LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT



LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT
http://truthlady3.blogspot.com/2016/11/link-post-truthlady3blogspot.html

goosee
The Sound of Silence

Wednesday, May 15, 2019

Minh triết trong đời sống (4)

Minh triết trong đời sống
Darshani Deane  - dịch Nguyên Phong

Mục lục :





























50. Cảm nhận Thượng Đế

Clinton là giáo sư Anh ngữ tại một trường đại học danh tiếng. Ông nói:
- Tôi là tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng rất thích triết lý phương Đông, nhất là triết lý Vệ Đà. Dung hòa được cả hai quan niệm này không dễ chút nào. Tôi có một thắc mắc căn bản không biết có nên nói ra không ?
- Xin ông cứ nói.
- Thưa bà, cả Vệ Đà lẫn Thiên Chúa giáo đều khuyên con người nên cảm nhận Thượng Đế xuyên qua mọi danh tánh và hình tướng. Điều này là thế nào? Người ta có thể cảm nhận Ngài ở cõi đời này bằng cách nào? Nếu muốn thực tập thì phải làm sao?
- Trong cuốn giáo lý bí truyền Philokalia, các linh mục thuộc dòng tu kín đã khuyên không nên giới hạn sự cảm nhận Thượng Đế vào các vật hữu hình mà giác quan có thể nhận thức, mà còn phải sử dụng tâm thức để tìm ra tinh hoa của Ngài trong mọi tạo vật nữa.
- Sử dụng tâm thức như thế nào?
- Hãy lấy một thí dụ đơn giản: ông nhìn thấy tôi đứng trước mặt ông. Nếu ông biết cách rút tâm thức ra khỏi giới hạn của thị giác, mắt ông vẫn thấy tôi đang đứng trước mặt ông nhưng tâm thức của ông không còn đồng hóa với cặp mắt của ông nữa, nó suy nghiệm rằng cặp mắt chỉ là vật chất. Cái đang giúp ông nhận thức không phải là cặp mắt mà là một sự thông minh, một tâm thức, hiện làm chủ cặp mắt linh hoạt đó. Nói một cách khác, ông hãy tự hỏi ai đang nhận biết điều này, chắc chắn không phải cặp mắt rồi phải không? Cặp mắt chỉ giúp ông nhìn thấy một hình ảnh nhưng chính cái tâm thức ở phía sau đó nữa mới giúp ông cảm nhận được sự việc đang xảy ra giữa ông và tôi. Nếu cái tâm thức đó yên tĩnh, bình an, nó sẽ giúp ông cảm nhận được thêm nhiều điều mà cặp mắt không thể “nhìn” được. Việc này không phải là sự tác động giữa ông và tôi mà chính là tâm thức cảm nhận được nó trong các hình thức khách quan. Suy ngẫm về điều này có thể giúp ông tìm được điều ông mong muốn.
- Tuy thế tôi vẫn thấy có sự khác biệt giữa giáo lý Vệ Đà và Thiên Chúa giáo về việc cảm nhận Thượng Đế ở thế gian. Bà có thể giải thích thêm về điều này không?
- Sự sáng tạo (Creation) là cốt tủy của Thiên Chúa giáo, theo tôn giáo này thì tinh hoa của Thượng Đế chính là nòng cốt của con người chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta đều là những thực thể riêng biệt, các tác nhân độc lập của hành động, tư tưởng. Do đó tín đồ Thiên Chúa giáo cảm nhận Thượng Đế ở “trong” (In) mọi danh tánh, hình tướng.
Sự thể hiện (Manifestation) là trung tâm của giáo lý Vệ Đà. Theo triết lý này thì toàn thể vũ trụ đều là sự thể hiện của Thượng Đế hay Tâm thức thiêng liêng. Do đó tín đồ Ấn giáo cảm nhận Thượng Đế “như là” (As) mọi danh tánh, hình tướng.
Tóm lại, sự khác biệt giữa hai tôn giáo về việc cảm nhận Thượng Đế chỉ nằm trong phạm trù ngữ pháp hay giới từ (Preposition) mà thôi: một bên cảm nhận Ngài “ở trong” (In) và một bên cảm nhận Ngài “như là” (As). Là giáo sư chuyên môn về Anh ngữ, chắc chắn ông phải phân biệt được điều này.

51. Chấp nhận

Phil và Brenda đã sống trong căn nhà hương hỏa hơn hai mươi năm nay. Trong nhà có rất nhiều đồ trang trí và tranh sơn dầu mà cha mẹ của Phil đã sưu tầm được. Khi vợ chồng Phil đi nghỉ mát tại Florida, kẻ trộm đã vào lấy mất những thứ đó. Sự mất mát khiến Phil buồn phiền đau ốm. Anh than:
- Ngoài thiệt hại vật chất, tôi còn bị thương tổn tinh thần nữa. Đó là những đồ kỷ niệm mà cha mẹ tôi đã tốn công sưu tầm trong nhiều năm, không thể thay thế được. Hiện nay tôi bị chứng loét bao tử. Bác sĩ khuyên tôi phải biết chấp nhận việc không may đó và tìm cách quên nó đi nhưng tôi không sao quên được. Có cách nào để tôi chấp nhận mất mát lớn lao này không?
- Chấp nhận có nghĩa là từ bỏ cái ý thức rằng mọi người đều là những tác nhân hành động độc lập. Vũ trụ là một tấn tuồng của tâm thức với được, thua, còn, mất, nay thế này, mai lại thế khác, không gì mãi mãi trường tồn mà hằng chuyển biến dịch. Khi nào nắm vững nguyên lý này thì bạn có thể chấp nhận mọi sự được.
- Làm sao chỉ nắm vững nguyên lý đó mà tôi có thể chấp nhận mọi sự được?
- Khi đã hiểu biết rõ quy luật về sự vô thường thì bạn sẽ thấy mọi sự trên đời đều xảy ra với một lý do rõ rệt nào đó mà bạn chưa ý thức được đấy thôi. Bạn không còn phải chiến đấu với đời sống khi biết rằng mãnh lực của vũ trụ ở sau mọi sự việc đã điều động tất cả chứ không phải do một cá nhân.
- Nhưng tại sao người ta có thể chấp nhận mà không cảm thấy chua xót, khó chịu?
- Điều này đòi hỏi sự hiểu biết về các định luật của vũ trụ. Hàng ngày bạn vẫn làm những việc cần làm nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng Phil hay Brenda đã tạo ra sự việc đó.
- Nhưng mọi người đều làm việc một cách khác nhau.
- Không đâu, chúng ta đều là những cái khoen nhỏ trong một sợi xích lớn, là các tế bào trong một thân thể. Hình thể vũ trụ là sự tập hợp của tất cả những hình thức cá nhân. Tâm trí của vũ trụ chính là sự tổng hợp tất cả tâm trí mọi cá nhân. Ví dụ bạn đang ngồi thoải mái mà bị tê chân thì toàn thân bạn sẽ khó chịu ngay. Hiển nhiên bạn sẽ phải duỗi chân ra, cử động cho bớt tê chân. Sự thúc đẩy của vũ trụ trong mọi người chúng ta cũng đều như vậy. Chúng ta đã sai lầm rất lớn khi cho rằng mình là kẻ nắm quyền.
- Nhưng nếu như vậy thì con người chỉ thụ động thôi sao?
- Không đâu, chấp nhận là chìa khóa của sự chuyển hóa. Con người cần biết rằng họ chỉ có thể làm hết sức mình chứ không thể kiểm soát được kết quả.
- Nếu chúng tôi biết chấp nhận thì sẽ phản ứng ra sao?
- Bạn sẽ phản ứng rất ít, hoặc sẽ không phản ứng trước sự mất trộm vì bạn biết rằng sự mất mát đó có mục đích riêng của nó vì không việc gì xảy ra mà không có lý do. Có thể đó là bài học dạy bạn phải cẩn thận hơn, phải biết đề phòng, hay không nên gắn bó vào bất cứ thứ gì bên ngoài. Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện sau: Có một cặp vợ chồng già đã ngoài tám mươi, Sal và Judith, thường đi dạo trong công viên gần nhà. Một hôm đang đi thì họ bị một kẻ bất lương xông đến cướp sợi dây chuyền vàng mà Judith đeo trên cổ. Sal là người bình tĩnh, ông tin ở Thánh Kinh và biết rằng không có điều gì xảy ra ngoài ý Chúa, kể cả những việc bất ngờ như bị cướp giật. Tuy nhiên vì phản ứng tự nhiên ông vẫn đuổi theo tên cướp nhưng khi đến gần hắn, ông chỉ thấy Thượng Đế đang ngự ở trong kẻ trộm. Ông biết rằng mình không thể thay đổi vở kịch của Ngài nên ông quát lớn:
- Này anh kia, sợi dây chuyền đó đáng giá 2.000 đô la, anh chớ bán nó kém một xu đấy nhé!

