LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT



LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT
http://truthlady3.blogspot.com/2016/11/link-post-truthlady3blogspot.html

goosee
The Sound of Silence

Friday, March 2, 2018

Chữa suy nhược thần kinh




Suy nhược thần kinh trong y học còn gọi là tâm căn suy nhược. Trước đây gọi là suy nhược thần kinh hay loại thần kinh suy nhược.
Bệnh suy nhược thần kinh là bệnh tâm căn phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam bệnh thần kinh suy nhược chiếm 3 – 4%, ở các Phương Tây chiếm tới 5 – 10% số dân. Chiếm 60% trong số các bệnh tâm căn. Gặp ở người lao động trí óc nhiều hơn ở chân tay, ở thành thị lớn hơn ở nông thôn, nam chiếm nhiều hơn nữ, tuổi thường gặp 20-50 tuổi.
Là một loại bệnh phổ biến hiện nay mà nhiều người gọi nó là căn bệnh của thời đại, như người ta lo toan tính toán mất quá nhiều thời gian vào công việc để làm sao kiếm nhiều tiền, rất ít thời gian để nghỉ ngơi giải trí, mất đi sự thanh nhàn thêm vào đó có quá nhiều sang chấn tâm lý (Stress), đó là yếu tố thuận lợi để cho bệnh phát sinh, phát triển.
Bạn hay than phiền về tính dễ bị kích thích, hay mệt mỏi, âm ỉ đau đầu, giấc ngủ bị rối loạn, mất tập trung trong công việc, giảm hứng thú, có biểu hiện bằng trầm cảm, lo âu hoặc sợ hãi.
Dấu hiệu thường gặp nhất của suy nhược thần kinh là MỆT MỎI. Mệt mỏi là trạng thái cơ thể mà mọi người đều có: Ở người bình thường do vận động thể lực quá độ, lao động thể lực quá nặng nề dẫn đến mệt mỏi. Mệt mỏi bình thường thì dễ phục hồi, chỉ cần có thời gian nghỉ ngơi điều chỉnh, bổ sung dinh dưỡng, ngủ một giấc sẽ lấy lại sức lực như cũ. Mệt mỏi do suy nhược thần kinh thì dường như không có nguyên nhân, nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không thể phục hồi được thể lực, thậm chí càng ngủ càng cảm thấy suy yếu, không có sức. Sự mệt mỏi tăng lên sau hoạt động trí óc hoặc do suy yếu cơ thể. Đi kèm với mệt mỏi là trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, không yên, nằm trên giường cứ suy nghĩ lung tung, khó đi vào giấc ngủ. Khả năng làm việc giảm sút do tình trạng mệt mỏi, do mất khả năng tập trung. Các cơ quan khác của cơ thể cũng thường cảm thấy khó chịu, như tim hồi hộp đập nhanh, tức ngực thở gấp, chán ăn, khó chịu ở dạ dày, đôi khi tiêu chảy, táo bón, kinh nguyệt không đều, chóng mặt, thiếu máu v.v… khiến người bệnh hoài nghi có bệnh nặng trong cơ thể, nhưng khi kiểm tra kết quả nhiều lần chỉ phát hiện một vài vấn đề rất nhỏ, không tương xứng với mức độ mệt mỏi mà họ cảm nhận được.

Một biểu hiện rất thường gặp nữa của suy nhược thần kinh là người bệnh LUÔN NGHI NGỜ MÌNH CÓ BỆNH. Chứng nghi bệnh có thể phát sinh chính từ cảm giác mệt mỏi khó giải thích được của họ. Có thể do những cảm giác khó chịu nào đó trong cơ thể, hoặc từ những kiến thức đọc được trong sách báo, trên mạng internet mà lo sợ mình mắc bệnh, như khi đau đầu cho là hay là mình bị u não, hồi hộp cho là bị bệnh tim, đầy hơi khó chịu trong dạ dày cho là bị viêm loét hoặc ung thư dạ dày. Mặc dù đã được khám toàn diện cẩn thận xét nghiệm nhiều lần, thậm chí chụp CT, điện não đồ, kiểm tra cộng hưởng từ… đều cho thấy các tổ chức cơ quan hoàn toàn tốt, nhưng vẫn không thể loại bỏ được hoài nghi trong đầu người bệnh, họ cho rằng bệnh của mình rất đặc biệt, hoặc kiểm tra có thể bị nhầm, cho nên vẫn tiếp tục tìm bác sĩ nổi tiếng để kiểm tra bằng những phương pháp cao cấp hơn, hy vọng có thể biết được mình bị bệnh gì.

Nguyên nhân gây bệnh suy nhược thần kinh

Bệnh  suy nhược thần kinh xuất hiện do chấn thương tâm lý kéo dài.

Stress


Thường là nhiều sang chấn tích lại, cường độ thường trường diễn, làm cho người bị sang chấn luôn ở trạng thái lo âu, áy náy, căng thẳng nội tâm. Trạng thái đó không tìm ra được phương hướng giải quyết, tức là người bệnh luôn ở trạng thái tự kiềm chế, ức chế (lúc đầu còn bù trừ, nhưng về sau do một yếu tố không thuận lợi, bệnh phát sinh).
Suy nhược thần kinh phải có stress tâm lý, nếu không chỉ là hội chứng suy nhược.


