KHÍ
CÔNG VẤN ĐÁP
NHỮNG
TRỢ DUYÊN THIẾT THỰC CỦA
KHÍ
CÔNG ĐỐI VỚI SỰ THỰC HÀNH THIỀN
Phần một: KHAI THÔNG
1. Hỏi: - Thưa
Thầy. Hôm nay có mặt đông đủ, chúng con thỉnh Thầy vui lòng chỉ dạy chúng con
phương pháp thở theo Khí Công mà chúng con được biết Thầy có nhiều kinh nghiệm.
Chúng con nghe nói trong thời gian bị tù ở miền Bắc Việt Nam; trong các trại
cải tạo, Thầy đã hướng dẫn nhiều bạn tù của Thầy thở để chữa bệnh. Hôm nay xin
Thầy vui lòng chỉ dạy lại chúng con, để chúng con biết cách thở, chữa 1 vài thứ
bệnh thông thường mà chúng con thường mắc phải.
Đáp: - Trên
nguyên tắc, chúng tôi chấp nhận hướng dẫn quí vị, nhưng chúng tôi muốn biết rõ lý
do nào đã thúc đẩy quí vị muốn học thêm môn Khí Công. Quí vị có thể cho chúng
tôi biết chăng?
2. Hỏi:
- Thưa Thầy. Có 2 lý do: Lý do thứ nhứt là trong số chúng con có nhiều vị bị
huyết áp cao, có nhiều vị thường bị dị ứng phấn hoa, và nhiều vị không được
khỏe mạnh lắm; thường bị cảm cúm, năng suất làm việc ở hãng xưởng lại xuống thấp.
Ngoài ra, trong những lúc tọa Thiền vào buổi khuya, nhiều người trong chúng con
thường bị hôn trầm (ngủ gục), chúng con không tự chữa được những thứ bệnh nói
trên nên xin Thầy hướng dẫn cách thở theo Khí Công để chúng con tự chữa. Còn lý
do thứ hai làm chúng con tin tưởng nhứt, thúc đẩy chúng con thỉnh Thầy dạy là
chúng con được biết một thiền sinh nhờ tập thở Khí Công đã chữa được huyết áp cao
lâu năm. Một thiền sinh khác áp dụng theo cách chỉ của Thầy cũng chữa dứt bệnh
mất ngủ, một cô thiền sinh nhờ áp dụng những phương thức thở do Thầy dạy mà sức
khỏe của cô ấy dồi dào hơn nhiều, so sánh với thời gian cô ấy vừa mới đến đây
học Thiền. Chúng con thấy phương thức thở theo Khí Công có vẻ kiến hiệu nhanh
hơn lối thở Sổ Tức nên đồng xin Thầy chỉ dẫn.
Đáp:
- Hay! Hợp lý quá!... Thật ra, trước khi khai mạc Khóa Thiền, chúng tôi có ý
định muốn hướng dẫn quí vị thở theo Khí Công, nhưng chưa đủ duyên. Có lẽ hôm
nay cơ duyên đã khế hợp, vậy chúng tôi đồng ý. Tuy nhiên, nếu chính thức hướng
dẫn chung toàn lớp, chúng tôi sẽ hướng dẫn thêm phần lý thuyết Khí Công. Dù
phần này có vẻ khô khan, dễ chán, nó lại rất hữu ích thiết thực cho quí vị trên
mặt kiến thức liên quan đến chuyên môn về Khí Công. Quí vị có thích học thêm lý
thuyết về Khí Công không?
3. Đáp: - Chúng
con sẵn sàng học. Tuy lý thuyết học rất dễ chán, nhưng thực tế thì rất có lợi
ích cho chúng con, vì chúng con sẽ thông suốt những vấn đề chuyên môn trong Khí
Công hơn. Nếu sau này có hướng dẫn lại ai, mình cũng có đủ căn bản. Vậy xin
Thầy dạy thêm.