52.  “Tôi là Ngài”

Stella là người có tâm hồn hướng thượng và đang cố gắng học hỏi các truyền thống tâm linh. Bà nói:
- Cách đây ít lâu, trên truyền hình có một giáo sĩ đã giảng câu chú “Tôi là” (I am) và khuyên mọi người thực hành nó. Tôi thích câu này lắm vì nó bao hàm ý nghĩa cao siêu rằng Thượng Đế ngự ở trong tôi, và “Tôi chính là Ngài”. Tôi đã đọc đi đọc lại câu này nhiều lần nhưng không biết nó có giúp gì cho tôi không?
- Trước hết xin hỏi bà chữ “Tôi” ở đây có nghĩa là gì?
- Là tất cả mọi thứ, cá nhân tôi, tính tình tôi, xác thân tôi, tâm hồn tôi, các thói quen của tôi, lòng ham muốn của tôi, sự liên hệ của tôi, và tất cả mọi thứ khác nữa.
- Vậy ư? Nếu thế có lẽ câu chú đó chẳng giúp gì cho bà được đâu.
- Tại sao?
- Tại vì câu chú đó không ngụ ý rằng “Stella là Thượng Đế”, vì dĩ nhiên bà không phải Thượng Đế hay Thượng Đế không phải là “Cái tôi” của Stella. Nếu ý thức rằng bà chính là hiện tại, một hiện tại vượt khỏi thời gian, không gian, vượt khỏi các thân xác, trí óc hằng thay đổi, một hiện tại đầy yên tĩnh, bình an, thì câu chú đó có thể đúng. Tuy nhiên vì bà không ý thức như vậy nên không thể áp dụng câu chú đó được.
- Tôi nghe nói rằng tất cả mọi thứ đều là “Ngài” kia mà.
- Đúng vậy, nhưng nghe nói vậy không có nghĩa chúng ta có thể nhảy vọt một bước đã lên tột đỉnh mà phải lần lượt leo từng bước lên đỉnh. Trên đường đạo, chúng ta cần biết cởi bỏ, cần biết phủ nhận những gì không thật, phủ nhận mọi hiện tượng hằng thay đổi để ra khỏi vòng phân biệt nhị nguyên. Từ đó chúng ta sẽ dần dần lên nấc thang của sự thức tỉnh thanh khiết để hòa nhập với Đấng Vô Cùng. Đây là một kinh nghiệm chứ không phải ý thức mơ hồ hay một lý thuyết suông. Dĩ nhiên người ta có thể tự đánh lừa mình rằng họ là sự bình an, là sự thanh khiết, và có thể hòa nhập với Ngài, nhưng điều này chẳng giúp gì cho người đó cả vì họ vẫn ở trong vòng luẩn quẩn của tâm thức phân biệt.
- Nếu vậy tôi phải làm gì?
- Thay vì tự nhận rằng mình là cái này, cái kia thì bà phải biết cách cởi bỏ những thứ đó và nói rằng tôi không phải là cái này, hay không phải là cái kia (neti, neti). Thay vì xác nhận thì bà phải biết cách phủ nhận. Khi bà đã cởi được những ràng buộc phù phiếm, giả tạo của bản ngã, những cái gì không thật, thì bà mới thấy rằng cái thực tại cuối cùng, cái tinh hoa vẫn tiềm ẩn ở trong mọi cái mà bà muốn tìm kiếm. Nếu bà tự coi mình là một cá nhân riêng biệt, hằng thay đổi, bà đã lệ thuộc vào sự trói buộc của bản ngã, vào những ảo ảnh của một thực thể tự trị thì câu chú đó không thể giúp bà được.
- Nếu vậy những người thực hành câu chú này đều sai lầm hết hay sao?
- Không hẳn thế. Tùy tâm trạng, tùy quan niệm về bản ngã của họ mà câu chú có thể giúp họ hay không. Người ta không thể áp dụng một công thức chung được.
- Như vậy chữ “Tôi” trong câu “Tôi đói, tôi khát”, và chữ “Tôi” trong câu “Tôi là Ngài” (I am) khác nhau thế nào?
- Khi chúng ta nói “Tôi khát”, “Tôi đói”, “Tôi thích”, “Tôi ghét”, chúng ta đồng hóa tinh hoa của chúng ta với các cảm giác của xác thân hay ham muốn của trí não. Chính cái “Tôi” bị đồng hóa này là trở ngại cho chúng ta. Trong khi đó, chữ “Tôi” trong câu chú “Tôi là Ngài” ngụ ý một điều cao thượng, không bị đồng hóa và đó chính là mục tiêu của việc thực hành câu chú đó.

