LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT



LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT
http://truthlady3.blogspot.com/2016/11/link-post-truthlady3blogspot.html

goosee
The Sound of Silence

Sunday, December 10, 2017

HUYẾT ÁP THẤP


Bệnh huyết áp thấp

a- Triệu chứng: Qua những thời kỳ huyết áp cao rồi thấp dần hoặc tự nhiên tụt xuống, thần sắc ủ dũ, chân tay lạnh, mệt lả, mach trầm vi, nguyên khí suy nhược.
b- Lý: Dùng thanh, tả quá nhiều để hạ áp, làm cho âm dương khí quá suy nhược, châm âm hư tổn.
c- Pháp: Dương hu thì hồi dương cố thoát, âm hư thì bổ âm liễm dương.
d- Phương huyệt: Hồi dương cố thoát thì:
1- Đản trung - 2- Thần khuyết - 3- Khí hải - 4- Quan nguyên
Nếu âm hư thì
5- Trung cực - 6- Tam âm giam - 7- Dũng tuyền
e- Giải thích cách dùng huyệt: Cứu, bấm, xoa nóng các huyệt trên là để hồi dương cố thoát đều cứu cho đến khi người ấm mới thôi, Ba huyệt dưới là để bổ âm liễm dương nếu dương hu nhiều thì cứu huyệt hồi dương và châm bổ huyệt dương không hành châm mà để lâu trong khi cứu, âm hư thì cứu hoặc châm bổ, cần theo dõi mạch và đo huyết áp nếu thấy lên dần là tốt, đột ngột là xâu, cần thì chuyển cấp cứu.


Cách bấm huyệt chữa huyết áp thấp mạn tính

 Hiện nay, chưa có nghiên cứu chính xác cho loại thuốc nào có thể chữa dứt điểm huyết áp thấp, tốt hơn hết, người bệnh nên tự trang bị cho mình các kiến thức phòng ngừa, điều trị từ lối sống, sinh hoạt để cải thiện sức khỏe cho chính bản thân mình.
Trước tiên cần để cơ thể ở tư thế nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay, đầu hơi thấp, chú ý điều hòa nhịp thở và thư giãn toàn thân để bắt đầu thực hiện bấm huyệt.

1. Day huyệt bách hội

Huyệt bách hội nằm ở giữa đỉnh đầu, là giao điểm của đường nối hai tai với đường thẳng giữa hai lông mày ra sau gáy. Bạn hãy dùng ngón tay giữa để day ấn huyệt này dần dần từ nhẹ đến mạnh hơn trong khoảng 2 phút đồng hồ là được.

2. Day bấm huyệt thiên trì

Đây là huyệt nằm cách núm vú khoảng 1 đốt ngón tay. Người bệnh cũng dùng ngón tay giữa để day bấm huyệt trong vòng 1 phút.

3. Bấm huyệt nội quan
Day bấm huyệt nội quan cũng là cách bấm huyệt chữa huyết áp thấp mạn tính, xương khớp, bênh gút… hiệu quả. Huyệt này nằm cách nếp gấp khớp cổ tay khoảng 2 đốt ngón tay, trong khe giữa gân của hai cơ nổi rõ khi ta gấp bàn tay vào và nghiêng vào trong.
Bạn chỉ cần dùng ngón tay cái ấn huyệt này và giữ trong vòng 1 phút để điều chỉnh huyết áp ổn định.
4. Day huyệt trung quản
Đây là huyệt nằm ở giữa đoạn nối rốn với điểm gặp nhau của 2 bờ sườn hai bên, hoặc có thể xác định bằng cách đo 4 đốt ngón tay từ rốn lên. Hãy dùng ngón tay giữa để bấm huyệt chữa bệnh huyết áp thấp mạn tính hiệu quả khoảng 1 phút.
5. Day hai điểm huyết áp
Người bệnh ngồi dậy, cúi đầu rồi sờ 3 u xương tròn say gáy, đặt 3 ngón tay lên 3 u xương đó rồi xoay cổ nhẹ nhàng, đốt sống cổ thứ 7 sẽ chuyển động nhiều nhất, bên trên sẽ là đốt thứ 6. Đo hai đốt ngón tay từ đốt thứ 6 sang hai bên là vị trí của hai điểm huyết áp. Người bệnh dùng hai ngón tay giữa hai bên để day bấm đồng thời hai điểm huyệt này trong vòng 1 phút.
6. Day huyệt dũng tuyền
Huyệt dũng tuyền nằm ở gan bàn chân, trên khoảng 2/5 đường nối đầu ngón chân thứ 2 với điểm giữa sau gót chân, chỗ lõm nhất chính là huyệt này. Hãy dùng ngón tay cái để day bấm đồng thời cả hai huyệt ở hai bên bàn chân trong vòng 1 phút.
Trên đây là những thao tác day bấm huyệt chữa huyết áp thấp mạn tính, hãy thực hiện kết hợp với động tác xoa bóp vùng đầu, hai bên thái dương, vùng gáy để giảm triệu chứng hoa mắt, đau đầu, ngăn chặn tụt huyết áp đột ngột hiệu quả nhất.

