỗi lầm này”. Tôi cũng muốn thế lắm
nhưng khốn nỗi tôi không có nghị lực, cứ nghe thấy chữ “rượu” là đầu óc của tôi
như bị ám ảnh rồi, làm sao người ta có thể nhận được ân huệ khi người ta yếu đuối?
- Này anh bạn, nhiều năm về trước tôi là
một cao thủ về môn cờ. Như anh biết, cờ là một cuộc chiến giữa hai đội quân,
các con xe là các binh sĩ chiến đấu và cần được bảo vệ. Thời xưa binh sĩ mặc áo
giáp, không ai tấn công họ từ mặt trước hay mặt sau vì có áo giáp cản trở. Cách
duy nhất là tấn công phía bên cạnh mà thôi. Trong môn cờ cũng thế, người ta thường
tấn công những con xe này ở vị trí kề cận và để bảo vệ, người chơi cờ phải
tránh để quân xe đứng ở vị trí có hại cho nó. Anh hãy thử áp dụng quy tắc này
vào trường hợp của anh: Nếu anh đi trên đường phố một mình mà quanh anh toàn là
những cửa tiệm bày bán những thứ hấp dẫn, có cả tiệm bán rượu nữa thì anh có thể
cầu nguyện: “Con đã khốn khổ quá rồi, xin Chúa ban ân huệ cho con”. Ngay sau đó
anh phải lập tức rời xa cái hoàn cảnh đó đi bằng cách rẽ qua một lối khác. Cái
ý định chạy thoát khỏi cám dỗ là việc của anh rồi ân huệ sẽ giúp anh sau. Giống
như mặt trời, ân huệ không bao giờ phân biệt. Mặt trời không hề nói: “Ta soi
sáng cho người này nhưng không cho người khác”. Nếu chúng ta ngồi trong phòng
mà kéo màn che cửa sổ thì làm sao mặt trời đến với ta? Chúng ta phải ra khỏi
căn phòng đó thì mới có thể hưởng được ánh sáng mặt trời. Nếu chơi cờ, chúng ta
phải đặt sao cho quân cờ không nằm trong thế bị kẻ địch tấn công thì muốn hưởng
ân huệ, chúng ta phải tránh xa các hoàn cảnh bất lợi đã. Nếu không biết tránh
nó thì ngày hôm nay cũng như ngày hôm qua và ngày mai cũng như ngày nay, chẳng
có gì thay đổi cả. Cái giá mà anh phải trả cho điều anh muốn là sự ao ước sẽ
thay đổi, anh hãy trả cái giá đó đi rồi ân huệ sẽ đến với anh.
25. Phân biệt và phán đoán
Barbara là một luật sư trẻ tuổi làm việc
trong tòa án thành phố. Cô nói:
- Thưa bà, nghề nghiệp của tôi khiến tôi
khó xử khi phải dung hòa giữa những điều gọi là “Đúng” và “Sai”. Là một người
có đời sống tâm linh, tôi được dạy rằng chúng ta không nên phán đoán người
khác, không nên có thái độ ưa thích cái này hay ghét bỏ cái kia, nhưng nếu làm
như vậy thì bất cứ điều gì cũng tốt như nhau hay cũng xấu như nhau hay sao? Làm
sao chúng ta có một tiêu chí để quyết định?
- Sự phân biệt là một đức tính quan trọng,
nó khác xa sự phán đoán. Tôi kể một câu chuyện ngắn sau đây để tùy cô nhận xét:
“Có một đạo sĩ Ấn Độ đang đi trên đường làng, ông vừa đi vừa lẩm bẩm cầu kinh:
“Vạn vật đều là Thượng Đế, mọi vật đều có Thượng Đế ngự ở trong”. Gần đó có một
người quản tượng đang dắt một bầy voi ra sông tắm, người quản tượng la lớn:
“Này ông kia, mau tránh ra một bên vì những con voi này chưa thuần lắm đâu,
chúng có thể làm hại ông”. Tuy nhiên đạo sĩ lý luận: “Mọi vật đều là Thượng Đế,
con voi cũng là Thượng Đế” nên không chịu tránh qua một bên. Khi đến gần, một
con voi lấy vòi hất tung ông này sang một bên đường khiến ông gẫy dập cả xương
sườn. Người quản tượng tức quá chạy đến la lớn: “Thật là ngu xuẩn, tôi bảo ông
tránh qua một bên kia mà! Tại sao ông cứ đâm sầm vào bầy voi của tôi?”. Đạo sĩ
thều thào: “Bởi vì mọi vật đều là Thượng Đế, con voi cũng là Thượng Đế kia mà”.
Người quản tượng lắc đầu: “Đúng vậy. Nhưng tôi cũng là Thượng Đế, tôi bảo ông
tránh qua một bên sao ông chẳng nghe?”.
Sự phân biệt là một điều cần thiết quan
trọng trên đường đạo vì nó xây dựng trên sự hiểu biết, trên khả năng trực giác
cao cả. Còn thái độ “Cái này tốt cái kia xấu” hoặc “Cô này xấu, ông kia tốt” đều
là những sự phán đoán bắt nguồn từ cảm xúc, là một căn bệnh của trí óc. Sự phân
biệt giúp chúng ta lựa chọn bạn bè, thái độ sống, hành động, hoàn cảnh, để
chúng ta có thể đạt đến mục tiêu lánh xa những phiền não. Trong khi sự phán
đoán chỉ là những cảm xúc nhất thời, không giúp gì cho sự phát triển tâm linh
mà chỉ tạo thêm phiền não cho đời sống, khiến chúng ta trở nên mù quáng, dễ có
những hành động sai lầm.
26. Khoảng cách
Bernard là kỹ sư cầu cống đã về hưu, từ
nhiều năm nay ông cố gắng hướng cuộc đời theo truyền thống tâm linh vì ông
không mong gì hơn là được hợp nhất với Thượng Đế trước khi chết. Ông nói:
- Tôi có một thắc mắc cứ ám ảnh đầu óc
mãi, là làm sao tôi có thể biết được tôi đang đến gần Thượng Đế, có tiêu chuẩn
nào để người ta định giá được sự cận kề với Thượng Đế không?
- Cách đây không lâu tôi đã nghe một người
đặt câu hỏi như vậy với một hiền triết người Ấn tại một đạo viện trong dãy Hy
Mã Lạp Sơn có khá đông người Âu Mỹ đang theo học. Hàng ngày thầy trò cùng nhau
tham thiền trên bãi cỏ trước đạo viện, sau buổi thiền họ thường thảo luận và nếu
ai còn thắc mắc điều gì thì họ sẽ nói ra. Câu hỏi về sự kề cận Thượng Đế đã được
nêu lên. Đạo sư nói:
- Câu hỏi này hay lắm. Dĩ nhiên có một
thước đo, nhưng trước hết tôi muốn hỏi các bạn một câu. Các bạn có bao nhiêu
ham muốn?