53. Mẫu số chung

Hans làm việc cho một cơ quan hòa giải, có trách nhiệm dàn xếp tranh chấp giữa các cá nhân, đoàn thể hoặc nghiệp đoàn. Anh nói:
- Tôi đã làm việc khắp nơi, từ các cơ quan hành chính như quận hạt, đến các hội đồng tỉnh và nghiệp đoàn quốc gia. Hầu hết các cuộc tranh chấp dù gay go đến đâu rồi cũng được dàn xếp ổn thỏa. Tuy nhiên tôi thấy nó chỉ có tính chất tạm thời, như băng bó một vết thương chứ không trị tuyệt căn. Tôi muốn tìm hiểu thêm về con đường tâm linh để xem nó có thể mang lại một phương cách nào khác hơn các giải pháp thế tục không?
- Trước hết tôi muốn nhấn mạnh rằng con đường tâm linh không hề xa lánh thế tục, nó giống như mặt trời và những tia sáng của nó thôi. Tâm linh và thế tục, tinh thần và vật chất, dường như hai mà chính ra vẫn là một. Vì mọi người không nghĩ như vậy nên mới sinh ra sự phân biệt. Xin cho biết anh thường dàn xếp các buổi hòa giải như thế nào?
- Cái đó cũng tùy hoàn cảnh. Tuần trước tôi được cử đi dàn xếp một vụ tranh chấp phe nhóm trong một trung tâm cao niên. Tôi mời tất cả mọi người trong trung tâm tham dự buổi họp. Thoạt đầu tôi kể một câu chuyện khôi hài để mọi người cười cho vui, rồi yêu cầu hai người không liên quan gì đến việc tranh chấp kể lại những rắc rối đã xảy ra. Đây chỉ là hình thức ôn lại sự kiện một cách trung thực, sau đó tôi mời đại diện hai phe nói về quan niệm của họ, tuy nhiên trong khi phe này nói thì phe kia phải giữ yên lặng. Lý do chính là làm sao giúp những người trong hai phe nhóm hiểu rõ các quan niệm trái ngược với quan niệm của họ.
- Hay lắm, tôi rất thích việc sử dụng các câu chuyện khôi hài lúc khởi đầu của anh. Cười là một liều thuốc bổ giúp người ta thoải mái hơn. Đối với tôi, phe nhóm, đoàn thể nào cũng chỉ là sự kết hợp của những cá nhân trong đó. Giống như sợi dây đeo cổ bằng hạt trai là sự kết hợp của nhiều hạt trai với nhau. Khi các hạt trai đứng yên thì cả sợi dây cũng lặng yên. Muốn hòa giải một việc, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, chúng ta cũng nên bắt đầu từ cá nhân. Hầu hết mọi sự xung đột đều bắt nguồn từ các quan niệm khác nhau hay các vấn đề thuộc phạm vi lý trí. Do đó điều chính yếu là vạch ra cho mọi người thấy rõ lý trí chính là nguyên nhân của sự xung đột và người ta không thể giải quyết nó bằng một lý luận của lý trí khác. Nếu không nắm vững yếu tố này thì mọi giải pháp chỉ có tính chất tạm thời mà thôi. Lý trí là nguyên nhân của sự chia rẽ, phân hóa, cao thấp, được thua, còn mất, phán xét và giới hạn. Muốn giải quyết căn nguyên vấn đề, người ta cần vượt lên phạm vi lý trí hay các quan niệm phân biệt kể trên.
- Thưa bà, làm sao có thể vượt khỏi phạm vi của lý trí trong sự xung đột phe nhóm khi các đơn vị trong đó thuộc các thành phần hỗn hợp khác nhau?
- Đó không phải là vấn đề quan trọng. Tôi coi đó như một phân số mà thôi. Khi còn đi học chúng ta thường cộng các phân số bằng cách tìm ra một mẫu số chung...
- À phải rồi, chúng tôi cũng thường áp dụng phương pháp tìm một mẫu số chung, tìm một điều gì mà cả hai phe đều đồng ý, khai triển rộng ra, để từ đó đi đến sự hòa giải.
- Đúng vậy, nhưng tôi tin rằng cái mẫu số chung mà anh nói đến vẫn thuộc phạm vi lý trí. Trong khi điều tôi muốn nói là cái mẫu số chung của sự tồn tại (Being) – sợi dây liên kết tất cả mọi người chúng ta với nhau.
- Nhưng làm sao tìm được điều này, thưa bà?
- Chúng ta không cần phải tìm đâu xa, vì lúc nào nó cũng có sẵn: Chính chúng ta là cái mẫu số chung đó. Giống như mặt trời bị mây che phủ, mẫu số chung của chúng ta bị che phủ bởi các quan niệm thù hận, chia rẽ, phe phái, hơn thua, và ý niệm về bản ngã.
- Như vậy phải bắt đầu như thế nào?
- Trước hết anh hãy bắt đầu bằng sự thư giãn cho thoải mái. Hầu hết mọi người khi tham dự các cuộc hòa giải như vậy đều căng thẳng. Khi thân thể căng thẳng thì từ thể xác đến tinh thần của họ đều ở trong trạng thái cứng nhắc, cứng đến nỗi không thể chìa tay cho người khác bắt được nữa. Do đó sự thư giãn, thoải mái là ưu tiên số một trong mọi cuộc hòa giải. Anh có thể yêu cầu họ ngồi yên lặng một lúc cho thoải mái, hoặc vươn vai, duỗi chân cho bớt căng thẳng. Khi người ta đã thoải mái, họ sẽ cởi mở hơn. Khái niệm “Cởi mở” (Open) này rất hay, duỗi tay chân làm máu huyết lưu thông khiến ta thấy dễ chịu thoải mái. Từ đó trong tư tưởng sẽ có những “chỗ trống” (Space) và chính những “chỗ trống” này sẽ làm giảm bớt các thành kiến sẵn có, giúp họ có thể thu nhận được các ý kiến khác lạ. Sự thoải mái, cởi mở chính là đầu mối để giải quyết mọi xung đột...
- Thưa bà, tôi không hiểu tại sao sự thư giãn có thể thay đổi được gì? Liệu phương pháp của bà có khác phương pháp mà tôi đang áp dụng không?
- Thứ nhất phương pháp anh thường áp dụng chỉ là một cách giải quyết bằng lý trí, qua sự sắp đặt các lý lẽ một cách khéo léo. Nó tùy thuộc vào khả năng ăn nói, thuyết phục người khác theo những lý luận anh đã được tính toán từ trước. Tuy nó đưa đến sự thỏa hiệp nhưng sự chấp nhận này chỉ có tính chất tạm thời. Trong thâm tâm những người thuộc hai phe vẫn còn nguyên cái thành kiến xưa, cái mầm mống chia rẽ, cái quan niệm hận thù đã gây nên sự tranh chấp. Có thể họ chấp nhận sự dàn xếp của anh trong giai đoạn đó vì họ không thể làm gì khác hơn, nhưng rồi việc tranh chấp sẽ tiếp diễn vì nguyên nhân thật sự vẫn còn. Bây giờ hãy trở lại với việc thư giãn, nếu giải thích một cách khoa học thì khi thư giãn, các sóng điện từ trong não đang từ mức độ Beta sẽ giảm xuống Alpha. (Điện não đồ ghi nhận sự rung động từ 14 - 22 chu kỳ/giây xuống chỉ còn 4 - 14 chu kỳ/giây). Trạng thái Alpha là lúc chúng ta đi làm về đến nhà, thay quần áo, vặn nhạc, nghỉ ngơi. Khoa học đã chứng minh rằng trong trạng thái Alpha, hay trạng thái xả giãn, người ta có thể học hỏi môn học phức tạp như toán, lý, hóa, khoa học hay các môn học đòi hỏi việc sử dụng đến trí não một cách dễ dàng hơn lúc chúng ta ở trạng thái Beta.
- Phải chăng vì lý do là có các “khoảng trống” trong não?
- Đúng thế. Anh đã bắt đầu hiểu điều tôi muốn nói là vượt lên trên phạm vi lý trí rồi đó.
- Nhưng “khoảng trống” đó ăn nhập gì đến sự hòa giải? - Nó giúp người ta nhìn thấy, nghiệm thấy những điều mới mẻ, vượt ra ngoài các quan niệm thông thường. Nó nâng tâm thức người ta lên một “bình diện mới” (New Paradigm). Khi trí não yên tĩnh thì nó sẽ sáng suốt hơn. Do đó sự hòa giải này sẽ không dựa trên những lý lẽ đã được hoạch định từ trước, hoặc một mưu mô hay phương pháp nào. Kết quả của nó sẽ đến một cách tự nhiên giữa những người trong cuộc chứ không tùy thuộc vào người đứng ra hòa giải. Hiển nhiên đây là cách nhìn sự việc bằng một nhãn quan mới, một phạm trù mới, không giống phạm trù ngày trước, và vì thế mà nguyên nhân của sự tranh chấp, vốn tùy thuộc vào phạm trù trước, sẽ biến mất. Đó là cách giải quyết tận gốc rễ, trị tuyệt căn bệnh chứ không băng bó qua loa cho xong.
- Xin bà giải thích rõ hơn nữa.
- Này anh bạn, một đầu óc đầy thành kiến và cố chấp, giống như một hòn đá cứng, làm sao người ta có thể thay đổi nó được? Trên phương diện vật lý, muốn thay đổi tảng đá người ta phải sử dụng một lực rất mạnh, mạnh hơn lực liên kết trong tảng đá đó; nhưng nếu không khéo thì ta sẽ làm tảng đá bị vỡ nát, hư hại. Cũng như thế, trên phương diện tâm lý, phải mất nhiều khả năng hùng biện và thuyết phục mới khiến một người đầy thành kiến chịu xét lại. Dĩ nhiên nếu không khéo léo, việc này chỉ là sự “nhồi sọ”, hay “tẩy não” và rồi cũng không đem lại kết quả bao nhiêu. Một trí óc đầy thành kiến cũng như một sợi dây điện đi qua một điện trở, làm luồng điện không lưu thông được, bị tắc nghẽn và nóng lên. Một đầu óc lộn xộn, đầy thành kiến không thể tiếp nhận thông điệp mới, không thể nhìn thấy điều gì mới. Hai phe nhóm với quan niệm trái ngược không thể dung hòa cần vượt ra ngoài phạm trù tranh chấp đó thì mới có thể tìm được một mẫu số chung. Muốn vậy, họ phải có một cái tâm bình tĩnh, thoải mái và sáng suốt. Vì tâm có định thì mọi sự mới yên được; khi tâm còn xáo trộn, còn phân biệt thì không thể giải quyết điều gì cả. Có người nói rằng, nhà phát minh thiên tài Thomas Edison không nhận mình là thiên tài mà chỉ khiêm tốn nói rằng: “Các ý tưởng hay lúc nào cũng ở quanh tôi, khi tâm tôi yên lặng, tôi đã nghe được chúng”.

