GIÁO TRÌNH
LÝ LUẬN CƠ BẢN ĐÔNG Y
Bài 1. ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH
Âm dương ngũ hành là tưởng triết học cổ đại phương
Đông, là một thứ phương pháp tư tưởng nhận thức và nắm vững qui luật phát triển
của sự vật.
Sách Tố Vấn/ Âm dương ứng tượng đại luận nói: Âm
dương là quy luật của trời đất, cương kỷ của vạn vật, nguồn gốc của mọi biến
hóa, căn cội của sự sinh trưởng và hủy diệt trong đó đạo lý to lớn là hễ làm thầy
chữa bệnh là phải tìm rõ căn bản của bệnh trình biến hóa, mà đạo lý biến hóa ấy
đều gói gọn trong hai chữ âm dương.
Ngũ hành là chỉ 5 nguyên tố lớn: kim loại (kim), gỗ
(mộc), nước (thủy), lửa (hỏa), đất (thổ). Người xưa cho rằng trên mặt đất này tất
cả mọi vật chất đều do 5 nguyên tố lớn đó tạo thành.
Hai thuyết âm dương và ngũ hành tuy không phải xuất
hiện cùng một thời, nhưng cả hai gặp nhau lý giải các hiện tượng thiên nhiên, dần
dần người ta sát nhập lại gọi chung là Âm dương Ngũ hành.
Được các nhà y học cổ đại (đời Chu, Xuân Thu chiến
quốc) đem ứng dụng giải luận của y học cổ truyền phương Đông.
Tiết 1. ÂM DƯƠNG
A) Nguồn gốc:
Từ học thuyết quỷ thần ngự trị, thế giới này là của
thần linh, tiến dần có học thuyết âm dương thay thế (giảng giải thêm)
Nhận thức của cổ nhân, thế giới vật chất này khởi
thủy từ các hiện tượng tự nhiên, thông qua quan sát lâu dài mà nhận thức được,
họ phát hiện vũ trụ này là một khối thống nhất hoàn chỉnh không ngừng vận động
và biến hóa, quả đất này giữa lớp đại khí bao bọc của vũ trụ cũng không ngừng
theo phướng hướng nhất định, dẫn chứng: thiên khí xoay theo hướng phải từ đông
sang tây rồi giáng xuống, địa khí xoay theo hướng phải, từ tây sang đông rồi
thăng lên, xoay đủ một vòng bên phải bên trái là một năm rồi trở lại từ đầu (Tố
Vấn / Ngũ vận hành đại luận 67).
Nhận thức của cổ nhân đối với sự vật biến hóa,
ngoài việc nêu ra mối quan hệ giữa người và tự nhiên giới đó là vấn đề cơ bản
chủ yếu nhất là: bất cứ sự vật nào đều có hai mặt trái phải, đối lập lại thống
nhất quan hệ trong của hai mặt ấy nó tác dụng lẫn nhau vận động không ngừng, đó
là căn cội của sự vật sinh trưởng, biến hóa và hủy diệt các vấn đề như vậy cổ
nhân dùng hai đại danh từ Âm Dương để thuyết minh và đấy là nội dung chủ yếu của
học thuyết Âm Dương.
Học thuyết này được cổ nhân vận dụng từ 3000 năm
nay, nội dung mọi mặt kết tinh ở kinh dịch, dùng tự nhiên giới giải thích mọi
hiện tượng tự nhiên giới.
Ví dụ: khí khinh thanh bốc lên làm trời, khí trọng
trọc lắng xuống làm đất.
Mặt trời là dương, mặt trăng là âm
Ban ngày là dương, ban đêm là âm.
Sau đến đời Xuân Thu chiến quốc, các y gia Trung Quốc
tiếp thu học thuyết này đem lắp ráp rộng rãi vào y học, lý giải hầu hết mọi vấn
đề trong phạm trù y hoc, nó đã trở thành lý luận cơ bản hàng đầu giải thích mọi
vấn đề giữa người và tự nhiên giới, giải thích công năng sinh bệnh lý của con
người, giải thích quy luật phát triển của bệnh tật, chỉ đạo tốt và rất tốt công
tác chẩn trị lâm sàng có tác dụng tích cực trong sự nghiệp phát triển y học, được
giới trí thức lâm sàng Đông y vận dụng và vận dụng mạnh từ xưa đến nay.
Không có lý luận cách mệnh thì không có phong trào
cách mệnh, không quán triệt lý luận cơ bản của Đông y thì không lấy gì soi sáng
để làm tốt công tác kết hợp Đông Tây y, như vậy việc học tập lý luận cơ bản này
là vấn đề không thể bỏ sót.
B) Các đặc
trưng và quy luật cơ bản:
- Đặc tính đối lập và thống nhất:
Âm dương có hai mặt đối lập nhau mà thống nhất
nhau, tồn tại phổ biến trong mọi sư vật và hiện tượng tự nhiên giới. hiện tượng
đối lập và thống nhất này có thể vận dụng giải thích bất cứ chỗ nào, ở đâu, đều
phải cả:
Ví dụ: trời là Dương, đất là Âm.
Sáng là Dương, tối là Âm
Nam là Dương, nữ là Âm.
Khí là Dương, vị là Âm.
Các loại như vậy, nói được bất cứ sự vật nào đều đối
lập nhau mà vẫn thống nhất nhau, tồn tại trong khoảng vũ trụ, đều có thể dựa
vào thuộc tính nhất định để phân biệt hai mặt âm dương.
Nếu đem suy rộng ra, đều có thể nêu thuộc tính
tương đối nhau như:
Hoạt động là Dương tính.
Trầm tĩnh là Âm tính.
Sáng sủa là Dương, đen tối là Âm.
Hưng phấn là Dương, ức chế là Âm.
Mát mẻ là Âm, ấm áp là Dương.
Bên ngoài là Dương, bên trong là Âm
Vô hình là Dương, hữu hình là Âm.
… không có điểm nào mà không quan hệ đối lập giữa
Âm với Dương. Do đó có thể biết: Âm Dương tuy khái niệm trừu tượng nhưng lại có
cơ sở vật chất của nó, nó có thể bao quát tất cả, phổ cập tất cả, trở thành sự
vật vốn có khái niệm đối lập mà thống nhất, nhưng trong Âm Dương tồn tại đối lập
cũng không phải đơn giản, mỗi sự vật đều có hai mặt Âm Dương đối lập của nó mà
không nội bộ Âm Dương như:
Trời sáng là Dương, đêm tối là Âm.
Mà trong trời sáng đó còn phân chia dương trong âm
và âm trong dương, như Tố Vấn / Kim quỹ chân ngôn luận – 4 nói:
Trong âm có dương, trong dương có âm; từ sáng sớm tới
giữa trưa là dương trong ngày (dương trong dương). Từ giữa trưa tới sẫm tối là
dương trong ngày (âm trong dương), từ chạng vạng tối tới khuya gà gáy là âm
trong ngày (âm trong âm), từ gà gáy sáng sớm là âm trong ngày (dương trong âm).
Từ trong âm dương còn có lý luận âm dương, suy rộng
tới sự vật khác cũng có thể thuyết minh tính phức tạp của mâu thuẩn nội tại của
sự vật.
Âm dương đều có đặc tính riêng biệt của nó song
trên cơ sở đối lập lại là thống nhất nhau.
Ví dụ 1: Cái dạ dày là vật thể hữu hình, xếp nó thuộc
âm, nhưng cơ năng vận động tiêu hóa của nó là vô hình, phải xếp thuộc dương,
thành ra vật chất hữu hình đối lập với cơ năng vô hình, mà nếu vật thể hữu hình
đó không được sự phối hợp với cơ năng vô hình kia thì cái dạ dày đó cũng trơ
thành dạ dày bằng thạch cao mất tác dụng tiêu hóa cần có của nó, ngược lại nếu
không có cái vật thể hữu hình đó thì cơ năng vận động kia cũng không chỗ dựa rồi
cũng không thành cơ năng vận động nữa; như vậy dạ dày là âm, cơ năng vận động
là dương, hai mặt đã đối lập nhau mà lại thống nhất với nhau.
Ví dụ 2: một hạt giống nẩy mầm, đẩy nhân tố nội tại
của nó, xếp thuộc âm, điều kiện khách quan làm cho nó nẩy mầm như đất, phân, thời
tiết là nhân tố ngoại lai xếp thuộc dương.
Nhân tố nội tại và điều kiện khách quan là hai mặt
đối lập nhau, nhưng hai mặt đối lập ấy mà thiếu đi một vế thì không thể nào làm
cho hạt giống ấy nẩy mầm và phát triển được, cho nên hai mặt ấy tuy đối lập mà
cũng thống nhất với nhau.
Tóm lại, Âm với Dương là: mình với ta tuy hai mà một,
ta với mình tuy một nhưng hai, Âm với Dương là một khối thống nhất hoàn chỉnh,
đối lập nhau mà luôn phải thống nhất, biểu hiện chủ yếu có mấy phương diện kể
sau:
C) các quy
luận cơ bản:
1. Âm dương hổ căn: là nó bắt rễ nhau, bám víu nhau,
dựa vào nhau (âm dương bảo trì nhau, bắt rễ vào nhau, cội nguồn vững chắc thì sống
lâu).
Lý luận Đông y cho rằng: âm sinh bởi dương, dương
sinh bởi âm, âm lẻ loi thì không sinh nở, dương cô độc thì không phát triển, là
nói bất cứ phương iện nào, âm dương đều phải dựa vào sự tồn tại của đối phương
mà tồn tại, không có âm thì không có dương, ngược lại không có dương cũng sẽ
không có âm.
Lại nói: gốc của sự sống vốn nơi âm dương, hễ âm
dương tan lìa, tinh khí bèn kiện tuyệt, cho rằng từ đầu cho tới cuối của sự sống
là quan hệ hỗ căn của âm với dương, trong quá trình đất tranh lẫn nhau, nếu
quan hệ này mất đi thì sinh mệnh cũng sẽ chấm dứt.
Ví dụ 1: nói về mặt sinh lý, công năng của toàn
thân thuộc dương, cơ sở vật chất thuộc âm, công năng hoạt động cần được dựa cơ
sở vật chất. Mà vật chất thì lại được bổ sung không ngừng lại phải dựa vào công
năng (bao gồm hằng hoạt động ăn uống, tiêu hóa, hấp thu, chuyển vận, tuần hoàn
huyết dịch…) mới hoàn thành.
Ví dụ 2: chúng ta ăn uống những thức ăn hữu hình
(thuộc âm) vào dạ dày, nhờ công năng vận động (thuộc dương) vô hình kia tác dụng
vào mới tiêu hóa, mới biến thành vật chất dinh dưỡng cho cơ thể hấp thụ, ngược
lại cơ năng tiêu hóa ấy cũng phải nhờ sự cung ứng không ngừng của vật chất dinh
dưỡng thì mới sản ra sức vận động.
Hai vị trí trên giới thiệu sự liên hệ hỗ tương tiêu
trưởng biến hóa của âm dương trên cơ sở đối lập và mâu thuẫn nhau, cái lẻ hỗ
tương tiêu trưởng biến hóa ấy, cổ nhân gọi là “âm dương hỗ căn”.
2. Âm dương tiêu trưởng: là phát triển và hủy diệt.
Thuyết minh một phương diện đối lập của đôi bên âm dương, bất kỳ mặt đối lập
nào đều có tác dụng chế ước với mặt kia, để duy trì tình trạng thăng bằng tương
đối của sự vật. Nếu mặt này phát triển thái quá sẽ làm cho mặt kia lừng lên,
làm cho hai mặt âm dương của sự vật biến động không ngừng, bên này thịnh thì
bên kia suy, bên này suy thì bên kia phát triển.
Ví dụ 1: nói về sự xoay chuyển bốn mùa thì:
- Từ mùa xuân đến mùa hạ thì dương trưởng mà âm
tiêu.
- Từ mùa thu đến mùa đông thì âm trưởng mà dương
tiêu.
Ví dụ 2: nói về hiện tượng âm dương biến hóa của tự
nhiên giới thì:
- Nước bốc lên hợp với khí nóng làm mây, đó là âm
tiêu dương trưởng.
- Mây gặp khí lạnh hóa thành mưa thì là dương tiêu
âm trưởng.
Ví dụ 3: nói về bệnh lý, như cao huyết áp có một loại
hình chứng đau đầu, chóng mặt, mất ngủ hay chiêm bao, tính táo cấp, hay nổi giận
hay gắt gỏng, lưỡi đỏ mà khô, mạch hay đi huyền tế, sác, đó là do âm hư (âm tiêu)
dẫn tới hỏa vượng (dương trưởng) mà tạo thành.
Ngược lại, như sốt cấp tính thương là sốt cao
(dương trưởng) tổ thương âm, xuất hiện chứng trạng âm dịch vơi kém (âm tiêu) đó
là do dương thịnh dẫn đến âm hư.
3. Âm với dương bình hoành: tức âm
dương cân bằng.
Âm với dương luôn luôn phát triển và biến hóa không
ngừng có cơ sở trên sự cân bằng tương đối, như về sinh lý con người âm dương cần
được thăng bằng thì mới khỏe mạnh. Trong quá trình phát triển biến hóa ấy tuy
có sanh ra tình trạng mất thăng bằng, nhưng cuối cùng sự phát triển vẫn phải
khôi phục sự cân bằng nếu không là sinh bệnh: âm trổi hơn thì dương bị bệnh,
dương trổi hơn thì âm bị bệnh, do đó sanh ra chứng trạng:
- Dương trội quá thì phát sốt.
- Âm trội quá thì sợ lạnh.
Mặt khác hễ âm hư thì sinh nội nhiệt, dương hư hủy
ngoại hàn.
Nếu hai mặt âm với dương không cân bằng mà chệnh lệch
quá mức sẽ dẫn đến kết quả bất tường (bị hủy diệt) cho nên cường điệu rằng âm
dương phải bảo đảm được tình trạng cân bằng tương đối.
Chứng hàn: Âm thắng -> dương bị bệnh (âm dương
hơi kém) âm bị bệnh <- dương thắng.
Chứng nhiệt: âm hư -> nóng bên trong (âm dương
chênh lệch) dương hư <- lạnh ngoài.
Tóm lại, âm dương là 2 đại danh từ chỉ sự đối lập với
nhau có thể ứng dụng cho hai mặt đối lập của tất cả sự vật, vì nó đại biểu rất
rộng rãi cho mọi sự vật khách quan, cho nên quy luật âm dương cũng là quy luật
khái quát của sự vận động và phát triển không ngừng của sự vật khách quan.
Vì sự vật khách quan có hai mặt đối lập cho nên sản
sinh tính đối lập của quy luật âm dương.
Vì sự vật khách quan là một khối thống nhất chỉnh
thể cho nên sản ra tính thống nhất của quy luật âm dương.
Vì sự vật khách quan đối lập lẫn nhau mà lại liên hệ
với nhau cho nên hình thành quan hệ hỗ tương, thúc đầy lẫn nhau biến hóa lẫn
nhau để vận động phát triển, sản ra quy luật âm dương biến hóa.
Vì kết quả của sự phát triển của sự vật chỉ là đảm
bảo sự cân bằng tương đối cho nên sản sinh ra quy luật âm dương bình hành tức
là âm dương cân bằng.
Mấy quy luật cơ bản nói trên, ban đầu được các bậc
thông thái thượng tầng kiến trúc cổ đại vận dụng giải thích các hiện tượng tự
nhiên, sau rồi được các y gia vận dụng giải thích các vấn đề y học, ở đây ta học
Đông y, nên chỉ bàn sâu trong phạm trù y học.
D. Vận dụng
âm dương vào y học:
Các nhà vận dụng âm dương vào y học là giải thích
giữa con người và tự nhiên giới, giải thích sự quan hệ của bệnh lý, sinh lý, giải
thích trong vấn đề chẩn đoán trị liệu và dùng thuốc, chúng ta hãy nghiên cứu
xem:
1. Giải thích mối quan hệ giữa người và tự nhiên giới:
Mối quan hệ này rất mật thiết giữa con người với thời
tiết khí hậu của tự nhiên không làm sao tách rời được, đặc biệt mọi sinh hoạt
trong hoàn cảnh tự nhiên này và tất cả mọi sự biến hóa của thiên nhiên, nhất nhất
đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc trực tiếp đến tấm thân bảy thước của chúng ta.
Rằng gió mùa đông bắc đã tràn về Bắc bộ, thì Bác Hồ
cũng bảo anh bác học trẻ tuổi Phi Luật Tân đánh điện về Manila bảo vợ choàng
khăn quàng cho cháu bé.
Rằng nạn lũ lụt nó hoành hành ở miền Nam thì dân miền
Nam cũng phải đói meo và phải ăn hạt bo bo dài dài… mặc dù xứ ta cả cơm lớn tiền.
Bắt buộc rằng: trông cho chân phải cứng, đá phải mềm,
trời phải yên, bể phải lặng, thì mới yên tấm lòng, con người chúng ta phải luôn
rèn luyện, thích ứng được mọi tình huống, mọi khí hậu biến hóa của thiên nhiên
thì mới khỏe mạnh sống lâu được.
Tóm lại, nhân thể đối với thiên nhiên, có mối quan
hệ từng giây từng phút, muốn sống lâu sức khỏe thì phải gần gũi thiên nhiên, phải
rèn luyện thân thể cho cứng cáp, luôn luôn thích ứng được với sự biến hóa của
thời tiết khí hậu của 4 mùa, làm sao cho âm thăng bằng dương kín đáo; không thể
cho nó phát triển sự chênh lệch trái thường.
2. Giải thích mối quan hệ sinh lý của nhân thể:
Nói đến nhân thể thì phải đề cập hai mặt vật chất
và công năng vì hai mặt ấy được đại biểu bởi hai chữ âm dương, hình thành bởi
hai tính chất đối lập, cho nên căn bản của con người là hai mặt âm dương, cụ thể
là rất nhiều khía cạnh phải dùng hai chữ âm dương để giải thích như:
- nói về bộ vị thì đầu thuộc dương, chân thuộc âm,
lưng thuộc dương, bụng thuộc âm.
- Nói về quan hệ giữa hình vóc và nội tạng thì hình
vóc bên ngoài thuộc dương, ngũ tạng bên trong thuộc âm.
- Nói về nội tạng thì 5 tạng thuộc âm, 6 phủ thuộc
dương.
- Lại nói về công năng thực thể thì tất cả những hoạt
động mắt không trông thấy được, tay không sờ mó được đó là khí, thuộc dương,
còn thực thể vật chất như chân tay xương xẩu nội tạng mắt thấy được tay sờ được
đó là âm.
Đồng thời, âm dương trong nhân thế trên cơ sở đối lập
để duy trì sự thống nhất thì mới bình thường, sự thống nhất và đối lập đó cơ sở
trên đều kiện có dương khí bảo vệ bên ngoài, âm tính cố thủ bên trong liên hệ
chặt chẽ với nhau mới thể hiện được, giả sử âm dương không cân đối nhịp nhàng
thì sẽ dẫn đến tình trạng mất thăng bằng mà sinh bệnh, nếu khi nào âm dương hơi
kém tối đa, vào cái thế âm dương tách rời thì sự sống nhất định là không còn
duy trì được nữa.
3. Giải thích mối quan hệ bệnh:
Âm dương trong nhân thể luôn phải gìn giữ sự cân bằng,
nếu âm thắng thì dương bị ảnh hưởng, dương thắng thì âm bị ảnh hưởng, dương thắng
sinh nhiệt, âm thắng sinh hàn, dương hư sợ lạnh ngoài, âm hư sinh nóng trong,
dương khí thịnh thì nóng sốt cả người, âm khí thịnh thì hư hàn bên trong.
Tóm lại, ứng dụng âm dương vào bệnh lý như trong bệnh
tật biến hóa thì:
- Những hiện tượng tích cực như bệnh tiến triển,
hưng phấn, nóng bên ngoài, thực chứng… đều quy nạp là dương chứng.
- Những hiện tượng tiêu cực như suy nhược, ức chế,
lạnh bên trong, hư chứng… đều được quy nạp là âm chứng…
4. Giả thích vấn đề chẩn đoán:
Mấu chốt trong công tác chẩn đoán là biện được âm
chứng hay dương chứng, âm dương là tổng chứng để biện chứng, người thầy thuốc
khi đặt tay vào mạch phải phán đoán cho được dương chứng hay âm chứng, nói
chung:
- Bệnh nào xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực như
phát sốt, thích im mát, khát muốn uống, đại tiện táo bón, nước tiểu vàng đỏ,
tâm thần vật vả, mắt mở trao tráo, ưa cựa quậy, nói huyên thuyên, thở ồ ồ, mạch
phù hoặc sác, thì quy chung nó là dương chứng.
- Bệnh nào xuất hiện các dấu hiệu tiêu cực như ớn lạnh,
chân tay phát lãnh, thích ấm áp, miệng không khát, phân trong loãng, nước tiểu
trong mà mà dài, thần chí tỉnh táo, mắt nhắm nghiền, không nói chuyện, thở hơi
yếu, mạch trầm trì, thì quy cho nó là âm chứng.
Bệnh có muôn hình vạn trạng cũng không ngoài vòng
âm dương thủy hỏa, và khí huyết, hàn nhiệt, hư thực, hay dựa vào các tổng cương
đó mà phăng tìm. Nói cách khác, bệnh tuy thiên hình vạn trạng, nhưng tổng hợp lại
không ngoài hai chữ âm dương, đó là chỗ dựa chủ yếu để chẩn đoán về việc trị liệu
không ngoài chữ điều hòa âm dương, cho nên biện được âm dương là mấu chốt việc
chẩn đoán.
5. Giải thích vấn đề trị liệu:
Chẩn đoán chính xác thì đề ra phép chữa không sai,
vạn bệnh không ngoài âm dương suy thịnh hơn kém thì việc trị liệu cũng không
ngoài bổ thiên cứu tệ để điều hòa, làm cho âm dương cân bằng, đó là nguyên tắc
căn bản chữa bệnh.
Ví dụ: bệnh do dương nhiệt quá thịnh tân dịch hao
kiệt (dương thắng thì âm bệnh) thì hãy tỉa bớt cái dương hữu du đó, dùng phép
nhiệt giải hàn chí mà chữa.
Ngược lại, tân dịch ít không ức chế được dương để
dương lấn lên, hoặc dương khí không đủ không chế ngự được âm khiến âm thịnh,
thì hãy bổ sung cho phía không đủ ấy, là cho hai phía được cân bằng với nhau,
sách Nội kinh nói: Dương bệnh thì chữa vào âm, âm bệnh thì chữa vào dương.
6. Giải thích tính năng của dược vật:
Đông y dùng thuốc chữa bệnh là theo các quy luật
trăng giáng phù trầm, tứ khí ngũ vị, thăng là thăng lên đẩy lên, giáng là giáng
xuống, nén xuống, phù là phát tán, bốc ra, trầm là tiết lợi là gây đi ỉa.
Tứ khí là ôn, lương, hàn, nhiệt.
Ngũ vị là cay, chua, ngọt, đắng, mặn.
Những quy luật này xuất phát từ thuyết âm dương mà
chỉ đạo.
Nói về thăng giáng phù trầm thì thăng với phù thuộc
dương, trầm với giáng thuộc âm.
Nói theo tứ khí thì ôn nhiệt thuộc dương hàn lương
thuộc âm.
Nói theo ngũ vị thì ngọt cay phát tán thuộc dương,
chua đắng tiết lợi thuộc âm, ngoài ra vị nhạt cũng là thuộc dương.
Trong khí với vị còn chia hậu bạc khác nhau như vị
hậu (nồng hậu) thuần âm, vị bạc là âm trung chí dương đó là lấy khí vị hậu bạc
để phân biệt âm dương, vận dụng âm dương lý giải được tính. Nếu không nắm vững
các quy luật này là thiếu điểm tựa dùng thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền,
cái kiểu ông tây nghiên cứu cây thuốc áp dụng thuốc theo khảo sát của họ, là
không phải kiểu của y học cổ truyền.
Tóm lại, phạm vi vận dụng học thuyết âm dương rất rộng
rãi, trên vừa mới giới thiệu khái niệm cơ bản về thuyết âm dương và cách ứng dụng
học thuyết âm dương vào y học làm cái sườn chung, người học Đông y đầu tiên phải
học hỏi nhận thức rõ ràng học thuyết này làm cơ sở mới có thể tiếp thu tốt nội
dung khác trong học thuật.
Cần biết thêm, cổ nhân ứng dụng thuyết âm dương đồng
thời kết hợp với thuyết ngũ hành bổ sung giải thích các vấn đề y học do đó tiếp
theo đây ta nghiên cứu đến học thuyết ngũ hành.
Tiết 2. NGŨ HÀNH
A) NGUỒN GỐC:
Là học thuyết vật lý sớm nhất của Trung Quốc do
Trâu Diễn đời Chiến quốc sáng tạo, do quá trình nghiên cứu giải thích các vật
chất mà nảy sinh, phối hợp các phương diện làm lý luận.
Cái gọi ngũ hành là chỉ vào 5 nguyên tố lớn: kim loại
(kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa), đất (thổ), cổ nhân nhận rằng thế giới
vật chất này tất cả đều do 5 nguyên tố lớn đó cấu thành, như đào đất tìm vàng
(kim), chọn đất để trồng cây (mộc), đào ao chứa nước (thủy), đốt củi lấy lửa (hỏa),
tro than thành đất (thổ); năm hành đều không tách rời thổ (thổ vi vạn vật chi mẫu),
dần dần căn cứ vào đặc tính của 5 thứ nguyên tố đó phát triển thành hệ thống,
giải thích tất cả mọi vấn đề của sự vật.
Hai thuyết âm dướng và ngũ hành tuy không đồng thời
xuất hiện, nhưng cả hai gặp nhau khi giải thích các hiện tượng tự nhiên rồi sát
nhập thành thuyết âm dương ngũ hành, vì mặt vận dụng âm dương và ngũ hành, có
điểm riêng biệt của nó, cho nên thường phân ra hai mặt để thảo luận.
B. CÁC QUY
LUẬT CƠ BẢN:
1. quy luật tương sinh: hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau
cùng phát triển gọi là tương sinh, quy luật là mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ
sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc.
Trong quân hệ tương khắc nầy, mỗi hành đều tồn tại
quan hệ hai mặt. nó khắc ta, ta khắc nó.
Ví dụ: ta là mộc thì nó khắc ta là kim, mà ta khắc
nó là thổ; ngoài ra các cái khác đều suy rộng như vậy.
Đấy là quy luật chung tương sinh tương khắc, trong
quan hệ tương sinh tương khắc ấy không phải tồn tại biệt lập mà nó tiến hành nhịp
nhàng hỗ tương.
Trong quan hệ tương sinh còn có quan hệ mẫu tử,
quan hệ tương sinh tương khắc ấy không phải tồn tại biệt lậpmà nó tiến hành nhịp
nhàng hỗ tương.
Trong quan hệ tương sinh còn có quan hệ mẫy tử,
quan hệ này móc xích với nhau, tuần hoàn với nhau. Ví dụ: thủy sinh mộc, thủy
là mẹ của mộc, mà mộc là con của thủy; suy rộng ra mộc sinh hỏa thì hỏa là con
của mộc, mà mộc là mẹ của hỏa; ngoài ra quan hệ các hành kia cũng suy rộng như
vậy.
2. quy luật tương khắc: trong quan hệ ngũ hành đã
có hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau để cùng nhau phát triển (tương sinh), còn có quan
hệ đối kháng, nó ràng buộc nhau, ức chế nhau để giữ mức thăng bằng bình thường
gọi là tương khắc, quy luật là kim khắc mộc, một khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy
khắc hỏa, hỏa khắc kim, tương sinh không tương khắc thì không thể duy trì được
sự cân bằng, tương khắc mà không tương sinh thì vận vật sẽ bị hủy diệt.
Cho nên đã có tương sinh thì phải có tướng khắc để
giữ gìn sự cân bằng tương đối, thúc đẩy nhau, vì vậy hình thành quy luật chế
hóa như sau:
3. quy luật chế hóa, quy luật như vầy:
- mộc khắc thổ, thổ sinh kim, kim khắc mộc.
- hỏa khắc kim, kim sinh thủy, thủy khắc hỏa.
- thổ khắc thủy, thủy sinh mộc, mộc khắc thổ.
- kim khắc mộc, mộc sinh hỏa, hỏa khắc kim.
- thủy khắc hỏa, hỏa sinh thổ, thổ khắc thủy.
Chúng ta có thể giải thích hai mặt: ví dụ: kim sinh
thủy, nói về bản thân của kim thì dường như chỉ có kim gánh vát nhiệm vụ, kỳ thực
là kim đã được thổ viện trợ (tương sinh), cho nên trong hai hành kim và thủy ấy
vẫn cân bằng với nhau, đồng thời mẹ sinh ra kim là thổ lại phát sinh quan hệ
tương khắc với thủy là con của kim. Như vậy ta thấy được trong quan hệ tương
sinh vẫn hàm có quan hệ tương khắc.
Lại nói về mặt
tương khắc, giả như kim là ta, ta (kim) khắc mộc, hỏa thì khắc ta(kim), mà giữa
mộc với hỏa lại có quan hệ tương sinh; cứ tình trạng ấy mà suy luận ra, nó hình
thành quan hệ móc xích nhau trong quan hệ tương sinh hàm có quan hệ tương khắc
chế hóa lẫn nhau mới giữ gìn được trạng thái thăng bằng.
4. qui luật tương thừa, tương vũ:
- thừa nghĩa là lấn át tương thừa là lấn át nhau, đối
kháng khắc chế nhau giống như tương khắc mà khác là sự khắc chế khác thường của
bất cứ hành nào sau khi phát sinh thái quá bất cập, còn tương khắc là hiện tượng
khắc chế lẫn nhau trong trạng thái bình thường của ngũ hành.
- vũ là khinh lờn, tương vũ là khinh lờn nhau chỉ
hiện tượng phản khắc của mọi hành sau kho phát sinh thái quá hoặc bất cập (như
mộc lai khắc với kim).
Ví dụ:
Mộc thái quá thì kim sẽ khống khắc chế nổi thao trạng
thái bình thường, khi ấy mộc sẽ khắc thổ một cách khác thường (tương thừa), đấy
là hiện tượng tương thừa tương vũ khác thường của ngũ hành sau khi phát sinh
thái quá và bất cập, ngược lại nếu mộc bất cập thì không những nó bị kim khắc hại
một cách khác thường (tương thừa) lại còn bị thổ khinh lờn (lúc thường thì mộc
khắc thổ) (tương vũ).
Đấy là do ngũ hành phát sinh thái quá bất cập mà dẫn
tới hậu quả tương thừa hoặc tương vũ.
Trên đây nêu hiện tượng tương thừa tương vũ sau khi
phát sinh thái quá bất cập của hành mộc, suy rộng ra, mấy hành kia cũng tình trạng
như vậy.
Mấy ví dụ trên cho ta thấy, khi bình thường thì ngũ
hành tương sinh tương vũ khác thường, đó là bốn quy luật của ngũ hành vậy.
BẢNG QUY NẠP
TÓM TẮT THUỘC TÍNH NGŨ HÀNH
Ở TỰ NHIÊN GIỚI
|
|||||||
5 vị
|
5 sắc
|
Thời gian
|
Quá trình phát triển
|
5 mùa
|
5 khí
|
Phương
|
Ngũ hành
|
Chua
|
Xanh
|
Sáng sơm
|
Sinh
|
Xuân
|
Phong
|
Đông
|
Mộc
|
Đắng
|
Đỏ
|
Giữa trưa
|
Trưởng
|
Hạ
|
Thứ
|
Nam
|
Hỏa
|
Ngọt
|
Vàng
|
Xế chiều
|
Hóa
|
Trưởng hạ
|
Thấp
|
Trung ương
|
Thổ
|
Cay
|
Đắng
|
Sám tối
|
Thu
|
Thu
|
Táo
|
Tây
|
Kim
|
Mặn
|
Đen
|
Nửa đêm
|
Tàng
|
Đông
|
Hàn
|
Bắc
|
Thủy
|
Ở THÂN THỂ
|
||||||||
5 tạng
|
5 phủ
|
5 thế
|
Ngũ giác
|
Ngũ chí
|
Ngũ thanh
|
5 biến động
|
Ngũ dịch
|
Ngũ hành
|
Can
|
Đổm
|
Gân
|
Mắt
|
Giận dỗi
|
Tiếng hét
|
Co quắp
|
Nước mắt
|
Mộc
|
Tâm
|
Tiểu trường
|
Mạch
|
Lưỡi
|
Vui mừng
|
Tiếng cười
|
Nôn
|
Môn hôi
|
Hỏa
|
Tỳ
|
Vỵ
|
Thịt
|
Miệng
|
Lo ghĩ
|
Tiếng hát
|
Ọe
|
Nước dãi
|
Thổ
|
Phế
|
Đại trường
|
Lông da
|
Mũi
|
Buồn rầu
|
Tiếng khóc
|
Ho
|
Nước mũi
|
Kim
|
Thận
|
Bàng quang
|
Xương xẩu
|
Tai
|
Sợ hãi
|
Tiếng rên
|
Buồn
|
Nước bọt
|
Thủy
|
C. VẬN DỤNG NGŨ HÀNH VÀO Y HỌC:
diện ứng dụng ngũ hành vào y học rất rộng rãi, cổ
nhân dùng lý luận tương sinh tương khắc để quan sát sự liên hệ giữa nhân thể với
sự vật khách quan, dùng hiện tượng toàn diện của tự nhiên giới, từ đó vận dụng
ngũ hành để giải thích mọi mặt của con người về tự nhiên giới, sinh lý, vật lý,
bệnh lý, chẩn đoán, trị liệu.
1. Giải thích mối quan hệ giữa người và tự nhiên
giới:
Từ khí hậu biến hóa của bốn mùa kết hợp với sinh
lý hoạt động của nhân thể tạng phủ cũng như liên hệ rộng rãi đến các mặt chẩn
đoán trị liệu, giải thích mối quan hệ lẫn nhau giữa người và tự nhiên giới, cho
nên phương pháp suy diễn, quy loại ngũ hành là xây dựng cơ sở quan hệ giữa người
và tự nhiên giới.
Để cho dễ nhận thức, ta đem các mặt tương ứng của
thiên nhiên với con người dựa theo phép phối hợp của ngũ hành, vẽ thành biểu
quy loại như sau:
2. Bản quy loại:
Theo kiểu quy loại này, ta thấy được học thuyết
ngũ hành đem các mặt quan hệ giữa con người và tự nhiên giới, giải thích quan hệ
lẫn nhau giữa hoàn cảnh nội tại bên trong với hoàn cảnh khách quan bên ngoài,
giải thích đầy đủ quan niệm chỉnh thể của vấn đề “thiên nhân tương ứng”.
3. Giải thích mối quan hệ sinh lý:
ứng dụng ngũ hành vào mặt sinh lý con người là
đem ngũ tạng sánh với ngũ hành, đó là khâu trọng yếu sự liên hệ giữa nhân thể với
ngũ hành, nó dựa vào đặc tính sinh lý của ngũ tạng liên hệ với các đặc tính của
ngũ hành, ví dụ:
Can thuộc mộc, tính của cây (mộc) thì hướng lên,
bốn phía xung quanh thì mở rộng, tính nó thì cứng cỏi, giống y như chức phận
can được gọi “tướng quân chi quan”, có những đặc điểm ưa thoải mái không chịu
gò bó, vì vậy dùng hành mộc để sánh với can.
Tâm thuộc hỏa, lửa cháy thì bốc lên, y như kiểu
tâm đi lên khai khiếu ở lưỡi, vậy nên hễ thấy lưỡi đỏ mặt đỏ đều nhận là do tâm
hỏa bốc lên, bởi thế dùng hành hỏa để sách với Tâm.
Tỳ thuộc Thổ, đất là mẹ đẻ của muông loài vạn vật,
tựa như con người sở dĩ sinh tồn được là nhờ ăn uống dinh dưỡng, nếu tỳ vị
không có gì hấp thu tiêu hóa thì thân xác này lấy gì để dinh dưỡng để phát triển,
để sinh tồn? Do đó đem hành Thổ sánh với Tỳ.
Phế thuộc Kim, tất cả kim loại đều có âm thanh, ở
con người sở dĩ phát ra tiếng nói là nhờ tác dụng của phế khí, cho nên đem hành
Kim để sánh với Phế.
Thận thuộc Thủy, đặc điểm của nước là chảy xuống
là tương phản với lửa bốc lên, ở thân thể mỗi ngày uống nước vào thì thông qua
tam tiêu nên chạy xuống dưới cùng, từ bọng đái mà bài tiết ra ngoài, vậy cho
nên đem hành Thủy sánh với thận, vì công năng bài tiết ấy do thận phụ trách,
lúc bình thường đi đái dễ, lúc thận có bệnh thì đi đái mất bình thường.
4. Giải thích mối quan hệ bệnh lý:
ứng dụng ngũ hành vào bệnh lý chủ yếu là vận dụng
quy luật tương sinh tương khắc để giải thích các quan hệ bệnh lý, khi một tạng
nào đó có tình trạng mất bình thường thái quá hay bất cập, khi con người khỏe mạnh
bình thường là lúc tạng phủ còn tốt làm tròn các nhiệm vụ một cách vẻ vang, cân
đối, nhịp nhàng. Ngược lại, khi bị ngoại cảm lục dâm xâm phạm hoặc vì nội
thương thất tình day rứt làm đảo lộn chức năng hoặc do cơ sở vật chất một tạng
phủ nào đó bị mất bình thường mà sinh bệnh hoặc khi bị bệnh mà không kịp thời
điều chỉnh thì bệnh sẽ phát triển, ảnh hưởng sẽ lụy cập đến tạng phủ khác.
Ví dụ:
Nổi giận hại can khí, can khí lấn lên ảnh hưởng
cơ năng tiêu hóa của tỳ vị mà sinh ra chứng tiêu hóa bất thường (tiêu hóa kém),
đó gọi tắt là Mộc khắc Thổ; trái lại, nếu công năng hoạt động của một tạng nào
đó bị sa sút hoặc có bệnh nếu được sự viện trợ của một tạng khí hữu quan nào đó
thì bệnh giảm hoặc vượt cơn nguy trở lại bình thường. Ví dụ: người lao phổi, nếu
được vận dụng phương pháp kiện tỳ thúc đẩy ăn ngon ngủ khỏe (như Quỳnh Ngọc
Cao) cơ năng tiêu hóa chuyển biến tốt, làm cho thế lực vươn lên, rồi bệnh phổi
cũng chóng khỏi, kiểu như vậy Đông y gọi là Bổ Thổ dĩ sinh Kim.
Suy rộng ra, ý nghĩa ngũ hành tương sinh tương
khắc có quan hệ bệnh lý của các tạng khí khác thì cũng tương tự như vậy.
5. Giải thích trong vấn đề chẩn đoán:
ứng dụng ngũ hành vào việc chẩn đoán có tầm cỡ
quan trọng, nhờ đó mà cho dù trong tình trạng bệnh tật diễn biến phức tạp tới
đâu đều có thể dùng ngũ hành để đại diện giải thích, ví dụ:
- Các chứng trạng ở đầu ở mắt (tròng đen thuộc Mộc);
chúng mặt dễ nổi giận (giận thuộc Mộc), kêu la, hay chảy nước mắt sống, thì có
thể xem xét vào can, vì can thuộc Mộc.
- Các chứng trạng mắt đỏ (đỏ thuộc Hỏa), trong
loàng phát nóng (nóng thuộc Hỏa), dễ đổ mồ hôi… thì có thể xem xét vào tâm bệnh,
tâm thuộc hỏa.
Hơn nữa, nói về quan hệ sinh sinh hóa hóa, có thể
đem hai ví dụ Thổ sinh Kim, Kim khắc Mộc để giải thích thêm; ví dụ:
- Họ lâu ngày thuộc phế (phế thuộc Kim) sắc mặt
vàng héo, bắp thịt teo róc, ăn không biết ngon… thì có thể quy nạp là thổ bất
sinh kim vì ba chứng trên thuộc Tỳ mà Tỳ thuộc Thổ.
- Ợ chua, nôn ói, tức bụng, khó chịu vốn là triệu
chứng tiêu hóa kém của Tỳ vị, nếu do nổi giận uất khí (giận thuộc can) gây nên,
có thể nói Mộc khắc thổ để lý bệnh của Tỳ vị nói trên cũng khỏi, đó là căn cứ
lý luận ngũ hành Mộc khắc Thổ để chỉ đạo lâm sàng, ý nghĩa quan trọng đem lý luận
sinh khắc đem giải thích vấn đề chẩn đoán.
6. Giải thích trong vấn đề lý luận:
Tố vấn / Tạng khí pháp thời luận – 22 nói: kết hợp
khí ngũ tạng trong nhân thể với quy luật tứ thời ngũ hành để làm phép tắc trị
liệu, nghĩa là khi chữa bệnh phải dựa vào thể chất bẩm thụ từng người khỏe yếu
ra sao, phải biết liên hệ với khí hậu thời tiết, vận dụng quy luật tương sinh
tương khắc của học thuyết ngũ hành mà quyết định cách chữa, nó có ý nghĩa rất
quan trọng. Ví dụ:
Cũng là bệnh cảm mạo có các chứng trạng sợ lạnh
phát sốt, nhức đầu, đau mình… nhưng chứng nào Đông y kết luận cũng là biểu chứng
thì cần dùng phép phát hãm để giải biểu, người có thể chất khỏe mạnh thì cứ
phát hãn đơn thuần, người nào thể chất hư yếu thì phải vừa phát hãn, vừa ghé bổ.
Về mặt thời tiết mà luận, mùa đông thuộc hàn thủy,
da thứa khít rịt khó đổ mồ hôi, phải dùng phép Tân ôn giải biêu, mùa hè thuộc Hỏa,
viêm nhiệt, da thứa mở toang, dễ đổ mồ hôi, nếu cần phát hãn phải dùng thuốc
Tân lương giải biểu.
Đấy là nêu vài ví dụ do khí hậu 4 mùa khác nhau,
việc trị liệu phải có phân biệt, còn như áp dụng quy luật tương sinh tương khắc
của ngũ hành để trị liệu phải như thế nào? Ví dụ:
- Nổi giận hại Can khí, buồn rầu thì ức chế cái giận
(Kim khắc Mộc).
- Vui mừng tổn Tâm khí mà sợ hãi lại mất vui (Thủy
khắc Hỏa).
- Lo nghĩ hại Tỳ khí mà nổi giận thì hết lo nghĩ
(Mộc khắc Thổ).
- Buồn rầu hại Phế khí nhưng vui mừng thì mất sự
buồn rầu (Hỏa khắc Kim).
- Sợ hãi hại Thận khí mà lo nghĩ thì hết sợ hãi
(Thổ khắc Thủy).
Đấy là nói rõ, bệnh tinh thần không dùng thuốc
mà chỉ vận dụng quy luật sinh khắc học thuyết ngũ hành cũng có thể làm cho bệnh
giảm bớt đau khổ (xem Nam dược thần hiệu trang 262 bản in 1972 Hà Nội, trang
264 bản in 1982 Thành phố Hồ Chí Minh hoặc trang 279 Tuệ Tĩnh toàn tập in
1994).
