LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT



LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT
http://truthlady3.blogspot.com/2016/11/link-post-truthlady3blogspot.html

goosee
The Sound of Silence

Saturday, March 3, 2018

Truyền Thống Sinh Động của Thiền toàn tập





  • Truyền Thống Sinh Động của Thiền Tập - I
    Nội dung là những bài giảng các kinh điển chính yếu và chưa chế biến của thời Bụt còn tại thế. Thêm vào đó là những sử liệu minh chứng đạo Bụt ở nước ta hồi đó là được truyền trực tiếp từ Ấn Độ sang chứ không phải từ Trung Quốc như nhiều sách sử ghi lại.
  • Truyền Thống Sinh Động của Thiền Tập - II
    Trình bày những Thiền phái lớn ở Việt Nam kể từ thế kỷ thứ Ba trở về sau. Nội dung gồm các phương pháp hành trì, những giáo pháp của chư tổ, cùng cách du nhập và phát triển của từng Thiền phái tại Việt Nam hồi đó.


  • Truyền Thống Sinh Động của Thiền Tập - III
    Dành cho những Phương pháp tu tập Làng Mai. Nội dung gồm những thực tập dựa trên giáo điển thời nguyên thỉ để cung ứng những pháp môn thiền tập Đại thừa, thích hợp với việc trị liệu và giải thoát thân, tâm của con người trong thời đại mới. Nền tảng căn bản của những phương pháp này là Hiện Pháp Lạc Trú.    