Nguyên nhân chính của bệnh là sự căng thẳng cảm xúc kéo dài dẫn đến suy nhược thần kinh. Gọi là bệnh tâm căn suy nhược, nếu bệnh chủ yếu do chấn thương tâm thần gây ra. bệnh tâm căn suy nhược là một trạng thái mệt mỏi, dễ bị kích thích, kèm theo lo âu.
Do những nhân tố gây chấn thương tâm thần tác động trên người bệnh, thông thường cường độ không mạnh lắm nhưng kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu là do các chấn thương tinh thần và hoàn cảnh xung quanh kéo dài như mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và yêu cầu xã hội, thất bại trong công việc và đời sống, mâu thuẫn và bất hòa với tập thể, bị nghi ngờ oan uổng, mâu thuẫn trong đời sống cá nhân và gia đình, thất bại trong tình yêu, vợ chồng không hòa hợp, con cái bị tàn tật, bị hư hỏng, người thân chết, xung đột giữa nhân cách người bệnh với môi trường sinh sống xung quanh. Yếu tố chấn thương tinh thần gây bệnh có thể ít hay nhiều, thường gặp chấn thương trường diễn kế tục nhau hoặc kết hợp với nhau.
Bệnh suy nhược thần kinh thường xuất hiện từ từ sau một thời gian sang chấn và biểu hiện rõ khi gặp thêm một nhân tố thúc đẩy. Các nhân tố thúc đẩy như loại hình thần kinh yếu, lao động trí óc quá mức, quá mệt mỏi, cuộc sống quá căng thẳng, nơi sống và nơi làm việc có nhiều nhân tố kích thích, tiếng ồn, điều kiện làm việc phức tạp, những bệnh viêm nhiễm mạn tính: viêm mũi, viêm túi mật, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng; những bệnh nhiễm độc mạn tính: nhiễm độc rượu, thiếu dinh dưỡng kéo dài, kiệt sức, thiếu ngủ lâu ngày.

Nhân cách

Theo Paplov, thường gặp ở loại hình trung gian yếu hay loại mạnh không thăng bằng, tính cách lặn vào trong (introvertre), Biểu hiện thường luôn luôn trật tự, ngăn nắp, ít xã giao, luôn thận trọng, hay tự kiểm tra mình, hay lo xa nghĩ kỹ.

Môi trường cơ thể


Đóng vai trò khởi tác phương thức tác động:
– Khởi tác thúc đẩy, đẩy giai đoạn bù trừ đến mất bù trừ.
– Làm suy yếu, yếu tố cơ thể và hoạt động thần kinh cao cấp, tạo điều kiện cho stress tác dụng gây bệnh. Ví dụ như : vợ chồng ly hôn, đột nhiên bệnh nhân bị sốt xuất huyết rồi xuất hiện thần kinh suy nhược. Cần hiểu nguyên nhân do stress hay do sốt xuất huyết.


Cơ chế phát sinh suy nhược thần kinh rất phức tạp, theo các thầy thuốc Nga từ lúc bắt đầu mắc bệnh đến khi hình thành các thể lâm sàng, quá trình sinh ký não biến đổi qua 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn tương ứng với dấu hiệu lâm sàng nhất định, bệnh lý chủ yếu của bệnh tâm căn suy nhược là rối loạn liên hệ lưới – vỏ não. Do đó các dòng xung đột từ bên ngoài vào không được sàng lọc qua tổ chức lưới thân não dồn cả lên vỏ não. Vì thế vỏ não không chịu đựng nổi dẫn đến sự suy yếu ức chế, suy yếu quá trình hưng phấn và cuối cùng hậu quả của sự quá căng thẳng quá trình thần kinh tâm thần trong vỏ não đi đến sự ức chế giới hạn.
Giai đoạn đầu do tính chất suy yếu quá trình ức chế trong bệnh cảnh lâm sàng biểu hiện trạng thái kích thích, bùng nổ, khí sắc dao động trong ngày, mất tập trung, khó ngủ. Giai đoạn hai suy yếu quá trình hưng phấn, biểu hiện chống mệt mỏi, bối rối, giảm chú ý, đau đầu, dễ cảm xúc. Giai đoạn ba ức chế, giới hạn bảo vệ tế bào thần kinh não, tránh những kích thích quá mức, hậu quả là suy yếu cả quá trình ức chế và quá trình hưng phấn, biểu hiện trạng thái ức chế, bàng quan, vô cảm hoặc trầm cảm, có khuynh hướng phát sinh ám ảnh sợ. Các giai đoạn sinh lý bệnh trên trong quá trình thay đổi gây nên các triệu chứng rất đa dạng và phức tạp.
Bệnh cảnh lâm sàng điển hình có 3 triệu chứng cơ bản :

