LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT



LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT
http://truthlady3.blogspot.com/2016/11/link-post-truthlady3blogspot.html

goosee
The Sound of Silence

Saturday, November 5, 2016

BƯỚU CỔ (2)


http://benhungthu.biz/wp-content/uploads/2016/03/T%E1%BB%95ng-quan-v%E1%BB%81-ung-th%C6%B0-tuy%E1%BA%BFn-gi%C3%A1p.jpg




Tổng quan về ung thư tuyến giáp

1. KHÁI NIỆM UNG THƯ TUYẾN GIÁP

Ung thư tuyến giáp là UT khởi phát ở tuyến giáp trạng.

Có 2 loại UT tuyến giáp hay gặp là UT biểu mô thể nhú và UT biểu mô thể nang.
Ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1 % các loại UT. Tỉ lệ này cao hơn ở những nước có bệnh bướu cổ lưu hành địa phương, ở Việt Nam, theo ghi nhận của Hội Ung thư Hà Nội, UT tuyến giáp đứng thứ 6 trong số 10 loại ung thư hay gặp nhất.

2. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA UNG THƯ TUYẾN GIÁP
Các yếu tố nguy cơ
Một vài yếu tố nguy cơ có liên quan đến mắc bệnh UT tuyến giáp:
Tuổi và giới
Phụ nữ bị UT tuyến giáp nhiều gấp 3 lần nam giới.
Ung thư tuyến giáp có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng phụ nữ hay mắc bệnh ở tuổi từ 45 đến 49, nam giới từ 65 đến 69 tuổi.
Chế độ ăn thiếu iốt
Ung thư tuyến giáp thể nang thường gặp ở những nơi người dân ăn thiếu iốt. UT tuyến giáp thể nhú ở những người tiếp xúc với hoạt chất phóng xạ.
Tiếp xúc với tia bức xạ
Nguồn xạ có thể do điều trị y tế hoặc bức xạ bị rò rỉ từ các sự cố của nhà máy nguyên tử hoặc vũ khí hạt nhân.
Xạ trị ở vùng đầu cổ khi còn nhỏ. Nguy cơ mắc UT càng cao khi liều xạ càng lớn và xạ trị khi tuổi càng nhỏ.
Yếu tố di truyền
Một số loại UT tuyến giáp có liên quan đến di truyền.
Biện pháp phòng
– Sử dụng iốt có thể giảm được tỉ lệ mắc UT tuyến giáp thể nang.
– Tránh tia xạ vùng tuyến giáp ở trẻ nhỏ cũng như tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn xạ như: bom nguyên tử, các chất phóng xạ…

3. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH UNG THƯ TUYẾN GIÁP
Triệu chứng
– Hỏi về các yếu tố nguy cơ, các triệu chứng, tiền sử gia đình xem có ai mắc bệnh UT tuyến giáp hoặc có các khối u ở thận không và các vấn đề về sức khỏe khác.
– Thăm khám kỹ lưỡng khối u, hạch vùng cổ,
Xét nghiệm
Các xét nghiệm bao gồm:
– Chọc hút tế bào vào khối u hoặc hạch.
– Sinh thiết kim tại khối u tuyến giáp: cho kết quả chính xác đến 90%.
– Sinh thiết lạnh (còn gọi là sinh thiết tức thì) được tiến hành ngay trong lúc mổ có thể xác định khối u tuyến giáp được lấy ra là lành tính hay ác tính. Từ đó, bác sĩ sẽ có cách thức phẫu thuật thích hợp.
– Chụp X-quang thường, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ để đánh giá vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn, chèn ép của khối u vào các bộ phận xung quang như: khí quản, thực quản,…
– Chụp xạ hình tuyến giáp: phần lớn UT tuyến giáp không bắt iốt phóng xạ và biểu hiện bằng hình ảnh “nhân lạnh”.
– Chụp xạ hình toàn thân có thể phát hiện những ổ di căn xa, đặc biệt là di căn xương.
– Siêu âm tuyến giáp để phân biệt u đặc hay u nang.
– Xét nghiệm máu: định lượng calcitonin để phát hiện UT tuyến giáp thể tủy; định lượng thyroglobulin để phát hiện UT tuyến giáp biệt hoá.

4. ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TUYẾN GIÁP
Phẫu thuật có vai trò quyết định trong khi tia xạ (điều trị bằng iốt 131) có tác dụng bổ trợ và hoá chất có tác dụng rất hạn chế.
Tùy theo từng loại giải phẫu bệnh của UT tuyến giáp mà có các phương pháp điều trị thích hợp:
– Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa: điều trị bằng phẫu thuật cắt một thùy tuyến giáp hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp.
Trong trường hợp phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, cần điều trị bổ trợ bằng uống xạ iốt 131 (xạ trong). Nếu chỉ phẫu thuật cắt thùy thì không cần phải điều trị thêm.
– Ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá: thường điều trị bằng xạ ngoài, có thể phối hợp với hóa chất.
Theo dõi
Thông thường 3 tháng khám một lần trong năm đầu, 6 tháng khám một lần trong năm thứ hai và từ năm thứ ba trở đi thì chỉ cần khám mỗi năm một lần.
Trong trường hợp cắt tuyến giáp toàn bộ, cần phải uống hoóc môn tuyến giáp thay thế suốt đời theo đơn thuốc của bác sĩ.