Bấy nhiêu điều kể trên, ứng dụng học thuyết ngũ
hành vào y học là đem quy luật quy loại của nó, suy diễn của nó, để lý giải những
đặc tính sinh lý khác nhau của các tạng khí trong người, đem những bệnh lý khác
nhau trong người bệnh để giải thích tất cả các vấn đề chẩn đoán, trị liệu, cũng
như dùng nó để lý giải mối quan hệ giữa con người và tự nhiên giới, với khí hậu
biến hóa, cho nên ứng dụng ngũ hành vào y học rất rộng rãi.
Thuyết ngũ hành bổ sung cho thuyết âm dương như
thế nào?
Thuyết âm dương chỉ mới nói được ngũ tạng thuộc
Âm, lục phủ thuộc Dương; mà thuyết ngũ hành thì phân biệt được tính năng của
ngũ tạnh như đã nói: tâm thuộc hỏa, phế thuộc kim, can thuộc mộc… nó còn phân
tích được quan hệ chế hóa tương sinh tương khắc, trong ngũ tạng đối với đặc
tính và cơ năng hoạt động của nó thì thuyết ngũ hành nói được cụ thể hơn.
Mặt khác, Âm dương với Ngũ hành là hai mặt hỗ
tương quan hệ không thể tách rời. Ví dụ: về ngũ tạng khí ta dùng ngũ hành để đại
diện như Can thuộc Mộc, Tâm thuộc Hỏa… đều phải vận dụng Âm dương để giải thích
thêm, như can thuộc mộc thuộc dương, thận thủy thuộc âm.
Tóm lại, thuyết Âm dương Ngũ hành được vận dụng
rộng rãi vào y học, nó quán triệt mọi mặt từ lý luận đến thực tiễn đều không
thoát khỏi tư tưởng ấy chỉ đạo, đứng trước mọi vấn đề vô cùng phức tạp, chỉ quy
loại cho được, phát ra một câu tổng hợp là đủ (tri kỳ yếu nhất ngôn nhi chung).
Dùng thuyết Âm dương Ngũ hành là vận dụng một thứ
công cụ thuyết lý theo lối chấp giản ngự phiền nghĩa là lấy phần cốt yếu bỏ cái
rườm rà, cho nên ai muốn học Đông y có hệ thống thì trước tiên phải học và nắm
thật chắc, ứng dụng thành thạo các quy luật, mới nhận thức tốt các vấn đề nội
dung của Đông y, triển vọng mới mong chữa bệnh có kết quả tốt như những bậc
thiên tài.
CÂU HỎI TÓM TẮT
1) Lối nhìn của đồng chí đối với học thuyết.
2) Lấy bệnh làm ví dụ phân tích:
- Mới cảm sốt thuộc dương chứng hay âm chứng?
- Sau cơn ỉa chảy tháo dạ, âm bất túc hay dương
bất túc?
- Chảy nước mắt là bệnh thuộc tạng nào?
Bài 2. TẠNG TƯỢNG
Học thuyết tạng tượng này là một bộ phận trọng yếu
trong hệ thống lý luận đông y, xuất phát từ quan điểm chỉnh thể, học thuyết này
cho rằng mọi hoạt động sinh lý của nhân thể là ngũ tạng lục phủ thông qua hệ thống
kinh lạc đem các tổ chức khí quan toàn thân kết liên thành một khối chỉnh thể hữu
cơ mà tiến hành gữa ngũ tạng lục phủ với nhau, trên mặt sinh lý nương tựa lẫn
nhâu chế ước lẫn nhau mà tồn tại khi phát sinh bệnh tật thì ảnh hưởng lẫn nhau
chuyển biến lẫn nhau.
Tạng, chỉ 5 tạng khí: can, tâm, tỳ, phế, thận.
Phủ, chỉ 6 phủ: đởm, vị; đại, tiểu trường; bàng
quang; tam tiêu.
Tạng là về nghĩa rộng, chỉ tạng khí trong cơ thể.
Tượng là các thứ hiện tượng biểu hiện bên ngoài.
Hai chữ tạng tượng nói tắt là các hiện tượng biểu
hiển bên ngoài của các tạng khí bên trong, do đó học tạng phủ theo đông y là
khác hẳn với học sinh lý giải phẫu của tây y.
Học thuyết tạng phủ này là trên cơ sở lâm sàng
thực tiễn lâu đời mà phát triển thành lý luận, do đó đối với việc chẩn đóa, trị
liệu có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng.
I. SINH LÝ BỆNH LÝ CHỦ YẾU CỦA TẠNG PHỦ:
Con người
là một khối thống nhất chỉnh thể, giữa tạng phủ với nhau còn tồn tại mối quan hệ
phức tạp, chúng đều có sự phân công hợp tác lẫn nhau, về những điểm bất đồng của
tạng với phủ là:
- Ngũ tạng có công năng tàng trữ tinh khí, tàng
nhi bất tả.
- Lục phủ có công năng làm ngấu nhừ cơm nước, gạn
lọc trong đục, đùn đẩy chất cặn bã ra. Ngoài ra, còn có não, tủy, xương, mạch,
đởm, dạ con về công năng so với ngũ tạng lục phủ có chỗ giống khác cho nên xếp
thành một nhóm gọi là phủ lù hằng, tức phủ khác thường.
a) Tâm với tiểu trường:
Phụ: tâm
bào lạc.
Tâm là chủ tể hoạt động sự sống, trong tạng phủ
nó đóng vai trò trọng yếu, các tạng phủ khác đều phải chịu sự thống nhất chỉ
huy của nó, cho nên nói tâm là vị quân chủ.
Sinh lý bệnh của tâm:
1) Tâm chủ thần chí: tâm chủ quản mặt tinh thần ý chí, tư duy, đoán biết việc tương lai,
tương đương như hoạt động của thần kinh cao cấp của tây y.
Công năng này được tốt, bình thường thì người thấy
tinh thần phấn chấn, thần chí tỉnh táo, nói năng rõ ràng, lưỡi nhuận không khô,
giấc ngủ ngon lành.
Công năng này có bệnh thì tim hồi hộp, ngủ hay
quên, phát cuồng, ưa cười không thôi, nói lảm nhảm luôn, hôn mê nói sảng.
2) Tâm chủ huyết mạch: tâm dính líu đến huyết mạch, huyết dịch sở dĩ lưu thông tốt trong mạch
máu là nhờ tâm khí khua động, tâm khí khỏe hay yếu có ảnh hướng trực tiếp tới sự
vẫn hành huyết dịch, nó phản ảnh được tại chỗ mạch đập, tâm khí bất túc thì mạch
tế, vô lực, khí đến không đều thời nhịp của mạch không chính (mạch xúc, kết, đại).
3) Tinh ba của tâm thể hiện tại mặt, khai khiếu
tại lưỡi.
Mặt và lưỡi là nơi huyết mạch được phân bố rất
nhiều tại đây, cho nên công nẵng của tâm bình thường hay không hãy xết màu mỡ ở
mặt và chất lưỡi có thể đoán được.
Tâm khí bình thường thì mặt mày đỏ tươi, hồng
hào, bóng bẩy, sắc lưỡi nhợt.
Tâm khí bất túc thì sự tuần hoàn bị trở ngại, sắc
mặt sẽ mét xanh hoặc tím không bóng mượt, sắc lưỡi tím bầm không bóng.
Tâm hỏa vượng thì chót lưỡi đỏ hoặc lở miệng lở
lưỡi.
Khi đờm mê tâm khiếu thì đớ lưỡi không nói được,
cho nên nói lưỡi là cái mầm của tâm.
4) Sự quan hệ giữa tâm với mồ hôi: mồ hôi là chất dịch của tâm cho nên phải chú ý đối với tình trạng đổ
nhiều mồ hôi.
Khi lạm dụng phát hãn, hoặc do nguyên nhân khác
gây xuất hãn quá mức thì dẫn tới tổn hại tâm dương (suy tim), thậm chí xuất hiện
hiện tượng đại hãn vong dương nguy kịch.
Phụ: tâm bào lạc:
Đó là cái màng bao quả tim, đó là lớp ngoại vi bảo
vệ tim, vì tâm là tạng khí chúa tể hàng đầu thông thương khi ngoại tà xâm phạm
tới thì tâm bào lạc chịu đựng trước, như chứng hôn mê nói sảng của bệnh ôn nhiệt
gọi là nhiệt nhập tâm bào. Do đó, tâm bào chủ yếu chỉ vào hoạt động của một bộ
phận thần kinh cao cấp.
Sinh bệnh lý của tiểu trường:
Công nẳng
chủ yếu của tiểu trường là tiếp nhận những đồ ăn uống đã tiêu hóa một bước ở dạ
dày chuyển sang để tiếp tục tiêu hóa, gạn lọc trong đục.
Trong là bộ phân tinh ba của đồ ăn uống từ triểu
trường tiếp thu rồi chuyển đưa sang tỳ qua tác dụng của phế mà sau sẽ tướng bón
khắc châu thân,
Đục là bộ
phận cặn bã của đồ ăn uống, từ tiểu trường chuyển xuống đạo trường để rồi chuyển
tới bàng quang.
Khi tiểu trường có bệnh, ngoài việc ảnh hưởng
công năng hấp thu tiêu hóa ra còn xuất hiện trạng thái tiểu tiện thất thường.
Tâm với tiểu trường thông qua dính líu bới kinh
lạc mà cấu thành quan hệ biểu lý, cho nên:
Khi tâm hỏa vượng, có thể thấy chót lưỡi đỏ, đau
xoang miệng, lở loét hoặc mọc mụn lở, tiểu tiện ngắn đỏ thậm chí đái ra máu, hiện
tượng như thế gọi là tâm đưa nhiệt xuống tiểu trường.
Nhìn theo hiện tượng sinh bệnh lý kê trên, dông
y giảng về tâm trên trên cơ bản giống tây y giảng về taang tạng với công năng
và bênh jtật bộ phận trung khu thần kinh, hệ thống thần kinh thực vật.
b) Can với đởm.
Sinh bệnh
lý của can:
1) Can chủ sơ tiết: can có tác dụng thăng phát (sơ) thấu tiết (tiết) chủ quản điều sự thư
sướng điều đạt khí cơ của toàn thân.
Can khí tốt thì người nhẹ thênh, không nổi giận,
không kinh sơ, móng tay móng chân không cần sơ vẫn đỏ nhuận và đẹp, tiểu tiện
thuận lợi.
Khi can khí mất sự điều đạt, sự sơ tiết thất thường,
khì cơ không thư sướng, có thể xảy ra nhiều chứng bệnh:
- Can khí uất thì nổi giận đau đầu, đau vùng gan
mật, kinh nguyế không đều, sưng vú.
- Can khí thăng phát thái quá thfi đấy là chứng
can dương lấn lên mà y học hiện đại goi là cao huyết áp, có các chứng đau đầu
chóng mặt, căng da đầu, hay tai điếc.
- Can dương găn thịnh hóa hoa thì đau đầu dữ dội,
đau mắt đỏ mắt, tai ù, tai điếc.
- Nếu can dương lấn lên cao độ hóa hoa sinh
phong, có thể xuất hiện hàng hoạt chứng trạng như trúng phong (tai biến mạch
máu não).
- Nếu can khí thăng phát không đủ lại cũng chóng
mặt mất ngủ, dễ kinh sợ, tinh thần hoảng hốt…
2) Can chủ tàng huyết: can có công năng tàng trữ huyết dịch và điều tiết huyết lượng, khi hoạt
động thì huyết dịch do can tàng trữ đó đem cung ứng cho các tổ chức khí quan
nhu cầu, khi ngủ hoặc nghỉ ngơi thì huyết dịch lại đổ về can để tàng chứa. hàm
nghĩa của sự tàng huyết là có thể phòng ngừa chứng xuất huyết. nếu công năng
tàng huyết ấy có phát sinh sự trở ngại sẽ phát sinh các chứng thất huyết.
3) Can khai khiếu ở mắt: can với mắt có quan hệ mất thiết, hễ can có bệnh thường ảnh hưởng tới
mát, can hư thì thị lực mờ, thong manh, quáng gà, can hỏa bốc lên thì mắt đau mắt
nhặm.
4) Can chủ gân, tinh ba nó thể hiện tại móng tay
móng chân:
Can chủ quan sự hoạt động của gân, nó chi phối mọi
vận động của khớp xường bắp thịt trong toàn cơ thể, mà gân dữa vào sự dinh dưỡng
do can huyết mang lại, nết can huyết không đủ hàm dưỡng được gân thì gân thấy
đau co duỗi khó khăn cũng như tê dại, tê rần, co cứng, co quắp.
Móng tay
móng chân là phần dư của gân, có quan hệ mất thiết với can khí can huyết, hễ
can huyết súng túc thì móng tay móng chân cứng bén, đỏ đẹp, nếu can huyết không
đủ thời móng tay móng chân khô khan, mềm yếu, thậm chí còn thối móng là khác,
cho nên nói tinh ba của nó thể hiện ở móng tay móng chân.
Sinh bệnh lý của đởm:
Đởm
(mật) là một trong sáu phủ nhưng công năng của nó rất khác với các phủ, cho nên cũng ếp nó vào nhóm phủ kỳ hằngL
(mật) là một trong sáu phủ nhưng công năng của nó rất khác với các phủ, cho nên cũng ếp nó vào nhóm phủ kỳ hằngL
Tác dụng chủ yếu của đởm là tàng chứa mật, nước
mật là một thứ dịch thể trong sạch, cho nên gọi là trung thanh chi phủ (nơi hội
tụ thể dịch trong sạch).
Đởm chủ quyết đoán không thiên lệch, có quan hệ
với một số công năng hoạt động của thần kinh cao cấp, cho nên cũng gọi là trung
chính cho quan; ngoài ra, việc quyết đoán ấy đối với việc phòng ngừa và tiêu trừ
ảnh hưởng xấu do tinh thần bị tường làm cho công năng tạng phủ ăn khớp nhịp
nhàng với nhau.
Khi đởm có bệnh thì biểu hiện chủ yếu là đau dạ
sườn, đắng miệng, vàng da, nôn ra nước đắng.
Người đởm khiếp có thể vì kinh khủng mà nên bệnh.
Can với đởm thông qua sự dính líu của kinh lạc
mà cấu thành quan hệ biểu lý, nhất là can với đởm dính liền với nhau, khi có bệnh
là hay ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên khi chữa trị thường chữa chung cho cả can lẫn
đởm.
Theo hiện tượng sinh bệnh lý nói trên, đông y giảng
đến can đởm thì trên cơ bản tây y giảng gan mật với một bộ phận của hệ thống thần
kinh trung ương, thần kinh thực vật, hệ thống vậ nđộng, hệ thống huyết dịch với
cơ quan thị giác.
c) Tỳ với vị:
Sinh bệnh lý của tỳ:
1) Tỳ chủ vận hóa: tỳ chủ quản việc tiêu hóa, hấp thu, vận chuyển đồ ăn uống.
Đồ ăn uống
vào dạ dày, tiêu hóa là nhờ tỳ với vị, chung sức thực hiện, chất tinh vi sản
sinh mà nó hấp thu khí tống đạt đến khắp các bộ phận trong cơ thể, tu dưỡng các
tổ chức khí quan trong toàn thân.
Đồng thời tỳ còn vận hóa thủy thấp, nghĩa là nó
thúc đẩy thùy dịch vận chuyển và bài tiết, để duy trì sự cân bằng sự thay đổi mới
của dịch thể trong cơ thế.
Công năng ấy hoạt động tốt, bình thường chuyển
hóa cơ bản tốt thì ta thấy ăn uống biết ngon, khí huyết thịnh vượng, tinh lực dẫy
đầy, sắc môi tươi nhuận mướt, đại tiện điều hòa.
Khi công năng ấy kém gọi là tỳ hư, thì sự vận
hóa mất bình thường, ta sẽ thấy ăn uống không vào, hay sình bụng, đại tiện ra
phân sệt, cứt cò, hình dung gầy róc, bắp thịt teo nhỏ.
Khi tác dụng vận hóa thủy thấp không làm tròn,
ta sẽ thấy thủy thấp đình trệ (nong nước, úng thủy) mà phát sinh bệnh thủy
thũng đờm ẩm.
2) Tỳ thống huyết: Tỳ có công năng thống nhiếp (cai quản) huyết dịch, khiến chúng vận hành
bình thường trong kinh mạch, đấy là khi tỳ khí đầy.
Khi tỳ khí hư thì công năng nói trên bị ảnh hưởng,
máu huyết không trôi chảy trong kinh mạch nó bật ra ngoài mới thấy các chứng thổ
huyết, nục huyết, tiện huyết, băng huyết,…
Ngoài ra, tỳ có quan hệ mật thiết với việc sinh
huyết, tỳ hư có thể khiến công năng sinh hóa huyết dịch kém mà sinh chứng bần
huyết.
3) Tỳ chủ tứ chi cơ nhục, khai khiếu tại miệng,
tinh ba thể hiện tại môi:
Tỳ làm tròn chức năng của nó là vận hóa thủy cốc
(chất tinh vi) đem tư dưỡng cho toàn thân thời sự ăn uống thèm lạt thịnh vượng,
bắp tay, bắp chân no đầy rắn chắc, chân tay có sức, môi miệng đỏ đẹp.
Khi chức năng ấy hư yếu, sự vạn hóa thất thường
thì ngược lại ta thấy ăn chán, bắp thịt teo róc, chân tay bủn rủn, môi miệng nhợt
nhạt, lạnh lẽo.
Sinh lý của bệnh vị:
Vị chủ thu nạp. tức dạ dày tương đối rộng lớn có
công năng tiếp nhận cơm nước và nhồi bóp, làm chín nhừ bên trong cho nên có tên
gọi thủy cốc chi hải (cái bể chứa cơm nước).
Tỳ với vị thông qua sự dính líu kinh lạc mà cấu
thành quan hệ biểu lý, vị chủ tiếp nhận tỳ chủ vận hóa, chung sức hoàn thành
công việc tiêu hóa, hấp thu, chuyển vận vật dinh dưỡng.
Tác dụng của tỳ vị đối với nhân thể có vai trò hết
sức quan trọng, cho nên trên lâm sàng thuờng nhấn mạnh có vị khí thời sống,
không vị khí thời chết và tỳ là cái gốc hậu thiên.
Tỳ với vị có đặc tính không giống nhau, tỳ chủ
thăng, ưa ráo, ghét ướt, vị chủ giáng, ưu nhuận mà ghét ráo, hai mặt ấy trái
nhau nhưng chung sức nên việc.
Vị khí giáng xuống, cơm nước mới đi xuống, tiện
cho việc tiêu hóa.
Tỳ khí thăng lên, chất tinh vi của cơm nước mới
đưa tới phổi, lại được rải khắp các tạng phủ trong cả người. Nếu vị khí không
giáng xuống mà lại nghịch lên thời sẽ thấy bụng dạ buồn nôn, ói mửa, nấc.
Nếu tỳ khí không thăng mà lại giáng (gọi là khí
hư hạ hãm) thời xuất hiện các chứng trạng kém hơi, nhác nói, ỉa chảy kéo dài, lời
trôn trê, sa dạ dày, sa dạ con, sa nội tạng…
Tỳ thuộc
âm bản thân dễ sinh thấp (tỳ không kiện vận thì thủy thấp dính đọng ở trong)
cũng dễ bị thấp tà xâm phạm thời thấy các chứng phát sốt, nhức đầu, đau mình,
chân tay nặng nề, mình mẩy rủ mỏi, bụng dạ tức đầy, rêu lưỡi trắng dầy, mạch
nhu, hoãn.
Vị thuộc dương, nói chung bệnh dạ dày phần nhiều
thuộc nhiệt thuộc hỏa, xuất hiện các chứng khô miệng ham uống, không muốn ăn,
hoặc nhức răng, chân răng chảy máu, thổ huyết, nục huyết.
Nhìn chung bệnh lý kể trên ta thấy Đông Tây y giảng
về dạ dày hầu như giống nhau, nhưng giảng về tỳ thì nó bao trùm cả mặt hấp thụ,
tiêu hóa, thay cũ đổi mới, thăng bằng thể dịch với công năng và bệnh tật cả bộ
phận tuần hoàn khác rất xa đối với Tây y giảng về lách.
d) Phế với đại trường:
Sinh bệnh lý của phế:
1) Phế chủ khí: một mặt chỉ phế giữ chức năng hô hấp thực hiện cuộc trao đổi khí để duy
trì sự sống, một mặt chỉ phế triều bách mạch nghĩa là nó có công năng tham dự sự
tuần hoàn của huyết dịch, đem chất tinh vi của thủy cốc rải khắp châu thân.
Ngoài ấy ra, đông y còn cho rằng phế chủ khí cả
người, phàm khí cả ngũ tạng lục phủ thịnh hay suy đều có quan hệ mật thiết với
phổi, phổi tốt thời tiếng âm vang, không ho không suyễn, da dẻ sáng đẹp, hơi thở
đều giống như chiếc xe đời mới chạy êm ru qua mặt đường mà ta chưa hay, khi
công năng của phế khí bị chướng ngại thời biểu hiện ở hệ hô hấp, nào ho, nào
suyễn, kém hơi, tiếng thấp bé, nhác nói, da dẻ khô rom, nhiều đờm.
2) Phế chủ sự dịu lắng, thông điều thủy đạo.
Phổi phải được dịu mát lắng xuống làm thuận bởi
vì phổi ở vùng ngực, chủ việc trị tiết, thông điều thủy đạo, nhất định phế khí
phải dịu lắng, mới có thể bảo trì cơ năng hoạt động bình thường được.
Nếu phế
khí không dịu lắng là sẽ xuất hiện các chứng phế khí rộn lên, khò khè các chứng
suyễn nghịch, ho hắn tiểu tiện không lợi, thủy thấp đình đọng lại, thủy thũng,
cho nên nói phế là nguồn trên của nước.
3) Phế chủ bì mao: lông da do tinh khí của phế sinh ra và nuôi dưỡng phổi bên trong tương
hợp với lông da bên ngoài.
Khi phế vệ sung thịnh thì cơ tẩu chặt chẽ, da dẻ
mịn màng, sức đề kháng của cơ thể khỏe, không dễ gì ngoại tà xâm ngập.
Khi phế vệ sơ hở, lỗ chân lông mở ra, dễ bị ngoại
tà xâm nhập, nặng còn có thể xâm nhập tới phổi, ngoài ra tân dịch dễ tiết ra
ngoài mà sinh chứng tự hãn, đạo hãn nữa.
4) Phế khai khiếu tại mũi: mũi tương thông với phổi, là cái cửa ngõ của hô hấp, khi phổi có bệnh
thì hay nghẹt mũi, nhảy mũi, khó thở, thậm chí cánh mũi phập phồng nữa.
5) Phế có quan hệ với thanh âm: sự phát ra âm thanh có quan hệ với khí hễ phế khí đầy đủ thời âm thanh
vang rền, phế khí hư thời âm thanh thấp bé.
Khi phong hàn chi tà chạm tới phổi thì phế khí tắt
nghẹt, tiếng sẽ câm, ngọng.
Bệnh lao phổi là do bệnh tà làm tổn hại hoặc do
phế khí bị tiêu hao quá, có thể thấy tắt tiếng.
Sinh lý bệnh của đại trường:
Công năng
chủ yếu của đại trường là đùng đẩy chất cặn bã bài tiết ra ngoài.
Khi đại trường có bệnh thì ảnh hưởng đến sự đi
ngoài hoặc táo bón, bí đại tiện, hoặc đau bụng ỉa chảy, hoặc ỉa ra máu đặc.
Phế với đại trường qua sự dính líu kinh lạc mà cấu
thành quan hệ biểu lý, phế khí thông dịu lắng thời công năng của đại trường
bình thường đại tiện sẽ khoái hoạt, thông sướng, nếu đại trường bị tích trệ
không thông cũng có thể ảnh hưởng ngược lại với sự dịu lắng của phế khí. Trên mặt
trị liệu lâm sàng có thể ảnh hưởng ngược lại với sự dịu lắng của phế khí. Trên
mặt trị liệu lâm sàng có lúc phải trị phổi để chữa đại trường, cũng có khi chữa
đại trường để trị bệnh phổi, ví dụ:
- Bệnh bí đại tiện, ngoài việc dùng thuốc thông
tiện, còn phải gia thêm thuốc nhuận phế thuốc giáng khí thì hiệu quả càng hay,
có khi gặp chứng phế thực nhiệt, ngoài việc thanh phế ra còn gia giảm thêm thuốc
nhuận thông đại tiện, thường là thu được hiệu quả tốt.
Căn cứ lối nhìn theo sinh bệnh lý kể trên. Đông
y giảng về phế với đại trường thì tương đương như Tây y giảng về phế với đại
trường, nhưng về phế mà xét, theo đông y thì ngoại trừ công năng hô hấp ra nó
còn bao quát bộ phận tham dự sự tuần hoàn huyết dịch, thay cũ đổi mới thủy đạo
để điều tiết thể ôn.
e) Thận với bàng quang:
Sinh lý của bệnh thận:
1) Thận chủ tàng tinh: công năng tàng tinh của thận có thể chia ra hai loại:
- Một là tàng chứa tinh sinh dục, chủ quản sự
sinh sôi nẩy nở.
- Hai là nó tàng chứa tinh của ngũ tạng lục phủ,
chủ quản sự sinh trưởng phát dục với một hoạt động sự sống khác.
Thận khí đầy đủ sung túc thì chí có dư, lực có
cường, mọi biểu hiện đều tốt đẹp, sống lâu.
Hễ thận bất túc thì đau lưng mỏi gối, tai ù tai
điếc, liệt dương, tảo tiết,..
2) Thận chủ thuỷ đạo: là cơ quan điều tiết sự thay cũ đổi mới của thuỷ đạo cho nên gọi là thủy
tạng, khi thận bị bệnh thì công năng chuyển hóa thủy đạo mất bình thường, tiểu
tiện khó đi, thủy dịch trệ đọng, toàn thân phù thũng hoặc đái không nín được,
đái dầm, đái són, đái đêm, đái láo.
3) Thận chủ xương tủy, thông lên óc (bộ não): thận tạng chứa tinh, tinh sinh ra tủy, có liên quan đến bộ não, khi thận
sung túc thời xương tủy và não ba bộ phận ấy đầy chắc khỏe mạnh chân tay rắn chắc
nhẹ nhàng hành động mau lẹ, sinh lực dồi dào, tỏ tai sáng mắt, thận tinh không
đủ thì thể hiện các chứng động tác chậm chạp xương mềm không có sức, thiếu máu
chóng mặt, lú lẫn hay quên, trẻ con còi xương suy nhược, chậm biết nói, chậm mọc
tóc, chậm biết đi, trí lực và phát dục chậm, đều là do thận cả.
Ngoài ra, răng là phần thừa của xương, răng nướu
có quan hệ với thận khí, hễ thận khí hư suy thì răng lung lay chóng rụng. Cái
răng cái tóc là gốc của con người là như thế.
4) Thận chủ mệnh hỏa: thận là thủy tạng nhưng tàng có mệnh hỏa, thận thủy, thận tinh, thận
âm, mệnh hỏa, thận dương là lực lượng chủ yếu duy trì sự sống. Thận dương với
thận âm hòa hợp nhịp nhàng với công năng các tạng phủ khác để suy trì sự sinh
trưởng phát dục bình thường của con người. Mệnh hỏa là cửa ngõ của tính mệnh,
căn bản của sự sống, nó như sao bắc đẩu giữ quyền binh của âm dương Thái cực của
toàn thân.
Khi mệnh hỏa suy thì dẫn tới tình trạng liệt
dương, tảo tiết, không sấy ấm tỳ, khiến đau bụng đi ỉa lỏng lúc tờ mờ sáng (người
lớn), ỉa chảy kéo dài (trẻ con).
Khi mệnh hỏa thịnh sẽ xuất hiện các chứng mộng mị
di tinh, cường dương, ngầy ngậy khó chịu.
5) Thận chủ nạp khí: thận là gốc của âm thanh, chế phát ra âm thanh, việc hô hấp tuy do phế
chủ quản, nhưng thực chất do thận khí trợ giúp. Hằng ngày ăn uống, sản ra bao
nhiêu khí nó nạp vào thận (kiểu như nạp điện vậy). Nếu thận không nạp khí (hết
điện) ta sẽ thấy hụt hơi, khó thở, vậy nên chữa bổ thận mới trúng tủ.
6) Thận khai khiếu bên trên là ở hai tai, bên dưới
là ở hai đường đại tiểu tiện (nhị âm):
- Tai là lỗ thở bên trên có liên quan với thận,
khi thận khí sung túc ta thấy người ấy thính giác tốt, ngược lại khi thận khí
suy vi thì thính giác kém cỏi (tai lùng bùng, tai ve, tai ù, tai điếc).
- Lỗ đái lỗ ỉa (nhị âm) là lỗ thở phía dưới gọi
là khiếu, mọi sự bài tiết có quan hệ với thận. Khi thận âm bất túc có thể gây
bí đại tiện, thận khí hư ta sẽ thấy đái đêm nhiều lần, đái dầm, đái són, đái
láo, đái ra lỉ rỉ mà cứ són lại, mệnh hỏa suy ta sẽ thấy đi lỏng lúc tờ mờ sáng
gọi là Thận tả, thần tả cũng đại ý.
7) Tinh ba của thận thể hiện ở tóc, râu: Nam tu nữ nhũ, cái râu cái tóc là gốc của con người. Tình trạng râu tóc
xấu, sự mọc, sự rụng, sự bạc đầu đều có liên quan với thận. Khi thận khí sung
túc ta sẽ thấy râu tóc rậm rạp, tóc mây, tóc mật, tóc đen nhánh, đến già tóc vẫn
không bạc, khi thận khí suy vi ta sẽ thấy râu tóc lưa thưa, sớm rụng, sớm bạc đầu,
không đen, không bóng.
Sinh bệnh lý của bàng quang:
Công năng chủ yếu bàng quang là tích động và vài
tiết nước tiểu, khi bàng quang có bệnh ta sẽ thấy đái vặt, đái vội, đái buốt.
Thận với bàng quang thông qua sự dính líu về
kinh lạc mà cấu thành quan hệ biểu lý.
Công năng bài tiết nước tiểu (bàng quang) một
khi mất bình thường là có quan hệ đến thận, thận hư không cố nhiếp tức là không
nắm chắc không quản lý được ta sẽ thấy chứng đái són, đái vội không nín được,
khi thận khí hư, chức năng khí hóa không làm tốt ta sẽ thấy đái khó, đái gắt hoặc
bí đái.
Theo lối nhìn như trên ta thấy Đông y giảng về
thận, trên cơ bản giống như Tây y giảng về hệ tiết niệu, hệ sinh dục, với công
năng và bệnh tật của hệ thống tạo huyết, nội phân tiết và thần kinh. Nhưng Đông
y quan niệm mệnh hỏa, quan điểm về tàng tinh thì rất khác với Tây y.
Về Bàng quang thì đại thể hai bên đều giảng giải
như nhau.
f) Tam tiêu:
Tam tiêu là một trong lục phủ, gồm thượng tiêu,
trung tiêu và hạ tiêu, về hình thái và công năng đến ngày nay còn chưa ngã ngũ,
nhưng đại đa số người cho rằng:
- Thượng tiêu chỉ tâm phế, tương đương với công
năng tạng khí vùng hông ngực, như sương với móc, chuyên vận chuyển phân bố các
vật chất dinh dưỡng.
- Trung tiêu chỉ tỳ vị, tương đương với công
năng tạng khí vùng thượng vị, như bọt nước là nói vào tác dụng vận hóa của tỳ vị.
- Hạ tiêu chỉ can thận, bàng quang và đại tiểu
trường, tương đương với công năng các tạng khí vùng bụng, nói nó như ngòi lạch
cống rãnh là chỉ vào tác dụng bài tiết của thận và bàng quang.
Rằng biện chứng theo tam tiêu, đó là các nhà ôn
bệnh học dùng tam tiêu làm cương lĩnh biện chứng luận trị khác với ý nghĩa
trên, ta không nói lẫn vào đây.
Tóm lại, công năng của tam tiêu chỉ sự tổng hợp
công năng sinh lý một số tạng trong thân thể. Về chứng trạng xuất hiện khi tam
tiêu có quan hệ với công năng vận chuyển đùn đẩy dưỡng liệu thủy dịch với phế
liệu bài tiết.
Phủ kỳ hằng (kỳ hằng chi phủ)
Sở dĩ gọi là Phủ kỳ hằng là vì tác dụng của
chúng đối với nhân thể nó không giống các tạng phủ khác, kỳ hằng có nghã khác
thường.
Tố vấn/ngũ tạng sinh thành thiên chép: Não, tủy,
xương, mạch, đởm, nữ tử bào, sáu bộ phận ấy bẩm sinh từ địa khí đều có thể tàng
chứa, tác dụng của chúng rất giống ý nghĩa đất hay tàng chứa và hóa sinh vạn vật,
cho nên đối với chúng phải cất dấu kỹ mà chớ khinh suất động chạm vào (tàng nhi
bất tả). Nhưng tuy nói vậy mà xét cho cùng nó không giống kiểu tàng chứa của
năm tạng, mà cũng không giống kiểu truyền hóa của sáu phủ, vì đó mà mệnh danh
cho nó là Phủ kỳ hằng tức là phủ khác thường.
Đoạn kinh văn trên cho ta thấy: 6 bộ phận não, tủy,
xương, mạch, đởm, nữ tử bào, về hình thể thì giống phủ mà về tác dụng thì giống
tạng nhưng không phải tạng mà cũng không phải phủ, cũng là tạng cũng là phủ ấy
gọi là Phủ kỳ hằng.
Sáu bộ phận nầy tuy có tách ra so với tạng phủ
nhưng chúng vẫn có liên hệ hỗ tương với 5 tạng 6 phủ, trong đó ba bộ phận
xương, mạch và đởm đã được giới thiệu kèm trong mục tâm và thận rồi, sau đây chỉ
giới thiệu ba bộ phận não, tủy và nữ tử bào.
1) Não và tủy
- Nguồn gốc, và sự quan hệ hỗ tương của não va tủy:
Trên kia có đề cập thận chủ xương, sinh tủy,
thông lên não, não với tủy tuy tên gọi khác nhau mà thực tế phát nguyên từ một
nguồn, chẳng qua thận sở dĩ sinh ra tủy đó là thận khí sung túc, tinh dịch dẫy
đầy mà ra, nhưng nguồn sinh ra tinh lại là nhờ cơm nước hóa sinh (ba bát cơm ra
1 bát máu, ba bát máu chắc lót được 1 giọt tinh).
Linh khu/Ngũ lung tân dịch biệt thiên nói: Tinh
khí của cơm nước hòa hợp thành cao, trong ngấm vào xương xẩu, bổ ích lên não tủy,
do đó nguồn sinh hóa cũng có quan hệ với tinh khí của cơm nước vậy.
- Tác dụng bình thường và sự quan hệ bệnh biến của
não với tủy.
Về tác dụng của não với tủy đối với nhân thể có
chia ra hai mặt để giải thích như:
Một là, não có tác dụng duy trì hành động linh
hoạt của chi thể tai mắt thông minh, Tố vấn/Giải tinh vi luận chép: Não là cái
bể chứa tủy, bể chứa tủy ấy dư dật thì cho ta thấy tác phong nhanh nhẩu lẹ làng
sức vóc gấp bội, khi cái bể chứa tủy ấy vơi đi thời long óc ù tai, đau buốt
trong ống xương, chếnh choáng, mắt mờ, mỏi mệt, ham nằm, cái gọi nhanh nhẩu lẹ
làng sức vóc gấp bội ấy là chỉ trong quá trình lao động chân tay hoặc trí óc ta
thấy thông minh trong suy nghĩ tính toán, dai sức khi làm lụng quá mức bình thường
không biết mệt, đó là biểu hiện não tủy sung túc, còn như các biểu hiện long
óc, ù tai, đau buốt trong xương, chếnh choáng, mắt mờ, chỉ tai không tỏ, mắt
không sáng, thính giác và thị lực rối loạn, đau buốt trong xương, mỏi mệt hay nằm,
đó là chi thể mệt mỏi khó gắng gượng… đều là hiện tượng não tủy suy giảm, có bệnh.
Hai là, xương tủy có tác dụng tư dưỡng cho cốt
cách, Linh khu/ Hải luận thiên chép: Tủy nhờ xương bổ sung, nếu xương tủy sung
túc thì cốt cách cường tráng, trái lại nếu xương tủy không đủ thì bất lợi cho sự
sinh trưởng của cốt cách.
Linh khu/Nuy luận thiên lại chép: Xương khô mà tủy
giảm, sẽ phát sinh chứng cốt nuy (lao xương) nó giải thích được nguồn gốc sinh
ra chứng cốt nuy là do xương tủy không đủ, dầu hết đèn tắt, tủy kiệt thì người
suy yếu vậy.
Não tủy có quan hệ với thận như trên đã nói tủy
do tinh của thận hóa sinh ra, do đó não tuy bình thường hay có bênh thì chớ đem
tình trang hư thực của lý luận tàng tinh để giải thích.
Cơ sở nói trên, quan hệ thận sinh ra xương tủy ấy,
trên lâm sàng người đông y hễ phát hiện các triệu chứng có liên quan tới não tủy
thì trong trị liệu đầu thang người ta đều bổ thận làm gốc, lý luận rằng bổ thận
để làm cho tủy đầy chắc, còn bao hàm ý nghĩa bổ não, bổ cốt tủy nữa.
2) Nữ tử bào: Tức là tử cung với các
bộ phận phụ của nữ giới, về công năng có hai mặt:
- Chủ nguyệt kinh: Nữ giới khi tới tuổi dậy thì
đó là giai đoạn phát dục thành thục, thì khí huyết dẫy đầy trong mạch xung mạch
nhâm, kinh nguyệt sẽ bắt đầu thấy, cho tới 49 tuổi trước sau vì thận khí suy
thoái, khí huyết trong mạch xung mạch nhâm đều vơi cạn cho nên hết thấy kinh
(mãn kinh).
Nói
chung, đàn bà khi bắt đầu thấy kinh (khoảng 14 tuổi) là giai đoạn có khả năng
chữa đẻ, nếu có ăn nằm với nam giới, đến lúc mãn kinh thì khả năng ấy cũng chấm
dứt.
Nói theo khía cạnh lâm sàng, đàn bà mà kinh nguyệt
không đều thì khó mà có con, nên kinh nguyệt của nữ giới có quan hệ mật thiết với
đường con cái, mà kinh nguyệt có bình thường chăng lại có quan hệ mật thiết với
mạch xung nhâm, vì mạch xung nhâm đều bắt nguồn từ dạ con tức nữ tử bào, hai mạch
ấy có điều hòa hay chăng hoặc không là tròn chức năng gìn giữ khí huyết là sẽ
phát sinh ra các bệnh kinh nguyệt không đều, băng kinh, rong kinh,….
- Chủ bào thai: trong lúc bình thường không mang
thai, nữ tử bào chỉ lo việc vận hành kinh nguyệt, khi đã mang thai rồi, còn
mang gánh nặng là bảo dưỡng thai nhi, thai nhi ở trong dạ con toàn nhờ sự cung
cấp dinh dưỡng ở hai mạch xung nhâm của người mẹ, vì đó người xưa nói mạch xung
là cái bể chứa 12 kinh mạch, mạch nhâm là cái bể chứa âm mạch, khí và huyết của
2 mạch này rất dồi dào cho nên người đàn bà sau khi đã sanh thì tắt kinh, dồn
nhiệm vụ lo cấp dưỡng cho thai nhi.
Do đó trong quá trình mang thai, nếu như thấy động
thai, ra huyết, hoặc bọc thai vướng trở đau bụng… thương đều khởi đầu bởi mạch
xung mạch nhâm trống rỗng không thể gìn giữ thai nguyên, trên phương pháp trị
liệu: người đông y hay dùng những phương dược bổ ích cho mạch xung mạch nhâm,
làm cho khí huyết ở mạch xung mạch nhâm dồi dào lên để dinh dưỡng thai nhi, làm
vậy là sẽ đạt mục đích an thai.
II. SỰ QUAN HỆ GIỮA NGŨ TẠNG VỚI NHAU:
Sự quan hệ
giũa tạng với tạng, tạng với phủ, phủ với phủ rất là mật thiết, có số được đề cập
tóm tắt như trên, nay đem ra quan hệ tạng với tạng thường thấy trên lâm sàng,
chia ra giới thiệu như sau:
1) Tâm với phế: Tâm chủ huyết, phế chủ khí, tâm và phế giúp nhau, giữ công việc tuần
hoàn huyết dịch trong người. Tâm huyết đầy đủ thời phế khí dẫy đầy, phế khí dẫy
đầy thời huyết dịch tuần hoàn bình thường. Trái lại, phế khí không đủ sẽ ảnh hưởng
sự tuần hoàn của huyết dịch, công năng của tâm không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự hô
hấp.
2) Tâm với can: Tâm chủ huyết mạch toàn thân, can tàng trữ và điều tiết huyết dịch, hai
việc ấy quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu tâm huyết không đủ, sẽ gây nên trạng
thái huyết kém can hư, xuất hiện các chứng đau mỏi gân cốt, co rút, co quắp gọi
tổng quát là huyết bất dinh cân (huyết không nuôi gân).
3) Tâm với tỳ: Sự vận hóa của tỳ nhờ tâm huyết tư dưỡng và tâm dương thúc đẩy khua động
mà công năng của tâm cũng phải nhờ vào tỳ vận chuyển rải những thứ tinh ba của
thủy cốc để nuôi dưỡng, sau đó tâm mới chủ trì sự vận hành huyết dịch được, tỳ
mới có công năng thống nhiếp huyết được, cho nên quan hệ tâm với tỳ rất là mật
thiết. Trên lâm sàng thương thấy có các chứng của tâm tỳ lưỡng hư như tim hồi hộp
hay quên, mất ngủ, sắc mặt vàng vọt, ăn kém, đại tiện phân sệt.
4) Can với tỳ: Can khí vượng quá hoặc tỳ khí hư đều rất dễ xuất hiện các chứng gọi là
can vị bất hòa biểu hiện là đau vùng sườn, đau dạ dày, trướng bụng…
5) Can với phế: Lúc bình thường thì phế (kim) khắc can (mộc) thế mà trong trạng thái bệnh
lý thì luôn luôn là can lại khắc phế, ví dụ phế khí vốn hư không thể ức chế can
khí, nhân đó mà can khí nghịch lên, thời chức năng dịu lắng của phế khí bị trở
ngại, mà thấy chứng tức ngực khó chịu. Lại như can hỏa quá thịnh thời đốt nóng
bộ phận hô hấp xuất hiện các chứng dễ nổi giận, đau sườn ngực, ho khan, hoặc ho
khặc ra đờm có vướng máu, gọi chứng hậu “mộc hỏa hình kim”, nghĩa là can tâm
làm khổ cho phế.
6) Can với thận: Can với thận quan hệ mật thiết. Đông y gọi là “Ất quý đồng nguyên”, can
nhờ thận thủy (thận âm) đến tư dưỡng, khi thủy không đủ, thời can âm cũng không
đủ, âm hư không thể liễm dương, là sẽ xuất hiện các chứng can dương lấn lên, xuất
hiện các chứng đau đầu váng đầu y học hiện đại gọi là cao huyết áp.