Triệu chứng của suy nhược thần kinh

1. Hội chứng suy nhược thần kinh

A. Trạng thái kích thích suy nhược:


Bản chất biểu hiện một số suy yếu về quá trình ức chế, tức là bệnh nhân ở trạng thái hưng phấn lan tỏa.
Biểu hiện: bệnh nhân dễ cáu kỉnh, dễ kích thích, dễ nhạy cảm với các kích thích, thông thường khó tập trung, khó nhớ. Bệnh nhân dễ bị kích thích, bất cứ 1 kích thích nhỏ nào cũng làm cho bệnh nhân khó chịu như tiếng ồn ngoài phố, tiếng nói chuyện to, tiếng cười, tiếng động của 1 vật rơi… tất cả đều làm cho người bệnh bực tức. Sự kích thích dễ bùng và cũng dễ tắt để thay thế nhanh bằng phản ứng suy nhược, chóng mệt mỏi, có thể hưng phấn làm việc hăng hái 1 thời gian nhưng sau đó lại suy nhược kéo dài. Lúc đầu người bệnh phản ứng, bực tức trong gia đình, trong công việc về sau trong mọi trường hợp. Do dễ bị kích thích người bệnh tỏ ra thiếu nhẫn nại, ai làm điều gì không vừa ý hoặc chậm trễ thì gắt gỏng bực tức ngay, nóng nảy, cáu gắt, phản ứng quá mức. Bệnh nhân kém kiên nhẫn, không chịu nổi khi phải chờ đợi, đợi tàu xe lâu người bệnh cảm thấy sốt ruột, đi đi lại lại không chịu ngồi yên 1 chỗ. Khi có ý định làm việc gì bệnh nhân muốn nôn nóng làm ngay nhưng khó làm, lại mau chán, mệt mỏi hay bỏ cuộc. Thời kỳ đầu nghỉ ngơi còn đỡ mệt, về sau nghỉ ngơi cũng không có tác dụng.

Căn nguyên sang chấn tâm lý (Stress) gây ra với bộ ba triệu chứng hay găp là đau đầu, mất ngủ, kích thích suy nhược, và các triệu chứng cơ thể vô cùng đa dạng như tức ngực, khó thở đau cột sống, tê tay chân, giảm tình dục…, đây là bệnh rối loạn chức năng chưa có tổn thương thực thể. Tuy nhiên, hiện nay người ta đã khẳng định rằng, các rối loạn chức năng này nếu không sớm được khắc phục và điều trị sẽ dẫn đến tổn thương thực thể.

B. Đau đầu:


Bệnh nhân có cảm giác căng hơn là đau dữ dội, căng đau lan tỏa hơn là đau khu trú, căng đau bề nông hơn là đau bề sâu, đau luôn thay đổi, phụ thuộc vào trạng thái cảm xúc (khác u não: đau dữ dội khu trú, chiều sâu, thuốc giảm đau không đỡ).
Người bệnh thường than phiền đau đầu âm ỉ, đau toàn bộ hay khu trú ở vùng trán, vùng đỉnh đầu hoặc vùng thái dương. Có cảm giác như đội mũ, thắt khăn chặt, đau đầu tăng lên khi có kích thích, suy nghĩ, lo lắng có thể kèm theo chóng mặt, choáng vángThời gian xuất hiện nhức đầu rất khác nhau tuỳ từng bệnh nhân, có thể đau suốt ngày hoặc 1 vài giờ, nhức đầu thường tăng lên khi xúc động hay mệt mỏi và giảm khi thoải mái, ngủ tốt.

C. Rối loạn giấc ngủ: 87% là mất ngủ, còn 5% là ngủ nhiều.


– Ít ngủ: do trạng thái kích thích suy nhược, càng không ngủ thì càng hưng phấn lan tỏa. Giấc ngủ nông dễ mộng, tần số mộng tăng và phần nhiều là ác mộng.
Mất ngủ cũng là một trong những triệu chứng chủ yếu của suy nhược thần kinh. Có một số người ngủ ít, nhưng ban ngày họ vẫn có thể tràn trề tinh thần làm việc, học tập, đầu óc rất sáng suốt, tình cảm rất bình ổn, rất ít bực bội, tức giận. Còn mất ngủ do suy nhược thần kinh thì giấc ngủ thường không sâu, có nhiều chiêm bao mộng mị, có người nằm mãi không ngủ được, trằn trọc nóng lòng chờ giấc ngủ vì thế lại càng không ngủ được, có người chỉ ngủ được đến nửa đêm rồi tỉnh dậy dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không sao ngủ được, có người thức trắng suốt đêm. Ánh sáng, tiếng động, tiếng ồn ào làm cho người bệnh khó ngủ, sáng dậy người bệnh mệt rã rời; uể oải, cảm thấy toàn thân nặng nề đặc biệt là tay chân. Ban ngày người bệnh lại buồn ngủ, ngủ gà nhưng lên giường nằm lại không ngủ được và dùng thuốc an thần không có kết quả hoặc kết quả không đáng kể.

– Ngủ nhiều: vì trạng thái trên kéo dài gây suy yếu cả trạng thái hưng phấn lan tỏa. Bệnh nhân mộng nhiều phần nhiều là ác mộng. Bệnh nhân ngủ dễ nhưng mệt mỏi.