5. TIÊN LƯỢNG
Ung thư tuyến giáp là một trong những loại UT có tiên lượng tốt nhất (UT biểu mô loại biệt hoá) vì tiến triển chậm. Tỉ lệ sống thêm sau 10 năm từ 80 đến 90%. Thậm chí, khi đã có di căn hạch cổ hoặc di căn xa vẫn còn khả năng cứu chữa.
Tuy nhiên, đối với UT tuyến giáp thể không biệt hóa thì tỉ lệ sống thêm sau 5 năm dưới 50%. Rất may là loại UT này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số các loại UT tuyến giáp.






Các triệu chứng của bệnh ung thư tuyến giáp

1. Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp sớm thường không gây các triệu chứng. Tuy nhiên, khi bệnh phát triển, các triệu chứng có thể bao gồm:

    Một u hay một nhân ở trước cổ vùng tuyến giáp.

    Giọng khàn hoặc khó nói giọng bình thường.

    Hạch bạch huyết sưng to, đặc biệt là các hạch cổ.

    Khó nuốt hoặc khó thở.

    Đau ở họng hoặc ở cổ.

Các dấu hiệu này không phải là dấu hiệu chắc chắn của ung thư tuyến giáp. Một nhiễm trùng, một bướu giáp lành tính hoặc một vấn đề khác cũng có thể gây nên các triệu chứng này. Một người nào đó có các triệu chứng này cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán và điều trị các biểu hiện bệnh này.



2. Chuẩn đoán bệnh ung thư tuyến giáp

Nếu một người có các triệu chứng ung thư tuyến giáp, bác sĩ có thể thực hiện khám thực thể và hỏi về tiền sử bệnh của cá nhân bệnh nhân và gia đình. Bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh để có các hình ảnh của tuyến giáp và các vùng khác. Việc khám và xét nghiệm có thể bao gồm:

Khám thực thể

Bác sĩ sẽ sờ vùng cổ, tuyến giáp và các hạch ở cổ để phát hiện những phát triển (nhân u) hoặc khối u nào phát triển bất thường không.

Các xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể xét nghiệm các mức bất thường của hormon kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu. Hormon này do tuyến yên trong não sản sinh. Nó kích thích sự giải phóng hormon tuyến giáp. TSH cũng kiểm soát các tế bào của tuyến giáp nhanh như thế nào.

Nếu một ung thư tuyến giáp thể tủy bị nghi ngờ, bác sĩ sẽ kiểm tra mức cao bất thường của calci trong máu. Bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm máu để phát hiện gen RET biến đổi hoặc tìm mức cao của calcitonin.

Siêu âm

Máy siêu âm sử dụng sóng âm con người không nghe thấy được. Các sóng dịch chuyển qua tuyến giáp và một máy vi tính sử dụng các âm này để tạo nên hình ảnh gọi là siêu âm đồ. Trên hình ảnh này, bác sĩ có thể nhìn thấy có bao nhiêu nhân u trong tuyến giáp, chúng lớn bằng nào và liệu chúng là đặc hay chứa đầy dịch bên trong.

Xạ hình tuyến giáp

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm xạ hình tuyến giáp. Phương pháp này sử dụng một lượng rất nhỏ vật liệu phóng xạ để làm cho các nhân u tuyến giáp hiện hình trên ảnh. Các nhân hấp thụ ít các vật liệu phóng xạ hơn mô tuyến giáp xung quanh gọi là nhân lạnh. Các nhân lạnh có thể lành tính hay ác tính. Các nhân nóng hấp thụ nhiều các vật liệu phóng xạ hơn mô tuyến giáp xung quanh và thường là lành tính.

Sinh thiết

Kỹ thuật lấy mô để tìm tế bào ung thư gọi là sinh thiết. Sinh thiết có thể cho biết ung thư, những thay đổi mô dẫn đến ung thư và các bệnh khác. Sinh thiết là phương pháp duy nhất để biết liệu một nhân u có phải là ung thư không.

Bác sĩ có thể lấy mô bằng kim chọc hay trong khi phẫu thuật:

–Chọc hút kim nhỏ: với nhiều bệnh nhân, bác sĩ lấy mẫu mô từ nhân u tuyến giáp bằng một kim nhỏ. Bác sĩ giải phẫu bệnh (bác sĩ bệnh học) quan sát các tế bào dưới kính hiển vi để tìm ung thư. Đôi khi bác sĩ sử dụng máy siêu âm để hướng dẫn đường chọc kim vào nhân u.

–Sinh thiết phẫu thuật: nếu một chẩn đoán không thể thực hiện được bằng hút kim nhỏ, bác sĩ có thể mổ để lấy nhân u. Sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ kiểm tra mô này để tìm các tế bào ung thư.

Một người cần làm sinh thiết có thể hỏi bác sĩ các câu hỏi dưới đây để hiểu rõ hơn về sinh thiết:

–Loại sinh thiết nào sẽ được thực hiện cho tôi?

–Sinh thiết kéo dài bao lâu? Tôi có bị đau không?

–Tôi có sẹo trên cổ sau khi sinh thiết không?

–Tôi sẽ có kết quả sớm không? Ai sẽ cắt nghĩa kết quả cho tôi?

–Nếu chẳng may tôi bị ung thư, ai sẽ nói với tôi về kế hoạch điều trị?

3. Giai đoạn bệnh ung thư tuyến giáp

Nếu một chẩn đoán tuyến giáp là ung thư, bác sĩ cần biết giai đoạn bệnh (hay sự lan tràn của bệnh) để lập kế hoạch điều trị một cách tốt nhất. Xác định giai đoạn là một việc làm thận trọng để biết liệu ung thư đã lan tràn chưa và nếu đã lan tràn thì ung thư lan tràn tới phần nào của cơ thể.

Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm, chụp cộng hưởng từ hạt nhân (còn gọi là MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (còn gọi là CT) để tìm hiểu liệu ung thư đã lan tràn đến hạch bạch huyết hoặc các vùng khác ở cổ chưa. Bác sĩ cũng có thể sử dụng quét hình y học hạt nhân toàn cơ thể, chẳng hạn như “quét hình toàn cơ thể bằng I131 để chẩn đoán” hoặc các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác để biết liệu ung thư tuyến giáp đã lan tràn tới các vị trí xa của cơ thể chưa.



11 triệu chứng của bệnh tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nằm ở cổ, có hình dạng con bướm, đóng vai trò là cột đèn tín hiệu điều khiển trao đổi chất trong cơ thể. Là một trong những bộ phận quan trọng của cơ thể, tuy khu vực này nhỏ nhưng lại dễ bị xâm nhập và viêm nhiễm, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh. Theo thống kê, có đến 6% dân số Mỹ mắc các vấn đề về tuyến giáp mà không hay biết. Các tình trạng bệnh của tuyến giáp chủ yếu là suy giáp, cường giáp. Các triệu chứng của bệnh tuyến giáp thường không đặc biệt và dễ bị nhầm với các bệnh tuổi già thông thường.
Tuy nhiên, triệu chứng bệnh lại có phạm vi lớn, tạo nên sự thay đổi dù nhỏ ở mỗi vị trí trên cơ thể. Các bệnh tuyến giáp nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra rất nhiều vấn đề như béo phì, tim mạch, trầm cảm và tiêu biến tình dục. Với người bị suy giáp, các triệu chứng căn bản là mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, da tóc khô, táo bón và đau khớp. Còn với cường giáp lại có triệu chứng là sợ nóng, mất ngủ, khát nước, giảm thị lực và vô sinh.
Tuy nhiên về cơ bản, có một số biểu hiện mà nếu tổng hợp nó lại, bạn sẽ nhận ra mình cần gặp bác sĩ.

Bướu cổ/ Cổ sưng
Đây là biểu hiện rõ ràng nhất về bệnh giáp. Về cơ bản, các bệnh về tuyến giáp như bướu giáp hay viêm giáp sẽ luôn đi kèm với một triệu chứng rõ ràng là cổ sưng hay bướu cổ. Bướu cổ luôn đi kèm với việc cơ thể thiếu iốt, khó hô hấp hay nói chuyện.
Đau cơ khớp, hội chứng viêm cánh tay
Đau cơ khớp cũng là một triệu chứng của bệnh tuyến giáp cho thấy tuyến giáp của bạn đang gặp vấn đề, Đối với suy giáp, bạn sẽ thấy tê ngứa và cánh tay do lượng hormone tín hiệu bị thiếu dẫn đến việc não gửi thông tin chậm đến các cơ. Đối với cường giáp, người bệnh rất dễ bị cứng khớp và phối hợp tứ chi.
Thay đổi tóc và da
Nếu tuyến giáp của bạn có điểm gì đó không được bình thường, chúng sẽ biểu hiện ngay lên tóc và da bạn. Khi bạn bị suy giáp, tóc sẽ giòn, xơ và dễ gãy. Da khô và bong tróc. Đó là do rối loạn hormone tiết ra làm tóc khó tăng trường. Còn với suy giáp, người bệnh sẽ dễ bị rụng lông và tóc, da trở nên đặc biệt mẫn cảm.
Kinh nguyệt ko đều, khó có con
Suy giáp ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề kinh nguyệt. Nếu các kì kinh đến sớm với tần xuất cao bạn có thể đã bị suy giáp. Ngược lại, nếu kì kinh ngắn hơn, ít xuất hiện thì bạn có thể bị cường giáp. Điều này là do nồng độ hormon thay đổi, gây kích thích đến kinh nguyệt, làm thay đổi cơ chế kinh, từ đó khiến các nang trứng cũng bị rối loạn theo, khiến quá trình thụ tinh và sinh con khó khăn.
Giảm ham muốn
Các bệnh về giáp đều liên quan trực tiếp đến hormon, vì thế cần điều trị ngay khi phát hiện bệnh. Bệnh nếu phát triển lâu dài sẽ làm mất cân bằng nội tiết tố estrogen, khiến người bệnh hết ham muốn và vô sinh. Bệnh tuyến giáp đặc biệt có tác động tới kinh nguyệt cũng như kì rụng trứng
Thay đổi choresterol
Máu của những người có bệnh về giáp thường có tỉ lệ choresterol rất không ổn định, vì vậy nếu bạn không sử dụng các loại thuốc về choresterol hay đang điều trị bệnh lý liên quan mà nồng độ choresrerol vẫn cao thì có lẽ bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
Vấn đề đường ruột
Hormone tuyến giáp về cơ bản ảnh hưởng tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể, hệ tiêu hóa cũng không ngoại lệ. Vậy nên với người bị bệnh về giáp rất dễ bị tiêu chảy hoặc đau dạ dày. Trong đó, người bị suy giáp dễ bị táo bón còn người bị cường giáp thì lại hay bị tiêu chảy và đau bụng.
Tăng huyết áp
Hormone từ tuyến giáp có ảnh hưởng lớn cả đến vấn đề tim mạch, hormone thường kích thích làm tăng giảm nhịp tim và sức bơm máu, vì vậy dẫn đến tình trạng tăng giảm huyết áp. Vậy nên nếu bạn bị rối loạn tuyến giáp, huyết áp của bạn sẽ rất thất thường. Suy giáp khiến huyết áp tăng nhanh còn cường giáp lại khiến huyết áp bị chậm.
Trầm cảm lo âu
Nếu cơ thể bị trầm cảm và hoảng sợ, chữa trị mãi vẫn không khỏi dù đã uống thuốc đặc trị, có thể bạn đã bị bệnh về giáp.

