LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT



LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT
http://truthlady3.blogspot.com/2016/11/link-post-truthlady3blogspot.html

goosee
The Sound of Silence

Friday, June 2, 2017

MẠCH HỌC TỔNG HỢP (tiếp theo)

Xem lại phần 1 tại :
http://truthlady3.blogspot.com/2017/05/mach-hoc-tong-hop.html


MẠCH PHÙ
( - Floating Pulse - Pulse Superficiel)
A- Đại cương
- Phù là nổi, mạch lúc nào cũng nổi sát ở da vì vậy gọi là mạch Phù.
- Thiên 'Ngọc cơ chân tạng luận' (Tố vấn 19) ghi: "Mạch mùa Thu tức là mạch của Phế, thuộc phương tây, muôn vật nhờ đó tới kỳ thu thành, vì vậy khi đến thì nhẹ, hư mà Phù, khi đến thì gấp, lúc đi thì tan tác (tán), vì vậy gọi là Phù".
- Thiên 'Tuyên minh ngũ khí' (Tố vấn 23) ghi: "Phế mạch Mao, ứng với thời bệnh là mùa Thu, ở tạng là Phế, mạch Phế Phù vì vậy mạch Phù cũng là mạch Mao".
B- Mạch tượng của Phù
- Nan thứ 18 (Nan kinh) ghi: "Mạch Phù là mạch đi ở trên thịt"
- Chương 'Mạch hình trạng chỉ hạ bí quyết' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Phù nhấc tay lên thì có dư, ấn tay xuống thì không đủ".
- Chương 'Sư truyền tam thập nhị tắc' (Chẩn tông tam muội) ghi: "Mạch Phù đè xuống thì hơi giảm nhưng không rỗng, nhấc lên thì nổi phù lên mà đi lưu lợi".
- Quyển 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Phù là mạch dương, ấn nhẹ tay thì thấy đập ở đầu ngón tay rất rõ ràng đầy đủ, ấn nặng tay thì kém hẳn".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Phù đi nổi ở ngoài mặt da, ấn nhẹ thấy ứng ngay ở ngón tay".

HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH PHÙ
- Sách 'Đồ chú Nan kinh mạch quyết' và sách 'Tam tài đồ hội' ghi lại hình vẽ mạch Phù như sau:
- Sách 'Mạch chẩn' vẽ như sau:
- Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' diễn tả mạch Phù như sau: Lúc đặt áp lực rất nhẹ (phù thủ ) thì thấy đường cong động mạch nổi lên nhiều, càng đặt thêm áp lực (trung và trầm thủ) thấy hình sóng mạch càng nhỏ đi.
- Về hình ảnh mạch Phù, sách 'Trung y học cơ sở' mô tả: "Đường cong của mạch Phù lên nhanh và thẳng tới đỉnh mạch ở đầu sóng đập, đầu sóng đập cũng chỉ nhô lên 1 chút chứ không nhô cao, nhánh Catarot đi xuống cũng rất chậm, dốc thoai thoải".
- Sách 'Kết hợp YHCT với YHHĐ trong lâm sàng' ghi: "Từ chân mạch sóng đi nhanh và thẳng tới đỉnh mạch rồi đi rẽ lên trên 1 nửa thân mạch, suốt thời gian tim đẩy máu ra ngoài động mạch. Điều này tương ứng với cách mô tả của YHCT là lúc mới khẽ đặt đầu ngón tay lên động mạch quay đã cảm thấy là đụng ngay vào đầu sóng mạch và mạch đập rõ ở đầu ngón tay của thầy thuốc".
C- Nguyên nhân phát sinh mạch Phù
- Theo sách 'Mạch chẩn', lời chú giải của Đường Dung Xuyên về mạch Phù như sau: "Luận về khí phận ta có mạch Phù, Trầm, Khẩn, 3 mạch này đều lấy khí phận làm chủ. Luồng mạch nằm trong các màng mỡ của tấu lý... Nếu Vệ khí tống ra ngoài thì luồng mạch sẽ theo ra ngoài (phù) để thăng lên... Tức là khí ngoại cảm đang ở bì phu, trong lúc đó vệ khí bên trong bị bức bách đánh ra ngoài làm cho luồng mạch bị đánh và động lên thành ra (mạch) Phù như muốn xuất ra ngoài".
- Chương 'Sư truyền tam thập nhị tắc' (Chẩn tông tam muội) ghi: "Phù là ứng với kinh lạc, cơ biểu, do tà khí xâm nhập vào 3 kinh dương, bức bách mạch khí ra ngoài, vì vậy tượng mạch nổi đầy lên (phù) dưới ngón tay".
- Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' và sách ' Trung y biện chứng luận trị giảng nghĩa' cho rằng mạch Phù phát sinh có thể do:
¿ Lượng máu ở tim tống ra được tăng lên.
¿ Sức co bóp của thành mạch kém.
- Sách 'Hoàng hán y học' ghi: "Mạch Phù là do sức của huyết áp đẩy ra. Mạch này xuất hiện vào thời kỳ tim đẩy máu ra".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' giải thích : "Tà khí xâm nhập vào cơ biểu, tấu lý, vệ dương chống nhau với ngoại tà thì mạch khí biểu hiện ở ngoài ứng vào trong mà Phù".
- Sách 'Cảnh Nhạc toàn thư' ghi: "... Âm hư huyết thiếu, khí trung tiêu hư tổn ắt sinh ra Phù (vô lực)".
- Sách 'Kết hợp YHCT với YHHĐ trong lâm sàng' cũng ghi nhận rằng : "Mạch Phù hiện lên trên (qua) máy suốt thời gian tống máu tâm thu".

D- Mạch Phù chủ bệnh

- Thiên 'Mạch yếu tinh vi luận' (Tố vấn 17) ghi: "Phù mà tán là chứng chóng mặt, đi đứng không vững. Các mạch Phù mà người bệnh không nóng nẩy đều thuộc về dương, là bệnh nhiệt".
- Chương 'Biện thái dương mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thái dương bệnh thì mạch Phù. Mạch Phù là bệnh ở phần biểu".
- Mục 'Thổ nục bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch ở bộ xích Phù: mắt vàng, chảy máu mũi".
- Chương 'Bình tam quan bệnh hậu tịnh nghi trị' (Mạch kinh) ghi: "Mạch thốn khẩu Phù là trúng phong, phát sốt, đầu đau... Mạch bộ quan Phù thì bụng đầy không muốn ăn... Mạch bộ xích Phù là nhiệt phong tụ ở dưới, tiểu khó...". "Mạch ở bộ quan hơi Phù là nhiệt tích tụ ở Vị, nôn ra giun, hay quên".
- Mục 'Hiệu chính Tần Hồ mạch học' (Đồ chú Nan kinh mạch quyết) ghi: "Bộ thốn mà Phù là đầu đau, chóng mặt hoặc phong đàm tụ ở ngực. Bộ quan Phù là Tỳ suy, Can vượng. Bộ xích Phù (ở trung ấn) là tiểu không thông".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Bộ Tâm ( tả thốn) Phù thì thần không yên, nói cuồng, kinh sợ. Bộ Can (tả quan) Phù thì tê liệt, co quắp, tức ngực, cơ thể đau nhức. Bộ Thận ( tả xích) Phù thì ói ra máu, lưng đau, răng đau. Phù mà vô lực là có nhọt ở đầu gối chân. Bộ Tỳ (hữu quan) Phù thì bị lỵ, suyễn, tiêu chảy, ăn kém. Bộ Phế (hữu thốn) Phù thì suyễn, trường phong, mặt nặng, phế ung (áp xe phổi)".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Phù phần nhiều thấy ở chứng biểu, phong tà còn ở bên ngoài. Nếu như mạch Phù vô lực thì thuộc về hư chứng".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Phù chỉ chứng ở biểu, có lực là biểu thực, không lực là biểu hư".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Phù chủ bệnh nhiệt, đầu đau, gáy cứng, sợ lạnh, gió, ra mồ hôi, mũi nghẹt, ho khan, khát nước, suyễn, nôn, bỉ khối, phong thủy, bì thủy, khí nghịch lên, huyết hư".
Tả Thốn PHÙ
Tâm Dương bốc lên, mất ngủ, buồn bực.
Hữu Thốn PHÙ
Thương phong, cảm mạo, Phế khí nghịch lên, suyễn, ho khan.
Tả Quan PHÙ
Can khí thống.
Hữu Quan PHÙ
Tỳ khí trướng, nôn mửa.
Xích PHÙ
Thận khí không đủ, thắt lưng đau, chóng mặt, tiểu khó, kinh nguyệt không đều.
- Sách'Tân biên Trung y học khái yếu' ghi: "Bệnh truyền nhiễm mới phát thường thấy mạch Phù".

E- Mạch Phù kiêm mạch bệnh
- Thiên 'Thị thung dung luận' (Tố vấn 76) ghi: "Mạch Phù mà Huyền là Thận bất túc".
- Nan thứ 4 (Nan kinh) ghi: "Tâm và Phế đều Phù làm sao mà phân biệt? - Thưa: Phù mà Đại, Tán là Tâm bệnh, Phù mà Đoản, Sáp là Phế bệnh".
- Chương 'Biện mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Mạch thốn khẩu Phù mà Khẩn. Phù là phong, Khẩn là hàn" - "Mạch Phù mà Hồng, mình đổ mồ hôi ra như dầu, suyễn, không nuốt nước miếng được, cơ thể mất cảm giác, khi tỉnh khi loạn, mạch giống tuyệt vậy". - "Mạch Phù Trì, mặt nóng đỏ mà run sợ, trong 6-7 ngày phải ra mồ hôi mà giải, nếu không sẽ phát sốt mà mạch càng Trì. Trì là vô dương, vì vậy không cho ra mồ hôi được, thân mình người bệnh sẽ sinh ra ngứa".
- Chương 'Biện dương minh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Dương minh bệnh, mạch Phù Khẩn thì nóng từng cơn mà phát tác có lúc".
- Chương 'Biện thiếu dương bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Thương hàn luận) ghi: "Tam dương cùng bệnh, mạch Phù Đại, chỉ có muốn nằm ngủ, mắt vừa nhắm thì ra mồ hôi".
- Chương 'Biện quyết âm bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Kiết lỵ mà mạch lại Phù Sác ở bộ thốn, xích thì Sáp, đại tiện ắt phải có máu mủ".
- Chương 'Huyết tý hư lao bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Đàn ông thấy mạch Phù Nhược mà Sáp thì tinh khí trong, lỏng, vì vậy mà không có con được".
- Chương 'Phúc mãn bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch thốn khẩu Phù mà Đại, ấn tay lại thấy Sáp, nên biết là ăn không tiêu".
- Chương 'Sang ung bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Các mạch Phù Sác thì phát sốt, nếu lại sợ lạnh mà có chỗ đau thì phải phát ra mụt nhọt".
- Chương 'Biện tam bộ cửu hậu mạch chứng' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Phù mà Đại là trúng phong, đầu nặng, mũi nghẹt" - "3 bộ mạch Phù mà Hoãn là bì phu mất cảm giác" - "Phù, Hồng, Đại, Trường là chóng mặt, điên" - "Phù mà Hoạt là ăn không tiêu, Tỳ không vận hóa" - "Phù mà Tế Hoạt là thương thực" - "Phù mà Đoản là Phế bị tổn thương".
- Mục 'Hiệu chính Tần Hồ mạch học' (Đồ chú Nan kinh mạch quyết) ghi:
. Mạch Phù Trì là trúng phong.
. Phù Sác là phong nhiệt.
. Phù Hồng là hư nhiệt.
. Phù Khẩn là phong hàn.
. Phù Tán là hư lao.
. Phù Hư là thương thử.
. Phù Khổng là mất máu.
.Phù Hoãn là phong thấp.
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi:
. Mạch Phù Hoãn là phong.
. Phù Sác là nhiệt.
. Phù Khẩn là Hàn.
. Phù Sáp là thấp.
. Phù Hoạt là đàm hỏa, ăn uống không tiêu.
- Sách 'Định Ninh tôi học mạch' ghi: "Mạch Phù Sác là cảm nhiệt nhưng nếu thấy Phù Vi là bệnh sắp hết vì nhiệt tà không truyền sang kinh khác. Phù Trì là cảm hàn. Phù Khẩn là ngoại cảm thương hàn. Phù Đại là bệnh đang tiến triển. Phù Hoạt là cảm thấp khí sinh ra nhiều đàm nhớt. Phù Nhu là thương thấp, khí huyết hao mòn. Phù Huyền là bị ngoại cảm lại kèm khí huyết suy nhược".
F- Mạch Phù và trị liệu
- Chương 'Biện thái dương mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thái dương trúng phong, mạch dương Phù mà âm Nhược. Mạch dương Phù là tự phát sốt, mạch âm Nhược là tự ra mồ hôi, sợ lạnh, sợ gió, phát sốt, mũi khò khè, oẹ khan, cho uống bài 'Quế chi thang' ( Quế chi (tiêm), Bạch thược, Sinh khương, Đại táo, Cam thảo). "Bệnh Thái dương đã 10 ngày mạch Phù Tế, chỉ thích nằm là ở ngoài đã giải. Nếu ngực đầy, sườn đau, cho uống bài 'Tiểu sài hồ thang' ( Sài hồ, Nhân sâm, Hoàng cầm, Bán hạ, Chích thảo, Đại táo, Sinh khương ). Thái dương trúng phong mà mạch Phù Khẩn, phát sốt, sợ lạnh, cơ thể đau, mồ hôi không ra được mà phiền táo, cho uống bài 'Đại thanh long thang' ( Ma hoàng, Hạnh nhân, Thạch cao, Quế chi, Chích thảo, Sinh khương, Táo). "Thương hàn mà mạch Phù Hoãn, cơ thể nặng nề, không đau, có khi nhẹ bớt, không có Thiếu âm chứng thì dùng bài 'Đại thanh long thang' (xem trên) để phát hãn" - "Mạch Phù là bệnh ở phần biểu, có thể phát hãn, cho uống bài 'Ma hoàng thang' (Ma hoàng, Hạnh nhân, Thạch cao, Cam thảo)". - "Mạch Phù mà Sác có thể phát hãn cho uống 'Ma hoàng thang' - "Chứng 'Tiểu hãm hung', ngay ở dưới tim, đè thì đau, mạch Phù Hoạt cho uống bài 'Tiểu hãm hung thang' ( Hoàng liên, Bán hạ, Qua lâu)". - "Dưới tim có biểu khối, đè thấy mềm, mạch bộ quan Phù, cho uống 'Đại hoàng hoàng liên thang' ( Đại hoàng, Hoàng liên). - "Thương hàn đã 8-9 ngày, phong thấp tương bác làm cho cơ thể đau nhức, không tự xoay trở được, không ói, không khát, mạch Phù Hư mà Sáp, cho uống 'Quế chi Phụ tử thang' ( Quế chi, Thược dược, Phụ tử, Cam thảo, Sinh khương, Đại táo). - "Thương hàn mà mạch Phù Hoạt, đó là phần biểu có nhiệt, lý có hàn, cho uống 'Bạch hổ thang' (Thạch cao, Tri mẫu, Ngạnh mễ, Cam thảo)".
- Chương 'Biện dương minh bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Dương Minh trúng phong, miệng đắng, họng khô, bụng đầy, suyễn, phát sốt, sợ lạnh mạch Phù Khẩn nếu dùng phép hạ sẽ làm cho bụng đầy mà tiểu khó khăn" -"Dương minh bệnh mà mạch Phù Khẩn thì nóng từng cơn mà phát có lúc, nếu chỉ Phù thì ra mồ hôi trộm. Nếu phát nóng mà mạch Phù, khát muốn uống nước lạnh, tiểu không thông thì cho uống 'Trư linh thang' ( Trư linh, Phục linh, Trạch tả, A giao, Hoạt thạch). -"Dương minh bệnh mạch Phù mà không ra mồ hôi, suyễn, phát hãn thì khỏi, cho uống Ma hoàng Thang ( Ma hoàng, Quế chi, Hạnh nhân, Chích thảo)".
- Mục 'Hiệu chính Tần Hồ mạch học' (Đồ chú Nan kinh mạch quyết) ghi:
. Mạch Phù dùng bài 'Tiểu sài hồ thang' ( Sài hồ, Hoàng cầm, Ngũ vị tử, Bán hạ, Bạch thược, Nhân sâm, Tang bạch bì ).
. Bộ thốn Phù: dùng 'Quế chi thang' (Quế chi, Xích thược, Chích thảo). - Ma hoàng Thang (Ma hoàng, Quế chi, Hạnh nhân, Cam thảo).
. Bộ quan Phù: dùng 'Điều trung thang' ( Hậu phác, Trần bì, Bán hạ, Nhân sâm, Bạch truật, Chích thảo).
. Bộ xích Phù: dùng 'Thất thánh hoàn' ( Tân lang, Mộc hương, Khương hoạt, Xuyên khung, Quế, Đại hoàng, Úc lý nhân ).
- Tập 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch tả thốn chủ Hồng, Đại mà thấy Phù là ngoại cảm phong tà, mạch hữu thốn chủ Sáp ( kim) mà thấy Phù, nên cho uống 'Sâm tô ẩm' ( Mộc hương, Tử tô, Can cát, Bán hạ, Tiền hồ, Nhân sâm, Phục linh, Chỉ xác, Cát cánh, Trần bì, Chích thảo ).
. Mạch tả quan chủ Huyền (mộc) mà thấy Phù, mạch hữu quan thuộc Hoãn (thổ) mà thấy Phù thì nên dùng bài 'Bồi thổ cố trung phương' (Thục địa, Bạch truật, Cam thảo, Can khương) thêm Bạch thược.
. Mạch tả xích chủ về Trầm, thuộc Thủy, nay có mạch Phù, hữu xích chủ về mạch của tướng hỏa, nay có mạch Phù, nên chữa bằng bài 'Tứ vật thang' (Bạch thược, Đương quy, Thục địa, Xuyên khung). Nếu không khỏi, cho uống 'Lục vị địa hoàng thang' ( Thục địa, Đơn bì, Phục linh, Sơn thù, Hoài sơn, Trạch tả).
. Tả xích (mạch bộ thận) Phù Khẩn thì tai điếc, cho uống 'Lục vị địa hoàng thang' thêm Xương bồ.
. Tả quan Phù quá thì gân yếu, chân tay mềm yếu, không có sức, dùng bài 'Tiêu dao tán' ( Đương quy, Phục linh, Bạch truật, Thược dược, Sài hồ, Chích thảo). Nếu thấy bụng trướng nên dùng bài 'Bồi thổ cố trung thang gia vị'.
. Tả quan Phù Đại kiêm Thực, mắt đỏ và mờ tối như có vật gì che lấp, cho uống bài 'Tiêu dao tán', thêm Hoàng cầm hoặc bài 'Long đởm tả can thang' ( Long đởm thảo, Hoàng cầm, Chi tử, Trạch tả, Mộc thông, Xa tiền tử, Đương quy, Sinh địa, Sài hồ, Cam thảo ).
. Hữu thốn Phù và Thực là trong họng khô đau, đại tiện bón, mũi không ngửi thấy mùi, cho dùng bài 'Sài hồ thang' ( Sài hồ, Hoàng cầm, Bán hạ, Nhân sâm, Tử thảo, Hoàng liên, Phục linh, Cam thảo ).
. Hữu quan hơi Phù là khách nhiệt làm thương tổn, lúc nóng lúc lạnh, nhưng thưa. Cho uống bài 'Tứ quân tử thang' ( Nhân sâm, Phục linh, Bạch truật, Cam thảo) thêm Sài hồ.
G- Các lời bàn về mạch Phù
- Chương 'Mạch thần' (Cảnh Nhạc toàn thư) ghi: "Tuy nói rằng mạch Phù là bệnh ở biểu nhưng nếu đúng là do ngoại cảm phong hàn thì mạch lại không Phù mà chỉ Khẩn, Sác, hơi kèm theo Phù. Nếu tà ở biểu thì phải phát sốt mà không ra mồ hôi, cơ thể đau nhức. Nếu mạch Phù mà kèm theo Hoãn thì không phải là tà ở biểu. Cách chung, Phù mà có lực, có thần là dương hữu dư, dương hữu dư thì sẽ thấy đờm ở trong hoặc khí ủng trệ ở trên, cứ dựa vào đó mà suy ra. Nếu Phù mà không có lực, không rỗng thì phần âm bất túc, âm không đủ thì thủy suy, vì vậy, hoặc là huyết không nuôi Tâm hoặc tinh không hóa ra khí, do đó, có thể biết là ở trong bị hư. Nếu dựa vào mạch Phù, thấy các chứng kể trên mà cho là chứng thuộc phần biểu thì rất tai hại. Mạch Phù, Đại mà Huyền, rất cứng, thậm chí gấp 4 lần trở lên, sách Nội kinh gọi là 'Quan cách'. Ở đây không nói đến việc có thần mà là do chân âm quá hư, vì vậy dương vọt lên cao nhưng không có gốc, là triệu chứng rất nguy hiểm".
- Chương 'Sư truyền tam thập nhị tắc' (Chẩn tông tam muội) ghi: "Bệnh thương hàn thấy mạch ở bộ xích, thốn đều Phù là bệnh ở Thái dương, vì vậy, mạch Phù chủ bệnh đều thuộc về biểu nhưng phải có lực mới là tà khí hữu dư. Mạch ở bộ thốn và quan đều Phù nhưng ở bộ xích lại Nhược, Trì tức là trường hợp mà Trương Trọng Cảnh đã nói: "Mạch dương Phù âm Nhược" đó là do huyết thiếu, dinh khí không đủ... Tuy trong sách Nội kinh có ghi: "Chứng trường tiết ra lẫn bọt trắng, thấy mạch Trầm thì sống, gặp mạch Phù thì chết". Nhưng nếu do phong mộc khắc Tỳ thì lúc đầu thường thấy mạch Phù, chỉ cần thăng, tán là khỏi. Nên biết rằng "Bệnh âm thấy mạch dương thì sống" còn như mạch Trầm, Tế, Hư, Vi mà lại thấy cuồng táo, phiền khát thì khó mà chữa được.
Bài ca Mạch PHÙ (Dương ) (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng : Mạch Phù nổi ở ngoài da,
Gợn tay lại tựa lông nga nhẹ nhàng.
Ba thu mạch ấy bình thường,
Bệnh lâu mạch ấy lại càng sợ thay.
Tương loại : Phù như gỗ nổi lênh đênh,
Phù Đại giữa rỗng ấy hình mạch Khâu.
Mạch Hồng như thể nước trào,
Lại thì cuồn cuộn đi hầu xa xa.
Phù nhẹ như nắm cọng hành,
Trì Đại trống rỗng ấy hình mạch Hư.
Phù nhỏ yếu ấy là Nhu,
Tán thì tan tác tựa hồ hoa bay.
Chủ bệnh : Phù dương biểu bệnh rõ ràng,
Trì phong Sác nhiệt Khẩn hàn chẳng sai.
Phù hữu lực phong nhiệt đây,
Phù mà vô lực chứng này rất hư.
Thốn phù đầu thống sinh phong,
Phong đờm tụ ở hung trung lạ gì.
Quan Phù mộc vượng thổ suy,
Xích mà Phù Đại tiểu thì khó khăn.
Bài ca Mạch PHÙ (Chẩn gia chính nhãn)
Mạch tượng : Phù ở bì mao phải không?
Dường như khúc gỗ trôi sông lềnh bềnh.
Nhận xem cho rõ mạch tình,
Ấn vào không đủ nhấc thì có dư.
Chủ bệnh : Mạch Phù ấy thuộc về dương,
Chủ bệnh ở biểu phải tường mới xong.
Thốn Phù chủ chứng thương phong,
Nhức đầu, nghẹt mũi, chẳng thông chút nào.
Tả quan phong ở trung tiêu,
Phong đờm ở cách thuộc vào hữu quan.
Xích Phù hạ tiêu phong can,
Đại tiện bí sáp tiểu thường không thông.
Kiêm mạch : Mạch Phù vô lực biểu hư,
Có lực biểu thực từ xưa đã bàn.
Phù kiêm Khẩn thuộc phong hàn,
Phù kiêm Trì ấy rõ ràng trúng phong.
Phù Sác phong nhiệt bảo cùng,
Phù Hoãn phong thấp ghi lòng chớ quên.
Phù Khâu thất huyết chẳng yên,
Nếu mà Phù Đoản khí liền bệnh thay.
Phù Hồng hư nhiệt phải hay,
Phù Hư thương thử thì nay phải tường.
Cùng là Phù Sáp nội thương,
Phù Nhu khí bại rõ ràng chẳng sai.
H- Y Án Về Mạch Phù
Y án mạch PHÙ Sác mà Tán
(Trích trong mục 'Thương hàn' của bộ 'Danh y loại án').
"Hoạt Bá Nhân chữa cho 1 phụ nữ, vào tiết trời nóng mà cơ thể lại lạnh, không phát sốt mà lại tự ra mồ hôi, miệng khô, phiền khát, chỉ thích nằm trong nước. Xem mạch thấy Phù Sác nhưng ấn mạnh tay lại Tán. Cơ thể lạnh chính ra mạch phải Trầm Vi, nay lại Phù Sác, ấn mạnh lại Tán. Phải dùng phép ôn để cứu. Đó là cách bỏ mạch theo chứng (xả mạch tòng chứng). Đây là do dương thịnh âm cách, ăn uống sinh lạnh, nằm ngồi ở ngoài mưa gió mà ra. Dùng bài 'Chân vũ thang' ( Phục linh, Bạch thược, Bạch truật, Phụ tử, Sinh khương), sắc cho uống lạnh. Uống 1 lần thì hết mồ hôi, 2 lần hết phiền táo, 3 lần thì bình phục như xưa".
Y án Mạch PHÙ Đại
(Trích trong phần 'Nội thương' của bộ 'Danh y loại án')
"Uông Thạch Sơn chữa cho một người đã hơn 30 tuổi, thường do cảm hàn mà phát sốt, đã uống thuốc phát biểu mà không bớt. Sau đó lại uống bài 'Tiểu sài hồ thang' ( Sài hồ, Bán hạ, Hoàng cầm, Nhân sâm, Chích thảo, Sinh khương, Táo) thì lại bị nóng dữ dội, mồ hôi ra nhiều rồi mê man không biết là mình đang ở đâu, nằm thì như ở trên mây, đi thì như gió thổi, lại thêm hay bị đói, di mộng tinh. Uông Thạch Sơn thấy người bệnh mập mạp mà mạch Phù Đại như ngón tay liền nói: "Trường hợp này do nội hỏa thiêu đốt sinh ra cực hư rồi". Sách Mạch kinh có ghi: "Mồ hôi đã ra rồi mà mạch vẫn không giảm thì chết" may là người bệnh này tuy mạch Đại nhưng ấn tay xuống không thấy mạch khí bật lên, vì vậy còn có thể chữa được". Sách Nội kinh có ghi: "Tà khí nhân cơ hội hư mà xâm nhập vào thì phải lấy nội thương làm trọng". Cho dùng Nhân sâm, Hoàng kỳ, Đương quy, Bạch truật làm 1 thang thuốc lớn, thêm 1 ít Phụ tử, Nhục quế. Uống hơn 10 thang thì bệnh giảm được 2-3 phần. Sau đó bỏ Phụ và Quế đi, thêm Thược dược. Uống hơn 10 thang thì người bệnh mới biết là mình nằm trên giường, chân đạp đất... Người bệnh mừng mà nói rằng: "Thoát chết rồi". Ít lâu sau thì khỏi hẳn".
QUAN HỆ GIỮA MẠCH PHÙ VÀ CÁC MẠCH KHÁC
- Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' xếp các mạch Hồng, Nhu, Tán, Khâu và Cách vào nhóm mạch Phù theo bảng sau:
Mạch gốc
Đặc điểm
Tên mạch cùng gốc
Hình thể tượng mạch
Hội chứng tương ứng
Loại
Mạch
PHÙ
Sờ
nhẹ
đầu
ngón
tay
thấy
mạch
ngay.
PHÙ
Đè tay xuống thì hơi giảm, nâng tay lên thì mạch lưu loát.Chứng ở biểu.
HỒNG
Mạch đến như làn sóng cuồn cuộn, khi đến thì mạnh, khi đi thì yếu.Chứng nhiệt thịnh.
NHU
Mạch nổi mà mềm.Hư, Thấp.
TÁN
Mạch nổi mà tán loạn.Nguyên khí ly tán, chân khí sắp tuyệt.
KHÂU
Mạch nổi lớn nhưng rỗng ở trong, như ấn vào cọng hành.Máu bị mất. Âm bị tổn thương.
CÁCH
Mạch nổi đập vào tay, có cảm giác cứng ở trên bề mặt, rỗng ở bên trong.Tinh và huyết bị hư hàn.
- Theo sách 'Lục mạch cương lĩnh' thì:
. Phù mà rất hữu lực, như đè vào da trống là mạch Cách.
. Phù mà hữu lực, mạch chắc dưới tay là mạch Thực.
. Phù mà vô lực, như luạ ngâm trong nước là mạch Nhu.
. Phù mà vô lực, nấp dưới tay thoang thoảng là mạch Hư.
. Phù Đại mà ở giữa rỗng, bên ngoài chắc như ống hành là mạch Khâu.
- Trần Tu Viên nhận định về mạch Phù:
* Phù mà căng như da trống là mạch Cách.
* Phù mà đè ở giữa không thấy gì nhưng ở 2 đầu lại là mạch Khổng.
* Phù mà đi tán loạn là mạch Tán.
Vậy mạch Cách, Khổng và Tán đều căn cứ vào mạch Phù.

MẠCH PHỤC

( - Hidden Pulse - Pouls Cache)

