LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT



LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT
http://truthlady3.blogspot.com/2016/11/link-post-truthlady3blogspot.html

goosee
The Sound of Silence

Wednesday, November 9, 2016

Đặc điểm cấu tạo bộ xương người


(Phần I): Đại cương về xương


1. Sự hình thành và phát triển của hệ xương
 
Trong phôi thai, xương được hình thành từ lớp trung phôi bì và phát triển qua 3 giai đoạn: màng => sụn => xương (trừ một số xương ở vòm sọ, một vài xương mặt không qua giai đoạn sụn và một phần xương sườn vẫn tồn tại sụn, không qua giai đoạn xương).
 
Bộ xương màng ở người bắt đầu hình thành từ cuối tháng một của bào thai. Từ tháng thứ hai thì màng biến thành sụn, và từ cuối tháng thứ hai thì sụn bắt đầu được thay bằng mô xương. Sau khi ra đời, quá trình hóa xương vẫn tiếp tục cho tới lúc trưởng thành (nam khoảng 25 tuổi, nữ khoảng 23 tuổi).
 
Tuổi thiếu niên, sự hóa xương chưa hoàn tất, sụn vẫn còn nhiều. Đặc biệt các đốt sống vẫn chưa cốt hóa hết, đĩa sụn gian đốt sống vẫn còn mềm, hai khối cơ mông chưa phát triển. Chính đặc điểm đó chúng ta cần chú ý tránh cho các em mang vật nặng hoặc tập những môn TDTT không thích hợp với lứa tuổi, hoặc bàn ghế ngồi học không đúng tiêu chuẩn, ngồi sai tư thế dễ làm các em bị cong vẹo cột sống.
 
Người ta có thể dùng X-quang để xác định độ dày của các loại mô xương chắc, mô xương xốp và mô sụn còn lại trong xương dài để xác định tuổi của học sinh.
 
cấu tạo xương người
 
Qúa trình cốt hóa ở xương dài
 
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.
 
Ngoài yếu tố di truyền, sự phát triển của xương phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác:
 
– Chế độ dinh dưỡng. Nếu trong khẩu phần ăn thiếu Canxi, Phố́t pho, Vitamin D, khoáng…lâu ngày có thể sẽ mắc bệnh còi xương.
 
– Chế độ lao động, TDTT. Lao động đúng mức, tập luyện TDTT đúng cách, giúp xương phát triển, mấu xương to ra là chỗ bám vững chắc cho cơ; mô xương chắc sẽ dày lên, dài ra, các hốc xương cũng được phát triển rộng ra. Sự tập luyện TDTT và dinh dưỡng đúng mức từ nhỏ có thể làm sự cốt hóa nhanh và phát triển chiều cao vượt mức. Lao động quá mức từ nhỏ, làm quá trình cốt hóa nhanh, sự phát triển của xương kết thúc nhanh, trẻ không lớn lên được.
 
2. Chức năng của xương.
 
Xương có những chức năng chính sau:
 
+ Nâng đỡ: Các xương liên kết với nhau tạo thành khung cứng và điểm tựa để nâng toàn bộ cơ thể, giúp cho người có tư thế đứng thẳng.
 
+ Bảo vệ: Xương bảo vệ cho những cơ quan phía trong khỏi bị tổn thương như: hộp sọ bảo vệ bộ não, cột sống bảo vệ tủy sống.
 
+ Vận động: Xương kết hợp với cơ tạo nên hệ đòn bẩy mà điểm tựa là các khớp xương, đảm bảo cho hoạt động của cơ thể. Như vậy hệ xương đóng vai trò thụ động trong bộ máy vận động.
 
+ Tạo máu: Tủy xương là nơi tạo ra huyết cầu.
 
+ Trao đổi chất: Xương là nơi dự trữ các chất mỡ, các muối khoáng, đặc biệt là canxi và phốt pho. Khi xương cơ động làm điều hòa các chất này. (Hệ xương chiếm 99% muối canxi của toàn bộ cơ thể. Vì thế, Paplốp – nhà sinh lí học Nga – ví hệ xương như là một kho chứa muối của cơ thể).
 
Ngoài chức năng trên, xương còn có ý nghĩa thông tin quan trọng trong pháp y, nhân chủng học và còn là đối tượng khảo sát của nhiều ngành khoa học. 
 
3. Thành phần hóa học và tính chất sinh lí của xương
 
Trong xương có 2 thành phần chủ yếu:
 
– Thành phần hữu cơ: chiếm 30% gồm prôtêin, lipit, mucopolysaccarit.
 
– Chất vô cơ: chiếm 70% gồm nước và muối khoáng, chủ yếu là CaCO3, Ca3(PO4)2. Các thành phần hữu cơ và vô cơ liên kết phụ thuộc lẫn nhau đảm bảo cho xương có đặc tính đàn hồi và rắn chắc. Nhờ đó xương có thể chống lại các lực cơ học tác động vào cơ thể. Xương người lớn chịu được áp lực 15kg/mm2, gấp khoảng 30 lần so với gạch, hoặc tương đương với độ cứng của bê tông cốt sắt.
 
Tỉ lệ các thành phần hóa học của xương ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Tỉ lệ đó phụ thuộc vào điều kiện dinh dưỡng, tuổi tác, bệnh lý. Cơ thể càng non, chất hữu cơ trong xương càng nhiều nên xương trẻ em mềm dẻo hơn. Khi về già, tỉ lệ vô cơ tăng dần lên nên xương dòn, dễ gãy.
 
Nếu thiếu sinh tố D và phốt pho thì xương không có khả năng giữ được muối Canxi, làm xương mềm, dễ biến dạng. Trường hợp thức ăn thiếu Canxi, thì cơ thể tạm thời huy động Canxi từ xương.
 