            Ngoài ra, nếu đau đầu chóng mặt nhiều có thể day thêm hai bên thái dương và vùng gáy. Nếu ù tai hoa mắt nhiều day thêm đầu trong hai lông mày và sát nóng phía trước hai vành tai. Kết thúc quy trình có thể uống một chút trà gừng hoặc trà nóng có pha thêm một chút đường. Để đạt được hiệu quả rõ rệt và bền lâu, phải tiến hành quy trình tự xoa bóp nêu trên một cách kiên trì và đều đặn, mỗi ngày từ 1 - 2 lần và kéo dài từ 2 - 3 tháng.


 Biện pháp chữa huyết áp thấp không dùng thuốc

Đó là tất cả các phương pháp thay đổi lối sống, sinh hoạt và điều chỉnh chế độ ăn uống. Người bệnh huyết áp thấp cần lưu ý một số vấn đề sau:

Ngủ đủ giấc : Người bệnh huyết áp thấp cần phải ngủ đẫy giấc, khoảng 9 – 11 tiếng/ngày. Đây cũng là điều mà những người thân trong gia đình có người bị huyết áp thấp cần lưu ý, tránh kìm hãm giấc ngủ của người bệnh.

Thức dậy đúng cách : Lý giải vì sao cần như vậy, các chuyên gia phân tích như sau: Khi ngủ, máu sẽ tập trung vào khu vực dạ dày, xuất hiện tình trạng thiếu máu não tạm thời. Nếu người huyết áp thấp dậy đột ngột, có thể người bệnh sẽ bị ngất đi. Chính vì vậy, việc thức dậy đúng cách rất quan trọng với người bị huyết áp thấp. Muốn vậy, người bệnh khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, tập một vài động tác đơn giản (có thể vận động các khớp xương chân tay). Sau đó ngồi dậy từ từ, để chân tay trên giường, rồi từ từ cho chân ra khỏi giường và vẫn tiếp tục ngồi. Khi đứng dậy nên vịn vào ghế, cứ đứng như thế một lúc.

Tăng cường tập luyện thể dục: Các môn thể dục rất có lợi cho người bị huyết áp thấp như đi bộ, bơi, các trò chơi thể thao. Tuy nhiên bệnh nhân không nên chọn các môn thể thao vận động quá mạnh, và nhiều trường hợp bệnh lý đã biến mất sau thời gian luyện tập.

Về ăn uống :

  • Duy trì chế độ ăn hợp lý 3-4 bữa/ngày (ăn giảm khối lượng, tức chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày). Không được dùng chế độ ăn kiêng để giảm cân nhanh.
  • Một số đồ uống có thể áp dụng làm tăng huyết áp như cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm đà muối, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho. Mỗi ngày có thể uống 1-2 cốc cà phê đặc, tốt nhất là cà phê không tan tự pha. Không uống quá 2 cốc/ngày để tránh bị nghiện, mất ngủ, rối loạn nhịp tim.
  • Nên ăn hơi mặn một chút để gây giữ nước trong cơ thể, tăng lượng máu lưu thông trong lòng mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp.
  • Với phụ nữ, đa số huyết áp thấp là do tình trạng thiếu máu, chị em có thể tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.

Biện pháp chữa huyết áp thấp sử dụng thuốc


Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc Đông, Tây y có tác dụng nâng huyết áp, tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng, huyết áp thấp không phải là một bệnh, do vậy phương pháp điều trị phải tùy thuộc vào bệnh lý chính gây ra huyết áp thấp. Việc sử dụng thuốc phải trên cơ sở thăm khám rõ ràng, có sự chỉ dẫn của các bác sỹ hoặc thầy thuốc chuyên môn. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc. Phương pháp đầu tiên mà người bệnh nên áp dụng đó là các phương pháp điều trị từ lối sống.


HUYẾT ÁP THẤP: Chữa dứt điểm bằng Ngải cứu!