A- Đại cương

- Phục có nghĩa là tiềm phục, ẩn nấp.
- Sách 'Nội kinh Tố Vấn' tuy không có tên mạch Phục nhưng trong thiên 'Mạch yếu tinh vi luận'(Tố vấn 17) có câu: "Ấn đau đến xương, mạch khí thiếu là thắt lưng cùng xương sống đau và cơ thể có chứng tý". Đây chính là mạch Phục.
- Vì vậy, Nan thứ 18 (Nan kinh) định nghĩa: "Mạch Phục là mạch đi ở dưới gân".
- Thuộc loại âm.
B- Hình tượng mạch Phục
- Chương 'Mạch hình trạng chỉ hạ bí quyết' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Phục thì trầm trọng, phải ấn tay xuống đến xương mới bắt được mạch".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch núp lặn bên trong, phải đẩy gân sát xương mới tìm thấy".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Ấn nặng tay thật sát gân xương mới thấy, thậm chí có khi ẩn Phục mà không thấy".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' giải thích: "Mạch Phục... để nhẹ tay không thấy, vì vậy phải ấn tay xuống mới tìm được, đó là mạch nằm phục trong xương".
HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH PHỤC
- Sách 'Mạch chẩn' biểu thị hình vẽ mạch Phục như sau:
C- Nguyên nhân phát sinh mạch Phục
- Sách 'Cảnh Nhạc toàn thư' ghi: "Mạch Phục do khí nghịch ở kinh lạc, mạch đạo không thông, hoặc khí thoát không tương tiếp... gây ra".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Do tà khí bế tắc mà chính khí không tuyên thông được, vì vậy mạch ẩn phục không hiện rõ".
D- Mạch Phục chủ bệnh
- Chương 'Ngũ tạng phong hàn bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch đến Tế mà nép vào xương (Phục) là chứng tích".
- Chương 'Thủy khí bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Người mắc bệnh thủy thì mi mắt dưới sưng phù, sắc mặt bóng láng, mạch Phục" - "Mạch phu dương Phục, thủy cốc không tiêu hóa, Tỳ khí suy thì đại tiện lỏng, Vị khí suy thì phù thủng".
- Chương 'Bình tam quan bệnh hậu tịnh trị nghi' (Mạch kinh) ghi: "Mạch thốn khẩu Phục, khí nghịch ở ngực, tắc nghẽn không thông, đó là do lãnh khí ở vị xông lên ngực" - "Mạch bộ quan Phục là trung tiêu có thủy khí, đại tiện lỏng" - "Mạch bộ xích Phục thì bụng dưới đau, trưng, sán (khí) thủy cốc không tiêu hóa".
- Chương 'Bình tạp bệnh mạch' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Phục là hoắc loạn".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Phục là hoắc loạn, ói mửa, bụng đau do ăn không tiêu, các chứng đờm ẩm, tích tụ".
- Sách 'Mạch ngữ' ghi: "Mạch Phục chủ về hàn ngưng trệ ở kinh lạc, tạng phủ, hoặc bị hoắc loạn, thổ tả, ăn không tiêu hoặc đờm cố kết hoặc quyết nghịch trùng âm".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Phục chủ tích trệ, bí tắc, đờm ứ đọng, đau nhiều, thủy khí, hoắc loạn, sán khí, quyết nghịch".
Tả Thốn PHỤC
Huyết uất.
Hữu Thốn PHỤC
Khí uất.
Tả Quan PHỤC
Can huyết ngưng do hàn.
Hữu Quan PHỤC
Thủy cốc tích trệ.
Tả Xích PHỤC
Sán hà.
Hữu Xích PHỤC
Thận hàn, tinh bị hư.
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi:
¿ Mạch bộ thốn thấy Phục là tắc nghẽn ở giữa ngực.
¿ Mạch bộ quan Phục là khí tụ ở trung tiêu không tan đi, bệnh lỵ, choáng váng (nếu ở cả 2 bên).
¿ Mạch bộ xích Phục là bụng đau, nằm ngồi không yên.
- Sách 'Đông y lược khảo' ghi:
* Mạch ở thốn bộ (trái) Phục là tim suy yếu, hay hoảng sợ. Thốn bộ (phải) Phục là hàn khí kết ở ngực vì vậy thường bị ho và khi ho thường kéo đàm.
* Mạch bộ quan (trái) thấy Phục là huyết suy yếu, lưng đau, chân đau, 2 bên sườn đau. Mạch bộ quan (phải) thấy Phục là dạ dày bị khí tích vì vậy ăn uống không tiêu.
* Mạch bộ xích bên trái thấy Phục là thận tinh kém, hay bị sán khí. Mạch bộ xích bên phải thấy Phục là bụng dưới đau và có hàn khí ngưng kết ở hạ tiêu".
E- Mạch Phục và đều trị
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Phục là hoắc loạn, nôn mửa... cách chữa phải tán hàn, ôn lý".
- Sách 'Cảnh Nhạc toàn thư' ghi: "... Do bạo bệnh, bạo nghịch mà thấy mạch Phục, cách chữa là điều hòa khí huyết".
- Sách 'Ôn dịch luận' ghi: "Gặp mạch Phục... chỉ cần hạ bằng bài 'Thừa khí thang' (Đại hoàng, Hậu phác, Chỉ thực) thì 6 bộ mạch sẽ tự hồi phục".
- Sách 'Chẩn tông tam muội' ghi: "Thương hàn mà giải biểu, phát tán không đúng làm cho tà khí không tiết ra được, vì vậy 6 bộ mạch đều Trầm Phục, phải gấp rút phát hãn thì mạch khí tự hồi phục".
- Sách 'Bệnh cơ khí nghi bảo mệnh tập' ghi: "Thấy mạch Phục thì không thể phát hãn".
- Sách 'Trương thị y thông' ghi: "Thấy mạch Phục, nên cho uống bài Ma hoàng phụ tử tế tân thang để phát hãn".
- Sách 'Mạch thuyết' ghi: "Mạch Phục của bạo bệnh thì cách chữa phải tuyên, tán".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch bộ tả thốn Phục là khí bị tức ở ngực. Cho uống bài 'Trầm hương hoàn' ( Trầm hương, Nhục thung dung, Hoàng kỳ, Cù mạch (hoa), Hoạt thạch). Bộ tả quan Phục thì kiết lỵ, hoa mắt. Uống bài 'Ngũ cách khoan trung tán' ( Bạch đậu khấu, Mộc hương, Chích thảo, Đinh hương, Sa nhân, Hậu phác, Thanh bì, Trần bì, Hương phụ ). Bộ tả xích Phục: ăn kém, đầy hơi, bụng đau, nằm ngồi không yên, cho uống bài 'Tứ bạch thang' ( Bạch truật, Bạch thược, Bạch linh, Bạch biển đậu, Nhân sâm, Hoàng kỳ, Cam thảo )".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Phàm các chứng khí bế, nhiệt bế, hàn bế, hoặc do đau mà bế hoặc do hoắc loạn mà bế đều làm cho khí huyết bị khốn, mạch đạo không thông, vì vậy mà có mạch Phục, là thái quá, cách chữa phải tuyên tiết. Do bệnh lâu ngày, chính khí suy vi, mạch khí ẩn phục dần, là bất cập, phải gấp dùng phép đại bổ".
G- Mạch Phục qua các lời bàn
- Sách 'Cảnh Nhạc toàn thư' ghi: "Mạch Phục tuy giống như các mạch Trầm, Vi, Tế, thoát nhưng thực ra lại có chỗ khác nhau, Đó là có lúc mạch khí ẩn nấp không thấy được. Do ngực bụng đau dữ dội mà thấy mạch Phục hoặc do khí nghịch ở kinh lạc, mạch đạo không thông mà thấy hoặc do khí thoát không tương tiếp mà gây nên mạch Phục. Trên đây là do bạo bệnh, bạo nghịch mà thấy mạch Phục. Cách chữa là điều hòa khí huyết thì mạch khí sẽ hồi phục và thông suốt. Ngoài các nguyên nhân trên còn thấy ở người bị tích khối lâu ngày, chính khí suy, tượng mạch Tế, Vi rồi dần dần ẩn phục, đó là triệu chứng lửa tàn sắp tắt. Có người khi gặp mạch này thì dùng ngay các bài thuốc có tác dụng phá khí, đạo đàm mà chẳng xét là hư hoặc thực, như vậy chẳng đáng sợ lắm sao?".
- Chương 'Mạch quyết' (Ôn dịch luận) ghi: "Người bị ôn dịch có triệu chứng ở phần lý, thần sắc chưa suy, nói năng như thường, không có quái chứng, chẩn thấy 6 mạch như sợi tơ, Vi, Tế mà Nhuyễn, thậm chí như không có hoặc 2 tay đều không thấy hoặc 1 tay thấy Phục. Xét rằng người bệnh đáng lý không có mạch này, nay lại thấy, đó là do tà khí kết tụ và ủng tắc ở bên trong. Doanh khí nghịch ở trong vì vậy không thông đạt ra tay chân được gọi là 'mạch quyết'. - Cũng có khi do uống quá nhiều thuốc có đặc tính hàn (lạnh) như Hoàng liên, Thạch cao, làm cho tà khí càng kết tụ thì mạch càng khó bắt được. Thầy thuốc thấy mạch Vi sắp tuyệt thì cho là 'Chứng thuộc dương mà thấy mạch âm' là không thể chữa được rồi bỏ mà không chữa, vì vậy làm hại nhiều người không ít. Nếu cho uống bài Nhân sâm 'Sinh mạch tán' ( Nhân sâm, Ngũ vị tử, Mạch môn) thì họa càng lớn, do đó, chỉ cần hạ từ từ bằng bài 'Thừa khí thang' (Đại hoàng, Chỉ thực, Hậu phác) thì 6 mạch sẽ tự phục hồi".
- Chương 'Sư truyền tam thập nhị tắc' (Chẩn tông tam muội) ghi: "... Các chứng bệnh của mạch Phục rất khó mà tiên lượng, Trường Sa ( Trương Trọng Cảnh) có nói: "Mạch phu dương không hiện ra, Tỳ không vận hóa, cơ thể lạnh, da cứng, mạch Thiếu âm không đến khiến cho cơ thể mất cảm giác, đó là chứng 'Thi quyết'. Phục là triệu chứng của âm dương tiềm phục, cũng có khi do tà ẩn phục làm cho mạch Phục, không hiện ra. Tuy về hình tượng có khác với mạch Đoản nhưng cũng có nghĩa là khí huyết bị sáp trệ, vì vậy mạch (này) thấy ở các chứng quan cách, nôn ngược, bí tiểu. Nếu không Đại (lớn) hơn bình thường thì cũng Tiểu mà ẩn phục, đó là trường hợp của Tần Việt Nhân nói: "Bộ trên có mạch bộ dưới không có mạch vậy". Phàm các chứng về khí huyết bị uất kết, sán hà, lưu ẩm, thủy khí, ăn không tiêu, hoắc loạn, thổ tả thường thấy mạch Trầm Phục, đều do kinh mạch bị trở trệ, doanh vệ không thông mà ra. Do đó, có thai bị nôn mửa thường thấy mạch Phục, đó là mạch chứng biến hóa vậy. Thương hàn mà giải biểu phát tán không đúng làm cho tà khí không tiết được, vì vậy 6 bộ mạch đều Phục, phải gấp dùng phép phát hãn thì mạch khí tự hồi phục. Lưu Nguyên Tân nói: "Thấy mạch Phục thì không thể dùng phép hãn", đây là mạch Phục nhưng không phải của chứng ở biểu, vì vậy, Trương Khiết Cổ có nói: "Thấy mạch Phục nên cho uống bài 'Ma hoàng phụ tử tế tân thang' để phát hãn. Khi gặp bệnh thì phải thích nghi quyền biến chứ không thể chấp nhất. Nếu đã 6-7 ngày, phiền táo không yên, tà và chính giao tranh, vì vậy thấy mạch Phục lại phát run và ra mồ hôi, đó là giống như hạn lâu ngày mà gặp mưa, mưa xong thì mọi vật đều sống lại, không thể cho rằng mạch là mạch âm rồi dùng các vị thuốc có tính chất tân (cay) nhiệt, chắc chắn sẽ nguy ngay".
- Sách 'Mạch ngữ' ghi: "Thương hàn Thái dương chứng mà gặp mạch này (Phục) là triệu chứng tốt... có khi thấy mạch như Phục, là bệnh lâu ngày, âm dương đều suy, mạch khí đứt đoạn, không liên tục, lúc thấy lúc ẩn, là chân khí sắp bị tuyệt, lại có thể cho là mới bênh rồi dùng phép tiêu tán được sao? Đây là mạch thoát chứ không phải mạch Phục. Các chứng bạo kinh, bạo nộ, bạo quyết cũng thấy mạch Trầm Phục, giây lát thì mạch khí tự hồi phục, không chữa cũng khỏi. Nếu thấy tuổi đã quá 40, nguyên khí vốn đã hư, bất thình lình hôn mê bất tỉnh, đó là loại trúng phong chứ không phải chứng chân trúng phong. Trong họng đờm kêu như kéo cưa, 6 bộ mạch Trầm Phục, phải gấp cho uống bài 'Tam sinh ẩm' thêm Nhân sâm thì may ra có thể sống".
- Sách 'Mạch thuyết' ghi: "Mạch Phục có 2 nghĩa: Một là ấn mạnh tay đến xương, tìm kỹ mới thấy, các sách Nan kinh, Mạch kinh đều gọi là mạch Phục. Đó là mạch Trầm quá sâu (thậm), chủ về chứng tích tụ, tích thực. đờm ẩm, là các bệnh đã lâu ngày. Còn các chứng thi quyết, hoắc loạn, khí nghịch, đau dữ dội làm cho 6 bộ mạch ở 2 tay có khi không thấy, đó mới chính là mạch Phục, hoặc cả 2 tay tuy Phục nhưng phải 1 trong 2 bộ xích chưa Phục hoặc cả 2 tay tuy Phục nhưng 3 bộ mạch ở chân không thể Phục. Trong động mạch của 12 đường kinh, các mạch ở đầu, mặt có thể Phục nhưng các mạch ở ngực, bụng thì không thể Phục. Nếu các mạch ở toàn thân đều Phục thì khí cũng tuyệt mà chết. Trên đây là mạch Phục của các chứng cấp tính, mới bị. Mạch Phục và mạch thoát giống nhau, không thể không xét. Khi mạch ở thốn khẩu thoát, Phục thì tìm ở các động mạch của 12 đường kinh, chắc chắn có 2 bộ không thấy mạch Phục. Nếu thấy mạch khí mạnh, có thể nhảy vọt lên, đó là mạch Phục. Nếu thấy mạch khí chợt kéo ra, chợt thu vào, tán loạn không chừng, có ý phản kích, đó là mạch thoát. Mạch Phục của bạo bệnh thì cách chữa phải tuyên tán. Bệnh lâu ngày thấy mạch thoát thì cách chữa phải đại bổ".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Phục so với mạch Trầm thì sâu hơn 1 tầng, vì vậy phải ấn tay mạnh đến xương mới thấy được".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Nếu vì âm tà ngăn lại ở ngoài, dương khí phục ở trong mà thấy mạch Phục thì sau khi ra mồ hôi, mạch tượng thấy rõ ngay".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Nếu cả 2 tay mạch ẩn phục, đồng thời mạch Thái khê và Phu (Xung) dương cũng mất là chết".
- Sách 'Đông y lược khảo' ghi: "Mạch Phục thấy ở 1 tay gọi là Đơn Phục, cả 2 tay đều đi mạch Phục gọi là Song Phục. Bệnh thuộc chứng đau nhức thì thường thấy mạch Phục. Bệnh lâu ngày mà thấy mạch Phục là sắp chết".
Bài ca Mạch PHỤC (Âm) (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng: Mạch Phục cũng mức độ trầm,
Khi tìm mạch phải ấn gần sát xương.
Thương hàn giục hãn giải dương,
Rốn đau, quyết nghịch chứng thường thuộc âm.
Tương loại: Trầm thấy ở khoảng xương gân,
Phục thì tìm mãi thấy gần ở xương.
Chủ bệnh: Phục thì hoắc loạn thổ luôn,
Thức ăn trước còn đình lại, bụng đau.
Bởi nhân đàm ẩm tích vào,
Tán hàn ôn lý cho mau mới lành.
Thốn Phục thực uất trong hung,
Mửa không mửa được trong lòng nôn nao,
Quan Phục ngâm ngẩm bụng đau,
Xích Phục sán thống làm sao được lành.
Bài ca Mạch PHỤC (Chẩn gia chính nhãn)
Mạch tượng: Mạch Phục tìm thấy ở đâu?
Phục là ẩn nấp, còn sâu hơn trầm.
Khi xem mạch nhớ kẻo lầm,
Để tay ấn sát xướng gân mà tìm.
Chủ bệnh: Phục là mạch thuộc phần âm,
Chủ về các bệnh thâm trầm ở trong.
Tả thốn huyết uất chẳng thông,
Hữu thốn khí uất hẳn không còn ngờ.
Tả quan can huyết bụng đau,
Hữu quan thủy cốc không tiêu, ngưng hàn.
Tả xích sán hà chẳng bàn,
Hữu xích thiếu hỏa rõ ràng tiêu vong.
H- Các Y Án Mạch Phục
Y án 6 Bộ Mạch đều PHỤC
(Trích trong 'Y tôn tất độc')
"Phu nhân của Yến Hoài Tuyên, lúc trước thấy ngực bụng đầy, qua ngày hôm sau, bất thình lình té ngã hôn mê, tay chân lạnh. Có người định cho uống 'Ngưu hoàng hoàn'. Tôi xem mạch thì thấy 6 bộ đều Phục, chỉ có mạch khí khẩu còn hơi động, đây là do ăn không tiêu, âm dương bị cách ngăn, khí cơ không thăng giáng vì vậy thấy mạch Phục mà ở khí khẩu còn động. Dùng Sa nhân, Trần bì mỗi thứ 40g, Gừng 32g, sắc cho uống. Lại lấy ngón tay móc cho ra được các thứ tích trệ 5-6 chén, 6 mạch đều thấy trở lại".
Y án Bộ Thốn và Quan đều PHỤC
(Trích trong 'Tục danh y loại án')
"Vợ của Bao Hài Đình bị đau bụng, đau dồn lên bụng và kéo xuống bụng dưới, đau cả ngày lẫn đêm, đã uống thuốc nhưng không bớt... Mâu Trọng Thuần xem mạch thì thấy bộ thốn và quan ở 2 tay đều Phục, chỉ có 2 bộ xích Thực, Đại, ấn tay lại càng thậm. Hỏi ra thì biết nguyên nhân là do quá giận, phong mộc bị uất nghịch gây ra. Cho uống Xuyên khung, Sài hồ, Thăng ma. Uống vừa xong thì ợ hơi liền mấy chục cái rồi cơn đau liền hết. Hết đau rồi lại suyễn, đó là do thăng quá nhanh, cho uống bài 'Tứ ma thang' (Chỉ xác, Binh lang, Trầm hương) thì khỏi bệnh".
Y án Mạch PHỤC
(Trích trong 'Nội khoa học của Trung y Thượng Hải').
"Liêu XX. cơ thể vốn thường bị khí hư, thấp thắng, đờm nhiều, đang đi đường bỗng nhiên ngã lăn ra thành chứng trúng phong, bất tỉnh nhân sự, tiểu són, trong họng có tiếng đờm khò khè, nhiều mồ hôi, mạch Phục, cơ thể nóng, tay chân lạnh. Đây là chân dương phù việt, khí huyết ly tán. Tuy gọi là phong trúng tạng, thực ra là trúng thể bạo thoát. Điều trị: Hồi dương cứu thoát. cho uống: Nhân sâm 12g, Trúc lịch 80g, Phụ phiến (thục) 12g, Nước Gừng tươi 4g, Uống xong thì tỉnh và khỏi".
Y án Mạch PHỤC Hữu Lực
(Trích trong 'Cổ kim y án')
"Lý Sĩ Tài chữa một người bệnh tinh thần mệt mỏi, eo lưng và đầu gối đau chịu không nổi. Các thầy thuốc cho là Thận chủ eo lưng, gối, cho dùng Quế Phụ. Bệnh kéo dài vài tháng, càng ngày càng nặng thêm, lưng và gối lạnh. Lý Sĩ Tài khám thấy mạch Phục, ấn mạnh tay thấy hữu lực. Nghĩ đến dương tựa âm, do hỏa nhiệt quá hóa hàn, chắc là tiểu đỏ, sợ nước nóng. Hỏi thì đúng như vậy. Cho dùng, Hoàng bá 12g, Long đởm thảo 8g, Hoàng cầm, Hoàng liên, Chi tử đều 6g, gừng 7 lát, sắc uống nóng và uống hết 1 lần. Sau đó thấy vùng lưng dễ chịu. Uống 3 thang thì hết đau".
MẠCH SÁC
( - Rapid Pulse - Pouls Rapide )
A- Đại cương
- Sác nguyên nghĩa là nhanh, nhiều lần, Mạch Sác là mạch đi nhanh, nhiều lần ( tính theo hơi thở hoặc nhịp đập của mạch).
- Thiên 'Âm dương biện luận' (Tố vấn 7) ghi: "Mạch Sác thuộc dương".