- Ham muốn loại gì?
- Bất cứ loại nào, thí dụ như anh muốn
có căn nhà lớn có hồ tắm, có thật nhiều tiền, có người bạn gái thật đẹp, có một
mái ấm gia đình, một khả năng về thể thao, một nghề chuyên môn, một bằng cấp
cao, một chiếc xe thể thao thật lộng lẫy hay được nổi tiếng, v.v. Các bạn hãy lấy
giấy bút ra, ghi chép tất cả những ham muốn mà các bạn đang ao ước rồi đếm xem
bạn có bao nhiêu ham muốn?
Sau khi mọi người ghi chép xong, đạo sư
lên tiếng hỏi từng người:
- Bạn có bao nhiêu ham muốn?
- Tôi có ba mươi sáu cái.
- Tôi có sáu mươi điều.
- Tôi có mười tám điều.
Sau khi chờ mọi người nói xong, đạo sư gật
đầu:
- Được lắm, bây giờ các bạn hãy tưởng tượng
rằng có một cây thước đo chiều dài của điều mà các bạn ham muốn, và các bạn đã
có con số rồi đó.
- Chúng tôi không hiểu?
- Này các bạn, chiều dài của danh sách
ham muốn chính là mức độ cách xa của bạn với Thượng Đế. Nói một cách khác, khoảng
cách giữa ta và Thượng Đế có thể ước lượng bằng con số của các ham muốn mà ta
có trong lòng.
27. Hãy đặt gánh nặng xuống
Marty đến tham dự buổi hội thảo về đề
tài “Xả hết để theo Chúa”. Là một kỹ sư vi tính, anh đã bỏ công việc trong một
công ty lớn để thành lập một công ty riêng. Công việc phát triển tốt đẹp, anh
ký hợp đồng với chính phủ để cung cấp các dịch vụ về tin học nhưng cuộc đời của
anh cũng bước vào một khúc rẽ mới. Anh nói:
- Thưa bà, trước đây tôi có nhiều thời
gian cho mọi việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thời gian cho vợ
con, nhưng bây giờ thì không còn gì nữa. Tôi làm việc từ sáng đến tối, nhiều
khi thâu đêm suốt sáng cho kịp kỳ hạn.
Tuần qua tôi phải ngủ luôn ở văn phòng để
tiết kiệm giờ giấc. Huyết áp của tôi lên cao và bác sĩ bắt tôi phải xả bỏ tất cả
nếu muốn tránh bệnh đau tim. Hôm nay tôi đến tham dự buổi hội thảo này để học
phương pháp “Xả bỏ” chứ không phải “Theo Chúa” vì tôi không tin ở quyền năng
này. Tôi có cảm giác như hiện nay mình đang theo đuổi một cái gì đó, nhưng nó
chạy nhanh quá, bắt không kịp. Bà nghĩ sao?
- Để tôi kể cho anh nghe một câu chuyện
như sau: Có một người đi xe lửa, vì là một hành trình rất dài nên anh mua vé ngồi
chỗ thật tốt. Xe lửa được điều khiển bởi một nhân viên hỏa xa lành nghề nên chạy
rất êm; nhưng thay vì đặt hành lý của mình xuống, người nọ lại cứ ôm khư khư
trên người: đầu ông ta đội một chiếc vali lớn, trên đùi đặt một xách tay rất nặng,
hai tay ôm hai túi hành lý khổng lồ. Anh nghĩ sao về hình ảnh đó?
- Thật đáng buồn cười chứ sao.
- Theo anh thì người đó phải làm gì?
- Dĩ nhiên ông ta phải đặt tất cả hành
lý xuống chứ ai lại ôm mãi hành lý trong chuyến đi dài như vậy.
- Tại sao?
- Xe lửa chuyên chở tất cả, hành khách
đâu cần ôm hành lý trên tay.
- Đúng thế. Trường hợp của anh cũng như
vậy, nên anh cần xả bỏ hết đi.
- Tôi không hiểu bà muốn ám chỉ điều gì?
- Hãy trút tất cả hành lý của anh xuống,
chuyến xe lửa cuộc đời đã chuyên chở nó rồi.
- Hành lý của tôi ư? Ý bà là gì?
- Anh hãy kể cho tôi nghe những điều
đang làm anh bận tâm hiện nay, trí óc anh đang nghĩ gì?
- Tôi đang nghĩ đến bộ mặt của nhân viên
chính phủ khi tôi cho họ biết chương trình điện toán chưa hoàn tất. Tôi đang lo
lắng về những giao kèo trong thời gian sắp tới. Tôi cảm thấy khó chịu về nhân
viên trong công ty của tôi, lúc làm, lúc nghỉ, có lúc chăm chỉ, khi lại lười biếng.
Tôi đang lo tiền học phí cho con gái tôi ở đại học, tiền bảo hiểm xe hơi cho đứa
con trai lớn và việc sửa chữa căn nhà chúng tôi mới mua.
- Đó chính là những hành lý mà anh phải
đặt xuống.
- Thưa bà, xe lửa là một chuyện vì nó có
người điều khiển và đi trên một lộ trình nhất định. Cuộc đời đâu giản dị như thế,
ai sẽ chỉ huy công việc của tôi? Ai sẽ chịu trách nhiệm về công ty của tôi? Tôi
chứ ai, tôi đang điều khiển chuyến xe công việc của tôi, tôi phải chịu trách
nhiệm về công ty của tôi cũng như mọi thứ liên quan đến nó.
- Đúng thế, anh chỉ có thể kiểm soát được
việc làm của mình chứ không kiểm soát được kết quả của nó.
- Bà nghĩ rằng có sự khác biệt hay sao?
Theo ý tôi thì mọi kết quả đều do hành động mà ra.
- Vậy sao? Phải chăng kết quả công việc
của anh đều tùy thuộc vào số lượng thời giờ mà anh ngồi trước cái máy vi tính?
Hãy đi sâu hơn vào chi tiết: Phải chăng sản phẩm của công việc anh làm còn tùy
thuộc vào những yếu tố khác nữa như mức độ ánh sáng nơi phòng làm việc. Không
có ánh sáng, anh không thể nhìn thấy gì và dĩ nhiên không thể làm việc được. Phải
chăng công việc chỉ có thể trôi chảy tốt đẹp nếu không có các trở ngại? Phải
chăng anh càng thoải mái, xả giãn nhiều thì công việc của anh càng nhẹ nhàng
đi? Tình trạng và thái độ của nhân viên làm việc với anh cũng quan trọng không
kém. Phải chăng họ làm việc vì sự hối thúc để sản xuất một số lượng nào đó hay
làm việc với một ý muốn là góp phần vào việc xây dựng công ty? Thái độ của nhân
viên định giá phẩm chất của công việc, và phẩm chất của sản phẩm bảo đảm cho
tương lai công ty. Tóm lại, có vô số điều kiện khác nhau chi phối mà anh không
thể kiểm soát hết được, do đó anh chỉ có thể làm việc hết sức mình và chấp nhận
mọi kết quả.