Mệt mỏi

Hormone tuyến giáp là một phần quan trọng giúp tăng trưởng và thúc đẩy hoạt động của các cơ, vì vậy, nếu bạn gặp vấn đề về giáp sẽ khiến nguồn hormone giả, do đó cơ sẽ không được thúc đẩy và gây mệt mỏi. Đặc biệt, đôi khi cường giáp còn có thể khiến bạn mất ngủ hoặc ngủ nhưng không cảm giác đủ giấc.

Chưa kể, nếu tuyến giáp có vấn đề, hormone ít sẽ kéo theo lượng seroterin thấp xuống, tạo cảm giác làm việc không hứng thú, mệt mỏi.

Đó là bởi vì việc sản xuất quá ít hormone tuyến giáp có thể có ảnh hưởng đến lượng serotonin trong não mà serotonin là một loại hormone có tác dụng giúp bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Do đó, khi tuyến giáp không hoạt động tốt, lượng serotonin trong não bị giảm đi, kết quả là bản cảm thấy chán nản.
Thay đổi trọng lượng
Khi bị cường giáp, các hormon sản sinh liên tục sẽ khiến bạn luôn có cảm giác đói, nhưng dù ăn nhiều vẫn giảm cân. Còn với suy giáp, bạn không có cảm giác muốn ăn và dù không ăn bạn vẫn béo. Vậy nên nếu cân nặng của bạn trở nên khó thay đổi cho dù đã cố gắng giảm bớt hoặc tăng khẩu phần thì có thể bạn đã bị bệnh về giáp. Bạn nên biết rằng đó chính là triệu chứng của bệnh tuyến giáp và hãy sẵn sàng đi gặp các chuyên gia tư vấn trong thời gian sớm nhất.




Bệnh viêm tuyến giáp phân loại để điều trị đúng cách

Viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị biến đổi do tác động ngoại lai như vi khuẩn, bệnh cơ hội… Bệnh này là nguyên nhân chính gây ra các tình trạng suy giáp, cường giáp. Bệnh viêm tuyến giáp là một tập hợp các bệnh với đa dạng các biểu hiện khác nhau. Trong đó chủ yếu được chia ra làm 3 loại:

– Viêm tuyến giáp cấp tính

– Viêm tuyến giáp bán cấp tính: trong đó có 2 dạng là Viêm tuyến giáp dạng u hạt bán cấp tính và Viêm tuyến giáp lympho bào bán cấp tính

– Viêm tuyến giáp mãn tính cũng bao gồm 2 loại Viêm tuyến giáp lympho bào mãn tính (hay còn gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto) và Viêm xơ tuyến giáp mãn tính (viêm tuyến giáp Riedel).

Nguy cơ:

Do tính chất mỗi loại viêm khác nhau, tuy nhiên có một số nguy cơ có thể tổng hợp chung lại như:

– Thiếu i-ốt

– Nhiễm xạ

– Rối loạn miễn dịch

– Thay đổi hormon

– Di truyền

– Mắc các bệnh về não

Các chẩn đoán chủ yếu:

– Xét nghiệm máu, đo nồng hộ hocmon và kháng thể tuyến giáp trong máu

– Xét nghiệm đo lượng phóng xạ iốt

– Chụp xạ hình tuyến giáp

Cách điều trị:

– Thông thường khi suy giáp sẽ điều trị levothyroxin, khi cường giáp sẽ hỗ trợ bằng Corticoid. Nhiều trường hợp sử dụng các hormon thay thế, cũng có trường hợp phải phẫu thuật.



Phân loại

1. Viêm tuyến giáp cấp tính


Nguyên nhân và triệu chứng: So với các dòng viêm tuyến giáp khác thì loại viêm tuyến giáp cấp tính thua xa về độ phổ biến. Bệnh sinh ra do bản thể bị nhiễm vi khuẩn hoặc kí sinh trùng như tụ cầu vàng, Ecoli, nấm, từ đó tạo viêm nhiễm vậy nên bệnh còn được gọi là viêm tuyến giáp mủ. Người bệnh có thể nhiễm khuẩn qua máu, đôi khi chỉ do một chấn thương nhỏ. Khi bị viêm, người bệnh thường có biểu hiện như sốt, mệt, sưng và căng vùng cổ hoặc hàm dưới.
Chẩn đoán: Đối với loại này, để chẩn đoán chủ yếu phương pháp là xét nghiệm đo lượng bạch cầu và hàm lượng hormon trong máu. Sau đó siêu ấm và chụp xạ hình tuyến giáp. Cuối cùng, để lấy kết quả chính xác nhất, bác sĩ có thể siêu cầu sinh thiết tế bào giáp để chẩn đoán độ nguy hiểm của bệnh.
Điều trị: Đối với viêm tuyến giáp cấp tính, trường hợp bệnh thông thường không nặng lắm, dựa vào tình trạng bệnh là lựa chọn điều trị kháng sinh hoặc nếu đã viêm nhiễm mưng mủ thì cần rạch để thoát mủ.



2. Viêm tuyến giáp bán cấp tính


– Viêm tuyến giáp dạng u hạt bán cấp tính (De quervain)

Đây là dạng bệnh lành tính bị viêm do virus, thường xuất hiện khi cơ thể mới khỏi bệnh, miễn dịch còn yếu. Virus sẽ thâm nhập, khiến tuyến giáp phản ứng và giải phóng quá đà các nội tiết tố và gây cường giáp. Nếu kéo dài, bệnh đảo ngược lại gây suy giáp vĩnh viễn dù bệnh thường tự khỏi sau vài tháng.