B- Hình tượng mạch Sác

- Chương 'Mạch hình tượng chỉ hạ bí quyết' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Sác đến rồi đi cấp bách" - "Mạch Sác 1 tức mạch đập 6-7 chí".
- Sách 'Chẩn gia khu yếu' ghi: "Mạch Sác là thái quá, 1 hơi thở mạch đập 6 lần, hơn mạch bình thường 2 lần đập".
- Sách 'Tứ chẩn quyết vi' ghi: "Mạch Sác, cứ lấy 1 hơi thở của thầy thuốc bình thường thì mạch người bệnh chạy 6 lần đến".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Sác đi gấp rút, 1 hơi thở đến 6 lần".
- Sách "Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Sác 1 hơi thở trên 5 chí (Nhất tức ngũ chí dĩ thượng), tương đương với 90 đập /phút".
- Sách 'Y học thực tại dị' : "Mạch Sác... 5 chí trở lên'.
CÁC HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH SÁC
- Sách 'Đồ chú Nan kinh mạch quyết' và sách 'Tam tài đồ hội' ghi lại hình vẽ về mạch Sác như sau:
- Sách 'Mạch chẩn' biểu diễn hình vẽ như sau:
- Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' mô tả hình vẽ của mạch Sác là những hình sóng rất không đều nhau cả về tần số lẫn biên độ:
- Sách 'Kết hợp YHCT với YHHĐ trong lâm sàng' mô tả mạch Sác: "Khoảng cách trung bình giữa 2 nhát bóp của tim là: X = 0,59 giây +- 0,07 giây. Tương đương với X = 102 lần/phút +- 14 lần/phút".
C- Nguyên nhân phát sinh mạch Sác
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Sác là dương thịnh, tà nhiệt kích động, mạch vận hành nhanh hơn, vì vậy mạch đi Sác". - "Bệnh lâu ngày âm hư, dương thiên thắng cũng gây ra mạch Sác". - "Dương phù việt ra ngoài cũng tạo ra mạch Sác nhưng là Sác vô lực".
- Sách 'Trung y biện chứng luận trị giảng nghĩa' cho rằng hình thành nên mạch Sác có thể do:
Nhiễm khuẩn gây ra hạ huyết áp dẫn đến nhịp xoang nhanh.
Cơ tim hưng phấn hoặc suy yếu đi, tần số tim tăng lên để duy trì lưu lượng máu tống ra mỗi phút được như cũ".
D- Mạch Sác chủ bệnh
- Thiên 'Ngọc cơ chân tạng luận' (Tố vấn 19) ghi: "Nếu mạch tuyệt không đến hoặc mỗi hơi thở mạch đập 5-6 lần (Sác), dù cơ thể và thịt không bị hao gầy đi, mạch chân tạng không hiện ra, cũng chết".
- Thiên 'Bình nhiệt bệnh luận' (Tố vấn 23) ghi: "Mồ hôi đã ra rồi mà mạch vẫn còn táo thịnh (Sác) thì sẽ chết".
- Thiên 'Đại kỳ luận' (Tố vấn 48) ghi: "... Mỗi hơi thở mạch đập 10 lần trở lên, đó là kinh khí bất túc, nếu thấy mạch đó, trong vòng 9-10 ngày thì chết".
- Chương 'Biện mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Tượng mạch ở thốn khẩu Sác là bệnh ở phủ". - "Mạch Sác không đúng thì là chứng ác sang ( nhọt độc)".
- Chương 'Bình mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Mạch Sác là phiền nhiệt".
- Chương 'Biện quyết âm bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Sau 3 ngày lại thấy mạch Sác mà nhiệt không giảm, đó là nhiệt khí có dư, ắt sinh ra nhọt mủ". - "Kiết lỵ mạch Sác mà lại khát nước, bệnh tự khỏi".
- Chương 'Phế nuy... bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Người bệnh ho, mạch ở thốn khẩu Sác trong miệng lại có nước miếng dơ là tại sao? Thầy đáp: là bệnh phế nuy"
- Chương 'Tiêu khát... bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch xung (phu) dương Sác là trong Vị có nhiệt, ăn nhiều mà mau đói, đại tiện cứng, tiểu gắt".
- Chương 'Kinh qúy thổ nục... bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Chứng ói ra máu, ho ngược hơi lên, thấy mạch Sác là có nhiệt, không nằm được thì chết".
- Chương 'Sang ung, trường ung... tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Chứng trường ung, ấn tay thấy mềm như bị sưng, bụng không có tích tụ, cơ thể không nóng, mạch Sác, đó là trong ruột có ung mủ".
- Chương 'Biện mạch âm dương đại pháp' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Sác là ói ra máu".
- Chương 'Trì tật đoản trường tạp mạch pháp' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Sác là bệnh ở phủ".
- Chương 'Bình tam quan bệnh hậu tịnh nghi trị' (Mạch kinh) ghi: "Mạch ở thốn khẩu mà Sác thì muốn nôn vì có nhiệt ở vị quản, nung nấu trong ngực. Mạch bộ quan mà Sác là trong Vị có tà nhiệt. Mạch bộ xích Sác thì sợ lạnh, dưới rốn nóng đau, tiểu tiện vàng đỏ".
- Chương 'Mạch âm dương loại thành' (Chẩn gia khu yếu) ghi: "Sác... là phiền mãn. Bộ thốn Sác là đầu đau, nóng ở trên, Bộ quan Sác là Tỳ nhiệt, miệng hôi, nôn mửa. Bộ quan bên trái Sác là Can bị nhiệt, mắt đỏ. Bộ xích tay phải Sác thì tiểu vàng đỏ, táo bón".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mùa thu, bệnh ở Phế mà thấy mạch Sác thì rất đáng sợ. Bộ thốn mạch Sác thì họng và miệng lưỡi lở loét, Phế sinh ung nhọt. Bộ Can Sác là Can hỏa, Vị hỏa".
- Sách 'Cảnh Nhạc toàn thư' ghi: "Mạch Sác... là hàn nhiệt, là hư lao, là ngoại tà, ung nhọt".
- Sách 'Chẩn gia chính nhãn' ghi: "Mạch Sác chủ bệnh ở phủ, nhiệt. Bộ thốn Sác là ho suyễn, miệng lở, phế ung. Bộ quan Sác là Vị nhiệt, tà hỏa công lên trên. Bộ xích Sác là do tướng hỏa gây bệnh, vì thế, thấy các chứng trọc khí ở Vị, tiểu buốt, tiểu bí".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi:
Tả Thốn SÁC
Nói cuồng, miệng lưỡi lở, tiểu không thông.
Hữu Thốn SÁC
Nhiệt ở thượng tiêu, ho đờm, tiểu không thông.
Tả Quan SÁC
Mắt mờ, chóng mặt.
Hữu Quan SÁC
Miệng hôi, bụng cồn cào, chân răng sưng, thích nằm.
Xích SÁC
Đái dầm, tiểu són, bàng quang bí, có thai (nữ).
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Sác... phần nhiều thấy về chứng nhiệt ở phủ".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Sác chủ bệnh nhiệt, có lực là thực, không lực là hư".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Sác chủ dương thịnh, ngoại tà hàn nhiệt, phiền táo, nóng khát, uất nhiệt, đờm nhiệt, đại tiện ra máu, ung nhọt".
Tả Thốn SÁC
Hỏa thịnh, tâm phiền.
Hữu Thốn SÁC
Ho suyễn, phế nuy.
Tả Quan SÁC
Can Đởm hỏa vượng.
Hữu Quan SÁC
Tỳ Vị thực nhiệt.
Tả Xích SÁC
Tiểu gắt, bí, di tinh, xích bạch trọc.
Hữu Xích SÁC
Đại tiện ra máu.
- Sách 'Định Ninh tôi học mạch' ghi: "Mạch Sác vô lực là hư nhiệt, Sác có lực là thực nhiệt. Nếu mạch Nhân nghinh cũng Sác có lực thì đó là ngoại cảm nhiệt tà".
E- Mạch Sác kiêm mạch bệnh
- Chương 'Đờm ẩm... tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch Huyền Sác là có đờm ẩm, vào mùa đông, mùa hạ thì khó chữa".
- Chương 'Phụ nhân... trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch Thiếu âm Hoạt mà Sác là lở loét ở âm bộ".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Phù Sác là biểu nhiệt, Trầm Sác là lý nhiệt. Mạch ở khí khẩu Sác Thực là phế ung".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi:
Mạch Sác mà Phù là nhiệt ở biểu.
Sác mà Trầm là nhiệt ở lý.
Sác mà Thực là phế ung.
Sác mà Hư là phế nuy.
Sác mà Tế là âm hư lao nhiệt.
Sác mà Hồng, Trường là ung nhọt.
Sác mà Hoạt Thực là đờm hỏa.
Sác mà Hồng là vong huyết.
Sác mà thịnh, Đại, ấn tay thấy Sáp thì bên ngoài tuy có chứng nhiệt nhưng bên trong lại hàn".
- Sách 'Định Ninh tôi học mạch' ghi: "Sác + Trầm là nhiệt ở phần lý, nhiệt từ trong bốc ra. Bốc lên thượng tiêu thì đầu đau, nóng nẩy, nhiệt này xông vào trung tiêu sẽ gây ra ợ chua, miệng hôi, nôn mửa. Nếu nhiệt bốc sang bên trái thì Can hỏa xông lên gây ra mắt đỏ. Nhiệt bốc sang bên phải thì tiểu đỏ, táo bón".
F- Mạch Sác và trị liệu
- Chương 'Biện thái dương mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thái dương bệnh... mạch Phù Sác, nên phát hãn, cho uống bài 'Ma hoàng thang' ( Ma hoàng, Quế chi, Hạnh nhân, Cam thảo). Sau khi phát hãn, thấy mạch Phù Sác mà lại phiền khát, cho uống bài 'Ngũ linh tán' (Trư linh, Phục linh, Bạch truật, Trạch tả, Quế chi). Bệnh thương hàn, phát hãn đã giải, nửa ngày sau lại phiền táo, mạch Phù Sác thì lại phải phát hãn bằng bài 'Quế chi thang' ( Quế chi, Bạch thược, Sinh khương, Đại táo)".
- Chương 'Biện Dương minh bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Dương minh và Thiếu dương hợp bệnh ắt gây ra kiết lỵ... nếu mạch Hoạt Sác là ăn không tiêu, nên hạ bằng bài 'Đại thừa khí thang' ( Đại hoàng, Hậu phác, Chỉ thực, Mang tiêu). - "Người bệnh không có chứng biểu, chứng lý, phát sốt 7-8 ngày, tuy thấy mạch Phù Sác vẫn có thể dùng phép hạ. Nếu đã hạ mà mạch còn Sác là nhiệt, vì vậy hay đói, 6-7 ngày không đại tiện là có ứ huyết, cho dùng bài 'Để đương thang' (Thủy điệt, Mang trùng, Đại hoàng, Đào nhân).
- Chương 'Bách hợp... mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Bệnh hồ hoặc, thấy mạch Sác, không sốt, hơi bực bội, không nói chuyện, chỉ thích nằm, ra mồ hôi. Mới bị bệnh 3-4 ngày thì mắt đỏ như mắt chim cưu, được 7-8 ngày thì 4 khoé mắt đều đen, nếu ăn được là đã thành mủ, cho uống bài 'Xích tiểu đậu đương quy tán' ( Xích tiểu đậu, Đương quy).
- Chương 'Phế nuy... mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Ho mà ngực đầy, gai rét, mạch Sác, họng khô nhưng không khát, thường có nước miếng hôi, lâu lâu lại ói ra mủ như cháo là chứng phế ung, cho uống bài 'Cát cánh thang (Cát cánh, Cam thảo)".
- Chương 'Hung tý... chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Chứng hung tý mà suyễn thở, ho khạc, ngực lưng đau, hơi thở ngắn, mạch thốn khẩu Trầm, Trì, bộ quan thì Tiểu, Khẩn, Sác cho uống bài 'Quát lâu giới bạch bạch tửu thang' (Quát lâu, Giới bạch, Bạch tửu)".
- Chương 'Phúc mãn... mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Chứng bụng đầy, phát nóng đã 10 ngày... mạch Sác mà Hoạt là Thực, ăn không tiêu, dùng phép hạ, cho uống bài 'Đại thừa khí thang' ( Đại hoàng, Chỉ thực, Hậu phác, Mang tiêu)".
- Chương 'Sang ung... bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Chứng trường ung, ấn tay thấy mềm như bị sưng, bụng không có tích tụ, cơ thể không nóng, mạch Sác là trong ruột có ung nhọt, cho uống bài 'Ý dĩ phụ bại tương tán' (Ý dĩ, Phụ tử, Bại tương)".
G- Các lời bàn về mạch Sác
- Chương 'Mạch thần' (Cảnh Nhạc toàn thư) ghi: "Mạch Sác có âm dương mà đời sau tuyên truyền cho rằng mạch Sác thuộc nhiệt. Xét ở Nội kinh thì chỉ thấy ghi: "Các mạch cấp là đa hàn Hoãn là đa nhiệt" - "Mạch Hoạt là dương khí thịnh, hơi có nhiệt" - "Mạch thô đại là âm hư không đủ, dương có dư là nhiệt ở trong " - "Mạch Hoãn Hoạt là nhiệt ở trong"... Ngoài những lời thuyết nói mạch Trì là hàn, mạch Sác là nhiệt, bắt đầu ở Nan kinh, trong đó có ghi rằng : "Mạch Sác thuộc nhiệt, mạch Trì thuộc hàn". Vì vậy, đời sau đều dựa vào thuyết này mà cho rằng Sác thuộc nhiệt. Phàm các chứng hỏa nhiệt phục ở trong, mạch lại không Sác mà chỉ Hồng Hoạt có lực như kinh đã dẫn chứng ở trên. Cách phân loại mạch Sác đại khái có 7 loại mà nay đã thất truyền. Nay sơ lược những chỗ quan trọng như sau, chỗ nào chưa nói hết, cứ theo đó mà suy ra.
Ngoại tà xâm nhập thấy mạch Sác: Phàm hàn là ngoại cảm tất thấy mạch Khẩn Sác, vì mới xâm nhập, thấy mạch Sác là tà chưa truyền kinh, thì nhiệt từ đâu ra? Vì thế cách chữa thì nên dùng phép ôn, tán. Nếu như truyền mạch đã lâu ngày, thấy mạch Sác mà Hoạt, Thực thì mới nói là thuộc nhiệt được. Nếu như Sác mà vô lực thì vẫn là âm chứng, chỉ nên ôn. Vì vậy mạch Sác thấy trong các trường hợp ngoại cảm không thể cho là nhiệt hết được. Nếu dùng toàn thuốc hàn và lương ( mát và lạnh) là không giết người sao?
Các chứng hư tổn mà thấy mạch Sác, người bệnh :
Dương hư thấy mạch Sác: thì mạch này phải vô lực hoặc kiêm Tế, Tiểu mà triệu chứng là hư hàn, phải dùng phép ôn còn không không kịp mà còn nói là thuộc nhiệt được sao?
Nếu thêm chứng âm hư thấy mạch Sác thì phải là Sác mà Huyền Hoạt, tuy có các triệu chứng phiền nhiệt cũng phải nên thận trọng khi dùng thuốc hàn ( lạnh) lương (mát). Nếu dùng phép thanh hỏa ắt làm cho âm bị tiết đi làm cho bệnh nặng thêm, thường người bệnh bị hư tổn đều thấy mạch Sác. Trong các bệnh thấy mạch Sác thì hư tổn đứng hàng đầu. Bệnh càng hư thì mạch càng Sác, mạch càng Sác thì bệnh càng nguy... Như vậy thì mạch Sác đều thuộc về chứng nhiệt hết hay sao? Nếu cho mạch Hư Sác là nhiệt thì rất tai hại".
Sốt rét thấy mạch Sác: khi lên cơn sốt rét mạch thấy Khẩn, Sác, khi dứt cơn, mạch hòa hoãn. Làm sao có thể nói là khi có phát tác là có hỏa, khi không phát tác là không có hỏa được sao? Phàm hỏa trong cơ thể, nếu có thì không lúc nào ngừng phát tác, còn không có thì không phát tác. Có lúc phát tác, lúc không là do hỏa tà mạnh vậy. Còn chân hỏa hoặc chân nhiệt thì không như vậy. Phải chăng là mạch Sác chỉ thấy ở chứng sốt rét vì vậy không thể cho là nhiệt hết được?".
Kiết lỵ thấy mạch Sác: kiết lỵ phần nhiều là do hàn thấp, nội thương, Tỳ Thận hư tổn, vì vậy thấy mạch Sác. Nếu kiêm mạch Huyền, Tế, Nhược thì đều là Hư Sác chứ không phải là nhiệt Sác. Khi chữa phải ôn bổ Mệnh môn thì trăm lần không sai 1 lần. khi người bệnh bị kiết lỵ mà cả cơ thể đều nhiều hỏa, lại đang tuổi cường tráng thì mới có thể biện chứng là thuộc về nhiệt, nhưng thấy mạch Sác mà phải kiêm Hồng hoạt, Hoạt Thực thì mới đúng".
Ung nhọt thấy mạch Sác: mà cơ thể không sốt, lại sợ lạnh, ăn uống vẫn như thường, hoặc cơ thể sốt, ra mồ hôi vẫn không giải, tất phải có ung nhọt (thư). Các loại ung nhọt đều có âm dương, vì vậy có lúc thì công, có khi thì bổ, do đó, không thể thấy mạch Sác thì đều cho là thuộc nhiệt hết được".
Chứng đơn độc thấy mạch Sác: là do tà độc chưa tiết ra, nếu tiết ra thì mạch không Sác. Vì vậy xem tượng mạch Hư hoặc Thực, Đại hoặc Tiểu để phân ra âm dương chứ không thể cho Sác là mạch thuộc nhiệt được".
Chứng trưng tích mà thấy mạch Sác: hễ ở dưới bụng sườn có bỉ khối như hòn đá, tích trệ không tiêu đi, vì vậy thấy mạch Sác. Nếu tích trệ lâu ngày thành chứng cam làm cho Dương minh bị ủng trệ, vì vậy thấy miệng hôi, chân răng lở loét, phát sốt, cách chữa phải thanh Vị, thanh hỏa. Nếu không có các triệu chứng hỏa mà thấy mạch Sác cũng không thể cho là nhiệt".
Có thai thấy mạch Sác: là do kinh khí ở 2 mạch Xung và Nhâm bị trở ngại, không phải là do hỏa. Vì vậy phải xem tượng của mạch mạnh hoặc yếu mà phân biệt hàn nhiệt, do đó không thể thấy mạch Sác rồi cứ cố cho Hoàng cầm là vị thuốc thánh".
Xem các mạch Sác ở các chứng trên đây thì thấy rằng khi tà khí thịnh thì thường thấy mạch Sác, mà càng Hư lại càng thấy nhiều hơn. Đó là nhiệt mà chẳng phải là nhiệt, cứ theo đó mà suy ra được...".
- Thiên 'Sư truyền tam thập nhị tắc' (Chẩn tông tam muội) ghi: "... Người ta khi thấy mạch Sác thì thường cho là nhiệt mà không biết là còn do vì hư mà âm thịnh tựa như dương nữa. Thí dụ như mạch Sác mà Phù Đại, ấn tay thấy vô lực, mạch thốn khẩu Tế là hư. Bệnh nhiệt mà mạch Sác, ấn tay không thấy bật lên, đó là âm thịnh tựa dương mà sinh ra bệnh, không phải do hàn. Chu Đan Khê nói : "Mạch Sác có thịnh đại, ấn tay lại thấy Sáp, khắp ở ngoài có chứng nhiệt, gọi là chứng hàn". Đây là do hàn lưu trệ ở huyết mạch, chứng bên ngoài là nhiệt, vì thế mà mạch mới Sác. Hễ mạch Sác gây bệnh, nếu ấn tay thấy Hoãn là tà đang lui. Bệnh lâu ngày mà mạch Sác là âm hư. Nếu người có hình dáng mập mạp mà có mạch Sác là do đờm thấp uất trệ, kinh lạc không thông mà thành uất nhiệt. Nếu tự nhiên mà có mạch Sác tất sinh ra ung nhọt. Nếu mạch Sác Thực mà khạc ra đờm hôi là chứng phế ung, Sác Hư mà khạc ra đờm nhớt là phế nuy. Có người nói mạch Sác thì tâm phiền hoặc Sác thì kiết nhiệt ở vị quản, đây đều là do Tâm bào hỏa vượng làm hại đến ngôi vị quân chủ. Có người nói mạch Tế Sác là âm hư, đây là do thủy không chế được hỏa, chân âm hao tổn. Có người nói mạch Sác là bệnh ở phủ, đây là do dương tà xâm phạm phủ dương không quan hệ đến tạng khí... Các chứng hư lao, mất máu, ho suyễn, hơi đưa ngược lên thì hay thấy mạch Sác, nhưng Sác, Đại, Nhu, Nhuyễn là dương hư, còn Sác mà Tế, Tiểu, Huyền là âm hư, không giống như tượng mạch thấy ở bệnh thương hàn chảy máu mũi. Sác mà Phù Đại là tà cực ở kinh lạc, thấy Sác mà vô lực là thuận, còn Sác mà kiêm Thực, Đại, Huyền là nghịch. Nếu tượng mạch khi sơ (chậm thưa) khi Sác (nhanh) thì bất kể là bệnh gì cũng đều khó chữa".
- Sách 'Tứ chẩn quyết vi' ghi: "Mạch Sác thuộc dương, nên vừa phải, không nên thái quá, thái quá thì hại. Trong 6 bộ mạch có phân biệt ra nên thấy và không nên thấy... Mạch nên thấy là vì dễ chữa và mạch không nên thấy vì khó chữa. Thí dụ như mắc bệnh mà thấy mạch Sác hoặc Phù Sác mà có lực là nhiệt ở lý, giáng đi thì khỏi. Đó là mạch nên thấy vì dễ chữa. Bệnh lâu ngày mà mạch Sác hoặc Phù Sác mà rỗng, mềm là dương phù việt ra bên ngoài, cách chữa nên ôn bổ. Mạch Trầm, Sác, Tế, Sáp là âm suy kiệt ở dưới, cách chữa phải tư âm. Đó là mạch không nên thấy vì khó chữa".
- Sách 'Y biên' ghi: "Người bệnh hư nhiệt mạch phải là Hư Sác mà vô lực, tuy nhiên, có khi do uống thuốc hàn nhiều quá làm cho hàn nhiệt tương bác lẫn nhau hoặc Can tà khắc thổ, vì vậy mạch lại Huyền Đại có lực. Cũng có người hư hàn, bức bách hỏa phù việt ra ngoài, chân dương muốn thoát thì thấy mạch Sác thậm, lại Huyền Đại có lực. Trong các trường hợp trên, nếu không thẩm xét chung với hình (dáng) chứng (trạng) thì chữa trị khó tránh khỏi sai lầm vậy".
- Sách 'Tứ chẩn chính pháp' ghi: "... Biết rằng mạch Sác vốn thuộc nhiệt nhưng người chân âm hao tổn mạch cấp Sác, càng Sác thì càng hư, càng hư thì càng Sác. Vì vậy, nếu nhầm lẫn thì sống chết chỉ như trở bàn tay mà thôi".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Thiên 'Âm dương biệt luận' (Tố vấn 7) ghi: "Mạch Sác thuộc dương". - Thiên 'Mạch yếu tinh vi luận' ( Tố vấn 17) ghi: "Mạch Sác thì tâm phiền". hai câu này cho thấy mạch Sác thuộc dương mà tâm là then chốt của mạch. Vì vậy mới ghi rằng "Mạch Sác thì tâm phiền" nhưng đây chỉ là nói đến thường lý chứ chưa nói hết cái biến hóa của mạch Sác.
- Sách 'Kết hợp YHCT với YHHĐ trong lâm sàng' ghi: "Tương ứng với nhận định của YHDTCT qua bắt mạch chúng tôi nhận thấy: khoảng RR trung bình giữa 2 nhát bóp tim của 17 người bệnh có mạch Sác: X = 0,59 sec +- 0,07 sec, tương đương với tần số trung bình của 17 mạch Sác đó là X = 102 lần/phút +- 14 lần/phút. Kết quả đó nói lên mạch Sác là một loại mạch YHDTCT thuộc tần số nhanh".
Bài Ca Mạch SÁC (Dương) (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng : Sác một tức 6 lần đập,
Sinh chứng cuồng phiền , dương thịnh âm suy.
Lấy Phù Trầm biện thực, hư,
Mạch này đối với trẻ con thì lành.
Tương loại : Sác nhanh hơn múc mạch thường,
Khẩn mà Sác lại tựa dường căng dây.
Sác mà Xúc có đường dây,
Động mà Sác thấy ở này bộ quan.
Chủ bệnh : Sác là dương, chủ nhiệt tà,
Nhằm quân tướng hoả liệu mà chữa cho.
Dương tả thực, âm bổ hư,
Cuối thu bệnh Phế đáng lo mạch này.
Thốn Sác lở miệng, đau đầu,
Ho đờm, thổ huyết, đỏ ngầu phế ung.
Quan Sác Can Vị hoả nung,
Xích Sác thuộc dòng giáng hoả tư âm.
Bài Ca Mạch SÁC (Chẩn gia chính nhãn)
Mạch tượng: Mạch Sác ấy chính thuộc dương,
Tượng là thái quá ta thường phải hay.
Một tức sáu chí mau thay,
Mạch đi vượt mức so nay mạch bình.
Chủ bệnh: Sác chủ phủ, bệnh nhiệt thay,
Thốn suyễn ho rầy, miệng lở, phế ung.
Quan vị nhiệt, tà hỏa công,
Xích tướng hỏa vượng, lâm cùng trọc, di.
Hữu lực hỏa thực không ngờ,
Vô lực thì thuộc hỏa hư rõ ràng.
Phù Sác biểu nhiệt phải tường,
Trầm Sác lý nhiệt cho tường kẻo sai.
Quân hỏa, tướng hỏa hai loài,
Xích âm do tướng, quân thời thốn dương.
Hữu Sác thì do hỏa cang,
Tả Sác thì thuộc âm tường phải suy.
G- CÁC Y ÁN MẠCH SÁC
Y án Mạch SÁC
(Trích trong 'Tạp chí Đông Y 'Việt Nam số 161').
"Phạm Đức B. 25 tuổi. Sốt 9-10 ngày, ăn ngủ kém, miệng khô, lưỡi đỏ tươi, 2 chân và đùi có nhiều vết ban đỏ, mạch Sác. Chẩn đoán là nhiệt làm thương tổn phần Dinh. Phép chữa là thanh Dinh. Cho dùng Huyền sâm, Sinh địa đều 20g, Kinh giới, Mạch môn, Kim ngân đều 16g, Bạc hà 10g, Lá chi chi 2g, Sắc uống. Uống 3 thang hết sốt, hết ban, người còn mệt, hơi chóng mặt. Cho uống thêm 3 thang nữa nhưng bỏ Bạc hà, thêm Thục địa 20g, Hoài sơn 16g, Thổ Phục linh 10g. Khỏi hẳn".
Y án 6 Bộ Đều Mạch SÁC
(Trích trong 'Tôn Văn Viên y án')
"Thẩm Phu Nhân, sau khi sinh được 3 ngày, thấy trong bụng khó chịu, bị thầy thuốc dùng phép hạ mà chữa, vì vậy bị đại tả 5-6 lần, phát sốt, muốn ói. Lại cho uống thêm 'Ôn đởm thang' để cầm ói và bài 'Tiểu sài hồ thang' để hạ sốt. Uống 4 ngày thì đều ói cả 4 ngày, cơm cháo đều không ăn vào được, lại cho uống thêm bài 'Bát trân thang' thêm Đồng Tiện... Uống xong thì tinh thần mê muội, tai ù, mắt nhắm, miệng khát, bụng sôi, mi mắt trên dưới và mu tay, mu chân đều phù lên. Lúc đó mới mời tôi chữa. Xem bệnh thì thấy 6 mạch đều Sác. Hôm đó là ngày 2/5. Tôi nói : "Sách mạch có câu: Mạch Sác sở chủ là tà nhiệt, là chứng hư". Cách chữa phải cho uống bài 'Thập toàn đại bổ' ( Nhân sâm, Bạch truật, Bạch linh, Bạch thược, Cam thảo, Đương quy, Thục địa, Xuyên khung, Hoàng kỳ, Nhục quế ) thêm Gừng nướng. Cho uống xong, nửa đêm thấy tỉnh táo, ăn được 1 chén cháo, lúc đó mới mở mắt ra mà nói chuyện. Đến trưa hôm sau, mệt mỏi không uống thuốc được mà lại nói nhiều rồi hôn mê như trước. Đến ngày mùng 4, cho uống Nhân sâm, Bạch truật mỗi thứ 12g, Gừng nướng, Phục linh, Trần bì mỗi thứ 4g, Chích thảo 1,6g. Uống xong, cơ thể hơi ra mồ hôi, toàn thân mọc các mụn nhỏ lấm tấm, bớt nóng rồi lại tỉnh táo. Đến buổi chiều không uống thuốc được mà lại nóng giận, hôn mê như trước, 6 mạch tán loạn không chừng, giống như mạch Giải sách, các mụn nhỏ lặn mất mà người lại cực hư. Cho uống Nhân sâm, Bạch truật mỗi thứ 20g, Đại Phụ tử, Gừng nướng, Chích thảo mỗi thứ 4g, Uống liền 2 thang thì đêm đó ngủ được, chỉ còn hơi thở gấp rút. Đến mùng 6, mạch lại Sác, buổi chiều phát sốt, bên cạnh huyệt Hoàn khiêu mọc 1 cái nhọt to như cái bát, sưng, hơi đau. Ba của người bệnh nói :"Lúc trước phát sốt, muốn ói như do cái nhọt này gây ra, đó là ôn bổ bằng Phụ tử, Can khương, vì vậy bây giờ mau dùng thuốc hàn (lạnh) lương (mát) để giải độc". Tôi đổi sắc mặt mà nói :"Đó là chứng đại hư, hư hỏa ở Vị đi tầm bậy, không khắc chế được, không phải là do nhọt độc. Nếu không là do nhọt độc rồi dùng thuốc hàn lương để chữa sẽ làm cho người bệnh chết sớm, chỉ nên đại bổ mới là phương pháp vẹn toàn". Liền cho uống bài 'Phụ tử lý trung thang' (Nhân sâm, Bạch truật, Phụ tử, Bào khương, Chích thảo). Vị Nhân sâm và Bạch truật đều dùng 28g. Trong ngày uống luôn 2 thang thì nhọt độc tiêu mất, nóng cũng bớt, người bệnh vui vẻ. Lại cho uống thêm Sâm, Linh, Bạch truật thì khỏi hẳn. Các chứng biến thiên vạn hóa như trên là do sau khi sinh xong dùng lầm phép hạ mà ra vậy".
Y án Mạch Trầm SÁC
(Trích trong 'Lục thị tam thế y nghiệm' (Lục Dương Ngu)
"Phương Tử Quế, nữ, 14 tuổi, bị đại tiện không thông đã 3 ngày. Ba của người bệnh bàn với một thầy thuốc trong xóm, rồi cho uống mấy chục viên thuốc hoàn như hạt mè to. Uống xong thì đại tiện thông mà lại tiêu chảy, tiểu tiện vẫn bí, 2 ngày sau thì bụng trướng, rốn lồi ra, bụng dưới thường đau rút, không ngồi nằm được, người bệnh khóc lóc, rên rỉ, thậm chí đòi tự tử. Khi đó tôi mới đến xem bệnh thì thấy mạch Trầm Sác mà 2 bộ xích lại càng thậm. Tôi nói rằng : "Đây là bệnh 'Chuyển phao'". Lúc đó là đầu mùa thu, tiết trời nóng nực, tôi mới lấy nước giếng, hòa 'Lục nhất tán' (Hoạt thạch, Cam thảo) vào rồi cho uống thì đi tiêu được. Khi đi tiêu thì rất đau. Trong 2-3 ngày sau đó có rặn thì mới ra nhưng nhiều nhớt, không thông, bụng thường đau như bị dao đâm. Xem lại mạch thì vẫn thấy là Trầm Sác, liền dùng Thăng ma 12g, Cát cánh, Sài hồ, Cát căn, Cam thảo đều 4g, để thăng thanh giáng trọc. Uống xong đại tiểu tiện đều thông, tiểu ra toàn là máu, đại tiện cũng thấy có máu, vì vậy cả nhà người bệnh đều lo sợ. Tôi mới nói: "Bây giờ thì không có gì đáng lo nữa. Các hoàn thuốc uống trước đây, trong đó chắc là có vị Ba đậu. Chứng bí kết chắc là do nhiệt uất, lại dùng thuốc cực nhiệt công kích. Lúc trước đau như bị đâm, nay đái ra máu đều là do độc trong Ba đậu gây ra. Cho uống 'Tê giác địa hoàng thang' (Tê giác, Sinh địa, Thược dược, Đơn bì), thêm Hoàng liên và Sơn Chi tử thì khỏi hẳn".
H- LIÊN QUAN GIỮA MẠCH SÁC VÀ MẠCH KHÁC
- Sách 'Trung y biện chứng luận trị giảng nghĩa' xếp các loại mạch Động, Tật, Xúc vào loại mạch Sác như sau:
Mạch gốc
Đặc điểm
Tên mạch cùng gốc
Hình thái mạch, tượng mạch
Hội chứng tương ứng
Loại
Mạch
Sác
Một hơi
thở của
thầy thuốc
mạch
người
bệnh
đập năm
lần trở
lên.
ĐỘNG
Thế mạch ngắn như hình hạt đậu, đi trơn, nhanh, có lực.
Có đau đớn, kinh sợ.
TẬT
Mạch đi rất nhanh một hơi thở mạch đập 7-8 lần.
Dương tỏa gần hết. Âm bị suy kiệt, nguyên khí sắp thoát.
XÚC
Mạch đi nhanh mà có lúc ngừng, ngừng lại không theo một số nhất định.
Phần Dương vượng, nhiệt thịnh, thực, đàm ẩm, khí huyết đình trệ.
- Theo sách 'Lục mạch cương lĩnh' thì :
Mạch Sác ở bộ quan không có đầu đuôi là mạch Động.
Mạch đi lại thấy là Sác, thường đứng lại (dừng) rồi lại đi tiếp là mạch Xúc.
- Trần Tu Viên đưa ra nhận định so sánh giữa mạch Sác với các mạch khác như sau :
Sác mà đi như hạt châu là mạch Động.
Sác mà đi như sợi dây vặn lại là mạch Khẩn.
Sác mà thỉnh thoảng ngừng lại là mạch Xúc.
Vậy mạch Động, mạch Khẩn và mạch Xúc đều căn cứ trên mạch Sác.
MẠCH SÁP (SẮC)
( - Choppy (Hesitant) Pulse - Poulse Rugeux)
A- Đại cương
- Thiên 'Mạch yếu tinh vi luận' (Tố vấn 17) và thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) nhắc đến mạch Sáp ( 濇 ) các sách sau này lại dùng là mạch Sắc (澀).
B- Hình tượng mạch Sáp
- Thiên 'Hình trạng chỉ hạ bí quyết' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Sáp thì Tế mà Trì, qua lại khó khăn, tán loạn hoặc có khi ngưng rồi lại tiếp".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Sáp thường kiêm trệ, có hình dạng giống như dao chẻ tre".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch đi lại khó khăn, không lưu lợi".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch đi lại sít như dao cạo nhẹ lên cành tre".
- Sách 'Kết hợp YHCT với YHHĐ trong lâm sàng' ghi:
Đặc điểm của mạch luôn thay đổi dạng, tính chất rất không đều nhau giữa các nhát bóp tim liên tiếp với tần số trung bình không nhanh nói lên mạch Sáp thuộc loại loạn nhịp ở tần số bình thường hoặc tần số chậm.
Trung bình thời gian đỉnh của các mạch Sáp là:
+ Tại động mạch cảnh: 0,15 sec +- 0,08 sec (bình thường là 0,09 sec +- 0,01 sec ).
+ Tại động mạch quay: 0,15 sec +- 0,05 sec.
Trung bình thời gian nửa đỉnh của chúng là:
+ Tại động mạch cảnh : 0,056 sec +- 0,06 (bình thường : 0,04 + 0.01 sec ).
+ Tại động mạch quay: 0,052 +- 0,010 sec.
HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH SÁP
Sách 'Đồ chú Nan kinh mạch quyết' biểu diễn hình vẽ mạch Sáp như sau:
Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' vẽ mạch Sáp:
Sách 'Mạch chẩn' biểu diễn hình vẽ mạch Sáp:
C- Nguyên nhân phát sinh mạch Sáp
- Thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) cho rằng phong hàn thấp xâm nhập vào làm cho khí vận hành bị trở ngại gây ra mạch Sáp".
- Sách 'Chẩn tông tam muội' ghi: "Mạch Sáp là do tân dịch hao tổn, huyết thiếu, không nhu nhuận được kinh lạc".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Sáp do huyết ít, tinh bị tổn thương".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Huyết khí suy yếu không nhu nhuận được kinh lạc vì vậy mạch đi lại sít chặt. Đờm với thức ăn quyện kết hoặc có ứ huyết, uất kết, trưng hà, làm kinh mạch bị trở ngại cũng thấy mạch Sắc".
D- Mạch Sáp chủ bệnh
- Thiên 'Mạch yếu tinh vi luận' (Tố vấn 17) ghi: "Mạch Sáp là dương khí có thừa... dương khí có thừa thì cơ thể nóng, không ra mồ hôi".
- Thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) ghi: "Mạch Sáp là mắc chứng tý... Bệnh ở ngoài, mạch Sáp, cứng thì khó chữa".
- Thiên 'Thông bình hư thực luận' (Tố vấn 28) ghi: "Chứng trường tích mà cơ thể không nóng, mạch không tuyệt thì sao?-Kỳ Bá đáp : Nếu mạch Hoạt Đại thì sống, mạch Sáp thì chết".
- Thiên 'Tứ thời nghịch tùng luận' (Tố vấn 64) ghi: "Quyết âm... thấy mạch Sáp là bị chứng tích khí ở vùng bụng dưới. Thiếu âm... thấy mạch Sáp là bị chứng tích (tụ) và đái ra máu. Thái âm... thấy mạch Sáp là mắc chứng tích, hay kinh sợ. Thái dương... thấy mạch Sáp là mắc chứng tích, thỉnh thoảng phát điên. Thiếu dương... thấy mạch Sáp là mắc chứng tích, gân hay bị rút và đau mắt".
- Chương 'Trì tật đoản trường tạp mạch pháp' (Mạch kinh) ghi: "Mạch đến Sáp là bệnh hàn thấp -Mạch Sáp là huyết ít mà nhiều khí".
- Chương 'Biện tam bộ cửu hậu mạch chứng' (Mạch kinh) ghi: "Mạch ở bộ xích mà Sáp là kiết lỵ có lẫn máu, mồ hôi nhiều".
- Chương 'Bình tạp bệnh mạch' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Sáp là thiếu máu".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Sáp chủ huyết tý, hàn thấp, phiên vị, vong dương. Đàn bà mạch Sáp thì nếu không có thai thì kinh nguyệt không hành. Bộ thốn Sáp : ngực đau, tâm hư; Bộ quan Sáp : hông sườn đau, Vị bị hư; Bộ xích Sáp : tinh huyết bị tổn thương, kiết lỵ, tiểu ra máu".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch Sắc chủ về huyết bị hao, tinh bị tổn, đàn bà có bệnh về thai hoặc có chứng xích bạch đái hoặc huyết bị bại. Bộ thốn mà Sắc : Vị khí tràn lên trên gây ra ói; Bộ quan mà Sắc : huyết bị bại không ngừng; Bộ xích Sắc : chân lạnh, bụng sôi".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Sáp thấy ở chứng huyết ít, tinh bị tổn thương, chứng khí trệ hoặc hàn thấp".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Sáp chủ khí bị trệ, tinh bị tổn thương, huyết thiếu, đờm, thực tích, huyết ứ".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Sáp chủ Tâm huyết hao thiếu, thiếu hơi, hàn thấp, tê đau, kiết lỵ, co rút, sán hà, đờm tích, thức ăn không tiêu. Đàn ông thì tinh bị tổn thương, đàn bà thì huyết mất".
D- Mạch Sáp kiêm mạch bệnh
- Thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) ghi: "Mạch Tiểu, Nhược mà Sáp là bệnh đã lâu ngày".
- Thiên 'Thông bình hư thực luận' (Tố vấn 28) ghi: "Chứng trường tích ra lẫn mủ máu thì sao? - Kỳ Bá đáp: Mạch tuyệt thì chết, Hoạt Đại thì sống". Lại hỏi: "Chứng trường tích mà cơ thể không sốt mạch không tuyệt thì sao? Kỳ Bá đáp: Mạch Hoạt Đại thì sống, mạch Sáp thì chết".
- Thiên 'Đại kỳ luận' (Tố vấn 48) ghi: "Tạng Tâm và Can bị chứng trường tích cũng ra máu, nhưng nếu 2 tạng cùng mắc bệnh thì còn chữa được. Phàm mạch Tiểu, Trầm, Sáp là chứng trường tích, nếu cơ thể nóng thì chết, nóng luôn 7 ngày cũng chết".
- Thiên 'Điều kinh luận' (Tố vấn 62) ghi: "Âm thịnh sinh ra nội hàn là như thế nào? Kỳ Bá đáp: Quyết khí nghịch hàn khí tích ở trong ngực mà không tả ra được, không tả ra được thì ôn khí sẽ bị tan đi, chỉ còn hàn khí ở lại, vì vậy huyết bị ngưng đọng, ngưng đọng thì mạch không thông, thấy mạch Thịnh Đại mà Sáp, do đó. lạnh ở trong".
- Thiên 'Chí chân yếu đại luận' (Tố vấn 74) ghi: "Mạch Dương minh đến thì Đoản mà Sáp".
- Chương 'Biện mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Các mạch Trầm, Sáp, Nhược, Huyền, Vi là các mạch âm... bệnh thuộc dương mà thấy mạch âm thì chết". - "Người bệnh thấy mạch Vi mà Sáp là do thầy thuốc gây ra. Dùng phép phát hãn cho ra nhiều mồ hôi, lại dùng phép hạ nhiều lần, sẽ bị vong huyết, sợ lạnh rồi sau đó phát sốt không ngừng. Sở dĩ như vậy là vì dương suy thì sợ lạnh, âm nhược thì phát sốt, đó là do thầy thuốc dùng phép phát hãn làm dương khí suy, lại dùng phép đại hạ làm cho âm khí bị nhược... Lại thấy bộ xích Trì Sáp, vì vậy biết rằng đó là dấu hiệu vong huyết".
- Chương 'Bình mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Mạch có Huyền, Phù, Khẩn, Hoạt, Trầm, Sáp, 6 mạch này gọi là tàn tặc, đều là mạch có bệnh. Mạch phu (xung) dương Phục mà Sáp. Phục thì ói nghịch, không tiêu hóa, Sáp thì ăn vào không được, gọi là chứng quan cách. - Mạch ở thốn khẩu Vi mà Sáp. Vi là vệ khí không vận hành, Sáp là vinh huyết không theo kịp... Các mạch dương như Phù, Sáp là bệnh ở Phủ, các mạch âm như Trì Sáp là bệnh ở tạng".
- Chương 'Biện thái âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thái âm trúng phong, tay chân nặng đau, mạch ở bộ thốn Vi, bộ xích thì Sáp mà Trường là bệnh sắp khỏi".
- Chương 'Biện hoắc loạn bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận ) ghi: "Thương hàn mà thấy mạch Vi Sáp là gốc hoắc loạn".
- Chương 'Huyết tý hư lao bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Đàn ông mạch Phù, Nhược mà Sáp thì không thể có con, tinh khí (dịch) trong và lỏng".
- Chương 'Phúc mãn hàn sán mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Hỏi: Người bị chứng ăn không tiêu làm sao mà phân biệt được? Thầy đáp rằng: Mạch ở thốn khẩu Phù mà Đại, ấn tay lại thấy Sáp, bộ xích cũng Vi mà Sáp, vì vậy biết là ăn không tiêu".
- Chương 'Ngũ tạng phong hàn mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch phu (xung) dương Phù mà Sáp. Phù là vị khí thịnh, Sáp thì tiểu nhiều lần. Phù và Sáp tương bác vì vậy đại tiện bón đó là dấu hiệu Tỳ bị ước thúc".
- Chương 'Thủy khí bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Trì mà Sáp. Trì là hàn, Sáp là huyết không đủ".
- Chương 'Ẩu thổ uế hạ lợi bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch phu dương Phù mà Sáp. Phù là hư, Sáp là Tỳ bị tổn thương vì vậy không vận hóa được, sáng ăn vào, chiều ói ra, thủy cốc ứ lại không tiêu hóa được, gọi là chứng phản vị. Mạch Khẩn mà Sáp thì khó chữa".
- Chương 'Bình tạp bệnh mạch' (Mạch kinh) ghi: "Sáp mà Khẩn là chứng tý. Đoản mà Sáp là bên trong lạnh, trưng kết".
G- Mạch Sáp và điều trị
- Chương 'Biện Thái dương bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Thương hàn luận) ghi: "Nhị Dương cùng bệnh, lúc mới mắc bệnh ở Thái dương thì phải dùng phép hãn. Nếu mồ hôi không ra hết thì sẽ truyền sang kinh dương minh, vì vậy mồ hôi ra ít mà sợ lạnh. Nếu phát hãn không triệt để thì dương bị ức chế không vượt ra ngoài được, phải ra mồ hôi mà lại không ra được sinh ra phiền táo, không biết chỗ đau, khi thì đau ở bụng khi thì đau ở chân tay, hơi thở ngắn, đó là do mồ hôi không ra hết vậy. Làm sao mà biết mồ hôi không ra hết? Thấy mạch Sáp thì biết vậy. Thương hàn mà thấy mạch ở bộ thốn Sáp, bộ xích Huyền, ắt trong bụng đau dữ. Cho uống bài 'Tiểu kiến trung thang' ( Bạch thược, Nhục quế, Cam thảo, Sinh khương, Đại táo). Nếu không bớt thì cho uống bài 'Tiểu sài hồ thang' ( Sài hồ, Bán hạ, Nhân sâm, Cam thảo, Hoàng cầm, Gừng, Táo). Thương hàn đã 8-9 ngày phong thấp tương bác, cơ thể đau nhức, không xoay trở được, không ói, không khát, mạch Phù, Hư mà Sáp, cho uống bài 'Quế chi phụ tử thang' (Quế chi, Phụ tử, Cam thảo, Gừng, Táo).
- Chương 'Biện dương minh bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Dương minh bệnh, nói xàm, nóng từng cơn, mạch Hoạt mà Tật, cho uống bài 'Tiểu thừa khí thang' ( Đại hoàng, Chỉ thực, Hậu phác )... Qua hôm sau mà không đại tiện được, mạch lại Vi, Sáp đó là phần lý bị hư, khó chữa, không thể cho uống tiếp 'Tiểu thừa khí thang' được nữa".
- Chương 'Phúc mãn hàn sán mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Phù mà Đại, ấn tay lại thấy Sáp, bộ xích cũng Vi mà Sáp, biết là chứng ăn không tiêu, cho uống bài 'Đại thừa khí thang' ( Đại hoàng, Chỉ thực, Hậu phác, Mang tiêu ).
- Chương 'Ngũ tạng phong hàn tích mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch phu dương Phù mà Sáp... Phù Sáp tương bác làm cho đại tiện cứng, đó là Tỳ bị ước thúc, cho uống bài 'Ma tử nhân hoàn' ( Ma nhân, Đại hoàng, Chỉ xác, Hậu phác, Bạch thược, Hạnh nhân).
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch bộ thốn thấy Sắc là kim tới lấn hỏa, Vị khí tràn lên trên, cho uống bài 'Quy tỳ thang' ( Đảng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Phục linh, Táo nhân, Quế viên nhục, Mộc hương, Chích thảo, Đương quy, Viễn chí, Gừng, Táo ). Mạch bộ quan thấy Sắc là kim mộc hợp nhau, bại huyết không ngớt, phép chữa nên tả Phế. Mạch bộ xích thấy Sắc là hỏa với kim hợp lại, dương khí ở trong hư, âm khí có thừa cho nên sinh ra lạnh giá, hư và hàn cùng va chạm gây ra chứng sôi bụng. Cho uống bài 'Sâm phụ lý trung thang' bội Bạch truật ( Nhân sâm, Phụ tử, Bạch truật, Can khương, Chích thảo, Táo, Gừng).
H- Mạch Sáp qua các lời bàn
- Sách 'Chẩn gia chính nhãn' ghi: "... Bất kể là nam hoặc nữ, nếu thấy mạch ở bộ xích Trầm Sáp thì khó mà có con, vì huyết bị thiếu, tinh bị tổn thương. Nếu mạch thai mà thấy Sáp ắt không đủ huyết mà nuôi thai. Nếu không có thai mà thấy mạch Sáp là triệu chứng âm suy, tủy kiệt. Cách chung, hết thẩy các sự vật trong thế gian, nhu nhuận tất trơn tru, khô kiệt tất rít sáp, vì vậy mạch Hoạt là đờm ẩm, mạch Sáp chủ âm suy, lý cố nhiên là như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa".
- Chương 'Mạch thần' (Cảnh Nhạc toàn thư) ghi: "... Sáp là mạch âm cùng loại Hư, Tế, Vi, Trì, là triệu chứng khí huyết đều hư, là thiếu khí, lo phiền, tê đau, co quắp, mất cảm giác, không ra mồ hôi, là Tỳ bị hàn nên ăn ít, là Vị bị hàn nên hay nôn mửa, tiểu tiện khó, tay chân quyết lãnh. Đàn ông thì thương tinh, đàn bà thì thất huyết, kinh nguyệt không đều, không có con. Phàm mạch thấy Sáp trệ, phần nhiều là do thất tình không thỏa, vinh vệ bị hao tổn, huyết không đầy đủ, khí không thông suốt, ở trên là thượng tiêu không thư thả, ở dưới là hạ tiêu không vận hóa, ở biểu là gân cốt mỏi nhừ, ở lý là tinh thần sút kém, đều là thuộc dương hư. Có nhiều nhà (y gia) nói rằng mạch Sáp là khí nhiều mà huyết ít. Há có thể thấy mạch không lưu lợi rồi nói là khí nhiều được sao?".
- Sách 'Mạch học tập yếu' ghi: "... Nay nghiệm thấy không những do đờm thực mà còn do thất tình uất kết hoặc sán, hà, tích khí làm cho mạch đạo bị trở ngại vì thế tượng mạch thấy Sáp. Cần phân biệt mạch có lực hoặc không có lực để định hư thực".
- Chương 'Sư truyền tam thập nhị tắc' (Chẩn tông tam muội)ghi: "Mạch Sáp... là do tân (dịch) hao, huyết thiếu, không nhu nhuận được kinh lạc, nên tượng mạch thấy Sáp rít không đều. Kinh ghi: "Mạch Sáp là mắc chứng tý". "Mạch Sáp thì tim đau". "Bộ xích nhiệt mà mạch Sáp là chứng giải đọa", đều là các triệu chứng dương khí có thừa, âm huyết tiêu vong, nên khi bệnh thì cơ thể sốt mà không ra mồ hôi. Cũng có khi do đờm thực giao cố trong ngoài, mạch bên ngoài bị trở trệ nên tượng mạch thấy Sáp, Sác mơ hồ, đó là âm bị thủy cốc làm hại. Sách 'Kim qũy' ghi: "Mạch ở thốn khẩu Phù mà Đại, ấn tay lại thấy Sáp, vì vậy biết là chứng ăn không tiêu". Thầy rằng: thấp bệnh nóng nhiều mà mạch Sáp, thủy thủng bụng to mà mạch Sáp, tiêu đản khát nhiều mà mạch Sáp, đờm suyễn mà mạch Sáp, bệnh ở ngoài mà mạch Sáp, đàn bà có thai mà mạch Sáp thì đều là mạch và chứng bị trái nhau. Có khi nhân thai bị bệnh mà thấy mạch Sáp, nhưng chỉ có thể thấy trong 2-3 tháng đầu, còn sau 4 tháng thai đã thành hình, nên không có lý nào thấy được. Sách 'Kim qũy' ghi: "Đàn ông mạch Phù Nhược, Sáp thì không có con, tinh khí trong, lỏng".
- Sách 'Mạch ngữ' ghi: "Mạch Sáp chủ về các bệnh thương tinh và vong huyết, chứng huyết tý, hàn thấp xâm nhập vào phần vinh, tim đau, 2 bên sườn đau, giải đọa, phản vị, vong huyết, trường kết, lo phiền, co quắp, mất cảm giác, không ra mồ hôi, Tỳ bị hàn, nhị tiện không đều, tay chân quyết lãnh, đàn ông thì thương tinh, đàn bà thì thất huyết. Lại ghi: "Có thai là thai bị bệnh, tiểu khó cũng là khí trệ". Kinh ghi: "Mạch Nhược và Sáp là bệnh đã lâu ngày". Nhưng cũng có khác nhau hoặc bẩm phú kinh lạc không thông hoặc thất tình uất ức hoặc uống nhiều thuốc bổ làm cho khí huyết bị ủng trệ, hoặc ăn uống quá nhiều hoặc đờm nhiều hoặc ít vận động, các chứng trên đây đều thấy mạch Sáp. Nhưng không chủ về thương tinh vong huyết vậy. Chứng hư lao thấy mạch Tế Sác mà Sáp hoặc thấy Kết Đại là sắp chết. Phàm thấy mạch Sáp thì phải xem xét bệnh cơ mới không bị sai lầm. Sách 'Mạch pháp' ghi: "Sáp là huyết thiếu, chủ tinh bị tổn thương, bộ thốn Sáp là tim đau, hồi hộp, bộ quan Sáp là âm hư nên nóng ở trong. Tay phải là Tỳ hư, tay trái là sườn đau tức, bộ xích Sáp là tiểu khó hoặc tiểu ra máu. Nếu có thai là thai bị bệnh, không có thai là huyết bị kiệt".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Sáp là mạch sáp rít, qua lại khó khăn. Huyết phát ra từ Tâm, Tâm bệnh thì huyết chu lưu không thông suốt, vì vậy mới nói là 'Mạch Sáp thì tim đau'. Đây là bệnh nội thương. Nếu ngoại tà xâm nhập, mạch khí vận hành không thông mà thấy Sáp đó là mạch lạc thụ tà".
- Sách 'Kết Hợp YHCT và YHHĐ trong lâm sàng' ghi: "Trong cùng 1 bản động mạch đồ, các khoảng cách giữa các nhát bóp tim liên tiếp rất không đều nhau, kéo theo biên độ cái cao, cái thấp kiến cho lương y lúc bắt mạch 'Sáp' cảm thấy như Lãn Ông ghi trong 'Y gia quan miện' là mạch Sáp đi lại rất khó khăn, khi 5 khi 3 không đều gọi là mạch rít sáp. Hoặc như Tuệ Tĩnh mô tả theo lối hình tượng hóa trong sách 'Hồng nghĩa giác tư y thư' là 'mạch đi sít, không lưu lợi, dạng như lưỡi dao khẽ cạo trên mảnh trúc'. Mặt khác, thời gian tiền tống máu, thời gian đỉnh, thời gian nửa đỉnh phần lớn chậm hơn thường mà lại không giống nhau ở các nhát bóp liên tiếp. Thương số huyết động của từng nhát bóp cũng khác nhau và nói chung thấp hơn bình thường, mạch đập trung bình ở tần số bình thường hoặc chậm, tất cả các điểm đó kiến cho lương y lúc bắt mạch Sáp có cảm giác như Lãn Ông mô tả theo lối hình tượng hóa trong 'Y gia quan miện' là 'mạch chạy hư, nhỏ mà chậm, hình trạng như hạt mưa thấm trên cát".
Bài ca Mạch SÁP (Âm) (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng : Sáp mạch đi lại khó khăn,
Tứ, trì, đoản, tán tựa ngừng dưới tay.
Như mưa ngấm cát tan ngay,
Tằm dâu ăn lá dấu này chậm sao?
Tương loại : Sáp thì sộc sệch không đều,
Chẻ tre dao nhẹ có chiều khó khăn.
Vi nhỏ như thể lông măng,
Phù trầm khó thể biện rằng có không.
Chủ bệnh : Sáp vì huyết ít, tinh thương,
Hoặc là phiên vị, vong dương chẳng lành.
Huyết tý, hàn thấp vào vinh,
Đàn bà chẳng nghén thì kinh không hành.
Thốn Sáp đau ngực tâm hư,
Quan Sáp hiếp trướng vị hư rõ ràng.
Xích Sáp tinh huyết tổn thương,
Lỵ máu tiểu gắt, kết trường đáng lo.
Bài ca Mạch SÁP (Chẩn gia chính nhãn)
Mạch tượng: Mạch Sáp kiêm trệ rành rành,
Xem tựa như hình dao nhẹ chẻ tre,
Khi xem mạch để ý suy,
Trì, tế mà đoản ấy thì gồm ba.
Chủ bệnh: Sáp là huyết thiếu tinh thương,
Thốn sáp đau bụng hoặc thường chinh xung.
Quan âm hư, nhiệt ở trong,
Tả sườn đầy, hữu thuộc dòng tỳ hư.
Xích Sáp huyết lợi, lâm di,
Đàn bà huyết sít hoặc là có thai.
Kiêm mạch: Sáp mà kiêm đại mạch này,
Là có thực nhiệt ta nay phải tường.
Sáp mà hư nhuyễn rõ ràng,
Là có hư hỏa bầng bầng bốc lên.
I- Các Y Án Mạch Sáp (Sắc)
Y án Mạch SẮC Hoãn Đại
(Trích trong 'Diệp Thị nữ khoa y án')
"Một người đàn bà mắc chứng xích bạch đới hạ. Lúc giận thì vùng sườn ngực bị khó chịu, ăn uống kém. Đã dùng thuốc tiêu đạo, lợi khí. Đờm suyễn đầy ngực, đại tiện ra máu, mạch Sắc, Hoãn, Đại. Tôi cho rằng Tỳ khí bị suy tổn, giữ thấp nhiệt mà không nhiếp được huyết về kinh, vì vậy tiền âm và hậu âm là nơi huyết hạ. Trước hết, dùng bài 'Bổ trung ích khí thang' ( Bạch truật, Đương quy, Hoàng kỳ, Nhân sâm, Sài hồ, Thăng ma, Trần bì, Cam thảo, Gừng, Táo ), thêm Bào khương, Bạch thược, Phục linh, Bán hạ để hóa thấp nhiệt, an vinh khí. Lại dùng bài 'Bát trân thang' ( Thục địa, Xuyên khung, Đương quy, Bạch thược, Nhân sâm, Phục linh. Bạch truật, Cam thảo ) thêm Sài hồ, Sơn chi, thì các chứng đều khỏi cả".
Y án Mạch SÁP
(Trích trong 'Tạp chí đông y' số 164 )
"Nguyễn Thị H. 40 tuổi. Sốt, hơi rét, cơ thể đau, chóng mặt, hoa mắt trong lòng buồn bực, ít khát, uống ít, chân tay nặng nề, khó chịu, tiếng nói nặng, rêu lưỡi trắng dính, mạch Sáp. Chẩn đoán là thử kiêm thấp. Cho dùng: Ý dĩ 15g, Cẩu tích 20g, Bạch chỉ 10g, Bạc hà 10g, Hương phụ (chế) 10g, Hậu phác 10g, Bán hạ (chế) 10g, Sa nhân 5g, Xa tiền tử 5g, Xuyên khung 5g, Gừng tươi 3 lát sắc uống. Uống 3 thang thì khỏi".