Tác
dụng của Khí công
Tiếp theo: - Để
mở đầu bài dạy hôm nay, trước hết chúng tôi nói những tác dụng của Khí Công đối
với người thực hành nó, sau đó trình bày thêm những cơ chế trong cơ thể liên hệ
đến Thở trong Khí Công. Trong đó gồm có vấn đề Máu, hệ thống tuần hoàn, gồm có
tim và các hệ thống mạch máu, vấn đề các chất nước hóa học trong cơ thể thông
qua tác dụng của Khí Công giúp chúng ta ngăn ngừa hay tiêu trừ bệnh tật và tăng
cường nội lực. Đến phần thực hành, chúng tôi sẽ biểu diễn những tư thế tập liên
hệ đến từng cách chữa trị bênh tật hay ngăn ngừa chúng. Chúng tôi biểu diễn
trước, quí vị thực hành sau. Mỗi vị có thể hỏi từng loại bệnh mà mình thấy có
ít nhiều liên hệ đến mình, như huyết áp cao, hen suyễn, suy nhược thần kinh,
cảm cúm, đau khớp và những thứ bệnh viêm. Quí vị có thể nêu lên những câu hỏi,
chúng tôi sẽ trả lời, giúp cho buổi học có thêm phần sống động và giải tỏa được
những mối nghi trong quí vị, nhưng nhớ hỏi những vấn đề liên hệ trong phạm vi
Khí Công, và những sự lợi ích của Khí Công đối với Thiền. Đừng hỏi ngoài lề.
4. Hỏi: - Thưa
Thầy. Để mở đầu, xin Thầy cho biết thở theo Khí Công, tác dụng cụ thể như thế
nào đối với cơ thể?
Đáp:
- Nếu áp dụng đúng những nguyên tắc thở theo Khí Công, tác dụng cụ thể của nó
đưa đến như sau:
1) Tăng cường sức khỏe tự nhiên
trong cơ thể.
2) Điều hòa khí và huyết bên trong
cơ thể.
3) Ngăn ngừa và chữa trị được một số
bệnh do thờì tiết gây nên, như cảm cúm, dị ứng, và chữa trị được những chứng
viêm, như viêm xoang mũi, viêm họng, viêm mắt, viêm đường ruột. Đặc biệt nhất
là điều chỉnh được huyết áp cao hay huyết áp thấp, cũng như trị dứt hen suyễn
và suy nhược thần kinh.
4) Ngăn ngừa xơ cứng động mạch và
tai biến mạch máu não.
5) Ngăn ngừa hay điều chỉnh những bệnh
về tim mạch.
Đây
là 5 điểm chính yếu trong Khí Công ở cấp Sơ Đẳng, nhưng với điều kiện vị đó
phải luyện tập đều đặn và theo đúng những nguyên tắc cơ bản của Khí Công.
5. Hỏi: - Thưa
Thầy. Như thế trong Khí Công có nhiều cấp lắm sao? Chúng con có cần học qua
những cấp đó không?
Đáp:
- Đúng, trong Khí Công có nhiều cấp. Nhưng ở đây chúng ta không cần học qua các
cấp đó mà chỉ cần học thở để ngăn ngừa và tự chữa bệnh vì chúng ta có mục tiêu
khác là học Thiền.
Tác
dụng khác nhau của Thở Khí công và Thiền
6. Hỏi: - Bạch
Thầy. Như vậy trong Thiền chẳng có phương pháp nào giúp mình thở để chữa bệnh
hoặc tăng cường sức khỏe hay sao, thưa Thầy? Con nghe nhiều người nói tu Thiền
tự chữa lấy được bệnh tật cho chính mình, phải không Thầy?