4. Hình dáng của xương 
 
Bộ xương người gồm 206 xương, trong đó có 85 xương chẵn và 36 xương lẻ và được chia thành 3 phần: xương đầu, xương thân, xương chi. Mỗi phần có nhiều xương khác nhau. Dựa vào hình dáng chia xương thành 5 loại chính: xương dài, xương ngắn, xương dẹt, xương khó định hình, xương vừng
 
+ Xương dài: Có hình ống, gồm 3 phần: đoạn giữa là thân xương cấu tạo bằng mô xương chắc, trong có ống chứa tủy. hai đầu xương phình to hơn, có sụn bao bọc, cấu tạo bằg mô xương xốp, trong chứa tủy xương. (Ví dụ : Xương cẳng chân, xương cẳng tay…)
 
+ Xương ngắn: Hình dáng và cấu tạo nói chung giống xương dài, nhưng cấu tạo chủ yếu là mô xương xốp. (Ví dụ: xương ngón tay, ngón chân…)
 
+ Xương dẹt : Là những xương rộng, mỏng với 2 bản xương đặc nằm 2 bên, giữa là mô xương xốp. (Ví dụ: xương bả vai, các xương ở hộp sọ).
 
+ Xương khó định hình: Là loại xương có hình dáng phức tạp. (Ví dụ: xương bướm, xương hàm trên…)
 
+ Xương vừng: Là loại xương có hình bầu dục giống như hạt vừng. (Ví dụ : xương bánh chè).
 
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, sự phân chia này chỉ có tính chất tương đối. Vì có một số xương có thể xếp vào loại này hay loại kia (như xương sườn, xương ức có thể xếp vào loại xương dẹt, cũng có thể xếp vào loại xương dài). Một số xương sọ như xương bướm, xương sàng, xương hàm trên… là những xương dẹt nhưng trong khoang xương lại không chứa tủy đỏ mà chứa khí. Đây là một đặc điểm thích nghi của bộ xương người.
 
5. Cấu tạo của xương
 
Các loại xương tuy khác nhau, nhưng nếu cưa bất kì một xương nào ra ta cũng thấy chúng đều có các phần chính sau:
 
– Lớp màng xương, ở ngoài cùng, gồm 2 lớp: lớp ngoài (ngoại cốt mạc) là lớp mô liên kết sợi chắc, mỏng, dính chặt vào xương, có tính đàn hồi, trên màng có các lỗ nhỏ. Lớp trong gồm nhiều tế bào sinh xương (tạo cốt bào) có nhiều mạch máu và thần kinh đến nuôi xương. Nhờ lớp tế bào này mà xương có thể lớn lên, to ra.
 
cấu tạo của xương
 
Cấu tạo của xương
 
– Phần xương đặc: rắn, chắc, mịn, vàng nhạt.
 
– Phần xương xốp: do nhiều bè xương bắt chéo nhau chằng chịt, để hở những hốc nhỏ trông như bọt biển
 
– Phần tủy xương: nằm trong lớp xương xốp. Có 2 loại tủy xương:
 
+ Tủy đỏ là nơi tạo huyết, có ở trong các hốc xương xốp (ở thai nhi và trẻ sơ sinh tủy đỏ có ở tất cả các xương)
 
+ Tủy vàng chứa nhiều tế bào mỡ, chỉ có trong các ống tủy ở thân xương dài người lớn, bên trong cùng lớp xương xốp.
 
Tuy nhiên mỗi loại xương lại có đặc điểm cấu tạo riêng. Chẳng hạn : 
 
– Đối với các xương dài. Ở 2 đầu xương, lớp xương đặc chỉ còn là một lớp mỏng bao bọc ngoài và bên trong là cả khối xương xốp chứa đầy tủy đỏ. Các bè xương ở đây xếp theo nhiều hướng khác nhau tạo thành những hốc nhỏ chứa tủy đỏ. Còn ở phần thân xương, lớp xương chắc, đặc ở ngoài làm thành một ống xương dày ở giữa, và mỏng dần ở 2 đầu; lớp xương xốp ở trong thì ngược lại, mỏng ở giữa và dày dần ở 2 đầu; trong cùng là một ống tủy dài chứa đầy tủy vàng. Các bè xương ở đây cuộn lại thành ống sắp theo chiều dọc của xương tạo thành các trụ xương. Giữa trụ xương có ống rỗng (ống Have) chứa thần kinh và mạch máu. Các trụ xương lại được liên kết với nhau bởi các tấm xương phụ làm cho mô xương chắc được bền vững.
 
– Đối với xương ngắn. Cấu tạo cũng tương tự như cấu tạo ở đầu xương dài: ngoài là một lớp xương đặc, mỏng; trong là một khối xương xốp chứa tủy đỏ.
 
– Đối với xương dẹt : Có cấu tạo gồm 2 bản xương đặc, giữa là một lớp xương xốp.
 
– Riêng đối với các xương sọ: bản ngoài rất chắc, bản trong giòn và dễ vỡ, lớp xương xốp ở giữa mang tên riêng là lõi xốp (diploe).

 (Phần II): Đại cương về khớp

 
1.Phân loại khớp
 
Các khớp trong cơ thể khác nhau về mức độ hoạt động và cấu tạo. Tùy chức năng của mỗi khớp mà sự liên kết có khác nhau. Do đó có nhiều cách để phân loại khớp.
 
+ Theo mức độ hoạt động của khớp: có khớp bất động, khớp bán động và khớp động
 
+ Theo cấu tạo: có khớp sợi, khớp sụn, khớp hoạt dịch.
 
+ Theo hình thể: có khớp răng cưa, khớp mào, khớp phẳng, khớp cầu, khớp yên.
 
2. Cấu tạo các loại khớp
 
* Khớp bất động (Khớp sợi): Là khớp mà 2 xương nối với nhau bởi mô liên kết hay mô sụn, giữa chúng không có khe hở. Sự vận động của các khớp này rất hạn chế hoặc mất cử động hoàn toàn. Có 3 loại khớp bất động chính: Khớp bất động liên kết, khớp bất động sụn và khớp bất động xương
 
khớp bất động
 
Khớp bất động
 
– Khớp bất động liên kết : Các xương nối với nhau bởi mô liên kết. Gồm các loại: KBĐLK sợi (như dây chằng giữa các cung đốt sống); KBĐLK màng (như màng liên kết giữa xương chày-mác); KBĐLK xương (như khớp các xương sọ trẻ sơ sinḥ)
 
– Khớp bất động sụn: Các xương nối với nhau bởi lớp sụn. (như khớp ức – đòn, giữa xương sườn -ức)
 
– Khớp bất động xương: Khớp nối giữa 2 xương bởi mô xương. (như khớp các xương sọ ở người trưởng thành).
 