 Bệnh Huyết áp thấp, những điều cần thiết cũng như thuốc thang tôi đã nói ở bài trước đây không nhắc lại. Giờ ta đi thẳng vào phương pháp dùng điếu ngải để điều trị dứt điểm bệnh huyết áp thấp này.
Trước tiên chúng ta cần xem lại, thật kỹ những hướng dẫn cơ bản tôi viết trong bài NGẢI CỨU CHỮA BỆNH. Sau khi nắm được kỹ thuật cứu, tức dùng điếu ngải hơ vào các huyệt, ta thực hành theo phác đồ sau:
CHỌN HUYỆT HƠ NGẢI CỨU CHỮA HUYẾT ÁP THẤP
1. Nhóm 1 gồm 3 huyệt: Thái khê, Tam âm giao, Túc tam lý.
2. Nhóm 2 gồm 3 huyệt: Thần khuyết, Khí hải, Quan nguyên. (Xem hình)
ngải cứu chữa huyết áp thấp
THAO TÁC HƠ ĐIẾU NGẢI CHỮA HUYẾT ÁP THẤP
Trong 2 nhóm huyệt trên thì ta đều tự cứu được.
Nhóm 1 gồm 3 huyệt ở chân nên ta ngồi cứu.
Nhóm 2 gồm 3 huyệt ở vùng bụng nên ta nằm kê đệm chăn gối sao cho nửa người phía trên cao hơn phía dưới và đầu kê cao nhất có thể nhìn rõ 3 huyệt này.
Dùng điếu ngải loại trung, hơ vào lần lượt từng huyệt theo từng nhóm. Mỗi huyệt hơ 15 phút (Đây là mức trung bình, còn có thể tăng hoặc giảm tuỳ theo nhiều yếu tố).
Nhóm huyệt 1 là những huyệt nằm ở chân, mỗi chân 3 huyệt, 2 chân 6 huyệt nên ta dùng 2 điếu ngải hơ hai huyệt 2 bên cùng một lúc, hết 15 phút ở huyệt nọ thì cùng chuyển sang huyệt kia. Ta hơ lần lượt huyệt Thái khê xong đến Tam âm giao rồi Túc tam lý (Xem hình các huyệt ở chân)
Với nhóm huyệt 2 ở vùng bụng ta phải nằm để cứu. Ta để hở vùng bụng gồm 3 huyệt sẽ cứu, riêng rốn (Tức huyệt Thần khuyết) thì lót một lớp muối tinh dầy 0,5 cm, vun cho gọn bằng đồng xu trên rốn. Châm liền 2 điếu ngải, lần lượt cứu rốn và huyệt Khí hải- Gần sát với rốn trước. Hết 15 phút ta dùng khăn che rốn và huyệt Khí hải lại, dập tắt 1 điếu ngải, điếu còn lại hơ vào huyệt Quan nguyên 15 phút.
THỜI GIAN CỨU NHANG NGẢI
Thông thường ngày cứu 1 đến 2 lần, bất luận sáng trưa chiều tối, nhưng không nên quá gần bữa ăn, cách khoảng 60 phút trở lên. Giữa hai lần cứu cách nhau càng xa càng tốt.
Ta có thể cứu liên tục một tuần làm một liệu trình, nghỉ khoảng 1,2,3 tuần thì lại cứu tiếp tuỳ theo tình trạng của bệnh.
Cũng có thể cứu cách nhật, cứu một ngày nghỉ một vài ngày cứu lại cũng được. Hoặc đang khi bệnh nặng, người yếu mệt nhọc thì cứu liên tục.
Về chọn nhóm huyệt thì 2 nhóm này đều có giá trị như nhau, ta có thể dùng xen kẽ, hoặc theo từng đợt riêng biệt đều được.
CHÚ Ý:
- Không cứu khi đang say rượu, sốt cao, táo bón.
- Thời tiết nóng nắng oi bức phải thận trọng, giảm bớt thời gian và tăng khoảng cách giữa điếu ngải và bề mặt huyệt, tức giảm sức nóng của điếu ngải vào huyệt.
- Hễ thấy biểu hiện: Nhức đầu, nóng sốt, táo bón, đắng miệng, nổi mụn nhọt... Thì dừng cứu liên hệ ngay với Thầy thuốc.
- Với bệnh nhân huyêt áp cao, phụ nữ có thai, ung thư không được tự cứu, phải được sự chỉ dẫn cụ thể của Thầy thuốc.
LỜI KẾT CỨU NGẢI CHỮA HUYẾT ÁP THẤP:
Cứu ngải vào các huyệt nói trên có thể chữa trị dứt điểm căn bệnh huyết áp thấp. Trường hợp bệnh quá ngoan cố, quá nặng thì cũng có thể ngăn ngừa được.
Phương pháp này không chỉ hữu hiệu với chứng huyết áp thấp, ngay cả những người bình thường, chưa có bệnh tật cũng nên thường xuyên hay định kỳ vận dụng. Nó có tác dụng thần kỳ trong việc nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng, chống tai biến đột quỵ và hầu hết các bệnh nội khoa. Làm chậm quá trình lão hoá, kéo dài tuổi thọ; Với các đối tượng trẻ em, người già, phụ nữ, người hư yếu mắc bệnh kinh niên mạn tính, thể trạng yếu kém lại càng thích hợp.
Thực tế người Nhật bản học được của người Trung hoa pháp này và sử dụng tích cực đến tận ngày nay. Tại Nhật có những địa phương tuổi thọ cao nổi tiếng thế giới, bí quyết của họ là cứu ngải. Người Nhật đã phát huy, phát triển môn này đạt đến một tầm cao mới trong việc chăm sóc sức khoẻ, phòng ngừa, chữa trị bệnh tật cho nhân dân, có hẳn một trường phái cứu ngải riêng của nước Nhật.
Môn cứu ngải, cũng như các môn châm và dùng thuốc hầu như chữa được tất cả các loại bệnh tật. Đứng dưới góc độ nâng cao thể trạng và sức đề kháng cũng như sự giản tiện thì môn cứu ngải lại có lợi thế nổi trội.
Tuy nhiên chúng ta cần được sự hướng dẫn trực tiếp của Thầy thuốc cho từng trường hợp cụ thể. Cổ nhân xưa có câu: "Biết ngải là phúc, khéo cứu ngải là thọ" đã nói lên tất cả!