54. Quyền năng

Từ nhỏ, Dudley đã ham thích các vấn đề tâm linh. Anh thường đề cập đến Thượng Đế và nói với cha mẹ rằng anh chỉ muốn gặp Ngài. Khi trưởng thành, Dudley xin gia nhập một dòng tu kín nhưng bị từ chối. Anh bèn lang thang đó đây, lúc theo học Yoga với một vị thầy Ấn Độ, khi học võ với một võ sư Trung Hoa. Anh chịu khó nghiên cứu các sách vở tâm linh, tham dự những khóa hướng dẫn về Thiền. Ít lâu sau, anh tìm đến một nông trại hẻo lánh, ngày giúp việc cấy cày, đêm thực tập thiền theo các phương pháp mà anh học hỏi được. Sau nhiều năm sống như vậy, tự nhiên anh khai mở được quyền năng “Thần nhãn”. Anh nói:
- Thưa bà, tôi thấy thích thú quá chừng. Tôi có thể “nhìn thấy” những người mà tôi nói chuyện qua điện thoại, biết họ mặc quần áo màu gì, có cử chỉ ra sao. Khi tôi nói cho họ biết, họ hết sức kinh ngạc và thán phục tôi vô cùng. Tôi có thể ngồi yên một chỗ mà biết được những người khác trong trại đang làm gì. Hiện nay tôi muốn phát triển thêm các quyền năng tương tự như “Đọc tư tưởng người khác” hay “Sai khiến các đồ vật”. Bà quen biết nhiều danh sư, xin chỉ giúp tôi những người đã có được các quyền năng đó để tôi theo học.
- Một đệ tử của Phật đã phát triển được một vài quyền năng đến xin Ngài chỉ dẫn thêm, nhưng Đức Phật nói rằng: “Ta biết rõ các quyền năng đó sẽ làm cho con người như thế nào, nên ta khuyên con hãy lập tức từ bỏ chúng đi. Không gì làm người ta sa ngã nhanh chóng hơn là việc sở hữu các quyền năng huyền bí”. Theo ý tôi, anh cũng nên áp dụng câu này cho bản thân anh.
- Tại sao các quyền năng huyền bí lại xấu?
- Đức Phật không hề nói rằng các quyền năng đó xấu, Ngài chỉ nói rằng các quyền năng đó sẽ khiến cho con người trở nên thế nào mà thôi. Anh hãy quan sát những người bình thường khi đạt được chút danh vọng hay uy quyền thì họ cư xử như thế nào? Phải chăng họ hống hách, kiêu căng và hợm hĩnh? Các quyền năng huyền bí còn nguy hiểm hơn thế nhiều.
- Làm sao tôi có thể sa ngã khi đã khổ công tập luyện và tiến bộ được như thế này?
- Này anh bạn, càng leo cao chừng nào thì càng té đau chừng đó. Càng lên cao, sự cám dỗ càng mạnh, cơ hội sa ngã càng nhiều. Trên đường tinh thần, sự cám dỗ hết sức tinh tế, khó thấy được.
- Nhưng nếu người ta cẩn thận và luôn luôn đề cao cảnh giác thì làm sao có thể sa ngã?
- Thế ư? Hãy thử quan sát nội tâm anh mà xem. Phải chăng từ khi khai mở được quyền năng đó thì anh không còn tha thiết đến Thượng Đế nữa?
- Có lẽ bà nói đúng đấy, thời gian gần đây tôi ít nghĩ đến Ngài hơn trước, nhưng có lẽ tâm tôi bị xao lãng vì đang thích thú với cái quyền năng này và ít lâu nữa tôi sẽ quen đi. Tuy nhiên, phải chăng sở hữu quyền năng chính là một sự tiến bộ tâm linh?
- Phát triển quyền năng là một dấu hiệu nhưng không bao giờ là mục đích.
- Nhưng các đạo sư đều có quyền năng kia mà?
- Bác sĩ Stanley Krippner, một học giả nổi tiếng chuyên khảo cứu các hiện tượng huyền bí nói rằng ông đã gặp rất nhiều đạo sư nổi tiếng mặc dù họ không hề có một quyền năng nào. Trong khi đó, ông cũng gặp nhiều người sở hữu các quyền năng huyền bí nhưng không hề phát triển hay lưu tâm gì đến vấn đề tâm linh. Nói tóm lại, sở hữu quyền năng và tiến bộ tâm linh là hai vấn đề khác nhau.
- Thưa bà, tôi là người sống về tinh thần và rất quan tâm đến trình độ tiến hóa của mình. Tôi thiết nghĩ đi trên đường tâm linh cũng giống như leo núi, người ta không thể leo thẳng mà phải trèo quanh theo sườn núi, có khi phải dừng chân nghỉ ngơi chút ít. Việc xao lãng của tôi cũng chỉ là sự nghỉ ngơi chút ít thôi.
- Một người đi trên đường tâm linh dù nghỉ ngơi vẫn không bao giờ rời mắt ra khỏi mục tiêu chính. Để tôi kể cho anh nghe một câu chuyện sau:
Một Hoàng đế xứ Ấn mở cuộc thi tuyển hiền tài để giúp nước. Kỳ thi như sau: Ai mang được một thùng nước đầy từ sông Hằng về đến trước cửa thành mà không ngừng lại vì bất cứ chuyện gì thì sẽ thắng cuộc. Một ngàn thí sinh tham dự cuộc thi, khi họ vừa múc nước dưới sông lên thì thấy tiền vàng ở đâu rải đầy mặt đất. Hai trăm người bỏ cuộc chạy đi lượm tiền. Đi được một lúc, các thí sinh thấy một dãy kiệu hoa lộng lẫy để hai bên đường, những người khiêng kiệu hô lớn: “Ai ngồi kiệu sẽ được đưa vào thành để dân chúng hoan hô”. Hơn hai trăm thí sinh bỏ cuộc nhào lên những chiếc kiệu hoa. Số còn lại tiếp tục đi, một quãng sau họ thấy một đoàn thiếu nữ rất đẹp với xiêm y hở hang hấp dẫn đưa tay vẫy gọi, mời chào. Hơn hai trăm người nữa bỏ cuộc chạy theo đoàn thiếu nữ kia. Trên đường về thành, các thí sinh thấy một đạo sư oai nghiêm ngồi trên một tấm thảm nói: “Kẻ nào theo ta sẽ được học các quyền năng huyền bí như tàng hình, hiện hình, bay lượn trên không trung, hô phong hoán vũ, chỉ đá hóa vàng, v.v. Một số vội bỏ cuộc chạy theo học với vị đạo sư. Cuối cùng chỉ còn một người mang nước về đến cổng thành. Vua hỏi: Tại sao anh không bị những việc trên đường làm cho xao lãng? Người nọ đáp: “Lúc đi mắt con chỉ nhắm vào một mục đích là cổng thành, tai con chỉ nghe thấy lời tuyên bố của ngài rằng kẻ nào mang nước từ sông Hằng về đây mà không dừng lại sẽ được trọng thưởng nên con đi thẳng một hơi về đây”. Nhà vua mừng rỡ nói: “Ngươi quả là người mà ta mong đợi”. Này anh bạn, đường thẳng là con đường ngắn nhất nối liền hai điểm, tại sao người ta không chọn con đường đó mà lại chọn con đường quanh co làm chi?