  • Quyển 03: Chương 02: 2-17 Niệm và công năng của thiền tập

    BƯỚC ĐẦU - THIỀN CHỈ ĐỂ AN TỊNH THÂN, TÂM

    Quý vị nên biết rằng khi thực tập "Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, Thở ra tôi biết tôi đang thở ra" chừng vài phút thì tự nhiên mình thấy hơi thở vào của mình sâu thêm, hơi thở vào của mình chậm lại. Đôi khi mình chưa sang bài tập thứ hai (tức là sâu, chậm), mà lúc thực tập bài thứ nhất (tức là vào, ra) vài lần, thì mình thấy hơi thở mình đã sâu rồi, đã chậm rồi.
    Có nghĩa là mình không thực tập: Tôi đang thở vào và ráng làm cho hơi thở nó sâu, tôi đang thở ra và ráng làm cho hơi thở nó chậm! Vì vậy mà chúng ta không thực tập "Vào ra sâu chậm" một lần. Chúng ta cứ thực tập vào, ra trước đã. Một hồi thì ta nhận ra rằng hơi thở vào, ra nó bắt đầu chậm lại, sâu thêm. Lúc đó ta mới đi sang bài thứ hai là sâu chậm:
    Thở vào, tôi thấy hơi thở vào đã sâu. Thở ra, tôi thấy hơi thở ra đã chậm.
    Thấy đây tức là thấy cái kết quả của bài tập thứ nhất (Vào, ra), nó làm cho hơi thở sâu thêm và chậm lại. Như vậy hai bài thực tập mà tôi vừa giải thích là:
    Bài thứ nhất:  Thở vào, biết thở vào. Thở ra, biết thở ra.
    Bài thứ hai:  Hơi thở vào đã sâu, hơi thở ra đã chậm.
    Trong khi thực tập hai bài này, chúng ta có pháp lạc rất nhiều, tại vì phẩm chất hơi thở đã tăng tiến rồi. Trong khi đi, hoặc trong khi ngồi mà chúng ta thưởng thức cái tính cách chậm rãi và sâu sắc của hơi thở, là chúng ta lấy pháp lạc đó để nuôi thân và nuôi tâm. Cho nên bài tập thứ ba là:
    Thở vào tôi thấy khỏe, thở ra tôi thấy nhẹ.
    Khi phẩm chất của hơi thở đã lên cao, cố nhiên thở vào thì mình thấy khỏe, thở ra mình cũng thấy khỏe. Thở vào mình thấy nhẹ, thở ra cũng thấy nhẹ. Như vậy cái lạc thọ này cũng có công năng nuôi dưỡng tâm và thân của mình.
    Trong kinh An Ban Thủ Ý còn có các bài tập khác, với công năng khác:
    Thở vào tôi làm an tịnh thân hành của tôi. Thở ra tôi làm an tịnh thân hành của tôi.
    Thở vào tôi cảm thấy mừng vui, thở ra tôi cảm thấy mừng vui v.v...
    Những bài tập đó đều là những bài có công dụng nuôi dưỡng tâm và thân của mình.
    Vì vậy cho nên thiền tập, trước hết nó có công dụng nuôi dưỡng.
    Trong giai đoạn đầu, hơi thở có ý thức, hơi thở chánh niệm, nó chỉ là hơi thở thôi. Đối tượng của niệm chỉ là hơi thở đơn thuần, không có gì khác nữa. Chánh niệm của chúng ta chỉ ôm lấy hơi thở thôi. Hơi thở vào và hơi thở ra. Hơi thở đó có thể sâu, có thể chậm, nhưng một hồi thì hơi thở đó trở thành một với chánh niệm và chúng ta có thể đem nó để tiếp xúc với những đối tượng khác.
    Thở vào tôi an tịnh thân hành của tôi. An tịnh tức là làm cho yên, cho lắng lại. Thân hành tức là những hiện tượng thuộc về thân, đối lại với tâm hành. Thân hành là những hiện tượng về sinh lý, và tâm hành là những hiện tượng về tâm lý. Hơi thở bây giờ có mục tiêu làm cho những hiện tượng sinh lý của mình an tịnh trở lại, tại vì trong cơ thể mình có thể có sự bất an. Ví dụ trái tim của mình nó đập loạn xạ, hay trong con người của mình, sự vận hành của các bộ phận trong cơ thể không điều hòa. Thân hành của mình bất an.