CÁCH PHƯƠNG PHÁP CHỮA HUYẾT ÁP THẤP KHÁC

Chữa bằng đông y 
Người bị huyết áp thấp không nên dùng những thức ăn có tính lợi tiểu như rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô... Nên tắm nước nóng để tăng cường lưu thông máu nhưng đừng tắm quá lâu.
Huyết áp được coi là thấp khi chỉ số tâm thu (tối đa) dưới 90 mmHg, tâm trương dưới 60 mmHg. Áp lực máu chậm và yếu, lưu lượng máu đưa đến các tổ chức thiếu nên bệnh nhân bị hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, đau đầu, tức ngực, tinh thần mệt mỏi, ngủ không sâu, có lúc thoáng ngất.
Bệnh huyết áp thấp có 3 loại. Loại nguyên phát liên quan đến thể chất gầy còm, gặp nhiều ở nữ tuổi từ 20 đến 40 và có xu hướng di truyền. Huyết áp thấp thứ phát xuất hiện do một số bệnh mạn tính gây thiếu máu hoặc kém dinh dưỡng kéo dài như bệnh huyết học, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng mạn, suy giáp, lao...
Loại thứ ba là tụt huyết áp tư thế: Khi ngồi dậy hoặc đứng dậy đột ngột, bệnh nhân thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày, nhức đầu, mất thăng bằng, có khi ngã.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người huyết áp thấp hay bị hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, nên khi ngồi dậy phải từ từ. Nằm ngủ nên để đầu thấp, chân cao. Nên sinh hoạt điều độ, ăn uống có nhiều chất dinh dưỡng, nên ăn mặn hơn người bình thường; uống các loại nước có tác dụng nâng huyết áp như trà sâm, trà gừng, trà đặc, cà phê. Bệnh nhân cũng phải rèn luyện thân thể đều đặn, tốt nhất nên tập bơi, đi bộ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền.
Một số bài thuốc:
- Thịt chó 1 kg, phụ tử chế, nhục quế, gừng khô mỗi thứ 10 g, cho ít rượu, hạt tiêu, gia vị khác, đun nhỏ lửa, hầm nhừ, ăn trong 3 đến 5 ngày, nghỉ một tuần rồi ăn tiếp. Điều trị từ 3 đến 4 liệu trình.
- Thịt chó đen 250 g, hồng sâm 25 g, chích hoàng kỳ 25 g, liên nhục 70 hạt, phụ tử chế 6 g, nhục quế 3 g, thục địa 20 g, nước củ sả 2 thìa canh. Gia vị vừa đủ. Thịt chó rửa sạch bằng nước chanh hòa với ít nước sôi để nguội; ướp gia vị và nước củ sả, bỏ liên nhục lên trên. Tất cả các vị thuốc khác cho vào ấm sắc, lọc kỹ, đổ vào thịt đã ướp. Cho các thứ đã tẩm ướp vào nồi, đun cách thủy sôi độ 4 giờ là vừa.
Tuần ăn 1 lần, ăn liên tục trong 6 tuần.

- Sâm triều tiên 50 g, lộc nhung 50 g, ngâm với nửa lít rượu trắng. Mỗi ngày uống một chén con vào bữa ăn.
- Chè lâu năm (lá chè già trên 3 năm) rang lên, cho cùng 10 g nhân sâm và ít gừng vào nước, đun sôi 10-15 phút (nên dùng ấm đất). Uống ngày 2 lần, chỉ dùng từng đợt từ 5 đến 7 ngày.
- Nhân sâm tán bột 25 g, tử hà sa (tán bột) 50 g. Trộn với mật ong, mỗi lần uống từ 3 đến 5 g, ngày uống 2 lần vào buổi sáng và trưa.
- Hoàng kỳ, kỷ tử, mạch môn, đương quy, sinh địa mỗi thứ 12 g, dâm dương hoắc 8 g, ngũ vị tử 6 g, đẳng sâm 16 g. Sắc uống mỗi ngày một thang.



CÁCH CHỮA HUYẾT ÁP THẤP BẰNG DINH DƯỠNG


Huyết áp thấp không phải là một bệnh, đó chỉ là một trạng thái hay một triệu chứng gặp trong rất nhiều trường hợp khác nhau. Gọi là huyết áp thấp khi huyết áp tối đa <100mmHg.