* Khớp bán động (khớp sụn). Là khớp nối giữa 2 xương có một khe hẹp bởi một mô sụn. Sự hoạt động của khớp có sự hãn chế. (như khớp giữa các xương đốt sống; hoặc khớp cùng – chậu)
 
khớp bán động
 
Khớp bán động
 
* Khớp động (khớp hoạt dịch). Là khớp nối các xương nhờ ổ khớp cho phép xương cử động dễ dàng.
 
Khớp động có cấu tạo gồm diện khớp, bao khớp, dây chằng, ổ khớp và các phần phụ như sụn viền, sụn chêm.
 
khớp động
 
Khớp động
 
– Diện khớp là chỗ nối 2 đầu xương, đầu này lồi (gọi là chỏm khớp) thì đầu kia lõm (gọi là hõm khớp). Các đầu xương được phủ một lớp sụn trơn, nhẵn, đàn hồi có tác dụng giảm ma sát, chịu được lực nén và giảm chấn động cơ học, tăng tính linh hoạt và bền vững của khớp. Độ linh hoạt và bền vững của khớp phụ thuộc vào sự tương ứng giữa các diện khớp: chỏm và hõm khớp càng sát thì độ linh hoạt càng ít, nhưng độ bển càng vững và ngược lại. Khi hõm khớp quá bé, cạn thì có thêm sụn chêm hay sụn viền, làm cho hõm khớp rộng và sâu thêm (Ví dụ : khớp vai) 
 
– Bao khớp: là một màng bám vào bờ của các diện khớp để nối 2 xươg lại với nhau. Bao khớp mỏng, dai, đàn hồi, có nhiều mạch máu và dây thần kinh. Chiều dày và sức căng của bao khớp phụ thuộc vào chức phận của khớp. Với khớp cần cử động rộng rãi thì bao khớp mỏng và ít căng và ngược lại.Thành bao khớp có 2 lớp: lớp ngoài: là lớp bao sợi, dày, có nh/vụ bảo vệ cho khớp; lớp trong: là màng hoạt dịch, tiết dịch nhờn để bôi trơn đầu khớp
 
– Ổ khớp: là khe kín do màng trong của bao khớp tạo nên, trong chứa chất hoạt dịch
 
– Dây chằng: là những bó sợi được bao bọc bên ngoài khớp (có trường hợp dây chằng nằm trong bao khớp nhưng vẫn nằm ngoài bao hoạt dịch). Ngoài ra các gân, cơ ở xung quanh bao khớp cũng có tác dụng như một dây chằng. Phần lớn dây chằng không có tính đàn hối nhưng chắc. Tuy nhiên bằng những bài tập có hệ thống, có thể cải thiện tính đàn hối của hệ thống dây chằng, làm tăng độ linh hoạt của khớp.
 
Dựa vào trục quay, người ta phân biệt 3 loại khớp động : 
 
Khớp 1 trục : gồm có khớp trụ (như khớp giữa xương trụ – quay) ; khớp ròng rọc (như khớp đầu xương cánh tay – cẳng tay)
 
Khớp 2 trục: gồm khớp bầu dục ( như khớp giữa cẳng tay – cổ tay); khớp yên (như khớp giữa ngón tay cái và xương thang cổ tay)
 
Khớp nhiều trục : gồm khớp quạ (như khớp giữa xương chậu – Xương đùi); khớp cầu (như khớp giữa xương bả vai – xương cánh tay).


(Phần III): Các phần chính của bộ xương người

 1. Các xương và khớp sọ 
 
Các xương sọ khớp với nhau chủ yếu bằng khớp bất động tạo thành hộp sọ, có nhiệm vụ bảo vệ não bộ, các giác quan và phần đầu cơ quan tiêu hóa, hô hấp.
 
Hộp sọ gồm nhiều xương, được chia thành 2 phần: phần sọ não và phần sọ mặt. Tỉ lệ sọ não / sọ mặt là 2,5/1. (Trong khi đó ở loài Tinh Tinh là 1/1). Tỉ lệ đó làm cho khuôn mặt của người nhẹ nhõm hơn, phù hợp với tư thế đi thẳng.
 
bộ xương người
 
Bộ xương người
 
+ Phần sọ não: gồm 8 xương: 1 xương trán, 2 xương đỉnh, 2 xương thái dương, 1 xương chẩm, 1 xương bướm, 1 xương sàng. Các xương sọ não đều là loại xương dẹt. Một số xương có xoang chứa khí (như xương trán, xương bướm, xương sàng).
 
– Xương trán. Nằm ở phần trước, tiếp khớp ở phía sau với xương đỉnh bởi đường khớp vành, với cánh lớn xương bướm bởi đường khớp bướm trán, ở phía dưới với xương gò má, với xương mũi và mỏm trán trên bởi bờ mũi.
 
– Xương đỉnh. Gồm 2 xương hình tứ giác nằm 2 bên đường khớp giữa của hộp sọ, thuộc phần trên của hộp so. Phía trước tiếp giáp với xương trán, phía sau giáp xương chẩm, phía bên tiếp giáp bờ xương thái dương.
 
– Xương thái dương. Cấu trúc phức tạp, gồm 3 phần: phần trai, phần đá và phần nhĩ. Phần trai tạo nên thành bên của hộp sọ, phía trên tiếp khớp với xương đỉnh; phía trước tiếp khớp với cánh lớn xương bướm; phía sau khớp với xương chẩm. Có mỏm chũm phát triển. Phần đá nằm chếch ở nền sọ, giữa xương bướm và xương chẩm, có hình tháp không đều. Có mỏm trâm dài nhọn. Phần nhĩ là mảnh xương cong hình lòng máng, tạo nên ống tai ngoài.
 