Do tính chất hoạt động theo phân bố rõ ràng nên các triệu chứng của bệnh cũng được phân rõ làm 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn cấp tính: Giai đoạn này thường kéo dài khoảng từ 1 -2 tháng, triệu chứng chung là đau đầu, sốt nhẹ, đau họng và cứng cổ. Cơn đau gây nhiều ảnh hưởng tới chế độ ăn uống và sinh hoạt của bệnh nhân. Nếu khám tuyến giáp sẽ thấy tuyến giáp sưng to và cứng.
+ Giai đoạn suy giáp: Đây là giai đoạn khi tuyến giáp đã xả hết các hormone dự trữ. Lúc này các triệu chứng đau sẽ biến mất, nếu không mắc bình giáp thì giáp có thể đang bị suy nhược. Nếu sờ sẽ thấy giáp chắc, cứng.

+ Giai đoạn hồi phục: Lúc này tuyến giáp sẽ thu gọn lại, bình thường, căn bệnh có chiều hướng đi đến hồi kết.

Chẩn đoán bệnh viêm tuyến giáp thường qua các bước:

+ Khám tuyến giáp

+ Xét nghiệm máu

+ Xét nghiệm tìm các kháng thể kháng tuyến giáp

+ Đo độ tập trung phóng xạ tại tuyến giáp

+ Chọc hút sinh thiết tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ

Điều trị:

Giai đoạn cấp tính: Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định Corticoid để giảm đau. Ngoài ra các thuốc kháng giáp khác không có tác dụng gì trong trường hợp này.

Giai đoạn nhược giáp: Sử dụng levothyroxine liều cao tùy vào tình trạng bệnh

Giai đoạn hồi phục: Nếu bệnh đã hết mà vẫn để lại nhân trên tuyến thì phải phẫu thuật cắt bỏ.



– Viêm tuyến giáp Lympho bào bán cấp tính:

Đây là dạng bệnh viêm tuyến giáp khá kì lạ. Bởi lẽ ngoài việc bướu đột ngột to ra còn lại người bệnh không hề thấy đau như khi bị các dạng viêm khác. Bệnh thường gặp ở phụ nữ sau sinh, chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn cường giáp có tác động giống với viêm bán cấp u hạt, tức là giải phóng hocmorn, chỉ có thời gian bệnh sẽ kéo dài và biểu hiện trên người là khác. Người mắc bệnh trong thời gian này sẽ thường xuyên thấy hồi hộp, ăn nhiều nhưng vẫn không lên cân.

Giai đoạn bình giáp: Thời gian này, tuyến giáp sẽ chắc lại, kéo dài trong gần 1tháng.

Giai đoạn suy giáp: Giai đoạn này có thể có cũng có thể không, và thường kéo dài khoảng 2-3 tháng

Giai đoạn hồi phục: Lúc này bệnh có xu hướng kết thúc nhanh, tuy nhiên đối với phụ nữ mới sinh bị viêm tuyến giáp rất dễ tái phát ở lần mang thai sau.

Chẩn đoán: Xét nghiệm tìm kháng thể kháng tuyến giáp và đo lượng nồng độ các Hocmon tuyến giáp

Điều trị:

Giai đoạn cường giáp: Tập trung chỉ điều trị để giảm bớt biểu hiện cường giáp.

Giai đoạn bình giáp: bác sĩ sẽ hạn chế cho thuốc trong thời gian này

Giai đoạn nhược giáp: sử dụng levothyroxin

Giai đoạn hồi phục: các chuyên gia y tế sẽ xem xét và đưa ra hướng điều trị tiếp.



3. Viêm tuyến giáp mãn tính:


– Viêm tuyến giáp hashimoto

Bệnh viêm tuyến giáp phân loại để điều trị đúng cách

Đây là loại viêm giáp có tỉ lệ cao nhất trong các loại viêm giáp. Tỉ lệ tuy nhỏ nhưng bệnh đang có xu hướng lan rộng. Bệnh phổ biến ở nữ hơn nam. Sở dĩ căn bệnh này được chú ý bởi nó là loại viêm giáp có tác động xấu nhất đến cơ thể. Bệnh lâu ngày có thể gây vấn đề về tim mạch, thần kinh và dị tật bẩm sinh. Bệnh thường bị nhầm lẫn với chứng biếu cổ. Đặc biệt, bệnh này thường song hành với rối loạn mỡ máu.

Triệu chứng: Bệnh phần lớn có triệu chứng không điển hình, thường phát triển lặng lẽ cho đến giai đoạn suy giáp. Ban đầu rất khó nhận ra, khi bệnh đổ nặng, tuyến giáp sẽ to lên, chèn ép cổ, bệnh nhân sẽ bắt đầu thấy có vấn đề về trí nhớ. Sau đó là các biểu hiện ra bên ngoài như bướu to, mặt phù, giọng khàn. Người bệnh sẽ luôn thấy mệt mỏi, tăng cân liên tục và đau cơ. Nhiều bệnh nhân trở nên trầm cảm vì căn bệnh này.

Chẩn đoán:

+ Đo Hocmon tuyến giáp T3, T4 trong máu.

+ Xét nghiệm tìm các kháng tuyến giáp trong máu

+ Sinh thiết mô tuyến giáp

Điều trị: Chủ yếu là sử dụng hormon thay thế trong 3-6 tháng, nếu bệnh kéo dài phải sử dụng lâu hơn.