Độ khó: Cực dễ

Chính vì huyết áp thấp chỉ là một trạng thái hay triệu chứng nên mức độ ảnh hưởng của nó tùy thuộc vào bệnh lý gây nên huyết áp thấp (ví dụ bị trụy tim mạch do mất nước, mất máu, suy tim... hay tụt huyết áp do dùng quá liều các thuốc hạ huyết áp; các bệnh nội tiết như suy tuyến giáp trạng, suy tuyến thượng thận...).

Trước hết, bạn nên đi khám để bác sĩ xác định xem có bệnh lý đi kèm không, nếu có sẽ có đơn thuốc phù hợp cho bạn.

Chế độ dinh dưỡng
- Những khi bạn có dấu hiệu tụt huyết áp như chóng mặt, bạn nên uống một cốc trà gừng pha với nước ấm, một cốc cà phê nóng cũng rất hữu hiệu giúp bạn kịp thời tăng huyết áp trở lại. Nên nhớ thường xuyên để trong túi vài viên kẹo hay đồ ăn ngọt, nó sẽ giúp bạn chống chọi với tình trạng tụt huyết áp bất chợt giữa đường.





Ngoài ra, sữa, mật ong, nước chanh pha đường và muối cũng đem lại những tác dụng đáng kể.

- Nên ăn mặn hơn người bình thường, ăn những đồ ăn được đun nóng, hạn chế ăn thức ăn mới lấy ra từ tủ lạnh.

- Bạn nên chọn những thực phẩm có chứa các thành phần như sắt, protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.

- Không được bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, bữa sáng nên ăn các thực phẩm tốt cho tim mạch và các loại nước ép trái cây, nó sẽ giúp cơ thể bạn lưu thông máu dễ dàng hơn.
- Nên uống nhiều nước, nước sẽ làm tăng thể tích máu, uống nước khoáng cũng rất có lợi cho người bị huyết áp thấp, nhất là nước khoáng có chứa nhiều muối Natri.

- Tránh những đồ uống có cồn vì nó sẽ làm dãn mạch, làm giảm huyết áp.

- Mỗi ngày uống 2 cốc củ cải đường, đây cũng là liệu pháp rất tốt trị bệnh huyết áp thấp.

Không nên ăn mặn
Chế độ nghỉ ngơi và tập luyện:

- Bạn nên ngủ đẫy giấc, khoảng 9 -11 tiếng/ngày. Khi ngủ, máu sẽ tập trung vào khu vực dạ dày (gan, phổi, lá lách), xuất hiện tình trạng thiếu máu não tạm thời. Vì vậy, bạn không nên dậy đột ngột, có thể bị ngất đi (bất tỉnh nhân sự).

Khi thức dậy, cần phải nằm thêm một lúc, tập một vài động tác thể dục đơn giản (vận động các khớp xương chân tay). Sau đó ngồi dậy, để chân trên giường, rồi mới từ từ cho chân ra khỏi giường và vẫn tiếp tục ngồi. Khi đứng dậy nên vịn vào ghế, cứ đứng như thế một lúc.



- Tránh đứng hoặc ngồi lâu một tư thế, khi đang ngồi mà muốn đứng lên, bạn nên đứng lên từ từ để tránh bị hoa mắt, chóng mặt.

- Hãy có một chế độ tập luyện hợp lý với những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu...Tập luyện thường xuyên và đều đặn sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn, hạn chế tình trạng hoa mắt, chóng mặt.

CHỮA HUYẾT ÁP THẤP BẰNG Y HOC CỔ TRUYỀN




Người bị huyết áp thấp khi huyết áp tối đa dưới 100mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg (ví dụ: 90/50mmHg). Huyết áp tăng giảm trong 1 ngày như sau: 4 giờ sáng huyết áp ở mức thấp, 6 giờ tăng, 9 giờ bình thường, 19 giờ lại tăng. Nên đo huyết áp vào buổi sáng, trước khi dậy khỏi giường.