- Nếu nói như vậy thì mọi vật đều như
tình cờ hay sao?
- Không, không phải vậy. Trên đời này
không có gì xảy ra một cách tình cờ hết. Có một trí thông minh đại đồng
(Universal Intelligence) điều hành tất cả. Cái trí thông minh này không bao giờ
ngủ và cũng không hề nghỉ hè, cái trí này xoay chuyển vũ trụ và xếp đặt guồng
máy phức tạp của đời sống, trao đổi các sức mạnh linh động giữa các sinh vật và
loài thảo mộc, sự xuất hiện cũng như tan biến của các hành tinh, mặt trời, mặt
trăng, mùa hè cũng như mùa đông. Anh có thể gọi trí thông minh này là định luật
vũ trụ hay Thượng Đế tùy theo quan niệm riêng.
- Xin lỗi bà, tôi là người cần được chứng
minh cụ thể trước khi tin tưởng điều gì.
- Được rồi, anh có biết hiện nay các lá
phổi, trái thận hay gan của anh đang hoạt động như thế nào không? Có lẽ là
không, nhưng công việc đó vẫn tiếp diễn mà anh coi là điều tự nhiên. Anh không
thể kiểm soát các diễn trình đang xảy ra bên trong cái mà anh gọi là thể xác của
anh. Thân thể của anh là một cơ quan kỳ diệu đang hoạt động mà không cần sự đồng
ý hay kiểm soát của anh, nhưng tất cả đều hoạt động cho một muc đích chung là
duy trì sự sống cho anh. Cũng giống như hàng tỷ tế bào trong cơ thể của anh thì
chúng ta cũng là một tế bào bé nhỏ trong một thể xác vĩ đại của vũ trụ. Chúng
ta đều là một phần trong cái Toàn Thể mà chúng ta có thể gọi bằng danh từ gì
cũng được. Do đó bộ óc của chúng ta, bàn tay của chúng ta không được tạo ra để
làm gì riêng cho chúng ta mà để góp phần vào sự vận hành chung của tất cả. Nếu
chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta là những cá nhân riêng rẽ thì chúng ta đã đi sai
đường rồi. Này ông bạn, chúng ta không thể kiểm soát được khi chúng ta bước vào
đời hay lúc chúng ta ra khỏi cuộc đời, thì tại sao chúng ta lại nghĩ rằng mình
có thể kiểm soát được phần ở giữa?
- Thưa bà, phải thú thật là câu nói của
bà về cái khoảng giữa đó đã đập mạnh vào đầu óc của tôi. Đây là lần đầu tiên
trong đời tôi nghĩ đến điều đó, thưa bà năm nay tôi đã 45 tuổi rồi mà tôi chưa
hề biết sợ hãi một cái gì cả.
- Anh may mắn đã nhận thức được điều này
lúc 45 tuổi, biết bao người khác đã thấy gì đâu. Để xả giãn, tôi đề nghị anh
nên ghi tên học một lớp Yoga, quanh vùng này có rất nhiều lớp dạy Yoga rất tốt.
- Điều đó có cần thiết không? Tôi vẫn
thường tập thể dục mỗi khi có dịp.
- Điều anh cần là sự thoải mái, xả giãn
và Yoga có thể giúp anh được. Anh không cần phải tin tôi mà hãy tự trải nghiệm
điều này, ngay trong thời gian đầu anh sẽ học cách làm xả giãn cả thể xác lẫn
thể trí. Hãy phân tích những việc anh làm trong công sở, bất cứ điều gì mà anh
và các nhân viên có thể làm thật tốt trong giờ làm việc thì hãy cứ giữ như vậy,
và bỏ hết đi những cái thừa thãi còn lại. Anh hãy tùy nghi mà sắp đặt các nhu cầu
và ham muốn cho hợp lý. Đừng tham lam làm việc quá sức mình. Hãy soạn thời khóa
biểu cho chính mình để có thời gian làm việc cũng như nghỉ ngơi và thời gian
dành cho gia đình. Sau giờ làm việc, anh hãy thực hành Yoga một cách đều đặn rồi
nên dành một khoảng thời gian lúc vừa thức dậy và trước khi đi ngủ để tham thiền.
Chỉ cần làm khoảng vài phút mỗi ngày cũng đủ, nhưng phải thật đều đặn. Thầy dạy
Yoga sẽ chỉ dẫn cho anh cách tọa thiền, khi trí anh đã định, tâm anh cởi mở, thể
xác anh thoải mái thì những sức mạnh ở trên cao sẽ tuôn xuống cho anh. Kết quả
là anh sẽ làm được nhiều việc tốt và chắc chắn huyết áp của anh sẽ thuyên giảm.
Qua việc tập Hatha Yoga và thực hành thiền định hàng ngày, anh sẽ dần dần cởi bỏ
cái tư tưởng rằng Marty là người đang điều hành màn kịch hàng ngày. Nếu cần,
anh nên đọc thêm Thánh Kinh để có thể nắm vững được các động lực mạnh mẽ đằng
sau câu châm ngôn: “Các con chỉ có thể kiểm soát được hành động nhưng không kiểm
soát được kết quả”.
28. Giác ngộ
Sandy là một thiếu nữ trẻ làm việc trong
một nhà in lớn ở New York. Ngoài giờ làm việc, cô tham thiền đều đặn theo một
phương pháp của Phật giáo Tây Tạng. Đối với cô, thiền định là điều cần thiết
như hơi thở, ngoài nó ra cô không còn thích điều gì khác nữa. Cô muốn có kinh
nghiệm tâm linh càng sớm càng tốt. Cô nói:
- Thưa bà, tôi muốn biết phải mất bao
lâu một người như tôi mới có được những kinh nghiệm tâm linh? Nói một cách
khác, nếu thiền định đều đặn hàng ngày thì bao lâu nữa tôi có thể giác ngộ được?
Tôi đã hỏi nhiều người nhưng mỗi người trả lời một khác.