– Viêm xơ tuyến giáp mãn tính (Viêm giáp sợi riedel)

Loại viêm giáp này rất hiếm gặp, còn được gọi là viêm giáp gỗ. Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân

Triệu chứng: Bướu giáp đột nhiên xuất hiện, cứng như có khối, gây khó thở, khó nuốt. Bướu chắc, không di động.

Chẩn đoán:

+ Xét nghiệm đo hàm lượng phóng xạ tại tuyến giáp

+ Xét nghiệm tỷ lệ hormon tuyến giáp

+ Tìm kháng thể tuyến giáp trong máu

Điều trị: Nhiều trường hợp bướu chèn quá lớn, cần phẫu thuật. Ngoài ra khi điều trị suy giáp thì sử dụng hormon thay thế.

Đối với bệnh viêm tuyến giáp, quan trọng là người bệnh cần ý thức được cách chữa trị và có những hành động quyết đoán kịp thời khi tiến hành điều trị bệnh.




Những bệnh tuyến giáp thường gặp




Chức năng của tuyến giáp là kiểm soát chuyển hóa của cơ thể (đảm bảo cho các chức năng sống cơ bản) bằng cách sản suất ra các hormone (T3 và T4). Thiếu hụt hormone khiến cơ thể có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.

Tuyến giáp bình thường sẽ duy trì một lượng hormone cần thiết để giữ cho chuyển hóa của cơ thể cân bằng. Lượng hormone tuyến giáp trong máu được kiểm soát và điều chỉnh bới tuyến yên. Tuyến yên nằm ở trung tâm của não bộ, nó điều chỉnh hoạt động của tuyến giáp bằng cách gửi các tín hiệu về sự thiếu hoặc thừa hormone giáp thông qua một hormone gọi là TSH.

Khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, cơ thể tăng tiêu thụ năng lượng. Tình trạng này gọi là cường chức năng tuyến giáp (nhiễm độc giáp). Ngược lại, tình trạng khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone gọi là nhược giáp.

Bệnh tuyến giáp có thể là tình trạng rối loạn về cấu trúc hoặc chức năng của tuyến hoặc kết hợp cả hai. Hầu hết các bệnh lý của tuyến giáp đều làm tuyến giáp to ra - gọi là bướu giáp. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp (mang thai, cho con bú) có tuyến giáp to nhưng không phải là bệnh, mà gọi là tuyến giáp to sinh lý.



Các bệnh tuyến giáp được phân loại như sau:

- Bướu giáp không có rối loạn chức năng được gọi là bệnh bướu giáp đơn thuần. Trong đó, có bướu giáp nhân (khi có một nhân), bướu giáp đa nhân (nhiều nhân) và bướu giáp lan tỏa (khi không có nhân).

- Bệnh viêm tuyến giáp, hay gặp là bệnh viêm tuyến giáp mạn tính tự miễn (bệnh Hashimoto), bệnh viêm tuyến giáp bán cấp De Quervain, viêm tuyến giáp Riedel, viêm tuyến giáp cấp tính. Có một số ít trường hợp viêm tuyến giáp đi kèm với rối loạn chức năng giáp.

- Bệnh bướu giáp có cường chức năng, hay gặp nhất là bệnh Basedow với triệu chứng điển hình là bướu giáp lan tỏa, mạch nhanh, mắt lồi và run tay. Một số bệnh bướu giáp có cường chức năng khác là: Bướu nhân nhiễm độc (bệnh Plummer), bệnh bướu đa nhân nhiễm độc, nhiễm độc giáp do thuốc.

- Các bệnh bướu giáp có nhược chức năng, hay gặp là nhược năng giáp bẩm sinh (bướu cổ đần độn), một số trường hợp viêm tuyến giáp.



Nguyên nhân của bệnh tuyến giáp

- Tình trạng thiếu hụt iốt do thức ăn, nguồn nước, do giảm hấp thu (bệnh lý tiêu hóa), rối loạn men chuyển hóa i ốt.

- Chấn thương tinh thần: căng thẳng quá mức (stress), mang thai, sau sinh.

- Rối loạn đáp ứng tự miễn dịch, nội tiết.

- Yếu tố gia đình, bẩm sinh, cơ địa (yếu tố di truyền).

- Lứa tuổi, giới tính (nữ mắc nhiều hơn nam).

- Tình trạng cung cấp thừa i ốt trong thức ăn, hoặc các thuốc điều trị.



Có thể chữa khỏi

Bệnh tuyến giáp là bệnh tiến triển chậm và có thể chữa khỏi (kể cả ung thư tuyến giáp). Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị và theo dõi cẩn thận người bị bệnh tuyến giáp có thể sống cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Do vậy, bạn không nên lo lắng khi bản thân bị một trong các bệnh của tuyến giáp. Điều tốt nhất nên làm đó là đến khám bác sỹchuyên khoa để có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Mục tiêu của điều trị là khôi phục lại lượng hormone giáp bình thường trong máu, xử trí những tổn thương tại tuyến.

- Đối với bệnh suy giáp:  Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các loại thuốc là nội tiết tố tổng hợp thay thế các hóc môn giáp. Loại thuốc này phải uống hàng ngày theo đơn của bác sỹ và xét nghiệm kiểm tra định kỳ.

- Đối với bệnh cường giáp: Hiện nay có 3 phương pháp điều trị, đó là: dùng thuốc kháng giáp để ngăn chặn sản xuất hóc môn; điều trị bằng i ốt phóng xạ để vô hiệu hóa tuyến giáp và phẫu thuật để cắt bỏ một phần tuyến giáp. Phẫu thuật là phương pháp điều trị có nhiều ưu điểm đó là triệt để, an toàn và không phải uống hóc môn thay thế.