55. Tiêu chuẩn tâm linh

Beverly là quản thủ thư viện tại một thành phố lớn. Bà đã gia nhập nhiều phong trào tâm linh, tham dự nhiều buổi hội thảo về Yoga, thiền định, dưỡng sinh, và theo học với nhiều đạo sư khác nhau nhưng vẫn không tìm được điều bà muốn. Bà nói:
- Hiện nay tôi rất bối rối vì sự “thương mại hóa” các vấn đề tâm linh. Tôi muốn tìm một con đường tu chân chính chứ không muốn mắc mưu các thầy tu thương mại. Tôi không muốn thành “cừu con” để họ dẫn dụ. Làm sao một người như tôi có thể phân biệt được một người giáo huấn chân chính với một thầy tu giả tạo? Tôi cần một tiêu chuẩn rõ ràng chứ không phải lý thuyết suông.
- Theo bà thì con đường tu chân chính phải như thế nào?
- Tôi muốn tìm một con đường có thể đưa tôi đến sự thật, đến sự hợp nhất với Thượng Đế, chứ không phải các lời hứa hẹn hão huyền, các trò lừa bịp để moi tiền tín đồ. Tôi cần có một tiêu chuẩn thật rõ rệt để phân biệt điều này.
- Ngày trước tôi học lái máy bay, mỗi khi muốn đáp xuống đường băng tôi phải điều khiển máy bay vào đúng một vị trí nhất định gọi là “ba điểm” (Three - Point Landing) thì mới đáp an toàn được. Tiêu chuẩn này cũng có thể áp dụng vào những việc khác. Một đạo sư Ấn Độ nói rằng muốn hợp nhất với Thượng Đế thì chúng ta phải trở nên giống như Ngài, vì thế chúng ta cần có một quan niệm thật rõ ràng về Thượng Đế. Dĩ nhiên Thượng Đế là hiện thân của tất cả những đức tính cao quý mà người ta có thể hình dung: Bác ái, Minh triết, Mỹ lệ, Thanh khiết, Hoàn hảo. Bây giờ chúng ta hãy tự hỏi xem ngài có phân biệt màu da, giai cấp, chủng tộc, tín ngưỡng, hay muốn người ta gọi ngài bằng một danh xưng nhất định nào đó hay không? Đó là tiêu chuẩn thứ nhất mà bà cần đặt ra. Nếu một sự giáo huấn nào còn phân biệt các điều kể trên, bắt tín đồ sử dụng một danh hiệu nhất định thì hẳn bà đã biết phải xử sự ra sao rồi.
- Có rất nhiều nhóm tự nhận rằng họ đề cao tình huynh đệ và không hề phân biệt các danh xưng.
- Dĩ nhiên, muốn biết họ có nói đúng hay không thì chúng ta cần quan sát lời nói cũng như việc làm của họ một cách cẩn thận. Một người giáo huấn chân chính không bao giờ tự nhận rằng mình là người duy nhất. Sự giáo huấn chân chính chỉ rõ cho chúng ta thấy mục đích và những con đường đưa đến mục đích đó nhưng không đòi hỏi chúng ta phải theo một con đường nhất định nào. Đó là tiêu chuẩn thứ hai.
- Nhưng làm sao tôi có thể tìm được con đường đó?
- Khi lòng bà ao ước tìm một con đường tâm linh thì nội tâm của bà sẽ hướng dẫn cho bà, sẽ vạch rõ cho bà một hướng đi. Trong cuốn Grist for the mill, đạo sư Baba Ram Dass đã nói: “Đi vào con đường tâm linh chính là sự nhập lưu, hay bước vào một dòng nước mà trong đó vị thầy sẽ đưa anh đi qua bờ bên kia, chứ không phải giữ anh mãi trong dòng nước đó”. Một sự giáo huấn chân chính sẽ không làm ai vướng mắc mà giúp họ đi trọn vẹn con đường một cách ung dung tự tại; và đó là tiêu chuẩn thứ ba.
- Làm sao tôi có thể biết mình không bị vướng mắc?
- Khi đọc sách, bà bắt đầu bằng việc theo dõi những dòng chữ, cố gắng hiểu ý từng chữ, từng câu và từng đoạn; nhưng khi đã hiểu rồi thì bà phải biết bỏ những dòng chữ đó đi để nắm bắt lấy cái ý chính toàn bài. Nếu cứ khư khư bám chặt vào từng chữ, từng dòng, từng đoạn văn thì làm sao có thể hiểu được toàn bộ cuốn sách? Cũng như thế, khi qua sông cần có thuyền, nhưng đã đến bờ rồi thì phải biết bỏ nó đi để tiếp tục cuộc hành trình, cứ ôm chặt lấy con thuyền thì làm sao đi tiếp nữa được. Trên đường tâm linh, muốn biết bà còn vướng mắc hay không thì hãy quan sát xem giữa bà và người khác có sự khác biệt hay không? Khi tâm thức của bà được nâng cao lên, được tự do, được mở rộng, bà sẽ không còn thấy có sự khác biệt giữa mình và người khác, không chê bai, lên án, khinh miệt ai hết mà biết rằng giữa mình và người khác vốn không hề có sự sai biệt, tất cả đều là những phần tử của một Đại Thể sáng chói, đầy tình thương.