    Mình biết rằng tâm mình có nhiều khi bất an, nhưng mình cũng biết rằng thân mình nhiều khi cũng bất an. Tuy ngồi giống như mình ngồi yên, nhưng thân của mình quả nhiên là không yên, lục phủ ngũ tạng đều không yên. Hơi thở này có mục đích đem tới sự yên ổn cho thân thể, và đó là nội dụng của bài tập:
    Thở vào tôi làm an tịnh thân hành của tôi,
    Thở ra tôi làm an tịnh thân hành của tôi.
    Vậy thì sau khi thực tập hơi thở, và hơi thở của mình đã có phẩm chất rồi, thì mình dùng hơi thở có phẩm chất đó để ôm lấy thân của mình. Mình dùng hơi thở đó để xúc tiếp với thân thể của mình, và xúc tiếp tới đâu thì thân thể của mình an tịnh tới đó. Gọi là an tịnh thân hành. Ví dụ khi một sư cô hướng dẫn thiền buông thư, thì tất cả đại chúng thực tập trước hết là an tịnh thân hành. Ban đầu, sư cô dạy mình thở ra, thở vào cho thật êm dịu.
    Khi hơi thở của mình trở thành êm dịu, nhẹ nhàng, có phẩm chất rồi, thì mình mới để ý đến hai vai, mình mỉm cười. Mình dùng chánh niệm và hơi thở, mình ôm lấy hai vai của mình, làm cho sự căng thẳng của hai vai bớt đi. Đó gọi là an tịnh thân hành. Mình chú ý tới những bắp thịt ở trên mặt mình, mình mỉm cười, đem chánh niệm của mình tiếp xúc với những bắp thịt trên khuôn mặt, và mình mỉm cười, thì tự nhiên mấy trăm bắp thịt ở trên mặt mình thư giãn ra. Nụ cười đó làm tiêu tan những căng thẳng. Như vậy gọi là an tịnh thân hành. Có thể con mắt mình rất mỏi, và có thể có sự căng thẳng ở trong mí mắt. Lúc đó mình đưa nụ cười chánh niệm của mình, đưa hơi thở chánh niệm của mình lên trên con mắt, giống như mình ôm lấy nó. Cứ như vậy mình thở, thì cũng giống như mình dùng hơi thở chánh niệm mà ôm lấy hai con mắt của mình, vuốt ve hai con mắt của mình. Thở một hồi như vậy thì sự căng thẳng trên hai mắt của mình sẽ tiêu tán đi.
    Mình có thể dùng phương pháp massage để làm mất sự căng thẳng trên các bắp thịt của mình, nhưng mình cũng có thể dùng hơi thở chánh niệm và nụ cười chánh niệm để làm cho nó thư giãn những bắp thịt trên mặt của mình. Đó gọi là an tịnh thân hành bằng hơi thở chánh niệm. Bây giờ đối tượng, sở duyên của niệm, không còn là hơi thở thuần túy nữa mà nó đã đi sang phạm vi của sinh lý.
    Trong kinh Thân Hành Niệm, Bụt có dạy rằng: Ví dụ mình mặc một cái áo, và cái áo đó trùm hết từ trên đầu xuống đến hai chân, thì cũng như vậy, mình dùng chánh niệm của mình để ôm lấy hết tất cả cơ thể của mình, và làm cho tất cả cơ thể của mình lắng dịu trở lại, an tịnh trở lại, thư giãn trở lại. Đó gọi là an tịnh thân hành.
    Sự thực tập này mình thường làm trong tư thế thiền nằm, nhưng mình cũng có thể làm trong tư thế thiền ngồi. Đó là sự thực tập thương yêu.
    Từ nhận diện hơi thở đơn thuần, mình đi tới gian đoạn ôm ấp lấy thân hành. Đối tượng của chánh niệm bây giờ không còn là hơi thở thuần túy nữa, mà là thân thể. Cũng giống như mình có chiếc xe hơi, và chiếc xe bây giờ có chuyên chở thêm những vật liệu xây cất ở trên đó. Ban đầu chỉ là chánh niệm thôi, bây giờ chánh niệm chuyên chở thêm thân hành nữa. Trong giai đoạn thứ hai này, đối tượng của niệm, sở duyên của niệm, không còn là hơi thở đơn thuần mà nó bao gồm luôn cả thân hành.
    Một hơi thở khác trong An Ban Thủ Ý, Bụt dạy:
    Thở vào tôi làm cho tâm hành của tôi an tịnh.