MẠCH TẾ
( - Thin Pulse, Slender Pulse - Pouls Fin)
A- Đại cương
- Sách 'Nội kinh' có chỗ ghi là mạch Tế 細 có chỗ lại ghi là mạch Tiểu 小.
- Sách 'Mạch kinh' chỉ có mạch Tế, không có mạch Tiểu.
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' giải thích: "Tế hoặc Tiểu là dựa theo hình tượng mà nói, tự nghĩa của nó không khác biệt nhiều...".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Hà Mộng Giao nói: Tiểu tương phản với Đại, gọi là Tế thì mạch Tiểu tức là mạch Tế."
B- Hình tượng mạch Tế
- Chương 'Hình trạng chỉ hạ bí quyết' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Tế nhỏ, lớn hơn mạch Vi".
- Sách 'Chẩn gia chính nhãn' ghi: "Mạch Tế nghĩa là nhỏ, hình tượng như sợi dây, mạch Vi thì lờ mờ khó thấy còn Tế thì rõ ràng, dễ thấy".
- Sách 'Mạch ngữ ' ghi: "Mạch Tế thì nhỏ, thẳng mà mềm, ứng dưới tay như sợi tơ, chỉ".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Tế như sợi dây nhỏ mà mềm'.
HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH TẾ
- Sách 'Mạch chẩn' ghi: "Hình vẽ mạch Tế dưới đây ( so sánh với mạch Đại cho dễ thấy):
C- Nguyên nhân phát sinh mạch Tế
- Sách 'Chẩn gia khu yếu' ghi: "Mạch Tế là do huyết bị lạnh, khô, hư, không đủ để làm cho đầy vậy ".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Tế do khí huyết đều hư, không đủ để thúc đẩy mạch hoặc do thấp tà ngăn trở mạch đạo gây ra".
D- Mạch Tế chủ bệnh
- Thiên 'Mạch yếu tinh vi luận' (Tố vấn 17) ghi: "Thấy mạch Tiểu mà sắc mặt không đổi mới là bệnh - Mạch Tế thì khí ít".
- Thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) ghi: "Mạch ở bộ xích lạnh mà Tế là chứng ăn xong thì đi tả ngay".
- Thiên 'Ngọc cơ chân tạng luận' (Tố vấn 19) ghi: "Mạch Tế, da lạnh, hơi thở ngắn, đại tiểu tiện đều tiết lợi, không ăn uống được là chứng Ngũ Hư".
- Thiên 'Tam bộ cửu hậu luận' (Tố vấn 20) ghi: "Hình thể thịnh mà mạch Tế, thiếu hơi không đủ để thở là bệnh đang nguy".
- Thiên 'Thông bình hư thực luận' (Tố vấn 28) ghi: "Phụ nữ nuôi con, bị bệnh nhiệt mà mạch Tiểu là thế nào? - Kỳ Bá trả lời: Tay chân nóng thì sống, tay chân lạnh thì chết".
- Chương 'Biện thái dương mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thương hàn đã 5-6 ngày, đầu ra mồ hôi, hơi sợ lạnh, tay chân lạnh, vị quản đầy, miệng không muốn ăn, đại tiện bón, mạch Tế, đó là dương hơi bị kết".
- Chương 'Ngũ tạng phong hàn mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch đến Tế mà nép vào xương là chứng tích".
- Chương 'Thủy khí bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch Thiếu dương Tiểu, mạch Thiếu âm Tế, nam thì tiểu khó, nữ thì kinh nguyệt không thông".
- Chương 'Trì tật đoản trường tạp mạch' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Tiểu là huyết thiếu, bệnh ở Tâm".
- Chương 'Bình tam quan bệnh hậu tịnh nghi trị' (Mạch kinh) ghi: "Mạch ở thốn khẩu mà Tế thì phát sốt, nôn mửa".
- Chương 'Biện tam bộ cửu hậu mạch chứng' (Mạch kinh) ghi: "Mạch ở bộ quan dao động mà ở bộ xích và thốn lại Tế là có tích lãnh ở ngực, bụng, trưng hà, tích tụ, muốn ăn thức ăn nóng".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Tế thấy ở chứng khí suy, chứng thấp".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Tế chủ khí huyết đều hư, hư lao, khí huyết dồn xuống".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Tế chủ huyết hư, thiếu hơi, tiêu chảy, kiết lỵ, thấp tý, xương đau, bụng và dạ dầy đau, nôn mửa, sán hà, tích lãnh, hồi hộp".
Tả Thốn TẾ
Hồi hộp, mất ngủ.
Hữu Thốn TẾ
Nôn mửa
Tả Quan TẾ
Can âm khô kiệt.
Hữu Quan TẾ
Tỳ hư, đầy trướng.
Tả Xích TẾ
Tiêu chảy, kiết lỵ, di tinh.
Hữu Xích TẾ
Hạ tiêu lạnh, suy.

E- Mạch Tế kiêm mạch bệnh
- Thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) ghi: "Mạch Tiểu, Thực mà cứng là bệnh ở bên trong. Mạch Tiểu Nhược mà Sáp là bệnh đã lâu ngày".
- Thiên 'Tam bộ cửu hậu' (Tố vấn 20) ghi: "Mạch của cửu hậu đều Trầm, Tiểu mà cách tuyệt nhau, là âm, chủ về mùa đông, sẽ chết vào khoảng nửa đêm".
- Thiên 'Thông bình hư thực luận' (Tố vấn 28) ghi: "Bệnh điên thì sao? Kỳ Bá đáp: Thấy mạch Đại mà Hoạt thì lâu ngày sẽ tự khỏi, nếu thấy mạch Tiểu Cấp mà cứng, sẽ chết không chữa được".
- Thiên 'Bệnh Năng Luận' (Tố vấn 46) ghi: "Người bị bệnh Vị ung quản phải chẩn đoán bằng cách nào? Kỳ Bá đáp: Chẩn bệnh đó, nên xét ở mạch của Vị, sẽ thấy Trầm Tế, Trầm Tế là do có khí nghịch".
- Thiên 'Đại kỳ luận' (Tố vấn 48) ghi: "Mạch của Thận thấy Tiểu mà Cấp, mạch của Tâm thấy Tiểu mà Cấp, không bật lên, đều là chứng hà. Mạch của Thận thấy Tiểu, bật lên tay mà lại Trầm là chứng trường tiết có máu. Mạch của Can thấy Tiểu và Cấp sẽ phát ra chứng giản khiết và co quắp. Tâm và Can... thấy mạch Tiểu, Trầm, Sáp là chứng trường tiết".
- Chương 'Thương hàn lệ' (Thương hàn luận) ghi: "Mạch ở 2 bộ xích và thốn đều Trầm Tế là kinh Thái âm bị bệnh. Nói xàm, cơ thể hơi sốt, mạch Phù Đại, tay chân nóng thì sống, tay chân lạnh thì chết".
- Chương 'Biện kinh thấp tý bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Thương hàn luận) ghi: "Thái dương bệnh phát sốt, mạch Trầm mà Tế là chứng kính (co rút). Thái dương bệnh, các khớp đau nhức mà phiền táo, mạch Trầm Tế là chứng thấp tý".
- Chương 'Biện thái dương mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thái dương bệnh thì phải sợ lạnh, phát sốt, nay lại tự ra mồ hôi mà không sợ lạnh, phát sốt, mạch ở bộ quan lại Tế Sác, đó là do thầy thuốc dùng phép thổ (làm cho ói) mà gây ra. Trường hợp bị kết hung, ăn uống như thường, kiết lỵ, mạch thốn Phù, mạch quan Tiểu (Tế) Trầm, Khẩn là chứng tạng bị kết, trên lưỡi có rêu trắng trơn thì khó chữa. Thái dương bệnh, dùng phép hạ để chữa... nếu thấy mạch Tế Sác thì đầu chưa hết đau".
- Chương 'Biện Thiếu dương mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thương hàn mà mạch Huyền Tế, đầu đau, phát sốt là thuộc về Thiếu dương".
- Chương 'Biện thiếu âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thiếu âm mắc bệnh, thấy mạch Trầm, Tế, Sác là bệnh ở lưng, vì vậy, không thể phát hãn. Thiếu âm mạch Vi, Tế, Trầm chỉ muốn nằm, ra mồ hôi, không phiền táo, 5-6 ngày sau lại đi lỵ, phiền táo mà không ngủ được thì chết".
- Chương 'Kinh thấp yết bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Thái dương bệnh, các khớp đau nhức mà phiền táo, mạch Trầm mà Tế là chứng thấp tý".
- Chương 'Huyết tý hư lao mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi : " Đàn ông bình thường mà thấy mạch Hư, Nhược, Tế, Vi thì thường ra mồ hôi trộm".
- Chương 'Thủy khí bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi : "Mạch Thiếu dương Tiểu, mạch Thiếu âm Tế, đàn ông thì tiểu khó, đàn bà thì kinh nguyệt không thông".
- Chương 'Ngũ tạng phong hàn mạch chứng tịnh trị'(Kim quỹ yếu lược) ghi : "Mạch đến Tế mà nép vào xương là chứng tích".
- Chương 'Đờm ẩm khái thấu mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi : " Mạch Phù mà Tế, Hoạt là chứng thương ẩm".
- Chương 'Bình tam quan...nghi' (Mạch kinh) ghi : "Mạch ở bộ quan Tế, Hư là bụng đầy".
- Chương 'Biện tam bộ cửu hậu mạch chứng tịnh nghi' (Mạch kinh) ghi: "Mạch ở bộ xích Tế Vi thì đại tiện lỏng".
- Chương 'Tạp bệnh' (Mạch kinh) ghi : "Mạch Huyền Tiểu (Tế) là chứng hàn tiết - "Âm tà xâm nhập thì thấy mạch Trầm Tế".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Tế chủ bệnh khí suy, hư lao; Tả thốn Tế thì hồi hộp, mất ngủ; Tả quan Tế là Can âm bị hao mòn; Tả xích Tế là tiết tả, kiết lỵ, di tinh; Hữu thốn Tế là khí suy, nôn mửa; Hữu quan Tế thì Vị bị hư, đầy trướng; Hữu xích Tế là hạ nguyên bị lạnh".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Tế Sác là nhiệt, Tế Khẩn là hàn, Tế Trầm là thấp tý, khớp đau. Tế Nhược là ra mồ hôi trộm. Tế Vi là tiêu chảy do hàn. Tế Huyền là Can hư. Tế Sáp là huyết hư, phản vị".
G- Mạch Tế và điều trị
- Chương 'Biện thiếu âm bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thiếu âm mạch bệnh, thấy mạch Trầm, Tế, Sác là bệnh ở lưng, vì vậy không thể dùng phép phát hãn".
- Chương 'Biện quyết âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Tay chân quyết lãnh, mạch Tế muốn tuyệt thì cho uống bài 'Đương quy tứ nghịch thang' ( Đương quy, Thược dược, Quế chi, Tế tân, Chích thảo, Thông thảo, Đại táo )".
- Chương 'Ngược bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Sốt rét... mạch Huyền, Tiểu (Tế), Khẩn, dùng phép hạ thì bớt".
- Chương 'Hung tý tâm thống mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Chứng hung tý, suyễn thở, ngực lưng đau, ngắn hơi, mạch ở thốn khẩu Trầm mà Trì, bộ quan thì Tiểu, Khẩn, Sác, cho uống bài 'Quát lâu giới bạch bạch tửu thang' (Quát lâu, Giới bạch, Bạch tửu)".
- Chương 'Phụ nữ nhâm thần bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Phụ nữ mạch ở bộ xích Tiểu, Nhược, khát nước không ăn được, là (dấu hiệu) có thai, cho uống bài 'Quế chi thang' (Quế chi, Bạch thược, Cam thảo, Sinh khương, Đại táo)".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch Tế Sác là rất hàn, cho uống bài 'Phụ tử lý trung thang' hoặc bài 'Bát vị địa hoàng hoàn' ( Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Đơn Bì, Trạch tả, Bạch linh, Nhục quế, Phụ tử ); Bộ hữu thốn Trầm Tế mà Hoạt Sác, nóng âm ỉ trong xương, cho uống bài 'Tứ vật thang' (Đương quy, Thục địa, Bạch thược, Xuyên khung) thêm Địa cốt bì; Mạch bộ hữu thốn Trầm Tế mà không Sác, cho uống bài 'Tứ quân tử thang' (Nhân sâm, Bạch linh, Bạch truật, Cam thảo) thêm Hoàng cầm, Hoàng kỳ".
H- Mạch Tế qua các lời bàn
- Sách 'Chẩn tông tam muội' ghi: "Mạch Tiểu, Nhược tuy là do nguyên khí không đủ, nhưng Tiểu mà ấn tay xuống vẫn không thấy suy, ấn lâu vẫn có lực lại là do thực nhiệt cố kết. Nếu mạch Tiểu mà lại thấy triệu chứng nhiệt là kháng thịnh, đó là mạch và chứng nghịch nhau. Cũng có người bình thường mà lại thấy mạch âm ở cả 6 bộ hoặc ở một tay thiên về Tiểu. Nếu do bệnh mà thấy mạch Tế Tiểu thì tùy theo thấy ở bộ nào mà phải điều lý cho thích hợp chứ không thể bỏ qua. Nếu thấy mạch Tiểu Nhược ở Nhân Nghinh là vệ khí bị suy, thấy ở thốn khẩu là dương không đủ, thấy ở bộ xích là âm không đủ. Hễ sau khi bệnh mà thấy mạch Nhược Tiểu là chính khí tuy bị hư nhưng tà khí cũng đã lui, vì vậy bệnh sẽ khỏi. Nếu Tiểu mà kiêm Hoạt, Thực, Phục không phải là chứng thực nhiệt uất kết ở bên trong hay sao? Kinh có ghi: "Xem mạch thấy Hoạt, Tiểu, Khẩn mà Trầm là bệnh càng nặng ở trong". Lại ghi thêm: "Ôn bệnh mà sốt cao, mạch lại Tế, Tiểu tay chân nghịch lãnh thì chết. Đàn bà nuôi con mà bệnh nhiệt, mạch lại Tiểu, nếu chân tay nóng thì sống, chân tay lạnh thì chết. Mạch Tiểu mà chân tay lạnh thì khó chữa, tay chân nóng thì dễ chữa. Bụng đau thấy mạch Tiểu mà Trì thì dễ chữa, nếu thấy Đại mà Cấp thì khó chữa. Ăn không tiêu, tiêu chảy, tiêu sống phân mà thấy mạch Vi Tiểu liên lạc thì sống, nếu cứu cấp thì chết. Xem trên đây thì thấy rõ chỗ quan trọng của mạch chứng thuận nghịch vậy. Sách 'Nội kinh' có ghi về mạch Tế như sau: "Mạch Tế là khí ít" - "Mạch Tế nép vào xương là chứng tích" - "Mạch ở bộ xích lạnh mà Tế là chứng ăn vào đi tiêu ngay" - "Đầu đau mà mạch Tế Hoãn là chứng trúng thấp", xem đó thì thấy rõ là do âm tà, vì vậy các chứng Vị bị hư, biếng ăn, bụng đau, tiêu chảy, thấp tý, chân yếu, mồ hôi tự ra, đều thấy có mạch Tế, chỉ khác nhau là kiêm Phù hoặc kiêm Trầm ở bộ thốn hoặc bộ xích mà thôi. Nếu người thường mà thấy mạch Tế, Nhược, Tiểu là do lo nghĩ quá độ, hại đến chân nguyên mà ra. Nếu hình thịnh mà mạch Tế, thiếu hơi không đủ để thở hoặc bệnh nhiệt mà mạch Tế, tinh thần mê muội thì đều là mạch không ứng với bệnh, vì vậy, không thể bàn như mạch Hư Tế được".
- Sách 'Mạch ngữ'' ghi: "Mạch Tế thì nhỏ, thẳng mà mềm, ứng dưới ngón tay như sợi tơ chỉ, vì vậy, nên gặp ở người già yếu, huyết khí đều suy, hoặc tinh bị tổn thương, tự ra mồ hôi hoặc thấp khí làm hại thân, hoặc bị kiết kỵ làm cho âm bị thoát, hoặc đầu đau thể hư lạnh hoặc vị bị hư, bụng trướng, hoặc mắt hoa, gân suy yếu. Sách 'Mạch kinh' có ghi: "Mạch Tế Tiểu là huyết khí bị suy, có các triệu chứng đó là thuận, nếu không có các triệu chứng đó là nghịch. Vì vậy các chứng chảy máu mũi, nôn mửa, bụng trướng mà thấy mạch Trầm Tế là sống. Lo nghĩ mệt nhọc quá độ cũng thấy mạch Tế. Cách chữa phải ôn bổ. Tuổi tráng niên mà sức mạch Tế là không hợp với hình thể vậy. Mạch đến như Tế hoặc do thình lình gặp phải hàn lãnh, kinh lạc ủng trệ, vì vậy có mạch Trầm Tế vì kinh khí không đều đạt làm cho mạch Tế, do đó, không thể lầm cho là hư rồi dùng phép ôn bổ sẽ làm cho tà khí cố kết. Cao Cổ Phong có nói : "Mạch Tế tất Trầm, chỉ nên kiêm Hoạt là dư âm mạch, người bình thường hay có. Nếu thấy kiêm Sác, Huyền là mạch của chân nguyên khô kiệt, không chữa được".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Các chứng hư lao tổn mà thấy mạch Tế thì bệnh nặng".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Người thường thấy mạch Tế Nhược là do lo nghĩ quá độ, thương tổn chân nguyên. Nếu hình thịnh, mạch Tế, hơi không đủ để thở hoặc bệnh nhiệt, tinh thần mờ tối, mạch Tế, là mạch và bệnh không tương hợp, đều thuộc về chứng nguy".
- Khi so sánh giữa mạch Tế và mạch Vi, Đường Tôn Hải nhận xét như sau : "Mạch Vi chủ khí hư hơn là huyết hư, còn mạch Tế chủ huyết hư hơn là khí hư vì khí hư nên mạch nhảy không có sức còn huyết hư thì mạch nhỏ".
Bài ca Mạch TẾ (Âm) (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng: Tế nhỏ như sợi tơ tằm,
Dưới tay trầm trầm không chút ngừng dây.
Xuân hè tuổi trẻ không hay,
Thu đông già yếu mạch này cũng nên.
Tương loại: Nhu thì phù Tế mềm thay,
Nhược thì trầm Tế khác rầy mạch Nhu.
Vi thì phù Tế phất phơ,
Tế thì trầm tế tựa hồ sợi tơ.
Chủ bệnh: Mạch Tế chủ bệnh phải rành,
Khí huyết, suy kém thất tình hư lao.
Không thấp khí thương thận yêu (eo lưng),
Thì thương tinh với ra nhiều mồ hôi.
Thốn Tế hay nôn mửa ư,
Quan Tế thì chủ vị hư bụng đầy,
Xích Tế đan điền lạnh thay,
Di tinh kiết lỵ bệnh này thoát âm.
Bài ca Mạch TẾ (Chẩn gia chính nhãn)
Mạch tượng: Lại xem mạch Tế ra sao ?
Thẳng mà mềm mại có chiều nhỏ thay.
Tựa hồ như một sợi dây,
Mạch vi so sánh, mạch này rõ hơn.
Chủ bệnh: Mạch Tế chủ bệnh là gì.
Hư lao các chứng khí suy đã từng.
Tả thốn khó ngủ, chinh xung,
Hữu thốn khí kém lại cùng mửa nôn.
Tả quan can âm khô mòn,
Hữu quan đầy trướng hoàn toàn vị hư.
Tả xích tiết, ly, tinh, di,
Hữu xích Tế thì lạnh chốn hạ nguyên.
I- CÁC Y ÁN MẠCH TẾ
Y án Mạch Huyền - TẾ - Sắc
(Trích trong 'Vương Thị y án')
"Họ Thạch thình lình bị trướng bụng, 1 tuần sau thì làm mủ ở giữa rốn. Thầy thuốc ngoại khoa cho đó là trường ung dùng thuốc ôn bổ gây ra ho mà không ngủ được, trong bụng đau thắt, đờm thấy xanh đỏ, đại tiện không thông. Vương Mạch Anh chẩn bệnh thấy mạch Huyền, Tế mà Sác, môi đỏ sẫm, khát nước, liền nói: "Xem mạch thì thấy là chân âm quá hư, các vị thuốc như Hoàng kỳ, Bạch truật, Đương quy, Nhục quế đều cấm dùng. Cho uống bài 'Cam lộ ẩm' ( Tỳ bà diệp, Thục địa, Mạch môn, Chỉ xác, Nhân trần, Sinh địa, Thiên môn, Thạch hộc, Chích thảo, Hoàng cầm ) thêm Tây dương sâm, Thiên hoa Phấn, Bối mẫu, Hạnh nhân, Đông qua tử thì đờm, ho dần hết... Thầy thuốc ngoại khoa đó nói rằng chứng bệnh này rất kỵ các vị thuốc có tính nhuận và tiết tả, không được dùng nhiều. Mạch Anh nói: "Âm hư thì dịch táo, tân dịch không sinh ra được, khi cần còn cần không được huống gì lại còn câu nệ, không biết thông biến sao?". Vẫn dùng phương thuốc cũ nhưng bỏ bớt vị Hạnh nhân, Hoa phấn, Bối mẫu, thêm Tri mẫu, Bách hợp, Hợp hoan. Quả nhiên các chứng đều giảm bớt, ít lâu sau, rốn đóng vẩy rồi khỏi hẳn".
Y án Mạch TẾ Lưỡi Trắng
(Trích trong 'Ai lu y án')
"Một người bị đau bụng, kiết lỵ, đi lỵ ngày đêm không nhất định, ra mồ hôi lạnh, tay chân lạnh, mạch Tế, lưỡi trắng là do thử thấp nhiệt kết trệ lại. Bệnh đã 5 ngày không giảm. Người bệnh hay uống rượu làm cho Tỳ bị hư, tà không thể hóa nhiệt để tiết ra được vì thế hay thấy ra mồ hôi nhiều, làm cho dương khí bị hại, kiết lỵ làm hại âm huyết. Phàm bụng đau mà lý cấp hậu trọng thì cách chữa phải nên dùng phép thông. Miệng khô, phiền táo, bí tiểu thì cách trị phải nên thanh, thấm. Chứng này là do Tỳ dương vốn đã kém nên không vận hóa được, tà trệ chưa động thì chính khí đã hư, thành ra phải bó tay. Tạm dùng phép ôn trung, thêm sơ tà hóa trệ. Dùng Phụ tử (chế) 2g, Kiến khúc 6g, Xích linh 12g, Mộc hương 1,2g, Hoàng liên (sao rượu) 2g.
Chẩn lần hai: Kiết lỵ đã thấy giảm phân nửa, trắng đỏ lẫn lộn, tay chân ấm, ít ra mồ hôi, lưỡi trắng, rêu lưỡi nhờn như cũ, lý cấp hậu trọng đã bớt, xem mạch thấy Trầm Tế, trong bụng còn đau. Đây là Tỳ hư, thấp thử kết trệ nên chưa vận hóa được. Dùng phép ôn trung vận tà. Dùng Phụ tử (chế) 2g, Hậu phác 2,8g, Hoàng liên 1,2g, Bạch truật 4g, Can khương 2g, Phòng phong 4g, Mộc hương 1,2g, Chỉ thực 2,8g, Đơn bì 4g, Xích linh 12g.
Khám lần ba: Kiết lỵ giảm nhiều, rêu lưỡi đã đổi, hết đau bụng, tiểu tiện đỏ, tượng mạch thịnh lên, muốn ăn cơm. Trung dương đã vận động thì còn lo gì tà trệ không hóa, dùng phép hòa trung: Bạch truật 6g, Kiến khúc 6g, Hậu phác 2,8g, Biển đậu 12g, Cát cánh 2g, Nhục quả 1,6g, Hoạt thạch 12g, Ý dĩ nhân 12g. Bệnh khỏi".