2. Rối loạn cảm giác, giác quan.


Hoa mắt, choáng mặt, nóng lạnh, đau buốt. Rối loạn trên gặp nhiều và thường thay đổi trạng thái tâm lý bệnh vì bệnh nhân luôn ở trong trạng thái dễ nhạy cảm và phần nào cũng dễ bị ám thị.
Các triệu chứng cơ thể và thần kinh: đau cột sống, mỏi cổ, đau thắt lưng, buốt xương sống, rối loạn cảm giác, giác quan và nội tạng : chóng mặt, hoa mắt, mờ mắt, cảm giác đau nhức cơ, cảm giác khó chịu ngoài da như
kiến bò, kim châm, nóng lạnh, tê, buồn… tăng phản xạ gân xương : run tay, run lưỡi, mi mắt…

3. Rối loạn thần kinh thực vật nội tạng.

  • Tim mạch: hồi hộp, đau vùng ngực, nhịp nhanh, có thể có thổi tâm thu.
  • Tiêu hóa: cảm giác buồn nôn, nôn, ăn không ngon, trướng bụng, đầy hơi, táo bón.
  • Sinh dục, tiết niệu:
    + Nam: bất lực sinh dục.
    + Nữ: rối loạn kinh nguyệt.
    Đó chỉ là những rối loạn chức năng. Nếu là thực thể thì lại là bệnh cơ thể tâm sinh (bệnh cơ thể xảy ra sau một stress tâm lý).
  • Rối loạn cảm xúc: khí sắc trầm, dễ mủi lòng, dễ xúc động (trạng thái trầm cảm nhẹ).
  • Lo lắng: là một triệu chứng của tất cả các bệnh tâm căn, càng lo âu thì bệnh càng tiến triện nặng. Nếu nó nổi bật thành hội chứng thì sẽ chẩn đoán là bệnh lo âu tâm can.
  • Tiêu chuẩn khác: khó chú ý chủ động, khó tập trung, khó thở.

Các rối loạn thần kinh thực vật nội tạng rất đa dạng: mạch không ổn định khi nhanh khi chậm, huyết áp dao động với chiều hướng hạ, đánh trống ngực, đau vùng tim, tiếng thổi tâm thu chức năng, cảm thấy khó thở, hụt hơi không liên quan tới suy tuần hoàn, hô hấp. Thân nhiệt tăng hoặc giảm nhẹ, không đều ở các khu vực khác nhau trong cơ thể. Rối loạn tiêu hóa : đầy bụng, táo bón, ăn mất ngon, chán ăn, tăng tiết mồ hôi ở tay, chân hay khắp người. Di tinh, xuất tinh sớm, liệt dương, lãnh khí, rối loạn vòng kinh, đau bụng khi hành kinh, tăng hay giảm bạch cầu, đường huyết, các rối loạn trên thường biến đổi và đặc biệt tăng hay giảm theo tác động tăng hay giảm của yếu tố chấn thương tâm thần.
Các triệu chứng tâm thần: rối loạn cảm xúc, cảm xúc không ổn định, Bệnh nhân dễ xúc động, mủi lòng, dễ khóc, lo lắng, mất tự chủ, khí sắc giảm, không cầm được nước mắt khi xem phim, hồi hợp lo âu, lo lắng về bệnh tình, càng lo âu bệnh càng tiến triển xấu, bệnh càng tiến triển xấu lại càng lo âu, khí sắc hơi trầm, giảm nhiệt tình trong công việc, có khi mất hứng thú cả những thú vui trước đây. Khả năng tập trung chú ý kém, trí nhớ giảm sút nên khả năng học tập và công tác đều bị hạn chế.
Người bệnh thường than phiền trí nhớ giảm sút thường hay quên đồ dùng hàng ngày, quên tên những người vừa mới gặp, quên công việc mới giao nhận hôm trước, nhưng quá trình phát triển bệnh của mình ra sao đã khám và điều trị ở đâu thì người bệnh lại nhớ rất tỉ mỉ. Hành vi tác phong của người bệnh cũng thay đổi, đi lại hối hả, đứng ngồi không yên, động tác không dứt khoát, ngón tay run rẩy.

Bạn nên nhớ các triệu chứng kể trên không nhất thiết xuất hiện đầy đủ và có mức độ giống nhau ở tất cả mọi bệnh nhân, có thể 1 nhóm triệu chứng nào đó biểu hiện rõ nét hơn.
Các thể lâm sàng:

Bệnh suy nhược thần kinh biểu hiện rất đa dạng, phần lớn các tác giả căn cứ vào các triệu chứng chiếm ưu thế trong bệnh cảnh mà chia ra các thể lâm sàng khác nhau.
Thể cường: nét nổi bật là bệnh nhân dễ kích thích, dễ phản ứng, cảm xúc không ổn định, dễ xúc động, hồi hộp, lo âu, hưng phấn vận động, đứng ngồi không yên, có bệnh nhân tăng tình dục, khó ngủ, dễ thức giấc, các triệu chứng rối loạn thực vật nội tạng xuất hiện rầm rộ.
Thể nhược: đặc trưng là bệnh nhân chóng mệt mỏi, suy yếu, khí sắc giảm, dễ mủi lòng hờn dỗi, khả năng lao động giảm sút, ngủ không ngon sáng dậy thấy mệt, ban ngày lại buồn ngủ thường buổi trưa khá hơn, buổi chiều lại mệt mỏi. Gặp những kích thích mạnh bệnh nhân đáp ứng yếu, ngược lại đối với kích thích nhẹ bệnh nhân đáp ứng mạnh. Có triệu chứng rối loạn thực vật nội tạng đa dạng nhưng không nặng, một số bệnh nhân trở nên gầy yếu suy kiệt.
Thể trung gian: bệnh cảnh lâm sàng biểu hiện các trạng thái kích thích lẫn suy nhược, khí sắc có khuynh hướng giảm, bàng quan, có khi trầm cảm, có ám ảnh sợ hãi, khả năng lao động lên xuống thất thường khi thì hưng phấn khi thì giảm sút, có nhiều rối loạn thực vật nội tạng.

Người bị suy nhược thần kinh thường không được can thiệp sớm do đó để lại hậu quả tâm lý thêm nặng nề và gây tốn kém cho người bệnh. Chẳng hạn người bị đầu óc quay cuồng, đau đầu dữ dội thường đi đến khoa thần kinh; người tim hồi hộp tức ngực, mạch nhanh thở gấp thường đến khoa tim mạch; người ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi thường đến khoa tiêu hoá; người kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục thường đến khoa phụ sản hoặc khoa tiết niệu; người tinh thần mệt mỏi, ngày càng sụt cân thường đến khoa nội tiết; người mất ngủ nghiêm trọng, lo lắng không yên thường đến khoa nội v v… Các khoa ở bệnh viện đa khoa, dường như đều có thể tìm thấy bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, mặc dù các bác sĩ luôn cho biết kiểm tra chưa phát hiện có bệnh ở cơ quan nào. Nhưng bệnh nhân thường tự chuyển khoa hoặc chuyển viện tiếp tục tìm nguyên nhân gây bệnh, hoặc tìm bác sĩ nổi tiếng, thuốc linh nghiệm để làm giảm đau khổ cho mình, nhưng lại không muốn hoặc không nghĩ ra đi đến khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị. Họ không hiểu, cũng không có nhận thức vấn đề tâm lý và trạng thái tình cảm có ảnh hưởng then chốt đối với cảm giác cơ thể và chức năng ngủ.

Điều trị suy nhược thần kinh theo tây y

Theo tây y bệnh suy nhược thần kinh là 1 bệnh do căn nguyên tâm lý với những nhân tố thúc đẩy phức tạp, bệnh có nhiều triệu chứng nên biện pháp điều trị chủ yếu là phương pháp tâm lý đồng thời kết hợp dùng thuốc điều trị triệu chứng.

1. Điều trị triệu chứng.


Giảm đau (đau đầu, đau lưng…) bằng thuốc, châm cứu, xoa bóp, lý liệu pháp, ám thị….
– Mất ngủ: dùng thuốc ngủ.
– Lo âu: thuốc trấn tĩnh, giảm lo âu.
– Chống trầm cảm (bệnh nhân có hội chứng suy nhược: seduxen), giảm đau, gây ngủ, giảm lo âu, trấn tĩnh.

2. Điều trị bệnh nguyên, bệnh sinh.


– Chủ yếu là biện pháp tâm lý:
+ Loại trừ được stress.
+ Tăng khả năng phản ứng.
+ Tạo ra trạng thái tâm lý ổn định thoải mái (thư giản, luyện tập, tọa đàm tâm lý).
– Bồi dưỡng nhân cách cho bệnh nhân, làm cho bệnh nhân vững vàng chống đỡ stress, liệu pháp gia đình, tọa đàm tâm lý, tâm lý nhóm, tâm lý tác phong.

3. Điều trị toàn diện.


– Loại trừ bệnh cơ thể.
– Bồi dưỡng cơ thể bằng chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi.
– Loại trừ bệnh nguyên.
– Loại trừ tác động của stress.
– Giáo dục từ nhỏ do loại trừ những nhân cách mạnh.
– Tạo một tâm lý hoàn toàn thoải mái, tạo được một cơ thể lành mạnh, khỏe mạnh.

Điều trị cụ thể:

Dùng thuốc chữa triệu chứng, tùy theo trạng thái bệnh mà chỉ định các thuốc điều trị khác nhau, thường dùng các loại thuốc an thần nhẹ.
  • Trạng thái kích thích suy nhược: dùng méprobamate, librium, seduxen liều 10 – 30mg/ngày chia làm 2 lần sáng và tối, vitamin B1, vitamin B6.
  • Nhức đầu: hay dùng là các dẫn chất của paracetamol. Các thuốc này có đặc điểm là tác dụng nhanh nhưng bất lợi là độc với gan nếu dùng liều cao và thường xuyên. Khi sử dụng nên dùng xa bữa ăn, uống với nhiều nước. Dùng các thuốc giảm đau analgin, seda, APC, hỗn hợp thần kinh 2 – 4 viên/ngày.
  • Mất ngủ : không dùng gardenal mà dùng các loại thuốc an thần gây ngủ bằng tân dược hoặc đông dược, seduxen, elenium, stilnox liều 10 – 20mg uống trước khi đi ngủ, nhưng chỉ dùng liều thấp và trong 1 thời gian ngắn. Các thuốc an thần đông dược có tác dụng tốt như viên sen vông, cao lạc tiên…
  • Lo âu: Thuốc an thần, trấn tĩnh: nên dùng các thuốc có tác dụng an thần nhẹ, trấn tĩnh. Tuy nhiên nhóm thuốc này thường gây quen thuốc nên sử dụng cần thận trọng. dùng seduxen, librium, elenium, ananxyl… liều 10 – 30mg/ngày chia làm 2 – 3 lần uống kết hợp với liệu pháp tâm lý.
  • Trầm cảm : amitriptyline liều 50 – 100mg/ngày, stablon (tianeptine) 10 – 30mg/ngày.
    Rối loạn thực vật nội tạng : tuỳ theo từng rối loạn mà có biện pháp điều trị riêng
Bệnh nhân không nên tự động dùng thuốc mà cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc để sử dụng cho hợp lý, tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Liệu pháp tâm lý: phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý là 1 phương pháp khoa học đồng thời là 1 nghệ thuật. Thầy thuốc bằng thái độ ân cần, niềm nở, tìm hiểu được tình hình bệnh tật, hoàn cảnh sinh sống và công tác của họ, trên cơ sở đó mà gây được niềm tin tưởng cho người bệnh. Giải thích hợp lý làm cho bệnh nhân hiểu được bản chất và nguyên nhân gây bệnh. Thuyết phục bệnh nhân tin tưởng vào toàn bộ kế hoạch điều trị, hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc trong việc chữa bệnh, hạn chế tác nhân gây sang chấn.
Thầy thuốc phải tổ chức hướng dẫn các phương pháp luyện tập khí công, liệu pháp thể dục, thư  giãn luyện tập để người bệnh biết các phương pháp tự chữa bệnh. Liệu pháp thư  giãn luyện tập đã chữa khỏi hầu hết các trường hợp tâm căn suy nhược kể cả những trường hợp bệnh đã kéo dài hàng năm.
Nói vậy, đó là mặt lý thuyết, song trong thực tế nhiều khi lại rất khó khăn, đòi hỏi sự hòa hợp, sự tin tưởng, sự cảm thông… giữa thầy thuốc và bệnh nhân thì chẩn đoán và điều trị mới mang lại kết quả cao. Vì ai cũng biết, trừ một số sang chấn có thể khai thác dễ dàng (như người thân mất, cháy nhà mất của…), còn lai họ thường dấu kín không cho thầy thuốc biết, nhất là lại động chạm tới vấn đề tế nhị nhậy cảm (như tham vọng cá nhân, chuyện vợ chồng, con cái hư hỏng …).


Các phương pháp chữa bệnh bằng xoa bóp, châm cứu, liệu pháp vật lý cũng có tác dụng tốt. Kết hợp với các thuốc giải lo âu, giải thích và ám thị làm cho bệnh nhân mất trạng thái lo âu.
Liệu pháp vật lý có nhiều phương pháp: tắm nước nóng hàng ngày 10 – 15 phút, liều điều trị 10 – 20 ngày : tắm nước muối hoặc nước khoáng ấm liều như trên.
Hạn chế các yếu tố thúc đẩy, cải thiện điều kiện lao động và sinh hoạt hợp lý có kế hoạch; điều trị các bệnh thực thể mạn tính kèm theo, chú trọng đảm bảo dinh dưỡng, bồi dưỡng cơ thể, tổ chức các cơ sở điều dưỡng tốt đối với người đã bị bệnh lâu ngày.

Phòng tránh bệnh suy nhược thần kinh như thế nào?


Bệnh thần kinh suy nhược có thể chữa khỏi và có thể đề phòng được, áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh chung. Ngoài ra đối vơí bệnh nhân suy nhược thần kinh cần chú ý đến những điểm sau đây: xây dựng mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong gia đình, cơ quan, tập thể, tránh các chấn thương tâm thần mạn tính; khắc phục các tình trạng căng thẳng, cảm xúc mệt mỏi; tổ chức lao động và sinh hoạt hợp lý giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa lao động với nghỉ ngơi giải trí; tạo điều kiện giảm bớt tiếng ồn, tiếng động trong sản xuất cũng như ở môi trường sinh sống, đảm bảo giấc ngủ tốt, rèn luyện thân thể, rèn luyện nhân cách vững mạnh, phát hiện điều trị kịp thời các bệnh thực thể.
Nguyên nhân của tất cả các biểu hiện trên đây là do áp lực tinh thần, cho nên phải bắt tay vào giải quyết vấn đề tinh thần trước, có nghĩa là muốn loại bỏ sự mệt mỏi do suy nhược thần kinh, phải bắt đầu từ vấn đề điều chỉnh tâm lý, trên khía cạnh tinh thần. Bác sĩ hiểu rõ bản chất bệnh của họ; vì thế người bị suy nhược thần kinh cho dù có triệu chứng thân thể loại nào, nên đến khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị là hợp lý nhất
Cuối cùng việc điều trị cho bệnh nhân, cơ bản phải dùng Liệu pháp tâm lý giải thích hợp lý cho bệnh nhân, loại trừ sang chấn tâm lý phối hơp với dùng thuốc. Nhưng vấn đề ở đây là dùng thuốc gì và dùng như thế nào? Như trên ta đã nói dùng thuốc tây chủ yếu chữa triệu chứng, tùy theo trạng thái bệnh mà chỉ định các thuốc điều trị khác nhau, thường dùng các loại thuốc an thần nhẹ nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, có khi còn tai hại như Seduxen dùng lâu gây nghiện … Vậy nên bạn nên điều trị bằng thuốc đông y hiệu quả an toàn hơn!