Đáp:
- Nói riêng về phương pháp Thở để tăng cường nội lực hay chữa một vài chứng
bệnh thông thường nào đó thì trong Thiền không có phương pháp Thở đó. Trái lại
Thiền có phương pháp khác, độc đáo hơn, kỳ diệu hơn; tuy không theo phương thức
thở như Khí Công mà vẫn ngăn ngừa hay chữa trị một số bệnh tật như Khí Công, và
đặc biệt là chữa những thứ bệnh tâm thể, trong đó có tiểu đường, huyết áp cao,
suy nhược thần kinh hay những khủng hoảng tâm lý khác. Đó là Định. Một khi vị nào
vào đựợc Định thì nhiên hậu vị đó tự chữa được nhiều thứ bệnh của mình mà trong
Khí Công, ở cấp Sơ Đẳng không có. Đây là điều mà quí vị nghe nhiều người nói tu
Thiền tự chữa lấy bệnh tật cho chính mình là điểm này. Điều này có nghĩa vị ấy
phải đạt được Định, chớ không phải hễ tu Thiền là tự chữa hay ngăn ngừa bệnh
cho chính mình. Nếu tu Thiền mà không đạt được Định thì vẫn đau ốm rề rề! Đây
là sự khác nhau giữa 2 phương pháp của Thiền và Khí Công. Tuy nhiên, về mặt nội
lực thì Thiền không đạt được như Khí Công.
7. Hỏi: - Nếu
trong Thiền có phương pháp hay như vậy, tại sao Thầy không dạy chúng con, lại
dạy thở theo Khí Công?
Đáp:
- Sở dĩ chúng tôi phải hướng dẫn quí vị Thở theo Khí Công vì bằng cách thở Sơ
Đẳng này, Khí Công giúp quí vị chữa bệnh mà không mất thời gian lâu dài như
cách thực hành của Thiền. Quí vị có thể tập trong vài giờ, vài ngày hoặc vài
tuần là đáp ứng được mục tiêu mong muốn của quí vị, trong lúc đó quí vị muốn đi
đến Định, ít nhất quí vị phải mất 3 tháng mới hy vọng đạt được Định. Thí dụ,
quí vị muốn thở để chữa cảm cúm, chỉ trong vòng 10 lần thở Khí công, quí vị sẽ
cảm thấy toát mồ hôi, sau đó cơn bệnh thuyên giảm đôi chút. Trong một ngày thở
5 lần, chia làm nhiều buổi, chắc chắn quí vị sẽ chận đứng được cảm cúm. Trường
hợp bị nặng lắm, quí vị có thể tăng cường số lượng thở trong 1 ngày lên đến 10
lần và thở trong 2 ngày. Trong lúc đó nếu theo phương pháp của Thiền, quí vị có
thể mất nhiều tháng, nhiều năm mới hy vọng đạt được Định. Định, thực sự, liên
hệ đến nhiều yếu tố. Thứ nhất là kỹ thuật thực hành, thứ hai là môi trường thực
hành, thứ ba là ý chí thực hành, thứ tư là miên mật thực hành. Nếu không hội đủ
4 yếu tố đó, dù cho có trường kỳ dụng
công, quí vị cũng chẳng bao giờ thấy được bóng dáng Định ở đâu. Cho nên chúng tôi nghĩ cách hay nhất trước
mắt là quí vị nên tập Khí Công, còn Định thì từ từ chúng tôi hướng dẫn, đến khi
nào quí vị nắm vững phần kỹ thuật thì việc thực hành sẽ không mất nhiều thời
gian lâu dài.
Kỹ thuật thực hành Thiền
8. Hỏi: - Như
vậy, thưa Thầy, trong tương lai chúng con sẽ được Thầy hướng dẫn kỹ thuật thực
hành Thiền để vào Định phải không?
Đáp:
- Phải. Trong Lớp 1, Khóa I này, chúng tôi dựa vào quyển sách đó hướng dẫn quí
vị kỹ thuật thực hành để đạt được làm chủ niệm khởi. Tuy nhiên, quí vị có làm chủ được niệm khởi hay
không lại là chuyện khác. Chớ không phải nắm được kỹ thuật thực hành rồi vào được
Định ngay! Bởi vì còn yếu tố miên mật
dụng công và thời gian dụng công nữa. Nếu không hội thêm 2 yếu tố này,
chúng tôi dù có đưa ra kỹ thuật tuyệt hảo đi chăng nữa quí vị cũng chẳng làm
sao vào được Định. Cả 2 yếu tố này liên kết chặt chẽ với nhau trong tiến trình
hạ thủ công phu của Thiền. Nếu quí vị không có thì giờ dụng công và dụng công
một cách chiếu lệ, thay vì làm chủ vọng tưởng, quí vị sẽ bị vọng tưởng dẫn dắt
đi lang thang! Cho nên vấn đề tinh tấn dụng công và số thời gian dụng công cũng
là yếu tố cần thiết.