– Xương chẩm. Nằm ở phần sau và đáy sọ, gồm 3 phần: phần trai, phần nền và 2 bên. Phần trai chẩm ở mặt ngoài có u chẩm ngoài (có thể sờ thấy trên người sống), có mào chẩm ngoài và 2 đường cong chẩm trên (là nơi mắc cơ thang và cơ chẩm); Phần bên mặt ngoài có lồi cầu chẩm để khớp với đốt sống cổ1; Phần nền mặt ngoài hình vuông có củ hầu, phía trước củ hầu có hố lõm chứa tuyến hạnh nhân hầu. Mặt trong lõm để chứa hành não và cầu não. Có lỗ chẩm lớn
 
– Xương bướm. Nằm ở giữa nền sọ. Phía trước tiếp khớp với xương trán, xương sàng; phía sau tiếp khớp với xương chẩm; hai bên tiếp khớp với xương thái dương. Xương bướm hình con bướm, cấu tạo phức tạp gồm 1 thân bướm ở giữa, 1đôi cánh lớn,1đôi cánh nhỏ và ở mặt dưới thân có 2 chân bướm. Mặt trên thân có lõm yên ngựa chứa tuyến yên – là một tuyến nội tiết quan trọng. Xoang xương bướm chứa khí.
 
– Xương sàng. Là một xương của phần trước nền sọ nằm khuất trong sọ mặt, tham gia tạo thành hốc mũi và hốc mắt. Xương sàng có cấu tạo phức tạp, hình dáng giống chiếc cân, gồm có 3 phần: mảnh thẳng, mảnh sàng (mảnh ngang) và mê đạo sàng. Mảnh sàng là một mảnh xương nằm ngang có nhiều lỗ nhỏ (gọi là lỗ sàng) để thần kinh khứu giác từ mũi đi qua. Ở giữa mảnh sàng nhô lên một mấu xương dày hình tam giác gọi là mào gà cho liềm của đại não bám. Bờ trước của mào gà ngắn, tạo nên cánh mào gà để khớp với xương trán. Mảnh thẳng đứng là một mảnh xương thẳng góc với mảnh sàng. Mảnh này ở dưới tạo thành một phần của vách mũi chia khoang mũi thành 2 ngăn, ở trên nhô lên tiếp với mào gà. Mê đạo sàng gồm 2 khối xương có nhiều hốc chứa khí, đó là các xoang sàng được treo ở dưới 2 bên mảnh sàng.
 
+ Phần sọ mặt: gồm 14 xương: 2 xương hàm trên, 2 xương gò má, 2 xương mũi, 2 xương lệ, 2 xương xoăn, 2 xương hàm dưới, 2 xương lá mía. Ngoài ra còn có 1 xương móng không trực tiếp nối với sọ. Xương móng là nơi bám của nhiều cơ dưới hàm, cơ lưỡi.
 
– Xương hàm trên cấu tạo phức tạp, nó tham gia vào hình thành hốc mắt, hốc mũi, vòm miệng. Thân xương hàm trên có xoang chứa khí thông với xoang mũi.
 
– Xương gò má nối xương hàm trên với hộp sọ.
 
– Xương mũi là xương nhỏ và dài, tạo nên sống mũi
 
– Xương lệ. là xương rất nhỏ và mỏng nằm ở thành trước trong của ổ mắt, có rãnh lệ thông với xoang mũi (khi khóc nước mắt qua ống lệ tràn vào mũi)
 
– Xương xoăn nằm phía ngoài 2 bên khoang mũi.
 
– Xương khẩu cái tạo thành vòm khẩu cái ngăn cách khoang mũi và miệng
 
– Xương lá mía là xương lẻ rất mỏng, nằm sau vách mũi, tạo nên vách ngăn dọc khoang mũi.
 
– Xương hàm dưới là xương lẻ duy nhất có khả năng cử động. Phía trước thân xương nhô ra tạo lồi cằm. Nhánh lên của xương hàm tạo thành quai hàm, có mỏm lồi cầu khớp với xương thái dương.
 
– Xương móng là một xương nhỏ, nằm ở cổ, dưới lưỡi, trên xương ức, hình chữ U. Nó không trực tiếp nối với sọ. Cấu tạo gồm có một thân, cặp sừng lớn, cặp sừng nhỏ. Xương móng là nơi bám của nhiều cơ vùng cổ.
 
Nhìn chung các xương sọ mặt cấu tạo phức tạp, liên kết với nhau bằng khớp liên kết bất động. Chỉ có một xương duy nhất cử động được là xương hàm dưới.
 
2. Các xương và khớp thân mình
 
Gồm cột sống và lồng ngực.
 
a. Xương cột sống
 
Cột sống người trưởng thành, nhìn nghiêng là một trục cong hình chữ S, có 2 đoạn lồi về trước là đoạn cổ và thắt lưng và 2 đoạn lồi về sau là đoạn ngực và đoạn cùng.
 
Cột sống gồm 33 – 34 đốt sống lớn dần từ trên xuống, được nối với nhau bởi các dây chằng và các đĩa sụn gian đốt. Ở giữa là một ống xương rỗng chứa tủy sống. Hai bên cột sống có các lỗ gian đốt sống để dây thần kinh tủy đi qua.
 
Mỗi đốt sống gồm có cấu tạo chung gồm: 1 thân đốt sống nằm ở phía trước; 1cung đốt sống nằm ở phía sau; hai bên có mấu ngang nằm; phía sau có 1 mấu gai. Phần cung của mỗi đốt sống còn có 2 đôi diện khớp (1 đôi trên và 1 đôi dưới) và có 1 khuyết trên, 1 khuyết dưới. Các khuyết của 2 đôt sống cạnh nhau tạo thành lỗ gian đốt. Thân và cung đốt sống tạo nên lỗ đốt sống
 
Cột sống được chia thành 5 đoạn:
 
– Đoạn cổ gồm 7 đốt, có lỗ đốt sống to ở giữa và 2 lỗ nhỏ ở hai bên mấu ngang.
 
Mấu gai dài dần từ đốt cổ 2 đến 7 và thường chẻ làm đôi (trừ đốt 7). Mặt thân đốt sống cổ nhỏ, dẹt, hình yên ngựa (làm cho đầu và cổ cử động linh hoạt). Trong quá trình tiến hóa, đốt sống cổ đã có sự biến đổi đặc biệt: đốt 1 biến đổi thành đốt đội; đốt 2 biến đổi thành đốt trục. Đốt đội có hình vòng khuyên, không có thân, mỏm gai, các khuyết và mấu khớp mà có 2 cung trước và sau, có mỏm ngang dài, mặt trên của khối bên có hõm khớp hình bầu dục để khớp với lồi cầu chẩm. Đốt trục có 1 thân nhỏ, trên thân có mỏm răng làm trục quay cho đốt đội. Hai bên mỏm răng có các diện khớp.
 