56. Từ bỏ

Sydney mắc bệnh bẩm sinh không thể chữa. Bác sĩ cho biết anh chỉ sống đến 18 hay 20 tuổi là nhiều. Tuổi niên thiếu của anh là một chuỗi ngày đau khổ, bi quan, lúc nào cũng phập phồng lo sợ, không biết mình sẽ chết lúc nào. Khi được 15 tuổi, anh gặp một vị thầy dạy Yoga, vị này khuyên anh hãy bỏ qua các cảm xúc tiêu cực, và sống cho hiện tại. Anh làm theo đó và bất ngờ thay, tình trạng sức khỏe của anh thay đổi một cách mầu nhiệm. Anh nói:
- Thưa bà, năm nay tôi đã ngoài 30 tuổi. Tình trạng sức khỏe của tôi rất tốt. Các cuộc kiểm tra sức khỏe gần đây cho thấy cơ thể tôi hoàn toàn bình phục, không có triệu chứng gì bất thường. Tôi mang ơn vị thầy dạy Yoga rất nhiều, năm nào tôi cũng qua Ấn Độ thăm ngài. Năm ngoái, trong buổi nói chuyện, ngài khuyên tôi phải biết từ bỏ để có sự tiến bộ tâm linh.
- Thầy khuyên anh phải từ bỏ những gì?
- Vì ngài không nói rõ nên tôi rất bối rối. Hiện nay tôi là một đạo diễn và sản xuất phim ảnh, kiếm rất nhiều tiền, đời sống vật chất thoải mái, dễ chịu, và tôi đang dự định sẽ lập gia đình nữa. Làm sao tôi có thể từ bỏ cuộc sống tốt đẹp như thế này? Tôi là người thực hành Yoga chăm chỉ, có đời sống tinh thần cao, dĩ nhiên tôi còn muốn tiến bộ trên đường tâm linh nữa nhưng phải từ bỏ những cái đang có hiện nay là điều không dễ chút nào. Liệu bà có thể giúp tôi chăng?
- Khi còn nhỏ, vì là con một nên tôi không có ai để chơi đùa, tôi chỉ biết chơi búp bê một mình. Phòng tôi có mấy chục con búp bê và tôi đã sống trong cái thế giới huy hoàng tưởng tượng đó. Tôi thương mấy con búp bê đó lắm, suốt ngày ôm chúng, nâng niu, chăm sóc cho chúng. Năm tháng trôi qua, tôi khôn lớn và trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng đi trình diễn khắp thế giới. Một hôm nhân dịp về thăm nhà, tôi nhìn thấy mấy chục con búp bê ngày trước được cất kỹ trong tủ. Tôi bèn đem chúng ra phân phát cho các trẻ em nghèo trong xóm mà không hề luyến tiếc. Khi người ta đã có một sở thích khác, một thú vui khác thì những thú vui cũ đâu còn gì quyến rũ nữa, nó sẽ rớt đi như trái chín rụng. Đời sống tâm linh cũng vậy, khi chúng ta đã già dặn, trưởng thành, cái gì không cần thiết sẽ tự nhiên rớt đi. Tuy nhiên, trước khi đến lúc đó thì ta đừng rung cây cho trái rụng làm gì! Hãy sống tự nhiên, đừng ham muốn, đừng mong cầu, đừng tích lũy, lúc nào cũng ung dung tự tại là được rồi.
- Nhưng thầy tôi đã nói nếu không từ bỏ thì không thể tiến bộ được, vậy tôi phải làm gì đây?
- Theo ý tôi, điều thầy của anh nói không phải là sự từ bỏ những hình thức bên ngoài, mà là từ bỏ cái ảo vọng về chính mình. Trước hết chúng ta cần ý thức rõ rằng: muốn tiến bộ, chúng ta cần từ bỏ cảm giác rằng chính ta là người làm việc đó, chính bản ngã là tác nhân hành động trong mọi việc. Đa số mọi người sống và làm việc vì những động lực thúc đẩy như tiền bạc, danh vọng, quyền thế, thỏa mãn và phô trương bản ngã, v.v. Tất cả những cái này đều bắt nguồn từ cái nguyên nhân sâu xa là ý niệm về bản ngã. Đã tập Yoga, chắc hẳn anh biết rằng mục đích của Karma Yoga là thay thế những động năng như ham muốn, khao khát cái gì cho mình bằng sự hiến dâng tất cả cho Thượng Đế. Hiến dâng cho Thượng Đế là một tác nhân độc lập hành động. Khoa Jnana Yoga dạy rằng chúng ta phải tập chứng kiến hơn là đồng hóa mình với những ảo ảnh diễn ra chung quanh. Là nhà đạo diễn phim ảnh, chắc anh biết rằng các diễn viên phải học thuộc lòng các lời đối thoại, cử chỉ, vai trò mà họ phải diễn, nhưng họ đâu phải là nhân vật đó. Thảm kịch lớn nhất của một diễn viên là sự đồng hóa mình vào vai trò của mình, tự cho rằng mình có quyền hành động, viết bản kịch, thay đổi màn kịch theo ý mình.
- Nhưng làm sao tôi có thể nghiệm chắc rằng tôi không phải là tác nhân hành động?
- Qua sự tham thiền, quán tưởng thâm sâu vào sự việc. Mỗi khi rảnh rỗi anh hãy tự hỏi “Vở kịch đời này đang chiếu trên màn ảnh nào? Ai đang cảm nhận vở kịch đó? Nó xảy ra cho ai hay cái gì?”.
- Nhưng suy nghĩ như vậy có ích gì?
- Nếu anh để cho vở kịch đời diễn ra tự nhiên, không bị cản trở bởi các tham vọng, sợ hãi, ước muốn, lo lắng của anh - hay của Sidney - đặt vào đó thì anh sẽ thoải mái hơn, ung dung hơn và tự tại hơn. Nhờ thế nó sẽ nâng anh lên khỏi mức độ đồng hóa với vở kịch, anh sẽ ý thức rằng mình chính là sự trong sạch, thức tỉnh chứ không phải cái gì đang bị trói buộc trong vở kịch đó. Sự tiến bộ tinh thần chẳng qua chỉ là sự thu hẹp khoảng cách giữa vai trò mà chúng ta đóng, và con người thực sự của chúng ta. Nói một cách khác, sự từ bỏ ở đây là loại bỏ cái bản ngã để ý thức cái Chân Ngã.
- Tôi cứ nghĩ rằng từ bỏ có nghĩa là vứt bỏ đi tất cả tài sản, trói buộc, quyến luyến, ràng buộc để vào một tu viện.
- Ngày xưa sự từ bỏ có nghĩa như vậy nhưng hiện nay những người đi trên con đường tâm linh không nhất thiết phải từ bỏ gia đình để vào rừng sâu núi thẳm ẩn dật. Thay vì thế, họ mang rừng sâu núi thẳm đó vào tâm linh của chính mình. Từ bỏ là chìa khóa của sự tiến bộ tâm linh; nhưng thay vì từ bỏ những hình tướng vật chất, chúng ta hãy từ bỏ cái bản ngã kiêu căng, ngã mạn. Nói một cách khác, ngày nay từ bỏ có nghĩa là chuyển tâm chứ không chuyển cảnh.

57. Thượng Đế

Florence là một sinh viên thích hoạt động xã hội. Cô tình nguyện dạy cho trẻ em nghèo hiếu học, săn sóc người già trong viện dưỡng lão và làm việc trong một bệnh viện chữa trị những người nghiện ma túy. Cô cảm thấy dường như có một sức mạnh thiêng liêng thúc đẩy cô hoạt động nhưng cô không muốn gắn bó vào một tôn giáo nào. Cô nói:
- Tôi băn khoăn tại sao lại có quá nhiều tôn giáo, quá nhiều con đường tâm linh khác nhau? Tại sao chân lý không đơn thuần mà lại phân chia làm nhiều giáo lý như vậy?
- Có nhiều cách giải thích một quan niệm, tùy theo ngôn ngữ, phong tục tập quán và kinh nghiệm cá nhân. Chân lý tự nó có tính chất không hai (bất nhị) nhưng chính con người đã phân biệt, giải thích nó khác nhau nên mới sinh ra nhiều tôn giáo, nhiều con đường tâm linh.
- Như vậy chỉ có một hay nhiều Thượng Đế, và hình ảnh của Ngài ra sao?
- Có lẽ cô đã nghe nói con người được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế. Nhưng cũng có quan niệm cho rằng con người đã tưởng tượng ra một Thượng Đế qua hình ảnh của chính họ. Vì con người thường có nhiều quan niệm khác nhau nên ý nghĩ về Thượng Đế hay Chân lý cũng vì thế mà khác biệt. Dĩ nhiên mọi danh từ, quan niệm đều giới hạn vì con người không thể giải thích được những gì cao cả, vô biên được.
- Như vậy phải chăng con người không thể thấy được cái chân lý tuyệt đối hay sao?
- Phần lớn con người đều sống trong một tâm thức bị giới hạn bởi lý trí nên không thể trải nghiệm được những gì không giới hạn. Chúng ta chỉ có thể có khái niệm về điều đó mà thôi. Lý trí là khả năng cao nhất mà con người được biết, do đó con người đã sử dụng nó để suy nghĩ về Thượng Đế cũng như chúng ta suy nghĩ về một quả táo vậy. Dĩ nhiên suy nghĩ về một quả táo thì dễ vì chúng ta có thể sờ mó được, nhìn thấy được, ngửi được; nhưng suy nghĩ về một cái gì vô hình, vô biên thì cần phải vận dụng đến khả năng tưởng tượng nhiều hơn. Dù sao chăng nữa, cái hữu hạn không thể kinh nghiệm được cái vô hạn.
- Có cách nào hay con đường nào giúp con người thấy được cái chân lý tuyệt đối đó không?
- Con đường không phải là vấn đề, mà tiến trình trên con đường đó mới là điều quan trọng. Những người tìm đạo có thể đi theo những con đường khác nhau, nhưng khi đã vượt ra khỏi sự giới hạn của lý trí, đã đạt đến một mức nào đó trên lộ trình tiến hóa tâm linh thì họ sẽ ý thức được chân lý. Dĩ nhiên cách diễn tả của họ thay đổi tùy theo tập quán, văn hóa, xã hội, quan niệm cá nhân, danh xưng, ngôn ngữ, nhưng cái kinh nghiệm cao tột thì luôn luôn giống nhau.
- Như vậy một người bình thường không thể có được kinh nghiệm như vậy sao?
- Chân lý cũng như ánh sáng mặt trời, soi sáng cho tất cả mọi người không hề phân biệt. Bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm được chân lý nếu họ biết vượt ra khỏi giới hạn của tâm thức bình thường. Một khi họ đã chuyển tâm thức được thì mọi sự đều thay đổi ngay. Khi mây mù đã tan thì ánh sáng mặt trời sáng tỏ, khi đã xé bỏ được màn vô minh thì chân lý tự nhiên biểu hiện.
- Khi đó người ta sẽ thấy hình ảnh Thượng Đế như thế nào?
- Để tôi kể cho cô một câu chuyện sau: Một hiền triết xứ Ấn giảng rằng: “Toàn thể vũ trụ chỉ là một sự phóng chiếu của tâm trí chúng ta”. Một đứa bé thấy vậy bèn hỏi: “Nếu như vậy, một con ếch nhỏ ngồi ở đáy giếng cũng phóng chiếu trong tâm thức nó một hình ảnh của vũ trụ hay sao?”. Nhà hiền triết trả lời: “Đúng vậy”. Cậu bé liền nói: “Như thế con ếch có ý thức về sự hiện diện của Thượng Đế hay không?”. Hiền triết đáp: “Mọi sinh vật trong vũ trụ, dù bé nhỏ đến đâu cũng đều có sự khát khao quay về nguồn cội”. Cậu bé thắc mắc: “Như vậy một con ếch nhỏ nghĩ về Thượng Đế ra sao?”. Hiền triết mỉm cười đáp: “Đối với một con ếch nhỏ thì Thượng Đế là một con ếch rất lớn”.