9. Hỏi: -
Thưa Thầy. Thầy vừa nói về kỹ thuật thực hành để vào Định. Con xin hỏi: Trong
sự dụng công của Thiền, có kỹ thuật nữa
sao? Con nghĩ rằng đã là Định rồi thì làm sao lại có kỹ thuật xen vào trong đó?
Thiền là một pháp môn tu tâm linh, chứ đâu phải như các pháp thế gian mà có kỹ
thuật trong đó. Từ trước đến nay con chưa nghe ai nói về kỹ thuật trong cách thực hành Thiền. Hơn nữa, nếu nói đến kỹ thuật
thì phải có mục tiêu, mà trong thực hành Thiền có mục tiêu không? Con cũng chưa
nghe ai nói đến điều này. Xin Thầy giải thích cho chúng con rõ 2 điểm đó.
Đáp:
- Chưa nghe ai nói, chớ không phải là không có! Quí vị nên nhớ, Hòa Thượng
thường nói: “Thiền là một khoa học thuộc về tâm linh.” Vậy thì đã là 1 khoa học
thì Thiền là một môn học như bao nhiêu môn học khác trên thế gian này. Cho dù
Thiền có mang tính chất tôn giáo đi chăng nữa, Thiền cũng không thoát ra ngoài
nguyên tắc phục vụ nhân sinh như những ngành khoa học khác trên thế gian. Tức
là Thiền cũng có mục tiêu nhắm đến như các môn học khác. Nếu trong Thiền không
có mục tiêu thì quí vị đến đây học Thiền để làm gì? Trong tâm tư quí vị, thế
nào cũng có những ý nghĩ giống nhau hoặc khác nhau về chủ đích đến đây học
Thiền. Không có một vị nào nói mình đi học Thiền mà không nhắm đến mục tiêu gì.
Có người nghĩ mình học Thiền để được thân tâm an lạc. Có người nghĩ mình học
Thiền để chữa trị một vài thứ bệnh tật nào đó mà y học đã bó tay. Có người nghĩ
mình học Thiền để phát triển trí tuệ tâm linh. Có người nghĩ mình học Thiền để
đạt được tâm giải thoát vì mình đã hay đương va chạm vào những thực tế phũ
phàng, khiến đau khổ và phiền não vẫn ray rứt nội tâm vân vân... Không một ai
cho rằng học Thiền để mà học, chớ trong đầu chẳng nhắm đến mục tiêu gì. Dứt
khoát trong đầu quí vị, mỗi người đều mang ý nghĩ về lợi ích của sự học Thiền
mà mình phải đạt như thế nào. Phải như vậy không?
Toàn thể đáp: - Dạ
phải!