– Đoạn ngực gồm 12 đốt, có đặc điểm chung là các đốt sống tương đối lớn, có một thân. Mỗi bên thân đốt sống có 2 diện khớp sườn (trên và dưới) để khớp với các đầu sườn. Mỏm ngang của các đốt sống ngực đều có hố sườn ngang để khớp với củ lồi sườn. Trên cung mỗi đốt sống có một khuyết làm thành lỗ gian đốt sống. Các mỏm gai dài dần và hướng xuống dưới, nhằm hạn chế sự cử động của phần ngực. Riêng đốt sống ngực 10 không có diện sườn dưới. Đốt ngực 11 và 12 chỉ có 1 hồ sườn để khớp với các xương sườn tương ứng, các mỏm ngang không có hố sườn ngang.
 
– Đoạn thắt lưng có 5 đốt, có đặc điểm chung là thân đốt sống dày và lớn nhất, lỗ đốt sống lớn. Diện khớp phát triển mạnh và theo chiều hướng đứng thẳng. Mấu gai to, dày và nằm ngang tạo kiều kiện cho cử động vùng thắt lưng dễ dàng.
 
– Đoạn cùng gồm 5 đốt dính lại với nhau tạo thành một khối hình tháp đỉnh hướng xuống dưới. Mặt trước có 4 đôi lỗ cùng trước, mặt sau lồi có 4 đôi lỗ cùng sau (các lỗ này để dây thần kinh chậu đi qua). Cuối xương cùng có đoạn ống chứa phần cuối tủy sống. Hai bên xương cùng có diện khớp với xương chậu tạo thành chậu – hông.
 
– Đoạn cụt gồm 4 -5 đốt phát triển không đầy đủ, dính lại với nhau. Đây là vết tích đuôi của động vật có xương sống.
 
Các đốt sống liên kết với nhau bởi các đĩa sụn gian đốt và các dây chằng. Cả cột sống có 23 đĩa sụn được bố trí từ đốt sống cổ 2 đến đốt thắt lưng 5. Trong mỗi đĩa sụn có một hạch bằng chất keo và được bao quanh bởi sụn có tính đàn hồi (nhờ đặc tính này của hạch làm cho cột sống cử động và giảm các chấn động khi cơ thể vận động). Tùy theo vị trí và độ dày của các đĩa sụn mà độ linh hoạt giữa các đoạn sống có khác nhau. Các đĩa sụn ở đoạn thắt lưng dày nhất, đĩa sụn đoạn ngực mỏng nhất, do vậy đoạn ngực kém linh hoạt hơn.
 
Hệ thống dây chằng gồm các dây chằng dọc trước rộng, chắc, có tác dụng hạn chế việc ngửa người ra sau. Các dây chằng dọc sau nhỏ và kém bền hơn, nhưng có độ đàn hồi tốt nên cơ thể gậ̣p thân về trước dễ dàng. Dây chằng giữa các đốt sống nối 2 cung đốt sống lại với nhau. Dây chằng nối các mấu ngang và các mấu gai (trừ đốt sống cổ).
 
So với động vật, cột sống của người linh hoạt hơn nhờ các khớp giữa các đốt sống. Các khớp cột sống là những khớp bán động, phạm vi hoạt động giữa 2 đốt sống rất bé, nhưng cả cột sống thì hoạt động rộng hơn, quay theo 3 trục và thực hiện được nhiều động tác:
 
– Vận động quanh trục ngang trước – sau: cho động tác nghiêng phải, trái.
 
– Vận động quanh trục thẳng đứng: cho động tác vặn người sang 2 bên.( xoay vòng)
 
– Vận động quanh trục ngang trái – phải: cho động tác gập, duỗi người.
 
– Vận động nhún kiểu lò xo: Khi nhún để nhảy hay khi nhún người lên cao.
 
Riêng ở đoạn ngực cử động hạn chế, thích nghi với chức năng bảo vệ.
 
b. Xương lồng ngực
 
Lồng ngực được tạo bởi 12 đốt sống ngực, 12 đôi xương sườn, 1 xương ức và hệ thống dây chằng liên kết các phần đốt sống. Khác với động vật, lồng ngực người có đường kính ngang lớn hơn đường kính trước sau để thích nghi với tư thế đứng thẳng, chứa và bảo vệ những cơ quan quan trọng của cơ thể như tim, phổi. Lồng ngực nữ ngắn, tròn hơn lồng ngực nam. Ở trẻ sơ sinh lồng ngực vẫn hẹp bề ngang, rộng theo hướng trước sau. Trong quá trình phát triển, lồng ngực dần dần phát triển rộng 2 bên, hẹp trước sau. Ở người luyện tập TDTT, lồng ngực có thể vừa rộng ngang, vừa nở trước sau, thể tích lớn.
 
+ Xương sườn: Là phần chủ yếu của lồng ngực, gồm 12 đôi xương sườn sắp xếp đối xứng hai bên đoạn sống ngực và dược chia thành 3 loại:
 
– Sườn thật: là sườn nối trực tiếp vào xương ức bằng sụn sườn (đôi 1 – 7)
 
– Sườn giả là những sườn cùng chung đoạn sụn với sườn 7 để hợp thành cung sườn (đôi 8 – 10)
 
– Sườn cụt (sườn lửng): không nối với xương ức.
 
Mỗi xương sườn là một tấm xương dài, cong và dẹt, gồm có 2 đầu và 1 thân. Đầu sau cao, có chỏm để khớp với hõm sườn trên thân đốt sống ngực. tiếp theo chỏm là cổ sườn, gần cổ có củ sườn để khớp với diện khớp trên mỏm ngang của đốt sống ngực. Đầu trước rộng bản và thấp hơn đầu sau có sụn sườn khớp với xương ức (trừ đôi 11 và 12)
 
+ Xương ức: Là một xương lẻ dẹt và dài nằm phía trước lồng ngực, gồm 3 phần: cán ức, thân ức, mỏm kiếm. Cán xương ức là phần rộng và dày nhất của xương ức, có hõm khớp để khớp với xương đòn, sụn sườn 1 và một phần sụn sườn 2. Các sụn sườn khác khớp với thân xương ức. Thân xương ức hai bên có diện khớp để khớp với các sụn sườn. Mỏm kiếm là phần cuối của xương ức, dẹt, mảnh, nhọn, thường cấu tạo bằng sụn. Xương ức nam thường dài hơn xương ức nữ khoảng 2 cm.
 