Có 2 loại huyết áp thấp

Huyết áp thấp tiên phát: Người khỏe bình thường không có triệu chứng gì, tình cờ đo thấy huyết áp thấp. Không cần điều trị, vẫn sinh hoạt bình thường.
Huyết áp thấp hậu phát (hạ huyết áp triệu chứng): Thường xuất hiện sau khi cơ thể suy nhược kéo dài như nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, bệnh lao, ung thư, thiếu máu mạn tính, xơ gan, sau phẫu thuật… Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, hay ngất, ngón tay ngón chân lạnh.
Theo y học cổ truyền, chứng huyết áp thấp, bất kỳ do nguyên nhân nào cũng đều thuộc chứng hư, có 2 bài thuốc thường dùng sau:
Bài 1: Ích khí dưỡng âm thang: Đảng sâm 15g, mạch môn 9g, ngũ vị tử 5g, chích huỳnh kỳ 15g, nhục quế 4g, chích cam thảo 4g, phù tiểu mạch 30g, táo tàu 5 quả. Nước vừa đủ sắc còn 1/3, chia 2 lần uống trong ngày, uống ấm lúc bụng đói, ngày 1 thang. Chủ trị huyết áp thấp mạn tính, chóng mặt đau đầu, tinh thần ủy mị, chân tay rã rời, mất ngủ, lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch hư.
Bài 2: Thăng ích thang: Thục địa 30g, hoài sơn 15g, đan bì 15g, trạch tả 9g, ngũ vị tử 9g, hoàng kỳ 15g, ma hoàng 9g. Nước vừa đủ, sắc còn 1/3, mỗi thang sắc 3 lần lấy 400 – 500ml, chia 3 lần uống trong ngày. Chủ trị huyết áp thấp, hoa mắt, chóng mặt, tinh thần ủy mị, tai ù, lưng đau gối nhức mỏi, tim đập nhanh và loạn nhịp, thở dốc, đêm ngủ không yên, trí nhớ kém, lưỡi đỏ, mạch trầm.
Ngoài thuốc sắc trên còn có các món ăn, nước uống hỗ trợ làm tăng nhanh hiệu quả điều trị. Cần lựa chọn áp dụng thích hợp với các triệu chứng biểu hiện ở mỗi bệnh nhân. Sau đây xin giới thiệu món ăn – bài thuốc tùy thể bệnh.

Thể thận dương hư suy: Biểu hiện đầu choáng, mắt hoa, tai ù, hay quên, lưng đau gối mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần mệt mỏi, sợ lạnh, tay chân lạnh, đi tiểu đêm  nhiều, ăn kém, đại tiện lỏng nát, chất lưỡi nhạt.
Bài 1: Trứng gà 1 quả, bột nhung hươu 0,3g. Đập trứng vào bát, bỏ bột nhung hươu vào, quấy đều và tráng chín, ăn điểm tâm hàng ngày. 20 ngày là một liệu trình.
Bài 2: Câu kỷ tử 10g, thỏ ty tử 10g, nhục thung dung 6g, bồ dục bò 1 quả, bồ dục chó 1 quả, thịt bò 100g, thịt gà 50g. Bồ dục bò và chó làm sạch, bổ đôi ngâm nước lạnh trong 30 phút; thịt bò và thịt gà thái miếng, các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín miệng. Tất cả cho vào nồi hầm lửa nhỏ cho thật nhừ rồi bỏ bã thuốc, cho thêm bột hạt tiêu, gừng tươi thái chỉ và gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Thể tâm tỳ lưỡng hư: Biểu hiện mệt mỏi nhiều, cảm giác khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, đầu choáng, mắt hoa, chân tay rã rời, hay vã mồ hôi, ăn kém, chậm tiêu, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt, đại tiện lỏng nát.
Bài 1: Thịt bò 1kg, rượu vang 250ml. Thịt bò rửa thái miếng, cho vào nồi hầm nhỏ lửa thật nhừ, cứ 1 giờ chắt nước cốt 1 lần rồi thêm nước đun tiếp. Làm 4 lần như vậy, hợp 4 nước lại, chế thêm rượu vang rồi cô lửa nhỏ thành cao đặc, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 thìa canh.
Bài 2: Gà mái 1 con 1kg, nhân sâm 10g, hoàng kỳ 30g, ngũ vị tử 15g. Gà làm thịt, chặt miếng, các vị thuốc cho vào túi vải, buộc kín miệng. Tất cả bỏ vào nồi, nước vừa đủ, hầm lửa nhỏ cho thật nhừ, bỏ bã thuốc, thêm gia vị, làm canh ăn.

Thể trung khí bất túc: Biểu hiện mệt mỏi thích nằm, ngại nói, ngại vận động, hay có cảm giác khó thở, hoa mắt, chóng mặt nhiều, chân tay buồn mỏi, chán ăn, miệng nhạt, dễ vã mồ hôi, đại tiện lỏng nát, chất lưỡi nhợt.

Bài 1: Nhân sâm 10g, phục linh 10g, hoài sơn 10g, đậu đỏ 30g, bột gạo nếp 50g, đường trắng và mỡ lợn vừa đủ. Các vị thuốc sao  thơm, tán bột, trộn đều với bột gạo nếp và đường, chế đủ nước, nhào kỹ làm thành bánh rồi rán chín. Ăn điểm tâm hằng ngày.
Bài 2: Dạ dày lợn 1 cái, hạt sen tươi 40 hạt. Dạ dày làm sạch, hạt sen bỏ tâm rồi cho vào dạ dày lợn, buộc kín miệng, nước vừa ăn, hầm nhừ, khi chín vớt dạ dày ra, thái miếng trộn đều với hạt sen rồi chế thêm gừng tươi, hạt tiêu và gia vị, dùng làm thức ăn.
Bài 3: Đảng sâm 100g, thịt bò 500g. Thịt bò rửa sạch, thái miếng ướp gừng tươi, hạt tiêu và chút rượu vang. Cho đảng sâm vào túi vải, buộc kín miệng, đem hầm với thịt bò cho nhừ, thêm gia vị làm thức ăn hằng ngày.
Bài 4: Nhục quế, quế chi, cam thảo mỗi vị 10g, hãm uống thay trà.
Bài 5: Phục linh 15g, linh chi 9g, cam thảo 12g. Sắc nước uống thay trà hằng ngày.
Nên uống cà phê vào buổi sáng.
Kết hợp xoa bóp, day bấm các huyệt sau để tăng hiệu quả điều trị:
Day mạnh huyệt nhân trung, nội quan.