Chữa suy nhược thần kinh theo đông y

  • Suy nhược thần kinh là một bệnh được miêu tả trong phạm vi nhiều chứng bệnh của y học cổ truyền: kinh quý, chính xung, kiện vong, đầu thống, di tinh, thất miên…
  • Nguyên nhân: sang chấn tinh thần, lo nghĩ căng thẳng quá độ, cơ địa thần kinh yếu (tiên thiên không đầy đủ) dẫn tới công năng (tinh, khí, thần) của các tạng phủ là tâm, can, thận bị rối loạn.
Phân loại thể bệnh và cách chữa bệnh của y học cổ truyền cũng gần giống các giai đoạn rối loạn thần kinh chức năng, cách chữa bệnh chủ yếu là dùng tâm lý liệu pháp và khôi phục lại quá trình ức chế vỏ não của y học hiện đại.

Phân loại các thể theo đông y

1. Can khí uất kết.

Tương ứng với các giai đoạn hưng phấn tăng và do sang chấn tập trung gây bệnh.
A, Triệu chứng: nhức đầu vùng đỉnh và thái dương, nhức từng cơn, khó ngủ hay thức giấc, hay cáu giận, buồn bực, thở dài, đầy tức hại mạng sườn, bụng trướng đầy hơi, có thể ợ hơi, biếng ăn, mạch huyền.
B, Pháp : sơ can, lý khí, giải uất, an thần.
C, Bài thuốc:
– Kinh nghiệm.
Câu đằng 12g Tơ hồng 8g
Cúc hoa 8g Hương phụ 8g
Thảo quyết minh 12g Chỉ xác 8g
Cam thảo dây 12g Uất kim 8g
– Cổ phương.
+ Bài Tiêu giao thang gia giảm:
Sài hồ 12g Thanh bì 8g
Chỉ xác 8g Hoàng cầm 12g
Cam thảo 6g Đại táo 8g
Bạch linh 12g Bạc hà 8g
Đại táo 12g Bạch truật 12g
Uất kim 8g Bạch thược 12g
Hương phụ 8g
+ Bài Lý khí giải uất thang:
Hương phụ 12g Chỉ xác 8g
Uất kim 12g Bạch linh 12g
Bạch truật 12g
Gia giảm :
  • Nếu hưng phấn tăng (uất hóa hỏa) thì gia: Đan bì 8g, Chi tử 12g.
  • Hồi hộp hay ngủ mê, táo, rêu vàng, mạch huyền hoạt (đàm hỏa uất kiết) thì gia: Trúc nhự 6g, Bán hạ chế 8g.
  • Khó thở, ngực tức, nuốt khó (đàm khí trở trệ) thì gia thêm: Tô ngạnh 8g, Hậu phác 8g, Bán hạ chế 8g.
– Châm cứu các huyệt Thái xung, Nội quan, Thần môn.
+ Nhức đầu thì gia: Phong trì, Bách hội, Thái dương.
+ Nếu đàm hỏa, đàm uất thì gia: Túc lâm khấp, Đởm du…