MẠCH THỰC
( - Full Pulse - Pouls Plein)
A- Đại cương
- Mạch là phủ của huyết, huyết khí có thừa thì mạch phải sung thịnh, vì vậy, thiên 'Thích chí luận' (Tố vấn 53) ghi: "Mạch Thực thì huyết thực".
- Nếu tà khí thịnh, mạch khí đến thấy cứng, có lực, 3 bộ đều như vậy, cũng là mạch Thực. Vì vậy, sách 'Y thuật' ghi: "Mạch Thực chủ về thực nhiệt, không chủ về hư hàn".
- Cần phân biệt rõ là chính Thực hoặc tà Thực. Sách ' Thời phủ diệu dụng' ghi: "Dưới tay thấy rõ ràng mà hòa hoãn là nguyên khí Thực, dưới tay thấy mạch khí bật lên mà không rõ tà khí Thực".
B- Hình tượng mạch Thực
- Chương 'Mạch hình tượng chỉ hạ bí quyết' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Thực thì Đại mà Trường, hơi mạnh, ấn tay xuống thấy bật lên".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Thực thường Phù Đại mà cứng, có lực, cả 3 bộ đều thấy rõ".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch đi dầy chắc, hữu lực, dài lớn, và cứng chắc".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Thực... 3 bộ mạch ấn nhẹ hoặc nặng tay đều thấy có lực".
HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH THỰC
- Sách 'Mạch chẩn' biểu diễn hình vẽ mạch Thực:
C- Nguyên nhân phát sinh mạch Thực
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Thực là do dương hỏa uất kết".
- Sách 'Cảnh Nhạc toàn thư' ghi: "Mạch Thực là do tà khí thịnh".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Tà khí và chính khí chống nhau, vì vậy đường mạch đầy chắc, ứng vào tay hữu lực (Thực)".
D- Mạch Thực chủ bệnh
- Thiên 'Mạch yếu tinh vi luận' (Tố vấn 17) ghi: "Mạch của Vị mà Thực thì bụng trướng".
- Thiên 'Thông bình hư thực luận' (Tố vấn 28) ghi: "Mạch của chứng điên thì như thế nào? Kỳ Bá đáp: Hư thì có thể chữa khỏi, Thực thì chết". Chứng tiêu đản hư thực thế nào? Kỳ Bá đáp: Mạch thực mà Đại thì dù bệnh đã lâu vẫn chữa được".
- Chương 'Bình tam quan bệnh hậu tịnh trị nghi' (Mạch kinh) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Thực ắt sinh nhiệt, ở Tỳ Phế thì nôn ngược, hơi thở nhanh ( dồn dập). Mạch bộ quan Thực thì dạ dầy đau. Mạch ở bộ xích Thực thì bụng dưới đau, tiểu tiện không tự chủ".
- Chương 'Bình tạng bệnh mạch' (Mạch kinh) ghi: "Thủy cốc vào thì thấy mạch cứng, Thực".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi; "Mạch Thực chủ huyết thực nhiệt kết, hỏa tà thịnh. Tả thốn Thực chủ chứng tâm lao, lưỡi cứng, ngực đầy tức. tả quan Thực thì cạnh sườn đau (do Can hỏa vượng). Tả xích Thực thì bụng dưới đau, tiểu tiện bí, Hữu thốn Thực thì Phế bị bệnh, nôn ngược, họng đau, Hữu quan Thực thì bụng đầy trướng, đau. Hữu xích Thực thì tướng hỏa vượng".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch ở tả thốn Thực thì trong ngực nóng phiền. Mạch bộ quan Thực thì trong vị có hư nhiệt gây đau ở trung tiêu. Mạch bộ xích Thực thì bụng dưới đầy tức, tiểu nhiều".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Thực thấy ở các chứng tà khí thịnh, hỏa chứng tà thịnh hoặc tà thực ủng kết".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Thực chủ khí tắc, ứ tích, phế ung, ăn không tiêu, bụng sưng, sán trướng, nhiệt thịnh, họng đau, đại tiện khó".
Tả Thốn THỰC
Lưỡi cứng.
Hữu Thốn THỰC
Họng đau.
Tả Quan THỰC
Can hỏa vượng, sườn đau.
Hữu Quan THỰC
Bụng trướng đầy do khí thấp.
Tả Xích THỰC
Đại tiện bí, bụng đau.
Hữu Xích THỰC
Tướng hỏa kháng nghịch.
E- Mạch Thực kiêm mạch bệnh
- Thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) ghi: "Mạch Tiểu, Thực mà cứng là bệnh ở trong".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Thực Khẩn là hàn tích đã lâu. Thực Hoạt là đờm ngưng trệ".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi:
Mạch Thực mà Phù, Đại có lực là ngoại cảm phong, hàn, thử, thấp.
Thực mà Trầm có lực là nội thương do ăn uống thất thường.
Thực Trầm mà Huyền là hàn thịnh ở trong.
Thực mà Sác là chứng phế ung (áp xe phổi).
Thực Hồng là hỏa tà quá vượng.
F- Mạch Thực và trị liệu
- Chương 'Biện dương minh bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Người bệnh phiền nhiệt, ra mồ hôi mà giải, nay lại thấy như sốt rét, xế trưa phát nóng, đó là thuộc ở Dương minh. Thấy mạch Thực thì nên dùng phép hạ (xổ)... Hạ bằng bài 'Đại thừa khí thang' ( Đại hoàng, Chỉ thực, Hậu phác, Mang tiêu)".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch Thực là phục dương ẩn phục bên trong thì hàn sẽ đóng ở ngoài mà bên trong nóng bừng bừng, nóng quá thì hại kim, kim bị thương thì sẽ hư, kim hư thì không bình được mộc, mộc thịnh thì lại khắc thổ, cho nên Tỳ Vị bị hư. Tỳ bị nhiệt cho nên Vị cũng bị nhiệt. Vị nhiệt thì bị ủng tắc gây ra kém ăn, thuốc ôn hòa là 'Bình vị tán' (Thương truật, Hậu phác, Trần bì, Chích thảo) hoặc bài 'Dị công tán' ( Đảng sâm, Bạch linh, Bạch truật, Cam thảo, Trần bì) thêm Hoàng cầm. - Mạch tả thốn Thực là trong lồng ngực kim bị hỏa trú ở đấy làm nóng dữ, cho uống bài 'Lương cách tán' ( Liên kiều, Đại hoàng, Mang tiêu, Chích thảo, Chi tử, Hoàng cầm, Bạc hà). - Mạch tả quan Thực là trung tiêu có phong nhiệt cho nên đau nhói, nên uống bài 'Tứ vật thang' (Thục địa, Bạch thược, Đương quy, Xuyên khung) thêm Long đởm, Đơn bì; Hoặc cho uống bài 'Tiểu sài hồ thang' ( Sài hồ, Bán hạ, Nhân sâm, Chích thảo, Hoàng cầm, Sinh khương, Đại táo ). - Mạch hữu quan Thực là trong Vị có nhiệt gây đau nhói, cho uống bài 'Bồi thổ cố trung thang' (Bạch truật, Chích thảo, Can khương, Thục địa) thêm Bạch thược. - Mạch tả xích Thực nên cho uống Phụ tử, Can khương. Mạch hữu xích Thực nên cho uống bài 'Lục vị địa hoàng hoàn' ( Thục địa, Đơn bì, Hoài sơn, Trạch tả, Sơn thù, Bạch linh). Nếu tiểu chưa cầm, thêm Ích trí nhân".
G- Mạch Thực qua các lời bàn
- Chương 'Mạch thần' (Cảnh Nhạc toàn thư) ghi: "Mạch Thực là tà khí thực, ấn tay nhẹ hoặc nặng đều thấy mạch khí bật lên có lực. Mạch Thực có âm có dương. Cùng loại là các mạch Huyền, Hồng, Khẩn, Hoạt. Biểu tà Thực thì thấy mạch Phù Đại có lực do phong hàn thử thấp xâm nhập vào kinh mạch vì vậy thấy các chứng thương hàn dương ngược hoặc là phát nóng đau đầu mũi nghẹt, đầu sưng hoặc là cơ thể, gân xương đau nhức, ung độc. Tà Thực ở phần lý thì thấy mạch Trầm Thực có lực, do nội thương ở tạng vì ăn uống, thất tình, vì vậy, thấy các chứng đầy trướng hoặc kết bí hoặc trưng hà hoặc ứ huyết hoặc đàm ẩm hoặc đau bụng, hen suyễn, nôn ngược. Hỏa tà thực thì thấy mạch Hồng Hoạt có lực là chứng thực nhiệt. Hàn tà thực thì thấy mạch Trầm Huyền có lực, là các chứng trệ đau. Mạch Thực cũng có chân, giả. Chân Thực thì dễ biết, giả Thực thì hay bị lầm, vì vậy, cần phải hỏi nguyên nhân, xem hình chẩn mới khỏi sai lầm".
- Chương 'Sư truyền tam thập nhị tắc' (Chẩn tông tam muội) ghi: "... Thực là tượng trong ngoài đều đầy trệ. Kinh viết: Tà khí thịnh thì mạch Thực mà không ghi rằng mạch Thực là chính khí vốn vượng, đó là điểm cương yếu của mạch Thực vậy! Mạch đã thực ắt không có chứng hư, chứng đã thực ắt không có giả tượng. Nhưng nếu tà nhiệt rất cao ( kháng cực) mà sắp tuyệt thì lại thấy mạch Thực. Thực ở biểu thì đầu đau, cơ thể sốt. Thực ở lý thì bụng đầy, tức trướng. Đại mà Thực là nhiệt từ trong phát ra. Tế mà Thực là tích tụ sinh ở trong. Bệnh thương hàn ở Dương minh, không đi tiêu được mà thấy mạch Thực thì phải dùng phép hạ. Nếu sau khi hạ mà mạch lại Thực Đại hoặc quá Vi sắp tuyệt, nóng không bớt thì chết. Quyết âm bệnh kiết lỵ mà mạch lại Thực, nếu dùng phép hạ thì chết. Xem đây thì thấy, nếu mạch và chứng nghịch nhau thì khó chữa vậy! Vì vậy, các chứng Tiêu, Đản, Cổ trướng, Tích cứng mà thấy mạch Thực thì dễ chữa còn các chứng đi tiêu ra máu hoặc người bệnh lâu ngày, phụ nữ mới sinh mà thấy mạch Thực, Đại thì chẳng dễ chữa vậy".
- Sách 'Mạch học chính nghĩa' ghi: "Sách mạch có ghi: "Mạch Thực chủ về các chứng hỏa nhiệt vượng, đó là phát cuồng, nói xàm, họng sưng, lưỡi cứng, dương độc, đại tiện bí, Tỳ bị nhiệt, bụng đầy, thắt lưng đau cứng. Người bình thường thấy mạch Thực Đại tất phải bị kiết lỵ, nên dùng phép hạ. Bị nghẹt mà thấy mạch Thực đó là do tà khí ở lý, cần hạ ngay. Bệnh lâu ngày mà thấy mạch Huyền, Sác, Thực, Hoạt là do cô dương thoát ra ngoài, vì vậy có câu: "Bệnh lâu ngày mà thấy mạch Thực thì rất nguy". Lại có chứng do Trầm hàn ở bên trong làm mạch đạo bị ủng trệ, tượng mạch cứng lao như Thực, vì vậy không được dùng thuốc hàn lương mà phải dùng phép ôn bằng các vị như: Can khương, Phụ tử. Lại có chứng chân âm quá hư, thấy mạch quan Cách, Hồng, Huyền như Thực, chỉ có dám dùng phép thanh lương chăng? Ba chứng kể trên đều có giả thực, không phải do chân thực".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Nói tượng mạch Trường Đại mà hơi mạnh là nói mạch tuy Thực nhưng vẫn có ý hòa hoãn".
Bài ca Mạch THỰC (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng : Phù trầm đều thấy đại, trường,
Dưới tay răn rắn rõ ràng không hư.
Tam tiêu tráng hoả có dư,
Thông trường, phát hãn yên thư lo gì.
Tương loại : Thực Phù Trầm có lực thay,
Khẩn hình như vặn sợi dây không thường.
Lao thì án sát đến xương,
Vi Huyền Thực Đại đời thường phải hay.
Chủ bệnh : Thực mạch hoả uất phát cuồng,
Nói sảng mà lại mửa luôn lạ thường.
Hoặc dương độc hoặc thực thương,
Không thông đại tiện lại thường khí đông.
Thốn thực chủ mặt nhiệt phong,
Đau hầu, cứng lưỡi, hung trung tức đầy.
Quan thực tỳ nhiệt bụng đầy,
Xích thực bệnh này đau ruột, đau lưng.
Bài ca Mạch THỰC (Chẩn gia chính nhãn)
Mạch tượng : Mạch Thực ta cũng phải tường,
Có lực mạch thường phù đại mà kiên.
Dưới tay mạch thấy trườn lên,
Phù, trung, trầm hậu hiển nhiên thấy đều.
Chủ bệnh: Mạch Thực chủ bệnh kể ra:
Huyết thực, nhiệt kết, hỏa tà thịnh sao.
Tả thốn Thực chủ tâm lao,
Sinh cứng lưỡi, khí vọt cao ngực đầy.
Hữu thốn phế bệnh thường hay,
Sinh ra nôn xốc, hoặc nay đau hầu.
Tả quan mạch Thực thì sao ?
Vì can hỏa vượng hay đau cạnh sườn.
Hữu quan mạch Thực phải tường,
Trung tiêu đầy trướng lại thường thường đau.
Tả xích tiện bế bụng đau,
Hữu xích tướng hỏa có chiều vượng thay.
Kiêm mạch: Thực khẩn hàn tích đã lâu,
Mạch Thực mà hoạt khỏi sao ngưng đờm.
H- CÁC Y ÁN MẠCH THỰC
Y án Mạch THỰC mà Hồng Sác
(Trích trong 'Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Danh y loại án')
"Chu Đan Khê chữa một người ở phố Giang, nói xàm, thấy hỗn loạn. Bệnh đã 7-8 ngày mới mời Chu Đan Khê đến chữa. Xem mạch thì thấy hai tay đều Hồng, Sác mà Thực. Người bệnh mặt đỏ lẫn trắng, thân hình mập mà lại nổi gân. Đây là do mệt nhọc gây ra bệnh, lại thêm uống nhầm thuốc hàn (lạnh) lương (mát). Hỏi thì biết rằng người bệnh đã được cho uống 7-8 thang Sài hồ. Cách chữa trường hợp này phải ôn bổ. Dùng bài 'Hoàng kỳ phụ tử thang' (Hoàng kỳ, Trần bì, Phụ tử), cho uống lạnh. Uống 3 thang thì ngủ được, hơi ra mồ hôi mà giải mạch đã hơi nhuyễn. Cho uống tiếp Hoàng kỳ, Bạch truật, được 10 ngày thì thấy mạch thu liễm lại thành Tiểu. Được nửa tháng thì khỏi hẳn".
Y Án Mạch Bộ Xích 2 Tay Đều THỰC
(Trích trong 'Danh y loại án')
"Trần Đấu Nham chữa cho vợ của Diệp Nam Châu, tắt kinh đã 5 tháng, khí hư ra màu trắng, hoặc buổi chiều phát nóng ho khan, ói mửa. Có thầy thuốc cho đã là chứng lao sái. Đấu Nham xem bệnh liền nói: "Mạch 2 bộ xích đều Thực là có thai, lại thêm ngoại cảm phong tà mà ra". Vậy cho uống thuốc loại thanh, hòa thì khỏi. Ít lâu sau sinh một con trai".
I- MẠCH THỰC VÀ CÁC MẠCH KHÁC
Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' đưa ra so sánh giữa mạch Thực và các mạch Hoạt, Khẩn, Trường có nhiều nét giống và khác nhau như sau:
Mạch gốc
Đặc điểm
Tên mạch gốc
Hình thái mạch
Hội chứng tương ứng
Loại
Mạch
THỰC
(4 Mạch)
Chạm
vào
ngón
tay
thấy
sức
THỰC
Ấn tay xuống hoặc nâng tay lên đều có lực.
Chứng thực nhiệt tụ lại.
HOẠT
Mạch đi trơn tru, có cảm giác tròn tròn.
Đàm, thực nhiệt.
KHẨN
Giống như dây thừng vặn xoắn.
Hàn chứng thống phong.
TRƯỜNG
Đầu đuôi thẳng suốt, thân của mạch thấy tràn quá toàn bộ vị mạch.
Khi dương thừa, nhiệt chứng.
Trần Tu Viên đưa ra nhận định so sánh giữa mạch Thực và các mạch khác như sau:
Mạch Thực mà lớn là mạch Đại.
Thực mà đi trơn tru là mạch Hoạt.
Thực mà căng như dây cung là mạch Huyền.
Vậy mạch Đại, Hoạt và Huyền đều dựa trên mạch Thực.
MẠCH TRẦM
( - Sinking Poulse - Pouls Profond)
A- Đại cương
- Trầm là chìm, mạch luôn chìm sâu dưới da, vì vậy gọi là Trầm.
- Thiên 'Tuyên minh ngũ khí luận' (Tố vấn 23) ghi: "Thận mạch Thạch, ứng với thời lệnh là mùa đông, ở tạng là Thận, mạch Thận Trầm vì vậy mạch Trầm cũng gọi là mạch Thạch".
- Thiên 'Ngọc cơ chân tạng luận' (Tố vấn 19) ghi: "Mạch mùa đông tức là mạch của Thận, thuộc phương Bắc, thủy, muôn vật nhờ đó mà bế tàng, vì vậy mạch khí lúc đến thì Trầm mà bật mạnh lên, vì vậy gọi là Dinh".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Trầm bắt chước đất, có hình tượng suối phun vọt ở dưới... lại gọi là Thạch, cũng gọi là Dinh".
B- Mạch tượng của Trầm
- Thiên 'Mạch hình trạng chỉ hạ bí quyết' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Trầm ấn tay xuống thì không đủ, nhấc lên thì có dư".
- Sách 'Trung y học chẩn đoán giảng nghĩa' ghi: "Mạch Trầm đặt nhẹ tay không thấy, nặng tay mới thấy".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Trầm đi chìm ở khoảng gân xương, ấn nặng tay mới thấy, ấn nhẹ tay không thấy".
- Tập 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch Trầm ấn nhẹ không thấy gì, ấn nặng tay mới thấy".
HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH TRẦM
- Sách 'Tam tài đồ hội' và sách 'Đồ chú Nan kinh mạch quyết' diễn tả mạch Trầm như sau:
- Sách 'Mạch chẩn' biểu diễn hình vẽ mạch Trầm:
- Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' mô tả: "Mạch Trầm lúc đặt áp lực nhẹ thì không thấy sóng mạch nổi lên, có đặt thêm áp lực mới thấy đường cong động mạch xuất hiện".
- Sách 'Kết hợp YHCT và YHHĐ trong lâm sàng' ghi:
'Đường cong của mạch Trầm: sóng đầu tiên của mạch không đi thẳng mà thường uốn khúc trên đường đi lên đỉnh mạch, vì thế lên đến đỉnh mạch chậm hơn mạch Phù. Vừa lên đến đỉnh, sóng mạch lại đi xuống ngay, lên đỉnh đã chậm, tới đỉnh lại xuống ngay, do đó, sách xưa mô tả là phải ấn mạnh đầu ngón tay xuống mới bắt được mạch".
C- Nguyên nhân phát sinh mạch Trầm
- Sách 'Cảnh Nhạc toàn thư' ghi: "Hàn khí bên ngoài xâm nhập vào sâu, bó lấy kinh lạc, làm cho mạch khí không thông đạt, sẽ xuất hiện mạch Trầm".
- Sách 'Mạch chẩn' ghi: "Mạch Trầm là âm khí quyết nghịch, dương khí không được thư sướng... Mạch Trầm là âm tà quá dư làm cho huyết khí ngưng đọng không phấn chấn...".
- Sách 'Y biên' ghi: "Nếu bệnh tụ ở dưới, ở phần lý, ắt sẽ thấy mạch Trầm".
- Sách 'Hoàng hán y học' ghi: "Mạch Trầm là do sức vọt (đẩy) của mạch không đủ".
- Sách 'Trung y biện chứng luận trị giảng nghĩa' ghi:
Phát sinh ra mạch Trầm có thể do:
. Lượng máu ở tim tống ra bình thường hoặc bị hạ thấp.
. Các mạch máu ngoại biên đều co lại.
. Sức co của thành mạch tăng lên.
- Sách 'Kết hợp YHCT và YHHĐ trong lâm sàng' ghi: "Nhánh Catarot của mạch Trầm gồm hai phần:
Phần trên: rót xuống nhanh nhưng dừng lại ở nửa trên thân mạch, tại móc Dicrot, thuộc thời gian tống máu tâm thu.
Phần dưới: đi xuống chậm hơn phần trên, dốc thoai thoải, liên hệ với từ lúc bắt đầu đóng van đến lúc mở van động mạch chủ".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Tà uất ở phần lý, khí huyết ngưng trệ thì mạch Trầm mà có lực. Dương khí hư hãm xuống không thăng lên được thì mạch Trầm mà không có lực".
D- Mạch Trầm chủ bệnh
- Thiên 'Đại kỳ luận' (Tố vấn 48) ghi: "Mạch của Can, Thận đều Trầm là chứng thạch thủy". "Mạch của Phế Trầm mà bật lên là chứng Phế sán". "Mạch của Tỳ, bên ngoài bật lên ngón tay mà bên trong Trầm là chứng trường tiết, lâu ngày cũng tự khỏi".
- Thiên 'Thị thung dung luận' (Tố vấn 76) ghi: "Mạch Trầm mà Thạch là do Thận khí bị ngừng tắc ở trong".
- Chương 'Biện mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Trầm là bệnh ở lý".
- Chương 'Đờm ẩm khái thấu mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Trong ngực có lưu ẩm, ắt ngắn hơi mà khát. Các khớp tay chân đau nhức, mạch Trầm là có lưu ẩm".
- Chương 'Hoàng đản bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch Trầm, khát nước, tiểu khó đều là phát hoàng đản".
- Chương 'Bình tam quan bệnh hậu tịnh nghi trị' (Mạch kinh) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Trầm: trong ngực đau lan ra 2 bên sườn, có ngực có thủy khí. Mạch ở bộ quan Trầm là dưới tim có hơi lạnh, nuốt chua, mạch bộ xích Trầm là lưng và thắt lưng đau".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi:
Tả Thốn TRẦM
Băng huyết, nôn ra máu, ngủ khó.
Hữu Thốn TRẦM
Suyễn, Phế ung.
Tả Quan TRẦM
Gân đau, mắt hoa.
Hữu Quan TRẦM
Da vàng, thổ tả, tê bại.
Tả, Hữu Xích TRẦM
Lưng đau, kinh bế, bụng đầy, phần âm hao tổn, tiểu gắt, tiểu nhiều
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Trầm chủ các bệnh ở phần lý".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Trầm phần nhiều thấy ở lý chứng, có tà khí phục ở bên trong, tuy nhiên chứng khí trệ hoặc khí hư cũng có thể thấy mạch Trầm".
- Mục 'Hiệu chính Tần Hồ mạch học' (Đồ chú Nan kinh mạch quyết) ghi:
. Thốn TRẦM: đờm uất, thủy đình trệ ở ngực.
. Quan TRẦM: trúng hàn, đau không thông.
. Xích TRẦM: tiêu chảy, kiết kỵ, thận hư, lưng và hạ nguyên đau.
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Trầm chủ bệnh hàn, cơ thể đau, chân tay lạnh, xương khớp đau, thủy khí lưu ẩm, sưng phù, tay chân không nhấc lên được, đái hạ, huyết ứ, trưng hà, tiêu chảy, di tinh".
Tả Thốn TRẦM
Tâm dương bất túc.
Hữu Thốn TRẦM
Phế khí bất túc, ho, đàm ẩm, hụt hơi.
Tả Quan TRẦM
Can uất, khí thống.
Hữu Quan TRẦM
Tỳ hư, tiêu chảy, ăn không tiêu.
Xích TRẦM
Bụng dưới đau, thắt lưng đau. đầu gối đau, liệt dương, đái hạ, bụng đau, đàn bà thì huyết hải không đủ.
E- Mạch Trầm kiêm mạch bệnh
- Thiên 'Mạch yếu tinh vi luận' (Tố vấn 17) ghi: "Các mạch Trầm Tế đều thuộc về phần âm, là chứng đau ở xương".
- Thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Trầm mà cứng là bệnh ở trong, Trầm mà Nhược thuộc về bệnh hàn, nhiệt, sán, hà, bụng dưới đau".
- Thiên 'Tam bộ cửu hậu luận' (Tố vấn 20) ghi: "Mạch của 9 bộ đều Trầm Tế mà cách tuyệt nhau là âm, thuộc mùa đông, vì vậy sẽ chết vào lúc nửa đêm".
- Thiên 'Bệnh năng luận' (Tố vấn 46) ghi: "Hoàng Đế hỏi: Người mắc chứng vị quản ung, chẩn đoán thế nào để biết được? Kỳ Bá thưa: chẩn bệnh đó phải xét ở Vị mạch, sẽ thấy Trầm mà Tế, Trầm Tế là do khí nghịch".
- Chương ' Biện mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Hỏi mạch có dương kết và âm kết, lấy gì để phân biệt? Thưa: mạch Trầm mà Trì, không ăn được, cơ thể nặng nề, đại tiện lại cứng gọi là âm kết".
- Chương 'Kinh qúy, thổ nục bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Người bệnh mặt không có huyết sắc, không nóng lạnh, mạch Trầm Huyền thì chảy máu mũi (cam)".
- Chương 'Kinh thấp yết bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Thái dương bệnh phát sốt, mạch Trầm mà Tế thì gọi là chứng kinh, khó chữa".
- Chương 'Huyết tý hư lao bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Đàn ông mà mạch Hư, Trầm, Huyền, không nóng lạnh, hơi thở ngắn, tiểu không thông, sắc mặt trắng, thường hay tối mắt, chảy máu mũi, bụng dưới đầy là do hư lao gây ra".
- Chương 'Đàm ẩm khái thấu bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mắc chứng chi ẩm ở ngang hoành cách mô làm cho suyễn đầy, dưới tim có bỉ cứng, sắc mặt đen sạm, mạch Trầm, Huyền".
- Chương 'Thủy khí bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Chính thủy: mạch Trầm Trì". "Hoàng hãn, mạch Trầm Trì, cơ thể phát sốt, ngực đầy, tay chân, đầu mặt phù lâu ngày không khỏi ắt sinh mụn nhọt mủ" - "Mạch thốn khẩu Trầm mà Hoạt là ở trong có thủy khí, mặt và mắt sưng nóng gọi là phong thủy".
- Chương 'Hồi trùng bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Hỏi: bụng đau có giun, hình dáng mạch ra sao? Thầy đáp: đau trong bụng thì mạch phải Trầm Huyền, nếu Hồng Đại là có giun".
- Chương 'Biện tam bộ cửu hậu mạch chứng' (Mạch kinh) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Trầm mà Khẩn, lạnh ở dưới tim, thường hay đau, có tích tụ".
- Chương 'Bình tạp bệnh mạch' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Trầm mà Huyền là bị chứng huyền ẩm gây đau ở trong. Mạch Trầm mà Trì là trong bụng bị lạnh. Mạch Trầm mà Hoạt là hạ trọng, là sống lưng đau". "Âm tà xâm nhập thì thấy mạch Trầm mà Tế".
- Mục 'Hiệu chính Tần Hồ mạch học' (Đồ chú Nan kinh mạch quyết) ghi:
. Trầm Trì : cảm lãnh.
. Trầm Hoạt: đờm thực.
. Trầm Khẩn: lạnh, đau.
. Trầm Sác: nội nhiệt.
. Trầm Lao: lãnh tích.
. Trầm Sắc: khí uất.
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Trầm Trì là có lạnh; Trầm Sác là nhiệt ở phần lý; Trầm Huyền là thực, chủ hạ trọng; Trầm Hư là hư, chủ tiết lợi; Trầm Hoạt là đờm ẩm túc thực; Trầm Sáp là khí trệ, huyết không đủ; Trầm Khẩn là tà khí thịnh, chính khí hư, chủ lạnh, đau; Trầm Đại là táo ở phần ly;. Trầm Lao là hàn tích ở trong".
- Sách 'Định Ninh tôi học mạch' ghi: "Trầm mà vô lực là khí uất, thiếu năng lực vận hành, vì vậy sinh ra các chứng thủy thủng, đình ẩm, hiếp trướng, quyết nghịch, trưng hà".
G- Mạch Trầm và trị liệu
- Chương 'Kinh thấp yết bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Thái dương bệnh đã đủ các triệu chứng, cơ thể cứng đơ, mạch lại Trầm Trì, là chứng Kinh, cho uống bài 'Quát lâu quế chi thang' ( Quát lâu căn, Quế chi, Thược dược, Sinh khương, Táo)".
- Chương 'Phế nuy, ung, khái thấu mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược ) ghi: "Ho mà mạch Trầm, cho uống 'Trạch tất thang' ( Bán hạ, Tử sâm, Bạch tiền, Hoàng cầm, Quế chi, Trạch tất, Nhân sâm, Cam thảo, Sinh khương )".
- Chương 'Hung tý bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Bệnh hung tý mà suyễn thở, ho khạc, ngực lưng đau, ngắn hơi, mạch ở thốn khẩu Trầm mà Trì, ở bộ quan thì Khẩn mà Sác, cho uống 'Qua lâu giới bạch tửu thang' (Qua lâu, Giới bạch, Bạch tửu)".
- Chương 'Phúc mãn hàn sán túc thực bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Bị chứng hàn sán vòng quanh rốn, nếu phát hãn ắt ra mồ hôi, tay chân quyết lãnh, mạch Trầm mà Khẩn, cho uống bài 'Đại ô đầu tiễn' (Ô đầu loại lớn, sắc uống)".
- Chương 'Đờm ẩm bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch Trầm Huyền là có huyền ẩm gây đau ở bên trong, cho uống 'Đại táo thang' (Đại táo, Hoàng kỳ, Phụ tử, Sinh khương, Ma hoàng, Cam thảo). "Chứng chi ẩm... đã hạ bằng 'Thanh long thang', miệng táo, hay khạc, mạch thốn Trầm, mạch xích Vi, tay chân quyết nghịch, khí đưa từ bụng dưới xung lên ngực, họng, tay chân tê, sắc mặt như say rượu, tiểu khó, cho uống bài 'Linh quế ngũ vị cam thảo thang' (Phục linh, Quế chi tiêm, Cam thảo, Ngũ vị tử)".
- Chương 'Thủy khí bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Bị chứng thủy mà ra được mồ hôi ắt khỏi, thấy mạch Trầm thì cho uống 'Ma hoàng phụ tử thang' (Ma hoàng, Phụ tử, Cam thảo)".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch hữu thốn Trầm là chứng đờm thực, dùng bài 'Hoá đờm ngọc hồ hoàn' ( Thiên nam tinh, Bán hạ, Thiên ma, Đầu bạch diện) thêm Hùng hoàng; Hoặc dùng 'Bán hạ hoàn' (Bạch phàn, Bán hạ). Hoặc dùng 'Lục quân tử thang' (Nhân sâm, Bạch truật, Phục linh, Cam thảo, Bán hạ, Trần bì) thêm Hoàng kỳ" - "Mạch tả quan Trầm: lạnh trong xương, cho uống 'Quất bì bán hạ thang' (Trần bì, Bán hạ) hoặc 'Ngũ quân tử thang' ( Bán hạ, Đảng sâm, Bạch truật, Bạch linh, Cam thảo) thêm Quế". "Mạch bộ xích Trầm: lưng và chân nặng, tiểu như nước vo gạo, cho dùng bài 'Bát vị địa hoàng hoàn' ( Thục địa, Sơn thù, Hoài Sơn, Đơn bì, Trạch tả, Phục linh, Phụ tử và Quế )". "Mạch ở bộ tả quan thấy Trầm, nên uống bài 'Ngũ linh tán' ( Ngũ linh chi, Xuyên ô, Một dược, Nhũ hương) thêm Ngô thù hoặc 'Bát vị địa hoàng thang' thêm Ngô thù. Mạch bộ xích thấy Trầm Huyền là hàn nên uống 'Bát vị địa hoàng hoàn' nhưng bội Quế, Phụ lên... Mạch ở bộ hữu quan (Tỳ) Trầm Huyền là hàn, nên uống bài 'Phụ tử lý trung thang' (Phụ tử, Nhân sâm, Can khương, Bạch truật, Chích thảo), hoặc bài 'Lục quân tử thang' (Nhân sâm, Bạch truật, Bạch linh, Cam thảo, Trần bì, Bán hạ) thêm Can khương". "Sáu bộ mạch Trầm Vi, 2 bộ xích mạch không có căn, đó là nguyên dương và nguyên âm sắp mất (tắt), chỉ có 'Sâm phụ thang' ( Nhân sâm, Phụ tử) là may có cơ cứu vãn được. Sáu bộ mạch Trầm, Vi, Trì, Hoãn không có lực, nên uống 'Sâm phụ thang' hoặc 'Truật phụ thang', uống tới khi dương khí đã hơi vượng thì đổi sang dùng 'Bát vị địa hoàng hoàn' bội Quế và Phụ. Sáu bộ mạch Trầm Tế không có lực là nguyên dương của chân khí bị hư nhiều, nên bồi bổ cho trung châu, để bổ dưỡng khí huyết cho ấm, cho dùng bài 'Quy tỳ thang' bỏ Mộc hương ( Bạch truật, Phục thần, Hoàng kỳ, Nhãn nhục, Toan Táo nhân, Nhân sâm, Chích thảo ) hoặc bài 'Thập toàn đại bổ' bỏ Bạch thược (Nhân sâm, Bạch linh, Bạch truật, Cam thảo, Đương quy, Xuyên khung, Thục địa) thêm Nhục quế, Phụ tử. Mạch 6 bộ Trầm Hoãn và rất nhỏ là nguyên dương sắp thoát, nên tập trung vào việc cứu vãn nguyên khí. Nhẹ thì dùng bài 'Nhân sâm lý trung thang' ( Nhân sâm, Bạch truật, Can khương, Chích thảo), nặng hơn thì dùng bài 'Phụ tử lý trung thang', không nên cho 1 chút âm dược nào lẫn vào. Sáu bộ mạch Tế Sác ấn lâu không thấy có thần đó là âm dương ở cả tiên và hậu thiên đều suy. Nên uống bài 'Bát vị địa hoàng hoàn' buổi sáng, đến buổi chiều uống bài 'Dưỡng vinh thang' ( Hoàng kỳ, Đương quy, Quế tâm, Chích thảo, Trần bì, Bạch truật, Nhân sâm, Bạch thược, Thục địa, Ngũ vị tử, Phục linh, Viễn chí ) nhưng bỏ Trần bì đi, hoặc dùng bài 'Thập toàn đại bổ thang' bỏ Xuyên khung và Sinh địa, thay bằng Thục địa".
H- Các lời bàn về mạch Trầm
- Chương 'Mạch thần' (Cảnh Nhạc toàn thư) ghi: "Mạch Trầm tuy thuộc lý nhưng phải xem có lực hay không để phân biệt hư, thực. Trầm mà Thực thường là trệ, là khí, vì vậy ấn tay xuống thấy mạch Trầm thì biết ngay là khí. Khí bị đình trệ thì nên chữa bằng cách công phạt, tiêu tán. Trầm mà Hư là do dương không đều, khí không thư thả, dương hư khí hãm, vì vậy phải ôn bổ. Khi bị ngoại cảm phải hàn tà, dương bị âm che lấp, thấy mạch Trầm Khẩn mà Sác, cơ thể nóng, đầu đau, đó chính là do thuộc biểu tà, vì thế, không thể thấy mạch Trầm mà nói ở lý được".
- Sách 'Thương hàn uẩn yếu' ghi: "Mạch Trầm ấn mạnh tay đến xương mới thấy là để xem các chứng lý hư hoặc thực. Như các mạch Trầm Vi, Trầm Tế, Trầm Trì, Trầm Phục mà không có lực là mạch không có thần, là âm thịnh mà dương suy, phải dùng ngay phương pháp sinh mạch hồi dương. Như các mạch Trầm Tật, Trầm Hoạt, Trầm Thực đều có lực là dấu hiệu thực nhiệt, có thần, là dương thịnh mà âm suy, nên dùng phép dưỡng âm mà thôi dương. Cách chung mạch Trầm là để quyết định âm dương, hàn nhiệt, làm thuốc sống chết chỉ trong đường tơ kẽ tóc, không thể không xem xét kỹ lưỡng".
- Sách 'Tứ chẩn chính pháp'ghi: "Mỗi khi cảm nhiễm phải tà ở biểu, kinh lạc ủng trệ ắt sẽ thấy mạch Trầm Khẩn hoặc Phục hoặc có khi ngưng lại nhưng chớ sợ là dương chứng mà thấy âm mạch. Chỉ cần cho dùng thuốc loại thanh phần biểu, mồ hôi ra là khỏi. Đây là điểm nghi nan của mạch Trầm, cần phân biệt cho rõ".
- Sách 'Y biện' ghi: "Mạch Phù hoặc Trầm có khi do bẩm phú: người mập thường thấy mạch Trầm, người gầy thường thấy mạch Phù. Có khi mạch thay đổi theo thời tiết: mùa xuân hạ khí thăng lên vì vậy thấy mạch Phù, mùa thu, đông khí giáng xuống vì vậy thấy mạch Trầm. Nếu do bệnh gây ra thì khi bệnh ở trên, ở biểu, ở phủ ắt thấy mạch Phù, nếu bệnh ở dưới, ở lý, ở tạng ắt thấy mạch Trầm".
Bài ca Mạch TRẦM (Âm ) (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng : Như nước chìm xuống là Trầm,
Mạch đi ở khoảng xương gân trơn mềm.
Xích trai thốn gái thử xem,
Bốn mùa như vậy rằng tên mạch bình.
Tương loại : Trầm thấy ở khoảng xương gân,
Phục thì tìm mãi thấy gần ở xương.
Nhược thì Trầm Tế phải tường,
Lao thì Thực, Đại, Huyền, Trường phải ghi.
Chủ bệnh : Mạch Trầm thuỷ đọng kinh âm,
Trì hàn, Sác nhiệt, Hoạt đàm chẳng sai.
Trầm vô lực hư khí đây,
Trầm mà hữu lực bệnh hay tích hàn.
Thốn Trầm ngực có thuỷ, đàm,
Quan Trầm ở Vị đau hoài không thông.
Xích Trầm tiết, lỵ, trọc, di,
Hạ nguyên đau mỏi ấy vì thận hư.
Bài ca mạch Trầm (Chẩn gia chính nhãn)
Mạch tượng: Mạch Trầm đi sát gân xương,
Như nước ném đá thường thường chìm đi.
Mạch Trầm có hiện tượng chi?
Cử thì không đủ án thì có dư.
Chủ bệnh: Mạch Trầm ấy thuộc về âm,
Chủ bệnh ở lý chẳng lầm mảy may.
Thốn Trầm đoản khí phải hay,
Ngực đau mà lại lói ngay xuống sườn.
Hoặc là đờm ẩm phải tường,
Hoặc thủy, hoặc huyết thường thường chẳng an.
Quan Trầm chủ chứng trúng hàn,
Lạnh đau gấp rút, thôn toan tức đầy.
Xích đau lưng, gối, eo này,
Trọc lâm ly tiết ngứa rày âm nang.
Kiêm mạch: Mạch Trầm vô lực lý hư,
Có lực lý thực từ xưa đã bàn.
Trầm trì cố lãnh trầm hàn,
Trầm sác nội nhiệt rõ ràng chẳng sai,
Trầm hoạt đờm ẩm phải hay,
Trầm sáp huyết kết chứng nay lạ gì.
Nếu mà Trầm nhược hư suy,
Trầm lao kiên tích lạ gì nữa đâu.
Lại còn Trầm khẩn lạnh đau,
Trầm hoãn hàn thấp phải sao cho rành.

I- CÁC Y ÁN VỀ MẠCH TRẦM
Y án Mạch TRẦM Khẩn
(Trích trong 'Cổ kim y án')
"Tôn Triệu chữa một người bị bệnh thương hàn (theo YHCT) đã 5-6 ngày, mồ hôi đổ ra ở đầu, từ cổ trở xuống không có mồ hôi, tay chân lạnh, dưới ngực đầy tức, đại tiện bón, mạch Trầm Khẩn. Có người cho đó là chứng âm kết. Tôn Triệu nói: "Đây là chứng mà Trương Trọng Cảnh nói là nửa ở biểu, nửa ở lý ( bán biểu bán lý), mạch tuy là Trầm Khẩn nhưng không thể cho là bệnh ở Thiếu âm được". Ông cho uống bài 'Tiểu sài hồ thang' ( Sài hồ, Nhân sâm, Bán hạ, Hoàng cầm, Chích thảo, Đại táo, Sinh khương ), bệnh khỏi.
Người bệnh này tay chân lạnh, mạch Trầm Khẩn, giống như chứng Thiếu âm, tuy nhiên, bệnh ở Thiếu âm thường đại tiện lỏng chứ không cứng. Ngoài ra, đầu là nơi hội của ba kinh dương, nếu là 3 kinh âm, chỉ lên đến ngực rồi đi xuống ngay. Trường hợp này thấy đổ mồ hôi ở đầu, giống như chứng dương hư, vì vậy cho rằng: đổ mồ hôi là dương yếu, nhưng chứng Thiếu âm trán đổ mồ hôi lạnh là chứng thâm độc, vì vậy nói rằng âm bệnh không nên đổ mồ hôi. Nay mồ hôi ra ở đầu thì biết là không phải bệnh của Thiếu âm. Dùng bài 'Tiểu sài hồ thang', nếu không khỏi cũng sẽ đi tiêu chảy mà bệnh sẽ giải. Tuy Trương Trọng Cảnh không lập ra phương, nhưng biết rằng đây là chứng 'Đại sài hồ thang' vậy. Đây cũng là một loại bệnh dương chứng giống âm".
Y án Mạch TRẦM Đại
(Trích trong 'Cổ kim y án')
"Thân Nho chữa cho một người tự ra mồ hôi, chân lạnh không đi được, mạch xích Trầm mà Đại. Đây là do Tỳ khí bị hãm xuống mà ra. Phế không được nuôi dưỡng vì vậy ra mồ hôi. Chân là nơi 2 đường kinh Tỳ, Thận đi qua, Tỳ dương không được thư thả thì Thận khí cũng uất kết, vì vậy 2 chân lạnh. Điều trị bằng cách dùng phương pháp khải Tỳ, dưỡng Phế làm chính (gốc), ôn Thận làm phụ (ngọn). Cho dùng Nhân sâm, Hoàng kỳ, Hoài sơn để bổ Tỳ âm, cố biểu mà phù ( giúp) Phế, thêm Quế để ôn Thận. Bệnh khỏi".
MẠCH TRẦM VÀ CÁC MẠCH KHÁC
- Theo sách 'Lục mạch cương lĩnh' thì :
Mạch Trầm
Mạch biến
Trầm mà hữu lực, đè tay sát xương mới thấy.Mạch Phục
Trầm mà hữu lực, ở giữa khoảng Trầm và Phù.Mạch Lao
Trầm mà rất vô lực, tìm kỹ mới thấy được.Mạch Nhược
- Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' xếp các loại mạch Phục, Nhược, Lao, Huyền vào Loại mạch Trầm theo bảng sau:
Mạch gốc
Đặc điểm
Tên mạch cùng gốc
Hình thái tượng mạch
Hội chứng tương ứng
Loại
Mạch
TRẦM
Ấn
nặng
tay
mới
thấy

TRẦM

Đặt nhẹ tay không thấy mạch, ấn nặng tay mới thấy.
Lý, uất chứng, thủy thủng.
PHỤC
Ấn nặng tay đến gân xương mới thấy.
Tà khí bế tụ, quyết nghịch, đau nhiều, dương suy.
NHƯỢC
Nhỏ mềm mà chìm.
Khí huyết không đủ.
LAO
Ấn nặng tay thấy mạch Thực.
Chứng Thực ở trong, âm hàn, sán khí.
HUYỀN
Căng thẳng mà dài như ấn vào dây hàn.
Bệnh ở Can, Đởm, các chứng đau, đờm ẩm.

MẠCH TRÌ
( - Slow Pulse - Pouls Tent )
A- Đại cương
- Thiên 'Âm dương biệt luận' (Tố vấn 17) ghi: "Mạch Trì thuộc âm".
- Chương 'Bình mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Dinh (Vinh) khí hòa là Trì...".
B- Mạch tượng
- Chương 'Hình trạng chỉ hạ bí quyết' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Trì mỗi hơi thở đập 3 lần, đến rồi đi rất chậm".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Trì đi chậm, 1 hơi thở chỉ đến 3 lần".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Trì 1 hơi thở mạch đến chưa được 4 chí".
HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH TRÌ
- Sách 'Tam tài đồ hội' và sách 'Đồ chú Nan kinh mạch quyết' diễn tả mạch Trì:
- Sách 'Mạch chẩn' trình bày hình vẽ mạch Trì như sau :
- Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' diễn tả mạch Trì qua hình vẽ sau:
Sách 'Kết hợp YHCT Và YHHĐ trong lâm sàng' diễn tả :
Khoảng cách RR trung bình giữa 2 nhát bóp tim là: X = 1,33 giây, tương ứng với tần số mạch Trì trung bình là: X = 45 lần /phút.