- Kinh sách phương Đông nói rằng sự giác
ngộ đến trong nháy mắt. Giác ngộ có nghĩa là “Thức tỉnh” lập tức. Có lẽ điều cô
muốn hỏi là phải chuẩn bị bao lâu để đạt đến trạng thái giác ngộ này. Theo sự
hiểu biết của tôi thì có ba yếu tố quyết định việc này: Thứ nhất là mục đích và
phương pháp phải rõ ràng, giống như khi đi xa cô cần phải biết cô muốn đi đâu
và đi bằng phương tiện gì. Yếu tố thứ hai là cô muốn biết hiện nay cô đang ở
đâu, giống như địa điểm khởi hành của một chuyến đi vậy. Thí dụ cả hai chúng ta
cùng muốn đến La Mã, cô khởi hành từ Paris còn tôi khởi hành từ Miami thì dĩ
nhiên cô sẽ đến La Mã trước tôi. Yếu tố thứ ba là lòng khao khát mạnh mẽ. Thí dụ
cả hai chúng ta đều học đàn piano. Tôi chỉ muốn học cho biết thôi nên mỗi ngày
chỉ dành khoảng 20 phút để tập luyện. Cô muốn trở thành nhạc sĩ trình diễn nhạc
cổ điển tại nơi danh tiếng nên nỗ lực dành riêng 5 hay 8 giờ mỗi ngày để rèn
luyện. Nếu bạn bè rủ đi xem hát, chơi thể thao thì tôi sẵn sàng bỏ việc tập dượt
để tham dự những thú vui này, trong khi cô nhất quyết không rời cây đàn. Ngay
trong lúc ăn, lúc ngủ cô cũng cố gắng nhẩm lại những nốt nhạc, những khúc đàn
mà cô sắp trình diễn, không lúc nào quên mục tiêu chính yếu của mình. Với lòng
khao khát mạnh mẽ như thế thì thời gian chuẩn bị của cô chắc chắn sẽ ngắn hơn.
- Xin cám ơn bà đã giải thích cho tôi một
cách rõ ràng, đó là điều tôi muốn nghe. Thưa bà, tôi không còn nhiều thời giờ nữa,
tôi e sợ rằng nghiệp báo của tôi đổ xuống lúc tôi chưa sẵn sàng, lúc tôi chưa
giác ngộ.
Sandy khóc òa lên một lúc rồi cho biết rằng
trước kia, khi còn làm việc trong quán rượu, cô đã nghiện ma túy và có lúc bán
cả ma túy nữa. Một hôm cô theo bạn bè đi nghe diễn thuyết tại một trường đại học.
Diễn giả là một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng đã giảng về nghiệp báo. Cô nói:
- Lúc ông ấy bắt đầu giảng, tôi đã cảm
thấy có một cái gì khác thường xảy ra cho tôi. Tôi thấy sợ hãi về những hành động
trong quá khứ của mình. Ông ấy nói rằng không ai có thể thay đổi được những gì
mình đã làm, gieo nhân nào thì gặt quả đó. Không cần phải ai nói, tôi cũng biết
rằng ông nói đúng. Đã vay ắt phải trả, trả cho kỳ hết mới thôi. Sau đó ông còn
nói thêm về việc phải tìm cách tự giải thoát cho chính mình ra khỏi nhà tù của
thể xác, để thoát vòng kiềm tỏa của luân hồi. Tôi ngồi đó nhưng tâm hồn hết sức
xúc động, tôi nghĩ đến những điều ghê gớm mà tôi đã phạm khi tôi vẫn sử dụng và
bán ma túy, và tôi thấy mình quả thật hèn hạ. Tôi nghĩ: Trời ơi, tôi sẽ ra sao
đây?
Sau khi diễn giả nói xong, tôi vội chạy
đến để tiếp xúc với ông, nhưng tôi không nói được gì mà chỉ khóc ròng. Vị tu sĩ
tiếp xúc với các thính giả xong bèn quay qua tôi để chờ đợi một câu hỏi nhưng
tôi thấy mình có quá nhiều tội lỗi không thể nói hết được. Tôi cảm thấy ông ấy
là một cái gì mà tôi có thể bám víu lấy được nên tôi thu hết can đảm thú nhận rằng
tôi đã phạm một lỗi lầm rất lớn trong đời, dĩ nhiên tôi không thể kể ra chi tiết.
Vị tu sĩ im lặng nghe tôi nói rồi ôn tồn chỉ dẫn cho tôi một phương pháp luyện
tập tinh thần và yêu cầu tôi thực hành ngay trong ngày hôm đó. Ông cũng truyền
cho tôi một câu thần chú để đọc đi đọc lại hàng ngày. Về đến nhà, tôi áp dụng
ngay và thấy người tôi hoàn toàn thay đổi. Từ đó tôi từ bỏ ma túy và những người
bạn xấu. Tôi tìm được việc làm trong một nhà in. Hàng ngày tôi thức dậy sớm để
tham thiền, quán tưởng, chỉ ăn mỗi ngày một bữa, bỏ hẳn thịt cá và các thói
quen xấu trong quá khứ. Tôi mong lại có dịp tiếp xúc với tu sĩ đó nhưng tôi
không nhớ tên hay biết ông ở đâu mà tìm. Tôi muốn ông ấy biết rằng hiện nay tôi
vẫn còn sợ hãi như tôi đã từng sợ hãi trong quá khứ.
- Những nỗi sợ hãi thông thường thì có hại,
nhưng nỗi sợ của cô thì khác thường. Các truyền thống tâm linh thần bí gọi đó
là lòng kính sợ Thượng Đế hay là sợ luật Trời. Trong cuốn Philokalia có nói rằng
những người biết sợ như thế là đã biết ăn năn hối lỗi thật sự, chương “Các tặng
phẩm đầu tiên” nói rằng “Chính Chúa đã làm ra điều này như điều răn căn bản vì
không có nó thì Thiên Đàng cũng chẳng có ích gì” và “Không ai có thể thương
Chúa hay Tâm thức cao cả nếu đầu tiên họ không kính sợ Ngài hết lòng. Thông qua
việc kính sợ Ngài, tâm hồn con người sẽ được thanh lọc và thức tỉnh đối với
hành động thương yêu”. Sự sợ hãi của cô là một kích thích đặc biệt đối với sự tập
luyện của cô. Sự kính sợ này thúc đẩy cô, kéo cô đi đến các mức độ tâm linh cao
thượng. Nếu không có lòng kính sợ này, cô khó có thể đạt đến nó. Cô có thể tìm
được nhiều an ủi khi đọc tiểu sử Milarepa, một vị thánh tăng của Phật giáo Tây
Tạng. Ông này chuyên luyện tà đạo trước khi gặp được một vị thầy chân chính hướng
dẫn. Giống như cô, ông ta lo sợ vì đã gây quá nhiều lỗi lầm và cũng vì quá sợ hậu
quả từ việc làm của mình ngày trước mà ông giữ giới hết sức nghiêm cẩn, cuối
cùng nhờ công phu tu hành mà ông đã giác ngộ.