58. Thương yêu kẻ thù

Cathy là một công chức vừa về hưu, bà dùng thời gian rảnh rỗi để học Kinh Thánh. Bà nói:
- Là tín đồ Thiên Chúa giáo, tôi cố gắng sống theo lời khuyên của Đấng Cứu Thế, nhưng huấn thị “Hãy thương yêu kẻ thù” của Ngài đã làm tôi bối rối. Tôi nghĩ lời khuyên đó chỉ có thể áp dụng vào bối cảnh ngày xưa, bây giờ không còn đúng nữa. Xã hội ngày nay đầy rẫy những kẻ bất lương, bạo lực, ma túy, lừa đảo, đồi trụy..., làm sao chúng ta có thể thương yêu những kẻ xấu xa, tội lỗi như vậy được? Tôi đã bàn luận rất nhiều về điều này với bạn bè và ai cũng đồng ý rằng lời khuyên đó không thể áp dụng vào thời đại này được. Tuy nhiên tôi vẫn muốn hỏi ý kiến của bà về vấn đề này.
- Ý kiến của tôi thì khác. Tôi nghĩ rằng hơn lúc nào hết, ngày nay chúng ta cần áp dụng lời khuyên đó trong mọi hoàn cảnh vì đó là nhu cầu khẩn thiết cho sự sống còn của nhân loại. Theo tôi thì hiện nay có hai lối sống: Một là sống cho mình, cho bản ngã của mình, và hai là sống theo ý Chúa. Xin hỏi, bà theo lối sống nào?
- Dĩ nhiên tôi sống theo lối sau, bà không thấy tôi đã dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động trong nhà thờ hay sao? Không những thế, tôi còn khuyến khích bạn bè học hỏi Kinh Thánh nữa.
- Tốt lắm, trước hết tôi muốn biết bạn bè của bà là những người như thế nào?
- Bạn bè của tôi đều là những người ngoan đạo, sống theo lời răn của Chúa.
- Bà được lợi ích gì khi giao thiệp với họ?
- Tôi được nâng đỡ và an ủi rất nhiều. Khi tôi có việc gì cần, họ giúp đỡ tôi; khi tôi xuống tinh thần thì họ khích lệ tôi. Họ là những người mà tôi dựa vào khi cần được an ủi, là những người đi cùng một con đường với tôi.
- Xin hỏi nếu có người xúc phạm đến bà, làm thương tổn đến tự ái của bà thì phải chăng những người bạn đó sẽ an ủi bà?
- Dĩ nhiên rồi.
- Như vậy phải chăng những người mà bà gọi là bạn đều là những người nâng đỡ cho bản ngã của Cathy?
- Nhưng ... như vậy có gì sai quấy đâu?
- Dĩ nhiên không có gì sai quấy cả nếu bà không lựa chọn con đường tâm linh, hay con đường của Đấng Cứu Thế mà đi theo con đường của bản ngã.
- Tại sao lại thế được?
- Hẳn bà đã đọc cuốn Gương Chúa Jesus, trong đó có đoạn rằng: “Bạn cần được coi như người đã chết đối với những người thân, bạn càng đến gần Chúa thì càng phải rút khỏi sự an ủi, khen tụng của người đời vì tất cả sự an ủi, khuyến khích thế gian chỉ làm gia tăng bản ngã của bạn, và bản ngã của bạn càng tăng thì bạn càng xa Chúa hơn”. Bây giờ hãy xét đến những kẻ mà bà cho là xấu xa, tội lỗi. Họ là ai?
- Những kẻ nói xấu tôi, lừa bịp tôi, những kẻ trước mặt tôi thì miệng lưỡi ngọt ngào nhưng khi tôi vừa quay đi thì họ lập tức nói xấu tôi ngay.
- Được lắm, bà có tin rằng Chúa có mặt khắp nơi không?
- Dĩ nhiên tôi tin chứ.
- Nghĩa là thế nào?
- Ngài ở khắp mọi nơi, trong khắp tất cả vạn vật.
- Như vậy phải chăng Ngài cũng ở trong những kẻ đã nói xấu, phỉ báng bà nữa?
- Có thể như vậy, nhưng họ đâu biết rằng Ngài ở trong họ. Họ đâu được Chúa hướng dẫn.
- Đó là vấn đề của họ chứ không phải của bà.
- Tôi vẫn không hiểu ý bà muốn nói gì?
- Chúa nói rằng: “Nếu có kẻ tát vào má bên trái của anh thì anh hãy đưa má bên phải ra”. Ngài đâu nói rằng khi có kẻ đánh anh thì anh bỏ đi kiếm những người khác để được an ủi. Đấng Cứu Thế dạy rằng chúng ta cần biết tha thứ cho kẻ thù, phải biết thương yêu họ, vì họ đâu biết gì về hành động của họ. Ngay cả những kẻ đóng đinh Ngài lên thập tự giá mà Ngài còn xin tha thứ cho họ. Ngài không hề khuyên chúng ta “ơn đền, oán trả”, hay “Mày móc mắt tao, tao móc mắt mày; lấy mắt trả mắt, lấy răng trả răng”.
- Nhưng tôi đâu có làm như vậy?
- Có chứ, tuy bà không đánh họ, chửi mắng họ, nói xấu họ nhưng bà vẫn nuôi ý tưởng thù hận trong đầu. Bà coi họ là những kẻ có tội và thầm mong cho họ không được tha thứ hay cứu rỗi. Khi đã coi người khác như kẻ thù, không biết tha thứ cho kẻ thù, vẫn nuôi lòng oán hận triền miên thì hiển nhiên bà đâu hề tuân giữ lời khuyên của Đấng Cứu thế. Như thế bà vẫn đi theo con đường của bản ngã chứ đâu phải theo con đường mà Đấng Cứu Thế đã dạy.
- Như vậy tôi phải làm gì?
- Bà phải biết tha thứ cho họ, bỏ qua những ý tưởng thù hận, oán hờn và tốt hơn, hãy cầu nguyện cho họ được bình an, mạnh khỏe, và được ơn trên soi sáng cho họ.
- Nhưng điều này đâu làm họ thay đổi được gì?
- Họ thay đổi hay không là việc của họ chứ không phải của bà. Điều quan trọng là bà phải biết thay đổi chính bà trước đã. Nếu bà biết tha thứ thì kết quả sẽ tốt đẹp hơn điều bà mong mỏi, và ngược lại nếu bà cứ nuôi mãi tư tưởng oán thù thì quả là điều bất hạnh vô cùng.
- Điều bà nói chỉ có tính lý thuyết, còn thực hành thì khác. Làm sao ta có thể thương yêu những kẻ hèn hạ, dối trá, lừa gạt, bất lương, trụy lạc, không biết kính sợ Chúa, không biết tuân theo lời Chúa dạy. Tóm lại, trên phương diện thực hành, thương yêu kẻ thù là điều không thể thực hiện được.