7) Tỳ với phế: phế khí nhờ tỳ vận hóa các chất tinh vi của thủy cốc đến nuôi dưỡng.
Trên lâm sàng đối với bệnh phế khí hư, có khi phải dùng phương pháp bổ thổ dĩ
sinh kim (bổ tỳ để ích phế) để tiến hành chữa trị.
8) Tỳ với thận: Sự vận hóa của tỳ có nhờ vào sự hỗ trợ của mệnh môn hỏa của thận. Cho
nên khi mệnh môn hỏa suy có thể dẫn đến giảm sút công năng của tỳ, xuất hiện chứng
đau bụng ỉa chảy.
Ngoài điều ấy ra, tỳ có thể chế ước thận thủy,
khi công năng vận hóa của tỳ bị giảm sút không chế ước được thận thủy thì thận
thủy lan tràn mà xuất hiện bệnh thủy thũng.
9) Phế với thận: Phế chủ xuất khí, thận chủ nạp khí, thận có thể hỗ trợ việc dịu lắng
các phế khí, nếu thận dương hư không nạp khí thời thấy chứng thở gấp. Trên lâm
sàng, do thân hư sinh ra hen suyễn thì phải chữa trị bằng phép ôn thận.
TIỂU KẾT
Học thuyết tạng phủ, chính nó là sinh lý giải phẫu
và sinh lý học bệnh lý của Đông y, là cơ sở biện chứng lâm sàng, trong lúc học
chúng ta phải coi trọng điểm phải nắm vững. Để tiện lý giải công năng của tạng
phủ, lại đem hệ thống sinh lý giải phẫu của Tây y quy nạp như sau:
1) Về phương diện hấp thu tiêu hóa: Vị chủ thụ nạp, tỳ chủ vận hóa, tiểu trường gạn lọc chất trong đục, đại
trường đùn đẩy chất cặn bã ra. Ngoài ra còn nhờ vào tác dụng sơ tiết của can,
và mệnh môn hỏa hỗ trợ.
2) Về phương diện hoạt động hô hấp: Phế chủ hô hấp, tức trai đổi khí thể. Thận chủ việc nạp khí vừa giúp
công năng dịu lắng của phế.
3) Về phương diện tuần hoàn của huyết dịch: Tâm chủ mạch, đấy là động lực tuần hoàn của huyết dịch. Phế là chỗ hướng
về của bách mạch (phế triều bách mạch) tham dự với sự tuần hoàn của huyết mạch.
Can tàng huyết, có thể điều tiết lượng huyết. Tỳ thống nhiếp huyết, hay làm cho
huyết dịch vận hành theo mạch máu mà không tràn ra bên ngoài.
4) Về phương diện công năng làm ra huyết: Tỳ vị là gốc của hậu thiên, là nguồn hóa sinh ra huyết dịch. Thận là cội
gốc của tiên thiên, sự tạo ra huyết lại nhờ vào sự ôn dưỡng của thận
5) Về phương diện thay cũ đổi mới của thủy dịch: Tỳ chủ vận hóa thủy dịch, phế chủ thông điều thủy dạo, thận chủ biệc
bài tiết của thủy. Tam tiêu chủ việc khí hóa, bàng quang chủ việc chứa và bài
tiết nước tiểu.
6) Công năng của thần kinh: Một bộ phận công năng của tâm là tương đương với vỏ não, đấy là trung
tâm hoạt động về tư duy tình chí. Ngoài ra các tạng khác đều có bao quát sự hoạt
động của tinh thần kinh.
7) Về công năng vận động: Thận chủ xương, với làm cho sự vận động nhịp nhàng, động tác tinh xảo
lanh lẹ. Can chủ gân, quản lý sự co duỗi của khớp. Tỳ chủ tứ chi, quản lý cơ nhục
toàn thân.
8) Về công năng bộ phận nội phân tiết với bộ
sinh dục: Có quan hệ với thận, can, nữ
tử bào với các mạch xung, nhâm.
BIỂU TÓM TẮT CÔNG NĂNG CHỦ YẾU CỦA TẠNG PHỦ
1) Công năng cộng đồng tàng trữ tinh khí:
Ngũ tạng
Công năng mỗi tạng
|
Tâm: Chủ thần chí, huyết mạch, khai khiếu ở lưỡi.
Can: chủ sơ tiết, tàng huyết, chủ gân, khai
khiếu ở mắt.
Tỳ: Chủ vận hóa, thống nhiếp huyết, chủ cơ nhục,
khai khiếu ở miệng.
Phế: Chủ khí, thông điều thủy đạo, chủ da
lông, khai khiếu ở mũi.
Thận: Tàng tinh, chủ thủy, chủ xương, sinh tủy,
thông đến não, chủ mệnh môn hỏa, khai khiếu ở tại nhị âm.
|
2) Công năng cộng đồng thu nạp tiêu hóa hấp thu
đùn đẩy bài tiết:
Lục phủ
Công năng mỗi phủ
|
Vỵ: Thu nạp thủy cốc.
Tiểu trường: Tiêu hóa hấp thu, gạn lọc chất
trong đục.
Đại trường: đùn đẩy cặn bã ra ngoài.
Bàng quang: Chuyển đưa dưỡng liệu thủy dịch,
bài tiết phế liệu.
Tam tiêu: Chuyển đưa dưỡng liệu thủy dịch, bài
tiết phế liệu.
|
3) Công năng cộng đồng, kiêm tàng chứa tinh khí:
Phủ kỳ hằng
Công năng
mỗi phủ
|
Đởm: Tạng trữ nước mật.
Não: Là cái bể chứa tủy.
Tủy: Sung dưỡng cho xương xẩu.
Xương: Cành nhánh của thi thể.
Mạch: Vận hành huyết dịch.
Nữ tử bào: Chủ kinh nguyệt với sinh dục.
|
CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN
1) Nhận thức đối với tạng phủ của Đông y với Tây
y có cái gi khác nhau? Thử nêu thí dụ thuyết minh?.
2) Học thuyết tạng phủ của Đông y có những đặc
điểm gì?
III. VINH, VỆ, KHÍ HUYẾT, TINH THẦN, TÂN, DỊCH
Phụ: Đờm
Mục đích học tập: (Như tạng phủ).
Vinh vệ khí huyết là lý luận cơ bản trình bày về
tác dụng dinh dưỡng, cơ năng về ngoại và tuần hoàn huyết khí, là một bộ phận
sinh lý học của đông y. Mặt khác trong quá trình phát triển của bênh tật, tất
nhiên cũng sẽ dẫn đến sự biến hóa của bốn mặt ấy. Căn cứ theo chứng trạng sản
sinh bởi biến hóa ấy mà phân tích phán đoán là có thể châm chước đối với bệnh
biến không giống nhau đó mà chia ra để lập phép chữa, đấy là phương pháp qui nạp
chứng hậu vệ khí dinh huyết của phái Ôn bệnh học đời sau, đồng thời cũng lấy đó
để phân chia trình độ nông sâu của bệnh tật, làm chỗ dựa để biện chứng luận trị.
A. VỆ KHÍ, DINH HUYẾT:
1) Dinh (cũng đọc và Vinh): có nghĩa
dinh dưỡng, là một thứ vật chất có tác dụng dinh dưỡng trong nhân thể, như tổ
chức hậu cần trong bộ đội, quản trị cấp dưỡng trong cơ quan, hay thương nghiệp
đời sống xã hội.
Dinh là tinh khí của thủy cốc hóa thành, thông
thường là điều hòa với ngũ tạng tưới nhuần cho lục phủ mới đi vào trong mạch.
Sách Linh khu/Dinh vệ sinh hội thiên nói: Con
người thụ khí ở cơm nước, cơm nước vào dạ dày, để truyền cho phổi ngũ tạng lục
phủ đều phải thụ khí, phần trong là dinh, phần đục là vệ, dinh ở bên trong mạch,
vệ ở ngoài mạch.
Lại nói: dinh là tinh khí của cơm nước.
Linh khu/Dinh khí thiên nói: Đạo lý của dinh khí
quý nhất là cơm nước, cơm nước vào dạ dày bèn truyền cho phổi chảy tràn bên
trong, san sẻ bên ngoài, phần tinh huyết nó vận hành trong kinh mạch ngầm, thường
dinh dưỡng không ngừng cuối cùng trở về giai đoạn đầu.
Căn cứ y văn kể trên, chủ yếu nói nguồn sống
sinh thành của dinh là do ăn uống cơm nước vào dạ dày thông qua sự tiêu hóa hấp
thụ, trong đó hóa sinh bộ phận tinh vi mà thành. Cho nên bản thân của dinh là
tinh khí trong cơm nước, cách phân bố của nó từ dạ dày truyền đến phổi, từ phổi
được đưa đi khắp trong huyết mạch và vận hành trong toàn thân, tuần hoàn không
bao giờ dứt.
Thủy cốc vào vị, khí thanh trong chất thanh, thu
vào tỳ mà làm ra kinh huyết.
Về bệnh lý dinh phận, khi nhiệt tà nhập đến dinh
phận thì dinh âm bị tổn hại, sốt về đêm càng dữ, lưỡi đỏ sẫm không rêu, mạch tế
sác, khi nhiệt tà uy hiếp tâm thần thời trằn trọc tay máy chẳng an, hoặc nói
mê, nhiệt vào mạch lạc thời sinh ban chẩn.
2) Huyết: Huyết máu, về nguồn gốc của
nó là từ tinh khí của cơm nước (tân dịch) kết hợp với dinh khí thông qua tác dụng
khí hóa tại trung tiêu mà thành. Tâm thuộc hỏa, huyết chịu hỏa hóa mà màu sắc đỏ,
cho nên tâm thông huyết. Huyết dư hay giận, huyết kém hay sợ mà máu huyết lại
cùng dinh khí trôi chảy trong mạch máu, bên trong rót tới ngũ tạng lục phủ, bên
ngoài nuôi dưỡng tứ chi bách hài, toàn thân không chỗ nào mà không chịu sự dinh
dưỡng của nó mới duy trì công năng sinh lý bình thường, cho nên mới nói mắt nhờ
huyết mới xem được, ăn cháo ngày thứ ba, mắt sẽ mờ đi vì đói dữ, chân nhờ huyết
mới đi được, ăn cháo đến ngày thứ ba chân sẽ run, hết đi được, tay nhờ huyết mới
cầm nắm được,….
Khí huyết đầy đủ thì huyết thực khí dư thì dễ
béo.
Khi vì một nguyên nhân nào đó, sự vận hành của
máu huyết bị trở ngại, da dẻ không được máu huyết chu cấp đến thì sinh ra tê dại
cấu khôn biết đau, chân tay không được máu huyết tải đến thì mất sự ấm áp, thậm
chí bại liệt không sử dụng được.
Bệnh về máu huyết chủ yếu có mấy điểm, xuất huyết,
huyết dư, huyết ứ…
a) Xuất huyết: Do hỏa nhiệt thực tà bức huyết chạy càn, hoặc do khí hư không thể chủ
trị được huyết, hoặc can không tàng huyết, tỳ không thống huyết, hoặc thận âm
vơi kém, hư hỏa sinh ra bên trong tổn hại đến mạch lạc, hoặc tinh thần kích
thích tình chí hóa hoa… đều có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết.
b) Huyết hư: Xuất huyết nhiều quá hoặc
huyết sinh ra không đủ đều có thể dẫn đến huyết hư, chứng trạng huyết hư thường
thấy là sắc mặt héo vàng, màu sắc của môi, của lưỡi, móng tay móng chân nhợt nhạt
không có bóng, đầu choáng mắt hoa, tim hồi hộp, đánh trống ngực, bải hoải kém sức,
hoặc chân tay tê dại, mạch tế nhược…
c) Huyết ứ: Có trường hợp do bị thương
chảy máy, tích tụ ở tổ chức khí quan mà nên. Có trường hợp do khí trệ huyết ứ
mà thành, có trường hợp vì hàn lạnh ở mạch máu mà nên, có trường hợp vì nhiệt
thịnh bức huyết chạy bậy, huyết dịch ly khai khỏi mạch máu, tích mà thành ứ, có
trường hợp thương âm, thương huyết, cũng làm huyết uất lại mà thành ứ.
Về chứng hậu huyết ứ có thể do bệnh dị huyết sở
tại mà khác nhau, như:
- Ứ ở tâm thì tim hồi hộp, tim đau nhói…
- Ứ ở phổi thì ho khạc ra đờm có lẫn máu, tức ngực…
- Ứ ở bào cung thời mạch xung nhâm bất điều,
kinh nguyệt không đều, bế kinh, khối u, chửa ngoài dạ con, u xơ…
- Ứ ở sườn bụng thì sườn bụng đau như giùi đâm,
mà chỗ đau không di dịch, hoặc phát sinh khối u.
- Ứ ở chi thể thì chi thể đau nhừ, tê dại, hoặc
vận động không kinh hoạt, bại liệt...
3) Vệ: Là khí bốc mạnh của thủy cốc.
Khi ấy nhanh nhẹn hung hãn không thể đi vào mạch. Khí thanh trong chất tuột chạy
xuống bàng quang mà làm vệ khí (109). Có ý nghĩa là bảo vệ cũng là một thứ vật
chất có tác dụng bảo vệ phần ngoài cơ thể, chẳng khác một đạo quân biên phòng
gìn giữ bờ cõi không cho đối phương xâm nhập lãnh thổ.
Vệ và dinh cũng đều nhờ ăn uống cơm nước thông
qua sự tiêu hô hấp thu hóa sinh của tỳ vị mà thành, bất quá sự vận hành của
chúng có chỗ khác nhau, dinh vận hành trong mạch, vệ vận hành ngoài mạch, bản
chất của vệ khí là khí cơm nước, bộ phận hùng hậu khỏe mạnh tính lưu lợi, vận
hành mau chóng, nó được phân bố ngoài mạch đạo, đạt khắp tứ chi, tuần hành ở
khoản da thứa, đến nơi màng mỡ, san xẻ ở khoảng ngực bụng.
Chứng hậu của vệ phận là bệnh ôn nhiệt ở giai đoạn
ban đầu, đặc trưng là phát sốt ợ lạnh, đau đầu nhức mình rêu lưỡi mỏng trắng, mạch
phù, tương đương với biểu nhiệt trong bát cương.
4) Khí: khí là thể hơi, ý nghĩa có
hai loại, một là chỉ vào công năng sinh lý, hai là chỉ vật tinh vi có tác dụng
dinh dưỡng.
Nói chung, khi có các tác dụng hóa sinh, thúc đẩy
và cố nhiếp huyết dịch, ôn dưỡng khắp tổ chức toàn thân, chống đỡ với ngoại tà.
Khí thuộc huyết hư thì hao gầy.
Căn cứ tác dụng khác nhau, của nhân thể chia làm
mấy loại:
a) Nguyên khí: khí nguyên thủy, cũng gọi chính khí, chân khí, khí mạnh tự nhiên đấy là
biểu hiện tập trung năng lực sống của con người, đại biểu sức đề kháng mạnh hay
yếu. Nói chung, nguyên khí dồi dào thì khó bị bệnh, dù sức khỏe là một tình trạng
hoàn toàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội (tuyên ngôn ALMAATA 1978)
có bệnh cũng dễ chữa, do đó nguyên khí có quan hệ mật thiết đối với sức khỏe
con người. Nguyên khí hơn cốc khí thì người gầy mà sống lâu. Ngược lại sẽ chết
yểu.
b) Khí của tạng phủ: Đó là khí khua động các tạng phủ hoạt động, như tâm khí, phế khí, tỳ
khí, can khí… Nói chung, khí của tỳ khí, phế khí, can khí… nói chung, khí của tỳ
vị gọi chung là trung khí, nó có đủ công năng thúc đẩy sự hấp thu tiêu hóa với
tác dụng duy trì vị trí nội tạng bình thường.
Khi trung khí bất túc, thì công năng hấp thu
tiêu hóa giảm sút, tinh thần không phấn chấn, tiếng nói thấp bé cho đến các bệnh
chứng sa dãn như sa dạ dày, sa thận, sa dạ con, lòi trôn trê, trĩ, mạch lươn…
c) Về khí với dinh khí:
Bệnh chứng chủ yếu của khí có ba loại khí: Khí
hư, khí trệ, khí nghịch:
- Khí hư: Chứng khí hư nói chung là chỉ khí của
ngũ tạng không đủ, nhưng thường thấy trong lâm sàng phần nhiều là phế khí tỳ
khí bất túc, chứng trạng hay thấy là ít hơi, biếng nói, tiếng nói bé thấp, đầu
choáng, tinh thần uể oải, đổ mồ hôi, ăn uống không kích thích, hoặc nội tạng sa
dãn, mạch hư nhược, lưỡi nhợt, non, rêu lưỡi mỏng.
- Khí trệ (khí uất): Khí cơ của tạng phủ không
thư sướng(bực bội), sự vận hành của khí trở ngại thời xuất hiện chứng khí trệ,
hay thấy là phế khí trệ, tỳ vị khí trệ, can khí uất trệ, tỳ vị khí trệ, can khí
uất trệ, kinh mạch khí trệ. Khí trệ hay thấy chứng trạng chung là ngực sườn bụng
căng đầy đau.
Phế khí trệ thời ngực đầy tức, thở rộn lên, nhiều
đờm, tỳ vị khí trệ thời ngực căng đầy, đau nhức, tiêu hóa không tốt, can khí uất
trệ thời tình chí bực bội, ngực bụng trướng đầy, đau đớn, thống kinh, kinh nguyệt
không đều, kinh mạch trì trệ thời chân tay bắp thịt khớp xương đau nhức…
- Khí nghịch: Phế khí, vị khí đều lấy sự đi xuống
là thuận, nếu có đi lên là nghịch, thời xuất hiện bệnh chứng gọi là khí nghịch.
Ngoài ra, can khí mà sợ tiết hoặc thăng phát thái quá cũng dẫn đến bệnh chứng
can khí thượng nghịch.
Phế khí nghịch thời ho, vị khí nghịch thời nấc,
thời ói mửa, can khí nghịch thời chóng mặt, mờ choáng hoặc thổ huyết…
B. TINH, THẦN, TÂN DỊCH:
1) Tinh: Tinh là vật chất cơ bản cấu
thành nhân thể và duy trì sự sống, trong đó bộ phận cấu thành nhân thể gọi là
tinh sinh dục (tức tinh tiên thiên) bộ phận duy trì sự sống gọi là tinh của cơm
nước (tức tinh hậu thiên).
Tinh sinh dục có công năng, sinh sôi nẩy nở,
phát triển giống nòi, tinh cơm nước do không ngừng ăn uống mà hóa sinh để duy
trì sự sống, đều không thể thiếu.
Bình thường tinh khí của ngũ tạng lục phủ khi dẫy
đầy thời đưa về tàng trữ tại thận, khi cơ năng sinh thực phát dục đầy đủ, nó lại
biến thành tinh sinh dục.
Tinh khí không ngừng bị tiêu hao, lại cũng không
ngừng được bổ túc, bởi tinh ba của đồ ăn uống tiếp tế vào.
Nói về tinh sinh dục, sách Linh khu/ Kinh mạch
thiên (thiên 10) nói: con người lúc đầu sinh ra trước hết thành tinh, tinh
thành rồi não tủy sinh xương làm sườn (cán) mạch làm nhà, gân làm khung, thịt
làm vách, da dẻ cứng cáp mà lông tóc dài, cơm nước vào dạ dày, mạch đạo thông,
huyết khí vận hành, đấy là nói con người giai đoạn trong bụng mẹ, trước nhờ
tinh huyết của cha mẹ, đấy cũng là nói tinh tiên thiên. Trên cơ sở đó lại chịu
sự sung dưỡng của khí huyết người mẹ mà các tổ chức như não, tủy, xương xẩu,
gâm mạch, da thịt, lông tóc mới dần dần sinh trưởng hoàn bị, đến khi lọt lòng mẹ
rồi, lại nhờ vào tinh khí của cơm nước cấp dưỡng duy trì sự sống độc lập mà tinh
tiên thiên cũng đồng thời nhờ sự dinh dưỡng của tinh khí cơm nước, dần dần dẫy
đầy lên, để phát huy tác dụng sinh trưởng phát dục của nhân thể.
Sách Tố vấn/Thượng cổ thiên chân luận 1 nói: Đàn
ông con trai 8 tuổi trên dưới thì thận khí thịnh vượng lên, răng cấm thay, tóc
cũng dài mà rậm rạp, đến 16 tuổi thận khí lại thịnh vượng, phát dục đầy đủ
thiên quý đến, bắt đầu có tinh sinh dục, lúc bấy giờ nam nữ giao cấu là sẽ có
con đến lúc 64 tuổi thiên quý hết tinh cũng kiệt cũng do hậu quả thận khí suy
giảm.
Tinh dồi dào sung túc, thì con người vô bệnh.
Tinh kém tinh vơi thì bệnh tật thể hiện. Tinh kiệt tuyệt thì chết sắp đến! Há
không biết tiết kiệm tinh sao?
Hai tám xuân xanh ả gái màu,
Khác gì gươm sắc hại ngầm nhau,
Bề ngoài nào thấy chi nguy hiểm,
Tủy kiệt xương khô ai biết đâu!
2) Thần: Thần là thần thái, trí
giác các hoạt động chủ tể của hiện tượng sống, nó có cơ sở vật chất, có vị trí
quan trọng hàng đầu trong con người, sinh thành bởi tinh tiên thiên với sự sung
dưỡng của tinh khí hậu thiên mới duy trì và phát huy công năng của nó.
Sách Linh khu/Bản thần nói: Nguồn gốc sinh ra là
tinh, hai tinh kết hợp là thần, tinh và thần là căn bản của sự sống, không tinh
thì không có thần, không thần thì không sống nữa.
Khí thần khí sung thịnh thời người khở, tạng phủ
khí quan thịnh vượng. Khi thần khí tan tác thì cơ năng hoạt động bình thường đều
bại hoại thường thấy quỷ ma nó ám ảnh.
Tinh, Khí, Thần đấy là ba vật quý báu nhất người.
Bởi vậy: Tích tinh, dưỡng khí, tồn thần là 3 vấn
đề lớn trong đạo dưỡng sinh mà tuệ tĩnh đã đúc kết.
Lãn Ông có phương pháp Bổ thần? (Đạo lưu), ta
nên nghiên cứu học tập.
3) Tản dịch: chỉ tất cả chất thủy dịch
trong nhân thể (chất nhớt, chất nhờn) nước miếng dư dật là lệ tuyền, tụ lại là
hoa trì, tan ra là tân dịch, xuống mã là cam lộ, tưới nhuần tạng phủ thân thể,
khai thông các mạch máu.
Chỉ vật chất dinh dưỡng hóa sinh bởi cơm nước
thông qua tác dụng cộng đồng của tỳ, vị, phế, tam tiêu. Người ta sở dĩ sống được
là nhờ vật chất dinh dưỡng vì nó sanh ra tân dịch, tân dịch kết lại thì sanh bệnh,
kiệt hết thì chết.
Tân dịch ở trong kinh mạch là thành phần sản ra
máu huyết, tân dịch ở ngoài kinh mạch san xẻ khắp cả khe hở các tổ chức, Tân và
dịch thông thường là nói gộp nhưng tính chất, bộ vị, phân bố và công dụng cụ thể
của chúng đều có chỗ khác nhau.
a) Tân: Tương đối trong loãng phân bố ở khoảng
cơ phu để ôn dưỡng.
b) Dịch: tương đối đục nhớt phân bố và nuôi dưỡng
các khớp xương, não tủy, các khiếu.
Nhưng nói theo công năng toàn diện tân và dịch
có thể ảnh hưởng lẫn nhau, chuyển hóa lẫn nhau.
Tân dịch ngoài việc dinh dưỡng và làm nhuận mướt
các tổ chức khí quan ra, nó còn tùy tình hình nội tại của cơ thể và sự biến hóa
của khí hậu bên ngoài, có quan hệ đến sự thăng bằng tương đối của âm dương
trong cơ thể như: Nắng nôi đổ nhiều mồ hôi thì đái ít, trời lạnh ít ra mồ hôi
thì đái nhiều.
Tân dịch có quan hệ chặc chẽ với khí huyết khi
tân dịch với kém thì dẫn đến khí huyết hư suy như: Sau cơn mưa dữ, ỉa dữ, ra mồ
hôi dữ, mất hết tân dịch thì hay thấy các biến chứng khí huyết suy kém như thở
hụt hơi, tim đập nhanh, mạnh vi tế, chân tay lạnh ngắt…
Sau cơn mất nhiều máu hay thấy khát nước, đại tiện
bón, đây là tân dịch vơi kém.
Bệnh chứng do tân dịch dẫn đến, có 2 loại hỏa
nhiệt thương tân và tân dịch với kém.
- Hỏa nhiệt thương tân thuộc thực: Phần nhiều do
cảm thụ tà khí lục dâm, rồi nó hóa hỏa mà dẫn đến nói chung thế bệnh đột xuất cấp
tốc có thể sốt cao, lòng bực bội thậm chí cuồng táo nói nhảm khát dữ đổ mồ hôi
tầm tã, hoặc đại tiện táo bón, môi sém, lưỡi khô, nổi gai góc, mạnh hồng sác,
hoặc trầm sác, đây là tân dịch bị cướp mất.
Cũng có do tạng phủ nóng quá dẫn đến thương tổn,
thể hiện phát sốt đại tiện, táo bón, mắt đỏ, khô miệng, khát nước, rêu lưỡi
vàng khô.
- Tân dịch vơi kém: Thuộc hư do phế âm hư, vị âm
hư hoặc thận âm hư, nguồn tân dịch vơi kém dẫn đến nhiệt chứng là sốt âm, sốt
cơn, ngũ tâm phiền nóng, ăn uống kém, khô miệng nhưng thích uống nóng đêm tối
miệng càng khô dữ ngoài gầy kém sức, lưỡi đỏ ít tân, rêu mỏng hoặc không rêu, mạch
tế sắc.
C. ĐỜM:
Đờm là sản vật bệnh lý biến hóa, lại có thể
thành nguyên nhân cho nhiều bệnh khác.
Khái niệm về đờm rất rộng không chỉ khu trú vào
đờm ẩm khi ho hen.
Đông y cho rằng tích thủy thành ẩm, ẩm ngưng
thành đởm, chất trong loảng là ẩm chất đặc đục là đờm.
Đấy là nói thủy dịch tụ động thành ẩm (nếu trong
loảng) thành đờm (nếu đặc đục) có thể do ảnh hưởng của bệnh tà, như:
Phế khí hư, mất thư sướng, không dịu lắng, thủy
dịch sẽ đọng lại thành ẩm, thành đờm.
- Tỳ không kiện vận hoặc do ăn quá nhiều đồ hậu
vị thủy dịch không được vận hóa, thủy thấp đọng ở phổi mà sinh đờm, (Tỳ là nguồn
sinh đờm, phế là đồ chứa đờm).
Lãn Ông giải thích thiếu lửa thì cơm sống, đủ lửa
thì cơm chín, mà già lửa quá cơm sẽ khét, Đờm là dạng cơm khét.
Bệnh về đờm, phần nhiều ở phổi, ở tim mạch, ở
kinh lạc, ở ngoài cơ biểu.
Đờm ở phổi: Thấy khi ho suyễn không nằm ngữa được,
ngực đầy, ngực đau.
Đờm ở tim: tim hồi hộp, tim đập không đều, ngoài
ra còn điên cuồng, động kinh, chết ngất, trúng phong, do đờm mê tâm khiếu.
Đờm ở kinh lạc: Cơ biểu thì trạng nhạc, cục u,
bướu cổ…
TIỂU KẾT
Dinh huyết là những vật chất trọng yếu của sự sống
con người. Tân dịch tinh huyết thuộc vật chất hữu hình nó đều có tác dụng lẫn
nhau, có thể dùng chữ Âm tinh để khái quát. Vệ khí một mặt chí vật chất tinh vi
có tác dụng dinh dưỡng trọng yếu hơn là chỉ công năng hoạt động của tạng phủ, tổ
chất khí quan.
Khí không giống như huyết, đặc tính thuộc dương,
vô hình, chủ động, biểu hiện là công năng hoạt động.
Tinh với khí một âm, một dương; một tĩnh, một động,
đối lập mà thống nhất giúp nhau, tác thành cho nhau không thể tác rời, tinh đầy
thì khí đủ, khí suy thì tinh vơi.
Thần là chủ tể sự sống, các hoạt hoạt động về thần
thái, trí giác, vật chất có trước tinh thần có sau. Lưỡng tinh tương bác vị chi
thần. Tinh khí thần nãi nhân thân chi tam bảo.
CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN
1) Khí là cái gì? Tân dịch là cái gì? Công năng
sinh lý của chúng? Khí bệnh thì phát sinh biến hóa thế nào?
2) Thần là gì? Đờm là gì? Nói về bệnh lý đối với
Thần, đối với đờm?
Bài 3: NGUYÊN NHÂN BỆNH
Mục đích học tập: Thuộc làu hết thảy các đặc điểm
lâm sàng về bệnh nhân gây thành bệnh chứng.
Về nguyên nhân phát bệnh, Đông y từ xưa cường điệu
rằng người mà có chính khí dồi dào thì ngoại tà khó xâm phạm như, Nội kinh nói:
Tà chỉ sở tấu kỳ khí tất hư, nghĩa là bệnh tật sở dĩ phát sinh chủ yếu là do chính
khí suy kém, bệnh tật có thừa thì không dễ gì phát sinh bệnh tật được.
Sách Nội kinh xưa cho rằng có hai loại nguyên
nhân, một là sinh ở dương, hai là sinh ở âm (Điều kinh luận). Sinh ở dương là
do phong, vũ, hàn, thử, (gió, mưa, lạnh, nắng) sinh ở âm là do ăn uống làm lụng
nghỉ ngơi không điều độ.
Trương Trọng Cảnh thời cho rằng sở dĩ bị bệnh là
do:
- Kinh lạch thụ tà, vào tạng phủ.
- Tứ chi, cửu khiếu, huyết mạch kết hợp nhau, tắt
nghẽn không thông.
- Do phòng ốc (cư trú) do bị thương, do trùng
thú cắn.
Sau đến đời Tống ông Trần Vô Trạch quy nạp thành
thuyết TAM NHÂN rằng ngoại nhân là do nhiễm phải phong sương, nội nhân là do thất
tình day dứt, bất nội ngoại nhân là do ăn uống phòng ốc, vấp té, bị thương, về
dụng ý lập thuyết Tam nhân có chỗ không giống với Trọng Cảnh.
Trọng Cảnh thì cho rằng chủ yếu do tà phong
khách khí truyền vào chứ không chia ra ngoại cảm nội thương mà đem kinh lạc tạng
phủ để chia ra nội ngoại nhân, cho rằng từ kinh lạc vào tạng phủ bên trong là
sâu, từ bì phu vào huyết mạch là bên ngoài, nông cạn, còn như lý do phòng ốc, bị
thương, trùng thú cắn thời thuộc bất nội ngoại nhân.
Trần Vô Trạch thì lập luận theo thuyết thiên
nhân hợp nhất, do tà khí lục dâm bên ngoại nhân, bệnh do tình chí ngũ tạng từ
trong sinh ra là nội nhân, bệnh do ăn uống, phòng ốc, vấp té bị thương không
quan hệ gì với tà khí (bên ngoài) hay tình chí (bên trong) thì gọi là Bất nội
ngoại nhân.
Kiểu phân loại bệnh nhân như vậy trên lâm sàng
được quen dùng cho nên chúng ta cứ thừa kế kiểu phân loại ấy.
A. NGUYÊN NHÂN NGOÀI (NGOẠI NHÂN)
Lục dâm: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa biểu hiện
biến hóa tự nhiên của khí hậu bốn mùa. Trong tình huống bình thường gọi là Lục
khí, khi lục khí xuất hiện tình huống trái thường sẽ có thể trở thành nhân tố
gây bệnh gọi là Lục dâm.
Về Lục dâm gây bệnh nói chung trước hết phạm từ
làn da thớ thịt, hoặc theo đường hô hấp mà vào, cho nên nó là nhân tố gây bệnh
ngoại cảm, thông thường gọi là ngoại tà.
Lục dâm gây bệnh đều có tính mùa tiết của nó,
như: Mùa xuân hay bệnh Phong. Mùa Hè hay bị bệnh Thử.
Mùa Thu hay bị bệnh Táo. Mùa Đông hay bị bệnh
Hàn.
Mùa trưởng hạ hay bị bệnh Thấp.
Lục dâm đã có thể đơn độc gây bệnh như thương
phong, trúng thử… Còn có thể 2 – 3 thứ tà hiệp lại cùng gây bệnh một lúc như:
phong hàn thấp, 3 loại tà đồng thời xâm nhập cơ thể sẽ gây bệnh Tý (tê thấp).
Ngoài cái ấy ra, các thứ nội phong, nội hàn, nội
thấp, nội nhiệt,v.v… là một thứ trạng thái bệnh lý xuất hiện trong quá trình bị
bệnh. Nó khác với bệnh ngoại cảm do ngoại tà lục dâm gây ra, nhưng hai mặt biểu
hiện lâm sàng này lại có chỗ giống nhau cho nên giới thiệu chung vào đây.
I. PHONG
1) Ngoại phong: Tính chất của gió (phong) là nhẹ nhàng, hay vận động, nhiều biến đổi,
rất dễ làm hại người, 4 mùa đều có thể gây bệnh cho nên Nội kinh có nói, phong
là đầu mối sinh ra các thứ bệnh.
Đặc điểm của phong tà gây bệnh:
- Phát bệnh nhanh nói chung hết bệnh cũng nhanh,
cho nên bệnh không kéo dài.
Ví dụ: phong chẩn, (tầm ma chẩn), thương
phong,.v.v…
- Về triệu chứng hội đủ tính chạy di động như
phong thấp đau chạy… Chứng phong thấp do chỗ đau không cố định cho nên có tên
là HÀNH TÝ.
Phong tà thường xâm phạm ở tầng cơ biểu, phế vệ.
Phong tà ở bì phu thì sinh cảm giác ngứa, phong tà xâm phạm phế vệ thì có các
chứng ở phong: phát sốt, tự hãn, ngứa trong họng, ho hắn, mạch phù.
Phong tà ngoài việc đơn độc gây bệnh ra, thường
là cùng kết thân với bệnh đồng thời xâm phạm nhân thể, thường thấy phong có 3
thứ như sau:
a) Phong hàn:
* Biểu chứng:
Phần nhiều xâm phạm vào phế vệ. Chân tay, đầu, mặt, mũi, họng, thể hiện phát
nhiệt, ố hàn, đổ mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoặc phù.
* Lý chứng:
phần nhiều xâm phạm vào:
- Phế, tỳ, vị, đại trường, đởm (khí phận): Đặc
trưng là sốt cao, không ố hàn, đổ mồ hôi, khát ham uống, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch
hồng sác hoặc trầm thực.
- Tâm, can (dinh phận): đặc trưng là phát sốt về
đêm và sốt cao, buồn bực vật vã, thậm chí mê man, nói sảng, miệng không khát lắm,
hoặc trên da dẻ có mụn vết ban sởi, lưỡi đỏ, rêu ít hoặc không rêu, mạch tế
sác.
- Tâm, can, thận: Đặc trưng là cơ sở các chứng
trạng kế trên mà có thêm chứng thần khí mê man hoặc quấy rứt phát cuồng, da dẻ
nổi ban chẩn rõ, thậm chí thấy thổ huyết, tiện huyết, niệu huyết… chất lưỡi đỏ,
hoặc tím mà khô, không có rêu, mạch trầm tế sác.
b) Phong nhiệt: Phát sốt hơi cao, hơi ố
phong hàn, đau đầu, đổ mồ hôi, nghẹt mũi, không có sổ mũi hoặc có chút nước mũi
đục, cổ họng sưng đau, ho hen, đờm vàng đặc, đau khớp xương, khát nước, tiểu tiện
ngắn vàng, rêu lưỡi mỏng trắng hoặc hơi vàng, mạch phù sác.
c) Phong thấp: Phong thấp nhập cơ biểu
kinh lạc thì thấy chứng đau đầu mà nặng toàn thân, các khớp đau nhức, đau chạy
không cố định.
2) Nội phong: (Can phong) thường do bệnh biến ở tâm can thận gây ra, đặc điểm lâm
sàng là:
- Phần nhiều phát bệnh đột ngột.
- Nhẹ thì biểu hiện đầu váng mắt hoa, tình tự
không yên ổn, chân tay run rẩy, tê dại cấu không biết đau, miệng mắt méo xéo. Nặng
thì đột nhiên ngã ra bất tỉnh nhân sự, co quắp uốn ván, bại liệt nửa người.
Phát sinh chúng nội phong thường thấy 2 loại
tình huống sau:
+ Nhiệt cực sinh phong: Phần nhiều thấy ở bệnh
ôn nhiệt, nhất là hay thấy ở trẻ em, do sốt cao đốt hao tân dịch dinh huyết, ảnh
hưởng công năng của tâm can, cho nên xuất hiện các chứng: kinh ngấy, mê man,
tương đương với chứng co quắp do sốt cao dẫn đến của Tây y.
+ Huyết hư sinh phong: Chủ yếu là do can huyết
hư và thận âm hư gây nên, chứng trạng chủ yếu là đầu chóang, mắt hoa tai ù,
chân tay tê dại run rẩy, co dúm, thậm chí co quắp hôn mê, thường thấy ở chứng
chóng mặt do bệnh thiếu máu dẫn đến.
II. HÀN
1) Ngoại hàn: Hàn là gây bệnh phần nhiều
ở mùa Đông xuân, nhưng các mùa khác cũng do khí âm xuống quá thấp mà gây bệnh.
Đặc điểm gây bệnh của hàn là:
a) Hàn tà dễ làm tổn thương dương khí. Con người
khi bị hàn tà xâm nhập cản trở dương khí vệ ngoại sẽ xuất hiện các chứng trạng ố
hàn, phát sốt không mồ hôi, mạch phù khẩn.
b) Hàn tà từ biểu (ngoài) vào lý (trong). Dễ hóa
nhiệt, nói chung hàn tà từ kinh Thái dương truyền vào kinh Dương minh rồi sẽ xuất
hiện các chứng thực nhiệt sốt cao, phiền khát, đổ nhiều mồ hôi.
c) Tính chất của hàn thì ngưng trệ khí nó xâm phạm
vào nhân thể rồi thường trệ đọng ở cơ phu, kinh lạc gân cốt, khớp xương, hoặc
trong tạng phủ, khiến cho máu huyết trôi chảy, không thông sướng, khí trệ, huyết
ứ, trở thành chứng “đau”. Thống tắc bất thông.
Hàn tà trệ đọng trong đường ruột thì sinh nôn mửa,
đau bụng, ỉa chảy. Hàn tà lại ở gần xương thì đau, lưu ở khoảng bì phu thì dễ
chữa nếu vào tạng thì chết.
Hàn tà thường kết hợp với phong tà, thấp tà để
gây bệnh. Bệnh thuộc hàn tà thường có:
Phong hàn (xem mục (a) Phong, phần trước)
Trúng hàn: Hàn là trúng thực tiếp vào tạng phủ,
thấy mình mát, chân tay lạnh, run rẩy, sắc mặt xanh xao, nặng thời thình lình
ngã lăn ra bất tỉnh nhơn sự, mạch trầm tế.
Hàn tý: Hàn tà trệ đọng trong kinh lạc gân cốt,
do đó tạo thành cơn đau nhức bắp thịt, các khớp nói chung đau không di động, gặp
lạnh càng đau dữ, gặp nóng thì bớt đau.
2) Nội hàn: Tức chứng lý hàn, lạnh từ
bên trong, có 2 thứ hư thực.
Hư hàn: Do âm khí trong cơ thể thịnh quá, âm thịnh
thì sinh lạnh bên trong, biểu hiện lâm sàng là ố hàn, ưa nóng, chân tay khôn ấm,
lợm giọng nôn ra nước trong, ăn kém, ỉa phân sệt, đau bụng sôi ruột, thực hàn
tiểu tiện trong dài, lưỡi nhợt, rêu trắng nhuận, mạch trầm trì.
Do ăn quá nhiều đồ sống lạnh gây ra tình trạng
tích lạnh bên trong, cũng là chứng nội hàn. Thể hiện lâm sàng là đau bụng, ăn
kém, đại tiện bón, thậm chí vùng bụng lạnh ngắt mà đau dữ dội, rêu lưỡi trắng đầy
hoặc trắng nhớt, mạch trầm trì hữu lực.
III. THỬ
Thử tà gây bệnh phần nhiều ở mùa Hè, bệnh sốt
mùa hè gọi là thương thử hoặc cảm thử. Nếu do làm lụng giữa ánh nắng gắt mà phải
bệnh gọi là trúng thử
ĐẶC ĐIỂM THỬ TÀ GÂY BỆNH LÀ
- Thử tà nhiệt tà (nắng) phần nhiều biểu hiện chứng
nhiệt: thấy sốt cao, phiền khát, nhiều mồ hôi.
- Thử tà dễ làm hao khí, tổn hại tân dịch, cho
nên có các chứng người mệt không có sức, miệng khô, môi khô, đại tiện bí, tiểu
tiện đi ít.
- Thử bệnh phần nhiều có ghé thấp, một là do mùa
hè khí trời ẩm ướt, hai là do mùa hè, mọi người ham ăn đồ sống, lạnh làm tổn hại
tỳ vị mà tự sinh thấp bên trong, cho nên thử bệnh thường ghé có các chứng: khó
chịu trong ngực, lợm giọng muốn mửa, ăn không thèm lạt gì.