Một khi đã tập luyện thuần thục thì sự
lo sợ sẽ chấm dứt. Nói một cách khác, sự lo sợ chỉ còn khi nào người ta cần đến
nó mà thôi. Theo ý tôi, đường đến La Mã đối với cô có lẽ không còn xa lắm đâu.
29. Tiến bộ tâm linh
Stuart là một kiến trúc sư trẻ, ngoài giờ
làm việc anh còn thực hành Hatha Yoga và thiền định. Anh nói:
- Thưa bà, trên đường đời, người ta có
thể biết kết quả việc làm của mình một cách rõ ràng; nhưng đường đạo thì khác hẳn.
Làm sao tôi có thể biết mình đã có những tiến bộ về tâm linh? Trong ngành kiến
trúc, tôi biết đích xác công trình xây cất tiến triển như thế nào, từ lý thuyết
đến thực hành khác nhau ra sao, các sai lầm cần phải sửa chữa dựa theo tiêu chuẩn
nào. Nhưng tôi phải làm sao để đo lường mức độ tiến bộ tâm linh của mình?
- Tiêu chuẩn về sự tiến bộ tâm linh cũng
rõ ràng như ở trong lĩnh vực kiến trúc vậy. Để tôi chỉ cho anh một phương pháp
sau: Mỗi khi có chuyện gì bực bội, trái ý, giận hờn, phiền muộn thì anh hãy ghi
xuống giấy xem cái gì đã gây ra điều đó và phản ứng của anh như thế nào? Anh cần
quan sát xem những cảm xúc đó có kéo dài không? Ba tháng sau anh hãy coi lại những
ghi chú đó. So sánh nó với tình trạng lúc này thì liệu anh có phản ứng khác hơn
đối với những sự khiêu khích, giận hờn đó không? Nếu anh có thể thản nhiên hơn,
ít cảm xúc hơn, điềm đạm hơn thì anh đã có tiến bộ, sự tham thiền của anh đã có
kết quả. Nếu anh biểu lộ cảm xúc hay phản ứng tức thời khi bị khiêu khích,
khinh rẻ, chế nhạo hay trước các hoàn cảnh khó chịu thì có lẽ anh đã đi sai đường
rồi. Không những thế, anh cũng cần phải quan sát thái độ của anh trước những sự
kiện thuận ý như được khen tặng, tưởng thưởng, đề cao, nổi tiếng, những cái thổi
phồng bản ngã của anh lên. Nếu anh thích thú, dễ chịu thì anh cũng cần ý thức rằng
thuận ý hay nghịch ý cũng đều là những yếu tố đến từ bên ngoài cả.
Ngoài tiêu chuẩn vừa kể trên, còn một
tác động tâm thức mạnh mẽ mà tôi gọi là sự quy phục. Hatha Yoga dạy anh cách thở
hít, thanh lọc thể xác và thể trí, nó cũng giúp anh thanh lọc những cái vỏ bao
bọc quanh chân ngã. Càng thanh lọc nhiều thì chân ngã càng được biểu lộ và anh
càng ý thức rõ rệt về một sự sáng suốt có tính cách đại đồng đang điều khiển tất
cả mọi sự kiện. Khi ý thức được điều này thì anh sẽ ý thức được sự quy phục mạnh
mẽ của tiểu ngã trước đại ngã và nó là nòng cốt của sự tiến bộ tâm linh. Anh
càng quy phục ở nội tâm nhiều thì anh càng ít phản ứng đối với cảm xúc nhất thời
từ bên ngoài như sự khen tặng, trách móc, yêu thương, thù hận, thành công, thất
bại. Quy phục nghĩa là bỏ qua hết, xả bỏ hết. Và nếu biết xả bỏ thì nội tâm sẽ
bình an. Nội tâm bình an vững chắc là tiêu chuẩn rõ rệt của sự tiến bộ về tâm
linh.
30. Sống nghèo
Victor rời bỏ dòng tu khổ hạnh sau hơn
ba năm tu tập, anh đang cố gắng thích hợp với cuộc sống thế tục. Anh tâm sự:
- Thưa bà, tôi không sao thích hợp với
cuộc sống hiện tại. Tôi không tìm được việc làm hay giữ được việc làm nào lâu.
Không phải vì thiếu khả năng hay không chịu cố gắng mà vì lời nguyện sống nghèo
cứ ám ảnh đầu óc tôi. Lòng coi thường của cải vật chất, tiền bạc, và các giá trị
thế tục đã khiến tôi trở nên lúng túng. Muốn tu thì không được mà sống như người
thế tục cũng không xong. Tôi không biết phải làm sao đây.
- Phần lớn những người tu xuất cũng đều
gặp những khó khăn tương tự như anh. Không cần phải là một tu sĩ mới biết thông
điệp ở Thánh Kinh: “Người giàu đến với Thượng Đế khó như con lạc đà chui lọt
qua lỗ kim”, hoặc “Tiền bạc là gốc rễ của mọi tội lỗi”. Tôi muốn chia sẻ với
anh vài điều may ra có thể giúp được cho anh. Anh vẫn tham thiền đều đặn đấy chứ?
- Có chứ, không bao giờ tôi bỏ tham thiền.
- Khi còn sống trong tu viện, anh đã
tham thiền như thế nào để xả bỏ các ràng buộc?
- Tôi dâng hiến các điều đó cho Thượng Đế
rồi suy ngẫm về sự vô ích hay các hậu quả tai hại của chúng.
- Tốt lắm, anh cần ý thức rằng bám giữ
vào sự nghèo khổ dù ý thức hay vô ý thức cũng vẫn là một ràng buộc.
Nhiều người cứ bám giữ vào nếp sống
nghèo cũng giống như người giàu bám giữ vào của cải vật chất vậy. Muốn trừ tận
gốc sự bám giữ này thì phải biết từ bỏ lòng ham muốn. Anh cần ý thức rằng chính
Thượng Đế đã đưa anh ra khỏi tu viện và đặt anh vào cuộc đời vì một mục đích
cao cả nào đó. Anh hãy dâng hiến sự bám víu vào cảnh nghèo của anh cho Ngài rồi
suy ngẫm về các hậu quả không ích lợi gì của sự nghèo khó đối với vai trò mới
trong cuộc đời của anh.