10. Giảng
tiếp theo: - Nếu như vậy, tức là chúng ta học Thiền có mục tiêu. Khi đã có mục tiêu, tất nhiên phải có phương tiện thực
hiện mục tiêu đó. Phương tiện này là cách thực hành. Nếu không thực hành làm
sao quí vị đến nơi quí vị muốn đến? Đối với Thiền, thực hành như là bước khởi
hành đi về nhà của người từ lâu xa quê hương. Và
nói đến thực hành, bắt buộc phải có kỹ thuật. Kỹ thuật chính là tay nghề của một người thợ chuyên môn. Kỹ
thuật kém, phẩm chất hàng hóa sản xuất ra sẽ thấp kém. Kỹ thuật cao, hàng hóa
sản xuất ra sẽ không mất nhiều khâu, nhiều phí tổn thời gian, của cải và công
sức mà phẩm chất lại cao và lâu bền. Đây là một nguyên tắc thực tiễn không thể
thiếu trong tất cả lãnh vực khoa học kỹ thuật. Nó đã trở thành một mắt xích vô
cùng quan trọng trong tất cả ngành nghề mà trong đó có Thiền. Do đó, chúng ta
không thể tách rời mắt xích kỹ thuật ra khỏi sợi dây Thiền! Phủ nhận
nguyên tắc kỹ thuật, sự dụng công của ta sẽ dậm chân một chỗ. Kỹ thuật chính là
phương tiện thiện xảo gíúp ta thu
ngắn được thời gian tu tập và giúp ta đạt được mục tiêu tối hậu của sự tu tập.
Nếu không nắm được kỹ thuật dụng công pháp “không nói thầm trong não”, quí vị
sẽ chẳng bao giờ dừng được vọng tưởng, sẽ đi lang thang mãi. Cuối cùng sự “làm
chủ vọng tưởng” sẽ trở thành chuyện viển vông đối với quí vị. Một
khi chẳng qua được cửa ải đầu tiên này, làm sao quí vị tiến đến những cửa ải
khác? Như Đạt Được Tánh Giác, Hằng Sống Với Tánh Giác, hay Hằng Sống Với Ông
Chủ hoặc Trút Sạch Khái Niệm? Đó là lý do tại sao chúng tôi đề cập đến kỹ thuật
trong sự thực hành Thiền. Khi nắm vững kỹ thuật thực hành, và thông qua quá
trình miên mật dụng công, bảo đãm quí vị sẽ vào được CỬA KHÔNG của Thiền một
cách dễ dàng như trở bàn tay! Đây là kinh nghiệm của chúng tôi sau 11 năm thực
hành Thiền từ 1975 đến 1986.
11. Hỏi: - Thưa
Thầy. Con đã lãnh hội được yếu tính nguyên tắc kỹ thuật trong việc thực hành
Thiền. Chính vì không biết kỹ thuật nên con dụng công lâu năm mà không bước vào được cửa KHÔNG của Thiền. Định
vẫn còn là một chủ đề mà con chưa cảm nhận nó ra sao trong thân tâm con. Chúng
con hy vọng rồi đây Thầy sẽ chỉ dẫn kỹ thuật đó. Nhưng con còn một điểm chưa
được rõ. Xin hỏi Thầy: Thưa, trong Thiền có môn Sổ Tức hay Thở Đếm. Môn này không giúp cơ thể Thiền gia
khỏe mạnh hay sao? Nếu giúp được tại sao Thầy không hướng dẫn chúng con Thở Đếm
cho phù hợp với đường lối của Thiền tông, trái lại kết hợp chi với môn Khí Công
là môn không liên hệ đến tông môn?
Đáp:
- Đúng. Trong Thiền có môn Sổ Tức, thuộc Lục Diệu pháp môn. Hệ Thiền Đại Thừa
và Thiền Tông cũng có áp dụng Thở Đếm, nhưng phương pháp này không thể giúp
chúng ta có sức khỏe tự nhiên, cũng không thể giúp chúng ta chữa trị được một
số bệnh do thời tiết gây nên như cảm cúm, hen suyễn hay dị ứng mà hồi nảy chúng
tôi có đề cập ở phần trên. Còn đối với bệnh huyết áp cao thì trong nhất thời
lại càng không thể được. Trái lại, như chúng tôi nói khi nảy, bằng phương pháp
thở của Khí Công, quí vị chỉ cần tập trong vòng 7 ngày liên tiếp, quí vị sẽ
thấy sức khỏe mình đổi thay và bệnh cao huyết áp cũng thuyên giảm. Đây là sự
khác nhau khá đặc biệt giữa thở Khí Công và thở Sổ Tức của Thiền. Do đó, tuy
Khí Công không liên hệ đến tông môn, nhưng nó có khả năng trợ duyên thiết thực
cho người tu Thiền sơ cơ hay tu Thiền lâu năm mà không vào Định được, giúp
chúng ta có sức khỏe để tinh tấn dụng công hay để chữa trị bệnh do thời tiết
gây nên. Chúng tôi không thấy đây là chướng ngại mà thấy đây là điều hữu ích
thiết thực cho chúng ta, nên kết hợp Khí Công và Thiền trong giai đoạn đầu để
hướng dẫn quí vị.