2. Can tâm hư

Tương ứng với giai đoạn ức chế thần kinh, chia làm mấy thể sau:
2.1 Âm hư hỏa vượng(âm hư, dương xung).
Tương ứng với giai đoạn ức chế giảm, hưng phấn tăng.
A, Triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, hay quên, hồi hộp, hay động, vui buồn thất thường, ít ngủ, hay mê, miệng họng khô, người hay bừng nóng, nước tiểu đỏ, mạch huyền tế sác.
B, Pháp: tư âm giáng hỏa, bình can tiềm dương, an thần.
C, Bài thuốc:
– Kinh nghiệm.
Kỷ tử 12g Cúc hoa 18g
Sa sâm 12g Câu đằng 16g
Thạch hộc 12g Long cốt 16g
Mạch môn 12g Táo nhân 8g
Đan cốt bì 8g Hạ khô thảo 8g
Trạch tả 12g Mẫu lệ 12g
Cổ phương:
+ Ký cúc địa hoàng thang gia câu đằng, Sa sâm, Mạch môn, Táo nhân, Bá tử nhân.
+Chu sa an thần hoàn gia giảm.
Sinh địa Đương quy
Bạch thược Mạch môn
Chu sa Cam thảo
Hoàng liên Táo nhân
Phục linh
  • Nếu tinh thần hoảng hốt, hay xúc động gia Cam thảo.
  • Hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp gia Mẫu lệ 12g, Chân châu mẫu 40g.
+ Lục vị gia Ngũ vị tử, Táo nhân, Thạch hộc, Hoàng liên.
+ Điều trị thận âm hư gây hội chứng tâm thận bất giao, mất ngủ, hồi hộp nhức trong xương, đau lưng, di tinh, ù tai, hay quên.
2.2. Tâm,can, thận hư.
Nặng về ức chế giảm, ít vì hưng phấn tăng (nặng về triệu chứng của thận âm, can huyết, tâm âm hư, ít triệu chứng về dương xung).
A, Triệu chứng: đau lưng, ù tai, ít ngủ, nhức đầu, tiểu tiện trong, đại tiện ít, miệng khô, mạch tế.
B, Pháp: bộ thận âm, bổ can huyết, an thần, cố tinh.
Có thể thêm một số thuốc trợ dương: Thỏ ty tử, Ba kích, Tục đoạn, Cẩu tích…
C, Bài thuốc:
– Kinh nghiệm:
Thục địa 12g Khiếm thực 8g
Kỷ tử 12g Kim anh tử 8g
Hoàng tinh 12g Thỏ ty tử 8g
Hà thủ ô 12g Tục đoạn 12g
Táo nhân 8g Ba kích 8g
Bá tử nhân 8g Long nhãn 8g
– Cổ phương:
+ Tả quy hoàn gia giảm (không có nội nhiệt).
Thục địa 12g Lộc giác giao 12g
Hoài sơn 12g Ngưu tất 12g
Thỏ ty tử 8g Quy bản 12g
Sơn thù 12g Táo nhân 8g
Kỷ tử 12g Bá tử nhân 8g
+ Lục vị quy thược gia giảm:
Thục địa 12g Bạch thược 8g
Kim anh 12g Hoài sơn 8g
Đương quy 8g Khiếm thực 12g
Sơn thù 12g Táo nhân 8g
Trần bì 8g Bá tử nhân 8g
Phục linh 8g Liên nhục 12g
Phụ tử chế 4g
2.3. Tâm tỳ hư
Ức chế thần kinh giảm, suy nhược, ăn kém.
A, Triệu chứng: ngủ ít, kém ăn, sút cân, người mệt mỏi, hai mắt thâm quầng, hồi hộp, ít nhức đầu, rêu lưỡi trắng, mạch nhu tế hoãn.
B, Pháp: dưỡng tâm kiện tỳ (kiện tỳ an thần).
C, Bài thuốc:
– Kinh nghiệm:
Bạch truật 12g Đảng sâm 12g
Hoài sơn 12g Ý dĩ 12g
Liên nhục 12g Long nhãn 8g
Táo nhân 8g Bá tử nhân 8g
Kỷ tử 12g Đỗ đen sao 12g
Cổ phương: dùng bài Quy tỳ thang xem thêm tại đây
2.4. Thận âm,thận dương hư (tương ứng với giai đoạn III)
A, Triệu chứng: Sắc mặt trắng, tinh thần ủy mị, gối mỏi, di tinh, liệt dương, sợ lạnh, lưng và chân tay lạnh, ngủ ít, tiểu tiện trong bài nhiều lần, lưỡi đạm nhạt, mạch tế vô lực.
B, Pháp: ôn thận dương, bổ thận âm, an thần, cố tinh.
C, Bài thuốc:
– Kinh nghiệm:
Thục địa 12g Nhục quế 8g
Kim anh 12g Hoàng tinh 12g
Ba kích 12g Khiếm thực 12g
Kỷ tử 12g Thỏ ty tử 12g
Táo nhân 8g Phụ tử 4g
Tục đoạn 12g Liên nhục 12g
– Cổ phương:
+ Thận khí hoàn gia giảm:
Thục địa 12g Kim anh 12g
Hoài sơn 8g Khiếm thục 12g
Sơn thù 12g Ba kích 12g
Phục linh 8g Thỏ ty tử 12g
Trạch tả 8g Phụ quế 8g
Đan bì 4g Nhục quế 4g
Táo nhân 8g Đại táo 12g
Viễn chí 6g
+ Hữu quy hoàn:
Thục địa 12g Đỗ trọng 8g
Sơn thù 8g Phụ tử chế 8g
Sơn dược 12g Nhục quế 4g
Kỷ tử 12g Táo nhân 8g
Cao ban long 12g Viễn chí 8g
 Chú ý: Tác động tâm lý sau khi các triệu chứng  suy nhược thần kinh đã đỡ hơn, củng cố kết quả bằng bố trí công tác thích hợp, dùng thuốc bột, thuốc viên một thời gian nhằm củng cố quá trình ức chế.  Hướng dẫn bệnh nhân một số phương pháp chữa trị, xoa bóp, khí công dưỡng sinh, thể dục…







No comments:

Post a Comment