3. Các xương và khớp chi trên
 
Xương đai vai có tác dụng nâng và làm giá đỡ cho chi trên tự do và nối chi trên vào thân, bao gồm xương bả vai và xương đòn.
 
a. Xương bả vai 
 
Là xương dẹt mỏng nằm phía lưng, hình tam giác, đáy trên đỉnh, đỉnh dưới. Xương có 2 mặt (trước và sau) 3 cạnh (trên, trong, ngoài), tương ứng với 3 góc. Ở mặt lưng có gai vai (gai bả), chia mặt lưng thành 2 hố: hố trên gai nhỏ và hố dưới gai lớn (Là chỗ bám của cơ trên gai và cơ dưới gai. Mặt trước (mặt bụng) áp vào xương sườn làm thành hố dưới vai (là nơi bám của cơ dưới vai). Bờ trên có khuyết mẻ, có dây thần kinh đi qua. Bờ trong mỏng sắc, song song với cột sống. Bờ ngoài (bờ nách) phía trên có hõm khớp (gọi là ổ chảo) để khớp với chỏm cầu xương cánh tay. Ở đây có 1 sụn viền làm cho hõm khớp sâu và rộng thêm nhằm tăng sức bền cho khớp. Góc ngoài có mỏm cùng vai và mỏm quạ. 
 
b. Xương đòn 
 
Là một xương ống dài khoảng 13,5 -14cm, hình chữ S, dẹt theo hướng trên dưới. Xương gồm hai đầu và một thân. Đầu trong dày nối với xương ức (gọi là đầu ức), đầu ngoài dẹt nối với mỏm cùng vai (gọi là đầu cùng). Xương đòn có tác dụng giữ khoảng cách nhất định giữa xương bả vai và xương ức giúp cho chi trên cử động tự do.
 
c. Xương cánh tay
 
Là loại xương dài, trung bình khoảng 30cm, gồm 2 đầu và 1 thân. Đầu trên có 1 chỏm bán cầu, tiếp là cổ giải phẩu (là chỗ bám của bao khớp). Phía dưới cổ giải phẩu có 2 mấu lồi, gọi là mấu chuyển (hay mấu động): mấu lớn ở ngoài, mấu bé ở trong. Giữa 2 mấu có rãnh liên mấu. Đầu dưới: rộng dẹt theo hướng trước sau, có diện khớp ròng rọc. Mặt trước ròng rọc có hố vẹt (để khớp với mỏm vẹt xương trụ). Mặt sau ròng rọc có hố khuỷu (để khớp với mỏm khuỷu xương trụ). Thân xương dài hình lăng trụ 3 mặt (sau, ngoài, trong) khoảng giữa mặt ngoài có một gờ hình V (gọi là ấn đenta).
 
d. Xương cẳng tay : gồm xương trụ và xương quay.
 
Xương trụ là xương dài gồm 2 đầu 1 thân. Đầu trên to, có hõm khớp bán nguyệt (để khớp với diện khớp ròng rọc xương cánh tay). Đầu dưới bé, có đài quay để khớp với lồi cầu ương cánh tay và đầu dưới xương quay). Thân xương hình lăng trụ 3 mặt (trước, sau, ngoài), tương ứng với 3 cạnh (cạnh ngoài sắc, gọi là mào liên cốt).
 
Xương quay song song với xương trụ. Đầu trên khớp với lồi cầu xương cánh tay. Mặt bên đài quay có diện khớp ngoài (để khớp với hõm quay xương trụ). Tiếp là cổ xương quay, phía dưới cổ có củ xương quay (là chỗ bám của gân cơ nhị đầu). Đầu dưới lớn và rộng, có diện khớp (để khớp với xương cổ tay). Mặt trong có diện khớp với đầu dưới xương trụ.
 
e. Xương bàn tay : Gồm xương cổ tay, xương đốt bàn tay, xương đốt ngón tay.
 
Xương cổ tay thuộc loại xương ngắn, nhỏ, hình khối nhiều mặt. Gồm 8 xương xếp thành 2 hàng. Thứ tự từ ngoài vào trong gồm: Hàng trên: xương thuyền, xương nguyệt, xương tháp, xương đậu; hàng dưới gồm xương thang, xương thê, xương cả, xương móc.
 
Xương đốt bàn tay. Gồm 5 xương tương tự nhau, đánh số từ ngoài vào là I g V. Mỗi xương có 2 đầu và 1 thân. Đầu trên bẹt là đầu nền, đầu dưới tròn là đầu chỏm. Các đốt bàn đều sắp xếp trên 1mặt phẳng và ngắn dần từ II g V. Riêng đốt bàn I (đốt bàn ngón cái) được tách ra khỏi mặt phẳng bàn tay. Nhờ đó ngón cái có thể tiếp xúc được với các ngón khác, thích nghi với việc cầm nắm.
 
Xương đốt ngón tay. Ngón cái có 2 đốt. Các ngón còn lại đều có 3 đốt , thuộc loại xương ngắn. Mỗi đốt cũng có 2 đầu 1 thân. Đầu trên là đầu nền, đầu dưới là đầu chỏm. Thân các đốt ngón tay đều cong theo trục dọc (lồi ở mặt lưng (mu tay), lõm ở mặt gan tay.
 
Vậy các xương chi trên được khớp với nhau bởi những khớp nào?
 
Các xương chi trên được khớp với nhau bởi các khớp sau :
 
– Khớp ức – đòn. Là khớp giữa góc trên xương ức và đầu trong xương đòn. Mặt khớp hình yên ngựa. Khớp được giữ bởi dây chằng ức đòn, liên đòn, sườn đòn. Khớp hoạt động theo 3 trục, thực hiện động tác đưa vai ra sau, nâng vai lên, hạ vai xuống và xoay vai.
 