Sự khác nhau giữa Sổ Tức và Khí
Công
12. Hỏi: - Xin
Thầy giải thích sự khác nhau giữa Sổ Tức và Thở theo Khí Công như thế nào để
chúng con biết rõ?
Đáp:
- Khí Công và Sổ Tức khác nhau như sau: Trong Sổ Tức, khi thiền giả tập trung toàn bộ ý nghĩ mình vào việc thở
đếm và theo dõi hơi thở, chính là lúc thiền giả sử dụng Vùng Ý Chí Vận Động để
điều khiển Trung Tâm Thở ở Cầu não. Trung Tâm này liền truyền xung lực đến
Trung tâm Giao Cảm (sympathetic center) hay Trung Tâm Ức Chế Tim
(Cardioinhibitory center) ở Hành Tủy. Cách thực hành này sai. Thế nào là Thở đúng
? Ta phải thở theo Pháp Định niệm hít vào thở ra do Đức Phật dạy, bằng cách giữ niệm Biết, chớ không tập trung
theo dõi hơi thở, hay phải nhớ số đếm,hoặc tưởng tượng hơi thở đi đến đâu.
Bằng cách thở này mới tác động Đối giao cảm thần
kinh. Từ nơi đây, trung tâm này liền truyền xung lực qua dây thần kinh X hay
Dây thần kinh Phế Vị (vagus nerves) đến tim, giúp ta đạt được 2 điều cụ thể: 1) Điều chỉnh hay quân bình nhịp tim.
2) Lắng dịu tâm tư tình cảm, làm cho mình có cảm giác an tâm. Vì lúc bấy giờ do
niệm Biết hơi Thở nên mọi trung tâm khác ở vỏ não đều không hoạt động, khiến
vọng tưởng không có điều kiện khởi ra, làm ta cảm thấy tâm mình lắng động. Nếu
áp dụng miên mật, trong một thời gian nào đó, kết quả ta sẽ đạt được sự điều tâm. Tâm ta sẽ có một quán tính mới
là không dao động, lăng xăng như trước
nữa. Đó là nét ưu điểm của pháp Thở Thiền. Tuy nhiên, nếu không biết tiến
thêm nữa, cứ ngồi hít vô thở ra mãi,
chúng ta sẽ không bao giờ chữa trị được một số bệnh do thời tiết gây nên như
CẢM CÚM, DỊ ỨNG, VIÊM, HEN SUYỄN và cũng không chữa trị được HUYẾT ÁP CAO như
Khí Công. Vì ở thời kỳ an tâm này, vọng
tưởng tuy không hung hãn như lúc ban đầu, nhưng không phải là ta đã làm chủ
được chúng thực sự. Lai rai vọng tưởng vẫn tự động khởi lên (do sự tác động của
tập khí vốn đã huân tập từ những kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại trong mạng lưới
tế bào thần kinh não, và trong những trung tâm ký ức ở hệ thống Viền Não), làm
cho ta không thể nào vào Định được. Trong
lúc đó bằng phương pháp thở theo Khí
Công, chúng ta chẳng những chữa trị được các bệnh do thời tiết gây nên,
chữa trị được huyết áp cao, viêm và hen suyễn mà còn có sức khỏe dẻo dai, tăng cường nội lực, phục hồi sinh lực; trợ duyên
cho việc thực hành Thiền. Lý do là Khí Công sử dụng hệ thống Giao Cảm Thần
Kinh, tác động đến trung tâm gia tốc tim (cardioacceleratory centers) ở hành
tủy, vô hình trung tác động vào hệ thống tim mạch làm hoạt hóa máu hay tạo ra
trạng thái ly tâm máu trong quá trình
nén khí và thở ra. Ngoài ra bằng cách
nén khí, ta đã sử dụng hệ thống cơ bắp ở 2 tay, cơ hoành và cơ bụng, làm căng
cơ bắp khi ta chuyển cứng cơ bắp ở các nơi đó, giúp tác động trực tiếp vào các hệ
Bạch Huyết Bào, và gián tiếp tác động vào hệ Tuyến Nội Tiết; làm cho những cơ
quan nói trên tạo ra kháng thể (đối với hệ Bạch Huyết Bào), tiết ra các chất
nước hóa học (đối với hệ tuyến Nội Tiết) liên hệ đến sự chữa bệnh hay phục hồi
sinh lực cho chúng ta một cách tự nhiên.