Thử bệnh thường thấy là
1) Thương thử: Tức cảm thử độ nhẹ, biểu hiện
phát sốt, khát nước khó chịu, đổ mồ hôi, đau đầu lợm giọng nôn mửa, đau bụng đi
lỏng, chân tay không có sức, mạch hồng sác…
2) Trúng thử: Phần nhiều do làm việc dưới ánh nắng
gắt hoặc trong hoàn cảnh ôn độ cao quá lâu, cảm thử quá nặng gây nên, biểu hiện
là đột nhiên ngã ra chết ngất mê man bất tỉnh, sốt cáo không mồ hôi, hoặc ra mồ
hôi lạnh, thở to mặt đỏ, lưỡi môi đều đỏ, mạch hồng đại mà vô lực
IV. THẤP
1) Ngoại thấp: Ngoại thấp gây bệnh phần nhiều có
quan hệ hoàn cảnh khí hậu như:
+ Hoặc do mưa đêm liên miên, ở lâu chỗ ẩm ướt,
sương móc
+ Hoặc do dầm mưa, tắm, nghịch dưới nước quá
lâu, mà điều kiện phòng hộ (như áo mưa, dù che, giày vớ) không chu đáo, hoặc
thân thể thiếu rèn luyện… đều có thể phát ra bệnh thấp
+ Người mà tỳ vị vốn yếu, cũng rất dễ cảm thụ
ngoại thấp, người yếu phải đi giày mang vớ, vì để chân tới đất bì thấp nó hút
- Ngoại thấp hại người phần nhiều nó xâm nhập
theo đằng cơ phu thể biểu. Xâm phạm nông thì ở da thịt gân mạch khớp xương, sâu
thì làm tổn (thương) hại đến tạng phủ. Sau khi thấp tà xâm nhập cơ thể còn có
thể hàn hóa nhiệt hóa. Thử chuyển hóa này thường có quan hệ với trạng thái cơ
năng tạng phủ của bệnh nhân cho đến sự trị liệu thích đáng hay không như ở người
bệnh tỳ dương vốn hư thì rất dễ chuyển hóa về phía hàn, ở người bệnh dạ dày nhiệt
thì rất dễ chuyển hóa về phía nhiệt, ở người quá dùng thuốc hàn lương thì dễ
chuyển hóa về phía hàn, ở người hay dùng bậy những thuốc ôn táo thì rất dễ chuyển
hóa về phía nhiệt
ĐẶC ĐIỂM CỦA THẤP VÀ GÂY BỆNH
a) Thấp tính nặng: Cho nên người bị bệnh thấp
thường thấy đầu nặng như bị bó lại, mình mẩy nặng nề, chân tay không có sức,
phát bệnh phần nhiều bắt đầu từ hạ bộ trước, cho nên thấy 2 chân nặng chịt, bàn
chân sưng nề.
b) Thấp tính âm hàn ngưng trệ: Hay làm trở ngại
sự trôi chảy khí cư của nhân thể, cho nên hay thấy chứng khí trệ như: tức ngực
khó chịu, bụng trướng đầy
c) Thấp tính ô trọc: Cho nên các bệnh huyết bạc,
bệnh đái đục, bệnh đi lỵ, bệnh thấp chẩn (Eszema), ghẻ lở chảy nước vàng… đều
thuộc chứng thấp
d) Thấp tính triền miên: Cho nên người có bệnh
thấp thường là lâu ngày khó khỏi, không dễ gì mà chữa hết ngay được.
e) Rêu lưỡi trắng trơn hoặc có nhớt, mạch hoãn
hoặc như là dấu hiệu lưỡi và mạch hay thấy ở người bệnh thấp
Thấp tà hại người thường hay kết hợp với phong,
hàn. Bệnh thấp hay có 3 thứ:
1) Thương thấp: Chỉ thấy tà làm tổn hại phần nhiều
biểu hiện là sợ lạnh, phát sốt không cao, đầu trướng mà nặng, chân tay mỏi, tức
ngực, miệng không khát, rêu lưỡi trắng trơn, mạch phù hoãn. Hay thấy ở bệnh ngoại
cảm giai đoạn đầu về mùa mưa dầm
2) Thấp tý (tê thấp): Do thấp tà phạm vào kinh lạch
dẫn đến đau nhức toàn thân, càng cho chứng đau nhức khớp xương nặng hơn, đau có
chỗ nhất định, da thịt tê dại, hành động bất tiện
3) Thấp nhiệt: Nói chung phát sốt không cao lắm,
khát nước, đổ mồ hôi, lòng rạo rực, ngực đầy, tiểu tiện ngắn đỏ, rêu lưỡi vàng
nhớt, mạch hoạt sác hoặc nhu sác
Nếu thấp nhiệt uẫn súc trong tỳ vị, có thể xuất
hiện chứng hoàng đản.
Nếu thấp nhiệt kích động ở đại trường, có thể xuất
hiện chứng di lỵ ra máu đặc
Nếu thấp nhiệt rót xuống bàng quang, có thể thấy
đái buốt, đái láo, đái vội, đái ra máu và các bệnh lậu, bệnh ra huyết trắng.
Nếu thấp nhiệt làm ngăn lấp bì phu, có thể xuất
hiện chứng ung nhọt, thủng độc, thấp chẩn (Eszema)
2) Nội thấp: Phần nhiều do ăn uống không điều độ
tổn hại tỳ vị gây nên chứng tỳ dương hư, công năng vận hóa mất bình thường, thấp
sinh ra từ bên trong, tụ lại mà gây bệnh. Biểu hiện lâm sàng hoặc là ỉa chảy,
hoặc là phủ thủng, hoặc là đờm ẩm, do đó mà sách Nội kinh / Chí chân yếu đại luận
đúc kết: Các chứng thấp phù nề đầy trướng đều thuộc về tỳ.
V. TÁO
Có hai thứ: NỘI TÁO VÀ NGOẠI TÁO
1) Ngoại táo (thu táo): Tới mùa thu, khí hậu khô
khan, dễ sinh ra bệnh táo (háo người, ráo người). Khí hậu chuyển mát mà khô
khan thì dễ sinh chứng lương táo: táo chuyển hóa theo nhiệt thời thành chứng ôn
táo.
ĐẶC ĐIỂM CỦA TÁO TÀ GÂY BỆNH LÀ
a) Táo tà dễ làm hại phế: Phế táo thì ho khan
không có đờm, hoặc trong đờm có vướng máu, họng mũi khô khốc, đau ngực phát sốt
b) Táo tà dễ làm hại âm dịch: Cho nên táo thường
thấy: miệng, lưỡi môi, da dẻ, khô khan khát ham uống, phát sốt không mồi hội, đại
tiện khô táo, mạch tế sác…
Ngoại táo có chia 2 thứ: Ôn táo và Lương táo:
- Ôn táo: Phát sốt nặng hơn ố hàn, miệng khát hoặc
thấy mắt đỏ, rìa lưỡi, chót lưỡi đỏ mạch phù sác.
- Lương táo: Chứng ố hàn nặng hơn chứng phát sốt,
rêu lưỡi trắng, mạch phù
2) Nội táo: Nguyên nhân sản sinh chứng nội táo
là có 3 thứ:
a) Nôn mửa, đau bụng ỉa chảy, xuất hãn, xuất huyết
quá nhiều.
b) Người bị bệnh ôn nhiệt lâu ngày, tổn hại tân
dịch, hoặc vì bệnh mà hao mòn dần âm dịch
c) Trên việc điều trị do quá dùng thuốc phát
hãn, thuốc tả hạ, hoặc thuốc ôn táo
Biểu hiện lâm sàng bệnh nội táo là bên ngoài thời
thấy da dẻ lông tóc khô rom, tiều tụy, không sáng nhuận, họng khô môi nẻ, mắt
dính trết, lỗ mũi cảm thấy nóng… Bên trong thời sốt cơn, mồ hôi trộm, lòng buồn
bực, mất ngủ, khát uống, hay đói, đại tiện phân khô kết, nước tiểu đi ít nước bọt,
rêu mỏng hoặc không có rêu, mạch tế sác hoặc sáp.
VI. HỎA
Hỏa với nhiệt chỉ khác nhau ở trình độ, nhiệt cực
có thể hóa hỏa phong, hàn, thử, thấp, táo nhập vào lý cũng có thể hóa hỏa
Ngoài ấy ra công năng tạng phủ mất điều hòa,
tinh thần kích thích cũng đều có thể hóa hỏa
Do đó có thể nói: Hỏa phần nhiều thuộc lý chứng,
trên lâm sàng có phân ra 2 loại: Thực hỏa và Hư hỏa
1. Thực hỏa: Do ngoại cảm lục dâm hóa hỏa
mà sinh ra, đặc điểm biểu hiện lâm sàng là:
a) Phát bệnh tương đối nhanh, biến hóa cũng vậy
b) Hỏa nhiệt rất dễ làm tổn tân dịch, cho nên hỏa
chứng phần nhiều thấy sốt cao, sợ nóng, khát dữ ham uống đồ mát, nhiều mồ hôi,
mặt mắt đều đỏ, miệng khô môi ráo, đại tiện khô kết, nước đái ngắn đỏ, chất lưỡi
đỏ, rêu lưỡi vàng
c) Tính của hỏa thì bốc lên, về chứng trạng tùy
mỗi tạng phủ mà có khác nhau như:
- Tâm hỏa bốc lên: hừng lên thì có những chứng:
Tâm phiền không ngủ được, nặng thời thần chí
không minh mẫn, nói mê, cuồng táo
- Vị hỏa bốc thì thấy chân răng sưng đau, thổ ra
máu, chảy máu cam, đau đầu…
- Can hỏa bốc thì thấy hay nổi giận, mắt đỏ sưng
đau nhặm, đau đầu… Hỏa được yên chỗ thì mọi chứng trạng đều yên cả
d) Hỏa là thuộc dương tà nhiệt có thể bức bách
huyết chạy bậy, thường thấy các chứng xuất huyết như: thổ huyết, nục huyết, nổi
ban nổi sởi.
e) Hỏa chứng phần nhiều thấy chất lưỡi đỏ ao rêu
lưỡi vàng khô, thiếu tân dịch, mạch hồng sác
2. Hư hỏa: Phần nhiều do bệnh nội
thương mà có hư hỏa, như công năng của tạng phủ (phế, can, thận) mất điều hòa,
khí huyết không thư sướng hoặc bệnh lâu ngày không được sự điều dưỡng chu đáo,
tinh khí hao kém, hoặc tình tự không thoải mái, đều có thể dẫn đến sự phát sinh
ra hư hỏa này.
Đặc điểm hư hỏa trong lâm sàng là:
- Phát bệnh thì dần dần
- Bệnh trình thì kéo dài
- Chứng trạng chủ yếu là sốt cơn, đổ mồ hôi trộm,
ngủ tâm phiền nóng, cứ xế chiều là đỏ ửng hai gò má, rạo rực mất ngủ miệng khô
họng ráo, ho khan không có đờm, hoặc trong đờm có vướng máu, tai điếc hay quên,
đau eo lưng, di tinh, rêu lưỡi tróc, hoặc không có rêu, mạch tế sác
VII. LỆ KHÍ
Đông y cho các bệnh truyền nhiễm cấp tính rất
hung hăng gọi là DỊCH LỆ. Nó do một khí độc, dịch tà gì gì… khác với khí lục
dâm và nó có thể truyền nhiễm lẫn nhau, cùng một thứ bệnh dịch mà về biểu hiện
lâm sàng thì đâu đâu cũng y như nhau
Dịch lệ hay Lệ khí rất có hại đối với sức khỏe
nhân loại, sự sinh sản và sự lây lan của nó thường có quan hệ với nguyên nhân
khí hậu thời tiết trái thường nghiêm trọng, và những nơi tác chiến, giết người
hàng loạt ô nhiễm môi trường, điều kiện vệ sinh không giải quyết kịp thời
B. NGUYÊN NHÂN TRONG (NỘI NHÂN)
Nguyên nhân thất tình: Thất tình là bảy thứ tình
cảm hoạt động như vui mừng, hờn dỗi, ưu sầu, lo nghĩ, bi ai, sợ sệt, kinh hãi
Hoạt động về tình chí căn bản nó là sự phản ứng
về tâm lý, bình thường thì không có gây bệnh, nhưng vì tình cảm bị kích động
quá mức, đưa đến tình trạng âm dương mất điều hòa, khí huyết không điều hòa,
kinh lạc ngáng trở công năng tạng phủ mất điều hòa trở nên điều kiện phát sinh
bệnh tật
Tình chí bất hòa chẳng những có thể làm hư yếu
chính khí dễ cảm ngoại tà, đồng thời sự biến hóa của bản thân thất tình cũng có
thể gây thành bệnh. Nó chủ yếu gây đến bệnh ngũ tạng và khí, như tư lự quá độ hại
tỳ thời xuất hiện các chứng trạng thuộc công năng tỳ vị mất điều hòa, tức dạ
dày trướng đau, ăn uống không kích thích. Lại như nổi giận hại can, can khí uất
kết hoặc can khí nghịch lên có thể chuyển thành hỏa mà xuất hiện các chứng đau
đầu, vắng đầu đỏ mắt, ù tai, thậm chí điếc, tính tình cáu kỉnh, miệng đắng, sườn
đau…
C. NGUYÊN NHÂN KHÁC (BẤT NỘI NGOẠI NHÂN)
1. Do ăn uống không điều độ: Là một
trong những nhân tố gây bệnh. Bỗng uống, bỗng ăn quá nhiều đồ sống sít, đồ
chiên xào, đồ ngọt béo, hoặc ăn phải những đồ ăn không tinh khiết hoặc có độc…
đều có điều gây bệnh
a) Ăn quá nhiều đồ sống sít, thì tổn hại sức
tiêu hóa của tỳ vị. làm tỳ vị hư lạnh, sẽ xuất hiện các chứng nói ra nước
trong, đau bụng thích nắn, thích uống ấm nhưng không uống nhiều, tiêu hóa kém,
lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trì
b) Ăn quá nhiều đồ chiên xào, ngọt béo có thể sản
sinh ra nhiệt, ra thấp, ra đờm mà gây thành đa chủng nguyên nhân bệnh chứng tạng
phủ.
c) Ăn uống no quá sẽ trệ không tiêu, triệu chứng
thấy là ăn uống không kích thích, ợ hăng, nuốt chua, bợn dạ, nôn mửa, đau bụng
chối nắn, đại tiện ra phân thối khắm, mạch hoạt. Ăn chi cho nhiều mà nó chẳng ở,
bắt buộc phải cho chó ăn chè, khốn nạn thật!
2. Do làm lụng nhọc mệt quá sức: Làm lục mệt
quá sức có thể làm cho khí huyết mất điều hòa, sức chống đỡ yếu đi rồi dẫn đến
đủ thứ bệnh tật.
3. Bị vết thương chém chặt, ngã té bầm trầy, bị rắn độc cắn, sâu bọ
suông vào
Người ta sinh ra từ lúc trẻ cho tới già mọi bệnh
tật xẩy ra hầu hết hết do chân âm không đầy đủ
TIỂU KẾT
Về học thuyết phát bệnh và nguyên nhân bệnh của
Đông y là do nhân dân lao động qua mấy ngàn năm thực tiễn đấu tranh chống bệnh
tật mà phát triển
Phát sinh ra bệnh tật đều là có nguyên nhân
riêng của nó, người Đông y cổ xưa từ trong những nguyên nhân rắc rối phức tạp
mà quy nạp ra nguyên nhân lớn, chung nhất, đã được các nhà y học mặc nhiên công
nhận và đã được áp dụng lâu đời.
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Chứng trạng lâm sàng về phong với hàn khác
nhau như thế nào?
2. Chứng trạng lâm sàng về thử, táo, hỏa khác
nhau thế nào?
3. Nguyên nhân và lâm sàng về chữ nội phong, ngoại
phong?
4. Cũng như trên về nội thấp, ngoại thấp?
Bài 4. PHÂN LOẠI CHỨNG HẬU
Chứng hậu là cơ thể biểu hiện một nhóm chứng trạng
tổng hợp bởi công năng sinh lý mất bình thường
Chứng trạng xuất hiện rất đa dạng phức tạp nhưng
cũng có quy luật nhất định và có quan hệ mật thiết với nhau. Do vậy, thông qua
sự biện nhận phân tích đối với chứng trạng sẵn có là có thể biết được bản chất
bệnh tật, để trị chữa cho đúng.
Nay căn cứ các phương pháp phân loại như lục
kinh, tam tiêu, vệ khí dinh huyết, ngũ tạng lục phủ… để trình bày.
I. PHÂN LOẠI CHỨNG HẬU THEO LỤC KINH (KIỂU THƯƠNG HÀN LUẬN)
A. Ý NGHĨA
Biện chứng lục kinh là cách phân loại bệnh ngoại
cảm, nó gồm có 6 loại hình bệnh chứng Thái dương, Thiếu dương, Dương minh, Thái
âm, Quyết âm, Thiếu âm. Đấy là Trọng Cảnh căn cứ lý luận Nội kinh kết hợp kinh
nghiệm thực tiễn của bản thân, nắm vững quy luật phát triển biến hóa của bệnh tật
sáng tạo ra cách biện chứng này
Phương pháp là trước hết căn cứ tính chất khác
nhau của bệnh mà chia ra 3 âm 3 dương. Khi mới phát bệnh, sức bệnh nhân còn khá
chưa suy sụp lắm, biểu hiện chứng trạng còn dương găng lắm, gọi là Dương chứng.
Ba dương chứng là Thái dương, Dương minh và Thiếu
dương. Phần nhiều thuộc nhiệt chứng, thực chứng
Khi trong quá trình bệnh kéo dài, sức khỏe suy sụp
chứng trạng phản ánh hiện tượng suy sụp gọi là Âm chứng
Ba âm chứng là Thái âm, Quyết âm và Thiếu âm. Phần
nhiều thuộc hàn chứng, hư chứng
Nói chung, bệnh tà ngoại cảm đều từ biểu vào lý
mà Thái dương chủ phần biểu của cả người, tà khí từ ngoài vào nhất định thấy chứng
Thái dương trước. Cho nên Thái dương chứng có thể đại diện cho hiện tượng sơ kỳ
của bệnh ngoại cảm.
Khi Thái dương chứng chữa không khỏi, tà truyền
vào lý sẽ xuất hiện chứng trạng Dương minh hoặc có thể truyền ở khoảng nửa biểu
nửa lý mà thấy chứng trạng Thiếu dương. Nếu ba kinh dương truyền khắp rồi mà bệnh
chưa khỏi, lúc bấy giờ chính khí đã suy, tà khí thừa hư mà truyền vào âm kinh,
sẽ có 3 hiện chứng trạng thuộc âm.
Từ đó có thể hiểu được ý nghĩa và giới hạn phân
chứng theo lục kinh rồi.
Nhờ thừa kế sáng kiến phân loại chứng theo kinh
đó, chúng ta có thể nắm vững quy luật phát triển đối bệnh ngoại cảm một cách
chính xác. Có chỗ dựa để biện chứng
B. CHỦ CHỨNG CHỦ MẠCH
1. Thái dương bệnh: Thái dương bệnh nọ xuất
hiện ở giai đoạn đầu bệnh ngoại cảm, lúc bấy giờ ngoại tà phong hàn mới phạm
vào cơ biểu, bệnh biến có phần nhiều cũng biểu hiện ở bề ngoài do đó gọi là biểu
chứng
Chủ chứng: Phát sốt, sợ lạnh, đau đầu
Chủ mạch: Phù
Phát sốt, sợ lạnh, đấy là phản ứng của vệ khí
trang chấp với ngoại tà phong hàn. Vệ dương bị bao bó cho nên sợ lạnh (ớn lạnh)
uất mà tranh giành với nhau, cho nên phát sốt, là bao bó kinh mạch Thái dương
cho nên đau đầu. Chính khí chống đối với tà ở ngoài cho nên mạch phù.
Khi thấy hội đủ chứng trạng như thế gọi là Thái
dương bệnh
Thái dương bệnh còn có phân ra biểu hư biểu thực
nữa
- Hội đủ chủ chứng chủ mạch kể trên mà còn sợ
gió, đổ mồ hội, mạch hoãn, gọi là trúng phong, thuộc chứng biểu hư.
- Hội đủ chủ chứng, chủ mạch nói trên mà sợ lạnh,
không đổ mồ hôi, mạch khẩn, gọi là Thương hàn, thuộc về chứng biểu thực.
2. Dương minh bệnh: Thái dương bệnh không
giải trừ kịp thời nhiệt tà bèn dần dần lớn lên, tất nhiên nó phát triển hướng
vào lý, sẽ thành Dương minh bệnh vậy. Do chỗ lý nhiệt găng lắm cho nên gọi tắt
là chứng nhiệt chứng thực.
Dương minh bệnh có chia ra kinh chứng và phủ chứng
a) Kinh chứng: Chỉ nhiệt tà vô hình rải rác khắp
trong ngoài, trong ruột có căn bã chưa thành là phân táo, xuất hiện sốt cao nhiều
mồ hôi sợ lạnh lại sợ nóng, khát nước, mạch hồng đại. Do lúc này tà đã từ biểu
vào lý, biểu tà đã giải, lý nhiệt đã nhiều cho nên không sợ lạnh mà chỉ sợ
nóng. Đấy là đặc trưng Dương minh nhiệt bệnh.
Do nhiệt ở trong hun bốc ra ngoài cho nên đổ mồ
hôi nhiều, nhiệt tà làm tổn âm tân cho nên khát nước
Mạch hồng đại là dấu hiệu nhiệt tà thịnh lắm
b) Phủ chứng: Là nhiệt tà truyền vào trường vị,
nhiệt đọc kết tụ ở trong, trong ruột có phân táo làm ngăn trở, cho nên ngoài việc
phát sốt ra, còn có các chứng xế chiều sốt cơn đại tiện bí, bụng đầy, đau, buồn
bực vật vã, nói sảng… thậm chí mê mẫn như thấy ma quỷ, mạch trầm thực mà có lực
3. Thiếu dương bệnh: Đấy là chỉ trong quá
trình bệnh sốt xuất hiện các chứng trạng miệng đắng, họng khô, mắt choáng, nóng
rét qua lại, ngực sườn đầy tức, lòng rạo rực muốn nôn ói, từ đó không chịu ăn,
mạch huyền, gọi là chứng hậu bán biểu bán lý.
Thiếu dương bệnh không thuộc biểu chứng Thái
dương cũng không phải lý chứng Dương minh, mà nó phát ra ở khoảng nửa biểu nửa
lý cho nên gọi là chứng bán biểu bán lý
Đắng miệng lòng rạo rực, nôn ói không chịu ăn, đấy
là đởm có nhiệt, vị khí bất hòa. Họng khô, đó là do nóng mà ít âm tân, nhưng
không phải nhiệt thịnh dương tân khát nước ham uống mát, dấu hiệu nghiêm trọng
của Dương minh bệnh
Mắt choáng là đởm hỏa hừng lên
Nóng rét qua lại, là chính khí với tà khí giao
tranh với nhau ở địa phận biểu lý.
Vùng ngực sườn là chỗ có kinh mạch Thiếu dương
đi qua, tà uất ở kinh Thiếu dương cho nên ngực sườn đầy tức
Căn cứ hàng loạt chứng trạng kể trên có thể thấy
được bệnh tà đã không ở biểu nhưng vẫn chưa thành lý chứng, cho nên nó là sốt
bán biểu bán lý
4. Thái âm bệnh: Đặc điểm của Tam âm bệnh
là hư chứng nói chung ít có phát sốt, các hiện chứng chủ yếu của Thái âm bệnh
là: Bụng đầy mà nôn, ăn không vào, tự đi ỉa chảy, có khi đau bụng, miệng không
khát mạch hoãn mà nhược. Đấy là chứng tỳ vị hư hàn
Tỳ dương không khua động, thủy thấp không vận
hóa, thời thấy đi tiêu chảy nôn ói miệng không khát
Khi kết lại không hóa thời đau bụng đầy bụng
Thái âm bệnh Dương minh bệnh đều là bệnh ở trung
châu tỳ vị, cho nên đều có chứng trạng đường ruột là đầy bụng nhưng tính chất
trái nhau, một đằng hư, một đằng thực, một đằng âm, một đằng dương
Dương minh bệnh là táo, nhiệt, thực chứng
Thái âm bệnh là thấp, hàn, hư chứng
Do đó miệng không khát, mình không nóng, tự đi ỉa
chảy, mạch nhược là đặc điểm của Thái âm bệnh, nó khác nhau xa với chứng hậu miệng
khát dữ, mình nóng dữ, đại tiện bí, mạch trầm thực có lực.
5. Thiếu âm bệnh: Chứng trạng chủ yếu
là chỉ muốn ngủ, sợ lạnh, tay chân móp lạnh, đi cầu ra toàn cái với nước. Mạch
chủ yếu là vi tế.
Đấy là chứng toàn thân hư hàn do đường khí của
tâm thận không đủ mà thể hiện, cho nên sợ lạnh, tay chân móp lạnh, đi cầu ra
nguyên chất đồ ăn, mạch vi tế. Loại chứng hậu như vậy gọi là dương hư âm thịnh,
kết quả do bệnh theo hàn hóa ra.
Ngoài ấy ra, còn có âm hư sinh nóng trong chứng
hậu tha hóa theo nhiệt thể hiện phân nhiều là lòng rào rực không ngủ, ọe hoặc
đi ỉa chảy, đau họng, ngực đầy…
Âm hư thời hỏa bốc lên, tâm thần bất an cho nên
lòng rạo rực không ngủ được, huyết ít hỏa dễ bốc!
ỉa chảy của hư nhiệt gây hao tổn âm dịch, hư hỏa
bốc lên cho nên thấy các chứng đau họng ngực đầy
6. Quyết âm bệnh: Quyết âm là một kinh
mạch cuối cùng của 3 kinh âm, cũng là nơi xung yếu cuối cùng tà chính giao
tranh nhau. Lúc bấy giờ do chính khí không còn đủ sức, sự điều tiết âm dương rối
loại cho nên biểu hiện chủ yếu là âm dương lẫn lộn, hàn nhiệt phức tạp như:
- Miệng khát không dứt, hơi đưa lên ngực, trong
tim đau đớn, cảm thấy nóng, đói mà không chịu ăn, ăn thì ói ra lãi… Đấy là chứng
hậu thượng nhiệt hạ hàn
- Miệng khát không dứt, hơi đưa lên ngực trong
tim nóng đau đấy là thượng tiêu có nhiệt
- Đói mà không chịu ăn, nôn ói ra lải, đấy lại
là hiện tượng trung tiêu hạ tiêu hư hàn
Ngoài ấy ra, do quy luật chính là tiêu trưởng,
âm dương thắng phục, cho nên Quyết âm bệnh còn có một thứ chứng hậu “quyết” và
“nhiệt” thay nhau. Giả sử lạnh móp (quyết) nhiều hơn sốt (nhiệt) hoặc quyết nghịch
không hồi phục đó là bệnh tiến triển… Nếu thấy sốt nhiều hơn lạnh móp, hoặc lạnh
móp hết rồi sốt trở lại, đó là hiện tượng chính khí hồi phục
Cho nên chứng hậu chủ yếu của Quyết âm bệnh là
có 2 loại hình: Hàn nhiệt phức tạp và Quyết nhiệt thắng phục
C. TRUYỀN BIẾN
Mấu chốt của sự truyền biến là do các phương diện
thụ tà sâu hay nông, thế bệnh mạnh hay yếu, với sự chữa chạy đúng hay không, nếu
tà khí thịnh chính khí suy thời bệnh sẽ truyền biến, ngược lại chính khí sung tức
là khí nhòn dần thì bệnh sẽ khỏi.
Người hơi khỏe, sự truyền biến phần nhiều chỉ ở
3 kinh dương (nhẹ)
Người hư yếu rất dễ bị truyền vào 3 kinh âm (nặng)
Ngoài ấy ra, cho phát hãn lầm, cho tả hạ bậy,
cũng là một nhân tố dẫn đến bệnh truyền biến
Về tình hình truyền biến đối bệnh ngoại cảm, đại
thể như:
- Bệnh ở 3 kinh dương thì từ biểu truyền vào lý
- Bệnh ở 3 kinh âm phần nhiều từ thực trở nên hư
Đồng thời bệnh ở 3 kinh âm cũng không nhất định
đều là từ kinh dương truyền vào, có khi ngoại tà cũng có thể trúng trực tiếp
vào kinh âm.
Ngoài ra về chứng hậu 6 kinh tuy có chủ mạch
nhưng trên lâm sàng thường do hỗn hợp mà nên Hợp bệnh. Tĩnh bệnh
Nay đem quy luật truyền biến nói chung với tính
chất khác nhau, giới thiệu tóm tắt như sau:
1. Truyền kinh: Truyền kinh là chỉ chứng
hậu 1 kinh A, truyền biến làm thành chứng hậu kinh B. Nói chung bệnh tà từ
ngoài xâm vào dần dần hướng vô trong mà phát triển. Cho nên bệnh ngoại cảm phần
nhiều mở đầu từ Thái dương biểu chứng. Nếu như bệnh Thái dương không chữa khỏi
sẽ truyền vào trong theo thứ tự có thể thành chứng Thiếu dương bán biểu bán lý,
hoặc trở thành Dương minh lý chứng.
Bệnh 3 dương không khỏi mà chính khí trở nên hư
yếu, nhất định phải truyền vào bệnh 3 âm
Trong 3 âm ấy, bệnh Thái âm thì tương đối nhẹ nếu
thêm một bước nữa dẫn tới toàn thân dương khí kém thiếu thì thường thường chuyển
thành Thiếu âm bệnh, hoặc truyền đến Quyết âm. Đó là quy luật truyền biến bệnh
ngoại cảm nói chung
Nhưng sự phát triển của bệnh tật không phải là bất
biến. Thái dương bệnh có thể truyền tắt qua Dương minh mà không trải qua Thiếu
dương (đốt giai đoạn)
Dương mà nó truyền thẳng vào 3 kinh âm, với lại
do quan hệ biểu lý với nhau của lục kinh, Thái dương bệnh có thể truyền làm Thiếu
âm bệnh, Dương minh bệnh có thể truyền làm Quyết âm bệnh. Hình thức truyền biến
ấy gọi là “Biểu lý truyền nhau” trên lâm sàng cũng hay thấy.
2. Trực trúng: Khi bệnh tà không theo đường
kính truyền vào mà bắt đầu đã xuất hiện chứng trạng 3 âm, đấy gọi là “trực”. Ví
dụ khi phát bệnh liền thấy hàng loạt chứng trạng nôn ói, ỉa chảy, chân tay
không ấm, bụng đầy, miệng không khát, đấy là chứng hậu Thái âm trực trúng. Loại
bệnh biến này phần nhiều thể chất vốn suy kém dương khí không đủ, chính chí suy
thoái hễ bị ngoại tà thì sẽ trực tiếp lâm vào tam âm thành hư chứng, hàn chứng,
về bệnh biến của 3 âm, phần nhiều là Thiếu âm.
Trên đây bàn về truyền kinh thuộc biểu tà truyền
vào lý mặt khác cũng có lý tà truyền ra biểu, tiết này sẽ nói đến.
3. Lý chứng chuyển ra biểu: Lý chứng
chuyển ra biểu đấy là hiện tượng chính khí của bệnh nhân khôi phục dần, trên
lâm sàng thấy chứng tam âm chuyển thành tam dương, có thể tiên lượng là tốt, ví
dụ tiết trên trình bày chứng hậu trực trúng Thái âm, mới đầu là nôn ói ỉa chảy,
bụng đầy, chân tay không ấm, miệng không khát, qua trị liệu thì nôn ói ỉa chảy
chấm dứt, lại thấy phát sốt khát nước đại tiện bí, đó là Thái âm bệnh nhờ dương
khí ở trường vị khội phục nhưng bệnh tà chưa hết hẳn, do đó mà chuyển thành
Dương minh bệnh vậy, hễ bệnh ở kinh âm đều phần nhiều là hư hàn, nếu chính khí
thắng tà, bệnh 3 kinh âm sẽ trở ra 3 kinh dương. Trái lại tà khí thắng chính,
âm chứng không thể chuyển ra dương kinh thì tiên lượng sẽ xấu.
4. Hợp bệnh: Hợp bệnh là ý nói 2-3 kinh
thụ tà cùng một lúc, ví dụ: Đã có Thái dương biểu chứng có Dương minh lý chứng,
chứng trong 2 kinh đồng thời xuất hiện, với không phải do truyền biến mà nên, đấy
là hợp bệnh 2 dương. Nếu đồng thời kiêm thấy chứng thiếu dương bán biểu bán lý,
thì gọi là hợp bệnh 3 dương
5. Tính bệnh: Tính bệnh là chứng trạng 1
kinh chưa giải trừ lại truyền 1 kinh, như chứng trạng Thái dương bệnh lúc chưa
khỏi hoàn toàn mà lại xuất hiện chứng trạng Dương minh bệnh đấy gọi là “Tính bệnh”
Tính bệnh phần nhiều do chuyển biến mà nên,
nhưng cần phải có tình hình tồn tại 1 kinh trước mà có đủ chứng trạng 1 kinh
sau, mới được gọi là “Tính bệnh”.
Trên lâm sàng như muốn nhận thức bệnh tình một
cách chính xác với tiên lượng sự chuyển biến sắp tới ra sao, quyết không thể
tách rời sự biện luận chứng hậu, mà quy luật biện chứng theo 6 kinh của Trọng Cảnh,
sẽ là một phương pháp cơ bản cho chúng ta, khi đối chứng lâm sàng để biết quy nạp
tổng hợp.
II. PHÂN LOẠI CHỨNG HẬU THEO VỆ KHÍ DINH HUYẾT VÀ TAM TIÊU (KIỂU ÔN BỆNH HỌC)
A. Ý NGHĨA
Về công năng sinh lý của vệ khí dinh huyết và
tam tiêu đã nói rõ trên bài Tạng phủ.
Ở đây nói về bệnh chứng vệ khí dinh huyết và tam
tiêu là cương lĩnh biện chứng kiểu Ôn bệnh học cũng là phương pháp phân loại chứng
hậu đối với bệnh Ôn nhiệt.
Sở dĩ nó hình thành là cơ sở trên cách phân chứng
theo lục kinh thông qua thực tiễn không ngừng mà dần dần đầy đủ được.
Do đó phản ánh chính xác quy luật phát triển và
đặc điểm bệnh lý của Ôn nhiệt, do đó trong chẩn trị lâm sàng áp dụng phép này sẽ
được yếu lĩnh sát hợp với bệnh tình đối với việc trị liệu bệnh ngoại cảm mà
nói, quả là một phát triển rất lớn trong nền y học cổ truyền.
Phân loại chứng hậu theo Vệ khí dinh huyết có thể
nói là biểu thị 4 giai đoạn bệnh biến nông sâu khác nhau. Nông cạn nhất là vệ
phận, thứ đến khí phận dinh phận và sâu nhất là huyết phận.
Phân loại theo tam tiêu thì cũng như thế, nó
không ngừng đại biểu cho sự nặng nhẹ và bộ vị của bệnh tật. Nói chung ngoại cảm
lúc ban đầu phần nhiều từ thượng tiêu, cho nên bệnh thượng tiêu phần nhiều là
nhẹ, nông, sau sẽ lượt truyền tới trung tiêu nếu bệnh đến hạ tiêu phần nhiều là
giai đoạn rất phức tạp nghiêm trọng.
B. PHÂN LOẠI CỤ THỂ
1. Chứng trạng vệ khí dinh huyết
a) Vệ phận: Phần nhiều thấy ở giai đoạn đầu của
bệnh ngoại cảm, chứng trạng chủ yếu là phát sốt hơi sợ lạnh không hoặc có mà ít
mồ hôi, đau đầu đau mình, nghẹt mũi, âm thanh nặng đục, ho, rêu lưỡi mỏng trắng,
mạch phù.
Xuất hiện các chứng trạng như thế chủ yếu do biểu
tà bao bó da thứa mở đóng không thuận lợi cho nên không mồ hôi hoặc có rịn ít mồ
hôi, tuy phát sốt lại là thỉnh thoảng hơi sợ lạnh hoặc sợ gió không giải, đấy tức
là biểu chứng.
b) Khí phận: Khi tà nhập vào khí phận nói chung
biểu tà đã hết rồi lý nhiệt hình thành dần, cho nên phát sốt không ớn lạnh mà lại
sợ nóng, đổ mồ hôi, thở to, khát nước, mạch hoại sác hoặc hồng dại, rêu lưỡi từ
trắng ngả sang màu vàng, nếu nhiệt tà truyền đến trên ngực sườn sẽ kiêm có các
chứng trong ngực khó chịu, ão não, nôn ói… Truyền vào trường vị sẽ có các hiện
tượng bụng trướng đầy lại đau, đại tiện bí, hoặc ỉa chảy nóng lỗ đít, nói sảng,
sốt cơn, đi tiểu gắt, nước tiểu vàng hoặc đỏ, mạch sác thực, rêu lưỡi phần nhiều
vàng dày khô ráo… Nói chung gọi là lý chứng
c) Dinh phận: Chủ yếu là vật vã chẳng yên, đêm
không ngủ được áo não phiền muộn, chất lưỡi đỏ sẫm, miệng khô môi ráo, uống nước
không nhiều, tựa như ngủ mà không ngủ, miệng nóng mê thỉnh thoảng nói sảng, tiểu
tiện gắt ít nóng đau nắng thời nước tiểu đỏ như máu, thế nóng kéo dài không
lui, xế chiều càng nóng dữ, hoặc ban chẩn lờ mờ.
2. Chứng trạng tam tiêu
a) Thượng tiêu: Chủ yếu bao quát 2 kinh Thủ Thái
âm phế và Thủ Quyết âm tâm bào
Chứng trạng phế kinh là đau đầu hơi sợ gió lạnh,
mình nóng đổ mồ hôi, khát nước hoặc không khát mà ho, mạch không hoãn không khẩn
mà động sác, nếu như nghịch truyền tới tâm bào sẽ xuất hiện lưỡi đỏ sẫm, vật vã
khát nước, nặng thì mê mẫn nói sảng, đêm ngủ không yên, đớ lưỡi, chân tay móp lạnh
b) Trung tiêu: Chủ yếu bao quát 2 kinh Túc Dương
minh vị và Túc thái âm tỳ.
Vị chủ táo, tỳ chủ thấp, nếu như phát sốt không
sợ lạnh lại sợ nóng xế chiều càng nóng dữ, đổ mồ hôi mạch đại, mặt mắt đều đỏ,
thở to, đại tiện bí, tiểu gắt, miệng khô khát rêu lưỡi vàng ẩm, nặng hoặc đen
có gai là chứng trạng vị kinh.
Nếu mình nóng vừa, xế trữa tương đối nặng, thần
thức lờ mờ rêu lưỡi tráng nhầy, mạch hoãn, đầu căng mình nặng ngực tức không
đói, nhợn ụa, tiểu không lợi, đại tiện không thoải mái, hoặc ỉa chảy là chứng
trạng tỳ kinh.
c) Hạ tiêu: Chủ yếu bao quát Túc thiếu âm thân,
Túc Quyết âm can
Bệnh đến giai đoạn này là lúc tân dịch khô kiệt.
Trước biểu hiện ban ngày tương đối yên, ban đêm vật vã miệng khô ráo, không muốn
uống nhiều, cổ họng đau, đi ỉa chảy, hoặc họng đau mọc mụt không nói được, tâm
phiền nước tiểu ngán sắc đỏ… Sau đến biểu hiện quyết và nhiệt thay phiên nhau
thể hiện trong lòng đau nóng áo não phiền muộn thỉnh thoảng ụa khan, hoặc đau đầu
ứa nước bọt, trong lòng đói, xót xáy mà không ăn được tinh thần có lúc lừ đừ,
bên dưới thời ỉa chảy mót rặn, hoặc động phong co cứng ngắt, thụt dái, đau bụng
ù tai
BỆNH CHỨNG TRUYỀN BIẾN THEO VỆ KHÍ DINH HUYẾT
Nói chung Tân cảm Ôn bệnh phần nhiều mở đầu từ vệ
phận dần dần truyền vào khí phận, dinh phận, huyết phận. Nhưng 4 loại hình này
thường thấy xuất hiện hỗn hợp, mà ít thấy tách hẳn ra, có trường hợp đã vào khí
phận mà tà ở vệ phận vẫn chưa giải trừ, có trường hợp thể nóng tản mạn không những
thể phận có nhiệt mà huyết phận cũng bị nhiệt gây thành tình trạng khí huyết đều
đua có nhiệt mà huyết phận cũng bị nhiệt gây thành tình trạng khí huyết đều đua
nhau hun đốt hơn nữa. Sau khi nó tiến vào huyết phận phần nhiều vẫn kiêm chứng
trạng dinh phận.
Nếu là Phục tà Ôn bệnh nó sẽ không nhất thiết mở
đầu từ vệ phận có khi mới đầu đã phát hiện chứng trạng khí phận, cũng có khi
phát chứng trạng dinh phận.
Nếu là Tân cảm dẫn phát phục tà sẽ kèm có chứng
trạng vệ phận.
QUÁ TRÌNH TRUYỀN BIẾN THEO TAM TIÊU
Tuy từ trên mà xuống, nhưng như thế chỉ nói
chung thôi chứ không phải cứng ngắt như thế.
Có thứ ôn bệnh thường mở đầu từ thượng tiêu (phế)
truyền vào trung tiêu (vị) đấy là truyền biến thuận
Có trường hợp lại không truyền biến đến vị mà
truyền vào tâm bào đấy là truyền biến nghịch.
Có trường hợp khi truyền vào vị dùng phương pháp
thanh nhiệt hoặc công hạ, và bệnh khỏi hẳn.
Có trường hợp từ thường tiêu truyền tắt xuống hạ
tiêu, hoặc từ trung tiêu truyền vào can thận.
Cũng có trường hợp mới đầu thấy chứng trạng Túc
Thấi âm trung tiêu, như bệnh Thấp ôn mới đầu thường dễ xuất hiện các chứng trạng
sợ lạnh mình nặng lưỡi tráng không khát nước, tức ngực, không biết đói. Sau
trưa mình phát nóng, tiểu ra nước đục không trong, đại tiện lỏng, mà khó chịu.
Đấy là hiện tượng thấp khốn tỳ thổ.
Cũng có trường hợp mới đầu bèn thấy chứng trạng
Quyết âm (như các chứng thử quyết thử phong) mới đầu đã thấy mê man, kinh ngất,
hoặc chân tay có quắp, ểnh xương sống, tương tựa như chứng trực trúng của thương
hàn.
Lục khí, vệ khí dinh huyết, tam tiêu đều là
phương pháp quy định nạp loại hình chứng hậu, vận dụng phương pháp quy nạp ấy
vào tất thảy bệnh ngoại cảm, kết hợp bát cương âm dương, biểu lý, hạn nhiệt, hư
thực để phân tách là sẽ xác định được thuộc tính và ổ bệnh của bệnh chứng.
Ba phươg pháp quy loại này có điểm giống nhau,
ví dụ khi tà ở Thái dương cũng gần giống như trung tiêu Dương minh và khí phận.
Ngoài ra, giữa chúng còn có một thứ quan hệ lẫn
lộn với nhau, ví dụ Dương minh bệnh có chứng trạng trung tiêu, khí phận, cũng
có thể xuất hiện chứng trạng dinh phận, Dương minh phát ban đáy là loại hình hỗn
hợp khí phận mà lại kiêm có huyết phận. Do đó, phương pháp phân loại, theo tam
tiêu và vệ khí dinh huyết, là bỏ sung chỗ thiếu sót của Lục kinh ba phương pháp
này ứng dụng trên lâm sàng không nên chỉ dùng một thứ mà gạt bỏ cái kia, chỉ có
giải được tinh thần cơ bản và đặc điểm mỗi phương pháp phân loại và mạch chứng
chủ yếu của mỗi thứ loại hình khi ứng chẩn lâm sàng sẽ nắm vững được bệnh tình
để quyền biến ứng dụng
III. PHÂN LOẠI CHỨNG HẬU THEO NGŨ TẠNG LỤC PHỦ (KIỂU CỦA TIỀN ẤT)
Kiểu phân loại này dùng làm cương lĩnh biện chứng
đối với bệnh nội thương.
Ngũ tạng lục phủ là một khối thống nhất hoàn chỉnh
có liên hệ mật thiết với nhau, giữa ngũ tạng với nhau còn quan hệ sinh khắc chế
hóa, giữa tạng phủ với nhau còn có quan hệ biểu lý, (xem tạng tượng đã nói)
Do kết quả ảnh hưởng với nhau ấy thường dẫn tới
bệnh tình biến hóa phức tạp, vì vậy khi biến chứng không những phân tách loại
hình chứng hậu còn phải nắm vững quy luật diễn tiến.