– Khớp vai – đòn. Khớp giữa đầu ngoài và xương đòn và mỏm cùng vai. Mặt khớp phẳng được phủ bởi dây chằng đòn vai, dây chằng quạ đòn. Hoạt động của khớp theo 3 trụ nhưng biên độ động tác hạn chế hơn
 
– Khớp vai. Khớp giữa đầu trên xương cánh tay và hõm khớp xương bả vai. Là loại khớp cầu, có vành sụn viền, bao khớp mỏng; được giữ bởi dây chằng quạ – cánh tay. Hoạt động của khớp cho phép cánh tay có thể gập, duỗi, khép, dạng và quay vòng.
 
– Khớp khuỷu tay. Là khớp phức tạp gồm 3 khớp nằm chung trong một bao khớp là: khớp cánh tay – trụ; cánh tay – quạy, trụ – quay. Khớp được giữ bởi nhiều dây chằng, như dây chằng trụ bên (3 bó), dây chằng trước, dây chằng trước, dây chằng trước sau, dây chằng trước vòng. Hoạt động của khớp theo 2 trục: trục trái – phải, thực hiện động tác gập – duỗi; trục trên – dưới, thực hiện động tác sấp, ngửa bàn tay.
 
– Khớp trụ quay. Là khớp giữa đầu dưới xương trụ và đầu dưới xương quay. Khớp được giữ bởi dây chằng trụ trước và và trụ sau. Hoạt động của khớp gây cử động sấp ngửa bàn tay
 
– Khớp cổ tay. Gồm khớp quay – cổ tay (3 xương hàng trên (trừ xương đậu) và khớp liên cổ tay.
 
– Khớp cổ – bàn. Là khớp giữa hàng dưới xương cổ tay (thang, thê, cả, móc) với đầu nền các xương đốt bàn (trong đó khớp giữa xương thang và xương đốt bàn I có hình yên ngựa làm ngón cái cử động dễ dàng). Còn lại là khớp dẹt, khớp có nhiều dây chằng bám chặt, ép sát nhau nên ít cử động.
 
– Khớp bàn – ngón. Là khớp giữa đầu chỏm xương đốt bàn với đầu nền xương đốt ngón 1 (ngón trên). Hoạt động của khớp gây cử động nắm, duỗi, khép, dạng ngón tay.
 
– Khớp liên đốt ngón. Thuộc loại khớp ròng rọc. Khớp có 2 dây chằng 2 bên nên chỉ cử động theo trục ngang trái – phải.
 
4. Các xương chi dưới
 
Xương chi dưới có cấu tạo tương tự như xương chi trên nhưng to và chất xương dày hơn, phù hợp với chức năng di chuyển và chống đỡ. Xương chi dưới gồm 2 phần là đai hông (đai chậu) và phần xương chi dưới tự do. Xương đai hông gồm 2 xương chậu, xương cùng, xương cụt. 
 
a. Xương đai hông
 
Được tạo bởi 2 xương chậu, 1 xương cùng và 1 xương cụt. (xương cùng và xương cụt là phần dưới của cột sống đã được mô tả ở phần xương thân). Mỗi xương chậu là một xương dẹt, hình dạng phức tạp, do 3 xương dính lại (sau 12 tuổi) là xương cánh chậu ở phía trên, xương mu (xương háng) ở phía trước và xương ngồi ở phía sau. Xương chậu giống hình chong chóng có 2 mặt (trong, ngoài), 4 bờ (trước, sau, trên, dưới) và 4 góc.
 
– Mặt ngoài: Ở chính giữa có 1 hõm khớp khá sâu (gọi là ổ cối để khớp với chỏm cầu xương đùi). Phía dưới hõm khớp có 1 lỗ lớn gọi là lỗ bịt và được che bởi màng bịt, trong đó có thần kinh và mạch máu chạy qua.
 
– Mặt trong: Ở chính giữa có 1 gờ nổi lên (gọi là gờ vô danh) chia xương chậu thành 2 phần, phần trên là hố chậu lớn, phần dưới là hố chậu bé.
 
– Bờ trước cong queo, từ trên xuống dưới gồm có gai chậu trước trên, khuyết mẻ 1, gai chậu trước dưới, khuyết mẻ 2, ụ háng.
 
– Bờ sau cũng cong queo như bờ trước, từ trên xuống dưới gồm có gai chậu sau trên, gai chậu sau dưới, khuyết hông lớn, gai hông, khuyết hông bé và ụ ngồi.
 
– Bờ trên gọi là mào chậu rộng, cong hình chữ S, có 3 gờ song song là nơi bám của các cơ thành bụng (như cơ chéo lớn, cơ chéo bé, cơ ngang bụng)
 
– Bờ dưới hơi chếch về sau, do ngành xuống của xương háng, ngành lên của xương ngồi tạo nên.
 
Xương chậu cùng với xương cụt làm thành chậu hông. Từ gờ vô danh trở lên là chậu hông lớn, nửa dưới là chậu hông bé.
 
Ở trẻ em, chậu hông trai gái giống nhau. Ở nữ đến tuổi dậy thì, khi có sự xuất hiện kinh nguyệt, chậu hông lớn phát triển rộng và thấp hơn chậu hông của nam giới. Cửa ra chậu hông bé của nữ rộng hơn nam. Đặc điểm cấu tạo này phù hợp với chức năng sinh sản, mang thai của phụ nữ.
 
b. Xương đùi
 
Là xương dài chắc, chiếm ¼ chiều cao của cơ thể, hơi cong về trước. Gồm 2 đầu và một thân. Đầu trên có chỏm cầu, đỉnh chỏm có 1 lỗ nhỏ để dây chằng tròn bám vào. Tiếp chỏm cầu là cổ xương (còn gọi là cổ giải phẫu) là nơi bám của bao khớp. Chỗ tiếp giáp giữa cổ và thân xương có mấu chuyển lớn (ở phía ngoài) và mấu chuyển bé (ở phía trong). Giữa 2 mấu có gờ liên mấu. Đầu dưới, hình khối vuông, hơi cong ra sau, phía trước có diện khớp ròng rọc (để khớp với xương bánh chè); phía dưới có 2 lỗi cầu (trong và ngoài). Phía sau có hố khoeo hình tam giác. Thân xương hình lăng trụ tam giác, có 3 mặt (mặt trước, trong và ngoài) và 3 bờ, bờ sau sắc gọi là đường ráp
 
c. Xương cẳng chân
 
 Gồm xương chày, to ở trong và xương mác, bé ở ngoài.
 