13. Hỏi: -
Thưa Thầy, tại sao chúng con phải quan tâm đến xác thân này? Trong lúc đó hệ Bát
Nhã dạy: “vạn pháp đều vô thường, duyên
hợp, huyễn có.” Tập thêm Khí Công liệu chúng con có sống mãi được không?
Hay đến một ngày nào đó đều đi vào lòng
đất? Điểm này có vẻ mâu thuẫn chăng khi Kinh dạy tất cả đều là vô thường, hư
dối, còn Thầy dạy phải lo giữ thân này cho thật khỏe mạnh. Như vậy có phải Thầy
đã xem thân này là thật là thường hằng chăng? Xin Thầy giải thích điểm này cho chúng con rõ.
Đáp:
- Đúng vậy. Tất cả mọi người đều đi vào lòng đất. Không ai có thể sống mãi.
Chết là một qui luật. Tuy nhiên, đối với người học Thiền, chúng ta biết rằng sự
chấm dứt mạng căn như là sự thay đổi áo quần, và chúng ta không muốn mình phải thay đổi nữa. Đây là sự thay đổi cuối cùng
trong kiếp hiện tại của chúng ta! Có nghĩa chúng ta không muốn tái sinh vào bất cứ cảnh giới nào nữa sau khi mình chết! Chính
vì vậy quí vị mới đến đây học Thiền. Nhưng liệu quí vị có đạt được Định ngay
hay không, hay quí vị phải bỏ ra nhiều tháng, nhiều năm - có khi hằng chục năm
- để công phu tu tập? Điều này có nghĩa muốn đạt được mục tiêu giải thoát đòi
hỏi chúng ta phải có đủ thời gian tu tập, và hạn kỳ thời gian này chúng ta
không thể biết điểm cuối cùng của nó ở
đâu. Trong lúc đó sự già nua, sự tàn tạ cơ thể vẫn nhẹ nhàng từ từ chụp lên
thân chúng ta, có nghĩa già nua và bệnh tật không kiêng nễ một ai trong chúng ta, dù chúng ta có thông suốt lý vô
thường một cách vững chắc, nhưng quỉ vô
thường không tha mạng chúng ta. Đến một ngày nào đó vô thường cũng đến lôi chúng ta vào cõi chết. Đây là một qui luật
tất nhiên. Thế thì tại sao chúng ta không lợi dụng sự có thân này, nỗ lực dụng
công để tạo ra một quy luật khác, khắc chế quy luật kia, ngõ hầu tìm sự an lạc
cho chính mình? Tại sao chúng ta lại bỏ quên lời dạy khác của Đức Phật là làm người rất khó, có thân người đâu phải
chuyện dễ mà trong đó Đức Phật muốn nhắc nhở chúng ta phải nhân cơ hội mình
mang thân người, sử dụng thân này làm chiếc bè đưa mình sang sông giác ngộ hay sang
bên kia bờ giải thoát bằng cách tự mình phấn đấu tu tập? Vì vậy, ở điểm
này, chúng ta nên hiểu rằng, Đức Phật đưa
ra một qui luật thứ hai. Đó là: Nghiệp
có thể chuyển, chớ không cố định như thuyết định mạng, nếu chúng ta biết ứng
dụng theo lời Phật dạy để thoát khỏi phiền não. Cho nên, quí vị cần hiểu rõ
tác dụng lý vô thường, huyễn hóa, không
thật tướng trong kinh Bát Nhã là Kinh dạy mình đừng bám chặt vào thân này;