C- Nguyên nhân phát sinh mạch Trì
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Hàn khí ngưng trệ, dương khí không vận hóa được, vì vậy thấy mạch Trì". "Tà tụ nhiệt kết làm cho sự lưu hành của huyết mạch bị trở ngại cũng thấy mạch Trì".
- Sách 'Trung y biện chứng luận trị giảng nghĩa' ghi: "Nơi người có mạch Trì, ở điện tâm đồ thấy có hiện tượng nhịp xoang chậm do cường phế vị gây ra, hoặc có hiện tượng bloc nhĩ thất hoặc hiện tượng nhịp nút".
D- Mạch Trì chủ bệnh
- Thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) ghi: "Phàm một người hơi thở ra mạch động 1 lần, 1 hơi thở vào mạch động 1 lần là thiếu khí".
- Thiên 'Tam bộ cửu hậu luận' (Tố vấn 20) ghi: "Mạch đi chậm (Trì) là mắc bệnh".
- Chương 'Biện mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Tượng mạch ở thốn khẩu... Trì là bệnh ở tạng".
- Chương 'Biện thái dương mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Đàn bà bị trúng phong 6-7 ngày thì phát sốt, sợ lạnh, đến lúc có kinh thì bớt nóng, cơ thể mát mà mạch lại Trì, ngực sườn đầy tức, giống như chứng kết hung, lại thêm nói cuồng, đó là nhiệt nhập huyết thất".
- Chương 'Biện quyết âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Kiết lỵ mà mạch Trầm Trì, sắc mặt nhạt, cơ thể hơi nóng, đi tiêu ra phân xanh... là vì ở dưới bị hư vậy".
- Chương 'Bình tam quan bệnh hậu tịnh trị nghi' (Mạch kinh) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Trì là thấy có hàn ở bên trên, tim đau, họng đau, nôn ra nước chua. Mạch bộ quan Trì là trong Vị có hàn. Mạch bộ xích Trì là hạ tiêu có hàn".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Trì là bệnh ở tạng, hoặc đờm nhiều, trưng kết. Bộ thốn Trì là thượng tiêu bị hàn, bộ quan Trì là trung tiêu bị hàn, bụng đau không chịu nổi, bộ xích Trì là Thận hư, thắt lưng đau, tiểu không tự chủ, dịch hoàn sưng đau".
- Theo 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh):
Tả Thốn TRÌ
Tiểu vặt, bồi hồi, nôn mửa.
Hữu Thốn TRÌ
Đờm, hơi thở ngắn, ăn khó tiêu.
Tả Quan TRÌ
Sán khí, tích tụ, hông sườn đau.
Hữu Quan TRÌ
Bụng sôi, tiêu chảy.
Xích TRÌ
Tiểu nhiều, lưng đau, mỏi gối, hoạt tinh, hay mơ, mồ hôi tự chảy ra nhiều.
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Trì phần nhiều thấy ở chứng âm hàn ở nội tạng".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Trì chủ chứng hàn".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Trì chủ bụng đầy, ho suyễn, tích hàn, đờm ẩm, dương hư, san tiết, trưng kết, tà nhiệt kết tụ. Trì mà có lực là nhiệt tà ủng kết ở kinh mạch".
Tả Thốn TRÌ
Tim đau.
Hữu Thốn TRÌ
Phế nuy.
Tả Quan TRÌ
Can uất, trưng kết.
Hữu Quan TRÌ
Vị hàn, nuốt chua.
Tả Xích TRÌ
Tiểu không tự chủ.
Hữu Xích TRÌ
Mệnh môn hỏa suy, san tiết.
E- Mạch Trì kiêm mạch bệnh
- Chương 'Huyết tý hư lao bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch Trầm, Tiểu, Trì gọi là thoát khí".
- Chương 'Tiêu khát bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Phù mà Trì... Trì tức là lao... lao thì dinh khí suy nhược".
- Chương 'Kinh quý bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Người bệnh ngực đầy, môi bệu, lưỡi xanh tím, miệng khô ráo, muốn ngậm nước súc miệng nhưng không muốn nuốt, không nóng lạnh, mạch hơi Đại mà Trì, bụng không đầy là có ứ huyết".
- Chương 'Sang ung bệnh mạch chứng tịnh trị'(Kim quỹ yếu lược) ghi: "Chứng trường ung thì bụng dưới sưng, có bỉ khối, ấn thì đau như đứng lâu, tiểu thường hay phát sốt, tự ra mồ hôi lại sợ lạnh, mạch Trì, Khẩn là đã thành mủ".
- Chương 'Bình tạp bệnh mạch' (Mạch kinh) ghi: "Trì mà Sáp là ở trong có trưng kết, Trì mà Hoãn là có hàn, Trầm mà Trì là trong bụng có lạnh".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi:
. Mạch Trì mà Phù là hàn ở phần biểu.
. Trì mà Trầm là hàn ở phần lý.
. Trì mà Sáp là huyết hư.
. Trì mà Hoạt là đờm.
. Trì mà Tế là chân dương suy.
. Trì mà Hoạt, Đại là phong đờm.
F- Mạch Trì và trị liệu
- Chương 'Biện Thái dương bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Thương hàn luận) ghi: "Mạch Phù Khẩn thì nên dùng phép hãn để giải đi. Nếu mạch ở bộ xích Trì thì không thể phát hãn, đó là do vinh khí không đủ, huyết thiếu vậy". "Sau khi phát hãn mà cơ thể đau, mạch Trầm Trì thì cho uống bài 'Tân gia thang' (Tế tân, Nhân sâm, Cam thảo, Đại táo) thêm Thược dược, Sinh khương mỗi thứ 40g". "Mắc bệnh đã 6-7 ngày mà mạch Trì, Phù, Nhược, sợ gió, sợ lạnh, tay chân ấm, đã dùng phép hạ 2 lần mà vẫn không ăn được, lại thêm dưới cạnh sườn đầy đau, mắt, mặt và cơ thể đều vàng, cổ gáy cứng đau, tiểu tiện khó thì cho uống bài 'Tiểu sài hồ thang' ( Sài hồ, Bán hạ, Hoàng cầm, Nhân sâm, Đại táo, Chích thảo, Sinh khương )".
- Chương 'Biện dương minh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Dương minh bệnh mạch Trì, không ăn no được, ăn no thì chóng mặt, tiểu tiện khó, thành ra chứng cốc đản, tuy dùng phép hạ để chữa nhưng bụng vẫn đầy, sở dĩ như vậy là mạch Trì vậy". "Dương minh bệnh mạch Trì tuy ra mồ hôi nhưng không sợ lạnh, cơ thể nặng nề, ngắn hơi, bụng đầy mà suyễn, nóng từng cơn, đó là ở ngoài đã muốn giải, có thể công vào phần lý". "Mạch Phù mà Trì, biểu nhiệt lý hàn, đi lỵ ra phân xanh thì dùng bài 'Tứ nghịch thang' (Phụ tử, Can khương, Chích thảo)". "Dương minh bệnh mạch Trì, ra mồ hôi nhiều, hơi sợ lạnh là phần biểu chưa giải có thể dùng phép phát hãn, cho uống bài 'Quế chi thang' ( Quế chi, Bạch thược, Chích thảo, Sinh khương, Đại táo)".
- Chương 'Biện quyết âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Bệnh Thương Hàn mạch Trì đã 6-7 ngày, không biết mà cho uống Hoàng cầm thang (Bạch thược, Hoàng cầm, Cam thảo, Đại táo) để triệt cái nóng, mạch Trì là hàn nay lại cho uống Hoàng cầm thang để trừ nhiệt, trong bụng ắt lạnh mà không ăn được, nếu ăn được thì gọi là trừ trung, sẽ chết".
- Chương 'Biện thiếu âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thiếu âm bệnh, ăn vào thì nôn ra, khó chịu, muốn nôn lại không nôn được, khi mới bị thì tay chân lạnh, mạch Huyền Trì, đó là trong ngực thực, không thể dùng phép hạ mà giải, phải dùng phép thổ".
- Chương 'Hung tý bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Chứng hung tý, thấy suyễn thở, ho khạc, ngực và lưng đau, ngắn hơi, mạch thốn khẩu Trầm, Trì, ở bộ quan thì Tiểu, Khẩn, Sác, cho uống bài 'Quát lâu giới bạch bạch tửu thang' (Quát lâu, Giới bạch, Bạch tửu)".
- Chương 'Bình tạp bệnh mạch' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Huyền mà Trì, nên dùng những vị thuốc ôn".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch bộ thốn Trì là hàn thấp ở thượng tiêu, dùng bài 'Quất bì hoàn' (Quất bì, Sinh khương), nếu không khỏi cho uống bài 'Truật phụ thang' ( Hậu phác, Phục linh, Can khương, Bạch truật, Bán hạ, Phụ tử, Chích thảo). Mạch tả quan Trì là bụng đau nhiều, cho uống bài 'Quế chi gia phụ tử thang' ( Quế chi, Bạch thược, Cam thảo, Can khương)... Mạch tả xích Trì là âm thịnh dương suy, cho uống bài 'Phụ tử lý trung thang' ( Nhân sâm, Bạch truật, Can khương, Chích thảo, Phụ tử)".
C- Mạch Trì qua các lời bàn
- Trình Ứng Mao cho rằng: "Mạch Trì có khi do nhiệt tà kết tụ, bụng đầy, Vị (dạ dày) bị kết thực làm ngăn trở kinh mạch gây ra, đó là điều cần nên biết. Nay nghiệm chứng trưng hà, giang mai, các chứng này ngăn lấp mạch máu làm cho có thể thấy mạch Trì, không thể nói cách chung cho mạch Trì là hàn cả".
- Sách 'Mạch học tập yếu' ghi: "Nay thấy các chứng trưng hà, huyền tích, làm cho kinh mạch ủng trệ mà thấy mạch Trì, là tạp bệnh, do đó, không thể cứ thấy mạch Trì mà nói là hàn được".
- Sách 'Hoàng hán y học' ghi: "Mạch Trì mà ra mồ hôi, có lúc cũng phải dùng bài Đại thừa khí thang là bài thuốc có tác dụng hạ mạnh, như vậy mạch Trì chưa hẳn là biểu hiện của âm chứng. Không những thế, tôi từng thực nghiệm thấy hiện nay có những người bệnh mạch Trì cách chung thuộc chứng dương, thực, đều thuộc chứng dùng thuốc hạ, (vì vậy) lời nói của ông Ngô Sơn Phù (cho rằng mạch Trì là hàn) không thể nào tin hết được".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Chương 'Mạch âm dương loại thần' ( Chẩn gia khu yếu) cho rằng mạch Trì là triệu chứng âm thắng mà dương suy thiếu, là hàn, là bất túc. Phù Trì là biểu có hàn!... Lời của Hoạt Bá Nhân trên đây cũng nói lên được chứng trạng của mạch Trì, nhưng chỉ nói đến âm hàn không thì chưa đủ vì mạch Trì cũng có khi là do tà nhiệt kết tụ, bụng đầy, Vị bị thực, trở ngại kinh mạch mà ra, không thể không biết".
- Sách 'KH YHCT Với YHHĐ trong lâm sàng' ghi: "Tương ứng với nhận định của YHCT qua bắt mạch chúng tôi thấy: khoảng cách RR trung bình giữa 2 nhát bóp tim của 6 người bệnh có mạch Trì: X = 1,33 giây, tương ứng với tần số mạch Trì trung bình là: X = 45 lần /phút. Kết quả đó nói lên mạch Trì là loại mạch y học dân tộc cổ truyền thuộc tần số chậm. Về các chứng thấy xuất hiện mạch Trì... hình ảnh đường cong mạch Trì với các thông số: Khoảng cách RR tính theo phần trăm/giây là 2,15. Với nhánh Anacrot lên chậm... cũng chính là hình ảnh kiêm mạch Trầm Trì".
- Sách 'Định Ninh tôi học mạch' ghi: "Mạch Trì chủ bệnh hàn. Bởi dương khí suy hư tức chân hỏa yếu kém, làm cho trong bụng hàn mà ngoài da cũng cảm thấy hàn (biểu và lý đều hàn)".
Bài ca Mạch TRÌ (Âm) (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng : Một tức 3 chí ấy Trì,
Khí huyết hư lạnh, dương thì kém âm.
Biểu thì Phù lý thì Trầm,
Cần nên bổ hoả dần dần âm tiêu.
Tương loại : Mạch đi 3 chí là Trì,
Mạch Hoãn thì Trì còn có chút nhanh.
Sáp là Trì Tế rõ ràng,
Phù mà Trì Đại ấy hình mạch Hư.
Chủ bệnh: Trì chủ tạng bệnh nhiều đờm,
Trưng hà trầm cố khốn nàn biết bao.
Trì hữu lực vì lạnh đau,
Trì mà vô lực khỏi đâu hư hàn.
Thốn Trì ở thượng tiêu hàn,
Quan Trì đau ran lạnh ở trung tiêu.
Xích Trì thận hư eo đau,
Chân nặng, sán thống, tiểu nhiều không ngăn.
Bài ca Mạch TRÌ (Chẩn gia chính nhãn)
Thể trạng: Mạch Trì vốn thuộc âm hàn,
Tượng là bất cập phải bàn cho hay.
Mạch đi chầm chậm khoan thai,
Một tức ba chí chẳng sai chút nào.
Chủ bệnh: Trì chủ tạng, bệnh thuộc hàn,
Thốn Trì tâm thống vì hàn thượng tiêu.
Quan Trì trung tiêu lạnh nhiều,
Đã trưng kết, lại có chiều co gân.
Xích hỏa suy, tiểu (tiện) khôn ngăn,
Hoặc là tức dái, lưng, chân đau nhừ.
Kiêm mạch: Mạch Trì không lực lý hàn,
Có lực tích lạnh rõ ràng chẳng sai.
Phù Trì thì lạnh phần ngoài (biểu),
Trầm Trì thì phải đoán ngay lý hàn.
Trì sáp huyết ít chẳng bàn,
Trì hoãn thì thuộc thấp hàn phải hay.
Còn như Trì hoạt trướng đầy,
Trì vi thì thực bệnh này chẳng an.
H- CÁC Y ÁN MẠCH TRÌ
Y án Mạch Trầm TRÌ
(Trích trong 'Nữ khoa y học thực nghiệm lục')
"Cô con gái họ Từ, mỗi lần thấy kinh thì bụng rất đau, kinh xuống ướt dầm dề, huyết trắng (đới hạ) ra liên miên, chóng mặt, uể oải, ngực tức, bụng đau, mạch Trầm Trì. Trầm là khí uất, Trì là hàn ngưng. Rêu lưỡi trắng nhờn. Trắng là Vị bị hàn, nhờn là Tỳ có thấp. Can khí uất ở trong hàn thấp lưu luyến huyết không thể theo khí để lưu thông, khí không thể theo huyết để đi xuống, vì vậy đến kỳ kinh thì huyết ra rỉ rả, không thông lợi. Khí uất thương Can là Can nghịch, Can dương đưa trọc đờm lên thì sinh ra chóng mặt, hoa mắt, nấc cục. Can khí và hàn thấp chận ở trong thì sinh ra tức ngực, bụng đầy. Hàn khí xâm nhập vào bụng thì sinh ra bụng đau. Thấp khí nhập vào mạch Nhâm thì sinh ra chứng đái hạ. Vậy muốn điều kinh, nên chủ về điều kinh giải uất. Muốn lý khí thì nên ôn trung hóa thấp hỗ trợ thêm.
Cho dùng: Ngô thù du, Thượng quan quế, Toàn Đương quy, Chế Bán hạ, Xích thược, Diên hồ sách, Xuân sa nhân, Quảng Trần bì, Tử thạch anh.
Ngày thứ 2 chẩn mạch lại, chứng ngực tức và bụng đầy đã bớt nhưng còn đau nhói chưa hết, là vì phần khí uất kết đã giải dần mà ứ huyết chưa thông. Vẫn dùng bài trên nhưng bỏ Sa Nhân, Trầm Hương, Trần bì, thêm Sung úy tử, Tử Đan sâm, Cao lương khương, Tất trừng già. Uống liên tục 2 thang, sau đó người bệnh cho biết đợt uống thuốc trước, chứng đau bụng khỏi hẳn, kỳ kinh cũng đều".
Y án Mạch TRÌ Hoãn Vô Lực
(Trích trong 'Thiên gia diệu phương')
"Sầm X, nam 28 tuổi... bệnh từ 14 ngày trước. Do lao động mệt nhọc lại bị mưa ướt, cơ thể đau nhức, ăn uống giải ngon nhưng không sốt, ho ói. Ngày hôm sau bệnh nặng thêm, nói năng lẫn lộn, phản ứng chậm, đi đứng không vững. Đến ngày thứ 3 thì ngậm miệng không nói, có lúc lẩm bẩm, có vẻ ngớ ngẩn, đi lại khó khăn, bước đi loạng choạng, chân tay lạnh, 2 tay không cầm được vật nặng, không nắm được, vận động lại không tự chủ được, cơ thể thẳng đơ không co được, đại tiểu tiện không tự chủ, phân nát. Đã điều trị ở bệnh viện khu vực và huyện nhưng không có kết quả mấy.
Khám thấy nhiệt độ cơ thể 37oC, mạch 53 lần/phút, huyết áp 120/80, thần chí hoảng hốt, động tác thiếu phối hợp, tinh thần mê muội, mất ngôn ngữ một phần, trí nhớ giảm sút, 2 đồng tử dãn rộng, phản xạ chậm với ánh sáng, đầu và ngũ quan không có gì khác thường, dưới da chưa thấy có các điểm xuất huyết, tim phổi chưa thấy gì khác thường, không sờ thấy gan lách, 2 đầu gối phản xạ nhạy, phản ứng Babinski bên chân trái dương tính, bên phải âm tính. Thử máu: chức năng gan và thận đều trong giới hạn bình thường. Xét nghiệm dịch não tủy cũng không có gì khác lạ rõ, điện não đồ thấy có bất thường rõ. Chẩn đoán lâm sàng là chứng viêm não do vi rút. Bắt mạch thấy Trì, Hoãn, vô lực, chất lưỡi nhạt, rêu đầy, rêu lưỡi trắng mỏng mà nhuận.
Kết hợp tham khảo mạch và chứng thì đây là trường hơp Tâm và Thận dương hư.
Điều trị: Bổ ích Tâm Thận, ôn dương hóa khí.
Cho dùng bài 'Thận khí hoàn '(Thang ) gia giảm ( Câu kỷ tử 16g, Dâm dương hoắc 16g, Ba kích thiên 10g, Quế chi 10g, Sơn dược 20g, Vân Phục linh 16g, Trạch tả 10g, Bạch thược 16g, Thục địa hoàng 16g, Sơn thù nhục 10g, Chích Cam thảo 6g ). Uống 3 thang đã có thể ngồi dậy hoạt động, nói được nhiều hơn, tay chân chuyển ấm, mạch khởi sắc. Uống 3 thang nữa, đại tiểu tiện đã có thể tự chủ. Tuy nhiên, sức định hướng vẫn còn kém, do nguyên nhân tại tim. Dùng bài thuốc trên thêm Thạch Xương bồ 10g, Chích Viễn chí 10g, uống liền 20 thang nữa, các chứng đều hết. Kiểm tra điện não đồ thấy bình thường, xuất viện. Nghỉ ngơi nửa tháng rồi đi làm việc như thường. Theo dõi hơn 3 năm, tình hình tốt đẹp, không có di chứng".

I- MẠCH TRÌ VÀ CÁC MẠCH KHÁC
(Theo sách 'Tân biên Trung y học khái yếu')
Mạch gốc
Đặc điểm
Tên mạch gốc
Hình thái mạch
Hội chứng tương ứng
Loại
mạch
TRÌ
(4 mạch)
Một
hơi
thở
của
thầy
thuốc
mạch
của
người
bệnh
đập
không
đủ
4
lần
TRÌ
Một hơi thở, mạch đếm không đủ 4 lần.
Chứng hàn.
HOÃN
Một hơi thở mạch đếm 4 lần.
Dáng mạch khoan thai.
Chứng thấp, Tỳ hư.

SÁP

Mạch đi rất rít, vướng như thông suốt, như dao cạo vào ống tre.
Tinh tổn, máu thiếu, khí huyết bị ứ trệ.
KẾT
Mạch đi chậm mà có lúc ngừng, ngừng lại không theo 1 số nhất định.
Phần âm vượng. khí bị ngưng kết lại.

MẠCH TRƯỜNG
( - Long Pulse - Pouls Long)
A- Đại cương
- Thiên 'Mạch yếu tinh vi luận' (Tố vấn 17) ghi: "Mạch là phủ của huyết, mạch Trường thì khí vượng".
- Sách 'Chẩn gia chính nhãn ' ghi: "Mạch Trường mà hòa hoãn, phù hợp với khí sinh trưởng của mùa xuân, vì vậy là tượng mạch của người khỏe mạnh".
B- Hình tượng mạch Trường
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Trường không lớn không nhỏ, xa xa tự nhiên như men theo đầu ngọn tre".
- Sách 'Chẩn gia chính nhãn' ghi: "Tượng mạch của mạch Trường giống như cành cây dài, mạch khí thẳng lên thẳng xuống, đầu đuôi tương ứng".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Trường đầu đuôi thẳng, đi lại vượt quá bộ vị".
HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH TRƯỜNG
- Sách 'Mạch chẩn' biểu diễn hình vẽ mạch Trường như sau:
C- Mạch Trường chủ bệnh
- Thiên 'Ngũ tạng sinh thành' (Tố vấn 10) ghi: "Mạch của Can đến thì Trường mà bật sang bên trái, bên phải, là có khí tích ở vị quản và 2 bên sườn, gọi là chứng Can Tý".
- Thiên 'Mạch yếu tinh vi luận' (Tố vấn 17) ghi: "Mạch Tâm bật lên tay thấy cứng mà Trường thì lưỡi sẽ cong lên không nói được. Mạch Phế bật lên tay thấy cứng mà Trường thì sẽ khạc ra máu. Mạch Can bật lên tay thấy cứng mà Trường, sắc mặt không tái xanh, sẽ đau như bị ngã vì có huyết tích ở 2 bên sườn, làm cho suyễn nghịch. Mạch của Vị bật lên tay, cứng mà Trường, sắc mặt đỏ, 2 đùi sẽ đau như gẫy. Mạch của Tỳ bật lên tay cứng mà Trường, sắc mặt đỏ, sắc mặt vàng sẽ bị chứng thiếu (hụt) hơi. Mạch của Thận bật lên tay cứng mà Trường, sắc mặt vàng đỏ, lưng sẽ bị đau như gẫy".
- Thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) ghi: "Mạch ở thốn khẩu đụng vào ngón tay mà Trường là cẳng chân bị đau".
- Chương 'Thương hàn lệ' (Thương hàn luận) ghi: "Mạch ở 2 bộ Xích và Thốn đều Trường là Dương minh bị bệnh".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Trường chủ các bệnh về hữu dư".
- Theo sách 'Chẩn gia chính nhãn':
Tả Thốn TRƯỜNG
Quân hỏa gây bệnh.
Hữu Thốn TRƯỜNG
Ngực đầy, khí nghịch.
Tả Quan TRƯỜNG
Thổ khí uất, bụng trướng.
Hữu Quan TRƯỜNG
Mộc khí thực.
Tả Xích TRƯỜNG
Bôn đồn xung lên ngực.
Hữu Xích TRƯỜNG
Tướng hỏa gây bệnh.
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Trường chủ về nhiệt cao ( kháng), Tam tiêu phiền nhiệt, dương độc uất kết bên trong, nhiệt kết ở Dương minh, động kinh, sán khí".
Tả Thốn TRƯỜNG
Tâm vượng.
Hữu Thốn TRƯỜNG
Ngực đầy, khí nghịch.
Tả Quan TRƯỜNG
Can khí thực.
Hữu Quan TRƯỜNG
Tỳ khí thực.
Tả Xích TRƯỜNG
Tướng hỏa bốc lên.
Hữu Xích TRƯỜNG
Bôn đồn, sán khí.
D- Mạch Trường kiêm mạch bệnh
- Chương 'Trì tật đoản trường tạp mạch' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Trường mà Huyền là bệnh ở Can".
- Chương 'Bình tạp bệnh mạch' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Phù, Hồng, Đại, Trường là chứng chóng mặt do phong (phong huyễn), điên tật".
- Chương 'Can bệnh chứng' (Mạch kinh) ghi: "Can bệnh thì sắc mặt xanh, tay chân co quắp, 2 bên sườn đầy tức hoặc thường bị chóng mặt, (nếu thấy) mạch Huyền Trường là dễ chữa".
- Chương 'Biện mạch hình cập biến hóa sở chủ bệnh chứng pháp' ( Mạch kinh) ghi: "Mạch Trường, nếu Kiêm Đại mà Sác là dương thịnh, nhiệt ở trong".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi:
. Mạch Phù Trường là ngoại cảm hoặc âm khí không đủ.
. Trường Hồng là tráng nhiệt, điên cuồng.
. Trường Cấp là bụng đau.
. Trường, Trầm, Tế là chứng tích.
. Trường Hoạt là đờm nhiệt.
. Trường Huyền là bệnh ở Can.
. Trường mà Vi Sáp là bệnh sắp khỏi.
E- Mạch Trường qua các lời bàn
- Sách 'Chẩn gia chính nhãn' ghi: "Mạch Trường mà hòa hoãn thì hợp với khí sinh trưởng của mùa xuân, vì vậy, đó là mạch tượng của người khỏe mạnh. Trường mà cứng đầy là biểu hiện của hỏa kháng, vì vậy đó là mạch bệnh vậy. Thuyết của người xưa cho rằng mạch khí đi quá bản vị thì gọi là mạch Trường. Tuy nhiên, nghiệm xét lâu ngày thì thấy không hẳn như vậy. Mạch đi lên quá bộ thốn là mạch Dật, mạch đi xuống quá bộ thốn thì thuộc bộ quan, mạch đi lên quá bộ quan thì thuộc về bộ thốn, mạch đi xuống quá bộ quan thì thuộc về bộ xích, đi lên quá bộ xích thì thuộc về bộ quan, mạch đi xuống quá bộ xích thì thuộc mạch Phục. Xét các lời trên đây thì thấy rằng, nếu nói mạch Trường là đi quá bản vị thì không có lý cũng không hợp nghĩa. Chỉ có thể nói tượng mạch của Trường thì giống như cành cây dài, mạch khí thẳng lên thẳng xuống, đầu đuôi tương ứng, không giống như các mạch khác thì trên dưới đều so le, đầu đuôi không đều. Phàm các mạch Thực, Lao, Huyền, Khẩn đều có kiêm mạch Trường. Vì vậy người xưa nói rằng: "Mạch Trường chủ về các bệnh hữu dư" không phải là lời nói không có căn cứ vậy".
- Chương 'Sư truyền tam thập nhị tắc' (Chẩn tông tam muội) ghi: "Sách ' Thương hàn luận' có viết 'Mạch ở bộ xích và thốn đều thấy Trường là Dương minh bị bệnh", sách Nội kinh lại ghi: "Mạch Trường là khí vượng". Vị là bể của thủy cốc, đường kinh của nó nhiều khí nhiều huyết, vì vậy mạch Trường là mạch bình thường của Vị, nhưng Trường mà phải hòa hoãn thì mới là mạch không bệnh. Nếu Trường mà Phù thịnh là tà thịnh ở đường kinh. Cũng có khi bệnh tà sắp lui lại thấy mạch Trường. Trương Trọng Cảnh có nói rằng: "Thái âm trúng phong, tay chân đau nhức, mạch ở bộ thốn Vi, bộ xích Sác mà Trường là sắp khỏi". Vì phong vốn là dương tà, nhân thổ hư, mộc xâm phạm vì thế mà hãm vào kinh Thái âm, thấy mạch Trường giữa Vi và Sáp, nóng đau phát ra ở gốc của các kinh dương, đúng là triệu chứng sắp khỏi, chắc chắn không phải là triệu chứng bệnh nặng thêm. Cũng có khi âm khí không đủ mà mạch lại vượng lên như sách Nội kinh có ghi: "Mạch ở thốn khẩu đụng vào ngón tay mà Trường là cẳng chân đau". Vì thế, Tần Việt Nhân nói: "Mạch khí đi hướng lên Ngư tế là mạch Dật, đi hướng xuống Xích trạch là mạch Phục và bộ trên có mạch bộ dưới không có mạch là chứng quan cách, nôn ngược, đó là đồng mạch mà dị (khác) chứng, không thể bàn như mạch ở 2 bộ xích thốn đều Trường được".
- Chương 'Tâm, Tiểu trường bộ' (Mạch kinh) ghi: "Mùa hạ, Tâm hỏa vượng... lại thấy mạch Huyền, Tế mà Trường là Can bệnh làm hại đến Tâm, mẹ (mẫu) bệnh truyền sang con (tử), là hư tà tuy bệnh nhưng dễ chữa".
- Sách 'Y thuật' ghi: "Mạch Trường cùng 1 loại với mạch Huyền nhưng vượng hơn Huyền. Mạch Huyền đới Cấp, mạch Trường đới Hoãn".
Bài ca MẠCH TRƯỜNG (Dương) (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng: Dài hơn bản vị là Trường,
Tương loại Huyền thì có vẻ khẩn trương hơn là...
Trường với Huyền khác nhau xa,
Tự suy dùng dược mới là lương công.
Trường thì vằng vặc đều thay,
Trái thường là bệnh tựa rày kéo dây.
Dương độc, điên giản chứng này,
Hoặc dương minh nhiệt thế ngày càng tăng.
Bài ca Mạch TRƯỜNG (Chẩn gia chính nhãn)
Mạch tuợng: Mạch Trường dằng dặc dài thay,
Có dầu có cuối đủ dầy hai bên.
Hoặc đi xuống hoặc đi lên,
Hình như tay đụng theo trên sào dài.
Chủ bệnh: Mạch Trường chủ bệnh hữu dư,
Khí nghịch hỏa thịnh từ xưa đã bàn.
Tả thốn quân hỏa thịnh cang,
Hữu thốn mạch Trường khí nghịch đầy lên.
Tả quan mộc thực chẳng yên.
Hữu quan thổ uất gây nên tức đầy.
Tả xích bôn đồn xung đây,
Hữu xích tướng hỏa dương nay thịnh hành.

MẠCH VI
( - Minute (Feeble) Pulse - Pouls Petite).
A- Đại cương
- Vi là nhỏ, mạch đi chập chờn như có như không.
- Thuộc loại mạch âm, thuộc về Bát Lý Mạch.
B- Hình tượng mạch Vi
- Chương 'Biện mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Mạch khí chập chờn như mỡ nổi trên canh".
- Chương 'Mạch hình trạng chỉ hạ bí quyết' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Vi là cực Tế mà Nhuyễn hoặc muốn tuyệt, như có như không".
- Sách 'Chẩn gia chính nhãn' ghi: "Mạch khí thưa, nhỏ, như có như không".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch lờ mờ, rất nhỏ như có, như không, muốn tuyệt mà không phải tuyệt".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch khí không rõ, lờ mờ, lúc ẩn lúc hiện".
HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH VI
- Sách 'Mạch chẩn' biểu diễn hình vẽ mạch Vi:
C- Nguyên nhân phát sinh mạch Vi
- Chương 'Biện mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Mạch Vi... do dương khí suy".
- Sách 'Chẩn gia chính nhãn' ghi: "Mạch Vi... do khí và huyết đều hư".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Khí huyết hư suy thì sinh ra mạch Vi".
D- Mạch Vi chủ bệnh
- Chương 'Biện mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Các mạch Trầm, Sáp, Nhược, Huyền, Vi là các mạch âm... các bệnh dương thấy mạch âm thì chết. Mạch ở thốn khẩu Vi thì gọi là dương không đủ, âm khí xâm nhập vào phần dương nên sợ lạnh. Hỏi: Có người bệnh không run, không ra mồ hôi mà lại giải là tại sao? Đáp rằng: Mạch thấy Vi là đã từng được phát hãn, như thế, hạ hoặc vong huyết là bên trong không có tân dịch, âm dương tự điều hòa, tất bệnh tự khỏi, vì vậy không run, không ra mồ hôi mà giải vậy".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Vi là khí huyết suy vi, gây ra sợ lạnh, phát sốt, mồ hôi ra nhiều. Nam là hư lao, nữ thì băng huyết. Mạch bộ thốn Vi thì thở ngắn hoặc kinh sợ. Bộ quan Vi thì bụng đầy trướng, bộ xích Vi là tinh huyết khí thiếu, sợ lạnh, đau rên rỉ".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch Vi chủ có bại huyết chảy ra không ngớt, sắc mặt không tươi nhuận. Mạch bộ thốn Vi là khí xông ngược lên, bộ quan Vi là Tâm khí bị uất kết, mạch bộ xích Vi là dưới rốn có khí tích bôn đồn".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Vi thấy trong chứng vong dương, khí huyết quá suy".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Vi chủ dương khí suy, các chứng hư của âm dương, khí huyết ở tình trạng nghiêm trọng".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Vi chủ khí hư, mất máu, mồ hôi tự ra, kiết lỵ, họng đau, tay chân tê lạnh, co quắp.
Tả Thốn VI
Khí huyết đều suy.
Hữu Thốn VI
Thở gấp, đàm ngừng tụ.
Tả Quan VI
Ngực đầy tức, tay chân co quắp.
Hữu Quan VI
Vị hàn, ăn không tiêu.
Tả Xích VI
Đàn ông: thương tinh, đàn bà : băng lậu.
Hữu Xích VI
Tiêu chảy, đau dưới rốn.
- Sách 'Đông y lược khảo' ghi: "Tay trái: Bộ thốn Vi là huyết kém sinh ra chứng hồi hộp; Bộ quan Vi là ngực đầy, người mệt, chân tay lạnh; Bộ xích Vi, đàn ông thì di tinh, tiểu ra máu, đàn bà thì bị bạch đới, băng huyết. Tay phải: bộ thốn Vi là hàn khí kết bế ở thượng tiêu gây ra chứng khí kết, hàn đờm ngưng kết; Bộ quan Vi là Tỳ Vị bị hư hàn, ăn uống không tiêu, hay ợ, bụng đau luôn; Bộ xích Vi là hàn khí kết bế ở Thận và Tam tiêu gây ra tiêu chảy".
E- Mạch Vi kiêm mạch bệnh
- Sách 'Mạch kinh' ghi: "Ba bộ mạch Vi mà Phục, bệnh kéo dài, có thể chết".
- Chương 'Biện mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Hỏi: Thương hàn đã 3 ngày, mạch Phù, Sác mà Vi, cơ thể người bệnh lại mát là tại sao? Đáp: Đó là sắp giải và giải vào lúc nửa đêm. Mạch Phù thì ra mồ hôi nhanh mà giải, mạch Sác thì ăn được mà giải, mạch Vi thì mồ hôi ra nhiều mà giải".
- Chương 'Bình mạch pháp' (Thương hàn luận) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Vi mà Sáp. Vi là vệ khí không vận hành, Sáp là vinh khí không theo kịp".
- Chương 'Biện thái âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thái âm trúng phong, tay chân nhức mỏi, mạch ở bộ thốn Vi, bộ xích Sáp mà Trường là sắp khỏi".
- Chương 'Biện thiếu âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thiếu âm bệnh thì mạch Vi, Tế, chỉ muốn ngủ. Thiếu âm bệnh mạch Khẩn, đến 7-8 ngày sau thì đi lỵ, mạch Vi thậm, tay chân lại ấm, mạch không còn Khẩn nữa là bệnh sắp giải". Thiếu âm trúng phong, mạch bộ thốn Vi, mạch bộ xích Phù là bệnh sắp giải. Thiếu âm bệnh, mạch Vi, Tế, Trầm, chỉ muốn nằm, mồ hôi mà không ra mà không phiền táo, muốn nôn, đến 5-6 ngày lại muốn đi kỵ mà phiền táo không nằm được thì chết".
- Chương 'Biện quyết âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Quyết âm trúng phong, thấy mạch Vi, Phù là sắp giải, không Phù là chưa giải".
- Chương 'Biện hắc loạn bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thương hàn mà mạch Vi Sác là chứng hắc loạn".
- Chương 'Huyết tý hư lao bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Bệnh huyết tý... thấy mạch Vi Sáp ở thốn khẩu, và Tiểu Khẩn ở bộ quan".
- Chương 'Phế nuy phế ung bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Hỏi: Chứng ho ngược, xem mạch làm sao để biết nó là chứng phế ung? Thầy đáp rằng: mạch ở thốn Khẩu Vi mà Sác. Vi là do phong, Sác là do nhiệt. Vi thì ra mồ hôi, Sác thì sợ lạnh".
- Chương 'Hung tý tâm thống bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch phu dương Vi mà Huyền thì bụng đầy, Nếu trong bụng không đầy tức, táo bón, 2 bên sườn đau, đó là do hư hàn từ dưới lên. Hỏi: Người bệnh bị tích thực làm sao mà phân biệt?. Thầy đáp rằng: Mạch thốn khẩu Phù mà Đại, ấn tay thì Sáp, bộ xích thì Vi mà Sáp là biết có thức ăn tích lại không tiêu".
- Chương 'Thủy khí bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch phu dương mà Trì, Vi. Vi là khí, Trì là hàn".
- Chương 'Ẩu thổ uế bệnh mạch chứng tịnh trị' (Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch ở thốn khẩu Vi mà Sác. Vi là không có khí, không có khí thì mạch Vi Hư, Vi Hư thì huyết không đủ, huyết không đủ thì lạnh ở ngực".
- Chương 'Sang ung, trường ung bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Hỏi: Mạch ở thốn khẩu Phù, Vi mà Sáp thì phải ra mồ hôi, vong huyết. Nếu không ra mồ hôi là tại sao?. Đáp: đó là do vết thương dao búa... Mất máu nhiều nên không ra mồ hôi".
- Chương 'Phụ nhân sản hậu bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Sản phụ bị chóng mặt, choáng váng, mạch Vi Nhược, nôn mửa, không ăn được, đại tiện cứng, đầu ra mồ hôi. Sở dĩ như thế là do huyết bị hư".
- Chương 'Lục kinh thụ bệnh phát thương hàn nhiệt bệnh trúng' (Giáp ất ) ghi: "Nhiệt bệnh đã 7-8 ngày, mạch Vi Tiểu, tiểu ra máu, miệng khô thì 1 ngày rưỡi sau sẽ chết. Nếu thấy mạch Đại thì 1 ngày sau sẽ chết".
G- Mạch Vi và điều trị
- Chương 'Biện Thái dương mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thái dương bệnh đã 8-9 ngày, triệu chứng như sốt rét, phát sốt, sợ lạnh, nóng nhiều lạnh ít, không nôn mửa, đại tiện đã thấy điều hòa, trong ngày phát sốt, rét 2-3 lần, mạch Vi, Hoãn là sắp giải. Mạch Vi mà sợ lạnh là âm dương đều hư, vì vậy không thể lại dùng các phép phát hãn, thổ hạ. Thái dương bệnh, phát nóng sợ lạnh, nóng nhiều lạnh ít, mạch Vi, Nhược đó là vô dương, vì vậy, không thể dùng phép hãn được, cho uống bài 'Quế chi nhị việt tỳ nhất thang' ( Quế chi, Ma hoàng, Thược dược, Chích thảo, Thạch cao, Đại táo, Sinh khương ). Thái dương trúng phong, mạch Phù, Khẩn, phát sốt, sợ lạnh, cơ thể đau nhức, ra mồ hôi mà lại phiền táo thì cho uống bài 'Đại thanh long thang' ( Ma hoàng, Hạnh nhân, Thạch cao, Quế chi, Chích thảo, Sinh khương, Táo). Nếu thấy mạch Vi, Nhược, ra mồ hôi, mà sợ gió thì không thể uống, nếu uống thì tất sẽ sinh ra chứng quyết nghịch, gân cơ và thịt bị máy giật, đó là nghịch chứng. Mạch Phù Sác, ra mồ hôi mà lạnh, nếu lầm mà dùng phép hạ thì làm cho cơ thể nặng, hồi hộp. Không thể dùng phép phát hãn mà hãy chờ cho mồ hôi tự ra thì khỏi. Sở dĩ như vậy là vì mạch ở bộ xích Vi, đó là phần biểu bị hư, phải chờ cho phần biểu và lý đều thực, tân dịch đều hòa thì mồ hôi tự ra mà khỏi. Sau khi đã dùng phép hạ mà lại còn phát hãn, tất làm cho lạnh run, mạch Vi Tế, sở dĩ có như vậy là vì trong và ngoài đều bị hư. Sau khi đã dùng phép hạ mà lại còn phát hãn làm cho suốt ngày phiền táo, không ngủ được, đêm thì yên tĩnh, không ói, không khát, không có chứng biểu, mạch Trầm, Vi, cơ thể không nóng lắm, dùng bài 'Can khương phụ tử thang' mà chữa ( Can khương, Phụ tử). Thái dương bệnh chưa chữa, mạch ở xích và thốn đều Vi, trước thì run rẩy, sau ra mồ hôi mà giải, dùng bài 'Điều vị thừa khí thang' (Đại hoàng, Chích thảo, Mang tiêu). Thương hàn đã 13 ngày, nói xàm là có nhiệt, nên dùng phép hạ... Nếu tự hạ lỵ thì mạch phải Vi quyết, nay lại điều hòa là do nội thực, cho uống bài 'Điều vị thừa khí thang' (Đại hoàng,Chích thảo, Mang tiêu). Gặp mạch Vi Sác thì không được dùng phép cứu vì hỏa tà sẽ làm cho phiền nghịch. Thái dương bệnh đã 6-7 ngày mà chứng biểu vẫn còn mạch Vi mà Trầm, không bị kết hung, người bệnh như phát cuồng, nhiệt ở hạ tiêu, vì vậy bụng dưới đầy cứng, tiểu tiện tự lợi, đại tiện ra máu rồi tự khỏi. Sở dĩ như vậy là vì Thái dương đi theo kinh, ở huyết, ở lý mà ra. Cho uống bài 'Để đương thang' (Thủy điệt, Mang trùng, Đại hoàng, Đào nhân). Bệnh thương hàn sau khi dùng phép thổ, hạ, lại còn phát hãn, tất thấy hư phiền, mạch Vi thậm, 7-8 ngày sau thì vùng vị quản đầy tức, đau dưới 2 bên sườn, khí xung nghịch lên họng, hoa mắt, lâu ngày sẽ thành chứng nuy".
- Chương 'Biện thiếu âm bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thiếu âm bệnh đi lỵ mà mạch Vi, cho uống bài 'Bạch thông thang' ( Phụ tử, Thông bạch, Can khương). Thiếu âm bệnh, đi lỵ phân lỏng, trong lạnh ngoài nóng, tay chân lạnh, mạch Vi muốn tuyệt, cơ thể không sợ lạnh, sắc mặt đỏ, bụng đau, nôn oẹ khan, họng đau hoặc ngưng đi lỵ mà mạch lại không hiện ra, cho uống bài 'Thông mạch tứ nghịch thang' ( Chích thảo, Phụ tử, Can khương). Thiếu âm bệnh đi lỵ mà mạch Vi, Sáp, nôn mửa mà ra mồ hôi... nên dùng phép ôn cứu ở trên (huyệt Bá hội )".
- Chương 'Biện quyết âm bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thương hàn đã 6-7 ngày, mạch Vi, chân tay lạnh, phiền táo, nên cứu ở quyết tâm. Nếu đã dùng phép cứu mà vẫn còn bị quyết lãnh không hồi phục được thì chết".
- Chương 'Biện hoắc loạn bệnh mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận ) ghi: "Đã nôn mà còn đi lỵ, tiểu tiện lợi, ra mồ hôi nhiều, đại tiện phân lỏng, trong lạnh ngoài nóng, mạch Vi muốn tuyệt, cho uống bài 'Tứ nghịch thang' (Sài hồ, Chỉ thực, Chích thảo, Thược dược). Sợ lạnh, mạch Vi mà lại đi lỵ, lỵ ngưng mà lại bị vong huyết thì cho uống bài 'Tứ nghịch gia nhân sâm thang' (Chích thảo, Phụ tử, Can khương, Nhân sâm).
- Chương 'Huyết tý hư lao bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Chứng huyết tý, mạch âm dương đều Vi, bộ thốn và quan đều Vi, bộ xích thì Tiểu Khẩn, cơ thể mất cảm giác như chứng phong tý, cho uống bài 'Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang' ( Hoàng kỳ, Quế chi, Thược dược, Sinh khương, Táo). - Các chứng thất tinh... thấy mạch ở thốn khẩu Vi, Khẩn, đàn ông thì thất (mất) tinh, đàn bà thì mộng thấy giao hợp, cho uống bài 'Quế chi long cốt mẫu lệ thang' ( Quế chi, Thược dược, Cam thảo, Sinh khương, Táo, Long cốt, Mẫu lệ).
- Chương 'Hung tý tâm thống bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Mạch phu dương Vi mà Huyền thì bụng đầy, nếu bụng không đầy tức, đại tiện khó, 2 bên sườn đau, đó là do hư hàn từ dưới lên, cho uống thuốc ôn". "Mạch ở thốn khẩu Phù mà Đại, ấn tay thì Sáp, bộ xích thì Vi mà Sáp là biết có thức ăn tích lại không tiêu cho uống bài 'Đại thừa khí thang' ( Đại hoàng, Chỉ thực, Hậu phác, Mang tiêu)".
- Chương 'Đờm ẩm khái thấu bệnh mạch chứng tịnh trị' ( Kim quỹ yếu lược) ghi: "Đã hạ bằng bài Thanh long thang , miệng khô, hay khạc, mạch bộ thốn Trầm, bộ xích Vi, tay chân lạnh, khí xung từ bụng dưới lên ngực, tay chân tê, sắc mặt như say rượu, tiểu tiện khó, hay chóng mặt, cho uống bài 'Phục linh quế chi bạch truật cam thảo thang' ( Phục linh, Quế chi, Cam thảo, Bạch truật)".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch Vi... đó là Thận khí, Mệnh môn suy yếu... Đàn bà dùng bài 'Phục long can tán' ( Phục long can, Sinh địa, Xuyên khung, Quế tâm, Tế tân, Bạch chỉ, Can khương, Thược dược, Ngô thù du, Chích thảo )... Bổ hư tổn cho chứng này nên dùng bài 'Đương quy thược dược thang' ( Đương quy, Thược dược, Nhân sâm, Quế tâm, Sinh khương, Cam thảo, Táo, Can địa hoàng ). Có chỗ nói là không bằng dùng bài 'Bát vị địa hoàng hoàn' ( Thục địa, Sơn thù, Hoài sơn, Đơn bì, Trạch tả, Bạch linh, Nhục quế, Phụ tử ). Mạch bộ thốn Vi là khí xông ngược lên, cho uống bài 'Cách khí tán' ( Nhục đậu khấu nhân, Mộc hương, Can khương, Hậu phác, Thanh bì, Cam thảo, Tam lăng, Ích trí nhân, Nga truật, Nhục quế, Trần bì, Tân lang, Chỉ xác ). Mạch bộ quan Vi là Tâm khí bị uất kết, cho uống bài 'Quân khí tán' ( Đinh hương, Mộc hương, Đàn hương, Hoắc hương, Bạch đậu khấu nhân, Sa nhân, Cam thảo ) hoặc bài 'Phụ tử lý trung thang' ( Bạch truật, Nhân sâm, Can khương, Phụ tử, Cam thảo). Mạch bộ xích Vi là chứng bôn đồn, cho uống bài 'Nhất trí thang' ( Nhân sâm, Phục thần, Bạch truật, Cam thảo, Hoàng kỳ, Ích trí nhân, Viễn chí, Bá tử nhân, Trần bì, Mộc hương, Sinh khương, Táo ), hoặc dùng bài 'Bát vị địa hoàng hoàn' bội Quế và Phụ tử".
H- Mạch Vi qua các lời bàn
- Sách 'Chẩn gia chính nhãn' ghi: "Bệnh lâu ngày mà thấy mạch Vi thì thường không cứu chữa được, vì chính khí đã bị tuyệt. Mạch ở bộ thốn Vi thì sợ lạnh, bộ xích Vi thì phát sốt, nếu không đại bổ thì sẽ khó khỏi. Cao Dương Sinh nói: Mạch Vi thuộc âm... là băng lậu, đới hạ, xương tủy khô kiệt" cũng chưa nói đủ hết chủ bệnh của mạch Vi".
- Chương 'Mạch thần' (Cảnh Nhạc toàn thư) ghi: "Mạch Vi... là triệu chứng khí huyết đều hư, sợ lạnh, kinh sợ, khiếp nhược, trung tiêu bị hàn, đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy, hư hàn, ăn không tiêu, bụng và thắt lưng đau. Đây tuy là khí huyết đều hư nhưng nói đúng hơn là do nguyên dương hao tổn nên thấy các triệu chứng âm hàn".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Bệnh đã lâu ngày mà thấy mạch Vi là chính khí sắp tuyệt, mới bị bệnh mà thấy mạch Vi là thụ (cảm) tà chưa nặng, còn chữa được".
- So sánh giữa mạch Vi và mạch Tế, Đường Tôn Hải nhận xét như sau: Mạch Vi chủ khí hư hơn là huyết hư, mạch Tế chủ huyết hư hơn là khí hư, vì khí hư nên mạch nhẩy không có sức, còn huyết hư thì (tượng) mạch nhỏ".
Bài Ca Mạch VI (Âm) (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng: Mạch Vi nhè nhẹ nhỏ thay,
Hễ khi ta ấn nặng tay thấm gì.
Tương loại: Vi dương yếu, Tế âm suy,
Tế đem so với Vi thì rõ hơn.
Chủ bệnh: Mạch Vi khí huyết suy vi,
Sợ lạnh phát nóng mồ hôi dầm dề,
Trai thì lao cực, hư nuy,
Gái thì đới hạ hoặc là băng trung.
Thốn Vi thở gấp, tâm kinh,
Quan Vi đầy trướng bệnh tình khốn nguy.
Xích Vi tinh huyết đều suy,
Sợ lạnh, tiêu khát hoặc là đau rên.
Bài Ca Mạch VI (Chẩn gia chính nhãn)
Mạch tượng: Mạch Vi cực nhỏ lại mềm,
Ấy là tượng mạch phải nên ghi lòng.
Tựa như có tựa như không,
Tựa như hết dứt mà trong vẫn còn.
Chủ bệnh: Khi xem mà thấy mạch Vi,
Chủ bệnh khí huyết đã suy lắm rồi.
Thốn Vi phân biệt hẳn hòi,
Hữu thời khí xúc, tả thời tâm kinh.
Quan Vi cũng phải phân minh,
Hữu quan Vi lạnh, tả rành rét co.
Tả xích tủy kiệt tinh khô,
Hữu xích dương tuyệt đáng lo trăm phần.
I- CÁC Y ÁN MẠCH VI
Y án Mạch VI Mà Sác
(Trích trong 'Tục danh y loại án')
"Trương Phi Trù chữa cho con trai ông Ngô. Anh này sau ngày thành hôn bị thổ huyết ra nhiều đến mấy thăng, Ông bảo người nhà lấy 20g Nhân sâm sắc chung với Đồng tiện cho uống. Sáng hôm sau, có thầy thuốc bàn là nên dùng Sinh địa, Sơn chi, Ngưu tất, mà không nên dùng Nhân sâm. Trương Phi Trù liền nói: Sáu bộ mạch đều Hư, Vi mà Sác thì biết chắc là không có ứ huyết. Huyết thoát thì phải ích khí điều này đã được định rõ. Nói là không nên dùng Nhân sâm là không biết rằng "Huyết mà gặp hàn thì sẽ bị ngưng trệ". Nay thần hồn đã vô chủ, nếu xoay trở chắc sẽ bị hôn mê. Nếu không đại bổ bằng Nhân sâm thì lấy gì cố liễm được nguyên khí bị cho thoát? Liền dùng 40g Nhân sâm, sắc, chia làm 2 lần cho uống thì các chứng đỡ nhiều. Sau đó dùng thay đổi các bài 'Tứ quân tử thang', 'Bảo nguyên thang', 'Lục vị địa hoàng hoàn'. Rồi lại cho dùng bài 'Ô cốt kê hoàn' điều dưỡng rồi khỏi hẳn".
Y án 2 Bộ Xích Trầm VI
(Trích trong 'Tôn Văn Viên y án')
"Cô dâu trưởng của ông Nghiêm bị đau bụng, bụng có khối nhỏ và thấy rất lạnh. Mạch bộ thốn và quan cả 2 tay đều Hoạt Sác, 2 bộ xích thì Trầm Vi. Đây là do Tỳ khí suy nhược ăn uống không tiêu, lại đang lúc thời tiết ẩm thấp, chắc chắn không đi lỵ cũng bị tiêu chảy, phải đề phòng. Cho uống Bạch truật, Thương truật, Phục linh, Cam thảo, Mộc hương, Bán hạ, Trần bì, Trạch tả, Bạch khấu nhân. Đến tối quả nhiên đi tả 1 lần, sáng hôm sau đi 1 lần nữa. Bụng dưới đau không giảm mà lại lý cấp hậu trọng. Người bệnh vốn sẵn đã bị hư vì vậy phải bổ kèm thêm hoạt lợi. Cho uóng Bạch thược 12g, Quế tâm 4g, Cam thảo, Nhân sâm, Phục linh, Trạch tả, Trần bì, Bạch truật, mỗi vị 3,2g. Thăng ma, Cát căn mỗi vị 2,4g. Uống xong thì thấy mạch đều Nhuyễn Nhược, không còn Hoạt, khối u ở bụng cũng tiêu. Đổi cho uống Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Bạch thược mỗi thứ 8g, Chích Cam thảo, Trần bì, Cát căn, Sài hồ, Phục linh mỗi vị 4g. Điều dưỡng 1 thời gian, khỏi".