- Đối với bệnh bướu giáp nhân, bướu giáp đa nhân hoặc các u tuyến giáp lành tính thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Hiện nay, một số trường hợp bệnh bướu giáp đơn thuần có thể điều trị bằng phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi có ưu điểm đó là đảm bảo tính thẩm mỹ vì các sẹo mổ nằm kín ở nách và ngực.

- Ung thư tuyến giáp là loại phát triển chậm, kết quả điều trị thường rất tốt. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Sau phẫu thuật sẽ được điều trị bổ trợ bằng hóa chất và xạ. Bên cạnh đó bệnh nhân nhân cũng được dùng các thuốc hormone thay thế.



Người mắc bệnh tuyến giáp nên và không nên ăn loại thực phẩm gì?

-Lựa chọn thực phẩm thông minh, không những hỗ trợ quá trình điều trị mà còn giúp người mắc bệnh Tuyến giáp không bị bệnh nặng thêm.
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng và lớn nhất của cơ thể, nó điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Tuyến giáp trạng tiết ra kích thích tố thyroxine, thường gọi tắt T4. Nó cung cấp các chất cần thiết cho hoạt động và điều khiển hoạt động của mọi tế bào trong cơ thể, kiểm soát việc sử dụng năng lượng, điều hòa nhịp tim, duy trì thân nhiệt....
Việc điều trị các bệnh lý tuyến giáp rất khó khăn, đòi hỏi thời gian dài, chủ yếu là cân bằng lại hormon, đểTuyến giáp hoạt động được tốt nhất. Tuy nhiên người bệnh cũng cần phải có kiến thức nhất định về căn bệnh của mình để biết mình đang mắc bệnh suy giáp, cường giáp hay rối loạn tuyến giáp..... Từ đó có chế độ dinh dưỡng phù hợp để hỗ trợ cho quá trình điều trị, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục và duy trì sức khỏeTuyến giáp tốt nhất.
Iốt
Tuyến giáp của con người cần iốt để sản sinh ra các hormon cần thiết, có tác dụng cân bằng hormon Tuyến giáp, giảm sự hình thành u tuyến giáp. Nhưng không phải người nào cũng bổ sung đầy đủ iốt vào chế độ ăn của mình, nhất là những người sống ở vùng núi cao, những thực phẩm mà họ sử dụng hàng ngày rất ít iốt. Cách đơn giản nhất là hãy sử dụng muối có bổ sung iốt, lưu ý rằng những thực phẩm đóng gói, gia công thường không được bổ sung iốt. Hay bạn cũng có thể ăn các tảo, rong biển ... rất giàu iốt.
Rau lá xanh
Rau bina, rau diếp và các loại rau lá xanh khác là nguồn thực phẩm tuyệt vời giàu magiê và khoáng chất, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, đặc biệt là các hoạt động của Tuyến giáp. Những biểu hiện như mệt mỏi, đau cơ, hay những thay đổi trong nhịp tim có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không nhận đủ magiê trong khẩu phần của mình.
Tuy nhiên đối với cây họ cải như bắp cải, củ cải, bông cải xanh, cải bẹ trắng.... người bị bệnh tuyến giáp cần đặc biệt lưu ý. Đối với người suy giáp nên tránh ăn củ cải, bông cải xanh vì loại thực phẩm này chứa isothiocyanates làm hạn chế việc hấp thu iốt, nhất là khi ăn sống. Khi chế biến các loại rau này tốt nhất nên trần hoặc luộc sơ sẽ giúp phân hủy isothiocyanates không tốt cho người bệnh tuyến giáp.
Các loại hạt
Hạt điều, hạnh nhân, hạt bí là nguồn thực phẩm tuyệt vời giàu magiê, tốt cho tuyến giáp. Các loại hạt sẽ cung cấp cho cơ thể protein thực vật, kẽm, đồng, vitamin E, và B giúp tuyến giáp hoạt động trơn tru.
Hải sản
Các loại hải sản như cá, tôm... là nguồn thực phẩm giàu iốt, kẽm, omega -3, vitamin B và selen rất tốt. Nếu bạn cần duy trì một tuyến giáp khỏe mạnh bạn cần ăn ít nhất 3 bữa cá một tuần. Nên chú ý sử dụng các sản phẩm cá được đánh bắt tự nhiên như cá hồi, cá bơn, cá tuyết....
Thực phẩm chế biến sẵn
Đây là loại thức ăn mà người bệnh về tuyến giáp cần tránh xa. Bởi trong các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa đậu tương, calo rỗng hay chất phụ gia đều không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt trong thực phẩm chế biến sẵn còn chứa hàm lượng chất béo cao, sẽ làm giảm việc sản xuất thyroxin của tuyến giáp, thậm chí giảm tác dụng của các thuốc điều trị suy giáp.
Các sản phẩm từ đậu nành
Một số hợp chất được tìm thấy trong các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ có thể cản trở khả năng tạo hormon của tuyến giáp. Tuy nhiên nếu sử dụng các sản phẩm đậu nành đã lên men như tương miso hay tempeh lại rất tốt. Lý do là đậu nành làm giảm hấp thu iốt. Nếu mắc bệnh mất cân bằng hormon hoặc rối loạn tuyến giáp nên ăn ít hoặc không nên ăn đậu nành hoặc đậu phụ.
Thịt hữu cơ
Đây là loại thực phẩm rất nên được khuyến khích sử dụng vì trong quá trình chăn nuôi, nhà sản xuất không sử dụng hóa chất hay thuốc lên các động vật này, thịt của chúng rất sạch. Nhưng nếu ăn nội tạng động vật như thận, tim, gan, người bệnh tuyến giáp cần lưu ý. Trong nội tạng có rất nhiều axít lipoic, nếu cơ thể nhận được quá nhiều axít béo này có thể phá vỡ hoạt động của tuyến giáp. Axít lipoic còn có thể có ảnh hưởng đến nhiều loại thuốc tuyến giáp mà bạn đang sử dụng.
Thực phẩm gluten
Gluten là một protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, cụ thể là ở đường ruột. Các sản phẩm chứa gluten thường là bánh mỳ, bánh quy, bánh ngọt, làm các món ăn chay..., có khoảng 10% dân số thế giới không dung nạp gluten, khi ăn các loại thực phẩm này gây đầy bụng, tiêu chảy, đau bụng.....Xu hướng tiêu dùng hiện đại đang chuyển sang các sản phẩm không gluten (gluten free), có lợi cho sức khỏe. Vì gluten gây ra phản ứng miễn dịch tự động, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc suy giáp. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng một chế độ ăn không có gluten có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tuyến giáp.
Tránh ăn nhiều chất xơ và đường
Mặc dù chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, nhưng nó ngăn cản sự hấp thu thuốc của cơ thể. Người bệnh cần hạn chế ăn nhưng cũng không nên loại bỏ hoàn toàn vì đây là thực phẩm cần thiết cho quá trình tiêu hóa.
Đường và các chất tạo ngọt cũng vậy. Khi tuyến giáp bị suy giảm chức năng, ảnh hưởng tới việc chuyển hóa đường thành năng lượng, gây tăng cân, ảnh hưởng hoạt động của tuyến giáp.
Thuốc tuyến giáp và thực phẩm
Có rất nhiều các loại thực phẩm ảnh hưởng đến hấp thu của thuốc điều trị tuyến giáp. Nó có thể làm cơ thể hấp thu quá nhanh hoặc quá chậm, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ thật kỹ để giúp tăng hiệu quả điều trị.
Không nên uống thuốc điều trị suy giáp với các thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm của sữa hay uống cùng với thuốc canxi, nó sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Bác sĩ khuyên người bệnh nên uống sữa cách xa uống thuốc điều trị tuyến giáp.
Cà phê hoặc các thức uống có chứa caffein cũng làm giảm tác dụng của thuốc tuyến giáp vì nó kích thích hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ của thuốc. Người bệnh tuyến giáp nên uống thuốc lúc đói, tốt nhất vào buổi sáng và có thể ăn sáng khoảng 1 tiếng sau đó.