- Nếu bà đã nói thế thì tôi xin hỏi phải chăng tinh hoa Thiên Chúa giáo chỉ là một mớ lý thuyết suông, không thể thực hiện được hay sao? Này chị bạn, bất cứ ai cũng có thể thương yêu những người tốt lành, thánh thiện, ngoan ngoãn, tôn trọng pháp luật, vì họ dễ giao thiệp, dễ yêu, dễ mến. Nhưng đó không phải là sự thử thách của tín đồ Thiên Chúa giáo. Một tín đồ Thiên Chúa giáo chân chính phải chấp nhận mọi thử thách và biết cách vượt qua. Nói một cách khác, cái đẹp của một người Thiên Chúa giáo chân chính là có lòng bác ái, mở rộng lòng thương đến muôn loài, và biết tha thứ. Để tôi kể cho bà nghe một câu chuyện sau:
Cách đây mấy chục năm, tôi và một người bạn đi mua sắm tại một cửa hàng lớn. Cô bán hàng tiếp đãi chúng tôi hết sức bất lịch sự và hỗn láo. Tôi bực bội, định phàn nàn với cấp trên của cô để cho cô bị mất việc nhưng người bạn của tôi đã ngăn lại. Khi ra khỏi cửa hàng, tôi hỏi ông tại sao lại làm thế, ông nói: “Phải chăng mục đích của đời người là làm cho lòng yêu thương của Thiên Chúa có thể ban rải ra khắp nơi, và hàn gắn những đau thương của nhân loại?”. Câu nói này làm tôi bừng tỉnh và thán phục người bạn đó quá. Ông quả là một tín đồ Thiên Chúa giáo chân chính. Từ đó tôi cố gắng áp dụng câu nói đó vào đời sống hàng ngày.
- Nhưng ông ta đã làm gì mà được như vậy?
- Ông bạn tôi cho biết lúc nào cũng áp dụng lời khuyên của Đấng Cứu Thế vào đời sống, không bao giờ nghi ngờ hay do dự. Ông biết rằng một khi đã tin tưởng tuyệt đối vào Ngài thì mọi hành động, tư tưởng đều được Ngài hướng dẫn.
- Chắc hẳn ông ta chịu khó đọc Kinh Thánh?
- Không những ông ta đọc mà còn áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày. Ông đã áp dụng câu: “Hãy thương người láng giềng như thương yêu chính mình” trong mọi trường hợp.
- Tôi muốn thực tập quy tắc đó, xin bà chỉ dẫn cho.
- Này chị bạn, bí quyết đó cũng giản dị thôi. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình làm thế này hay thế nọ vì mình là tác nhân chính đã hành động. Chính cái quan niệm sai lầm về bản ngã này đã tạo ra sự phân chia, cách biệt, ích kỷ, lầm lạc. Chúng ta không thể ban phát tình thương khi mình không thực sự yêu thương. Này chị bạn, tình thương là danh từ chứ không phải động từ, chúng ta chính là tình thương chứ không phải là điều chúng ta làm. Làm sao để ta trở thành một trung tâm chuyển tải tình thương chính là bí quyết của sự chuyển hóa. Hãy sử dụng trái tim để thương yêu chứ đừng sử dụng bộ óc vì bộ óc hay phán xét, phân biệt. Thật ra trái tim của chúng ta chính là điểm linh quang của Thượng Đế, là gạch nối giữa ta và Ngài. Hãy làm sao để mọi tư tưởng, hành động của chúng ta đều phát xuất từ trái tim đầy thương yêu, bác ái đó.
- Làm sao tôi có thể hành động như vậy?
- Bà cần trải qua một sự thanh lọc xác thân cũng như tâm hồn để gạt bỏ các thành kiến trước đây. Có lẽ bà cần tập cách tĩnh tâm qua việc đến giáo đường vào lúc thanh vắng để cầu nguyện. Bà có thể thanh lọc đầu óc qua lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Ngài thương xót con”. Bà hãy tìm đọc cuốn The way of the Pilgrim của một tác giả khuyết danh viết hồi thế kỷ 19, đây là một cuốn sách hướng dẫn rất hay. Ngoài ra bà có thể tìm đọc các cuốn sách nói về cuộc đời các vị Thánh, nhất là Thánh Therese de Lisieux. Trước khi qua đời, Thánh Therese cho biết chính sự đối xử khắc nghiệt của Mẹ Bề Trên đã hun đúc nên tinh thần quả cảm, chịu đựng của Thánh hay nói một cách khác, chính sự chịu đựng đau đớn vật chất và tinh thần đã nâng tâm thức của Thánh lên một bình diện cao hơn. Như tôi đã nói, một tín đồ chân chính phải chấp nhận thử thách và biết cách vượt qua.
- Nếu vậy khi thấy khó chịu hay ác cảm với kẻ khác thì tôi phải làm gì?
- Khi bà thấy đầu óc phản kháng, khó chịu thì hãy ngưng ngay tư tưởng đó lại và nhìn nó như một kẻ thứ ba. Hãy tự nhủ thầm: “Lại Cathy nữa đây, giống như một quả lắc đồng hồ xoay qua xoay lại giữa sự oán ghét, lên án, chê bai, ích kỷ. Nhưng tôi không phải là những điều đó, tôi vượt lên trên sự tầm thường nhỏ mọn đó”. Một khi đã tách rời ra khỏi tư tưởng ấy và quan sát nó thì tư tưởng đó sẽ tự động biến mất ngay. Ngoài ra, để tập mở rộng lòng thương, mỗi khi rảnh rỗi bà hãy suy ngẫm một câu nói quan trọng của Thánh Françoise: “Nơi nào có sự thù hận, xin Chúa cho con được gieo hạt giống của sự thương yêu”. Một khi đã suy ngẫm thật sâu xa tư tưởng đó, bà sẽ thấy mình hành động đúng như vậy. Khi ấy bà sẽ thấy trong cái thế giới đầy bất toàn này, người hôm nay là bạn, ngài mai có thể trở thành kẻ thù, và người bạn không ưa ngày hôm nay biết đâu chẳng là bạn thân của bà về sau. Để trở thành một người Thiên Chúa giáo chân chính, người ta không nên dùng chữ “Thù” hay “Bạn” vì sự thật chẳng có ai là thù hay bạn mà tất cả đều là “Con của Thượng Đế”.



No comments:

Post a Comment