    Đó là hơi thở an tịnh tâm hành, vì mình thường có những tâm hành không được an tịnh. Ví dụ khi mình sợ hãi, khi mình lo lắng, bồn chồn, giận dữ, tuyệt vọng. Đó là lúc mình có những tâm hành rất xáo trộn, mình có cơn bão tố trong con người của mình. Những lúc như vậy, mình có thể sử dụng bài tập này. Mình ngồi đó hay nằm đó, thực tập hơi thở cho vững chãi, cho có phẩm chất, rồi dùng hơi thở vững chãi và có phẩm chất đó, để ôm lấy những tâm hành xáo trộn của mình, làm cho nó an tịnh trở lại.
    Tôi đang thở vào và làm cho tâm hành của tôi an tịnh trở lại. Khi là người tu mà mình không biết làm chuyện này thì mình chưa phải là người tu. Khi một người tu giận - người tu là người cho nên người tu có thể giận - nhưng điều mình không chấp nhận được là người tu giận mà không biết làm gì cho cái giận của mình! Đó là cái mà mình không chấp nhận, chứ người tu cũng có thể giận, có thể buồn, có thể lo, có thể ghét. Nhưng người tu khác người thường ở chỗ khi có giận, có buồn, có ghét thì mình biết phải làm gì.
    Trước hết mình phải biết làm cho phẩm chất của hơi thở tăng tiến. Sau khi làm được rồi thì mình dùng năng lượng chánh niệm của hơi thở đó để ôm ấp lấy nỗi buồn, nỗi giận, nỗi lo của mình, làm cho nó an tịnh trở lại. Làm cho nó an tịnh bằng phương pháp bất nhị mà mình đã học trước đây. Có nghĩa là mình không đè nén, không tấn công, không xua đuổi tâm hành đó, mà mình chỉ ôm lấy nó một cách rất nhẹ nhàng, như bà mẹ ôm con mà thôi.
    Trong giai đoạn nhận diện đơn thuần, khi thở vào mình chỉ ngồi yên để thở thôi. Mình nói: À đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra. À hơi thở vào này ngắn, hơi thở ra này cũng ngắn. À hơi thở ra này còn hổ hển, à hơi thở ra này bắt đầu êm dịu. Mình cứ nhận diện như vậy một hồi thì tự nhiên hơi thở vào, và hơi thở ra tăng tiến phẩm chất. À hơi thở vào bây giờ nó nhẹ nhàng, sâu hơn trước. À hơi thở vào bây giờ có phẩm chất hơn trước. Đó là nhận diện đơn thuần.
    Đối với tâm hành của mình cũng vậy. Mình không nói: Này cái giận ơi, tới đây ta bảo cho ngươi biết giận như vậy là bậy lắm, ngươi phải đi ra khỏi ta liền lập tức, ta không chấp nhận ngươi là một tâm hành của ta. Hoặc buồn ơi, chào mi, đi chỗ khác chơi. Nói như vậy là không được. Thở vào, tôi biết rằng cơn giận đã phát sinh. Thở ra, tôi biết rằng cơn giận đang có trong tôi. Đó là nhận diện đơn thuần. Nhận diện đơn thuần cái tâm hành của mình mà không có ước muốn tranh đấu, đàn áp, xua đuổi. Như một bà mẹ khi nghe đứa con khóc, bỏ công việc, đi vào phòng, ẵm em bé vào lòng, vậy thôi. Nó là con mình, nó đang đau khổ, mình ôm lấy nó thôi chứ không chê trách, hay có một tâm ý nào khác. Nếu duy trì được chánh niệm, mình tạo ra điều kiện gọi là thứ đệ duyên, đẳng vô gián duyên, và mình ôm lấy em bé đó một thời gian thì tự nhiên cái năng lượng thương yêu và dịu dàng của bà mẹ sẽ đi vào em bé, và em bé tự nhiên cảm thấy dễ chịu và ngừng khóc. Đó gọi là an tịnh tâm hành.
    Thành ra người tu mỗi khi có một nỗi buồn, một nỗi lo, một nỗi giận, thì người tu phải biết thực tập hơi thở, chế tác chất liệu chánh niệm, làm cho hơi thở có phẩm chất rồi dùng hơi thở đó để ôm ấp lấy tâm hành của mình. Trong tư thế ngồi, trong tư thế nằm, trong tư thế đi, mình phải làm công việc đó, nếu không thì ai làm cho mình? Có thể có người bạn cùng ngồi, cùng đi, cùng nằm để yểm trợ cho mình. Nhưng nếu mình không làm thì không có kết quả gì cả cho chính mình.