MẠCH XÚC
( - Hurried Pulse - Pouls Excite)
A- Đại cương
- Xúc, theo nguyên nghĩa là gấp rút, mau, nhanh.
- Sách 'Mạch học tập yếu' ghi: "... Mạch chí đi rất nhanh, cùng ở thốn khẩu, gọi là mạch Xúc".
- Chương 'Y gia quan miện' (Hải thượng y tôn tâm lĩnh) ghi: "Mạch Sác mà thỉnh thoảng ngừng 1 cái gọi là mạch Xúc".
B- Hình tượng mạch Xúc
- Chương 'Mạch hình trạng chỉ hạ bí quyết' (Mạch kinh) ghi: "Mạch Xúc đến rồi đi nhanh vội, có khi ngừng rồi lại tiếp tục".
- Sách 'Mạch học tập yếu' ghi: "Mạch Xúc... đập rất nhanh dưới ngón tay".
- Sách 'Mạch nguyên' ghi: "Xét về mạch Xúc, có lúc giống như ngừng, mạch đập gấp rút, nghĩa là nhanh vội, cấp bách, trong nhanh có thấy cả đập nho nhỏ".
- Sách 'Tứ chẩn chính pháp' ghi: "Mạch Xúc... đập gấp rút ở thốn khẩu ra đến ngư tế, có lúc giống như ngừng rồi mới đập lại".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch đến gấp rút, có lúc dừng lại".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch đi lại rất nhanh, thỉnh thoảng ngừng lại 1 cái, ngừng không có số nhất định".
HÌNH VẼ BIỂU DIỄN MẠCH XÚC
- Sách 'Mạch chẩn' biểu thị hình vẽ mạch Xúc như sau:
- Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' ghi hình biểu diễn mạch Xúc như sau:
- Sách 'KH YHCT Và YHHĐ trong lâm sàng' mô tả hình vẽ biểu diễn mạch Xúc như sau:
Thời gian tiền tống máu trong mạch Xúc chậm hơn bình thường, trung bình 0,149 giây +- 0,044 giây (bình thường 0,09 +- 0,01). Thời gian tống máu trong mạch Xúc nói chung có phần hơi nhanh hơn bình thường, trung bình 0,297 giây +- 0,020 (bình thường 0,31 +- 0,02 giây).
Tần số mạch Xúc nằm trong phạm vi từ 90 - 180 lần/phút tuy nhiên có rất nhiều trường hợp lên đến 120 - 130 lần/phút trở lên. Mạch có lúc bị gián đoạn có lúc giống như bị gián đoạn, nghĩa là mạch Xúc thuộc 1 loại mạch loạn nhịp... Có lúc giống như bị gián đoạn nghĩa là lúc đó mạch không hẳn là ngừng đập nhưng thầy thuốc có cảm giác như sóng mạch đập vô cùng yếu, gần như không bắt được mạch.
C- Nguyên nhân phát sinh mạch Xúc
- Sách 'Chẩn gia khu yếu' ghi: "Dương thịnh mà âm không hòa được, hoặc nộ khí nghịch lên... gây ra mạch Xúc".
- Sách 'Toàn sinh chỉ mê' ghi: "... Do vinh vệ bị rối loạn không còn độ số, âm khí thúc dương... gây ra mạch Xúc".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Dương thịnh mà âm không hòa vì vậy mà mạch đi rất nhanh và thỉnh thoảng lại ngừng (Xúc)".
- Sách 'Tứ chẩn quyết vi' ghi: "Mạch Xúc do lo lắng nghĩ ngợi, khí trệ uất kết, tích tụ gây ra, hoặc do nóng sốt quá mà không hạ xuống được... cũng gây ra mạch Xúc".
- Sách 'Tân biên Trung y học khái yếu' ghi: "Mạch Xúc gặp ở người bị bệnh tim, bị rung nhĩ hoặc ở người bệnh có nhịp tim nhanh kèm theo ngoại tâm thu".
- Theo sách 'Kết hợp YHCT và YHHĐ trong lâm sàng', nguyên nhân gây ra mạch Xúc có thể do:
¿ Dương khí thượng nghịch thành trên thịnh dưới hư.
¿ Ăn uống tích trệ (thức ăn gây kích thích), ngộ độc ăn uống... hoặc đờm ngưng trệ ở kinh dương, hoặc do tà khí ứ đọng làm trở ngại sự lưu thông của máu gây ra mạch Xúc.
D- Mạch Xúc chủ bệnh
- Chương 'Biện Thái dương mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thái dương bệnh thuộc chứng Quế chi mà thầy thuốc lại dùng phép hạ, gây ra đi lỵ không ngừng, mạch Xúc, là biểu chưa giải". "Thái dương bệnh, dùng phép hạ, thấy mạch Xúc mà không có chứng kết hung là bệnh sắp giải".
- Chương 'Biện quyết âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thương hàn mà mạch Xúc, tay chân quyết nghịch, nên dùng phép cứu ( bằng ngải nhung)".
- Sách 'Mạch kinh' ghi: "Mạch Xúc đập dồn dập trên thốn khẩu là đau ở vùng bả vai sau lưng".
- Sách 'Chẩn gia khu yếu' ghi: "Giận dữ làm cho khí xông ngược lên gây ra mạch Xúc, khí thô, người bệnh sinh ra nóng nảy, buồn bực, có khi trong người máu dồn lại phát cuồng".
- Sách 'Trung y học khái luận' ghi: "Mạch Xúc gặp ở chứng hỏa, phần khí bị trở ngại".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Xúc chủ dương thịnh nhiệt thực, huyết khí, đờm ẩm, thức ăn ngừng trệ, sưng đau".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Mạch Xúc chủ khí nghịch lên, suyễn thở, vai lưng đau, kết hung, di tinh, kiết lỵ, nhiệt cao, đờm ứ, thương thực, vong dương".
Tả Thốn XÚC
Nhiệt hỏa bốc lên cao.
Hữu Thốn XÚC
Khí nghịch, suyễn, phế khò khè.
Tả Quan XÚC
Huyết táo.
Hữu Quan XÚC
Thương thực.
Tả Xích XÚC
Di tinh.
Hữu Xích XÚC
Vong dương.
- Sách 'Kết hợp YHCT và YHHĐ trong lâm sàng' ghi: "Mạch Xúc dễ bắt gặp nhiều trong đa số trường hợp tim đập nhanh kèm thêm ngoại tâm thu bất thường hoặc có định kỳ, bệnh van 2 lá (hẹp, hở), cơ tim viêm, tim suy, những bệnh gây sốt cấp tính nhất là ở bệnh bạch hầu hoặc để biến chứng của bệnh thương hàn do trực khuẩn Eberth gây nên hoặc tuy ít gặp hơn trong chứng cường tuyến giáp trạng (Bazedow).
E- Mạch Xúc kiêm mạch bệnh
- Sách 'Mạch học xiển vi' viết: " Mạch Xúc mà Hồng, Thực thì nhiệt thịnh.mạch Xúc mà Hoạt Sác là Phế nhiệt, đờm thống. Mạch Xúc mà Trầm Sáp là huyết khí uất trệ. Mạch Xúc mà Tiểu là hư thoát".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi:
. Xúc mà Hồng, Thực, có lực là nhiệt, là tà trệ ở kinh lạc.
. Xúc mà Tiểu, vô lực là hư thoát.
F- Mạch Xúc và điều trị
- Chương 'Biện Thái dương mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thái dương bệnh, sau khi dùng phép hạ, thấy mạch Xúc, ngực đầy tức, cho uống bài 'Quế chi thang', bỏ Thược dược ( Quế chi, Cam thảo, Sinh khương, Đại táo). "Thái dương bệnh thuộc Quế chi chứng mà thầy thuốc lại dùng phép hạ, vì vậy gây ra đi lỵ không ngừng, mạch Xúc, là chứng ở biểu chưa giải, suyễn mà ra mồ hôi, cho uống bài 'Cát căn cầm liên thang' (Cát căn, Cam thảo, Hoàng cầm, Hoàng liên)".
- Chương 'Biện quyết âm mạch chứng tịnh trị' (Thương hàn luận) ghi: "Thương hàn mà mạch Xúc, tay chân quyết nghịch, nên dùng phép cứu ( Trần Tu Viên cho rằng cứu huyệt Thái xung).
G- Mạch Xúc qua các lời bàn
- Sách 'Toàn sinh chỉ mê' ghi: "Tượng mạch Xúc đi từ bộ xích lên thốn khẩu gấp vội, giống như chỉ đến mà không đi, đó là vinh vệ bị rối loạn không còn độ số (bình thường), âm khí thúc dương".
- Sách 'Chẩn gia khu yếu' ghi: "Cũng là khí, là huyết, là ăn, uống, đờm, trước hết nhiệt khí làm cho mạch Sác rồi sau đó 1 trong 5 nguyên nhân trên gây ủng trệ, gây ra mạch Xúc, vì vậy đó chẳng phải vốn là ác mạnh. Tuy nhiên nếu mạch càng thậm thì chết, giảm bớt là sống, do đó, cũng là loại mạch đáng sợ vậy".
- Sách 'Tần Hồ mạch học' ghi: "Mạch Xúc chủ bệnh về tướng hỏa, có 5 nguyên nhân (khí, huyết, ăn uống và đờm), cần phải xét kỹ là ho suyễn, đờm tích hoặc phát cuồng hay nhiệt độc".
- Sách 'Mạch học tập yếu' ghi: "Phương Long Đàm nói: Mạch Sác là nguồn gốc của mạch Xúc, trước tiên là Sác rồi tiến tới Xúc, đây là mạch Sác đến tột đỉnh vậy".
- Sách 'Mạch học giảng nghĩa' ghi: "Xúc nói trên đây là mạch khí gấp bội, cấp bách. Người đời sau dựa vào 'Biện mạch pháp' của Trương Trọng Cảnh và sách 'Mạch kinh' của Vương Thúc Hòa mà cho rằng Sác có ngưng nghỉ là mạch Xúc. Tuy nhiên xét từ nghĩa của chữ Xúc thì thấy hình dung ngắn, nhanh, vốn không có ý ngừng nghỉ. Chỉ khi bệnh do khí huyết ngưng trệ hoặc do đờm hoặc thức ăn ứ trệ thì mạch đi có khi gián đoạn, tuy rằng mạch khí qua lại cấp, Sác chợt thấy ngưng rồi lại tiếp thì vẫn chưa hợp với bệnh lý, khi lâm sàng, cần phải thận trọng xem xét".
Bài Ca Mạch XÚC (Âm) (Tần Hồ mạch học)
Thể trạng: Xúc đập mau có lúc ngừng,
Đó là dương cực muốn chừng âm vong.
Tam tiêu hỏa bốc bừng bừng,
Lui thì còn thể, tiến mong sống gì.
Tương loại: Xúc đi mau có lúc ngừng,
Đi chậm mà dừng mạch Kết chẳng sai.
Đợi thì ngừng, chẳng lại ngay,
Kết sinh, Đợi tử hai loài khác nhau.
Chủ bệnh: Xúc thường chỉ chữa hỏa thôi,
Năm nguyên nhân nữa phải ngồi mà suy.
Tích, đàm, ho suyễn thường khi,
Hoặc là ung độc cùng thì cuồng ban.
Bài Ca Mạch XÚC (Chẩn gia chính nhãn)
Mạch tượng: Mạch Xúc đi hơi vội vàng,
Đang đi thì bỗng lại ngừng lại ngay.
Như đi mà vấp ngã dây,
Hễ thấy mạch này tiên quyết tử vong.
Chủ bệnh: Mạch Xúc sở chủ bệnh gì ?
Hoặc vì vật trệ hoặc vì hỏa viêm.
Tả thốn tâm hỏa bốc lên,
Hữu thốn mạch Xúc ho hen suyễn đờm.
Huyết trệ, Xúc thấy tả quan,
Tỳ hư thực trệ hữu quan cho rành,
Tả xích Xúc hoạt di tinh,
Hữu xích thì thấy bệnh sinh nóng nhiều.
H- Các Y Án Mạch Xúc
Y án Mạch XÚC
(Trích trong 'Cổ kim y án')
"Có người vì ăn nhiều thịt ngựa sinh ra trướng bụng. Có thầy thuốc cho uống Ba đậu, Đại hoàng thì bệnh càng nặng hơn. Mời Hạng Nhan Chương đến xem mạch. Khám thấy mạch ở thốn khẩu Xúc mà 2 bộ xích lại muốn tuyệt. Hạng Nhan Chương liền nói: Vì ngực có tà nên mạch mới Xúc, phải dẫn cho điều đạt lên trên, ở đây dùng phép hạ là sai. Ông liền cho dùng phép thổ để mửa đồ ăn tích trệ ra rồi cho uống bài 'Thần khung hoàn' ( Đại hoàng, Hoàng cầm, Khiên ngưu, Hoạt thạch, Bạc hà, Hoàng liên, Xuyên khung ). Bệnh khỏi, ai nấy đều phục".
Y án Mạch Huyền Sác XÚC
(Trích trong 'Tục danh y loại án')
"Ngụy Ngọc Hoàng chữa một người đã 70 tuổi, vào mùa đông mà ra mồ hôi, đây là do thủy suy, Can hỏa thiêu đốt bên trong. Đang khi thời tiết bế tàng mà lại nóng âm ỉ trong người rồi ra mồ hôi. Có người chỉ cho lấy Hoàng kỳ chưng với Táo đen mà uống. Sau 4-5 ngày, quả nhiên hết ra mồ hôi nhưng lại phát ho. Có người cho là thương phong nên dùng các vị như Tiền hồ, Cát cánh, Hạnh nhân, Tô tử, Tần giao, Phòng phong. Có người cho là đờm hỏa nên dùng Nhị trần, Khương trấp, Trúc lịch. Có người cho là huyết hư nên dùng bài 'Tứ vật', 'Tri bá địa hoàng hoàn', nhưng đều không công hiệu, bệnh như vậy đã hơn nửa năm. Đến lúc đó, Ngụy Ngọc Hoàng đến xem mạch, thấy Huyền Sác mà Xúc. Triệu chứng thì đờm nhiều, ăn ít, 2 chân sưng phù. Cho uống Sinh địa, Mạch môn, Câu kỷ tử, Địa cốt bì, Sa sâm, Nữ trinh tử. Uống 4 thang không thấy thuyên giảm, liền cho thêm Thục địa, Qua lâu nhân. Uống hơn 20 thang thì khỏi".

PHÂN BIỆT MẠCH
Tuy các nhà mạch học đã cố gắng trình bày tương đối khá rõ về từng loại mạch, nhưng trên thực tế lâm sàng cho thấy, có nhiều mạch có nhiều điểm rất giống nhau, dễ gây lẫn lộn, vì vậy, có khá nhiều tài liệu bỏ công sức để cố gắng nêu lên những điểm phân biệt các loại mạch này. Chúng tôi dựa theo các tài liệu đó, sắp xếp lại như sau: Theo chương 'Thẩm tượng luận' sách 'Hồi Khê mạch học' thì có thể dùng 2 phương pháp SO SÁNH và ĐỐI LẬP để nêu lên những điểm giống và khác nhau giữa các mạch:
A- PHÉP SO SÁNH
Mạch ĐOẢN và Mạch ĐỘNG
. Đoản là mạch âm, không đầu, không đuôi, mạch đến trì trệ.
. Động là mạch dương, không đầu, không đuôi, mạch đến nhanh và trơn.
Mạch HỒNG và THỰC
Mạch Hồng tựa như nước lụt, to, tràn đầy đầu ngón tay, nặng tay hơi giảm.
Mạch Thực thì chắc nịch, ứng dưới tay có lực, nặng nhẹ tay đều vẫn thấy như vậy.
Mạch HUYỀN và TRƯỜNG
Huyền giống như dây cung, căng thẳng, cứng đều mà không dội vào tay.
Mạch Trường như cây sào, vượt qua cả vị trí gốc mà lại không dội vào tay.
Mạch NHU và NHƯỢC
Mạch Nhu nhỏ mềm mà Phù.
Mạch Nhược nhỏ mềm mà Trầm.
Mạch LAO và CÁCH
Mạch Lao có dạng Trầm Đại mà Huyền, chỉ ở đúng vị trí.
Mạch Cách có dạng Hư, Đại mà Phù, Huyền, trong hư ngoài cấp.
Mạch PHÙ với Mạch HƯ và KHÂU
Mạch Phù, nhẹ tay thì mạnh, nặng tay thì yếu.
Mạch Hư to mà vô lực, nhẹ hoặc nặng tay đều như nhau.
Mạch Khâu nhẹ hoặc nặng tay đều thấy rỗng ở giữa.
Mạch SÁC và KHẨN, HOẠT
Mạch Sác đi lại gấp rút, 1 hơi thở 6 chí.
Mạch Khẩn lan ra 2 bên ngón tay, giống như kéo dây thừng.
Mạch Hoạt đi lại lưu lợi, trơn tru như con tính chạy trên bàn.
Mạch TRẦM với PHỤC
Mạch Trầm đặt nhẹ tay hình như không thấy, ấn nặng mới thấy.
Mạch Phục ấn nặng tay cũng không thấy, đẩy tìm tới gân mới thấy.
Mạch TRÌ với HOÃN
Mạch Trì 1 hơi thở đi 3 chí, hình nhỏ mà yếu.
Mạch Hoãn 1 hơi thở đi 4 chí, hình to mà hòa hoãn.
Mạch VI với TẾ
Mạch Vi không bằng Tế, như có, như không, giống như sợi tơ nhện.
Mạch Tế hơi lớn hơn mạch Vi, ứng dưới tay rất nhỏ, như sợi chỉ mành.
Mạch XÚC với Mạch KẾT, ĐỢI, SẮC
Mạch Xúc gấp rút, trong Sác thỉnh thoảng lại ngừng.
Mạch Kết thì trong Trì thỉnh thoảng lại ngừng.
Mạch Đợi thì Động mà khi ngừng rồi thì khó trở lại, có số ngừng nghỉ nhất định, không phải ngẫu nhiên.
Mạch Sắc thì Trì, Đoản, sít trệ, mạch đến rít như muốn ngừng 3 hoặc 5 chí (trong 1 hơi thở), không đều.
B- PHÉP ĐỐI LẬP
Mạch HOẠT và Mạch SẮC
Theo sự thông hoặc trệ của mạch.
Mạch Hoạt là huyết nhiều, khí ít. Huyết nhiều cho nên mạch lưu lợi, trơn tròn.
Sắc là khí nhiều, huyết ít, vì vậy sít mà tán.
Mạch HỒNG và Mạch VI
Theo sự thịnh suy của mạch.
Mạch Hồng: huyết nhiệt mà thịnh, khí theo đó mà bùng lên tràn đầy ở đầu tay, sức mạnh vọt mạnh, vì vậy Hồng là thịnh.
Mạch Vi: khí hư mà hàn, huyết theo đó mà sít lại, ứng với mạch nhỏ, muốn đứt, vì vậy Vi là suy.
Mạch KẾT và Mạch XÚC
Theo âm hoặc dương của mạch.
Dương cực thì Xúc, mạch nhanh, gấp mà có lúc ngừng.
Âm cực thì Kết, mạch đi chậm mà có lúc ngừng.
Mạch KHẨN và HOÃN
Dựa theo sức chùng và căng của mạch.
Mạch Khẩn là hàn, làm tổn thương phần vinh, huyết, mạch lạc bị kích bác nhau. Nếu gặp khi phong thoát khỏi thủy vọt tràn thì lại như cắt dây, kéo thừng.
Hoãn là phong, làm tổn thương phần vệ, khí, vinh huyết không thông, mạch không đi nhanh được, giống như bước đi chậm rãi.
Mạch PHÙ và TRẦM
Dựa vào sự thăng giáng của mạch.
Phù, bắt chước trời là khinh thanh, mạch nổi ở trên.
Trầm, bắt chước đất là trọng trọc, mạch chìm ở dưới.
Mạch PHỤC và Mạch ĐỘNG
Dựa vào độ nông sâu của mạch.
Mạch Động: thấy ở bộ quan, hình như hạt đậu lăn dưới tay, khác với ở các bộ khác.
Mạch Phục ở sâu vào trong không thấy hình mà ở dưới gân, xương.
Mạch THỰC và Mạch HƯ
Dựa theo sự cương nhu của mạch.
Mạch Thực: đường mạch sung thực, ấn tay nhẹ hoặc nặng cũng đều hữu lực.
Mạch Hư: đường mạch đi yếu, không thấy có lực ở dưới tay.
Mạch TRÌ và SÁC
Dựa theo sự nhanh chậm của mạch.
Mạch Sác: nhịp mạch đi nhanh.
Mạch Trì: nhịp mạch đi chậm.
Mạch TRƯỜNG và ĐOẢN
Dựa theo sự dài ngắn của mạch.
Mạch Trường thấy ở bộ xích và thốn, có khi thông suốt cả 3 bộ.
Mạch Đoản chỉ thấy ở xích hoặc thốn.
Phải xem xét coi mạch có qua khoảng giữa (quan) hay không. Qua khoảng giữa là Trường, không qua khoảng giữa là Đoản.
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ QUA BA BỘ MẠCH
A- Mạch Thốn Khẩu
Tên mạch
Chứng trạng biểu hiện
Bài thuốc
thích ứng
Huyệt châm
PHÙTrúng phong, sốt, đau đầu.Quế chi cát căn thang.Phong trì, Phong phủ.
KHẨNĐau đầu, xương thịt đau.Ma hoàng thang.My xung.
VILạnh mà chảy máu mũi.Ngũ vị tử thang.
SÁCNôn mửa, nóng vùng thượng vị, ngực bứt rứt.
Thương hàn 7,8 đến 10 ngày, nhiệt ở trung tiêu, phiền nhiệt, đầy trướng, khát.
Trừ nhiệt thang.
Tri mẫu thang.
Trung quản.
HOÃNDa tê dại, phong hàn xâm nhập cơ nhục.Phòng phong thang.Phong trì, Phong phủ.
HOẠTDương thực, trong ngực đày trướng, nôn mửa.Tiền hồ thang.Châm tả Cự khuyết.
HUYỀNVùng dưới tim bứt rứt, hơi đau đầu, dưới tim có thuỷ khí.Cam toại viên.Châm tả Kỳ môn.
NHƯỢCDương khí hư, tự ra mồ hôi, hơi thở ngắn.Phục linh thang.Trung quản.
SÁPVị khí bất túc.Can địa hoàng thang.Bổ Túc tam lý.
KHỔNGNôn mửa, chảy máu mũi.Trúc bì thang, Hoàng thổ thang.Cứu Chiên trung.
PHỤCTrong ngực khí nghịch, nghẹn không thông, khí lạnh trong dạ dày bốc lên tim, ngực.Tiền hồ thangCự khuyết, Thượng quản.
Cứu Chiên trung.
TRẦMNgực đau lan ra hông sườn, trong ngực có thuỷ khí.Trạch tất thang.Châm tả Cự khuyết.
NHUDương khí yếu, tự ra mồ hôi, là dấu hiệu của hư tổn.Can địa hoàng thang.Bổ Thái xung.
TRÌThượng tiêu có hàn, tâm thống, họng đau, nôn ra nước chua.Phụ tử thang.
THỰCPhế Tỳ sinh nhiệt, nôn mửa khí lạnh, hư thì sinh hàn.Trúc diệp thang, Cát căn thang.
TẾSốt, nôn mửa.Hoàng cầm long đởm thang.Cứu Trung phủ.
HỒNG
ĐẠI
Ngực sườn đầy trướng.Sinh khương thang.Thượng quản, Kỳ môn, Chương môn.

B- Mạch Bộ QUAN
Tên mạch
Chứng trạng biểu hiện
Bài thuốc thích ứng
Huyệt châm
PHÙBụng đầy, không muốn ăn.Bình vị tán, Phục linh thang, Sinh khương tiền hồ thang.Châm Trung quản, trướctả sau bổ.
KHẨNVùng dưới tim đầy trướng, đau.Ngô thù đương quy thang, Đại hoàng thang.Cứu Cự khuyết,
Tả Hạ quản.
VITrong dạ dày lạnh, vùng dưới tim co thắt.Phụ tử thang, Sinh khương thang.Châm bổ Cự khuyết.
SÁCTrong dạ dày có nhiệt.Tri mẫu thang, Trừ nhiệt thang.Châm Cự khuyết,
tả Thượng quản.
HOÃNKhông muốn ăn, Vị khí không điều hoà, Tỳ khí bất túcBình vị tán, Bổ tỳ thang.Cứu bổ Chương môn.
HOẠTTrong dạ dày có nhiệt, khí đầy trướng, không muốn ăn, ăn vào là nôn.Tử uyển thang.Châm tả Trung quản.
HUYỀNTrong dạ dày có hàn, vùng dưới tim bị quyết nghịch, Vị khí hư yếu.Thù du thang.Cứu bổ Trung quản.
NHƯỢCVị khí hư, trong dạ dày có nhiệt.Trúc diệp thang.Châm bổ Trung quản.
SÁPHuyết khí nghịch lạnh, mạch Sáp là huyết hư, trung tiêu hơi có nhiệt.Can địa hoàng thang.Bổ Thái xung.
KHỔNGĐại tiện ra máu.Sinh địa hoàng và Sinh trúc bì thang.Cứu Cách du.
Ra máu nhiều: châm Quan nguyên.
TRẦMVùng dưới tim có khí lạnh, đầy trướng, nuốt chua.Bạch vi phục linh phiến, Phụ tử thang.Châm bổ Trung quản.
NHUNếu hư lạnh, Tỳ quá suy yếu.Xích thạch chi thang.Châm bổ Quan nguyên.
TRÌTrong dạ dày có hàn.Quế chi thang, Thù du thang.Châm bổ Trung quản.
THỰCDạ dày đau.Chi tử thang, Thù du ô đầu viên.Châm bổ Trung quản.
LAOKhí của Tỳ Vị bị bế tắc, nhiệt thịnh làm cho bụng đầy.Tử uyển viên, Tả tỳ viên.Châm cứu tả Trung quản.
TẾ HƯBụng đầy.Sinh khương thù du thục tiêu thang.Châm cứu Hạ quản, Trung quản, Thượng quản.
HỒNGTrong dạ dày có nhiệt, bứt rứt.Bình vị tán.Châm Trung quản (trước tả sau bổ.