Để tôi kể cho anh nghe một câu chuyện ngắn
như sau: Hoàng Đế Asoka cai trị một vương quốc lớn ở miền Bắc xứ Ấn, ông là một
bậc quân vương có đời sống tâm linh rất cao nhưng đồng thời cũng làm chủ nhiều
kho tàng to lớn. Một hôm, có một tu sĩ đến mời vua đi dạo để đàm đạo về triết
lý. Nhà vua thay đổi y phục như thường dân cùng đạo sĩ đi quanh thành phố mà
không mang theo một người hầu cận nào. Tu sĩ chỉ quấn một chiếc khố rách, tay
ôm một bình bát nhỏ tượng trưng cho hạnh sống nghèo. Ông vừa đi vừa giảng cho
vua nghe về Thượng Đế rồi nói: “Nếu muốn đến gần Thượng Đế thì Ngài phải biết xả
bỏ tất cả, từ bỏ ngai vàng điện ngọc, vợ con, cung nữ, nhạc công, triều thần,
văn quan, võ tướng và toàn thể vương quốc thì mới có thể đạt đến kết quả mong
muốn được”. Nhà vua gật đầu: “Được lắm, tôi sẽ làm như vậy”. Tu sĩ ngạc nhiên hỏi
lại: “Nhưng liệu bao giờ thì ngài có thể từ bỏ hết những điều này?”. Nhà vua trả
lời: “Ngay trong lúc này”. Tu sĩ kinh ngạc nhưng không nói gì và cả hai tiếp tục
đi dạo. Bất chợt có kẻ bất lương ở góc đường xông ra cướp lấy cái bình bát khất
thực của đạo sĩ rồi chạy mất. Đạo sĩ nổi giận chửi một tràng dài bằng những lời
lẽ thô tục nhất. Vua Asoka bật cười nói lớn: “Này ông bạn, ông chỉ có mỗi một
cái bình bát cũ thôi vậy mà ông còn gắn bó vào nó hơn cả tôi đối với tất cả mọi
sự giàu sang, phú quý hay giang sơn gấm vóc này nữa”.
Câu chuyện này cho ta thấy rõ nghèo khó
hay giàu sang tự nó không phải là xấu hay tốt, mà chính tâm thức chúng ta đã đặt
vào đó những giá trị mà tự chúng ta không có. Chính sự ham muốn đã giam hãm
chúng ta, dù ham muốn giàu hay nghèo thì vẫn là một sự ham muốn vậy. Giống như
một con nhện trong màng lưới của nó, chúng ta cũng bị nhốt trong nhà tù do
chính tâm chúng ta tạo ra. Muốn thay đổi thì chúng ta cần phải biết xả bỏ lòng
ham muốn đó đi. Sri Aurobindo nói rằng tiền bạc là một biểu hiện của sức mạnh đại
đồng, ông dạy học trò: “Nếu những người đi trên đường đạo từ bỏ sự giàu có thì
họ đặt quyền lực vào tay các sức mạnh đối nghịch. Chiếm lại các quyền lực vốn của
thiêng liêng để sử dụng một cách cao quý cho mục đích thiêng liêng là mục đích
của Yoga”. Ngài khuyên các đệ tử không nên tránh né tiền bạc mà cũng không làm
nô lệ cho chúng, vì chúng ta chỉ là những kẻ quản lý đồng tiền để sử dụng chúng
một cách thận trọng và không ích kỷ mà thôi.
Theo tôi, anh hãy dâng hiến mình cho Đức
Mẹ thiêng liêng để Ngài sử dụng vào mục đích của Ngài chứ không hành động cho mục
đích của mình hay của ai khác. Sự suy ngẫm thâm sâu về các giá trị mới này sẽ
giúp anh cởi bỏ sự gắn bó với hạnh nghèo và không còn làm người chỉ biết lánh đời
để sống khổ hạnh. Biết loại bỏ lòng gắn bó sẽ giúp anh không cảm thấy thiếu thốn
khi nghèo mà cũng không thấy ham muốn khi giàu, biết chấp nhận hoàn cảnh một
cách ung dung tự tại.
- Muốn được như thế thì phải mất bao
lâu?
- Cái đó tùy ở mức độ nhiệt thành và quyết
tâm thay đổi của chính anh.
- Nhưng thưa bà, sao tôi thấy thay đổi
khó quá?
- Này anh bạn, chúng ta đều là những kẻ
đang tập kịch trên sân khấu cuộc đời. Đa số chúng ta không biết vậy nên đã đồng
hóa mình với vai trò được giao phó. Điều này làm ta cảm thấy khó khăn khi phải
thay đổi để đóng một vai trò khác hay diễn một vở kịch khác. Biết mình chỉ là một
diễn viên thì ta hãy cố gắng đóng trọn vai trò đã được giao phó, còn việc điều
khiển thì hãy để cho người đạo diễn lo. Văn hào Shakespeare nói rằng thế gian
này là một sân khấu nhưng ông không nói rõ rằng chỉ có Thượng Đế mới là đạo diễn
mà thôi.
31. Sự thức tỉnh
Trudy là một thiếu phụ ngoài ba mươi, đã
ly dị nhưng được cha mẹ để lại một gia tài khá lớn. Cô đã biến ngôi nhà thành một
đạo viện đơn giản. Hàng ngày cô luyện tập Yoga và thiền định khoảng ba tiếng đồng
hồ. Cô nói:
- Thưa bà, tôi đã đọc một cuốn sách
trong đó tác giả nói rằng nếu người ta thiền định mỗi ngày sáu tiếng đồng hồ
liên tiếp thì có thể thức tỉnh và thực hiện được chân ngã. Hiện nay tôi có thể
ngồi thiền khoảng hơn một tiếng, nếu gia tăng gấp đôi, gấp ba thời gian thì liệu
tôi có thể đạt đến trạng thái thức tỉnh cao cả nhanh không?
- Tôi nghe nhiều người hỏi một đạo sư tại
Hy Mã Lạp Sơn câu hỏi tương tự. Ngài trả lời: “Chỉ tham thiền ngày sáu tiếng,
chín tiếng hay mười hai tiếng thôi thì chưa đủ. Muốn thức tỉnh thì người ta còn
phải nghĩ đến Thượng Đế mỗi ngày hai mươi bốn giờ nữa”. Ngài nói vậy có nghĩa rằng
sự thành công của các cố gắng tinh thần không tùy thuộc vào công phu tham thiền,
ngồi trong tư thế thiền định thật lâu mà còn tùy thuộc vào mức độ tâm linh, suy
tư về Thượng Đế nữa. Tư thế chỉ giúp ta định tâm, chính việc làm chủ được tâm
thức, hướng tâm lên một bình diện cao cả mới là công thức quan trọng để đạt đến
sự thức tỉnh.
32. “Ngộ” một nửa?
Ngoài giờ làm việc, tối nào Jason cũng
tham thiền rất lâu. Anh đọc thần chú, tụng kinh và nghiên cứu các sách vở như
Atma Bodha, Upanishad. Anh nói:
- Thưa bà, đôi khi tôi có thể hiểu rõ những
câu kinh bí hiểm, những triết lý phức tạp, những sự kiện thật tinh vi, nhưng đồng
thời tôi cũng biết rằng mình chưa hoàn toàn thấu hiểu, chưa đạt đến cái tâm trạng
thông suốt có thể nhìn tất cả mọi vật như nó là. Phải chăng tôi đã đạt đến tâm
trạng “Ngộ” được một nửa?