    Tất cả những điều mình vừa nói, đều thuộc về phạm vi của thiền chỉ. Chỉ tức là làm cho ngưng lại, êm dịu lại. Chỉ cũng có nghĩa là lắng lại, stillness, peace, concentration. Vì vậy khi đi thiền hành hay khi ngồi thiền, hoặc khi mình thở, tất cả đều chỉ với một mục đích là làm cho nó lắng lại, làm cho nó êm dịu lại, ngưng lại bằng phương tiện gọi là nhận diện đơn thuần, không phải bằng phương tiện can thiệp và đàn áp.



    Quyển 01: Chương 04: 4-1 Phương pháp thực tập Kinh An Ban Thủ Ý


    BỐN HƠI THỞ AN TỊNH THÂN HÀNH

    Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, chúng ta thấy hơi thở đầu là:
    Thở vào một hơi dài, ta biết là ta thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, ta biết là ta thở ra một hơi dài.
    Hơi thứ hai là:
    Thở vào một hơi ngắn, ta biết là ta thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, ta biết là ta thở ra một hơi ngắn.

    Chế tác lại các hơi thở
    Nếu theo trình tự đó để thực tập thì không đúng, tại vì khi bắt đầu thực tập, hơi thở của chúng ta thường ngắn, rồi nó mới dài ra từ từ. Trong khi đó, ở trong kinh Tạp A Hàm của Hán Tạng thì kinh An Ban Thủ Ý có hơi khác. Nó giống đến 95%, nhưng kinh An Ban Thủ Ý bắt đầu như sau:
    Thở vào thì biết thở vào; thở ra thì biết thở ra.
    Hơi thứ hai là:
    Thở vào dài hay ngắn thì mình biết thở vào dài hay ngắn. Thở ra dài hay ngắn thì mình biết thở ra dài hay ngắn.
    Thành ra hai hơi thở ở kinh tiếng Pali, trở thành một hơi thở (thứ hai) ở trong kinh Tạp A Hàm.
    Tôi đã phối hợp ba kinh ở trong Tạp A Hàm để dịch lại và đặt tên là kinh An Ban Thủ Ý. Khi ba kinh bằng chữ Hán ở Tạp A Hàm góp lại thành một, thì ta có đủ tất cả chi tiết trong kinh tiếng Pali. Có thể bản phối hợp này còn có thêm một vài chi tiết mới cho mình sử dụng. Trong lần tái bản của kinh Quán niệm Hơi thở, chúng ta có thể đưa thêm vào bản dịch từ Hán tạng.
    Tại Làng Mai, chúng ta thường thực tập những bài thi kệ và nó đã trở thành cổ điển. Rất nhiều người thực tập và thấy có kết quả. Khi nghiên cứu kinh Quán Niệm Hơi Thở và thực tập theo kinh này thì chúng ta phải tham khảo, so sánh với những bài thực tập đó, cùng với những bài thực tập trong cuốn Sen Búp Từng Cánh Hé[1]. Các thầy, các sư cô, các sư chú và các vị thiền sinh nên có một cuốn này để dựa vào mà thực tập.
    Theo kinh Pali, tức là kinh An Ban Thủ Ý[1], thì hơi thở đầu tiên là:
    Thở vào dài, thở ra dài - Hơi thở thứ hai là:
    Thở vào ngắn, thở ra ngắn - Kế đó là:
    Thở vào ý thức toàn thân, thở ra ý thức toàn thân - Hơi thở thứ tư là:
    Thở vào an tịnh thân hành, thở ra an tịnh thân hành.
    Chúng ta có thể thực tập như sau:
    Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra.
    Chúng ta thực tập nhiều lần. Thực tập cho đến lúc thật nhuần nhuyễn, nghĩa là hơi thở vào và hơi thở ra mình nhận diện đây là hơi thở vào và đây là hơi thở ra, thì tự nhiên hơi thở vào đó nó sâu, nó rất dễ chịu, trong người thấy rất khỏe.
    Lúc đó mình mới thực tập tiếp:
    Thở vào tôi thấy hơi thở vào đã dài - Thở ra tôi thấy hơi thở ra đã dài.
    Nhưng khi so sánh với bài "Vào Ra Sâu Chậm" thì tôi thấy hai chữ Sâu Chậm nó hay hơn, và dễ thực tập hơn. Sâu chậm nó cũng có nghĩa là dài, không khác gì hết. Vì vậy mà chúng ta có thể thực tập hơi thở này bằng câu sau đây:
    Thở vào tôi thấy hơi thở vào đã sâu - Thở ra tôi thấy hơi thở ra đã chậm.
    Sâu nhưng không hấp tấp, sâu mà chậm. Trong khi mình thực tập hơi thở sâu chậm này thì lạc thọ phát sinh, thấy rất là khỏe. Thở vào thở ra trong vòng mấy phút thì tự nhiên hơi thở thành ra sâu hơn, và trở nên chậm lại. Phẩm chất của hơi thở đã lớn, tự nó đã lên cao, mình không cần cố gắng gì cả.
    Rồi hơi thở thứ ba là ý thức toàn thân: Thở vào tôi có ý thức về toàn thân của tôi, và mình đưa hơi thở thứ tư là hơi thở an tịnh thân hành hay là an tịnh toàn thân vào đây. Thành ra bốn hơi thở "An tịnh thân thể" này có thể gom lại thành ba hơi thở như sau:
    (i).   Thở vào tôi biết tôi thở vào - Thở ra tôi biết tôi thở ra.
    (ii).  Hơi thở vào đã sâu - Hơi thở ra đã chậm.
    (iii). Thở vào tôi ý thức toàn thân thể tôi - Thở ra tôi làm an tịnh toàn thân thể tôi.
    Quý vị đã từng tắm giếng chưa? Khi tắm giếng, mình buông dây cho cái gàu xuống giếng để múc nước lên, xong mình dội nước lên thân mình. Việc ý thức toàn thân nó tương đương với việc múc nước lên. Kế đến, dội nước lên người, tương đương với việc an tịnh toàn thân. Hơi thở đó có thể rất là dễ chịu. Mình đem hết tất cả ý thức của mình để làm cho từng tế bào trong cơ thể an tịnh lại. Mình thương mình, mình chăm sóc lấy mình.

    Chúng ta góp chung hai hơi thở trong kinh Tạp A Hàm lại và làm cho hơi thở này là thở vào, và hơi thở kia là thở ra. Chúng ta có thể thực tập hơi thở này trong vòng 10 phút. Trong 10 phút đó chúng ta được nuôi dưỡng khá nhiều. Khi mà quý vị thấy sự thực tập đưa đến sự dễ chịu, sự khỏe khoắn, sự bổ dưỡng, tức là quý vị đã thực tập đúng. Không cần hỏi lại ai hết, không cần tham vấn ai hết.





















    No comments:

    Post a Comment