Bài này phân loại chứng hậu một cách đại cương để
trong thực tiễn lâm sàng nhận thức bệnh biến của tạng phủ với thuộc tính của nó
A. CHỨNG HẬU TÂM VỚI TIỂU TRƯỜNG
Tâm là vị lãnh tụ đối với nội tạng lại là then
chốt của bộ tuần hoàn huyết dịch của châu thân, Đông y gọi là Tâm tàng thần,
tâm chủ huyết dịch đều là nói công năng trọng yếu của nó
Công năng sinh lý của tâm chủ yếu là huyết mạch
và chủ thần chí. Do đó, khi tâm có bệnh thì biểu hiện chủ yếu là huyết mạch và
thần chí khác thường. Căn cứ lâm sàng hay thấy.
- Chứng hậu thuộc về huyết mạch có Tâm dương hư,
tâm âm hư, tâm huyết ứ trở…
- Chứng hậu thuộc về thần chí có đờm hỏa quấy
bên trong, đờm mê tâm khiếu.
- Chứng hậu về tiểu trường là tâm đưa nhiệt xuống
đại trường.
Còn như nhiệt nhập tâm bào thuộc phạm vi Ôn
bênh, (xem sau)
1. Tâm dương bất túc: Chủ chứng
là Tâm dương không khoa đọng, bao gồm tâm khí hư thoát, chủ chứng chung là lòng
hồi hộp hơi thở đoản, (động đến thì thở) đổ mồ hôi, lưỡi nhạt, rêu trắng.
- Tâm khí hư: Do động lực của tâm không thúc đẩy
được, do đó, xuất hiện các chứng tim hồi hộp, hơi thở đoản mạch hư kiêm thấy mệt
lả kém sức mặt nhợt nhạt hay thổi ra hơi dài, lưỡi mập bệu.
- Tâm dương hư: Do phần dương của tâm suy, xuất
hiện các chứng lạnh tim, trong lòng rất buồn, chân tay lạnh, mạch tế nhược hoặc
kết đại.
- Tâm dương hư thoát: Tâm dương hư trình độ nặng
thấy tim hồi hợp, dương khí quá hư cho nên đổ mồ hôi dầm dề chân tay lạnh toát,
môi tím ngắt hơi thở thỏn mỏn, thậm chí choáng ngất mê man, mạch vi muốn tuyệt.
2. Tâm âm bất túc: Chủ chứng có 2 thứ:
tâm âm hư, tâm huyết hư, tim hồi hộp chẳng yên, lòng buồn bã, dễ kinh sợ, mất
ngủ, hay quên.
- Tâm âm hư: Do lao tâm quá độ hao tổn tâm âm,
hiện chứng là âm hư nội nhiệt hay hâm hấp sốt, đổ mồ hôi trộm, chót lưỡi đỏ mạch
tế sác, rêu lưỡi mỏng trắng.
- Tâm huyết hư: Do máu huyết không chu cấp đầy đủ,
hiện chứng là chóng mặt, mặt xanh xao, lạt miệng, lưỡi nhợt non, mạch tế nhược.
3. Tâm huyết ứ trở: Do huyết ứ làm cản trở,
khí huyết không lưu thông hiện chứng là tim hồi hợp đau nhức không yên, móng
tay bầm tím, đổ mồ hôi, chân tay lạnh, lưỡi đỏ bầm, rìa lưỡi chót lưỡi đỏ sẫm
hoặc có vết máu ứ, rêu lưỡi ít mà nhuận, mạch sáp.
4. Đờm hỏa quấy nội tâm: Thần chí
bị đờm hỏa quấy nhiễu do đó thần chí thất thố, cuồng táo vọng động, nói bậy bạ,
ca hát linh tinh, thậm chí đánh chửi người. Bệnh do đờm nên thấy lưỡi nhầy mạch
hoạt, do hỏa nên thấy lưỡi đỏ rêu vàng, mạch sác.
5. Đờm mê tâm khiếu: Do tâm bị đờm che lấp,
thần chí không trong sáng cho nên người ngây dại, ý thức lờ mờ mửa ra đờm dãi,
hoặc hôn mê bất tỉnh, sôi đờm, đới lưỡi không nói được, rêu lưỡi tráng nhầy mạch
hoạt.
6. Tâm hỏa bốc: Do tâm khái khiếu ở
lưỡi, khi tâm hỏa bốc thì miệng lưỡi mọc mụt lở, chót lưỡi đỏ, tâm phiền, miệng
khát, nước tiểu đỏ vàng, hoặc tiểu ra đầm đìa, đau nhói, đái ra máu.
7. Tiểu trường khí thống: Do ăn uống
linh tinh, hàn thấp không điều hòa, khí cơ bụng dưới uất kiết mà dẫn đến hiện
chứng là bụng dưới quặng đau, đau vắt đến sau lưng, đau thốc tới hòn dái, rêu
lưỡi trắng, mạch trầm huyền hoặc huyền khẩn.
B. CHỨNG HẬU BỆNH CAN ĐỞM
Công năng sinh lý của can là sơ tiết, tàng huyết,
khi vì điều kiện nào đó khiến công năng ây rối rắm không làm tròn chức năng thì
sẽ sản sinh các chứng hậu như can uất, can dương lấn lên, can âm bất túc…
1. Can uất: Can khí phải sơ tiết thì
con người mới vô bệnh, khi can khí uất kết nghĩa là không sơ tiết được, vì thế
làm cho người có tính vội gấp hay cáu gắt hờn dỗi, khi kinh khí của can uất trệ
thì đau 2 bẹ sườn, khi can khí không sơ tiết được, nó sẽ đâm ngang (hoành nghịch)
thì xâm phạm về tỳ vị. Có thể sinh đau bụng đau sườn, đau bụng đi ỉa chảy, ợ
hơi, ăn uống không kích thích, đàn bà do khí huyết ở can kinh không thư sướng
thoải mái ảnh hưởng mạch xung mạch nhâm mà dẫn đến kinh nguyệt không điều.
Mạch huyền là thường thấy nhất ở can bệnh
2. Can dương lấn lên: Can dương
phải được thăng phát, nhưng thăng phát thái quá, can dương lấn lên đầu mắt sinh
ra đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, huyết áp cao, đắng miệng đau sườn, mạch huyền
cũng hay thấy ở trường hợp này.
Nếu can hỏa vượng quá ảnh hưởng công năng tàng
huyết, nhiệt bức huyết đi bậy mà sinh các chứng mửa ra máu, đổ máu cam.
Can hỏa thịnh quá cũng có chứng hậu, thiên về
nhiệt như đau đầu dữ dội, hoa mắt, ù tai.
Can hỏa làm hại gân cho nên hay đau cánh tay, chót
lưỡi rìa lưỡi đỏ.
3. Can âm bất túc: Với lý do can khí thường
là nhờ sự tu dưỡng, hàm dưỡng của can mộc, khi can âm bất túc thường là do thận
âm suy kém, tinh không hóa huyết, huyết không tư dưỡng can, mà gây nên.
Can âm bất túc cũng có thể dẫn đến Can dương lấn
lên như kiểu hư chứng, cũng có đau đầu chóng mặt, ù tai, tai điếc, nhưng cách
đau đầu này khác với đau đầu dữ dội nói trên chỉ đau âm ỉ và liên miên không dứt.
Chóng mặt mà không muốn giương mắt, tai ù, tai điếc là dấu hiệu sắp diễn tiến
không giống chứng ù tai do can hỏa quá thịnh nói trên, mà có dấu hiệu khác như
âm thanh thấp bé, sờ tay vào thì đỡ, lưỡi đỏ ít âm tân, rêu ít hoặc không rêu,
mạch huyền tế hoặc tế sác (lưỡi âm hư, mạch âm hư).
Chân tay run bây bẩy, chân tay tê dại là do âm
tân không đủ hàm dưỡng can cho nên thế
Công năng sinh lý của đởm là quyết đoán, mưu lự,
nó tàng trữ một dịch thể rất trong sạch và nó nhỉ một dịch thể trong sạch, nên
cổ nhân gọi Trung thanh chi phủ, trung tinh chi phủ. Vì nó biểu hiện hoạt động
mưu lự, nên cũng gọi trung chính chi quan.
Đởm khí thích hay có thể ảnh hưởng mưu lự và tư
tưởng. Về can và đởm có quan hệ biểu lý với nhau, trong quá trình đởm có bệnh
hay ảnh hưởng đến can mà can bị bệnh cũng ảnh hưởng đến đởm. Trên lâm sàng thường
thấy nó xuất hiện tính chất cộng đồng mà không phải tách rời. Chứng hậu lâm
sàng có đởm nhiệt, đởm hàn, đởm hư, đởm thực
- Đởm hàn: Đởm có tác dụng thăng phát khí thanh
dương, nếu khí thanh dương ấy không triển khai thoải mái, sẽ xuất hiện các dấu
hiệu đau tức ngực, bụng, chóng mặt nôn ói, đêm không ngủ, rêu lưỡi trơn trầy, đấy
là khí thanh dương không thăng, đờm trọc không hóa mà gây nên.
- Đởm nhiệt: Thể hiện đắng miệng, dễ nổi giận,
ói ra nước đắng, hoặc nóng rét qua lại, đem ngủ không yên, mạch huyền sắc, hay
xuất hiện, mắt choáng, tai ù, sườn đau…
Nếu đởm nhiệt ghé thấp sẽ sinh vàng da thậm chí
lòng buồn bực, áo não, nằm ngồi chẳng yên…
- Đởm hư: Đởm hư với can hư về nguyên nhân cơ bản
giống nhau, đều có quan niệm với huyết hư dẫn đến, cho nên 2 mặt này hay xuất
hiện cùng một lúc, như váng đầu dễ kinh sợ, trong vật lờ mờ… nhưng đởm hư chủ yếu
chủ có chứng rạo rực không ngủ, đởm khiếp hay thở dài.
- Đởm thực: Dễ nổi giận, ngực bụng tức đầy (cành
hông) hoặc dưới sườn trướng đầy thậm chí đau dữ không thể trở trăn, sắc mặt bẩn
như đóng bụi, nước da không mượt, ham ngủ, đau nhừ 2 màng tang và góc mắt, mạch
huyền thực.
C. CHỨNG HẬU BỆNH TỲ VỚI VỊ
Công năng sinh lý của tỳ chủ yếu là vận hóa và
thống nhiếp huyết. Trên mặt biến hóa bệnh lý, hễ bệnh về tỳ thì phần nhiều là
thấp là hư (dương hư là nhiều)
Công năng sinh lý của vị là thụ nạp và làm ngấu
nhừ cơm nước, (thương lẫm chi quan, hậu thiên chi bản). Trên mặt bệnh biến, hễ
vị có bệnh và hay thể hiện vị hỏa thịnh, vị âm hư.
1. Tỳ dương hư: (Tỳ vị hư hàn) khi
công vận hóa bị yếu kém thì xuất hiện các chứng trạng ăn uống không kích thích
đại điện lỏng loãng, bụng trướng đau, ưa nóng, ưa nắn nót.
Tỳ chủ tứ chi cơ nhục, khi tỳ dương hư, hay thấy
chân tay không ấm, bun rủn, không có sức, bắp thịt teo róc.
Vì công năng vận hóa thủy thấp kém, cho nên hay
thấy nước tiểu trong mà dài, hoặc phù thủng đi đái, rêu lưỡi nhạt non mạch hoãn
hoặc nhược (dương hư).
2. Tỳ vị khí hư: Tỳ vị hư yếu, cho nên
thể hiện chân tay bủn rủn ăn kém, đau vùng Thượng vì, ưa nắn nót, đại tiện lỏng
loãng mạch hư.
Nếu nặng hơn nữa sức thăng đề sẽ không đủ, có thể
dẫn tới Sa dản nọi tạng như Sa thận, Sa dạ dày, lòi trôn trê, Sa dạ con… đấy là
phần khí hư quá, gọi Dương hư hạ hãm, khí hư hạ hãm.
Nếu tỳ vị khí hư ăn uống kém sút, tiến thêm một
bước có thể là khí huyệt lưỡng hư tỳ không thống nhiếp huyết, có thể phát sinh
các chứng xuất huyết.
Can có quan hệ khắc chế với tỳ khi can khí đâm
ngang (hoành nghịch) có thể khắc chế tỳ vị (mộc khắc thổ) mà xuất hiện các chứng
thuộc hệ tiêu hóa
3. Tỳ hư bị thấp làm khốn: Khi công
năng vận hóa bị thấp trọc làm trở ngại sẽ xuất hiện các chứng ăn uống kém dạ
dày khó chịu (sình bụng) nặng thời bợn dạ muốn mửa, đầu nặng như bó lại, chân
tay bải hoải nhác nói nhác làm hoặc phù thủng ỉa chảy, ra nhiều huyết trắng
(đàn bà) rêu lưỡi dầy nhầy, mạch hoãn.
4. Thấp nhiệt tích bên trong: Thấp nhiệt
tích bên trong tỳ vị, ảnh hưởng tác dụng sơ tiết của can đởm, nước mật tràn ra
da dẻ cho nên phát vàng da, phát ngứa
Thấp nhiệt tích bên trong, sự vật hóa mất bình
thường cho nên không thiết ăn uống, đại tiện lỏng loãng, nước tiểu vàng đỏ
Nếu thấp nhiệt tích ở trong mà nhiệt nhiều hơn
thấp thì thấy các chứng miệng khát, miệng đắng, phát sốt, rêu lưỡi vàng nhầy, mạch
nhu sác.
Tâm tỳ lưỡng hư, tỳ thận lưỡng hư
Đều là bệnh biến từ tạng này cập lục đến có liên
quan kia hoặc do bệnh tà cùng một lúc tác dụng đến hại tạng mà phát bệnh.
Tâm tỳ lưỡng hư thấy:
+ Tim hồi hộp mất ngủ hay quên (tâm khí hư)
Lại thấy:
+ Ăn uống kém sút, sình bụng đại tiện phân sệt mạch
tế nhược (tâm tỳ dương hư)
- Tỳ thận dương hư, đã thấy hơi thở yếu, nhác
nói chân tay bủn rủn, chân lạnh, đại tiện phân sệt (tỳ dương hư) lại có đau bụng
đi đồng lúc tờ mờ sáng, eo lưng lạnh tinh thần mỏi mệt, (thận dương hư)
Vì thận chủ thủy, tỳ hay vận hóa thủy thấp, cho
nên khi tỳ thận dương hư có thể xuất hiện các chứng phù thủng cổ trướng, rêu lưỡi
trắng mượt, mạch tế nhược
5. Vị hỏa thịnh: Vị hỏa thịnh thì phát
sốt, vật vã, bí đại tiện
Tính của hỏa bốc lên, bức huyết chạy bậy cho nên
thổ huyết, nục huyết.
Vị hỏa men theo kinh lạc Dương minh mà bốc lên cho
nên sưng đau chân răng chảy máu chân răng.
Vị hỏa thịnh cho nên thấy các triệu chứng hỏa
nhiệt đắng miệng, khô miệng rêu vàng, mạch sác
6. Vị âm hư: Cũng có thể tổn âm vị âm
hư có thể sinh nhiệt, nhưng cái trước là thực hỏa, cái sau là hư hỏa, một đằng
là thực một đằng là hư, bản chất vốn khác nhau phải phân biệt.
D. CHỨNG HẬU BỆNH PHẾ VÀ ĐẠI TRƯỜNG
Công năng sinh lý của Phế là chủ khí, chủ sự dịu
lắng, khi có điều kiện nào mà phát bệnh biến hóa bệnh lý thì phần nhiều nó có
thể hiện bệnh tật tại bộ hô hấp (chủ khí). Biểu hiện là thực chứng, hàn chứng.
- Hàn chứng, hư chứng, có đờm trọc cản trở phế,
phế hàn ho suyễn.
- Thực chứng có ho suyễn do phổi nóng
- Hư chứng có phế khí hư, phế âm hư, phế tỳ lưỡng
hư
1. Đàm trọc cản trở phế khí
Do đờm trọc cản trở phế khí không thư sướng cho
nên thấy suyễn thở, nhiều đờm dính đặc, ngực đầy tức khó chịu không thể nằm ngửa
được, rêu lưỡi đục nhầy, mạch hoạt.
Nếu kiêm có chứng phế hàn thì đờm lỏng mà nhiều
bọt bèo, rêu lưỡi nhợt nhầy, mạch hoãn, hoạt
Nếu kiêm có chứng phế nhiệt thì nhiều đờm đặc
dính, hoặc kiêm có phát sốt chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
2. Ho suyễn do phế hàn.
Phổi do hàn tà, hoặc hàn đờm, phế khí không dịu
lắng cho nên ho nhiều đờm, nặng thời tức ngực, suyễn thở, không thể nằm ngửa được.
Nếu do hàn tà bào bó mà nên thì kiêm có phát sốt
sợ lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch khẩn, đây là dấu hiệu mạch chỉ hàn chứng.
3. Ho suyễn do phế nhiệt
Phổi có thực nhiệt đờm nhiệt kế với nhau, phế
khí không thông suốt cho nên thấy cả ho lẫn suyễn.
Nếu đờm nhiệt tắc trở, phế mạch không thông suốt
có thể thấy ngực đầy.
Nếu nhiệt thịnh huyết ứ máu thịt thối nát, có thể
mửa ra máu mủ kèm chứng sợ lạnh phát sốt, lưỡi đỏ, rêu vàng nhầy, mạch sác, hoặc
hoạt. Đây là dấu hiệu lưỡi, dấu hiệu mạch chỉ nhiệt chứng, thực chứng.
4. Phế khí hư
Phế khí hư không đủ hơi để thở cho nên ho mà hụt
hơi, âm thanh thấp yếu, khí hư cho nên sinh đờm, cho nên nhiều đờm trong loãng.
Phế khí bất túc, lông da không củng cố, do đó mà
sợ lạnh đổ mồ hôi, chất lưỡi nhợt non, mạch hư nhược.
Sắc mặt bạch chảng, đấy là phế khí bất túc.
Đấy là dấu hiệu ở lưỡi ở mạch chỉ hư chứng
5. Phế âm hư
Phế âm hư, tân dịch không đủ, cho nên ho không đờm,
hoặc đờm ít mà dính, tân dịch không đủ để nhuận dưỡng phế mạch cho nên phế lạc
bị xây xát bởi ho làm cho trong đờm có lẫn máu.
Âm hư sinh nóng trong cho nên sốt cơn, lòng bàn
tay bàn chân nóng, miệng khô họng ráo.
Âm hư thủy không ức chế hỏa, nội hỏa quấy động bức
âm tân tiết ra ngoài mà sinh đổ mồ hôi trộm, quấy rứt tâm thần bên trong mà
sinh mất ngủ.
Lưỡi non đỏ, ít rêu, mạch nhỏ tế sác đấy là chứng
âm hư.
Xế chiều hai gò má đỏ, đấy là sắc mặt phế âm hư
thường thấy
6. Phế tỳ lưỡng hy – Phế thận lưỡng hư
Phế tỳ lưỡng hư, phần nhiều thuộc khí hư, chủ chứng
là có ho dai dẳng nhiều đờm trong loãng, sắc mặt ít bóng người gầy róc, mỏi mệt
không có sức, trương bụng đại tiện phân sệt, chất lưỡi nhạt non sắc nhợt rêu trắng,
mạch tế hoặc hư đại.
Phế thận lưỡng hư phần nhiều thuộc hư, chủ chứng
là ho ít đờm hễ động đến thì hụt hơi, mặt trắng, gò má đỏ, sốt cơn hoặc lòng bàn
tay bàn chân nóng, người gầy róc, mất ngủ, đổ mồ hôi trộm, trước xế chiều khô
miệng, eo lưng đùi vế đau nhừ, hay bị di tinh, lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác.
Công năng sinh lý của đại trường là nhờ sự dịu lắng
và sự phân bố tân dịch của phế mà có sự đùn đẩy các chất cặn bã ra ngoài người.
Khi có điều kiện bất kỳ tác dụng đến mà sinh bệnh như
- Thấp nhiệt tụ xuống đại trường, tà chính tranh
chấp nhau mà sinh đau bụng, ỉa chảy
- Thấp nhiệt tranh chấp nhau quá, tổn đến khí
huyết, trọc khí nó lắng xuống, do đó mà có chứng vội đi mót rặn (lý cấp hậu trọng)
- Thấp nhiệt xâm đến kinh mạch cho nên đại tiện
ra máu mủ
- Thấp nhiệt trệ nơi huyết mạch, thời gây ỉa ra
máu, gây thành bệnh trĩ.
E. CHỨNG HẬU BỆNH THẬN, BÀNG QUANG
Thận là “Tiền thiên chi bản”, công năng sinh lý
của nó là tàng chứa tinh chủ thủy đạo, nội tạng của thận còn có thận âm thận
dương, chỉ nên củng cố tàng chứa chứ không được làm hao hớt (tàng nhi bất tả)
Khí thận có bệnh biến phần nhiều là hư chứng.
Nói chung chia ra 2 loại thật âm hư và thận dương hư. Trong đó bao quát nhiều
thứ bệnh như bộ sinh thực, bệnh tiết niệu, bệnh thần kình, bệnh nội phân tiết…
1. Thận âm hư: Thận âm hư, tân dịch không
đủ, tướng hỏa vường quá cho nên lòng bàn tay bàn chân nóng, xế trưa thì miệng
khô.
- Âm hư thì dương lấn lên, cho nên đầu choáng mắt
hoa, tai ù tai điếc, mất ngủ.
- Thận chủ xương, khi thận âm bất túc thì đau
lưng mỏi gối hoặc đau ống chân, đau gót chân.
- Răng là phần thừa của xương, khi cốt tủy không
đầy đủ thì răng lung lay, răng đau nhức.
- Thận ân hư, tinh tân không cũng cố, cho nên đổ
mồ hôi trộm, di tinh.
- Âm hư quá thì hỏa bốc, do đó mà thấy gò má đỏ,
môi đỏ, hay cường dương vớ vẩn, nước tiểu sẻn đỏ - Nội nhiệt tân khuy – lưỡi đỏ
không rêu. Đấy là dấu hiệu lưỡi, dấu hiệu mạch chỉ âm hư.
2. Thận dương hư: Thận dương ngụ trong mệnh
hỏa, có nhiều tên như Nguyên dương, Chân dương, Chân hỏa, Mệnh môn hỏa, Tiên
thiên hỏa, đấy là động lực của công năng sinh lý, là nguồn nhiệt năng, sức mạnh
tổng hợp của nhân thể.
Thận khai khiếu ở tai, tinh ba nó phô ở tóc, khi
thật khí không đủ thì tai ù, tai điếc, tóc dễ rụng.
Thận chủ xương cốt, khi thận dương không đủ thời
hay đau lưng mỏi gối, răng lung lay.
Thận không nạp khí thì hơi thở đoản mà bắt kéo
hen.
Thận dương hư thì dương khí toàn thân cũng hư,
cho nên mình không ấm hay đổ mồ hội, tinh thần không phấn chấn, đại tiện lỏng.
Thận dương hư thời thủy dịch tràn sinh phủ thủng,
đi đái ít.
Mệnh hỏa suy thì chứng hư hàn càng dữ, cho nên
chân lạnh, liệt dương, hoạt tinh, tảo tiết đi đái đem nhiều, hoặc đái vãi trong
quần không nín được.
Nói chung thận dương hư thì mạch hư phù mà rêu
lưỡi trắng nhuận. Nếu thận dương hư thủy dịch tràn thời lưỡi mập bệu mà mạch trầm
vô lực, nếu trầm trì thời thiên về hàn.
3. Thận am thận dương lưỡng hư: Do quy luật
âm dương hỗ căn, khi âm hư lâu ngày có thể dẫn đến dương hư, dương hư lâu ngày
cũng có thể dẫn đến âm hư.
4. Tâm thận bất giao: Tâm với thận
có quan hệ chế ước lẫn nhau, nó tương sinh, tương thành, giúp đỡ nhau, nếu tâm
thận mất sự điều hòa, là sẽ xuất hiện các chứng tim hồi hộp, rạo rực, mất ngủ,
tai ù, tai điếc, đau lưng mỏi gối
5. Bàng quang thấp nhiệt: Công năng
sinh lý của bàng quang có trơn tru hay trở ngại là do công năng khí hóa, mà
công năng khí hóa đó có bình thường hay không là còn nhờ thận khí thúc đẩy
Khi bàng quang bị thấp nhiệt, nóng bên trong dữ
quá cho nên phát sốt, nếu kèm có biểu chứng thì có chứng sợ lạnh.
Bàng quang thấp nhiệt dồn xuống dưới, dẫn tới
làm cản trở sự bài tiết, cho nên thủy khí không trơn chảy, tiểu tiện không thuận
lợi, do đó mà sản ra các chứng đái vặt đái vội, đái dục, đái buốt, đái lỉ rỉ
Nếu thấp nhiệt uất kết lâu ngày thời đái có hòn
sỏi (lậu ké)
Nếu thấp nhiệt nhiều quá đái ra máu (viêm bàng
quang – lậu máu)
Rêu lưỡi vàng nhầy, mạch sác là dấu hiệu ở lưỡi ở
mạch chỉ bàng quang thấp nhiệt
CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN
1. Đông y có mấy cách phân loại chứng hậu? Thử
nói rõ nguồn gốc và nội dung tóm tắt từng cách?
2. Ai đã sáng tạo cách biện chứng lục kinh? Thử
nói rõ Thái dương chứng là gì?
3. Học các cách phân loại chứng hậu này sẽ có
ích lợi gì?
Bài 5. TỨ CHẨN
Mục đích học tập
- Hiểu thật rõ nội dung
- Ứng dụng lâm sàng, biết tham khảo lẫn nhau
- Chẩn đoán theo y học cổ truyền có 4 phép chính
Vọng: tức là dùng con mắt mình để quan sát,
trông nhìn bệnh nhân, tìm tư liệu để xét đoán bệnh tật
Văn, tức nghe ngóng âm thanh, ngửi biết khí vị của
bệnh nhân
Vấn, tức gạn hỏi có kỹ thuật để sưu tầm tư liệu
có hữu quan về bệnh tật
Thiết, tức là bắt mạch, thầy thuốc dùng tay mình
để thăm dò mạch ở cổ tay, tìm hiểu thế nào là bệnh, thế nào là không bệnh
Thông qua tứ chẩn, ta sẽ rõ được bệnh trạng, nắm
được nhiều tư liệu hữu quan, đem phân tích, tổng hợp, để quyết đoán đấy là bệnh
gì? Để có phương cách chữa trị thích đáng.
I. VỌNG CHẨN:
Quan sát thần sắc, hình thái, khám xét mọi biến
hóa của lưỡi để xác định tính chất của bệnh tật.
A. TRẠNG THÁI CHUNG: Phải quan sát:
- Tinh thần sắc mặt
Tinh thần héo hon, mắt đờ không có thần, mặt phờ
phạc sắc mặt tối không tươi, là dấu hiệu chính khí tổn thương.
Sắc mặt xanh xao môi nhợt nhạt, dáng khô khan,
phần nhiều là huyết hư.
Sắc mặt héo vàng, phần nhiều là Tỳ hư.
Sắc mặt đen sạm, bệnh lâu ngày là Thận hư.
Hai má ửng đỏ, sốt chiều, phần nhiều là Âm hư nội
nhiệt.
Trẻ con mặt mày và quanh môi có màu xanh là chứng
can phong.
Các thứ bệnh sắc sáng trơn là nhẹ, đen tối là nặng.
Bệnh ôn nhiệt trẻ con, cấp mạn kinh phong, tròng
mắt trương đờ không vận động, thỉnh thoảng nhìn thẳng nhìn xiên, trên… phần là
do can phong nội động, hoặc do đờm nhiệt tắc nghẹt mà gây nên, là một trong những
chứng kinh phong trẻ em.
Trẻ con bệnh khóc không ra nước mắt, mũi khô
không có nước, phần nhiều là bệnh nặng (tham khảo phương pháp vọng sắc Hải Thượng
y tông tập III – 1777).
Sắc mặt xanh trắng, phần nhiều là khí huyết hư yếu
- Về hình thái người bệnh:
Mình gầy róc, chân tay mỏi rủ, da khô khốc là
khí huyết hư yếu.
Hư mà ăn kém là hư có đờm.
Người gầy ăn kém là trung khí hư yếu.
Người gầy ăn nhiều là trung tiêu có hỏa.
- Da dẻ toàn thân:
Vàng da gọi là bệnh hoàng đản, vàng sẫm như quả
quít phát sốt là dương hoàng (cấp tính) sắc vàng tối nhạt như màu khói xông là
âm hoàng (mãn tính) tất nhiên không sốt hoặc có sốt nhẹ.
Toàn thân phù thủng: Phát bệnh nhanh, các khớp nặng
đau, kiêm có sợ lạnh, sợ gió, là thủy khí đựng bên trong phong tà từ ngoài lấn
vào.
Mình nặng, tinh thần mỏi rủ, đặc biệt là chứng
thấp nặng.
Eo lưng xốn đau, chân lạnh, mặt xám xịt là chứng
thận dương hư.
Ngoài da xuất hiện ban sởi, phần nhiều là chứng
nội nhiệt trong bệnh ôn nhiệt, là dấu hiệu quan trọng nhiệt nhập huyết phận.
Ban sởi sắc tươi sáng đỏ nhuận là bệnh còn nhẹ,
màu sắc tối bệnh đã nặng.
Phụ: VỌNG CHẨN ĐỐI VỚI BỆNH CÓ KÝ SINH TRÙNG ĐƯỜNG
RUỘT
Dùng vọng chẩn để khám bệnh trùng tích, Đông y
đã có ghi chép tự ngàn xưa, ngày nay y học hiện đại có quan sát hơn 1000 cas
(TQ) bệnh nhi có lãi đũa, chứng minh môn vọng chẩn này có giá trị tốt.
Trẻ em có bệnh lãi đũa thể hiện:
- Vệt đỏ như cái vú tròn trên lưỡi, ngay ngắn
đàng hoàng, bệnh vị bên rìa lưỡi nhất định, số lượng không nhất định.
- Niêm mạc dưới môi mọc mụt to nhỏ như mụt sởi bằng
đầu cây kim màu xám tro chừng mười mấy hạt.
- Ngoài ra xuất hiện vệt hình tam giác, hình
tròn hoặc hình bán nguyệt màu lam, phân bố trên màng lưới vi ti huyết quản, mạch
không lộ ra ngoài.
- Mặt có cái bớt trắng hình tròn, ngoài rìa hơi
ngay ngắn, giữa màu trắng nhạt, không lòi ra ngoài mặt
Những dấu hiệu kể trên, dấu hiệu tương đương với
số lãi đũa trong bụng nhiều ít.
B. THIỆT CHẨN: (Quan sát lưỡi)
Quan sát lưỡi là một bộ phận chẩn đoán quan trọng
trong y học cổ truyền.
Quan sát lưỡi có thể biết nội tạng hư hay thực,
khí huyết thịnh hay suy, tân dịch hư hay thiếu, cho đến tính chất của ngoại tà.
Nhờ quan sát lưỡi mà biết được tính chất của bệnh
sâu hay nông và có thể dự đoán tốt hay xấu.
Quan sát lưỡi có chia ra chất lưỡi và rêu lưỡi.
1. Trước hết xét về chất lưỡi
Đó là thể chất của lưỡi, chất lưỡi có quan hệ mật
thiết với tình hình nội tạng:
- Chót lưỡi biểu hiện cho bệnh tâm phế, chót lưỡi
đỏ là tâm hỏa bốc lên.
- Rìa lưỡi biểu hiện cho bệnh của can đởm, rìa
lưỡi có vết bầm là bệnh can uất.
- Giữa lưỡi biểu hiện cho bệnh của tỷ vị
- Gốc lưỡi biểu hiện cho bệnh của thận.
Trên lâm sàng dựa vào 4 mặt sau đây để phân tích
sự biến hóa của nó.
- Màu sắc, độ tươi nhuận mượt của lưỡi, nếu hồng
nhạt trơn nhuận là bình thường.
Sắc lưỡi nhạt là huyết hư, dương hư hoặc là chứng
hàn.
- Nhạt mà không rêu là khí huyết đều hư.
- Nhạt mà trơn nhuận là hàn
- Sắc lưỡi đỏ tươi mà khô là
âm hư, mà rêu là âm hư hỏa bốc.
Bệnh ở thời kỳ cuối, bệnh lao
phổi, cơ năng tuyến giáp trạng phát triển (bướu) bệnh đái đường… hay thấy loại
lưỡi đỏ tươi mà không rêu (lưỡi âm hư) này.
- Sắc lưỡi đỏ sẫm là thực nhiệt,
càng sẫm thì nhiệt càng nhiều.
Bệnh truyền nhiễm cấp tính ở
giai đoạn có huyết độc đều hay thấy loại đỏ sẫm này. Lưỡi đỏ sẫm là dấu hiệu bệnh
ôn nhiệt từ khí phận chuyển sang dinh phận.
- Đỏ sẫm có gai là nóng dữ /
dinh phận
- Đỏ sẫm sắc tươi nhiệt nhập
vào tâm bào có thể thấy ở chứng bại huyết, cảm nhiễm cấp tính ở giai đoạn nặng.
- Đỏ sẫm sáng bóng không rêu
là vị âm khô hết, bệnh nguy
- Đỏ sẫm chuyển sang bầm mà
khô là ôn bệnh phát triển đến huyết phận, nghiêm trọng, bệnh cảm nhiễm đến mức
suy kiệt tâm phế là hay thấy loại lưỡi đỏ bầm kiểu này
- Bầm đen là huyết ứ
- Bầm tím là chứng hàn
- Sắc lưỡi màu xanh lam là khí
huyết đều suy hao, bệnh nặng
- Lam mà sáng bóng không rêu
là không tốt.
Trong tình hình suy kiệt tâm
phế nghiêm trọng là trong khí thiếu dưỡng khí hay xuất hiện loại lưỡi màu xanh
lam này.
Về hình thái, động thái của lưỡi,
lưỡi mập hay gầy, già hay non, khô hay ướt, có lằn nứt và vẻ hoạt động của nó.
- Béo non mà đỏ nhạt, rìa lưỡi
có vệt răng là chứng hư hàn.
- Lưỡi béo to, có thể xuất hiện
khi cơ năng tuyến giáp trạng sụt giảm (bướu loại thiếu lode) khi đầu chi mập lớn.
- Béo to mà đỏ sẫm phần nhiều
là tâm tỳ có nhiệt, chất lưỡi gầy mỏng đỏ nhạt là khí huyết đều suy kém, gầy mỏng
mà đỏ sẫm là tân dịch hao hụt.
- Chất lưỡi săng mà nhám (ngược
lại với béo non) là chứng thực nhiệt.
- Trên lưỡi có gai là nhiệt uất
bên trong, gai càng to thì nhiệt uất càng nhiều. Các bệnh Ban đen (scarlet
fiver), sốt xuất huyết, bệnh viêm phổi nặng có thể thấy loài lưỡi nổi gai này.
- Trên lưỡi có lằn nứt, phần
nhiều là âm hư, dinh dưỡng không tốt, sốt cao mất nước cũng có thể thấy lưỡi nứt,
cá biệt bệnh nứt lưỡi là thuộc bệnh tiên thiên.
- Chất lưỡi khi co duỗi run động,
màu sắc hồng nhạt là dương khí bất túc hay thấy ở bệnh suy nhược cơ thể, sau ốm
mới khỏi.
- Sắc lưỡi đỏ tươi mà rung động
phần nhiều là âm hư, hay thấy ở các chứng can phong nội đọng, trúng phong tuyến
giáp trạng phát triển (bướu loại dư chất idoe)
- Lưỡi cong queo khi duỗi ra
hay thấy ở bệnh trúng phong
- Chất lưỡi cứng không mềm, vận
động không linh lợi, vì đó mà nói năng ú ớ, do can phong nội động, thường là dấu
hiện tiên lượng bệnh trúng phong, hoặc di chứng sau trúng phong
a) Héo mà đỏ khô hi bệnh mới
phát, chứng tỏ do nóng sốt quá dữ mà tổn hao âm dịch
b) Héo mà trắng nhạt khi bệnh
lâu ngày, chứng tỏ khí huyết đều hư.
c) Héo mà đỏ sẫm, chứng tỏ
chân âm đã vợi đi quá nhiều rồi
2. Sau quan sát đến rêu lưỡi (thiệt đài)
Rêu lưỡi là biểu hiện ngoài của
vị khí, người bình thường thì rêu mỏng, trắng, sáng, trơn
Khi có bệnh, thì rêu lưỡi biến
hóa đa đoan, trên chẩn đoán lâm sàng, chủ yếu là dựa vào màu sắc, tân dịch, độ
dày mỏng để quan sát rêu lưỡi
Chú ý: Gạt bỏ những hiện tượng
giả tạo như do ăn đồ chát, do uống thuốc mà lưỡi biến sắc tạm thời
Rêu lưỡi có 3 loại chủ yếu:
a) Rêu trắng: Phần nhiều hàn,
là hư chứng
- Mỏng trắng là bệnh ngoại cảm
phong hàn
- Tráng non trơn, cạo sẽ sạch
là chứng lý hư hàn
- Trắng trơn mà nhầy là có đờm
thấp bên trong
- Trắng như trát phấn là bệnh
ôn dịch
Bệnh sốt, rêu trắng có lẫn
vàng là bệnh tà đã hóa nhiệt từ biểu đã nhập lý, biểu thị bệnh tình phát triển
b) Rêu vàng: Là nhiệt, hễ vàng
càng sậm thì nhiệt càng nhiều
- Mỏng, hơi vàng là ngoại cảm
phong nhiệt
- Vàng, dầy, khô, ráo là vị
nhiệt tốn tân dịch
- Vàng, dầy mà nhầy là tỳ vị
thấp nhiệt hoặc trường vị có tích trệ
c) Rêu đen: Phần nhiều là lý
chứng, bệnh đã nặng, cũng có chia ra hàn nhiệt:
- Đen mà trơn nhuận, chất lưỡi
đỏ nhợt là chứng hàn
- Đen mà khô, chất lưỡi đỏ
tươi là hỏa nhiệt tổn âm
- Đen mà ráo là hỏa thịnh tân
khô
- Đen mà khô nứt nổi gai cao
lên là thận thủy sắp kiệt, bệnh nguy. Rêu lưỡi từ dày trở nên mỏng, mặt lưỡi
sáng như gương hoặc tróc từng phần là tân dịch vơi hết, là âm hư thủy kiệt, bệnh
nặng
Những người bần huyết ác tính,
những trẻ con đường ruột bị thấp nhiệt có ký sinh trùng, thấy rêu lưỡi mỏng trắng
hoặc hơi vàng cũng sẽ tróc từng phần, do niêm mạc tại chỗ bị teo nhót lại hoại
tử mà tạo thành
Tóm lại rêu lưỡi từ trắng ngả
sang vàng, hết vàng rồi mọc rêu trắng trở lại là thuận, từ trắng ngả ra màu xám
tro, từ xám tro trở nên màu đen là nghịch.
Rêu lưỡi tự nhiên tiêu mất là
bệnh tình trở nên ác hóa
Trên đây đem chất lưỡi cùng
rêu lưỡi chia ra để trình bày tiện cho giải thích và học tập, trên thực tế phải
quan sát toàn diện cả lưỡi về chất lưỡi, rêu lưỡi, hai mặt ấy quan hệ rất chặt
chẽ với nhau, tổng hợp hai mặt ấy với quan hệ bệnh chứng đại loại như:
- Phàm thuộc nhiệt chứng thì
chất lưỡi phải đỏ, rêu lưỡi phải vàng khô
- Thuộc hư chứng thì chất lưỡi
phải nhợt nhạt, rêu phải trơn, nhiều nước bọt
- Thuộc hư chứng thì chắt lưỡi
bệu non
- Thuộc thực chứng thì chất lưỡi
phải rắn, cứng
- Thuộc biểu thì rêu phần nhiều
mỏng trắng không khô
- Nhiệt tà đã nhập lý thì rêu
lưỡi từ trắng ngả sang vàng, từ mỏng biến thành dày, từ nhuận trở thành khô
Mặt khác nói về ý nghĩa riêng
biệt của chất lưỡi và rêu lưỡi:
- Muốn quan sát nội tạng hư
hay thực, chủ yếu xem chất lưỡi
- Muốn quan sát nội tạng nông
hay sâu, vị khí còn hay mất, chủ yếu là xem rêu lưỡi
- Bệnh về khí, chủ yếu biểu hiện
ở biến hóa của rêu lưỡi
- Bệnh về huyết, chủ yếu biểu
hiện ở biến hóa của chất lưỡi
BIỂU HIỆN CHỨNG THEO HIỆN TƯỢNG THƯỜNG THẤY Ở LƯỠI
CHẤT LƯỠI
|
RÊU LƯỠI
|
BIỆN CHỨNG
|
Nhạt trắng (đỏ ít trắng nhiều)
|
Trắng, rất mỏng
|
Khí huyết yếu, dương hư
|
Nhạt trắng, béo non có vệt răng
|
Mỏng, trắng
|
Dương suy, tạng hàn
|
Nhạt trắng, béo non
|
Xám tro, mượt trơn bóng lọng
|
Có thấp đờm ở trong
|
Nhạt đỏ, non nớt, có lằn nứt
|
Không rêu
|
Khí hư, âm vơi kém
|
Đỏ nhạt
|
Trắng, mỏng, nhuận
|
Ngoại cảm
phong hàn
|
Đỏ nhạt
|
Trắng, dầy, nhầy
|
Đờm thấp đọng ở trong hoặc ăn uống không tiêu
|
Đỏ nhạt
|
Trắng dầy như trát phấn
|
Ôn dịch
hoặc nội ung
|
Đỏ nhạt
|
Trong màu trắng có pha vàng
|
Biểu tà sắp truyền vào lý
|
Đỏ nhạt
|
Giữa gốc lưỡi vàng dầy, rìa lưỡi mỏng trắng mà
tươi nhuận
|
Biểu tà nhâp lý, trường vị có tích nhiệt
|
Đỏ tươi
|
Trắng rất mỏng
|
Âm hư hỏa
bốc
|
Đỏ, nhiều lằn nứt sâu
|
Gần như không có rêu
|
Chân âm
vơi kém, thủy hỏa vị tế
|
Đỏ
|
Vàng, mỏng
|
Nhiệt thịnh tại khí phận hoặc trường vị có nhiệt
|
Đỏ
|
Vàng, nhầy
|
Thấp nhiệt nhập khí phận
|
Đỏ
|
Đen khô
|
Hỏa nhiệt làm tổn âm
|
Đỏ sẫm
|
Vàng sém
|
Nhiệt đã từ khí phận vào dinh phận
|
Đỏ bầm
|
Vàng sẫm hoặc trắng vàng khô ít rêu hoặc không
rêu
|
Nhiệt nhập huyết thất
|
Đỏ
|
Trắng nhuận
|
Chứng nội hàn rất rặng hoặc khí huyết ngưng trệ
|
C. XEM CHỈ TAY TRẺ EM:
Chỉ tay là tĩnh mạch nhỏ tại ngón trỏ bên ngoài
nông bề mặt bàn tay.
Trẻ em da dẻ còn non, tĩnh mạch này để lộ ra
ngoài cho nên dễ quan sát, nhưng khi tuổi nó lớn dần, da nó dày thêm thì chỉ
tay ấy mời dần rồi không thấy nữa.
Ở một mức độ nhất định, chỉ tay này phản ánh được
tính chất nặng nhẹ của bệnh. Vả lại khám bệnh cho trẻ em mạch nó ngắn, bé sờ
vào liền rụt tay, khóc thét, ảnh hưởng đến nét chân thật của mạch, cho nên khám
bệnh trẻ em ba tuổi trở lại, Đông y hay xem chỉ tay thay cho việc bắt mạch.