Chữa khỏi bệnh Bướu tuyến giáp

Giữa cổ lồi lên một khối u to bằng quả táo nhỏ.. Kết quả siêu âm: Bướu nhân tuyến giáp. Bác sỹ yêu cầu nhập viện để phẫu thuật và hẹn ngày mổ. Do sức khỏe không tốt người hay mệt mỏi, ăn ít ngủ kém, khó thở…
PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ
· Quân bình năng lượng nhằm khai thông những chỗ bị bế tắc, lập lại quân bình âm dương cho cơ thể.
· Dùng phác đồ tiêu viêm, tiêu độc, tiêu bướu khối u.
41- 143- 127- 19- 37- 38- 8- 12- 14- 275.
Các huyệt trên ấn theo 3 lần cách khoảng.
· Day tròn nhẹ 2 cổ tay nơi phản chiếu cổ.
Hai cổ tay đồng ứng cổ
· Day tròn rồi hơ ngải cứu cổ 2 ngón chân cái (nơi đồng hình với cổ) mỗi nơi 60 vòng và hơ nóng mỗi chỗ 30 giây.
· Hơ ngải cứu đối xứng với Tuyến giáp (sau gáy).
· Lăn, gõ búa mai hoa trực tiếp, hơ ngải vùng có u bướu khoảng 2 phút.
· Khi chữa khối u bướu dùng 2 điếu ngải cứu chập đôi hơ lan rộng xung quanh mỗi vùng và trực tiếp.
· Áp dụng đốt 2 điếu ngải chập đôi hơ nóng từ cổ tay lan dần xuống bụng tay, chỗ nào thấy bắt nóng nhiều hơ nhiều lần (khoảng 10 đến 20 giây). Khi chỗ đó bắt nóng giảm chuyển sang điểm khác trên cùng cổ tay cho đến khi vùng cổ tay, bụng tay hết bắt nóng, mới chuyển sang vùng hầu họng, sau gáy .
· Vùng chẩm gáy, hơ từ chẩm lan xuống hai bên bả vai, khi không còn điển bắt nóng mới dừng.
· Vùng hầu họng, hơ ngải cứu từ vùng có bướu lan xuống vùng huyệt Thiên đột đến tuyến ức (huyệt Đản trung) vùng này có 10 điểm bắt nóng

· Sau 15 ngày điều trị các sinh huyệt bắt nóng giảm. Mỗi ngày điều trị một lần, các điểm hút nóng còn ít chuyển sang 03 ngày điều trị 1 lần. Các điểm bắt nóng hết hoàn toàn, sức khỏe tôi đã được cải thiện, ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, giấc ngủ sâu, hiện tượng tức ngực khó thở hết, sức khỏe hoàn toàn bình phục.

Mỗi tuần hơ ngải cứu 01 lần vào Tuyến Giáp phòng khi bệnh tái phát.
KIÊNG: Trong thời gian điều trị như : Cay, nóng, bia rượu, các loại quả có dạng như bướu như Xu hào, quả Su su, cam, quýt, chanh, táo, trứng






No comments:

Post a Comment