B- Mạch Bộ XÍCH
Tên mạch
Chứng trạng biểu hiện
Bài thuốc
thích ứng
Huyệt châm
PHÙPhong nhiệt ở hạ tiêu, tiểu khóCù mạch thang, Hoạt thạch tán.Châm tả Hoành cốt, Quan nguyên.
KHẨNDưới rốn đau.Đương quy thang.Cứu Thiên xu, châm bổ Quan nguyên.
VIQuyết nghịch, bụng dưới co thắt, có hàn khí.Tiểu kiến trung thang.Châm Khí hải.
SÁCSợ gió, dưới bụng đau nóng, nước tiểu vàng.Kê tử thang, Bạch ngư tán.Châm tả Hoành cốt.
HOÃNChân yếu, chân sưng phù, tiểu khó, tiểu buốt.Hoạt thạch thang, Cù mạch tán.Châm tả Hoành cốt.
HOẠTHuyết khí thực, phụ nữ kinh mạch không thông, nam giới bị tiểu ra máu.Bổ tiêu tiễn, Đại hoàng thang.Châm tả Quan nguyên.
HUYỀNBụng dưới đau, tiểu và bắp chân bị co thắt.Kiến trung thang, Đương quy thang.Châm tả Khí hải.
NHƯỢCDương khí thiếu, sốt, nóng xương.Can địa hoàng thang, Phục linh thang.Châm bổ Quan nguyên.
SÁPỐng chân lạnh, tiểu đỏ.Phụ tử tứ nghịch thang.Châm bổ Thái xung.
KHỔNGHạ tiêu hư, tiểu ra máu.Trúc bì sinh địa thang.Châm bổ Khí hải, Quan nguyên.
PHỤCBụng dưới đau, sán khí, thức ăn không tiêu.Bình vị tán, Cát cánh hoàn.Châm bổ Quan nguyên.
TRẦMLưng đau.Thận khí hoàn.Châm bổ Kinh môn.
NHUTiểu khó.Cù mạch thang, Bạch ngư tán.Tả Quan nguyên.
TRÌHạ tiêu có hàn.Quế chi thang.Bổ Quan nguyên.
THỰCBụng dưới đau, tiểu không tự chủ.Đương quy thang thêm Đại hoàng 30g.Bổ Quan nguyên.
LAOBụng trướng, đau trong âm đạo.Đình lịch tử thù du thang.Châm Đan điền, Quan nguyên, Trung cực.

MẠCH LẠ (QUÁI MẠCH)
Ngoài các mạch chính đã trình bày ở trên, các nhà nghiên cứu về mạch còn nêu ra một số mạch gọi là 'Mạch lạ' (Quái mạch).
Từ đời nhà Nguyên (1277-1368), trong sách 'Thế y đắc hiệu phương' Ngụy Diệc Lâm đã nêu lên 10 loại mạch lạ gọi là 'Thập quái mạch' nhưng sau này, các nhà mạch học đã bỏ bớt 3 loại (Chuyển đậu, Ma xúc, Yển đao) đi, còn lại 7 loại mạch lạ ( Thất quái mạch) và hiện nay, đa số các sách đều chỉ nhắc đến 7 loại mạch lạ này mà thôi.
1- ĐÀN THẠCH 彈石
Sóng mạch đi như đập vào đá (thạch), chỉ thấy đập vài cái rồi thôi không thấy nữa.
Biểu hiện của mạch Phế bị tuyệt. Nếu thấy ở bộ xích bên trái (tả xích) là dấu hiệu Thận sắp bị tuyệt.
2- GIẢI SÁCH 解 索
Sóng mạch đi rối loạn, tản mác giống như mớ dây (giải) bị rối ( sách).
Biểu hiện của Ngũ tạng bị tuyệt. Nếu thấy ở bộ xích bên trái (tả xích) là dấu hiệu thổ khắc thủy.
3- HÀ DU 蝦 游
Sóng mạch đi không đều, lúc thì im lìm không động đậy, rồi thấy vụt mạnh 1 cái rồi lại ngừng lại, giống như con tôm () đang bơi ( du).
Biểu hiện của Tỳ Vị bị tuyệt.
4- NGƯ TƯỜNG (DƯỢC) 魚 翔
Sóng mạch đi như dáng con cá (ngư) đang bơi lội (tường - dược): phần trên (sát da) thấy rung động nhưng phía dưới lại yên.
Biểu hiện của Thận bị tuyệt.
5- ỐC LẬU 屋 漏
Sóng mạch chạy trơn tuột 1 cái, 1 lát sau lại thấy 1 cái, giống như nước từ trên mái nhà (ốc) bị dột (lậu), theo lỗ hổng chảy xuống.
Biểu hiện của Tâm, Phế, Tỳ và Vị bị tuyệt.
6- PHỦ PHÍ 滏 沸
Sóng mạch đi lúc nhúc như nước trong nồi (phủ) đang sôi (phí).
Biểu hiện của mạch chết.
7- TƯỚC TRÁC 雀 啄
Sóng mạch nhảy 3-5 cái liên tục, ngưng lại rồi đập tiếp 3-5 cái, như con chim sẻ (tước) đang mổ (trước) thức ăn.
Biểu hiện của Tâm, Phế, Tỳ và Vị bị tuyệt.

8- CHUYỂN ĐẬU 轉 豆
Mạch đến liên tục, như lăn (chuyển) trên hạt đậu (đậu).
Biểu hiện mạch của Tâm bị tuyệt.
9- MA XÚC 麻 促
Mạch chạy không thứ tự, bé nhỏ như hột mè (ma).
Biểu hiện của vệ khí bị khô, vinh huyết bị rít (sít) lại. Nếu nặng thì khoảng 1 ngày sẽ chết.
10- YỂN ĐAO 堰 刀
Sóng mạch đi, có cảm giác như sờ trên sống (yển) dao (đao). Mạch Phù mà nhỏ gấp, ấn vào thấy cứng, to mà đi gấp.
Biểu hiện mạch của Can bị tuyệt.
BÀI CA VỀ THẤT QUÁI MẠCH
(Chẩn gia chính nhãn)
Tước trác tựa chim sẻ mổ mồi,
Động 5,3 cái, động thôi lại ngừng.
Ốc lậu tựa nhà dột chăng?
Thỉnh thoảng mới thấy mạch từng động lên.
Đàn thạch nhu đá ném chìm,
Trầm Huyền ấn mạnh thì tìm thấy ngay.
Mạch đi bỗng thưa bỗng dầy,
Ấy là Giải sách thúc đây đó mà.
Ngư tường như cá lượn a,
Đầu thì yên tĩnh đuôi đà động luôn.
Hà du động tựa con tôm,
Đang khi im lặng bỗng chồm nẩy lên.
Phủ phí như nước xốc lên,
Không có tức số đều nên tỏ tường.
Yến đao mạch cũng khác thường.
Như dao ngửa lưỡi một đường cứng căng.
Chuyển đậu như hạt đậu lên,
Như sờ trên hạt dĩ nhân chớ lầm.
Ma phí mạch nhỏ vô luân,
Rõ ràng đã mất tinh thần hiện ra.
Mười bại mạch xưa kể qua,
Phải cần nhận rõ hoạ là cứu chăng?
BẨY DẠNG MẠCH CHẾT
Mạch Ốc lậu nửa giờ một nhiễu.
Mạch Ngư tường như có như không.
Mạch Hà du lẳng lặng bỗng vùng.
Mạch Tước trác như gà mổ thóc.
Mạch Đàn thạch đè bèn tan mất.
Mạch Phủ phí như dạng canh trào.
Mạch Giải sách mạch đi tán loạn.
Bảy mạch này tử tại nhãn tiền.
Nhóm mạch lạ (Quái mạch) này, có biểu hiện khác thường, hay gặp nơi những người bệnh có biểu hiện sắp chết, vì thế còn được gọi là Mạch chết (Tử mạch).
Các mạch trên đây (Thất quái hoặc Thập quái mạch), theo kinh nghiệm của người xưa đều là các mạch chết (tử mạch) tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của y học và khoa học kỹ thuật hiện đại, với những trang thiết bị cấp cứu tốt, phối hợp thêm sự kết hợp Đông - Tây y, nếu được tích cực cứu chữa đúng mức, có thể lướt được qua một số bệnh hiểm nghèo ( dù đã và đang gặp các loại mạch tử trên), vì vậy, không nên cho rằng gặp những loại mạch trên là chắc chắn phải chết rồi không tích cực lo cứu chữa cho người bệnh, dẫn đến diễn biến xấu.
MẠCH PHẢN QUAN
反 關 脈
Có người, không tìm thấy mạch ở bộ vị thốn khẩu như bình thường mà lại thấy mạch ở phần trên đỉnh của bờ sau xương quay (ngang huyệt Liệt khuyết) đi dọc xuống vùng lõm ở hố lào ( huyệt Dương khê), gọi là mạch PHẢN QUAN. Gặp loại mạch này, khi chẩn mạch, phải đặt bàn tay sấp xuống mới bắt được mạch. Loại mạch này có thể do bẩm sinh hoặc do bị chấn thương gây ra...

MẠCH VỚI KỲ KINH BÁT MẠCH

Theo sách 'Kỳ kinh bát mạch khảo' của Lý Thời Trân:
Mạch ở tay trái đi từ bộ xích hơi chếch lên bộ thốn và Trầm là mạch ÂM DUY bị bệnh.
Biểu hiện: đau trong tim ( mạch Âm duy đi vào phần âm, chủ về phần vinh, vinh là huyết, huyết thuộc về tâm, vì vậy đau trong tim ).
Mạch ở tay bên phải đi từ bộ xích hơi chếch lên bộ thốn và Phù là mạch DƯƠNG DUY bị bệnh.
Biểu hiện: thấy nóng, rét (lạnh), ( mạch Dương duy đi vào phần dương, chủ về phần vệ, vệ là khí, khí ở biểu vì vậy thấy nóng lạnh ).
Mạch ở bộ xích thấy lúc thì co vào, lúc duỗi ra và có vẻ Trầm Tế là mạch ÂM KIỀU bị bệnh.
Biểu hiện: dương khí không đủ mà âm khí vượng, thường hay buồn ngủ, phía ngoài bắp chân dễ chịu mà phía trong căng thẳng ( theo Nan thứ 29: dương hoãn mà âm cấp).
Mạch ở 2 bộ thốn thấy lúc thì co vào, lúc duỗi ra và có vẻ Khẩn Tế là mạch DƯƠNG KIỀU bị bệnh.
Biểu hiện: âm khí suy mà dương khí thịnh sinh ra không ngủ được, phía trong bắp chân thì dễ chịu nhưng bên ngoài thì lại căng thẳng ( Nan thứ 29 (Nan kinh): âm hoãn mà dương cấp).
Mạch ở 2 bộ quan thấy lúc thì co vào lúc duỗi ra mà có vẻ Hoạt Khẩn là mạch ĐỚI bị bệnh.
Biểu hiện: bụng đầy trướng, eo lưng đau tê, ớn lạnh như ngồi trong nước, phụ nữ thì bụng dưới đau, kinh nguyệt không đều, xích bạch đái.
6 bộ mạch ở 2 tay để nhẹ mà đều đi Huyền Trường là mạch ĐỐC bị bệnh.
Biểu hiện: Sống lưng cứng, không thể cúi ngửa được, uốn ván.
6 bộ mạch ở 2 tay đi Khẩn Tế mà Trường, ấn kỹ lại thấy đi như hạt châu chạy liên tiếp là mạch NHÂM bị bệnh.
Biểu hiện: đàn ông thì bị chứng sán khí, đàn bà thì bị xích bạch đái hoặc tích tụ ở bụng dưới (trưng hà).
6 bộ mạch ở 2 tay phải ấn thật mạnh mới thấy đi Huyền Trường là mạch XUNG bị bệnh.
Biểu hiện: khí từ bụng dưới xông lên, bụng trướng, đau.

MẠCH PHỤ NỮ
Để cho việc xem mạch của phụ nữ được dễ dàng khi tham khảo, nghiên cứu, các nhà mạch học, dựa vào sinh lý học của người nữ, chia ra từng thời kỳ: kinh nguyệt, có thai, sau khi sinh...
I- THỜI KỲ KINH NGUYỆT
a/ - Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Phụ nữ mạch ở 2 bộ quan và xích bên trái bỗng nhiên thấy mạch Hồng Đại hơn bên phải, miệng không đắng, cơ thể không sốt, bụng không trướng là sắp sửa hành kinh, mạch ở 2 bộ thốn và quan đều hòa mà mạch ở bộ xích không đến, phần nhiều là kinh nguyệt không thông".
- Sách 'Định Ninh tôi học mạch' ghi: "Mạch bộ thốn và quan bình thường mà mạch bộ xích tuyệt hoặc không tuyệt mà Nhược, Tiểu thì kinh nguyệt không thông. Mạch 3 bộ Trầm Hoãn là hạ bộ hư nhược thì hẳn là kinh nguyệt tháng đó quá nhiều. Mạch Hư Vi mà không có mồ hôi thì 2 tháng mới hành kinh 1 lần. Mạch cả 3 bộ đều Phù hoặc Trầm mà trong khi Phù hoặc Trầm đó đôi khi lại ngừng hoặc mạch bộ thốn và quan Vi Sáp, mạch bộ xích Vi Trì đó là mạch 3 tháng mới hành kinh 1 lần. Mạch 3 bộ thấy Hư Vi thì kinh nguyệt không thông".
b/ KINH BẾ
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' ghi: "Mạch ở bộ xích mà Vi, Sắc là chứng bế kinh do hư (hư bế), mạch ở bộ xích mà Hoạt là chứng bế kinh do thực (thực bế)".
- Sách 'Định Ninh tôi học mạch' ghi: "Tam tiêu và Đởm thấy mạch Trầm, Tâm và Thận thấy mạch Tế là kinh nguyệt không thông, huyết ngưng lại làm cho kinh không vận hành".
- Sách 'Giản minh trung y phụ khoa học' còn phân rõ: Kinh bị bế do:
Huyết khô : mạch Hư Tế.
Huyết ư : mạch Trầm Kết mà Sắc.
Hàn ngưng : mạch Trầm Trì hoặc Khẩn.
Nhiệt : mạch Huyền Tế Sác.
Nhiệt uất : mạch Hư Tế Sác hoặc Hư Huyền.
Đờm ngăn : mạch Huyền Hoạt.
Khí uất : mạch Huyền Sác.
Tỳ Hư : mạch Hư Trì.
II- MẠCH THAI
- Thiên 'Bình nhân khí tượng luận' (Tố vấn 18) ghi: "Thủ Thiếu âm ( tả thốn) mạch động nhiều là có thai".
- Thiên 'Âm dương biện luận' (Tố vấn 7) ghi: "Âm mạch hiện dưới tay mạnh hơn dương mạch là có thai".
- Thiên 'Phúc trung luận' (Tố vấn 40) ghi: "Người có bệnh mà không có tà mạch" là dấu hiệu có thai.
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' giải thích các đoạn văn của sách 'Nội kinh Tố Vấn' như sau: "Các kinh văn nêu trên đã nói lên điểm chủ yếu về mạch có thai. "Người (cơ thể) có bệnh mà không có tà mạch" tức là nói cơ thể tuy có chứng trạng phản ánh mà mạch ở 3 bộ Trầm, Đại, Tiểu đều bình thường, không có hiện tượng Huyền, Khâu, Sác, là dấu hiệu có thai. "Thủ Thiếu âm mạch động nhiều" là nói khi kinh nguyệt mới ngừng, thấy ở bộ thốn bên trái mạch Hoạt Động, đó là huyết muốn tụ lại để dưỡng thai. Vì Tâm chủ huyết, mà thông trăm mạch cho nên mạch Động cũng thấy ở bộ thốn bên trái. "Âm bác dương biệt" là nói mạch bộ xích thuộc âm, do Thận làm chủ vì bào thai thuộc Thận, thai khí kích động, cho nên mạch ở 2 bộ xích thấy mạch Hoạt và Sác dưới tay khác với dương mạch ở bộ thốn, tức là có thai".
- Sách 'Cảnh Nhạc toàn thư' ghi: "Phàm đàn bà có thai, huyết khí lưu tụ, trong tử cung dầy đặc, cho nên mạch tất nhiên thấy Hoạt Sác bội thường, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng những người đã đứng tuổi và những người khí huyết hư nhược mà thụ thai thì cũng có khi thấy mạch Tế, Tiểu mà không hề thấy Sác. Nhưng trong chỗ Vi, Nhược, Tế, Tiểu đã hẳn phải có thấp thoáng hình tượng mạch Hoạt Sác... như vậy tức là có thai, phải nên phân biệt cho rõ. Lại như có thai mà mạch Sác, bệnh lao tổn cũng thấy mạch Sác, rất có thể giống nhau, nhưng mạch Sác của chứng lao tổn thường kiêm Huyền Sắc, còn mạch Sác của người có thai thường kiêm hòa hoãn. Xem mạch này phải phân biệt cái khác nhau đó : 1 đằng là tà khí thì có kèm Huyền Sắc, 1 đằng là vị khí thì kèm hòa hoãn. Lại xét kỹ chứng trạng nữa sẽ thấy rõ ngay".
- Sách 'Định Ninh tôi học mạch' ghi: "Xem mạch phụ nữ khi mới có thai: mạch bộ thốn Vi, Tiểu mà ngũ chí, còn 2 bộ quan và xích, phù ấn hay trầm ấn đều bình (ngang bằng nhau) mà ấn mạnh tay xuống mạch vẫn còn đi, không tuyệt (mất mạch). Mạch ấy, nếu đã tắt kinh mà không có bệnh gì khác ngoài trạng thái thai nghén thì hẳn là có thai".
Như vậy mạch bộ thốn Vi Tiểu: khí suy, bộ quan bộ xích mạch bình bình không tuyệt, huyết vượng. Khí suy, huyết vượng là dấu hiệu có thai.
Tuy sách dạy xem mạch mới biết có thai mô tả rõ ràng như vậy nhưng khi thực hành mới biết rằng xem mạch khi thai khoảng 1 - 2 tháng rất khó mà xác định cho đúng được".
- Mạch thai 3 tháng, chú trọng vào 2 bộ mạch : bộ thốn bên trái (Tâm) và bộ xích trái (Thận) vì Tâm chủ huyết còn Thận chủ bào thai.
Cả hai bộ mạch này đều mạnh đó là hiện tượng âm mạch mà có dương mạch, như thiên 'Âm dương biệt luận' (Tố vấn 7) đã ghi: "Âm mạch hiện dưới tay mạnh hơn dương mạch là có thai. Âm mạch mà có dương mạch tức là huyết vượng mà khí suy là hiện tượng có thai".
- Thai được 4 tháng mạch phần nhiều thấy Hoạt, Tật, Đại và Thực.
- Thai 5 tháng: ấn nặng tay xem mạch thấy vẫn đi mau mà không Tán ( tật nhi bất tán).
- Thai 6 - 7 tháng: mạch thấy Thực, Huyền, Khẩn là tốt. Ngược lại, thấy mạch Trầm Tế Sáp thì coi chừng bị hư thai.
- Thai 7 - 8 tháng: mạch Thực, Đại, Huyền, Trường là tốt. Mạch Trầm Tế thì xấu.
- Sách 'Giản minh trung y phụ khoa học' nêu ra:
+ Mạch có thai:
Mạch bộ xích vượng mà Hoạt.
Mạch ở bộ thốn bên trái động nhiều.
Mạch đi liền không đứt hoặc bộ xích đi Sác.
Mạch bộ Tâm (tả thốn) vượng, mạch Mệnh môn (hữu xích) cường và hoạt lợi.
Mạch ở 2 bên huyệt Thái dương (trán) và Nhân nghinh (cổ) nhanh, mạnh.
+ Mạch thai mấy tháng:
Mạch ở bộ quan:
. Động 1 cái, ngừng 1 cái: thai 1 tháng.
. Động 2 cái, ngừng 2 cái: thai 2 tháng.
. Động 2 cái, ngừng 3 cái: thai 3 tháng.
Căn cứ theo sự động và ngưng của bộ quan mà tính sẽ biết thai mấy tháng...
Tuy nhiên, nên căn cứ phối hợp thêm với các chứng trạng khác để quyết đoán cho khỏi lầm.
MẠCH THAI NAM HOẶC NỮ
- Sách 'Cảnh Nhạc toàn thư' dựa theo dịch lý, nêu ra:
Quẻ KHẢM (☵) ở giữa đầy, lại có hình chữ Nhất là quẻ 'Thiên Nhất thuộc Dương'. Thai mạch Trầm Thực, trong Trầm Thực đó có 'trung mãn' là thai NAM ( con trai).
Quẻ LY (☲) ở giữa trống rỗng, lại có hình chữ Nhị là quẻ 'Địa Nhị thuộc Âm'. Thai mạch Phù Hư, trong Phù Hư đó có 'trung hư' là mạch thai NỮ (con gái).
- Sách 'Định Ninh tôi học mạch' ghi: "Muốn xem mạch để biết thai trai hoặc gái, phải xem từ tháng thứ tư trở đi vì đến tháng thứ tư, hình thể khí chất của đứa trẻ đã đủ mới hiện ra mạch.
Thai NAM
Thai NỮ
+ Tay Trái:
. Hoạt, Thực, Tật, Đại.
. Phù Đại.
. Trầm Thực.
. Bộ thốn Phù Đại.
. Bộ xích Trái lớn hơn Phải.
+ Tay Phải:
. Hoạt, Tật, Thực, Đại.
. Phù Đại.
. Trầm Thực.
. Bộ thốn Trầm Thực.
. Bộ xích Phải lớn hơn Trái.
Cả 2 tay trái và phải đều Trầm Thực: sinh 2 nam.
Cả 2 tay trái và phải đều Phù Đại: sinh 2 nữ.
MẠCH THAI SỐNG HOẶC CHẾT
- Sách 'Mạch kinh' ghi: "Thốn khẩu mạch Hồng mà Sắc. Hồng là khí, Sắc là huyết. Khí động ở đan điền thì thai sống. Sắc: thai lạnh như băng ( chết). Có dương khí thì thai sống, âm khí thì thai chết. Muốn phân biệt âm dương thì ở dưới tất ngừng động. Giả sử dương hết, dấu hiệu thai chết".
- Sách 'Trung y chẩn đoán học giảng nghĩa' giải thích rõ hơn: "Nói dương hết là dấu hiệu thai chết là nói có thai tất dương khí động ở đan điền, mạch thấy Trầm Hồng mới có thể ôn dưỡng được thai. Nếu mạch Sắc xuất hiện ở bộ vị trầm (ấn nặng tay mới thấy) là tinh huyết bị suy kém tất sẽ ảnh hưởng đến thai. Vì vậy, trọng án vẫn thấy mạch cường mới có dương khí mà thai sống, nếu ở bộ vị trầm thì thấy dương khí suy kiệt thì thai đã chết hoặc là có hòn khối".
MẠCH SẮP SINH (LÂM SẢN)
- Sách 'Chư bệnh nguyên hậu luận' ghi: "Phụ nữ có thai thấy mạch ở bộ xích nhẩy gấp, tán loạn tức là sắp sinh (đẻ)".
- Sách 'Y tông tất độc' ghi: "2 bên đốt đầu của ngón tay giữa của sản phụ, nếu không phải sắp sinh thì không có mạch, đừng cho rằng sắp sinh. Nếu chỗ ấy có mạch nhẩy động, bụng đau ran tới eo lưng, đau từng cơn dữ dội, 2 mắt nẩy đom đóm thì đúng là sắp sinh".
- Sách 'Hoàng hán y học' ghi: "Xét mạch ly kinh, ông Đái Đông Phủ nói rằng: Chẩn mạch thấy mạch ở bộ xích chuyển động gấp như cái dây lúc đang bị cắt, như hạt ngọc lúc đang lăn, đó là mạch sắp sinh. Thí nghiệm nơi những người có thai, mỗi khi đến lúc sinh, lúc nước ối vỡ ra, cách chung, một hơi thở mạch trung bình 7 - 8 lần đến, đến lúc sắp sinh xong, mạch chạy chậm dần. Thử nghiệm vài chục người đều như thế... Tương truyền mạch đàn bà sắp sinh gọi là ly kinh, song xem như sách 'Nan kinh' bảo rằng: Ý nghĩa mạch ly kinh là 1 hơi thở ra mạch đến 1 lần, như vậy thì lại giống như khác hẳn với câu tương truyền. Tôi thường xét những người đàn bà sắp sinh mà mạch trạng giống như mạch ly kinh này thì trong số vài nghìn người, ngẫu nhiên tìm được một hai người mà thôi. Phàm người nào sinh nở rất dễ thì mạch trạng sau khi vỡ nước ối, hoặc tay phải, tay trái hoặc cả hai tay tất thấy mạch Trầm Tế mà Hoạt. Lúc đang rặn sinh, mạch ở thốn khẩu đều lìa hẳn mà đi vào đầu ngón tay. Đến lúc sinh xong thì lại trở về chỗ cũ. Có lẽ dựa vào đó mà nói là mạch ly kinh chăng?".
- Sách 'Định Ninh tôi học mạch' ghi: "Mạch thai lúc chuyển bụng sắp sinh như thế nào mạch có cũng 'Ly kinh'. Như vậy hễ thấy mạch ly kinh biết rằng sắp sinh".
MẠCH THÁI TỐ - 太素脈
Đây là một phương pháp xem mạch rất đặc biệt.
Mạch Thái tố có từ lúc nào, chưa thấy có tài liệu nào nêu rõ, nhưng sách viết về mạch Thái tố đã lưu truyền rất lâu tại Trung quốc.
Theo sách 'Kê trợ biên' thì ông Tổ cuả kỹ thuật chẩn mạch Thái Tố là 1 bậc ẩn sĩ tuyệt thế kinh luân đời nhà Đường tên là Đông Uy.
Nhưng, Trương Thái Tố, học trò cuả Đông Uy mới là người đem những gì thầy dạy ra thực hành. Ngươi đời nhớ công đức cuả Trương Thái Tố cho nên đã lấy tên ông đặt cho tên sách, truyền tụng mãi cho đến ngày nay.
Trương Thái Tố đã viết lại phương pháp này trong sách ' Thái tố mạch bí quyết' gồm 2 quyển.
- Quyển thượng gồm 59 chương, chủ yếu nói về Âm dương Ngũ Hành, Thái cực Hà Đồ lạc thư, Ngũ vận lục khí, chẩn mạch bí pháp.
- Quyển hạ gồm 43 chương, chủ yếu nói về phép xem mạch đoán nhân sinh.
Có thuyết cho rằng sách mạch Thaí Tố là do Dương Thượng viết. Dương Thượng là người rất giỏi về mạch Thái Tố, sau Dương Thượng là Tùng Chinh, Dương Quang. Họ đều là những bậc cao minh xem mạch mà có thể biết được sống thọ hay chết non, giàu sang phú quý hay suốt đời lầm than khổ aỉ, quân tử hay tiểu nhân¿
Mạch Thái Tố là một môn khá đặc sắc: dùng mạch tượng để coi vận mệnh con người. Tuy nói là dùng mạch tượng để coi nhưng trong đó ngấm ngầm cả hình sắc khí. Sự chuyển biến của một người sẽ chuyển biến trong mạch tượng trước, sau đó mới đến khí sắc lộ ra bên ngoài. Dựa trên sắc khí lộ ra bên ngoài còn có thể lầm vì do nhiều nguyên nhân khác nhau mà cũng có thể thấy sắc hiển hiện ra ngoài giống nhau. Mạch tượng chính xác hơn. Dĩ nhiên không tuyệt đối.
Xem mạch Thái Tố đoán vận mệnh cũng như xem mạch chẩn bệnh vậy. Phải đầy đủ vọng, văn, vấn, thiết.
Sở dĩ môn Mạch Thái tố này ít người biết là vì phải rành rẻ cả 2 phương diện: y lý và tướng lý.
Các sách Thái Tố lưu hành trong nhân gian đến nay cũng có khá nhiều bản, phần lớn là man thư, được các thuật sĩ thêm thắt vào với mục dích bói toán, khiến cho thuật này trở nên kỳ bí. Đến đời Đường các Thái y mới khảo cứu và đính chính lại, bỏ đi những chỗ thêm thắt, trả lại nguyên gốc Thái Tố mạch. Phần đính chính ghi chép ấy, được lưu truyền lại đời sau. Hiện nay, nếu thực sự là các danh y chân chính, thì đều phải thạo phép xem mạch này. Để mà ứng kỳ với Thời, Vận, Thiên Địa Nhân mà chữa trị. Chữa bệnh cứu người cũng phải tùy mệnh.
Mạch Thái Tố dung hợp cả mạch lý của Trung Y và các yếu tố văn hóa âm dương ngũ hành, Hà đồ, Lạc Thư, rồi dùng tiêu chuẩn giá trị của tướng lý để đối chiếu, phát huy tỏ rõ đặc trưng hòa trộn vào nhiều thành phần văn hóa. Vì loại tướng thuật này lấy tên chính là chuẩn mạch của Trung Y nên càng dễ thu hút mọi người, khiến mọi người tin tưởng, đã từng lưu hành rộng rãi trong thời Minh và nổi danh là không sai bao giờ¿
Bàn về mạch Thái tố, Nguyễn Văn Minh, trong ' Phương pháp xem mạch Đông phương' nhận định như sau: "Bàn về sách mạch Thái Tố, chẳng những xem mạch mà biết được bệnh cơ, lại còn có thể biết được kẻ tốt người xấu, biết được kẻ dữ, người lành, biết được người đó sống lâu hay chết non, biết được thịnh suy, bỉ thái. Xem mạch còn có thể biết được cha, xem mạch cha có thể biết được người con, xem mạch chồng có thể biết được người vợ, xem mạch người vợ có thể biết được người chồng, thật là vô cùng kỳ diệu, ai đã dám nói chắc rằng có rằng không, ai đã biết được rằng hay hoặc dở. Việc gì ở đời cũng mười phần biết đâu rằng đúng cả như mười?" .
Theo như lời giới thiệu của sách 'Phương pháp xem mạch Đông phương' thì mạch thái tố quả là có những điều rất hay. Tuy nhiên số người phản đối cũng không ít.
Quyển 'Sách dạy xem mạch' của Nguyễn An Cư viết: "Cứ như thiển kiến của biên giả thì những phương pháp đó toàn là cái thuật huyền bí không thể cắt nghĩa xem mạch cũng là một môn khoa học, không thể dùng được những lẽ huyền bí, thế thì những điều của sách Thái tố đã phát minh hoặc là những lời hoang đường, không đúng sự thật¿".
Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam có lưu trữ 1 quyển Thái Tố Mạch Quyết 太素脈訣, 1 bản viết, 121 tr., 15 x 27, 1 tiểu dẫn, có chữ Nôm.
Nội dung có: Các bài thơ, phú, luận¿ nói về cách xem mạch của Trương Thái Tố (Minh, Trung Quốc): mạch trên các bộ phận của cơ thể, mạch trẻ em, mạch phụ nữ, tình trạng mạch tốt, xấu, có bệnh¿ (tr. 94 - 121): cách chủng đậu mới, tức lấy mủ đậu ở trâu để chủng đậu. Có hình vẽ dụng cụ dùng để chủng đậu và vị trí chủng trên tay người. Bài thơ Nôm nói về bệnh đậu mùa và các bài thuốc điều trị.
Hiện nay, các sách giáo khoa về mạch của Trung quốc không thấy đề cập đến mạch Thái tố, chỉ có những sách biên khảo riêng về loại mạch này mới đề cập đến, vì vậy, trong tài liệu này, chúng tôi cũng không đưa loại mạch thái tố vào đây, quý độc giả có thể tham khảo ở những tài liệu viết chuyên sâu về loại mạch này¿

Để tạm kết thúc về mạch, xin ghi lại đây câu chuyện kể về mạch : "Cách đây gần một ngàn năm, một thầy thuốc giỏi của nước Tagjikistan tên là Avisena được mời đến chữa bệnh cho cháu nội của nhà vua miền Trung Á. Ông đếm mạch và yêu cầu người bệnh kể tên từng dẫy đường phố tại nơi người bệnh đang ở, Avisena để ý thấy rằng mạch thay đổi đột ngột khi người bệnh nói đến tên một đường phố nọ. Ông yêu cầu người bệnh nói lên từng ngôi nhà trong dẫy phố đó, mạch người bệnh lại thay đổi lần thứ 2 khi nhắc đến tên 1 ngôi nhà nằm gần trung tâm dẫy phố này. Bằng phương pháp này, Avisena đã tìm ra tên người con gái mà cháu nhà vua yêu thương với kết luận : Cậu ta bị bệnh tương tư làm cho bệnh nặng. Avisena đã thuyết phục thân nhân 2 gia đình cho phép 2 người thành vợ chồng. Và sau khi 2 gia đình đồng ý, cháu nội nhà vua đã hoàn toàn khỏi bệnh".
Câu truyện trên tuy xa xưa rồi nhưng đã nói lên tầm quan trọng của việc áp dụng mạch lý vào chẩn đoán và điều trị. Do đó cần đào sâu hơn nữa về mạch lý học để giúp cho việc chẩn đoán và điều trị đạt được kết quả tốt. Đồng thời, thừa kế tốt di sản độc đáo của nền YHCT mà cha ông ta đã để lại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cảnh Nhạc toàn thưTrương Giới Tân
Chẩn gia khu yếuHoạt Thọ
Chẩn tông tam muộiTrương Đăng
Chú giải Thương hàn luậnThành Vô Kỷ
Đan Khê mạch phápChu Đan Khê
Giáp ất kinhHoàng Phủ Mật
Hoàng Đế Nội kinh Tố vấn thích vấnVương Băng
Hoàng Đế Nội kinh Linh Khu tập chúTrương Ẩn Am
Hoàng hán y họcThang Bản Cầu Chân
Kim quỹ yếu lượcTrương Trọng Cảnh
Kim quỹ yếu lược tâm điểnVưu Tài Kinh
Lâm chứng y ánDiệp Thiên Sĩ
Mạch giámLý Trung Từ
Mạch học giảng nghĩaThượng Hải 1973
Mạch kinhVương Thúc Hòa
Mạch nghĩa giản maChu Trung
Mạch ngữNgô Côn
Mạch quyếtThôi Gia Nhân
Mạch quyết chính nghĩaMã Thí
Mạch quyết cơ yếuLưu Nguyên Tân
Mạch quyết san ngộUông Thạch Sơn
Mạch tượng thống loạiTrầm Kim Ngao
Nan kinh bản nghĩaHoạt Thọ
Nan kinh kinh thíchTừ Linh Thai
Ngoại khoa tinh nghĩaTề Đức Chi
Ôn dịch luậnNgô Hựu Khả
Tân biên Trung y học khái yếuBắc Kinh 1973
Tần Hồ mạch họcLý Thời Trân
Thiên kim yếu phươngTôn Tư Mạo
Thương hàn luậnTrương Trọng Cảnh
Thương hàn luận chúKha Vận Bá
Thương hàn luận tập chúTrương Ẩn Am
Toàn quốc doanh y nghiệm án loại biênHà Liêm Thần
Toàn sinh chỉ mêVương Sĩ Hanh
Trung y biện chứng luận trị giảng nghĩaQuảng Đông 1976
Trung y chẩn đoán họcNhân Dân Vệ Sinh 1995
Trung y chẩn đoán học giảng nghĩaQuảng Châu 1963
Trung y mạch chẩn họcThiên Tân 2001
Trung y học cơ sởBắc Kinh 1974
Trung y học khái luậnNam Kinh 1962
Tứ chẩn phápTrương Tam Ích
Tứ chẩn quyết viPhan Thạc Phủ
Vương thị y ánVương Mạnh Anh
Vương Thúc Hòa mạch quyết đồ yếu tục giảiHùng Tôn Lập
Y biênHà Tây Trì
Y học nhập mônLý Diên
Y thuậtTrình Quan Tuyến
SÁCH TIẾNG VIỆT
Cẩm nang mạch họcNguyễn Khắc Nhân
Định Ninh tôi học mạchLê Đức Thiếp
Đông y lược khảoĐỗ Đình Tuân
Mạch lý phương dượcNguyễn Hữu Khai
Phương pháp xem mạch đông phươngNguyễn Văn Minh
Sách dạy xem mạchNguyễn An Cư
Trung y chẩn đoán học giang nghĩa (bản dịch)Nguyễn thanh Giản
Y gia quan miệnLê Hữu Trác
SÁCH TIẾNG ANH
Classic of pulse.................................................... Hong Kong 1961
Selections from pulse examination....................... Hong Kong 1970
The web that has no weaver................................. Ted J. Kaptchuk
SÁCH TIẾNG PHÁP
Pathogeni et pathologie en ergetiques en medecine chinoise.............................................................. Nguyễn Văn Nghị
Traité de medecine chinoise............................. Chamffrault






No comments:

Post a Comment