- Này anh bạn, nước chỉ sôi khi nhiệt độ
lên đến một điểm nhất định nào đó (1000C). Trước khi nhiệt độ lên đến điểm đó
thì nước không thể sôi được. Sự giác ngộ cũng thế, các nhà hiền triết phương
Đông nói rằng nó giống như tỉnh dậy sau một cơn ngủ dài. Người ta không thể thức
giấc nửa chừng được. Không cần phải có ai xác nhận rằng ta đã tỉnh giấc, chỉ có
kinh nghiệm chứng nhận điều đó mà thôi. Chỉ có người đã ngộ mới biết mình ngộ,
còn ngoài ra không một ai có thể chứng minh, xác định điều này. Sri
Krishnananda nói rằng khi một người đã thức tỉnh thì người đó không còn nhìn
các đối tượng là đối tượng nữa. Trong trạng thái hoàn toàn thức tỉnh này, toàn
thể vũ trụ của các đối tượng đã biến thành một chủ thể. Một tu sĩ đã trải qua
kinh nghiệm này nói rằng bất cứ cái gì ông nhìn thấy, một người, một cái cây, một
con chó, một bức tường cũng đều là một. Không còn sự phân chia, không còn sự
phán đoán, không còn cái này hay cái khác. Dù sự hiểu biết của chúng ta có thâm
sâu đến đâu mà chúng ta chưa ý thức được trạng thái “Tâm vô phân biệt” này,
chưa nhận ra được sự duy nhất bên trong và bên ngoài này thì chúng ta vẫn chỉ
giống như nước khi nhiệt độ chưa đủ độ sôi mà thôi.
33. Thiền định và đối tượng
Nate là một kỹ sư điện đã về hưu, ông muốn
dùng thời gian còn lại để tìm hiểu chính mình, để làm sao cho đời sống có ý
nghĩa hơn. Cả hai vợ chồng ông đã tham dự nhiều khóa hội thảo về tâm linh và thực
tập thiền định. Một người bạn trong lớp đã tặng Jean, vợ ông, một tượng Phật nhỏ.
Mỗi khi có chuyện gì không vui, Jean lại ngồi thiền định trước pho tượng và bà
cảm thấy mọi nỗi buồn phiền đều tan biến hết. Chỉ nhìn nụ cười an tĩnh của Đức
Phật là bà thấy trong lòng thoải mái, dễ chịu. Nhưng Nate lại không thích như vậy,
ông nói:
- Thưa bà, tôi không thích Jean làm như
vậy, đó là tôn thờ tượng thần và điều này làm tôi khó chịu.
- Này ông bạn, cha mẹ ông còn sống
không?
- Thưa không, song thân tôi đều qua đời
rồi.
- Ông có giữ hình ảnh hay đồ kỷ niệm của
cha mẹ ông trong nhà không?
- Dĩ nhiên, trong nhà tôi có treo rất
nhiều hình ảnh cha mẹ tôi chứ.
- Tại sao ông làm như vậy.
- Vì những hình ảnh đó nhắc nhở tôi nhớ
đến cha mẹ tôi, đến công ơn cha mẹ đã lo cho tôi. Cha mẹ tôi là những người cao
quý, tử tế, lúc nào cũng hy sinh lo lắng cho con cái. Việc này có gì sai quấy
đâu?
- Dĩ nhiên là không, trái lại việc con
cái biết nghĩ đến cha mẹ là điều rất tốt. Việc tưởng nhớ đến Đức Phật cũng như
thế thôi, đâu có gì sai quấy khi bà nhà nghĩ đến Ngài, quán tưởng đến công ơn của
Ngài, đến sự minh triết vô tận, lòng từ bi cao quý của Ngài.
- Nhưng... nhưng tại sao Jean cần phải
tham thiền trước một pho tượng?
- Cái trí của ta cần một cái “mắc” để
“máng” các tư tưởng vào đó. Quan niệm về Thượng Đế trừu tượng quá, bao la quá,
khó có thể tập trung tư tưởng vào đó. Hơn nữa, cái trí thông thường không thể ý
thức được Thượng Đế, cái hữu hạn không thể biết cái vô hạn, nên người tham thiền
cần tìm một đối tượng tiêu biểu cho một đức tính của Thượng Đế mà họ thương
yêu, sùng kính. Tham thiền là tập trung tư tưởng vào một đối tượng và gạt bỏ tất
cả những cái khác ra ngoài. Khi tâm thức đã đạt đến mức độ say mê hay “Định”
thì nó xuyên qua mọi đối tượng, hình tướng, chỉ có tinh hoa hòa nhập với tinh
hoa. Tuy nhiên trước khi đạt đến trình độ này, cái “mắc” rất quan trọng vì nó
là phương tiện dẫn người tham thiền đến trạng thái “Định”.
- Thưa bà, tôi cũng rất thích thiền định
nhưng không muốn nhìn vào một pho tượng, liệu tôi có thể tập trung tư tưởng vào
điều khác được không?
- Dĩ nhiên, xin hỏi trong đời ông thích
cái gì?
- Là kỹ sư điện, tôi chỉ say mê về điện
mà thôi.
- Xin ông hãy định nghĩa điện theo quan
niệm riêng của ông.
- Nó là một thứ không có hình dáng nhưng
chắc chắn người ta có thể cảm thấy nó. Trong đời sống văn minh ngày nay, điện
là một thứ rất quan trọng, người ta không thể sống mà không có nó.
- Vậy xin hỏi ông có cái gì trong người
mà ông không nhìn thấy nhưng chắc chắn cảm thấy và không thể sống mà không có
nó?
- Thưa bà, có lẽ đó là phần tâm linh.
Nhưng tôi không biết nó là cái gì.
- Phần tâm linh hay tinh thần là tâm thức
thanh khiết, tự chói sáng và vô hình, vô tướng, vô biên và bất khả phân, nó vượt
ra ngoài không gian, thời gian và nguyên nhân. Cũng giống như điện ở trong sợi
dây điện, sự hiện hữu của tinh thần ẩn tàng trong thực tại của ông, trong công
việc và cuộc đời của ông nhưng dĩ nhiên ông không thể nhìn thấy nó được.
- Vậy thì thể xác của tôi có nhiệm vụ
gì?
- Xin hỏi ông nhiệm vụ của sợi dây điện
là gì?
- Người ta tạo ra nó để dẫn điện.
- Cũng như thế, thể xác và thể trí của
chúng ta được tạo ra với nhiệm vụ là công cụ cho sự vận hành của tinh thần.