Xem chỉ tay chủ yếu quan sát màu sắc, độ đầy đủ
của tĩnh mạch nông bên ngoài.
Đem ngón tay trỏ chia làm 3 lóng để phân biệt:
Phong quan (lóng 1), Khí quan (lóng 2), Mệnh quan (lóng 3)
Phương pháp: Đưa ngón tay trỏ ngửa lên, thầy thuốc
dùng hai ngón tay cái và trỏ của mình nắm đầu ngón trỏ của trẻ, dùng ngón cái
đè nhẹ vài lần trên ngón trỏ của trẻ từ ngón đẩy ngược xuống gốc, chỉ tay sẽ tự
lộ lên, dễ quan sát.
Chỉ tay bình thường thì sắc tím nhuận tươi sáng
nói chung nó lẩn quẩn ở lóng 1 (Phong quan)
Chỉ tay khi có bệnh thì có biến đổi về mức độ đầy
đủ cũng như màu sắc
- Chỉ tay lộ rõ, phần nhiều là biểu chứng
- Chỉ tay lặn hẳn vào trong là bệnh tà ở lý
- Chỉ tay màu nhạt là hư chứng, hàn chứng
- Chỉ tay đỏ bầm là nhiệt chứng
Về màu sắc:
- Sắc xanh là phong hàn, hoặc kinh phong, hoặc
chứng có đau, hoặc thương thực, hoặc do đờm khí sục lên
- Sắc đen là huyết ứ, khi chỉ tay uất trệ xô động,
huyết dịch không trơn chảy, thường là đờm thấp, thực trệ, hoặc nhiệt tà uất kết
(thực chứng, nhiệt chứng).
Theo từng bộ vị mà nói:
- Thấy rõ ở lóng Phong quan là bệnh nhẹ
- Thấy ở lóng Khí quan là bệnh nặng một mức
- Thấy ở lóng Mệnh quan, suốt đầu ngón là bệnh
nguy kịch
II. VĂN CHẨN
Văn chẩn gồm 2 khâu: Lắng nghe âm thanh và gửi
biết khí vị
1) Lắng nghe âm thanh: Nghe bệnh
nhân nói, rên, ho, thở, nấc để đoán biết, như:
a) Nghe tiếng nói
- Nói tiếng thấp bé, hoặc đứt quãng, hụt hơi, biến
nói - Hư chứng hàn chứng
- Nói tiếng to, có lực, hoặc bực dọc, lắm lời –
thực chứng, nhiệt chứng.
- Bỗng tắt tiếng, bỗng câm, phần nhiều là thực
chứng do phong hàn hoặc do đờm dẫn đến.
- Câm từ từ phần nhiều là hư chứng, teo phổi,
khô tân dịch
- Đoản hơi, gấp mà yếu, hít vào cảm thấy dễ chịu
phần nhiều là chứng hư.
b) Nghe tiếng thở
Thở to, thở ra cảm thấy nhẹ dễ chịu phần nhiều
là chứng thực, chứng nhiệt. Bệnh lâu ngày phế thận sắp tuyệt cũng thấy thở to,
nhưng dứt rồi nối, nối rồi lại dứt thì không phải chứng thực mà là chứng hư.
Nhiệt nhập tâm bào, thần chí hôn mê, cũng thấy
thở yếu là không phải chứng hư mà là chứng thực
c) Nghe tiếng ho
- Tiếng ho không có lực là phế khí hư, tiếng ho
nặng đục, đờm trắng trong phần nhiều là chứng ngoại cảm phong hàn
- Tiếng ho trong trẻo đờm khó khạc ra phần nhiều
là phế nhiệt, ho đùng đùng từng chặp mà có lực, phần nhiều là phế thực
- Ho tiếng cao không đờm, mũi ra máu, miệng khô
lưỡi ráo ít nước bọt là tại tà làm tổn phế
- Ho tiếng gắt không đờm, hơi mệt, nhiều bọt trắng
là chứng phế nuy, lao phổi
d) Nghe tiếng nấc:
- Nghe tiếng nấc cụt, tiếng nó mạnh có lực, phần
nhiều là thực chứng
- Tiếng nấc to mà cụt ngủn khô, khát – phần nhiều
là nấc thuộc nhiệt
- Tiếng nấc yếu, kiêm thấy chứng hư, mạch hư là
nấc thuộc hư
- Bệnh lâu ngày phát nấc là dấu hiệu bệnh nguy nặng
2) Ngửi biết khí vị
Ngửi khí vị của mồm và các uế vật bài tiết (đờm
dãi, chất nôn ra, phân, nước tiểu)
a) Khí vị ở một số bệnh tật, bệnh nhân có khí vị
đặc thù như:
- Mình người bệnh có nhọt lở loét nát thời phát
ra mùi mục nát hôi tanh
- Trong buồng đẻ, có mùi xú uế hôi hám đặc biệt
- Bệnh trĩ, khi búi trĩ hoại tử hay có mùi cóc
chết
- Khám người bệnh gần chết, nghe mùi xác chết
phát tởm
b) Thối mồm, phế vị có nhiệt, mùi chua khẳm là
trong dạ dày có đồ ăn cũ không tiêu
c) Đờm tanh: là phế nhiệt, tanh hôi dữ mà có dạng
mủ là phế ung
d) Vật uế thải:
- Chất nôn ra toàn cơm cá, là thương thực
- Nôn có lãi cũng là do lãi bên trong ở không ổn
nó trào ra
- Phân táo bón, khô quá là nhiệt tà thực
- Phân nát phân lỏng là tỳ vị hư hàn
- Ỉa ra máu đặc có mót rặn là kiết lỵ thấp nhiệt
- Ỉa ra phân đen như keo sơn là chứng viễn huyết
(tiểu trường) ra phân có vướng máu sắc đỏ tươi là cận huyết (đại trường)
- Nước tiểu trong, dài là hàn, đỏ là nhiệt, đục là
thấp nhiệt
III. VẤN CHẨN
Vấn chẩn là một khâu quan trọng trong tứ chẩn
thông qua sự hỏi han một cách tinh tường, là đầu mối lần tới sự chẩn đoán chính
xác
Nội dung vấn chẩn cần hiểu rõ chỗ đau chủ yếu của
bệnh nhân, thời gian và nguyên nhân phát bệnh, tình hình đã chạy chữa thế nào,
kết quả ra sao tiền sử bệnh tật, tập quán sinh hoạt của người bệnh ưa uống nghiện
ngập gì, tình trạng tư tưởng và gia cảnh ra sao?
Người xưa đem yếu điểm vấn chẩn đặt thành ca dao
thập vấn có thể làm tài liệu tham khảo sau đây
1. Nhất vấn hàn nhiệt, nhị vấn hạn
Cần hỏi rõ có phát sốt? lạnh, nóng lạnh nặng nhẹ
thế nào? Đặc điểm phát sốt có đổ mồ hôi? Tính chất và nhiều hay ít? Để quy nạp
- Bệnh mới se da phát sốt sợ lạnh là ngoại cảm
biểu chứng, sốt ít lạnh nhiều không mồ hôi là ngoại cảm phong hàn thuộc biểu thực
chứng.
- Sốt nhiều lạnh ít, có mồ hôi là ngoại cảm
phong nhiệt biểu hư chứng (Thái dương chứng)
- Lạnh một chặp nóng một chặp gọi hàn nhiệt vãng
lại, nếu thời gian phát bệnh hơi ngắn, đắng miệng, khô học choáng đầu hoa mắt,
ngực sườn đầy tức bán biểu bán lý (Thiếu dương chứng)
- Phát sốt không sợ lạnh, có mồ hôi, khát nước,
đại tiện là chứng lý thực nhiệt (Dương minh chứng)
- Bệnh kéo dài, thường có chứng hễ xế chiều thì
hâm hấp sốt, ngực và hai lòng bàn tay bàn chân nóng, má đỏ môi khô, đổ mồ hôi
trộm là chứng âm hư (âm hư sinh nội nhiệt).
Bệnh thời lạnh, hơi thở ngắn, không có sức, tự đổ
mồ hôi là chứng dương hư (dương hư húy ngoại hàn)
2. Tam vấn ẩm thực, tứ vấn tiện
a) Về ẩm thực: ăn nhiều ăn ít khẩu vị, phản ứng
sau khi ăn, cho đến tình hình khát nước.
- Đang có bệnh mà ăn uống bình thường là vị khí
còn khỏe chưa bị tổn thương
- Không muốn ăn uống mà hay ợ hơi luôn là dạ dày
có tích trệ
- Ăn nhiều chóng đói là dạ dạy có thực hỏa (cần
chú ý coi có phải tiêu khát (đái đường) hay không?
- Khát ham uống mát lạnh là vị nhiệt tổn âm,
khát uống nóng là vị dương bất túc, miệng lạt, không khát hoạc là biểu chứng chữa
truyền vào lý, hoặc là lý chứng dương hư, hàn nhiều.
- Miệng khô không muốn uống là tỳ hư thấp thịnh
- Miệng đắng là can đởm có nhiệt
- Miệng chua là trường vị có tích trệ
- Miệng ngọt là tỳ có thấp nhiệt
- Miệng lạt là chứng hư hàn
b) Về đại tiểu tiện: Hỏi số lần tính chất và trạng
thái, có ra máu không?
- Đại tiện bón uất, phân khô quá thì khi ỉa ra
phát sốt – phần nhiều là nhiệt là thực
- Bệnh lâu ngày, đàn bà mới sinh nở, người già yếu
bị bón uất là do khí hư tân dịch thiếu (táo bón thói quen)
- Đại tiện phân nát phân lỏng, trước khi đi
không đau bụng là tỳ vị hư hàn
- Lúc tờ mờ sáng bắt đau bụng đi ngoài (ngủ canh
thận tả) là do thận dương hư
- Đại tiện ra phân hư khảm lỏng loãng nhiều đờm
bọt, đau bụng, đi chảy, ỉa thì bớt đau, là chứng thực trệ
- Đại tiện ra máu đặc, đau bụng mót rặn, phát sốt
là bệnh kiết lỵ thấp nhiệt
- Đại tiện ra máu đặc, đau bụng mót rặn, phát sốt
là bệnh kiết lỵ thấp nhiệt
- Đại tiện ra phân đỏ đen như keo sơn là viễn
huyết, ra phân có vướng máu, sắc máu đỏ tươi là Cận huyết
- Đái ra nước ngắn mà vàng là thuộc nhiệt, nếu
kèm có đái đục đái buốt đái khó là thuộc thấp nhiệt
- Đêm đi đái nhiều lần, đái dầm, đái són, là do
thận hư
- Đái vặt, đái vội, đái buốt, đái khó đồng thời
có ra máu, đái bật ra hòn sỏi sạn là chứng lâm (đau lậu)
- Miệng khát uống nhiều, đái nhiều, người gầy tọp
quá nhanh là bệnh tiêu khát (đái đường)
Bỗng sinh bí đái hoặc đái ra lỉ rỉ, nhỏ giọt,
mùi rất khai bọng đái đau, quặn thắt mà phát sốt là chứng thực
Lượng nước tiểu dần dần giảm ít thậm chí không
đi tiểu, mặt xanh xao, eo lưng, háng, chân tay đều lạnh là chứng hư
3. Ngũ vấn đầu thần, lục hung phúc (chủ
yếu hỏi chỗ đau, tính chất và thời gian)
a) Về đau đầu, váng đầu:
- Đau đầu liên miên, đau 2 bên Thái dương có
phát sốt sợ lạnh là ngoại cảm
- Khi đau khi hết thường ghé có chóng mặt, không
sốt lý chứng nội thương
- Đau một bên đầu, thuộc nội phong hoại huyết
- Đau ban ngày, hễ nhọc mệt càng đau dữ phần nhiều
là dương hư
- Đau về lúc xế chiều thuộc huyết hư
- Đau đầu chóng mặt, mắt đỏ, miệng đắng, do can
đởm hỏa vượng
- Váng đầu mà tim hồi hộp, hụt hơi không có sức,
là khí huyết suy yếu
- Bỗng váng đầu thuộc thực chứng
- Đầu đau tức căng nặng như bó lại là thấp chứng
nặng
b) Về đau mình: Toàn thân đau nhừ phát sốt sợ lạnh
phần nhiều là ngoại cảm
- Bệnh lâu ngày mà mình phần nhiều do khí huyết
bất túc
- Đau xốn vùng eo lưng phần nhiều là thận hư
- Các khớp chân tay bắp thịt gân xương đau nhức
xốn tê hoặc các khớp xướng sưng tấy, đau chạy lung tung hoặc đau cố định không
di dịch phần nhiều là bệnh tê thấp
Tóm lại:
Bỗng đau, phần nhiều là thuộc hư
Đau dai dẳng phần nhiều thuộc hư
Ăn vào rồi thình lình đau là chứng thực
Ăn vào rồi bớt đau là chứng hư
Đau cố định, đau dữ dội, sờ vào càng đau thêm
(chối nắn) là chứng thực, sờ vào dễ chịu (chịu nắn) là chứng hư
c) Đau ngực
- Đau phát sốt, ho nhổ ra máu mủ, phần nhiều là
chứng phế ung (sưng phổi mủ)
- Đau ngực sốt cơn, ho khan, ít đờm, trong đờm
có vướng máu, phần nhiều là bệnh lao phổi
- Đau ngực lói đến sau vai lưng, hặc đau dữ phía
dưới chớn thủy, tự cảm thấy như có vật đè cứng vùng tim là chứng đau ngực
- Đau vùng sườn là can khí uất
d) Đau bụng
- Đau bụng nôn khan, nôn ra nước dãi trong, gặp
lạnh thì đau dữ, phần nhiều là lạnh dạ dày
- Trên bụng trướng đau, ợ hăng, nuốt chua, phần
nhiều là chứng thực trệ
- Đau quanh rốn lúc đau lúc hết, khi đau tại chỗ
gò có cục, phần nhiều là do giun quấy
- Đau bụng phát sốt, ỉa chảy hoặc kiết lỵ đi cầu
ra máu mủ, mót rặn, phần nhiều là thấp nhiệt, chứng thực
- Đau bụng liên miên, đi cầu phân nát lỏng, sợ lạnh,
chân tay nát lỏng, sợ lạnh, chân tay nát phần nhiều là hàn, chứng hư
e) Về giấc ngủ
Mất ngủ: Cần hiểu rõ. Khó dỗ giấc ngủ hay khẽ thức
có chiêm bao?
- Nằm ngủ không ngay máu chảy không đều là chiêm
bao mộng mị
- Đêm khó ngủ, ăn uống thèm lạt sa sút, bải oải
kém sức hay quên tinh thần hoảng hốt là tâm tỳ lưỡng hư.
Phần nhiều do suy tư quá độ gây nên
- Thao thức ngủ không được, sốt cơn, đại hãn, lưỡi
đỏ, ít nước bọt, mạch tế là âm hư
- Mất ngủ hay chiêm bao, đắng miệng, tính tình
táo cấp dễ nổi giận là can hỏa vượng
- Trong giấc ngủ chiêm bao, sợ kêu rú lên là đởm
hư hoặc vị nhiệt
- Ngủ nhiều, tinh thần mỏi mệt, chân tay bải oải
mà ngủ nhiều là khí hư
- Ăn xong mỏi mệt buồn ngủ là tỳ khí bất túc
- Sau cơn bệnh mà ưa đi ngủ là: chính khí chưa hồi
phục
- Mình nặng nề mạch hoãn, ham ngủ là: thấp thắng
4. Thất lung bát khái cung đương biện
a) Vấn lung là hỏi về tai ù
tai điếc
Can, đởm và thận có quan hệ mật
thiết với tai
- Nội kinh: Tinh thoát thì tai
ù tai điếc
- Trọng Cảnh: Tai điếc không
nghe được là dương khí hư
- Bỗng tai điếc là do can đởm
hỏa vượng
- Điếc lâu ngày là thận hư,
khí hư
- Tai điếc xuất hiện trong ôn
bệnh là do nhiệt tà làm tổn âm dịch
- Tai ù kiêm chứng tim hổi hộp,
váng đầu, phần nhiều là chứng hư, kiêm thấy chứng tức ngực đau sườn, đắng miệng,
đại tiện bón mà nôn mửa, phần nhiều là chứng thực
b) Vấn khát là để phân biệt
hàn nhiệt hư thực của lý chứng
- Bên trong nóng dữ thì khát dữ
ưa uống lạnh, uống nước đá mã mà bụng rắn, đại tiện bón, mạch thực, khí khỏe đấy
là dương chứng
- Miệng tuy khát mà ưa uống
nóng là lạnh ở trong
- Bên trong có hỏa tà thì ham
uống mát
- Chân âm vơi kém thì khô mồm,
không phải khát
5. Cửu vấn cựu bệnh, thập vấn nhân
Vấn cựu bệnh là hỏi tiền sử bệnh
có bị lậu la phong tình gì không, tim gan phào phổi có bị gì. Đã ổn định chưa?
Vấn nhân là hỏi nhân do nào mà
gây nên bệnh. Để có chuẩn mà xử phương dụng dược
a)
Đặc điểm, đàn
bà trẻ em
- Đối với đàn bà cần hỏi gia đình? Có kinh từ mấy tuổi,
vòng kinh, mầu kinh, lượng kinh, có đau bụng lúc hành kinh không? Có ra huyết bạch?
Khí vị… Tình hình sinh nở, có đẻ non, đẻ khó, nạo thai, đặt vòng?
Kinh sớm (trồi)
- Kinh lượng nhiều, màu đỏ đỏ
sậm, đặc, miệng khô, môi đỏ, là huyết nhiệt
- Kinh ra nhiều, màu tím bầm,
có lát có cục là thực nhiệt
Kinh sụt
- Kinh ra ít, mầu lợt, loãng,
sắc mặt vàng héo là huyết hư
- Chân tay lạnh, mặt xanh xao
là hư hàn
- Màu kinh bầm đen, có cục,
đau trằng dạ dưới, chối nắn, hoặc có cục gò lên là Khí trệ huyết ứ
Ra kinh có mùi hôi bẩn là chứng
nhiệt
Có mùi hôi tanh là chứng hàn
Huyết bạch ra màu trong loãng
mà tanh là hư hàn, vàng đặc mùi hôi là thấp nhiệt
Sau đẻ máu hôi ra không hết,
đau bụng quặn thắt là huyết ứ
Hỏi từ ngày mới sinh cháu có
được ác huyết?
Huyết có nhiều thì sữa tốt
Huyết có ít thời đứa bé cũng bị
thổ nhủ khát, lâu sẽ trở thành ho gà
- Đối với trẻ con, hỏi rõ tình
hình phát dục của nó, tiền sử của nó, mỏ ác kín hay hở, tiêm phòng chủng? Có
lên đậu sởi lần nào? Tình hình ăn bú ra sao?
Mặt mày và quanh mội có màu
xanh là chứng can phong
Các thứ sắc sáng trơn là nhẹ,
đen tối là nặng
Tham khảo vấn chứng (HTYTTL)
IV. THIẾT CHẨN
Môn thiết chẩn này gồm có 2 vế:
mạch chẩn và xúc chẩn
1. Mạch chẩn: Kỹ thuật tinh xảo, dùng
3 ngón trỏ, giữa, áp út tiếp xúc với chỗ động mạch cổ tay của người bệnh
Kết hợp 3 phép vọng, văn, vấn
để phỏng tìm ra quy nạp chứng: âm dương, hàn nhiệt, hư thực, biểu lý
Cần phải nghiền ngẫm thiệt kỹ,
thuộc lòng để khi ứng chẩn sẽ toát lên trình dộ nghiệp vụ của mình trong nâng
cao chất lượng khám bệnh và điều trị
Mạch pháp: Cách bắt mạch thông
thường là tiến hành tại động mạch xương quay ở khớp cổ tay người bệnh, chỗ có động
mạch nhảy (gọi là mạch thốn khẩu)
Đem một đoạn động mạch chỗ ấy
chia ra làm 3 bộ: Thốn, Quan, Xích, chỗ tương ứng với lồi xương quay là Quan,
bên dưới Quan là Thốn, bên trên Quan là Xích
Về tư thế, khi bắt mạch, tư thế
bệnh nhân yêu cầu là phải thoải mái, tinh thần yên tĩnh, như bệnh nhân đang hoạt
động quá căng thẳng, gông thắt… Cần cho ngồi nghĩ giây lát rồi mới tiến hành bắt
mạch
Khi bắt mạch, người bệnh cần để
duỗi ngửa cánh tay, lòng bàn tay lên. Thầy thuốc trước lấy ngón giữa đặt lên vị
trí bộ Quan làm điểm tựa, rồi mới để ngón trỏ lên bộ Thốn, ngón áp út lên bộ
Xích. Nói chung 3 ngón tay để vừa phải với tầm thước người bệnh như người ấy
tay dài thì 3 ngón tay bày ra hơi thừa, tay ngán thì 3 ngón tay bày ra hơi
thưa, tay ngán thì 3 ngón tay bày hơi nhặt một tí.
Đối với trẻ con, mạch Thốn khẩu
ngắn chỉ có thể dùng 1 một ngón tay mà chẩn xét ở ba bộ, chẩn trẻ 8 tuổi trở lại
dùng ngón tay dí vào bộ Quan cựa động để chẩn hai bộ Thốn, Xích
Tám tuổi trở lên, có thể di động
thích đáng ngón cái để chẩn ba bộ
Khi bắt mạch, cần sử dụng lực
đầu ngón khác nhau để thăm dò kỹ lưỡng: khẽ sở tay vào để lấy bậc trầm, có lúc
lại phải di động ngón tay để tìm kiếm mới có thể tìm được cảm giác rõ ràng
Ba bộ Thốn, Quan, Xích có thể
phân biệt chẩn xét bệnh tật tạng phủ khác nhau, bên tả khác, bên hữu khác. Tay
tả, bộ Thốn là tâm, Quan là can, Xích là thận. Tay hữu, bộ Thốn là phế, Quan là
tỳ, Xích là mệnh môn (thận)
2. Đặc điểm mạch tượng và chủ bệnh
Dưới đây giới thiệu chủ yếu là
những mạch thực tế hay thấy trên lâm sàng. Đối với đặc điểm mạch tượng có thể
theo các phương diện mạch vị cao thấp, tần suất mạch đập, nhịp điệu, mạch yếu,
to nhỏ, thể thái… để nhận thức.
Mạch tượng bình thường là mỗi
lần hô hấp (1 tức) bình quân mạch nhảy 4-5 lần, tương đương 72-80/phút, không
phù, không trầm, không to, không nhỏ, hòa hoãn, đều đặn gọi là mạch hoãn, nhưng
nếu khí huyết bị thấp làm khốn, cũng thấy mạch hoãn: cũng có thể cho là mạch
hoãn ghé phù, ghé trấm, ghé đại, tiểu… là mạch bệnh.
a) Mạch phù, mạch trầm
Đặc điểm mạch tượng phù với trầm
là 2 thứ mạch tượng trái nhau với mạch vị cao cấp
Phù: Mạch vị vao, khẽ sờ tay
vào đã cảm giác rõ, hơi ấn mạnh tay lại thây mạch nhảy yếu hơi
Trầm: Mạch vị thấp, tay chạm
vào thì không bắt gặp, hơi ấn nặng tay cũng không thấy rõ, cầm đè nặng tay mới
thấy rõ.
Minh họa
Chủ bệnh của mạch phù: Biểu chứng,
phù mà hữu lực là biểu thực; phù mà vô lực là biểu hư, như bệnh ngoại cảm sợ lạnh
phát sốt, không mồ hôi, mạch phù khẩn là biểu hàn thực chứng
Nhưng thể chất hư yếu, khi bệnh
ngoại cảm mạch thường không phù. Bệnh truyền nhiễm cấp trong thời kỳ đầu hay thấy
mạch phù.
Chủ bệnh của mạch trầm: Lý chứng,
trầm mà có lực là lý thực; trầm mà vô lực là lý hư. Như ho không có sức, đờm lỏng
trắng, hơi thở đoản, sắc mặt trắng, ăn kém, uể oải, mạch trầm nhược là phế khí
hư thuộc lý chứng.
b) Mạch trì mạch sác: Mạch
trì, mạch sác là hai mạch trái ngược nhau về tốc độ nhanh chậm
Trì: 3 chí mỗi tức (tương
đương 60 lần/mỗi phút) trở lại
Sác: 5 chí trở lên mỗi tức
(tương đương 90 lần/phút) trở lên
Chủ bệnh của mạch trì: Hàn chứng,
Mạch đi phù mà trì là biểu hàn, trầm mà trì là lý hàn, trì mà có lực là thực chứng,
hàn tích, vô lực là hư hàn, ví dụ đau eo lưng, đau háng, cứ sáng sớm đau bụng
đi ỉa, lưỡi nhạt mướt, mạch trầm trì vô lực là thận dương hư, thuộc chứng lý
hư.
Chủ bệnh của mạch sác: Nhiệt
chứng. Sác mà có lực là dương thịnh, sác mà tế nhược là âm hư nóng ở trong, như
mặt đỏ, họng khô, chứng dương thịnh. Miệng lở, chân răng sưng, ăn không tiêu, mạch
tế sác, đấy là chứng vị âm hư, hư hỏa bốc, thuộc hư nhiệt
c) Mạch hư mạch thực
Đặc điểm mạch tượng: Hư với thực,
là hai thứ mạch tượng trái nhau về sức đập mạnh yếu
Hư: Để vào thấy trống rỗng, mềm,
3 bậc phù, trung, trầm đều không có lực
Thực: 3 bậc phù, trung, trầm đều
có lực
Chủ bệnh của mạch hư: Khí huyết
đều hư, mạch phù ho là chứng thương thử.
Chủ bệnh của mạch thực: Thực
chứng. Các bệnh sốt cao cuồng táo chẳng yên, đại tiện táo bón đều có thể thấy mạch
thực
Thực mà hoạt là đờm đặc có
dính kết, thực mà huyền là can khí uất kết
d) Mạch hoạt mạch sáp:
Đặc điểm mạch tượng: Hoạt với sáp là hai mạch
khác nhau về thế thái
Hoạt: Mạch đi lại rất nhanh, trơn, dưới ngón tay
cảm thấy có trơn tròn
Sáp: Mạch tới lui rất trì trệ, muốn đến mà không
đến ngay, muốn đi mà đi cũng chưa được. Mạch sáp trên điện tâm đồ có hiện tượng
trì trệ bó buộc trong sự truyền dẫn, trên bắt mạch cũng có đặc điểm to nhỏ
không đều
Chủ bệnh của mạch hoạt: Đờm thấp, thức ăn cũ
không tiêu (túc thực) như tiếng ho nặng, đục, đờm nhiều mà tráng dễ khạc ra, tức
ngực, ăn ít, rêu lưỡi trắng nhầy. Mạch hoạt hay thấy ở bệnh ho có đờm thấp, ở
đàn bà có thai.
Chủ bệnh của mạch sáp: Huyết kém, khí trệ, huyết
ứ… như bệnh bần huyết, trúng phong, bại liệt.. có thể thấy mạch sáp
d) Mạch hồng, mạch tế
Đặc điểm, mạch tượng: Hồng với tế là hai thứ mạch
tượng khác nhau về hình thức lớn nhỏ, về thế của nó
Hồng: Về hình thức nó to mà thế đến cũng thịnh,
có trạng thái như nước lũ lụt. Lấy bậc phù thì thấy rõ
Tế: Bé xíu như sợi chỉ, thế nó đến không thịnh,
đè nặng tay thì thấy rõ dưới ngón
Chủ bệnh của mạch hồng: Nhiệt thịnh, như bệnh ôn
nhiệt khí phận nóng dữ, xuất hiện các chứng sốt cao, phiền khát, ra mồ hôi dữ,
mạch hồng đại
Nóng dữ tổn âm, khi âm hư bên trong mà dương bốc
ra ngoài cũng có thể thấy mạch hồng. Bệnh cảm nhiệm cũng thường thấy mạch hồng
Chủ bệnh của mạch tế sáp: Phần nhiều là chứng
hư, các chứng hư tổn đều có thấy mạch tế, những khi thấy khí dồn bên dưới thấp
tà làm cản trở đường của mạch cũng có thể thấy mạch tế. Như thế không phải chứng
hư mà là chứng thực, như sắc mặt xanh mét, môi lưỡi nhợt nhạt, đầu choáng hoa mắt
lòng hồi hộp, mỏi mệt,mạch tế, đấy là huyết hư. Đại tiện phân như mủ, mỏi mệt,
kém ăn, sình bụng, chân tay không ấm, mạch phần nhiều huyền tế mà hoãn đây là
kiết lỵ do hàn thấp thuộc chứng thực
e) Mạch huyền, mạch khẩn
1. Đặc điểm mạch tượng: Điểm cộng đồng của mạch
khẩn mạch huyền là sóng mạch ở 3 bộ Thốn, Quan, Xích kết liên thành một hơi,
cho nên cảm giác dưới 3 ngón tay như sợi dây thừng căng thẳng. Chỗ khác nhau là
mạch huyền thì như để lên dây đàn, còn mạch khẩn như tỳ lên dây thừng se căn,
như thế mạch khẩn cấp, có lực, mạch huyền thì không có cái thể căng kiểu ấy. Về
hình tượng thì mạch khẩn so với mạch huyền lớn hơn.
Sóng mạch huyền
Sóng mạch khẩn
Chủ bệnh của mạch huyền: đau, phong, sốt rét, đờm
ẩm. Âm hư dương lấn lên thì phần nhiều thấy mạch huyền. Như bệnh sốt cao huyết
áp thể can dương lấn lên thì phần nhiều mạch huyền có lực: thể can âm bất túc
thì phần nhiều mạch huyền tế. Chứng can vị bất hòa (triệu chứng đau vùng dạ dày
liên với sườn, ọe hơi, dễ nổi giận) phần nhiều đi mạch huyền.
Đau gan, loét tá tràng, viêm túi mật, kinh nguyệt
không đều, ung thư cổ tử cung, bệnh thận… bắt mạch thường thấy đi huyền.
Chủ bệnh của mạch khẩn: đau, hàn, khí bị ngoại cảm
phong hàn thì mạch phủ khẩn, khi lạnh tỳ vị thì mạch trầm khẩn. Như thấp khớp
thể hàn thắng thời mình mẩy chân tay các khớp đau dữ dội, chỗ đau cố định không
dời đổi được nóng thì giảm đau, mạch phần nhiều thấy huyền khẩn. Khi bị bệnh xơ
động mạch cũng có thể thấy mạch khẩn.
Mười hai mạch kể trên là thường thấy trong khi
lâm sàng. Dưới đây giới thiệu một số mạch đôi lúc cũng thường thấy (còn những mạch
ít thấy thì bỏ bớt).
g) Mạch xúc, kết, đại: ba mạch này có biểu hiện
nhịp điệu của mạch không đều, có lúc thấy ngừng.
- Mạch xúc: Mạch sác có lúc thấy ngừng đập không
quy tắc. Chủ bệnh thực nhiệt, khí trệ, huyết ứ.
- Mạch kết: mạch hoãn mà có lúc ngừng đập không
qui tắc. chủ bệnh âm thịnh khí kết, hàn đờm ứ huyết.
- Mạch đại: mạch đi nhanh bình thường, nhưng thấy
ngừng có quy tắc, ngừng đập rồi khi thấy trở lại hơi trì. Chủ bệnh tạng khí suy
kém, kinh sợ, trật đả, tổn thương. Ngoài ấy ra, bệnh mửa dữ, ỉa dữ, với đàn bà
mới nằm chỗ cũng thường thấy mạch này.
Mạch xúc, kết, đại có thể thấy ở các bệnh về tim
mạch, như khớp biến chứng tim…
Mạch nhu: mạch phù mà mềm, như bông gòn trên nước,
khẽ để tay thì đã thấy đè nặng tay bèn mất đi, chủ về thấp, về những bệnh thuỷ
thũng khí huyết hư yếu… đều có thể thấy mạch này.
Mạch nhược: trầm tiểu mà mềm. Chủ khí huyết
không đủ.
Mạch vi: Rất bé, rất mềm, tựa như có mà có cũng
như không, đến đi mở hồ. Chủ bệnh rất hư, bệnh lâu ngày thấy mạch này thì rất
nguy.
Mạch đại (to): Mạch lớn so với bình thường như
không có cái thế sôi nổi như mạch hồng. Chủ tà thịnh. Đại mà không có lực thời
là chứng hư
Mạch khâu: Mạch phù đại mà rỗng bên trong, có
ngoài rìa mà không có ở giữa, giống như sờ vào cọng hành. Chủ thất huyết nặng,
bệnh bận huyết cũng hay thấy mạch này
Trên lâm sàng, mạch tượng hay thấy kèm cập là rất
nhiều: rất ít thấy mạch đi đơn phương. Nói chung, có 3 loại sau đây:
1) Một mạch xuất hiện đơn phương
2) Hai, ba mạch kèm nhàu, thường thấy như phù
hoãn, phù khẩn, trầm trì, trầm tế, huyền tế, tế sác, hoạt sác, huyền tế… Chủ bệnh
của loại kèm nhau này như Trầm (lý), Trì (hàn), vậy Trầm Trì là lý hàn
3) Bệnh và mạch xuất hiện đơn phương ở một bộ vị
như đau đầu có thể chỉ thấy bộ Thốn đi phù, còn lại bình thường
QUY NẠP CÁCH XEM MẠCH
Quy nạp cách xem mạch, lấy HƯ THỰC làm tổng
cương, dựa 17 mạch đơn giản làm cơ sở lập biểu đồ sau
* Mạch phủ (mạch biểu chứng):
- Phù đại có lực… Hồng (mạch thực chứng)
- Phù đại vô lực...Tán (mạch hư chứng)
- Phù tiểu vô lực… Nhu … nhu dữ
- Vi (đều mạch hư chứng)
- Phù đại rỗng giữa mà mềm...
- Khâu (mạch hư chứng)
- Phù đại rỗng giữa mà căng cứng
- Cách (mạch hư chứng)
* Mạch trầm (Mạch lý chứng)
- Trầm đại huyền trường … lao (mạch thực chứng)
- Trầm dữ lắm… Phục (mạch thực chứng)
- Trềm tế như sợi chỉ… Tế (mạch hư chứng)
* Mạch trì (Mạch chứng hàn)
- Trì mà trệ… Sáp (mạch hư chứng)
- Trì có ngừng hẳn rồi trở lại … Kết (mạch hư chứng)
- Trì ngừng hẳn, không thể trở lại … Đại (mạch
hư chứng)
* Mạch sác (Mạch chứng nhiệt):
- Sác khẩn như cắt dây… Khẩn (mạch thực chứng)
- Sác là lưu lợi… Hoạt (mạch thực chứng)
- Sác, rắn mà hoạt hình như hạt đậu
- Động (mạch thực chứng)
- Sác mà không chỉnh, có ngừng hẳn…
- Xúc (mạch thực chứng)
- Sác dữ mà chính… Tật (mạch hư chứng)
* Mạch huyền:
- Huyền trường trầm đại… Lao (mạch hư chứng)
- Huyền như xoắn dây thừng… Khẩn (mạch thực chứng)
CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN
1. Tứ chẩn là gì?
2. Môn thiệt chẩn được phát triển từ bao giờ? Nhờ
nói rõ nội dung?
3. Cách xem chỉ tay trẻ em. Xin hãy thuật rõ
4. Xin cắt nghĩa các thứ đau đầu
Bài 6. BÁT CƯƠNG
Mục đích học tập:
Hiểu rõ khái niệm chung về biện chứng, nắm vững
yếu điểm và phương pháp biện chứng theo bát cương
Cân hiểu rõ rất sâu và chính xác bản chất của bệnh
tật, cơ sở đó việc trị liệu mới kết quả tốt, không những phải điều tra nghiên cứu
tỉ mỉ về bệnh nhân, thông qua tứ chẩn để thu thập các tư liệu về chứng trạng, về
tiền sử bệnh, phân tích tổng hợp mới có thể chẩn đoán chính xác, quá trình như
thế gọi là biện chứng, hay nói phân loại chứng hậu theo lục kinh (Thương hành
luận) theo Vệ khí dinh huyết (Ôn bệnh học), theo tạng phủ và theo bát cương, ở
đây ta nói sâu về phân loại bệnh chứng theo bát cương.
Yêu cầu chú ý tính chung nhất của bệnh, lại phải
chú ý tính cá biệt của bệnh, đã chú ý cải tiến của cục bộ phải chú ý biến hóa của
toàn thân, chú ý sự tiêu hao và phát triển của bệnh tà, còn phải chú ý sức đề
kháng của cơ thể thịnh hay suy.
Làm thế nào mới biện chứng được rõ ràng chính
xác?
Bát cương gồm có: biểu lý, hàn nhiệt, hư thực,
âm dương
Dựa vào 4 cặp mâu thuẫn trong 8 cương ấy để khái
quát đặc điểm khác nhau của bệnh tật vốn có, đem biểu lý để phân biệt bộ vị bệnh,
đem hàn nhiệt để phân biệt tính chất của bệnh chính tà thịnh suy, đem âm dương
để khái quát.
1. BIỂU LÝ
Biểu lý là chỉ bộ vị nông sâu bệnh tình nặng nhẹ,
nói chung bệnh ở cơ biểu thì thuộc biểu, bệnh tình nhẹ, bệnh vị nông, bệnh ở tạng
phủ thì thuộc lý, bệnh tình nặng, bệnh vị sâu
a) Biểu chứng: Hay thấy ở bệnh ngoại cảm giai đoạn
đầu, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là phát sốt sợ lạnh (hoặc sợ gió) đau đầu cứng
gáy, chân tay đau nhức nghẹt mũi ho hen, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù, trong
đó phát sốt, sợ lạnh, mạch phù là đặc trưng. Biểu chứng có chia ra biểu hàn, biểu
nhiệt, biểu thực, biểu hư như trên đã nói:
- Biểu hàn: Sợ lạnh nhiều, phát sốt ít, mạch phù
khẩn
- Biểu nhiệt: Sợ lạnh ít, phát sốt nhiều, mạch
phù sác
- Biểu hư: Biểu thực mà có đổ mồ hôi, mạch hoãn
- Biểu thực: Biểu chứng không mồ hôi, mạch khẩn
Biểu hàn thời tân ôn phát tán, biểu nhiệt dùng
tân lương giải biểu, biểu hư hay nhất ở người già sức yếu chữa phải phù chính
khu tà
b) Lý chứng: Hay thấy ở bệnh ngoại cảm giai đoạn
giữa hoặc cuối, lúc ấy biểu chứng chưa giải bệnh tà truyền vào lý, cập lụy với
tạng phủ khác
Các loại bệnh nội thương đều thuộc lý, biểu hiện
lâm sàng muôn màu muôn vẻ, phải biện chứng theo tạng phủ, biện theo bệnh ôn nhiệt
(Vệ khí dinh huyết) mới làm xuể.
Lý chứng thì không có ghét gió sợ lạnh (ố phong,
ố hàn) mạch phần nhiều là trầm, chất lưỡi phần nhiều vàng hoặc đen.
Bệnh không ở biểu lại không ở lý mà ở nữa với gọi
là bán biểu bán lý, chứng trạng chủ yếu là hàn nhiệt vãng lai ngực sườn đầy tức,
chữa phải dùng phép hòa giải.
c) Biểu lý đồng bệnh: Biểu với lý có khi bị bệnh
cùng một lúc, như bệnh lỵ trực trùng cấp tính giai đoạn đầu đã có các chứng trạng
thuốc lý (đau bụng đi cầu ra máu mủ, khát nước, rêu lưỡi vàng trắng) còn có các
chứng trạng thuộc biểu (sợ lạnh phát sốt, chân tay đau nhức, mạch phù khẩn) gọi
là biểu lý đồng bệnh.
Biểu lý đồng bệnh thường gặp ở hai tình huống, một
là bệnh ngoại cảm biểu chứng chưa giải mà tà đã truyền vào lý, hai là vốn có bệnh
nội thương còn bị ngoại cảm nữa, trường hợp trên nên dùng phép biểu lý song giải,
trường hợp dưới phải chữa ngoại cảm mới mắc trước.
Yếu điểm phân biệt biểu chứng lý chứng.
Bệnh sốt nóng phải phân biệt được phát sốt mà có
sợ lạnh kèm theo hay chăng
Chât lưỡi nhạt hồng, rêu lưỡi trắng hau vàng, mạch
phù hay trầm?
Phát sốt sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch phù
là bệnh thuộc biểu chứng, phát sốt không sợ lạnh, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch trầm
hoặc sác, là thuộc lý chứng.
2. HÀN NHIỆT
Hàn với nhiệt là chỉ tính chất cả bệnh, hễ dương
thắng thời nhiệt, âm thắng thời hàn, thực chất là biểu hiện cụ thể về âm dương
thiên thịnh thiên suy, do đó phân biệt được hành hay nhiệt mới có chỗ dựa để sử
dụng thuốc ôn nhiệt hay hàn lương
a) Hàn chứng: Có chia ra biểu hàn và lý hàn, nhưng
ở đây chủ yếu nói lý hàn, chủ yếu sợ lạnh chân tay mát lạnh, nhạt miệng không
khát nước, ưa uống nóng, nước tiểu trong mà giọt dài, đại tiện lỏng nhão, sắc mặt
xanh xao, chất lưỡi nhạt trăng, rêu lưỡi trắng nhuận hoặc đen nhuận, mạch trầm
trì, nếu người bệnh hư lao mãn tính thường thấy chứng nầy chữa phải khu hàn.
b) Nhiệt chứng: Có chai ra biểu nhiệt, nhưng ở
đây chuyên nói về lý nhiệt, hiện tượng là phát sốt sợ nóng, buồn bực vật vã,
khát ưa uống đồ mát, nươc tiểu ngắn đỏ, đại tiện táo bón, mặt đỏ chất lưới đỏ,
rêu lưỡi khô vàng hoặc khô đen, mạch sác các bệnh ôn nhiệt thường có thấy chứng
này, chữa phải dùng phép thanh nhiệt.
c) Hàn nhiệt phức tạp: Hàn chứng và nhiệt chứng
đồng thời xuất hiện, ví dụ:
- Biểu hàn lý nhiệt: sợ lạnh phát sốt không mồ
hôi, đau đầu, đau mình, suyễn thở, buồn bực vật vã, khát nước lưỡi đỏ, rêu lưỡi
vàng hoặc trắng, mạch phù khẩn
- Biểu nhiệt lý hàn:
phát sốt đau đầu, ho đờm vàng họng khô nhưng bụng trướng đi cầu phần lỏng loãng
- Thượng nhiệt hạ hàn: đau đầu mắt đỏ, nhức răng
miệng lở mà bụng dưới lạnh đau
- Thượng hàn hạ nhiệt: đau dạ dày, ợ hăng nuốt
chua, miệng nhạt, ăn uống không kích thích, (đái vặt, gắt đau)
d) Hàn nhiệt chân giả: Trên lâm sàng thường thấy
một số chứng về bản chất là nhiệt nhưng hiện tượng, hoặc bản chất là hàn mà hiện
tượng bên ngoài là nhiệt
Kiểu như vậy Đông y gọi là chân hàn giả nhiệt hoặc
chân nhiệt giả hàn, nếu không nắm vững bản chất sẽ bị giả tượng làm lung lạc rồi
dẫn tới chẩn đoán sai, ví dụ
Trẻ con bị sởi sắp mọc, chưa mọc, hoặc mọc ra
không thấu suốt, bên ngoài thấy bức rức khó chịu, lười nói, nhác cử động chân
tay mát, mặt xanh xao, mạch trầm tế mà lại sác, nếu nhìn thiển cận thì giống
như hàn chứng, có thể bệnh nhi có các chứng miệng mũi hơi nóng, ngực bụng nóng
như đốt, thối mồm, khát uống nhiều ưa lạnh, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng và khô,
mạch trầm tế sác mà có lực, có thể thấy bản chất vẫn là chứng nhiệt. Đông y cho
là nhiệt thâm quyết diệc thâm, nghĩa là tà nhiệt nọi uất càng sâu thì các đầu
chi càng lạnh móp kiểu như vậy, Đông y cho là chân nhiệt giả bàn, chữa phải
thanh nhiện giải độc
Lại như bệnh hư lao mãn tính, thường tự thấy
mình nóng với có hai gò má ửng đỏ, buồn bực vật vã, rêu lưỡi đen, mạch phù đại
bên ngoài thấy có nóng mà người lại ham uống nóng, hay mặc nhiều áo, nằm co ro,
chất lưỡi tráng nhạt rêu đen nhuận, mạch tay phù đại mà không có lực, có thể thấy
được bản chất là hàn, cho nên gọi nó là chứng chân hàn giả nhiệt, chữa phải ôn
dương khu hàn.