Xương chày : Là xương chắc nhất cơ thể, dài khoảng 32 cm, có hai đầu và một thân. Đầu trên phát triển mạnh mang 2 lồi củ 2 bên. Trên hai lồi củ có hai hõm khớp (để khớp với hai lồi cầu xương đùi). Giữa hai hõm khớp có hai gai chày nhỏ. Mặt trước có lồi củ xương chày là nơi bám của cơ tứ đầu đùi. Phía ngoài có diện khớp với xương mác. Đầu dưới hình hơi vuông, phía trong có mỏm trâm để khớp với xương sên của bàn chân tạo thành mắt cá trong. Phía ngoài có hõm khớp với xương mác. Thân xương chày hình lăng trụ tam giác 3 mặt (trước, ngoài, sau), tương ứng với 3 bờ (trước, trong, ngoài). Bờ trước rất sắc gọi là mào liên cốt có thể sờ thấy qua da.
 
Xương mác : Là xương nhỏ chắc. Đầu trên không khớp với đầu xương đùi mà chỉ dính vào xương chày. Đầu dưới nhọn, phình ra tạo nên mắt cá ngoài. Thân xương hình lăng trụ, có 3 mặt, 3 bờ. Bờ trong sắc là nơi bám của màng liên cốt. Mắt cá trong và mắt cá ngoài tạo thành gọng kìm, kẹp lấy xương sên của gót chân, tạo sự vững chắc khi hoạt động.
 
Xương bánh chè : Là loại xương vừng lớn nhất cơ thể, nằm trước khớp gối, có tác dụng không cho xương cẳng chân gập về trước.
 
d. Xương bàn chân
 
Gồm các xương cổ chân, các xương đốt bàn chân, các xương đốt ngón chân.
 
Xương cổ chân: Gồm 7 xương xếp thành 2 hàng. Hàng trước gồm xương ghe, xương hộp và 3 xương chêm (châm I, II, III, tính từ trong ra). Hàng sau gồm xương sên ở trước và xương gót ở phía sau. Xương sên hình ốc sên, khớp với xương cẳng chân qua 3 diện khớp và chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể. Xương gót là xương to nhất của bàn chân, kéo dài về phía sau tạo thành củ gót. Phía trên khớp với xương sên, phía trước khớp với xương hộp.3 xương chêm, xương ghe, xương hộp và các xương đốt bàn tạo nên vòm chân Ở người có 3 loại vòm bàn chân: loại bình thường, loại vòm cao và loại vòm chân bẹt. Vòm bàn chân bẹt sức bền, sức bật kém đi bộ, chạy việt dã hay bị đau.
 
Vòm bàn chân có ý nghĩa lớn đền hoạt động của cơ thể:
 
– Làm giảm chấn động cho cơ thể, giúp cơ thể vận động nhanh nhẹn.
 
– Vòm giúp mạch máu, dây thần kinh ở gan bàn chân không bị bẹp.
 
– Là chỉ số đánh giá khả năng chịu lực, khả năng phát huy sức mạnh bột phát của chân trong hoạt động thể thao;
 
– Vòm bàn chân còn là bộ phận đế tựa cho cơ thể.
 
Xương đốt bàn chân: Gồm 5 xương ngắn, mỗi xương đều có 1 đầu nền (khớp với xương cổ chân), và 1 đầu chỏm (khớp với xương đốt ngón). Thân xương hình lăng trụ tam giác hơi cong lồi về phía mu chân.
 
Xương đốt ngón chân: Ngón cái có 2 đốt, 4 ngón còn lại có 3 đốt . Mỗi đốt gồm 1 thân, 1 đầu nền và 1 đầu chỏm. Các đốt ngón chân cấu tạo như đốt ngón tay, nhưng ngắn hơn, không có chỗ phình như ngón tay.
 
Vậy các xương chi dưới được liên kết với nhau qua những khớp nào?
 
Các xương chi dưới được liên kết với nhau qua các khớp. Nhờ đó làm cho sự cử động của chi dưới vừa linh hoạt vừa vững chắc.
 
Khớp cùng-chậu: là khớp giữa xương cánh chậu và xương cùng, thuộc loại khớp phẳng. Khớp được giữ chặt bởi nhiều dây chằng ngắn, chắc và khỏe.
 
Khớp hàng (khớp mu): là khớp giữa 2 xương háng ở hai bên khớp với nhau. Giữa khớp có một đĩa sụn. Trong đĩa sụn có một khe nhỏ chứa chất dịch. Đây là loại khớp bán động. Đĩa sụn này hoạt động mạnh trong thời gian mang thai, nhất là khi sinh nở
 
Khớp chậu đùi (khớp hông): khớp giữa chỏm cầu xương đùi và ổ cối xương chậu thuộc loại khớp chỏm điển hình. Khớp có sụn viền cao, ôm gần hết chỏm xương đùi.
 
Khớp gối: là khớp phức tạp nhất của người, nằm trong một bao khớp rộng, bao hoạt dịch có nhiều nếp gấp, nhiều ngăn. Bên trong khớp có dây chằng chéo trước và chéo sau. Ở hai bên bao khớp có dây chằng bên, phía sau có dây chằng sau. Các dây chằng giữ khớp gối khỏi trật theo chiều trước sau. Khớp gối hoạt động theo 1 trục và thực hiện 2 động tác: gấp và duỗi cẳng chân
 
Khớp chày mác: là khớp giữa đầu trên xương chày và đầu trên xương mác.
 
Khớp cẳng bàn: là khớp giữa đầu dưới xương chày và xương mác khớp với xương sên. Khớp có hình ròng rọc, quay theo trục ngang, gây cử động gấp duỗi bàn chân. Bao khớp ở đây mỏng nên được tăng cường bởi nhiều dây chằng vững chắc tỏa từ xương cẳng chân đến xương sên, xương ghe.
 
Ngoài ra cò có các khớp như : khớp liên cổ chân (7 xương cổ chân liên kết với nhau); khớp cổ bàn (khớp giữa xương cổ chân và xương đốt bàn, giữa xương hộp với xương đốt bàn IV, V.); khớp bàn ngón; khớp liên đốt ngón, hoạt động tương tự ở bàn tay nhưng ngón cái hoạt động hạn chế hơn.




No comments:

Post a Comment