Cứu ấm: bách hội, thượng tinh, khí hải.
Xoa bụng vùng quanh rốn, xoa ngực trái (vùng tim) và tập thể dục, đi bộ, thở dưỡng sinh, khí công dưỡng sinh hoặc thái cực quyền, tùy điều kiện có người hướng dẫn ban đầu.


Thể khí huyết lưỡng hư
Thường bị choáng đầu buốt đầu, mệt mỏi như mất sức, chântay yếu mềm, hoa mắt, tức ngực khó thở. Người bệnh muốn nằm. Huyết áp tối đa nhỏ hơn 100mmHg.
Bài 1: Xuyên khung 12g, đương quy 16g, thục địa 12g, bạch thược 12g, ngũ gia bì 12g, hà thủ ô 12g , tần giao 10g, quế 10g, thiên niên kiện 10g, sinh khương 8g, ngũ vị 10g, cẩu tích 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Bạch truật 16g, thục địa 12g, đại táo 12g, đương quy 16g, chích thảo 12g, cẩu tích 12g, sơn thù 12g, phụ tử 8g, đẳng sâm 16g, gừng khô 8g, quế 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể mệnh môn hỏa suy
Hỏa ở mệnh môn còn gọi là “tướng hỏa”. Nó giữ vai trò điều tiết cho cơ thể. Khi mệnh môn hỏa hư suy, khả năng cân bằng âm dương không còn tác dụng.
Biểu hiện mệt mỏi đuối sức, đau ngực khó thở, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, thân nhiệt hạ thấp, mạch nhanh yếu, huyết áp tụt.
Bài 1: Cố chỉ 10g, phụ tử 10g, can khương 10g, quế 8g, thiên niên kiện 10g, ngải diệp (khô) 16g, phòng sâm 16g, chích thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Nhân sâm 12g, can khương10g, đỗ trọng (sao muối) 12g, cố chỉ 10g, ngũ vị 10g, cao lương khương 12g, cẩu tích 12g, biển đậu 16g, chích thảo. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Nhân sâm 12g, đẳng sâm 12g, can khương 10g, quế 10g, thiên niên kiện 10g, xuyên khung, đương quy 16g, cẩu tích 12g, phụ tử 8g, hoài sơn 16g, liên nhục (hạt sen đã bỏ vỏ cứng) 16g, đại táo 6 quả, trần bì (sao) 10g, chích thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể thận dương hư
Cơ thể mỏi mệt, đau đầu buốt đầu, chân tay yếu mềm, vã mồ hôi, thân nhiệt thấp, phân lỏng. Huyết áp tối đa nhỏ hơn 100mmHg.
Bài 1: Ngưu tất 16g, đỗ trọng 12g, thỏ ty tử 12g, cố chỉ 10g, cẩu tích 12g, bạch truật 16g, ngũ vị 10g, kinh giới 12g, ngũ gia bì 12g, quế 10g, sinh khương 8g, củ đinh lăng 16g, trần bì (sao) 12g, đẳng sâm 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Tần giao 10g, bạch truật 16g, thương truật 12g, hậu phác 12g, ngũ gia bì 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, sinh khương 8g, cao lương khương 12g, cố chỉ 10g, ngải diệp 16g, hà thủ ô (chế) 16g, quế 10g, thiên niên kiện 10g, nhân sâm 10g, chích thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.