Yếu điểm để phân biện hàn chứng, nhiệt chứng
Chủ yếu phân ra có khát hay không khát, ưa lạnh
hay ưa nóng, sợ lạnh hay sợ nóng, cho đến đại tiểu tiện, sắc mặt dấu hiệu lưỡi,
mạch biến hóa thế nào?
Hễ nhạt miệng không khát ưa uống nóng, tiểu
trong mà giọt dài, đại tiện lỏng nhão, mặt xanh xao, lưỡi nhạt, rêu trắng nhuận,
mạch trì là thuộc hàn.
Khát ưa uống mát, tiểu ngắn đỏ, đại tiện bón uất
mặt đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng không, mạch sác là thuộc nhiệt
3. HƯ THỰC
Chỉ sự thịnh suy của chính tà, nói chung hư là
chính khí không đủ, sức đề khánh suy sụp, thực là bệnh tà đang thịnh, tà chính
đang tranh chấp dữ dội
a) Hư chứng: Hay thấy ở người bệnh nặng, sau ôm
lâu mới khỏi thân thể yếu kém sức, tim hồi hộp, hơi thở đoản, đổ mồ hôi, đổ mồ
hôi trộm, chất lưỡi non không có rêu, mạch tế nhược vô lực, chữa phải dùng bổ
pháp.
Hư thực có chia ra âm hư, dương hư, khí hư, huyết
hư, ngũ tạng hư
b) Thực chứng: Phần nhiều ở bệnh mới mắc, bệnh
thể đang tiến triển tà khí thịnh, (như ngoại cảm tà thịnh, đờm ẩm thủy thấp,
khí trệ huyết ứ, thực tích, trùng tích…) riêng có một phương diện, do cơ năng
kháng bệnh của cơ thể thịnh vượng, kết quả lại là hai mặt tà chính đấu tranh
nhau dữ dội.
Đặc điểm lâm sàng của thực chứng là bệnh trình
hơi ngắn nói chung, cơ thể phản ứng hơi khỏe, tinh thần căng thẳng, to tiếng,
hơi thở to, sốt cao, đỏ mặt, hoặc không sốt mà xanh, hoặc đờm sôi chậm nghẹt,
hoặc đau dữ chối nắn, rêu lưỡi hơi đầy, mạch hồng có lực
c) Hư chứng phức tạp: Trên lâm sàng thường có chứng
trong hư có thực, trong thực có hư, hư thực đồng thời tồn tại, ví dụ:
Người bệnh xơ gan cổ trướng toàn thân gầy tóp,
thiếu máu, mỏi mệt kém sức, ăn uống giảm sút vốn thuộc chứng hư nhưng đồng thời
có chứng cổ trướng gan lạch sưng to sườn bụng đau đớn
Nó là chứng hư thực phức tạp, chữa phải chọn
dùng cách công bổ kiêm thi nghĩa là vừa công vừa bổ cùng một lúc
d) Hư thực chân giả: Bản chất của bệnh là hư mà
biểu hiện lâm sàng lại là thực đó gọi giả thực
Biểu hiện của chứng giả thực nói chung tuy có
trướng bụng mà không bớt mà là khi trướng khi giảm, tuy có đau bụng nhưng không
đau bụng chối nắn như kiểu đau thực chứng mà lại nắn nót thì đỡ đau, tuy có dấu
hiệu nhiệt nhưng mà lưỡi non, mạch hư.
Bản chất của bệnh là thực chứng mà biểu hiện lâm
sàng thì hư chứng gọi là giả hư.
Biểu chứng giả hư nói chung tuy lìm lịm không mở
mồm, nhưng khi nói chuyện thì tiếng to hơi thô, tuy không muốn ăn nhưng có khi
lại ặn được, tuy đi tiểu chảy nhưng đi rồi thì cảm thấy dễ chịu, tuy có chứng
ngực bụng trướng đầy, nhưng ấn vào có đau hoặc cố định không di dịch.
Yếu điểm để phân biệt hư chứng với thực chứng
Chủ yếu xem bệnh trình dài hay ngắn, thanh âm hơi
thở mạnh hay yếu, chỗ đau chịu nắn hay chối nắn, chất lưỡi thô già hay mập non,
mạch có lực hay không lực
Nói chung, bệnh trình ngắn, âm thanh cao, hơi thở
to, chỗ đau chối nắn chất lưỡi thô già, mạch có lực là thuộc thực chứng.
Bệnh trình kéo dài thanh âm thấp bé, hơi thở ngắn,
chỗ đau chịu nắn, chất lưỡi mập non, mạch vô lực là thuộc hư chứng
4. ÂM DƯƠNG
Biểu lý hàn nhiệt hư thực nói chung có thể dùng
hai chữ âm dương để khái quát, tức biểu chứng nhiệt chứng, thực chứng thuộc
dương, trái lại lý chứng hư chứng hàn chứng thuộc âm, do đó âm dương là tổng
cương của bát cương tất cả các bệnh chứng đều có thể quy nạp vào hai đại loại
âm chứng và dương chứng
a) Âm chứng: Biểu hiện tinh thần heo don, sắc mặt
tối sạm, mình lạnh, chân tay lạnh, nằm co ro, muốn ngủ, hay hụt hơi, nhác nói,
âm thanh thấp bé, không khát hoặc ưa uống nóng, bụng đau ửa nắn nót, đại tiện
phân lỏng nhão, tiểu trọng mà giọt dài, chất lưỡi nhạt non, rêu lưỡi nhuận
trơn, mạch trầm trì tế nhược.
b) Dương chứng: Tinh thần hăng hái, mặt đỏ, mình
nóng chân tay ấm, nằm xoài ra, hơi thở to, nói rổn rảng, ưa cựa quậy, khát ưa mắt,
bụng đau chối nắn, đại tiện bón uất, tiểu tiện ngắn đỏ, chất lưỡi đỏ sẫm, cứng,
già, rêu lưỡi vàng úa, mạch hồng sác có lực.
c) Âm hư: Chân âm kém, âm hư nóng trong, hư nhiệt
hay dùng câu thế ây.
- Hư nhiệt: Ngũ tâm phiền nóng, sốt cơn, người gầy
róc, đổ mồ hôi trộm họng khô miệng ráo, nước tiểu ngắn đỏ, đại tiện phân ít mà
khô, chất lưỡi đổ, rêu ít hoặc không rêu, mạch tế sác vô lực (lao phổi, hư lao
mãn tính hay thấy)
d) Dương hư: Dương khí không đủ, sinh hàn, hư
hàn, biểu hiện mỏi mệt, kém sức, thiếu hơi biếng nói, sợ lạnh chân tay lạnh, mặt
xanh xao, tiểu tiện trong giọt dài, đại tiện phân lỏng nhão, chất lưỡi nhạt
non, rêu lưỡi trắng, mạch trì nhược, hoặc đại mà vô lực (hư hàn) phần nhiều hay
thấy ở các bệnh công năng cơ thể suy thoái, chuyển hóa cơ bản kém xấu với người
già nua yếu sức.
Ngoài ra, còn Vong âm Vong dương nữa, đấy là bệnh
do sốt cao đại hãn, đại tả, đại thất huyết… sau tình huống âm dịch hoặc dương
khí mất mát nhanh nhiều xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, cần được chẩn
đoán chính xác là hết lòng chạy chữa kịp thời (Độc sâm thang để hồi dương cứu cấp)
e) Vong âm: Đổ mồ hôi nóng, vị mặn, không dính
nhớt, chân tay còn ấm, hơi thở hơi to, khát muốn uống, mặt ửng đỏ, lưỡi đỏ khô,
mạch hư, đại sác và vô lực
g) Vong dương: Đổ mồ hôi lạnh đầm đìa không cần
được, vì nó nhạt mà dính, chân tay giá lạnh, hơi thở thỏn mỏn, miệng không
khát, mặt xám xịt, lưỡi trắng nhuận, mạch vi muốn tuyệt.
Theo quan sát lâm sàng, khi đại hãn, đại thổ, đại
hạ đã có thể xuất hiện chứng vong âm cũng có thể xuất hiện chứng vong dương. Bệnh
sốt cao tổn âm hoặc đại thổ huyết xuất huyết đều có thể dẫn tới vong âm. Hàn tà
tổn hại dương có thể dẫn tới vong dương, vì chỗ âm dương hỗ căn, vong dương có
thể dẫn tới vong âm, vong âm cũng có thể dẫn tới vong dương, nhưng đều có phân
biệt chủ khứ, khinh trọng. Nói chung vong âm dẫn tới vong dương, hay thấy nhiều
hơn.
Về cách chữa thì vong âm phải mau mau cứu âm
sinh tân, Vong dương thì hồi dương cứu nghịch.
CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN
1. Biện chứng theo Bát cương có mấy yếu điểm?
2. Cái nào là tổng cương, Tại sao?
Bài 7. BÁT PHÁP (TÂM PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH)
“Phương” là không thay đổi, “Pháp” có thể là mẫu
mực
Phương là không quan trọng, pháp phải chuẩn xác
Pháp đã xác định mới tìm phương. Cho nên học lâm
sàng phải giới thiệu rõ chữ Pháp.
Bát pháp là: Hãn, Thổ, Hạ, Hòa, Ôn, Thanh, Tiêu,
Bổ
Trình Chung Linh nói: Luận về nguồn gốc bệnh chỉ
dùng 4 chữ: “Nôi thương, Ngoại cảm” luận về tình hình bệnh thì có 8 chữ “Hàn
nhiêt, Hư thực, Biểu lý, Âm dương”. Nói đến luận trị thì có 8 chữ: Hãn, Thổ, Hạ,
Hòa, Ôn, Thanh, Tiêu, Bổ đấy là bao quát tất cả.
Trong 1 pháp có đủ 8 pháp, trong tám pháp có đủ
100 pháp. Bệnh biến tuy nhiều mà pháp thì đều quy về một mối.
Đấy là ý nghĩa Bát pháp trong lâm sàng
I. HÃN PHÁP (PHÉP GÂY PHÁT HÃN)
1. Nguồn gốc và phát triển:
Một bệnh bất kỳ, khi ra được nhiều mồ hôi rồi sốt
tự lui. Cổ nhân vận dụng sáng tạo ra hãn pháp để chữa bệnh
Hãn pháp cổ nhân dùng nhiều cách như: Thang dược,
tắm, xông, nấu, thiêu châm… Dùng thang dược nhiều hơn cả, dân gian ta có cháo
thương hàn, nồi xông giải cảm
2. Ứng dụng lâm sàng
- Chỗ yếu dùng cho người bị cảm mạo phong hàn, một
số bệnh sốt thời kỳ đầu và dùng rộng rãi trong chữa bệnh thủy thũng mãn tính để
thúc đẩy bài trừ chất nước.
- Bệnh sởi, bệnh thủy đậu, khi muốn thấu phát
thì cũng dùng hãn pháp.
Tóm lại, các bệnh thuộc biểu, muốn khu trừ nó ra
ngoài đều phải ứng dụng hãn pháp
Theo lối
nhìn của Đông y, Hãn pháp chẳng những dùng để phát hàn, mà hễ muốn khu trục biểu
tả, làm cho khí huyết thông sướng, vinh vệ điều hòa, đều là tác dụng của hãn
pháp. Không nên nhìn một cách cạn hẹp rằng hãn pháp chỉ gây phát hãn
3. Phương pháp pháp hãn
a) Làm cho tốt: Cần nắm 4 không: Không hoãn,
không cấp, không nhiều, không ít. Vì: Hoãn thời tà còn lưu luyến, cấp thời tà
không ra hết, nhiều thời vong dương, ít thời bệnh không khỏi. Kinh nghiệm nhiều
khi chỉ kê một đơn giải cảm vì lực không đủ nên khiển không nổi bệnh.
Cổ nhân cho rằng: Phát hãn tự nhiên, không cưỡng
ép, không thô bạo cho uống thuốc xong đắp chăn mỏng 15 phút cho ấm, làm mồ hôi
ra xăm xấp, giây lát chân tay đều có mồ hôi, khắp mình đều có là tà có thể giải.
Không nên cùng một lúc cho uống quá nhiều loại
thuốc phát hãn đắp nhiều lớp chăn hoặc gõ mai hoa châm bức bách ra nhiều mồ hôi
quá, làm như vậy thì vệ khí đã đạt mà dinh khí chưa thấy khắp có chỗ không đến,
mà còn tổn thương nhiều nguyên khí
b) Chú ý mức độ:
- Phải căn cứ thể chất người bệnh, tình hình bệnh
không gian, thời gian, biểu hư, biểu thực, mùa đông giá rét hay mùa hè viêm nhiệt,
chỗ ăn, chỗ ở rộng rãi hay chật hẹp…
(Biểu hư hòa vinh vệ, biểu thực giải cơ phát
tán, mùa đông nên phát hãn, mùa hè nên thanh. Trời nóng mà ở được nhà thì có gì
sung sướng bằng, vì không cần dùng quạt, nếu ở phải nhà chật chội nóng bức thì
gì khổ bằng. Những điều ấy khi dụng dược phải quan tâm)
Đơn cử vài ví dụ:
- Quế chi thang điều hòa vinh vệ chửa biểu hư,
tà ở cơ biểu
- Ma hoàng thang phát tiết sự uất át của dương
khí, chữa chứng biểu thực tà bức các khớp xương
- Quế chi gia Cát căn thang chữa biểu hư tà đóng
tại gân mạch
- Đại thanh long thang phát tiết sự úng thực một
cách mát mẻ, chữa biểu thức ở thế nặng
- Cát căn thang chữa biểu thực là đóng tại gân mạch
- Quế chi Ma hoàng các bán thang: Quế chi nhị Ma
hoàn nhất thang. Quế chi nhị Việt tỳ nhất thang đều dùng chữa chứng nguồn gốc
biểu hư mà không được phát hãn, tà còn uất lại…
Đều là thể hiện các mức độ không giống nhau
Đời Thanh, Diệp Thiên Sỹ chữa ôn nhiệt, biện chứng
theo vệ khí dinh huyết. Bệnh tân cảm ở phần vệ, dùng phép vị tân giải biểu, tà
vào khí phận mới sử dụng dùng phép tân lương giải biểu.
Cùng thời ấy, Lôi Phong trong Thời bệnh luận chữa:
- Bệnh xuân ôn mới mắc dùng phép “tân ôn giải biểu”
- Bệnh phong ôn mới mắc dùng phép “tân lương giải
biểu”
Chữa ôn bệnh cũng chia ra hai nhóm có mồ hôi và
không có mồ hôi. Không có mồ hôi dùng phép “thấu tà”. Có mồ hôi dùng phép “bảo
tân”
Cho ta thấy: Bệnh sốt mới mắc vì tính chất khác
nhau cho nên dùng hãn pháp cũng có mức độ thích đáng không làm liều.
c) Không được dùng thuốc táo thấp nóng dữ:
Phát hãn là làm cho các lỗ chân lông mở ra, tà
theo mồ hôi mà ra. Nên dùng những vị thanh đạm, thơm tho, mát mẻ, chỉ làm cho
tà theo lông da dần dần ra hết mà không tổn hại trung khí, không làm tổn thương
tân dịch.
Ví dụ:
- Trọng Cảnh hay dùng các thang Ma hoàng Quế
chi, mà người đời sau dùng các loại Bạc hà, Kinh giới, và có dùng các vị táo
như Khương hoạt, Độc hoạt, Thương truật, Bạch chỉ… để phát hãn. Ta nên hiểu đấy
là lối chữa bệnh hàn thấp không thể dùng chữa thương hàn ôn bệnh. Vì phong hỏa
đốt bên trong, ngoài lại dùng thuốc táo nữa thời mồ hôi còn lấy chỗ nào mà sản
sinh, mà hồ hôi không sản sinh được thì tà cũng không có chỗ dựa để ra. Tà đã
không ra, còn dùng thuốc táo để cổ động, làm rối loạn chính khí, tổn hao tân dịch,
tạo thành lắm thứ ác chứng.
Cho nên trừ phi có chứng hàn thấp mới được dùng
thuốc táo thấp, còn lại đều không nên dùng nó để phát hãn.
d) Người hư yếu khi muốn phát hãn luôn luôn phải
có ghé bổ: Cái bí quyết của thuật chữa bệnh Đông y là làm cho con người được
tăng tuổi thọ, chữa ở đâu, bệnh gì cũng đều phải ghé bổ, thuốc Bắc nó ngấm về
lâu. Hải Thượng Lãn Ông nói: “Tuy trị sang dương chỉ tiểu tật, chưng chưng hồ cố
bản dĩ đồ toàn” (tuy chữa ngoài da ghẻ lỡ vẫn chú ý vào củng cố cơ bản để mưu
thu được kết quả trọn vẹn đó là phải vương đạo chữa bệnh)
Trọng Cảnh nói: Người mạch vi ở bộ xích chớ phát
hãn, người trong tim hồi hộp mà phiền dùng Tiểu kiến trung thang. Người mạch kết
đại dùng Chích cam thảo thang…
Đấy là bổ hư trong thuốc ấm, lấy bổ hư làm trọng,
không khư khư dùng thuốc giải nhiệt.
Loại ngoại cảm có dương hư thì ông Lý Đông Viên
đặt ra bài Bổ trung ích khí thang, loại ngoại cảm có âm hư thì ông Chu Đơn Khê
có bài Khung quy thang gia các vị giải biểu.
4) Chứng phát hãn và cấm phát hãn
a) Chứng phát hãn (thích ứng chứng)
- Thái dương bệnh ngoại chứng chưa giải mạch
phù, không ra, mồ hôi mà suyễn, cho phát hãn thời khỏi (235)
- Thái dương bệnh đã cho hạ mà hơi suyễn do biểu
chứng chưa giải nên thế. Quế chi gia Hậu phác Hạnh tử thang làm chủ (43)
- Thái dương bệnh mạch phù khẩn không có mồ hôi,
phát sốt, mình đau nhức, 8-9 ngày mà biểu chứng vẫn còn (46)
+ Mạch phù sác (52)
+ Mạch phù mà bệnh ở biểu, có thể phát hãn (51)
+ Bệnh nhân phiền nóng ra mồ hôi thời gian giải,
lại phát sốt về chiều giống như sốt rét, đấy là thuộc Dương minh chứng, mạch thực
thì nên hạ, mạch phù thì nên phát hãn (240)
- Dương minh bệnh mạch phù, không còn mồ hôi mà
suyễn, cho phát hãn thời khỏi (235)
- Thái âm bệnh mạch phủ có thể phát hãn (276)
Tóm lại Thái dương bệnh hay nói cách khác là biểu
chứng, biểu chứng là bệnh mới mắc, có một loại triệu chứng như ớn lạnh, phát sốt,
đau đầu cứng gáy, đau xương, mạch phù, có mồ hôi hoặc không có. Phàm hễ mạch
phù thì dù có kiêm phủ hư, phù khẩn phủ nhược gì gì… đều có thể sử dụng hãn pháp.
Thêm các chứng phái phát hãn, ớn lạnh, phát sốt
là phải phát hãn
- Dương minh bệnh, mạch trì, ra nhiều mồ hôi,
hơi ớn lạnh, đấy là biểu chứng chưa giải, phải phát hãn (234)
- Bệnh nhân phiền nóng ra mồ hôi thời giải, lại
phát sốt về chiều giống như sốt rét, đấy là thuộc Dương minh chứng mạch thực thời
nên hạ, mạch hư thời nên phát hãn (249)
- Thái dương bệnh đau đầu phát sốt, ra mồ hôi sợ
gió (13)
- Thái dương bệnh lưng gáy cứng đơ, không mồ hôi
sợ gió (14)
- Hợp bệnh Thái dương Dương minh suyễn ngực đầy,
không nên hạ, nên dùng Ma hoàng thang (36)
Các điều trên Trọng Cảnh tổng kết: Vô luận là
Thái dương hay Dương minh gì gì, hễ có chứng ớn lạnh sợ gió… đều có thể phát
hãn
b) Chứng cấm phát hãn (cấm kỵ)
Mạch trầm trì, vi tế, không được phát hãn (doanh
huyết bất túc, tuy có biểu chứng cũng không phát hãn)
- Người bệnh ỉa chảy, sau đẻ thất huyết quá nhiều,
cho đến tất cả các bệnh gì gì, nếu thấy có chứng dương khí bất túc, thì cho dù
có biểu chứng cũng không phát hãn.
- Âm bất túc cũng không được phát hãn: Các bệnh
thất huyết các bệnh niêm mạc khô ráo, các bệnh hay đổ mồ hôi, hay đi đái đêm
nhiều, đều là do âm bất túc, cho nên cấm phát hãn.
Kết luận: Nếu phát hãn mà không phát, không nên
phát hãn lại cho phát, hoặc phát hãn không đúng phép… đều sai lầm, có hại cho
người bệnh.
II. THỔ PHÁP (PHÉP GÂY NÔN ĐỂ CHỮA BỆNH)
1. Nguồn gốc và phát triển:
- Do ăn phải của độc phát nôn mửa
- Trong quá trình bệnh tật, hễ nôn ra được là thấy
nhẹ
- Người xưa sáng chế thổ pháp, vận dụng hiện tượng
ấy dùng trong chữa bệnh
Nội kin thiên Âm dương ứng tượng đại luận chép:
“Bệnh ở trên cao, nhân cái cao ấy mà làm cho nó mửa vọt ra”. Ý nói khi bệnh tà ở
trên hông ngực, dùng thổ pháp khiến cho nó nôn ra.
Vì thuốc gây nôn vốn có tác dụng lợi, nhưng
trong khi dùng không thỏa đáng thường có hại, cho nên phải định ra chứng nên
dùng và chứng nào cấm dùng
2. Nguyên lý gây nôn:
Bệnh nào cũng không vượt ra ngoài hai khâu “hàn”
với “nhiệt”. Hàn thời khí trệ không vận hành được, nhiệt thời khí uất cũng
không vận hành được.
Khí không vận được… nhiệt uất, … sinh đờm, huyết
ứ… thực tích (trở ngại bên trong)
Khí huyết quý hồ thông mà kỵ bế tắc
Thổ pháp này là làm cho thông.
3. Chứng phải gây nôn (thích ứng)
- Trong ngực có hàn, thể hiện đầu đau, gáy cứng,
mạch thốn khẩu vi tế, tức cứng trong ngực, khí bốc lên cổ họng, thổ không được
(Mạch khinh / Vương Thúc hòa)
- Các chứng thực ở vùng ngực, tim, thể hiện uất
không thông, ăn không được, muốn ăn vào mà có mửa, ỉa ngày hơn 10 lần mà mạch
trì, thốn khẩu vi hoạt.
- Chân tay giá lạnh, mạch khẩn… tà kết trong ngực,
dưới ngực đầy tức khó chịu, đói không ăn được (Thiên kim dực phương)
- Bệnh thiếu âm ăn uống vào thì mửa, trong tim ấm
ấm muốn nôn, mới mắc chân tay lạnh, đấy là chứng Hung trung thực (Thương hàn luận/324)
4. Chứng cấm gây nôn (cấm kỵ)
- Trên ngực lạnh, nôn khan, không thổ được
(Thương hàn / 234)
- Các chứng ớn lạnh, mạch vi (âm dương lưỡng
hư), các chứng tứ nghịch, các chứng hư… đều không được gây nôn (Thương hàn /
23)
- Tính nết hung hăng (thượng thịnh) thích dâm dục
(hạ hư), không cho gây nôn.
- Các chứng lão nhược, khí suy, vong dương, huyết
hư thổ huyết, ẩu huyết… đều cấm không cho gây nôn (Trương Tử Hòa)
III. HẠ PHÁP (GÂY ĐI NGOÀI, THÔNG TIỆN ĐỂ CHỮA BỆNH)
1. Nguồn gốc và phát triển: Hạ là đưa ra hết
Nguồn gốc do ăn bậy mà phát tác ra
Thầy thuốc lâm sàng ứng dụng để chữa bệnh
2. Ứng dụng lâm sàng
Hạ pháp chữa được nhiều bệnh nhờ hai tác dụng
chính
- Trực tiếp: Quét sạch các độc vật từ đường ruột
ra ngoài
- Gián tiếp: Thoái nhiệt, lui sốt
Có 3 mức hạ: Hòa hạ: Điều vị thừa khí, Kinh hạ:
Tiểu thừa, Trọng hạ: Đại thừa khí
a) Chứng phải nên hạ (thích ứng)
Bệnh sốt chứng thực nhiệt. Vị gia thực, có phân
táo, nói nhảm như cuồng, phát sốt ra nhiều mồ hôi (Thương hàn / 153)
Thôi sinh, hạ sữa, trục thủy, phá kinh, tiết
khí, tiêm mòn, đều phải tả hạ (Trương Tử Hòa)
Ta hay dùng phép trục huyết ứ để chữa té ngã, bị
đánh tổn thương ứ máu.
b) Chứng không nên hạ (cấm kỵ)
Suyễn ngực đầy (Thái dương Dương minh hợp bệnh)
(Thương hàn / 39)
Ngoại chứng chưa giải (Thương hàn / 44)
Dưới tâm rắn, cổ gáy cứng, lảo đảo không được hạ,
chỉ châm Đại chùy, Phế du, Can du (Thương hàn / 171)
Ăn vào thì mửa, trong tâm nóng chực mửa mà không
mửa được, bệnh mới mắc chân tay giá lạnh, mạch huyền, trì đấy là chứng hung
trung thực, không được cho hạ, chỉ nên gây nôn (Thương hàn / 324)
Nôn nhiều tuy có dương chứng (Thương hàn / 204)
Mặt đỏ Dương minh bệnh (Thương hàn / 206)
Sốt nhiều, đại tiện hông rắn (Thương hàn/209)
Kết luận: Chứng nên hạ mà không hạ, vốn là không
đúng, không nên hạ mà hạ, cũng không đúng nữa
IV. HÒA PHÁP (PHÉP HÀO GIẢI = GIẢI NHIỆT MÀ KHÔNG GÂY PHÁT HÃN)
1. Nguồn gốc và phát triển
Sách Mạch kinh của Vương Thúc Hòa có dẫn các
thiên khả thổ, khả hạ, khả ôn của Trương Trọng Cảnh nhưng chẳng đề cập phép
hòa.
Trong Thương hàn luận thực là có phép hòa, cụ thể
như điều 208 chép: “Dương minh bệnh mạch trì, tuy ra mồ hôi, không ớn lạnh,
mình ắt nặng nề, khí đoản, bụng đầy mà suyễn, có sốt cơn, đấy là chứng bên
ngoài muốn giải, có thể công bên trong, chân tay ra mồ hôi dâm dấp, đấy là đại
tiện đã rắn, dùng Đại thừa khí thang làm chủ. Nếu mồ hôi nhiều phát sốt nhẹ, ớn
lạnh, đấy là ngoài chứng chưa giải, sốt không có cơn, thì chưa nên cho uống Đại
thừa khí nếu bụng to đầy không thông, có thể cho dùng Tiểu thừa khí thang để khẽ
hòa vị khí, chớ để cho ỉa nhiều”
Điều 250 chép: “Thái dương bệnh nếu cho thổ, cho
hạ nếu phát hãn rồi, thấy hơi khó chịu, tiểu tiện đi luôn, đại tiện táo, cho uống
Tiểu thừa khí thang để hòa giải thì khỏi”
Trong Minh lý luận chép: “Thương hàn tà ở biểu, ắt
người dầm ngấm bởi mồ hôi, tà khí ở lý thời rửa ráy nhờ phép lợi. Còn như ở nửa
vời, phát hãn không làm sao được, mà thổ hạ cũng chẳng ăn thua, như thế thời
nên hòa giải là được. Tiểu Sài hồ thang là bài thuốc hỏa giải vậy. Đây là phát
kiến của ông Thành Vô Kỷ đem hai chữ hòa giải quy vào chứng bán lý và đặt Tiểu
Sài hồ thang làm nhiệm vụ. Vì ông là người đầu tiên chú giải bộ Thương hàn luận,
cho nên đời sau chấp nhận ý kiến ấy, và Tiểu Sài hồ thang với phép hòa giải đã
được chính thức hóa”
2. Ứng dụng lâm sàng
- Chứng Tiểu Sài hồ, tức Thiếu dương chứng, có
triệu chứng nóng rét qua lại, ngực sườn đầy tức, không muốn ăn uống, lợm giọng
buồn nôn, miệng đắng tai ù (đấy là đối với bệnh ngoại cảm)
- Can khí uất ắt có những chứng nhức đầu, chóng
mặt, mặt, miệng đắng, sườn đau, hoặc đàn bà kinh nguyệt không đều. (Đấy là chứng
của Tiêu dao thang. Nội thương)
- Đờm thấp cản trở sinh bệnh, chữa bằng Nhị trần
thang
V. ÔN PHÁP (PHÉP GÂY ẤM)
1. Nguồn gốc và phát triển
Thuốc cay nóng phần nhiều có tác dụng kích
thích, hưng phấn như Hồ tiêu, Quế, Can khương, Tiêu lốt.
Khi ăn vào miệng có vị cay, dạ dày cảm thấy
nóng, do đó ăn được nhiều thêm, tiêu hóa tốt, toàn trạng có cảm giác nóng rực
lên, đỏ cả mặt mũi, chảy nước mắt, đổ mồ hôi. Cổ nhân trong sinh hoạt mà thể
nghiệm được kết luận là “nhiệt thắng hàn” suy cho cùng các chứng hàn đều là đối
tượng dùng thuốc gây ấm. Nghĩa là Ôn pháp của Đông y là bắt nguồn từ chữa bệnh
hàn.
2. Ứng dụng lâm sàng
Ứng dụng phép Ôn có hai mức: “Hồi dương cứu nghịch”
(nặng) và “Ôn trung khu hàn” (thường)
a) Ôn trung khu hàn: Khôi phục lại công năng
sinh lý, gây lại sức hưng phấn, từ đó mà khu trục hàn tà. Cụ thể áp dụng với chứng
như tỳ vị hư yếu ăn không tiêu, tỳ hư tiết tả, vị dương hư, sinh ra đau vùng
thượng vị. Ứng dụng rộng rãi vào các bệnh mãn tính, thường dùng bài Lý trung
thang, để dương khí được khởi phát, không chữa tả mà tả tự cấm, không chữa đau
mà đau tự dứt.
b) Hồi dương cứu nghịch: Xử lý đối với những bệnh
nguy hiểm do hàn tà trúng thẳng vào lý hoặc cho nhiều thuốc phát hãn ông hạ quá
mức, khiến mện môn hỏa suy, trung khí không còn nữa, thể hiện chứng giá lạnh, mồ
hôi lạnh thoát ra, nằm co rúm, chân tay giá lạnh, nôn mửa ỉa chảy, trong bụng
đau dữ, mạch vi tế hoặc trầm phục.
Dùng Ôn pháp ở đây có hiệu quả mà cổ nhân gọi là
“trảm quan đoạt kỳ chi công” (Hải Thượng Lãn Ông), có tác dụng khởi tử hồi
sinh, bài thuốc đại biểu như Tứ nghịch thang (Phụ tử, Can khương, Cam thảo)
3. Phân biệt dụng dược:
- Sinh khương với Can khương: Sinh khương thiên
về tán biểu, Can khương thiên về ôn trung; nhưng Can khương thiên về ôn trung
mà cũng giỏi tán biểu, thích dùng với các bệnh nôn lợm, không mồ hôi.
- Quế chi với Nhục quế: Thân Quế chi giỏi hòa biểu,
Nhục quế chuyên khu hàn: nhưng Nhục quế còn giỏi nghề hành huyết, cũng giỏi nghề
dẫn khắp tứ chi, thích dùng với chứng huyết trệ đau nhiều
- Ô đầu giỏi làm ấm hạ tiêu, có thể dùng với chứng
đau bụng, đau bụng hàn sán.
- Nhục khấu hay làm ấm tỳ thận, có thể dùng chữa
chứng ỉa chảy té re.
- Hồ tiêu ôn vị hòa trung, giống như Tất bát
(Tiêu lốt)
- Đinh hương chỉ ẩu lợi khí, sức ấm vượt hản Đậu
khấu, Sa nhân
- Bổ cốt chỉ tính giáng mà làm cho bế, giỏi nghề
nạp khí cắt cơn suyễn, chỉ chứng trệ trọc, ỉa chảy
- Sinh phụ tử tính chạy khắp, 12 kinh không chỗ
nào là không đạt đến, giỏi hồi dương cứu cấp.
4. Các loại hình ôn pháp
a) Ôn tán pháp: Để tán hàn tà, ví dụ mùa đông lạnh
lẽo, dùng Quế chi thang, Ma hoàng thang, Tía tô, Gừng sống…
b) Ôn hành pháp: Gây ấm mà hành hàn, dùng chữa
chứng trầm tịch trệ, loại bệnh này thuần dùng hành pháp mà không thể khởi động
nổi, trong bài thuốc vận hành gia những vị ôn vào, thời thuốc gây ấm có thể
thúc đẩy thuốc vận hành phát huy tác dụng
Trình Chung Linh nói: “Có chứng âm kết, đại tiện
rất rắn, được thuốc ấm mới thông được, giống như cách dùng nước sôi để làm tan
giá vậy”
c) Ôn bổ pháp: Dùng chữa chứng hư hàn như Thập
toàn đại bổ thang (Bát trân thang gia Kỳ, Quế). Vì loại bệnh nhân này thuần
dùng thuốc tư bổ, thường hay không vận hóa được, ăn kém, thì trong thuốc tư nhuận
gia những thuốc ấm vào thời phát huy tác dụng.
d) Ôn sáp pháp: Dùng đơn thuần thuốc thu sáp
không kiến hiệu, trong thuốc thu sáp gia những vị gây ấm, ví dụ Đào hoa thang
dùng Xích thạch chi (sáp dược) có vị Can khương (ôn dược) chữa chứng ỉa chảy
không cầm được do hư hàn.
đ) Ôn lợi pháp: Bệnh hư hàn phù thủng, nước đái
rất ít, thuần dùng thuốc lợi tiểu không kiến hiệu, trong bài Ngũ linh tán gia
sinh khương, Phụ tử, Hoàng kỳ, Tía tô… thì kiến hiệu hơn.
Cảnh Nhạc nói: “Hư năng thụ nhiệt, sở dĩ bổ tất
kiêm ôn” (bệnh hư hay hấp thụ thuốc nhiệt, cho nên thuốc bổ ắt ghé có thuốc ấm).
5. Phải vận dụng thích đáng
a) Không dùng thái quá: Làm chưa được kịp thì
còn có thể gia tăng làm thái quá thì sẽ hao huyết tổn tân dịch, chuyển thành chứng
táo nhiệt.
b) Phải biện chứng cho thuốc: đừng bỏ sót. Biểu
hàn thời ôn tán phần biểu, lý hàn thời ôn giải phải lý. Có chứng biểu lý đều
hàn, chỉ dùng thuốc ôn lý, chứng lý hàn được trừ mà biểu tà chưa giải tán, lại
truyền vào kinh lạc, liên miên không dứt. Hoặc chỉ dùng thuốc ôn biểu thời biểu
hàn tuy trừ mà chứng lý hàn càng tăng thêm.
c) Tùy người bệnh mà cho thuốc: Ôn pháp đã cần đối
chứng lại cần tùy người bệnh. Như
- Người khí hư hỏa kém, dương khí vốn ít ỏi khi
bị hàn tà xâm phạm, hai nhân tố gặp nhau, một là dương khí ít ỏi, hai là hàn
tà, đã phải làm cho ấm lên, lại phải làm chân dương khỏe lên, thời phải trọng dụng
thuốc ấm, thực thì ôn pháp phải toàn diện.
- Người bình thời, vốn hỏa vượng không thích uống
cay ấm hoặc từng có chứng âm hư thất huyết mà không thể dùng thuốc ấm hoặc từng
có chứng âm hư thất huyết mà không thể dùng thuốc ấm, đấy cũng là hai nhân tố gặp
nhau, tức là cảm thụ hàn tà mới là muốn làm âm hàn tà ấy, không thể dùng thuốc
gây ấm, chỉ cần dùng ít, trúng bệnh thời thôi. Để tránh khỏi tình trạng dùng
thuốc âm nhiều quá, có ảnh hưởng không tốt đến bệnh âm hư hỏa vượng.
d) Tùy thời tiết mà dùng: Nói chung, mùa hè nóng
bức có dùng thuốc ấm cũng dùng ít ít, mùa đông giá rét, có dùng thì nhiều hơn.
Nhưng cũng chiều tình hình thực tế, đừng câu nệ thời tiết. Ví dụ đang mùa hè mà
cơn bệnh hư hàn cực độ, thời phải coi trọng thuốc ôn. Lại như mùa đông giá rét,
mà chứng nóng dữ dội thời thuốc hàn lương đừng coi thường. Chỉ trúng bệnh thời
thôi, vẫn không coi thường khí hậu thời tiết bên ngoài.
6. Chứng phải ôn ấm (Thích ứng)
Trong Thương hàn luận Trọng Cảnh có một số trường
hợp dùng ôn pháp. Tuy về điều văn thì không thấy nói điều nào “nên ôn” nhưng thực
tế có một số nên ôn như:
- Điều 92 nói: “Bệnh phát sốt đau đầu, mạch lại
trầm, nếu không đỡ, mình mẩy đau nhức, nên cứu phần lý”. Tứ nghịch thang (gây
ôn)
- Điều 227 nói: “Tự lợi không khát, thuộc Thái
âm, bởi trong tạng có hàn cho nên thế, nên ôn đi, nên dùng nhóm Tứ nghịch”
- Điều 323 nói: “Thiếu âm bệnh, mạch trầm, nên
ôn đi, nên dùng Tứ nghịch thang”
- Điều 91 nói: “Thương hàn thầy thuốc cho hạ, rồi
đi ngoài suốt, ra những cơm và nước không cầm được, mình mẩy đau nhức, kíp nên
cứu phần lý; sau rồi các chứng đau nhức, ỉa ra nước trong tự điều hòa, kíp nên
cứu phần biểu. Cứu lý dùng Tứ nghịch thang, cứu biểu dùng Quế chi thang”
Thiên thiếu âm trong Thương hàn luận phần nhiều
dùng Tứ nghịch thang. Chủ chứng bệnh Thiếu âm là mạch vi tế, chỉ muốn ngủ, ớn lạnh,
mình uể oải, ỉa chảy, buồn phiền vật vã, không thấy mạch… trong đó:
- Điều 304 chép: “Thiếu âm bệnh mới mắc 1-2
ngày, miệng bình thường, lưng ớn lạnh, Phụ tử thang làm chủ” (Phục linh, Nhân
sâm, Bạch truật, Bạch thược)
- Điều 305 chép: “Thiếu âm bệnh, mình mẩy đau,
chân tay lạnh, khớp xương nhức, mạch tràm, dùng Phụ tử thang mà chữa”
- Điều 387 chép: “Thiếu âm bệnh, 2 – 3 ngày đến
4 – 5 ngày, đau bụng, tiểu tiện không lợi, ỉa chảy không dứt, ỉa ra máu đặc.
Đào hoa thang làm chủ” (Xích thạch chi, Can khương, Ngạnh mễ)
- Điều 309 chép: “Thiếu âm bệnh, thổ lợi, chân
tay giá lạnh, vật vã muốn chết, Ngô thù du thang mà chữa”. (Ngô thù du, Nhân
sâm, Sinh khương, Đại táo)
- Điều 315 chép: “Thiếu âm bệnh, ỉa chảy, mạch
vi cho dùng Bạch thông thang (Thông bạch, Can khương, Phụ tử), ỉa chảy dứt rồi
móp lạnh không còn mạch, nôn khan vật vã dùng Bạch thông thang gia nước mật heo
mà chữa, mạch hồi phục rồi mà đột nhiên xuất hiện là chết, có kẻ lại là sống”
- Điều 316 chép: “Thiếu âm bệnh 2-3 ngày chẳng đỡ,
đến 4-5 ngày, đau bụng, tiểu tiện không lợi, chân tay nặng nề nhức, tự ỉa chảy,
đấy là có thủy khí, người ho, hoặc đái thông, ỉa thông hoặc nôn, dùng Chân vũ
thang mà chữa” (Phụ tử, Sinh khương, Bạch truật, Phục linh, Bạch thược)
- Điều 327 chép: “Thiếu âm bệnh ỉa ra nước
trong, bên trong hàn bên ngoài nhiệt chân tay móp lạnh, mạch vi muốn tuyệt,
mình lại ớn lạnh, người mặt đỏ, hoặc đau bụng, hoặc nôn khan, hoặc đau bụng, hoặc
hết ỉa mạch không thấy dùng. Thông mạch Tứ nghịch thang mà chữa”
Nhìn chung, Trọng Cảnh khi dung thuốc ôn thì chứng
trạng chủ yếu là mạch trầm, vi, trì, tế, sáp, (không có mạch), ớn lạnh, mình uể
oải, chân tay móp lạnh, ỉa ra nước trong, ỉa không dứt.
Gặp chứng cần phải gây ấm, cần phải biện chứng
chân nhiệt giả hàn với chứng chân hàn giả nhiệt. Chỉ có chứng chân hàn mới có
thể gây ấm. Các điều kể trên đây là để cung cấp những dữ kiện cho chúng ta biện
nhận, mấu chốt là nắm vững lý chứng so sánh với giả tượng bên ngoài làm trọng yếu.
Ví dụ: Bệnh thuơg hàn có biểu chứng, chỉ ỉa ra
nước trong không dứt, thì phải kíp cứu phần lý bằng ôn pháp, lại như người mặt
đỏ, mình không ớn lạnh mà mạch không thấy, ỉa chảy ra nước trong, như thế chứng
minh rằng chứng mặt đỏ là giả tượng mà chứng ỉa chảy ra nước trong là bản chất.