- Bà vừa nói tâm thức hay cái phần tinh
thần có tính cách bất khả phân, nếu không thể phân chia được thì phải chăng chỉ
có một tâm thức duy nhất mà thôi?
- Đúng thế.
- Nếu vậy tại sao chúng ta lại khác
nhau?
- Này ông bạn, dòng điện chỉ là một
nhưng vẫn có nhiều sự khác biệt giữa một cái quạt và một cái lò sưởi, máy giặt
và tủ lạnh. Tác dụng của đồ dùng định hướng cho hình dáng của chúng. Mỗi người
chúng ta không những chỉ làm một nhiệm vụ của thiêng liêng mà chúng ta chính là
cái nhiệm vụ ấy.
- Tôi có thể hiểu biết được rằng tôi là
ai thông qua việc tham thiền và suy ngẫm về điện không?
- Các bậc đạo sư phương Đông thường
khuyên học trò nên tham thiền, đặt suy ngẫm vào những gì mà họ hiểu biết và
thương yêu. Ông đã làm việc về điện suốt cuộc đời, ông hiểu biết nó và thích
nó. Hãy sử dụng điện như một cái “mắc” để “máng” trí ông vào đó.
- Xin hỏi bà một câu chót, nếu Jean tập
trung tư tưởng vào Đức Phật và tôi tập trung tư tưởng vào điện lực khi tham thiền
thì sự khác biệt sẽ ra sao? Kết quả thế nào?
- Hoàn toàn không có gì khác biệt hết. Sự
giác ngộ là mục tiêu của mọi sự tham thiền. Hãy để điện lực làm vị thầy nội tâm
của ông và hướng dẫn ông đến với nguồn cội, cũng như hình ảnh của Đức Phật dẫn
dắt cho vợ ông. Chữ “Bhudh” trong từ “Bhudha” có nghĩa là “Thức tỉnh”. Cách đây
nhiều thế kỷ, khi toàn thế gian vẫn mơ màng say ngủ thì Đức Phật đã tỉnh thức
và từ đó đến nay Ngài đã giúp cho bao nhiêu người thức tỉnh theo. Ngài đã soi
sáng đường cho họ, hướng dẫn họ đến sự minh triết, an lành, thương yêu. Khi đã
tỉnh thức, đã đến được cội nguồn thì mọi sự phân biệt đều không còn có ý nghĩa
gì nữa vì tất cả chỉ là một. Đường đi có thể khác nhau, phương tiện có thể khác
nhau, đối tượng có thể khác nhau nhưng mục đích vẫn là một: Làm sao để đạt đến
trạng thái giác ngộ hay thức tỉnh. Đó chính là mục tiêu của thiền.
34. Tấm lòng chai đá
Janice là người duy nhất sống sót sau một
tai nạn xe hơi đã làm chết cha mẹ, chồng và hai đứa con của cô. Cô trải qua một
giai đoạn khủng hoảng rất lâu vì tai nạn đó cứ mãi ám ảnh cô. Theo thời gian,
cô tìm được sự an ủi qua việc học hỏi Kinh Thánh và thực tập thiền định. Cô chấp
nhận rằng tai nạn đó là “ý muốn của Thượng Đế”, cô nói: “Chúa đã cho và bây giờ
Ngài lấy lại”. Nhưng sau khi đã chấp nhận và quy phục Ngài, cô thấy lòng mình
càng ngày càng trở lên chai đá, dửng dưng, không còn cảm xúc gì nữa. Cô nói:
- Thưa bà, tôi tham thiền đều đặn và thiền
định đã tác động như một tia sáng rọi vào những chỗ thầm kín trong tâm hồn tôi.
Khi trí tôi dịu xuống, không còn sôi động thì sự yếu kém của tôi lại nổi lên.
Tôi thấy mình quá cứng rắn, không thể khóc, không thể vui, không thể thoải mái
mà cứ trơ trơ như gỗ đá. Tại sao lại như thế?
- Điều này không có gì lạ đâu. Khi cô đổ
một dòng nước tươi mát, tinh khiết vào vũng bùn thì bùn sẽ nổi lên mặt nước trước
khi lắng xuống. Sri Aurobindo, một đạo sư nổi tiếng của Ấn Độ đã dạy: “Khi bạn
nhận biết được sự xấu xa nơi mình là bạn đã tháo mở nơi đó cho ánh sáng thiêng
liêng rọi vào. Sự chuyển biến có xảy ra hay không là do nơi bạn có muốn thay đổi
hay không, có muốn đón rước mãnh lực đó vào mình hay không, có muốn để yên cho
bùn nhơ lắng đọng xuống hay không?”. Cô nên biết rằng khi nhận thức được sự khô
khan, chai đá nơi tâm hồn của cô thì chính nơi đó cũng đã có những sự dịu dàng,
êm ái mà cô không nhận ra đấy thôi. Cô hãy suy ngẫm như sau: Người ta không thể
cảm nhận được điều gì nếu không có cái đối nghịch với nó, không có “tối” thì
người ta đâu biết đến “sáng”, không có “đêm” thì người ta đâu biết đến “ngày”.
Chỉ có cái “không thay đổi” mới khiến cho ta thấy được “cái đổi thay”, chỉ khi
bị “giới hạn” thì ta mới cảm nhận được cái “vô biên”, chỉ khi thấy mình “khô
khan, chai đá” thì ta mới cảm nhận, ý thức rõ rệt được sự “dịu dàng, thương
yêu”. Không vật nào có thể tự biết được chính mình, mà chỉ có cái gì “khác với
nó” mới giúp nó ý thức được chính mình. Tóm lại, cô hãy nhìn nhận rằng chính phần
tâm linh cao cả của bản chất cô đang quan sát cái phần thấp kém của cô. Mọi việc
xảy ra đều có lý do riêng của nó. Đằng sau cảm thức rằng lòng cô đã chai đá,
không xúc động vẫn ẩn giấu một sự thật rằng cô vốn là người giàu tình cảm, dịu
dàng, nhưng cái đức tính này chưa có cơ hội bộc lộ ra ngoài. Ý thức này chính
là sự thúc đẩy những biến chuyển ở mức độ thâm sâu trong nội tâm của cô. Nói một
cách khác, cô đang được ơn trên soi sáng để cô thấy rằng bước đi kế tiếp của cô
chính là sự thanh lọc nội tâm để tiến bộ, không phải cho cá nhân mình mà để trở
thành một khí cụ lớn lao cho Đấng Thiêng Liêng biểu lộ. Cô hãy chuẩn bị tư tưởng,
hành động và tiếp tục cầu nguyện, tham thiền. Trong yên lặng, bùn nhơ sẽ lắng
xuống và rồi cô sẽ thấy rằng mình thực sự vốn là một người dịu dàng, đầy tình
thương yêu.
No comments:
Post a Comment