Thời điểm và Cách đo huyết áp
Thời điểm đo huyết áp
Nên đo huyết áp lúc nào để có kết quả chính xác nhất? Dưới đây là một số lưu ý cho người bệnh:
– Không ăn, không uống, không nói trong lúc đo huyết áp vì sai lệch kết quả.
–  Khi đo lần đầu cần đo cả hai tay để sau đó chọn cánh tay với huyết áp có khuynh hướng cao hơn.
– Nên đo huyết áp ngày hai lần, buổi sáng trước khi uống thuốc và buổi chiều sau bữa ăn khoảng 1 giờ. Ghi tất cả kết quả với ngày và giờ đo vào sổ để bác sĩ tiện việc đánh giá trong lần tái khám.
Cách đo huyết áp :
Đo huyết áp là rất cần thiết. Nhưng nếu đo không đúng cách rồi dựa vào kết quả sai lệch để quyết định uống thuốc hay không uống thuốc thì nhiều khi tai hại không kém việc quên đo huyết áp. Dưới đây là những lưu ý về cách đo huyết áp tại nhà:
  • Người bệnh không hút thuốc lá hoặc uống cà phê 15-30 phút trước khi đo. Ngồi nghỉ ngơi trước khi đo, nhất là sau khi vận động (leo cầu thang, đi lại, chạy bộ…) ít nhất 15 phút.
  • Tư thế đo: bệnh nhân nằm ngửa hoặc ngồi nghỉ 5 phút trước khi đo. Cánh tay đo để ngang tầm với tim.
  • Trang bị: túi hơi (ở máy đo huyết áp đồng hồ hoặc điện tử có bao quấn dùng đo ở khuỷu tay) phải bao trọn chu vi cánh tay và 2/3 chiều dài cánh tay, nếu túi hơi nhỏ sẽ hiển thị trị số huyết áp cao giả.

Phương pháp tiến hành:
+ Bơm nhanh túi hơi vượt quá trị số tâm thu 20-30 mmHg (được nhận biết bằng mất mạch quay) và xả túi hơi chậm 3mmHg/giây.
+ Chỉ số huyết áp tâm thu là khi xuất hiện tiếng đập đầu tiên.
+ Chỉ số huyết áp tâm trương là khi mất hẳn tiếng mạch đập.
Người bệnh có thể mua các máy đo huyết áp điện tử để tự đo tại nhà. Các bác sĩ đều khuyến cáo bệnh nhân tự đo thì sẽ có số đo chính xác hơn, tránh được phản ứng tâm lý “áo choàng trắng” gây tăng huyết áp khi bác sĩ đo cho bệnh nhân.
Cách đo huyết áp bằng máy điện tử tương đối dễ, người bệnh có thể nắm được một cách dễ dàng. Cách đo có thể do bác sĩ hoặc các cơ sở bán dụng cụ y tế hướng dẫn cho bệnh nhân.
Cách đo huyết áp bằng máy điện tử (dùng cho bệnh nhân tự đo huyết áp):
Nên mua các loại máy đo huyết áp điện tử của các hãng có uy tín như OMRON, NATIONAL…
Máy đo huyết áp điện tử cũng có hai loại: loại có bao quấn to dùng để đo ở vị trí khuỷu tay. Loại nhỏ đo tại vị trí cổ tay. Các loại máy đo huyết áp điện tử đều hiển thị kết quả huyết áp và nhịp tim bằng số trên màn hình của máy. Nhiều loại máy có thể lưu kết quả của nhiều lần đo huyết áp nên rất tiện cho bệnh nhân. Chúng tôi hướng dẫn cách đo huyết áp bằng loại máy nhỏ đo tại cổ tay:
Vị trí đo: thường nên đo ở cổ tay trái.
Nên đo ở tư thế ngồi có dựa lưng, gập cẳng tay trái vào ngực, máy đo để ở vị trí ngang với tim, tay phải đỡ nhẹ lấy tay trái, tay trái cần được thả lỏng, không căng cơ hoặc cử động cánh tay trái.
Nếu đo ở tư thế nằm, máy đo huyết áp sẽ không chính xác ở vị trí ngang quả tim, vì vậy số đo huyết áp thường sẽ cao hơn bình thường.
Máy đo huyết áp điện tử đo huyết áp bằng dao động của động mạch, vì vậy rất chính xác. Thường là số đo huyết áp của lần đo sau đều có sai số nhất định so với lần đó trước, nhưng vẫn là chính xác (vì huyết áp không bao giờ hằng định mà có sự dao động phụ thuộc nhiều yếu tố như tâm lý, cử động, ho…).
Giới thiệu các loại máy đo huyết áp:
Thường có ba loại máy đo huyết áp được dùng.
 - Máy đo huyết áp thủy ngân: được coi là loại máy có độ chính xác cao. Loại này được dùng nhiều ở bệnh viện và được các thầy thuốc sử dụng.
 - Máy đo huyết áp đồng hồ: thường được các thầy thuốc sử dụng. Bệnh nhân nếu muốn sử dụng loại máy này phải được học cách đo huyết áp.
 - Máy đo huyết áp điện tử: loại máy này bệnh nhân có thể sử dụng tốt do dễ sử dụng, có nhiều tính năng
Sau khi đo huyết áp, các bệnh nhân đừng quên ghi chép lại chỉ số huyết áp của mình vào sổ để bản thân cũng như các bác sĩ tiện theo dõi tình trạng bệnh lý của mình. Dưới đây là Bảng chỉ số huyết áp chuẩn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh nhân hoàn toàn có thể in ra và dán lên tường để theo dõi xem chỉ số huyết áp của mình có nằm trong ngưỡng an toàn và ổn định hay không.













No comments:

Post a Comment