7. Chứng chẳng nên gây ấm (cấm kỵ)
Trong thương hàn luận, có nhiệt điều khả ôn mà
không nên có điều nào cấm ôn. Nhưng trước sau đều quán triệt rằng “chứng hành
thì khả ôn, chứng nhiệt thì tuyệt bất khả ôn”, như:
- Thương hàn tà truyền vào lý, miệng ráo họng
khô, bí đại tiện, nói nhảm, cho đến những chứng nổi ban, vàng da cuồng loạn, thổ
nục tiện huyết, thì khẳng định là bất khả ôn.
- Có một số chứng tựa như hàn mà thực là nhiệt,
quyết nghịch, miệng tuy không khát mà rêu lưỡi vàng nhám lại hoặc ghé có nhiệt,
ỉa chảy, thần hôn khí nhược, hoặc mạch thấy sáp trệ lại không ứng dưới ngón
tay, sắc tựa như xông khói, người như cây khô, tựa như sắp chết. Thậm chí huyết
dịch hao suy, gân mạch co rút, nhưng môi miệng răng lưỡi khô khan, không nói,
thần thái đờ đẫn, đáy là chứng chân nhiệt giả hàn, quyết không thể dùng nhầm
thuốc ôn.
- Còn như chứng nhiệt tà bên trong mà mình lại ớn
lạnh thấp nhiệt trướng đầy mà ngoài da lạnh, trúng thử tâm phiền mà mạch hư đỏ
mồ hôi, khí táo đốt khô phế mà sinh teo cơ bại liệt, như cần phải dùng thuốc ấm,
giống như chứng cần phải gây ấm của bên trên là ớn lạnh, da lạnh, mạch hư, vô lực…
Thực ra hai tình huống ấy khác nhau, đây thời không phải hàn chứng mà giống như
hàn chứng, phải tham khảo toàn diện mạch và chứng mà nhân tố phát bệnh. Không thể
làm ăn bừa bãi, thấy chứng hàn bèn cho là cần gây ấm, làm như vậy rất dễ đưa đến
nhầm lẫn.
- Còn có người bênhh âm hư, thổ huyết mà mạch tế
sác, thuật ngữ gọi là chứng “dương thừa âm” (dương lấn át âm) không thể dùng
thuốc ôn.
VI. THANH PHÁP (LÀM CHO MÁT ĐỂ CHỮA BỆNH)
1. Nguồn gốc và phát triển
+ Thiên chí chân đại luận / Tố vấn có nói: “Chứng
thuộc nhiệt thì dùng thuốc có tính hàn lương mà chữa” (nhiệt giả hàn chi). Hàn
nói ở đây có nghĩa là “thanh”, thanh đây là thanh thứ thiệt lâu ngày, trình độ
nhiệt tương đối cao chứ không phải là thanh những nhiệt lặt vặt như Tiểu sài hồ
thang.
+ Thường hàn luận nói:
- Bạch hổ thang thanh dương minh chi nhiệt
(trung tiêu không có chứng táo thực)
- Chi tử sị thang thanh thương tiêu chi nhiệt
- Tiểu sài hồ thang trước cũng được coi thuộc
thanh pháp, nhưng từ ông Thành Vô Kỷ xếp nó vào loại thuốc hòa giải, rồi từ đó
về sau không ai gán nó vào loại thanh nữa, mà đại biểu cho thanh phải là Bạch hổ
thang, Hoàng liên giải độc thang.
Công việc của thanh pháp đây là thanh những thứ
nhiệt khí tản mạnh mà hòa pháp không thể giải, hạ pháp không thể công được
+ Thôi Thị nói: “Nếu bí mà nói nhầm lẫn nên uống
Đại thừa khí thang; thông mà nói năng nhầm lẫn nên uống Hoàng liên giải độc
thang”
+ Nguyện diệc Lâm trong Thế y đắc hiệu có nói:
“Chữa nhiệt có phiếm nhiệt, thực nhiệt. Phiếm nhiệt dùng Kinh giới, Bạc hà, Chi
tử, Hoàng cầm mà chữa. Thực nhiệt thì dùng Đại hoàng, Mang tiêu mới giải nổi”
+ La Khiêm Phủ trong Vệ sinh bảo giám có nêu 6
cách thanh nhiệt:
1) Lương cách tán là thanh nhiệt ở thượng tiêu
2) Điều vị thừa khí thang là thanh nhiệt ở trung
tiêu
3) Đại thừa khí thang là thanh nhiệt ở hạ tiêu
4) Bạch hổ thang là thanh nhiệt ở khí phận
5) Đào nhân thừa khí thang là thanh nhiệt huyết
phận
6) Hoàng liên giải độc thang, thông dùng chữa
nhiệt tam tiêu
2. Ứng dụng lâm sàng
Có hai vế thanh lương, tư dưỡng:
- Thanh lương: (Thanh nhiệt lương huyết) Như
dùng Thạch cao, Tri mẫu, lá chàm, lá tre, loại thuốc này không phát hãn, mà có
thể lui được nhiệt, lại giỏi về chỉ khát trấn kinh, thích dùng giai đoạn sốt
cao khát nước dữ, vật vã chẳng yên, mạch hồng đại.
- Tư dưỡng: Thạch hộc tươi, Sinh địa, Huyền sâm,
Mạch môn, Thiên môn, loại thuốc này ngoài tác dụng lương huyết thoái nhiệt còn
có tác dụng dưỡng.
- Lương huyết: Đơn bì, Xích thược, Hòe hao, Tử
thảo, loại thuốc này lui được nhiệt mà giỏi mặt lương huyết, hay dùng chữa ban
chẩn và các môn xuất huyết có tác dụng lương huyết thấu ban, hoạt huyết chỉ huyết.
- Loại có vị chua như Ô mai, Giấm, giỏi mặt thúc
đẩy tiêu hóa chỉ khát, đã giỏi mặt thanh nhiệt còn chỉ huyết Nguyễn Hà Nam rằng:
“Nóng dữ, nếu không phải vật chua đắng thời không làm được:, đấy là tác giả nhấn
mạnh về tác dụng loại thuốc có vị chua.
- Phải ôn nhiệt ưa dùng thuốc thanh lương tư nhuận,
phái thượng hàn thì cường điệu tác dụng thuốc hàn lương.
3. Chứng phải dùng phép thanh
a) Can hàn thanh nhiệt:
- Thương hàn mạch phù hoạt đấy là biểu có nhiệt,
lý có hàn (đáng lý là biểu có hàn lý có nhiệt) dùng Bạch hổ thang mà chữa –
(Thương hàn luận/176)
- Thương hàn mạch hoạt mà yếu, (lý có nhiệt)
dùng Bạch hổ thang mà chữa (Thương hàn/350)
- Tam dương hợp bệnh, bụng đầy mình nặng, khó
xoay trở miệng tê dại, mặt xám xịt, nói nhảm, đái són, phát hãn thời nói nhảm
công thời trên trán rịn mồ hôi, chân tay giá lạnh, nếu đổ mồ hôi, dùng Bạch hổ
thang (Thương hàn / 219)
Đấy là thanh nhiệt với những thuốc cam hàn, có số
bệnh nhân phát sốt, nhiệt uất ở bên trong, bên ngoài lại không nóng, chỉ mạch
hoạt mà có lực. Trọng Cảnh cho rằng phát hãn thì sinh chứng nói sảng, công hạ
thì đổ mồ hôi trán, thấy được vấn đề là khi không thể phát hãn, không thể công
hạ là mới dùng thanh pháp
b) Thanh nhuận tư dưỡng:
Thương
hàn sau khi đã giải, gầy yếu thiếu hơi, khí nghịch muốn mửa, dùng Trúc diệp Thạch
cao thang mà chữa (Thương hàn / 397) trong bài dùng Lá tre, thạch cao, Nhân
sâm, Mạch môn, Gạo tẻ, Bán hạ, Cam thảo (7 vị)
c) Trọng Cảnh đối với bệnh nhiệt ở tầng trung
tiêu, thượng tiêu thời dùng Chi tử sị thang, về chứng trạng chủ yếu như là điều
76 nói: “Sau phát hãn, thuốc thang không vào mồm được là nghịch, nếu lại phát
hãn nhứt định sinh thổ hạ không cầm được, sau phát hãn cho thổ, cho hạ rồi,
sinh chứng rạo rực không ngủ được, nếu nặng thời vật vã loạng choạng, trong
lòng áo não, bứt rứt khó chịu dùng Chi tử sị thang mà chữa (76) với một loại điều
văn 77, 78, 79, 228, 221… cần tham khảo
d) Khổ hàn thanh nhiệt:
+ Thương hàn mình vàng phát sốt, dùng Chi tử bá
bì thang (261) mà chữa, (Hoàng bá, Chi tử, Cam thảo)
Trình Chung Linh chủ trương lúc bệnh nhiệt mới bắt
đầu thì nên sớm dùng phép thanh, không phải đợi đến lúc biểu chứng mới dùng,
ông nói: Các tà lục dâm, ngoại trừ chứng trúng hàn, hàn thấp, đều không khỏi bệnh
nhiệt. Nhiệt khí xông bốc hoặc thể hiện ở miệng lưỡi răng, hoặc thể hiện tại
lúc khát nước, đại tiện bí, biết bệnh nhiệt mà không thanh nhiệt thì dễ biến chứng
ban, hoàng, cuồng loạn, quyết nghịch, chảy máu cam.
Nói tóm lại, phạm vi ứng dụng phép thanh rất rộng,
hễ chứng thuộc nhiệt là có thể dùng nó, trên đây đã giới thiệu 6 phép tả nhiệt
của La Khiêm Phủ, La tiên sinh là học trò Lý Đông Viên, phái ôn nhiệt bàn về ôn
nhiệt như Diệp Thiên Sĩ biên soạn, nói về thanh nhiệt khí phận, huyết, dinh vệ…
có thể là từ huyết của họ La mà phát triển nên.
Thường quy của phái ôn nhiệt là như: dùng tân
lương, cam hàn, khổ hàn, hàm hàn khác nhau, để chữa các bệnh dinh vệ, khí, huyết,
như:
+ Bệnh mới mắc là ở vệ khí, dùng tân lương giải
biểu như Tang cúc ẩm…
+ Bệnh vào khí phận thể hiện chứng phát sốt,
không sợ lạnh, đổ mồ hôi, khát nước, lưỡi vàng khổ, mạch sác dùng cam hàn để
thanh như Bạch hổ thang
+ Tân dịch chưa tổn thương, thể hiện mạch sác lưỡi
đỏ, phải dùng phép “thấu dinh tiết nhiệt” như Thanh dinh thang của Ngô thị”
Nhiệt nhập huyết phận, thể hiện lưỡi đỏ sẫm, buồn
phiền vật vã, nói sảng, ban chẩn, phát cuồng, thổ huyết, nục huyết, phải dùng
thuốc hàm hàn thanh nhiệt như Tê giác đại hoàng thang.
+ Như nóng dữ lắm, mê man nói sảng, chân tay quờ
quạng lại phải phối với thuốc khai khiếu, an thần, bình can, trấn kinh, như An
cung ngưu hoàng hoàn, Chí bửu đơn, Linh dương câu đằng thang.
+ Nếu thật do nhiệt đốt hao âm dịch, thủy không
chế hỏa, dùng Hoàng liên A giao thang vừa tả vừa bổ, Cam lộ ẩm để dưỡng âm
thanh nhiệt. Đấy là yếu lĩnh dùng phép thanh chữa bệnh ôn nhiệt.
4. Chứng cấm dùng phép thanh
+ Điều 170/ Thương hàn chép: Thương hàn mạch
phù, phát sốt không mồ hôi, không được dùng Bạch hổ thang. Khát muốn uống nước
không có biểu chứng, dùng Bạch hổ thang gia Nhân sâm thang mà chữa. Từ Hồi Khê
chú thích “mấy chữ không mồ hôi, rất là kỵ với thang Bạch hổ”
+ Điều 81/ Thương hàn chép: “Khi dùng Chi tử sị
thang người bệnh vốn hơi ỉa phân sệt thì không nên dùng. “Trình Chung Linh
trong Y học tâm ngộ có nêu một số trường hợp không nên dùng phép thanh như người
tân khổ quá, trung khí hư nhiều, phát sốt, mỏi mệt, tâm phiền, đái ra nước giải
đỏ, đó là hư hỏa chi chứng, bệnh như thế nói lên vì không có dương để giúp cho
dinh vệ mà phát sốt. Lại nói chứng âm hư, hay sốt nhiều, với bệnh huyết hư sau
khi sanh phát sốt, buồn phiền vật vã, tựa như chứng Bạch hổ thang mà kỳ thực là
chứng hư nhiệt. Còn có chứng mệnh môn hỏa suy, phù dương bốc lên mà giống như
chứng hỏa. Còn có chứng âm thịnh cách dương chứng giả nhiệt người mặt đỏ, cuồng
táo, muốn nằm ngồi nơi lạnh, hoặc vài ngày không đi đồng, hoặc lưỡi đen mà
trơn, hoặc mạch tuy hồng đại, sờ vào trống rỗng, hoặc khát nước muốn được uống
mát mà không thể uống được. Bấy nhiêu chứng ấy không phải là thực chứng nhiệt
mà là giả nhiệt phải rất lưu lý, không được lạm dụng phép thanh.
Còn nên biết, dùng thuốc Thanh lương, hay dẫn đến
tình trạng làm trở ngại việc tiêu hóa, làm cho dạ dạy khó chịu, ỉa chảy ra phân
sệt, phải chú ý.
VII. TIÊU PHÁP (PHÉP LÀM CHO TIÊU MÒN)
1. Nguồn gốc và phát triển
Tiêu pháp là dùng thuốc làm tiêu mòn những vật hữu
hình, nó có ý nghĩa làm tiêu tan, đẻo gọt dần. Nguồn gốc xuất xứ từ nguyên tắc:
“Vật rắn thì got bớt” với “vật kết thì làm tan” của Tố vấn / Chí chân yếu đại
luận. Nó giống như phép hạ nhưng khác với phép hạ, vì phép hạ đối tượng là phân
táo, ứ máu, đờm động, lưu ẩm là những loại tà hữu hình phải kíp bài trừ sớm, mà
tình trạng còn có thể sử dụng phép hạ để bài trừ. Chứ như phép tiểu này, đối tượng
là tích tụ trướng đầy mãn tính, trong lúc không có thể cũng không cần bài trừ
vô điều kiện mới chọn dùng nó khiến tiêu mòn dần, tiêu tan dần mà về chính khí
không bị tổn thất.
2. Phân biệt ứng dụng
Về tiêu pháp, bởi đối tượng để tiêu không giống
nhau cho nên phân biệt rất nhiều. Nói về bệnh, có khí huyết tích tụ, tích thực,
đình trệ, súc thủy, úng thủng, trùng cổ, lao trái, huyền tịch, trừng hà, bảy chứng
sán, bào tý, trường đàm, thạch hà… nhận thức những bệnh chứng này, tiền nhân
cho rằng: bệnh tích gây nên từ ngũ tạng, xô cũng không di động, bệnh tụ gây nên
từ lục phủ, xô thời nó di động. Lúc tụ lúc tan đấy là “khí”, đau có chỗ mà
không tan đấy là “huyết” ăn rồi đau, hối hơi, nuốt chua đấy là “thực tích” bụng
có cục, ấn vào mềm đấy là “đờm”; trươc sưng chân sau sưng đến bụng đấy là “thủy”;
trước đầy bụng rồi sau sưng đến chân tay, đấy là “trướng”. Đau vắt đến hai bên
sườn, ho nhỏ ra nước dãi đấy là “đinh ấm”. Ho xốc hông, nhỏ ra mủ tanh hôi đấy
là “phế ung”, đau ngay dạ dày, nôn mửa ra mủ là “vị ung”; đau ngay rốn, đái ra
như buốt đau, đấy là “trường ung”; sợ lạnh nóng dữ, ăn uống như thường, mình có
một chỗ đỏ sưng đau đấy là “ngoại ung”; bệnh nhân thèm ăn của ngọt hoặc gạo sống,
ăn rở lúc đói thời đau, trên dưới môi có điểm có vệt trắng, đấy là “trùng”, người
xưa nói có 9 loại trùng đều do thấp nhiệt sinh ra. Bệnh cổ phần nhiều do uống
nước mát gần ao vũng, bị loại rắn độc. Ho có đờm đỏ, ngứa họng mà ho dữ dội, đấy
là chứng “lao trái”. Bệnh huyền ở cách bụng mà thành thỏi, chứng tịch thời ẩn
tích cặp bên xương, hoặc cho bệnh tịch là ở hai hạ sườn. Chứng trưng thời có cục,
chứng hà thời hoặc có hoặc không. Bụng dưới sôi ót ót, đái gắt đấy là chứng Bào
tý. Đau vắt đến hòn dái là bệnh “sán”, đàn bàn hành kinh mà đau bụng ngày càng
to, đấy là “thạch hà”.
Những bệnh chứng như trên về nguyên nhân là bất
đồng, cho nên dùng phép tiêu cũng phải khác nhau, như:
- Khí tích thì dùng Binh lang, Nạo sa
- Huyết tích dùng Càn tất, Miết giáp
- Thực tích phải nhân mới cũ, mới thời dùng Mạch
nha, Sơn tra, Thần khúc, cũ thời dùng loại A ngùy
- Đình đờm phải phân lạnh nóng, đờm lạnh thì
dùng Tiểu thanh long thang, đờm nóng thời dung Tiểu hãm hung thang.
- Chứng súc thủy ở trung tiêu sinh khát, nôn ụa,
ỉa thóa, đau tâm, chứng trạng nhiều mối, đại để dùng Phục linh, Bạch truật, Bán
hạ, Ngô thù du làm chủ, bệnh ở hạ tiêu, như thuộc hư lạnh thời dùng phép ôn,
như Thận khí hòan, nếu thuộc thấp nhiệt thời dùng phép thanh tiết như Bát chính
tán.
- Như chứng thủy ẩm tràn bên dưới, thể hiện chứng
phù thủng thời dùng phép đạm thấm làm chủ, chứng ẩm thủy dùng loại ôn noãn, như
Thực tỳ ẩm, dương thủy dùng loại thanh bình, như Sơ tậc ẩm tử.
- Chứng úng thũng thời dùng Tọa giác thích, Bại
lương thảo
- Trùng cổ thời dùng Vu di, A ngùy
- Lao trái thời dùng Can tất, Bách bộ…
- Bệnh huyền tịch thời dùng Đào nhân, Chỉ thực
- Bệnh trưng hà thời dùng loại Tam lăng, Nga truật,
như người xưa đối với bệnh trưng hà còn phân biệt nhiều đường, căn cứ nguyên
nhân mắc bệnh, như xã hà, miết hà, sán hà, mễ hà… khác nhau, nên cách chữa cũng
khác nhau. Bảy chứng sán thời dùng hạt Quít, Xuyên luyện, Hải tảo, Côn bố…
nhưng cần phân biệt các chứng quyết sán, trùng sán, bàn sán, khí sán để biện chứng
luận trị.
- Đến như chứng Bào tỳ, chứng Trường đàm, chứng
Thạch hà, đều có chuyên phương của nó. Do khái niệm của tiêu pháp tương đối rộng
bệnh chứng trị liệu cũng tương đối nhiều, dùng chủng loại và phẩm chất của thuốc
cũng đều khác nhau. Do đó mỗi lúc khó mà nói được tác dụng của dược lý. Nhưng
quy nạp các thuốc chữa để quan sát thời có thuốc khu trùng, thuốc khu đờm, thuốc
lợi tiểu, thuốc kiện vị, biến chất mòn chất rắn, mềm chất ngưng tụ, thuốc hoạt
huyết…
3. Những chứng cần dùng tiêu pháp
Thuốc tiêu tuy không dữ bằng thuốc tả hạ, nhưng
khi sử dụng lâm sàng cũng phải chú ý thích đáng như:
+ Khí hư đầy ở giữa, da bụng căng gấp, bên trong
không có vật phải dùng phép điều thực, thì trướng có thể tiêu khác với chứng thực
bên trong có vật.
+ Chứng tỳ hư thủy thũng, thổ suy không chế thủy,
cần phải bổ thổ, nếu thực là chân dương hao hớt dữ, hỏa suy không thể sinh thổ,
cần phải bổ mệnh môn hỏa… đều không nên dùng tiêu pháp.
+ Tỳ hư không vận hóa được mà sinh đờm, chứng thận
hư thủy tràn mà sinh đờm, chứng do huyết khô mà kinh thủy hết không có tích khối,
cũng đều không được dùng phép tiêu, mà đều phải dùng phép bổ, bỏ vào cái hư thì
bệnh tự khỏi.
VIII. BỔ PHÁP
1. Nguồn gốc và sự phát triển
Bổ hư, bổ tình trạng bất túc cho cở thể, nâng
cao cơ thể. Nguyên nhân tình trạng bất túc
- Do thể lực tiêu hao quá mức, do cung phụng vật
chất quá kém, do bệnh tật làm suy tổn thể lực. Người đang khỏe không nên dùng
thuốc bổ.
Cổ nhân thể nghiệm qua mỗi khi ăn gặp một vật bổ,
làm cho cơ nhục gia tăng, tinh thần lớn lên, gầy trở nên béo, nhà y vận dụng hiện
tượng ấy lập thành bổ pháp.
Y thư chứng minh:
- Ngũ thường chính đại luận: “Hư giả bổ chi”
- Âm dương ứng tượng đại luận: “Hình bất túc giả,
ôn chi dĩ khí, tinh bất túc giả bổ chi dĩ vị”
- Trọng Cảnh, người đời cho ông giỏi về phép
công, kỳ thực ông trọng dụng “bổ”, nguyên tắc chữa của ông là “bất đoạt tinh
khí”
- Tôn Tư Mạo (Đường) cho phép Dưỡng sinh, bổ ích
- Chu Đơn Khê (Kim, Nguyên) chuyên giỏi bổ âm
(âm thường bất túc, dương thường hữu dư)
- Trương giới Tân (Minh) nổi tiếng là nhờ thuyết
ôn bổ
Thầy thuốc xưa, chỉ nhờ bổ pháp mà gieo được đức
nhân, người đời quý chuộng (Tam thế vi hậu thế tắc hữu khanh tướng)
Cho tới chúng ta, thầy nào giỏi về bổ pháp mới
là đắc danh, thầy nào thiên về chữa bệnh, chữa bệnh mãi rồi lợn lành trở nên lợn
què, để cho người đời nguyền rủa (Nhất thế y tam thế suy)
2. Ứng dụng lâm sàng: Bổ tâm, bổ phế, bổ tỳ, bổ thận
- Trong một tạng khí có phân ra âm dương khí huyết,
Ví dụ: bổ thận dương bổ phế khí, bổ tâm huyết…
- Khi muốn bổ phải xét rõ, hư chỗ nào, hư toàn
trạng âm hư, dương hư, tạng nào hư, phủ nào hư, để chọn cho phù hợp với tình huống,
yêu cầu. Đồng thời phải vận dụng đúng nguyên tắc và phương pháp.
Cảnh Nhạc nói: Dương thì khí dược, Sâm, Kỳ, làm
quân, Truật, Thăng, Lai giúp vào. Âm thì tinh huyết. Thục địa làm gốc, Thù du,
Sơn dược, Quy, Kỹ giúp vào.
3. Phép vận dụng “Bổ”
a) Bổ âm, bổ dương
- Dương hư bổ dương (bổ kiêm ôn)
- Âm hư bổ âm (bổ kiêm thanh)
- Khí bất túc, do tinh bất túc sinh ra thì tinh
làm chủ vì tinh đủ thời khí sẽ vươn lên, không bổ khí mà khí vẫn được bổ.
- Tinh bất túc do khí bất túc mà sinh ra thì không
bổ tinh, chỉ bổ khí, vì khí vươn lên, thì tinh sẽ đầy đủ, không bổ mà tinh vẫn
được bổ.
Ví dụ 1: Người bệnh cơ thể gầy róc, đấy là âm bất
túc, xét nguyên nhân về sự gầy róc ấy là do ỉa chảy kéo dài công năng tiêu hóa
sẽ kém, mà công năng tiêu hóa kém là do dương bất túc, nếu dùng những vật dinh
dưỡng tốt nhất tập trung bồi bổ cho bệnh nhân ấy thì nó không đem lại chút da
thịt gì. Bởi vì tình trạng âm bất túc ấy do dương bất túc mà sinh ra, chỉ nên
tăng gia công năng tiêu hóa, chấm dứt được tình trạng ỉa chảy kéo dài, thì cơ
thể sẽ hấp thu được những thành phần dinh dưỡng, từ gầy sẽ trở nên béo.
Ví dụ 2: Bệnh nhân chân tay bời rời không cầm nắm
được vật, đấy là khí bất túc, có thể do dinh dưỡng kém, cơ nhục teo róc, lúc bấy
giờ nếu chỉ đem thuốc bổ khí đắp vào cũng vô ích, một phải cải thiện tình trạng
dinh dưỡng để bù đắp vào thì kết quả bổ ích mới đạt được hiệu quả, tinh thần và
khí lực cũng sẽ gia tăng đầy đủ.
b) Bổ khí, bổ huyết: Khí chủ ấm áp, huyết chủ
tươi bón, đấy là sách Nạn kinh điều 22 đã quan trọng hai vế khí và huyết.
- Lý Đông Viên chủ trương bổ khí, ông nói: “Phế
chủ khí vươn lên thời tự sinh, hình tự thịnh, huyết khí sẽ bình. Cho nên nói:
“dương sinh âm trưởng”. Huyết không tự sinh được, cần được thuốc sinh dương khí
thì huyết tự vượng. Nếu âm hư mà chỉ bổ huyết không do đâu mà sinh ra, đấy là
do không có dương vậy”
- Chu Đơn Khê chủ trương bổ âm, ông nói: “Khí bệnh
mà bổ huyết tuy không trúng bệnh cũng vô hại. Ngược lại huyết bệnh mà bổ khí thời
huyết càng tiêu tán, huyết tán thời cả khí huyết đều hư”
Chúng ta học và lĩnh hội rằng: Khí hư phải bổ
khí, bổ huyết cũng không sao, chỉ huyết hư phải bổ huyết mà không nên bổ khí
song đừng cường điệu bổ huyết đơn thuần.
Căn cứ nguyên nhân sinh ra khí hư huyết hư mà vận
dụng bổ khí hay bổ huyết, hoặc khí huyết kiêm bổ cho thích đáng. Nói nôm na
trong thực tế, tỷ lệ bên nào nặng hơn thì ta chú ý bên đó hơn và ngược lại.
c) Bổ có phân ra ngũ tạng: Mỗi tạng khí đều có
sinh lý độc lập của nó, mà giữa 5 tạng, chúng vẫn có tác dụng quan hệ hỗ tương,
cho nên chữa bệnh phải biết:
Tạng nào hư thì bổ thẳng vào tạng ấy và cũng có
cách chữa gián tiếp như:
- Bổ thổ để sinh kim (Phế hư bổ tỳ)
- Bổ hỏa để sinh (Tỳ hư bổ mệnh môn hỏa)
- Bổ thủy để sinh mộc (Can hư bổ thận)
- Bổ kim để sinh thủy (Thận hư bổ phế)
- Nạn kinh điều 99 có chép: Hư giả bổ mẫu. Thực
giả tả tử. Đấy là vận dụng lý luận ngũ hành vào lâm sàng cái sở trường chữa Nội
khoa của Đông y.
d) Các lối bổ:
Đời Nguyên, NGụy Diệc Lâm có 3 lối bổ: Tuấn bổ,
Nhuận bổ, và Thanh bổ:
- Tuấn bổ: Ô đầu, Phụ tử, Thiên hùng, Can
khương, Nhục quế
- Nhuận bổ: Lộc nhung, Xuyên quy, Nhục dong
- Thanh bổ: Thiên môn, Nhân sâm, Thục địa
Trương Tử Hòa (cùng thời) có 6 cách để bổ: Bình
bổ, Tuấn bổ, Ôn bổ, Hàn bổ, bổ gân sức, bổ phòng sự.
- Bình bổ: Sâm, Kỳ
- Tuấn bổ: Phụ tử, Lưu hoàng
- Ôn bổ: Nhục quế
- Hàn bổ: Thiên môn đông, Ngũ gia bì
- Bổ gân sức: Nhục dong, Ba kích
- Bổ phòng sự: Thạch yến, Hải mã, Dương khởi hạch,
Đơn sa
Thực tế trên lâm sàng: Hay dùng thuốc cam ôn,
cam bình tân ôn để bổ, rất ít dùng thuốc khổ hàn, tân lương mà hàm hàn (như
Hoàng bá, Tri mẫu)
Có những câu bất hủ như câu bất hữu “Phủ trung
vô thủy nhi tiến hỏa”, “Phủ hạ vô hỏa nhi thiêm thủy” nghĩa là trong nồi không
nước mà nổi lửa, dưới nồi không lửa lại thêm nước (đồ điên) để chỉ những thầy
thuốc vô học, chỉ dùng thuốc nóng, hoặc dùng thuốc hàn lương có hại.
e) Chứng phải nên bổ:
- Hư chứng cần dùng phép bổ không ngại gì
- Dương chứng không bổ thời khí ngày càng tiêu
- Âm hư không bổ thời huyết ngày càng ráo
- Đại hư chi bệnh, bệnh bên ngoài như có thừa mà
trong thực bất túc, mạch phù đại mà sác, mắt đỏ, hỏa bốc, hay choáng, vật vã chẳng
yên, đấy là cái cơ đổ mồ hôi chếnh choáng, tinh thần bốc ra hết suốt đêm chẳng
ngủ được, nên dùng loại Nhân sâm dưỡng vinh thang. Quy tỳ thang mà bổ, gia những
vị thu liễm để thu nhiếp khí nguyên dương.
f) Chứng cấm bổ:
- Sốt rét, phát cuồng, thủy thũng, cước khí, các
bệnh này khi chữa khỏi cũng không được dùng loại tuấn bổ.
- Nhiệt chứng đã cho dùng thuốc sợ lợi hoặc giải
độc hóa ban…, rồi mà không thấy có hư chứng thì không được bổ, vì bổ là sẽ phát
sốt lại ngay.
- Các chứng đau, thực chứng, không được bổ, còn
đau đầu nóng lạnh không bổ.
- Các mạch thực, chứng thực, không thể bổ:
- Người hư yếu tà mới xâm nhập, bệnh đang phát
triển nếu dùng thuốc bổ thì khác chi đóng cửa khi ăn trộm đã vào nhà (bế môn
lưu khấu). Không được bổ.
- Bệnh đại nhiệt, tích nhiện ở trong… không được
bổ
4. Không được dùng thuốc bổ lung tung
Cơ thể chưa hư, dùng thuốc bổ lâu ngày sẽ có hại,
Uống thuốc nóng để kích dục, gây hại nhiều về
sau như tác động mạch, ham vui một thuở chịu sầu ngàn thu.
Trọng Cảnh nói: “Nhân thể bình hòa thì đừng có uống
bậy bạ, vì khí thuốc có chỗ thiên thắng, khiến cho tạng khí không bình hòa, dễ
sinh tệ hại khác.
Tố vấn / Ngu thường chính địa luận chép: “Thuốc
bình hòa vô độc, dùng mãi rồi khí cũng chiến thắng”
Thầy thuốc đừng lạm dụng thuốc bổ
- Bệnh nhân đừng làm dụng thuốc lung tung, có hại!
XIX. BỔ SUNG SÁP PHÁP (PHÉP CỐ SÁP)
1. Nguồn gốc và phát triển
Sáp pháp tức là phương pháp cố sáp, chỉ sáp, se
rê lại, chặt ruột, cầm ỉa, hết di tinh…
Trương Trọng Cảnh có Vũ dư lương hoàn và Đào hoa
thang. Người xưa đối với chứng đại hư, đại thoái thời dùng thuốc ôn bổ, chỉ có
tình trạng hoạt thoát thời dùng phép sáp, người sau lại gọi phép sáp ra phép cố,
về ý nghĩa cũng mở rộng ra, như:
- Ho lâu ngày là suyễn mà khí lọt bên trên thời
cố phần phế.
- Di tinh lâu ngày thành chứng lâm thời cố phần
thận.
- Tiểu tiện không cầm thời cố bàng quang.
- Đại tiện không cầm được thời cố đường ruột.
- Mồ hôi ra không ngừng thời cố bì mao.
- Chảy máu không cầm thời cố dinh vệ.
- Do hàn mà lọt ra thời làm cho nóng để cố.
- Do nhiệt mà tiết lọt, thì làm cho hàn để cố.
Cho nên phép cố sáp ứng dụng lâm sàng đã không
giống như Trọng Cảnh chỉ dùng với chứng ỉa chảy không cầm, mà các bệnh ở tạng
phủ đều có chứng thích ứng với sáp pháp.
2. Ứng dụng lâm sàng
Phép sáp của Đông y không hoàn toàn dùng thuốc
thu liễm như ngày này, nhưng chủ yếu là dùng những loại thuốc thu liễm như:
- Ngũ bội tử, Kha tử Tông lư, Địa du, Cuộn lá
sen, Gương sen, Tua sen, Ngó sen, Ô mai, Giấm, Một thực tử, Minh phàn, Hoa nhị
thạch, Long cốt, Hải phiêu tiêu, Quả đào lép, rễ Ma hoàng, Bạch quả, vỏ Thẩu,
Xích thạch chi, Đại giả thạch, Vũ dư lương, Thạch lựu bì…
Sáp để cố thoát thì có khí thoát, tinh thoát, thần
thoát, hễ thoát thời tán mà không thu, cho nên dùng thuốc chua chát ôn bình để
liễm phần hao tán, như đổ mồ hôi vong dương, hoạt tinh không giữ được, ỉa chảy
không cầm được, đại tiện không chặt, tiểu tiện tự són ra, ho lâu ngày mất tân
(nhớt nhao) bấy nhiêu đó thuộc khí thoát, còn hư hạ huyết không ngừng, trong
lúc làm băng huyết bực ra, các chứng đại xuất huyết, đều thuộc huyết thoát.
Phàm bệnh khí thoát thì dùng thuốc chỉ sáp ghé vào khí dược: bênh huyết thoát
thì dùng thuốc chỉ sáp ghé vào huyết dược.
Lại như chứng thoát dương, ảo thị thấy người chết,
chứng thoát âm mắt mù, đều thuộc thần thoát, dù có dùng thuốc chữa sáp cũng vô
ích, bệnh trạng nghiêm trọng như thế, kíp phải bỏ dương trợ âm. Nay đem phép
sáp ứng dụng lâm sàng để khái quát như sau:
a) Dùng chữa ỉa chảy lòi trôn trê hàn hư.
- Thương hàn 159: Thương hàn uống thuốc thang khỏi,
lại dùng thuốc khác cho hạ rồi đi ngoài không cầm được, thầy thuốc cho uống Lý
trung thang ỉa càng dữ, Lý trung là điều lý trung tiêu, đấy là lợi đằng hạ
tiêu, dùng Xích thạch chi Vũ dư lương mà chữa. “Điều này trỏ tình trạng lơi là
do thuốc hạ mà thành, bệnh ở hạ tiêu, cho nên dùng bài Lý trung không kết quả
mà có nhờ nơi tác dụng chỉ sáp.
- Lại điều 306: “thiếu âm bệnh 2-3 đến 4-5 ngày
đau bụng tiểu tiện không lợi, ỉa chảy không cầm được, ỉa ra máu đặc, dùng Đào
hoa thang mà chữa”.
Thành Vô Kỷ giải thích: “Thiếu âm ỉa chảy, đau bụng
ỉa ra máu đặc đấy là hạ tiêu thông se lại mà bên trong có hàn”.
Uông Nhẫn Am cho bệnh này “do hư mà hàn dữ”, tán
đồng giải thích của Thành Vô Kỷ.
Nhận xét: Bài này rõ là ứng dụng chữa chứng hạ
tiêu hư hàn, cũng là nói rõ hai phép này của Trọng Cảnh chỉ dùng chữa bệnh hạ
tiêu mà không dùng chữa chứng hư hàn chỉnh thể.
Kha tử tán của Lý Đông Viên (Túc xác, Kha tử,
Can khương, vỏ Quít) chữa ỉa chảy lòi trôn trê với đi ngoài ra máu đặc ngày đem
không chừng đổi.
Chân nhân dưỡng tạng thang của La Khiêm Phủ (Túc
xác, Kha tử, Đậu khấu, Mộc hương, Nhục quế, Nhân sâm, Bạch truật, Đương quy, Bạch
thược, Cam thảo) chữa ỉa chảy kéo dài ngày hư hàn.
Bài trên dùng thuốc chỉ sáp gia thuốc ấm, về
phép thì giống như Đào hoa thang mà tác dụng thu sáp có lực hơn; bài dưới dùng
thuốc chỉ sáp gia thuốc ôn bổ, về phép đã chữa cục bộ, lại bồi bổ toàn diện, đấy
là học Trọng Cảnh mà vượt hơn Trọng Cảnh. Phương của Trọng Cảnh dùng với bệnh
trình không lâu mà phương này thì dùng với bệnh lâu ngày, do bệnh lâu ngày mà
rõ có hư hàn, cho nên phải tăng phần ôn bổ.
c) Dùng chữa chứng đổ mồ hôi
Chứng đổ mồ hôi có phân ra đạo hãn, tự hãn,
dương hư, am hư, như:
- Mẫu lệ tán chữa dương hư tự hãn. Người xưa cho
rằng dương khí nhờ âm khí hộ vệ, dương hư vệ khí không cố, cho nên dùng Hoàng kỳ
bổ dương mà ghé có dùng những thuốc thu sáp.
- Bá tử nhân hoàn, chữa âm hư đạo hãn, người xưa
cho rằng tâm huyết hư thời dễ ngủ là đổ mồ hôi, cho nên chữa lấy dưỡng tâm ninh
thần làm chủ, ghé có thuốc thu liễm.
Hai loại chứng đổ mồ hôi và hai cách chữa khác
nhau trên. Riêng loại âm hư có hỏa, đổ mồ hôi trộm phát sốt, dùng Đương quy lục
hoàng thang. Người xưa cho rằng âm hư cho nên trọng dùng thuốc tư âm; có hỏa
cho nên kiêm có thuốc tả hỏa, biểu hư cho nên trọng dụng thuốc cố biểu. Dùng
đúng, thì hiệu quả rất tốt.
Chữa chứng đạo hãn, tự hãn cũng cần vận dụng
quan niệm chỉnh thể, khảo xét từ nhân tố đổ mồ hôi mà giải quyết, chứ không nên
hễ thấy đổ mồ hôi bèn chỉ mồ hôi, giải quyết theo một số vấn đề cơ bản, thì chứng
đổ mồ hôi cũng đỡ bớt. Nhưng Lục hoàng thang. Y phương tập giải xếp vào nhóm
thuốc thu liễm, nhưng kỳ thực là nhờ tác dụng cố biểu của Hoàng kỳ, riêng không
có thuốc chỉ sáp.
d) Dùng chữa di tinh, bạch trọc, bạch đới
- Di tinh hoạt tinh, Bạch trọc, Bạch đới, dùng
nhiều thuốc thu liễm. Chỉ bệnh về tinh thời nghiêng hẳn về phía thanh tâm bổ thận.
Bệnh trọc thời nghiêng về phía thanh lợi thấp nhiệt, như Thỏ ty đơn có tác dụng
cường âm ích dương, chữa di tinh do tinh hàn, ghé có dùng thuốc thanh tâm, kiện
tỳ lợi thấp. Thủy lục nhị tiên đơn chữa di tinh bạch trọc là dùng cái tác dụng
bổ tinh tư âm để thu sáp. Kim tỏa cố tinh hoàn chữa bệnh hoạt tinh là dùng tác
dụng bổ thận ích tinh, giao thông tâm thận, kiêm có tác dụng thu sáp.
Người xưa cho rằng, bệnh di tinh có trường hợp dụng
tâm quá độ, tâm không toại nguyện, gây tình trạng tinh rời vị trí, có trường hợp
do sắc dục quá độ, tinh chảy ra không ngừng mà nên, có trường hợp do tuổi trẻ
tinh khỏe đầy mà tràn, nguyên nhân không thống nhất như vậy, nên phép chữa cũng
khác nhau.
Uông Nhẫn Am nói: Đại pháp chữa di tinh có 5:
như tâm thần phù việt dùng Thần sa, Từ thạch, Long cốt để trấn. Đờm mê tâm khiếu
dùng loại Trư linh hoàn để dẫn nó. Lo nghĩ quá thương tâm dùng Trân châu phấn
hoàn để tư âm giáng hỏa. Nhớ nhung quá thương dương, dùng loại Lộc nhung, Nhục
thung dung, Thỏ ty tử để bổ dương; âm dương đều hư dùng Trân châu phấn hoàn, Định
chí hoàn để bổ.
Ngoài ra, như đi đái láo, đi đái vặt dùng Tang
phiêu tiêu để bổ thận, dùng Long cốt để cố sáp, dùng Dương quy, Quy bản để tư
nhuận, Nhân sâm để bồi bổ.
Do đó, có thể thấy được, di tinh cũng không thể
1 vị là chỉ sáp được mà nó phải xét đến nhiều nhân tố khác, để chữa tận nguồn của
nó…
3. Chứng cấm dùng sáp pháp
Sáp pháp không những dùng chữa bệnh hư, bệnh lâu
ngày, bệnh hoạt thoát, phàm bệnh thực, bệnh đột ngột, nhất quyết là không được
dùng. Như bệnh lý nhiệt mới phát, bệnh thực đau bụng hỏa động tiết tinh di
tinh, huyết nhiệt chạy càn, đều phải tìm nhân tố chủ yếu của nó mà chữa, nhất
quyết không thể “đóng cửa nhốt giặc trong nhà” (bế môn tróc tặc) mà khốn.
Ứng dụng phép sáp. Trọng Cảnh chỉ có hai phương,
tại sao Trọng Cảnh ít dùng đến thế? Bởi vì con người về khí huyết vốn là lưu
thông, nếu có ngoại tà thì xua đuổi giải tán. Nếu khi khinh suất dùng thuốc cố
sáp thời chính khí với ngoại tà đều bị nhốt lại một chỗ, chuyển thành nhiều biến
chứng khác. Như nói bệnh đại hư, đại thoát, dùng phép thu liễm cố sáp không có
kết quả, cho nên phép chỉ dùng chữa chứng hoạt thoát cục bộ, mà trong sách của
Trọng Cảnh là không thấy nhiều.
“Nho môn sự thân” của Trương Tử Hòa có nói: Trước
phải bàn việc căn bản, để công trừ tà, không nên chấp nhất đem dùng thuốc sáp,
mới là vẹn toàn.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1) Nội dung 8 phương pháp đó là gì?
2) Trong 8 phép, phép nào anh/chị cho là quan trọng
nhất?
MỤC LỤC
Bài
1. Âm dương ngũ hành
Bài 2. Tạng tượng
Bài 3: Nguyên nhân bệnh
Bài 4. Phân loại chứng hậu
Bài 5. Tứ chẩn
Bài 6. Bát cương
Bài 7. Bát pháp (tâm phương pháp chữa bệnh)
---//---
GIÁO TRÌNH
LÝ LUẬN CƠ BẢN ĐÔNG Y
LÝ LUẬN CƠ BẢN ĐÔNG Y
VIỆN Y DƯỢC
HỌC DÂN TỘC
Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh
No comments:
Post a Comment