cho rằng nó sẽ sống mãi, nó là tối ưu để suốt ngày ta lệ thuộc vào nó, phục vụ
ngũ dục cho nó; gây ra bao nhiêu điều gian ác, phi luân; quên đi nhân nghĩa,
đạo đức; quên đi nhân quả, nghiệp báo. Chớ không phải kinh Bát Nhã dạy mình bỏ mặc xác thân này, ngược lại dạy chúng
ta phải quan tâm đến nó, mượn nó làm chiếc bè đưa mình sang sông! Đây là chỗ quí vị cảm thấy hình như chúng tôi có vẻ xem thân này là thật. Quí vị cần hiểu rõ
ý nghĩa cái thật của xác thân này mới
thông suốt lý kinh Bát Nhã, mới thấy giá trị quan trọng của thân đối với người sơ cơ trên bước đường
tu tập. Nếu quí vị không có thân này, quí vị lấy gì để tu tập? Hay dù có thân
này mà nó cứ đau ốm mãi thì liệu quí vị có dụng công tọa thiền được chăng? Cho
nên, đây mới thật sự là điểm quan trọng mà chúng tôi lưu ý quí vị cần phải lo
bảo vệ thân, giữ gìn thân để mượn nó làm chiếc bè đưa tâm đến
bến
giải thoát. Nếu quên nguyên tắc quan trọng này, chúng ta dễ trở thành
con mọt sách trong kinh điển Phật giáo.
14. Hỏi: - Như
vậy, đây có phải là lý do chính Thầy đưa Khí Công vào trong Thiền, hướng dẫn
chúng con hít thở; giúp cho thân chúng con được khỏe mạnh để tâm chúng con an
ổn, hạ thủ công phu để có kinh nghiệm định, phải không?
Đáp:
- Đúng vậy. Qua nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi nghĩ rằng muốn thực hành pháp
Thiền đến nơi rốt ráo, trước hết quí vị phải có sức khỏe tốt. Vì bản thân quí
vị không phải là tu sĩ chuyên tu Thiền mà là cư sĩ. Quí vị còn nhiều trách
nhiệm đối với gia đình, do đó sự dụng công của quí vị thường gặp nhiều khó khăn
hơn là vị tu sĩ chuyên tu. Quí vị không thể nào buông bỏ tất cả mối quan hệ theo kiểu buông bỏ rốt ráo của Thiền. Trước
hết quí vị phải đi làm vì việc làm là căn
bản cuộc sống của quí vị và gia đình quí vị. Thứ hai, quí vị không thể nào
nhập thất tu như người tu Thiền chuyên tu vì quí vị còn có những ràng buộc gia
đình như chồng, vợ, con cái, cha mẹ, họ hàng, bà con quyến thuộc và hàng tháng
phải trả các món tiền linh tinh nhưng rất cần thiết, đó là “bill”. Hàng tháng
mọi thứ tiền “bill” cứ gởi đến. Nếu quí vị không trả đủ thì bị cắt hết mọi thứ
cần thiết, thậm chí đến nhà ở, nếu không trả đủ nợ “bill”, quí vị cũng đành ôm
gói ra khỏi nhà. Trong lúc đó, giả sử Thiền dù có linh diệu cũng không thể cứu nguy quí vị trong những cơn ngặt nghèo
này. Vì vậy, Thiền tuy cần thiết với quí vị, song không phải là thứ cần thiết
trước mắt. Thực sự, sức khỏe là món tối cần thiết trước mắt cho quí vị. Vì quí
vị phải có đủ sức khỏe để đi làm, đồng thời cũng cần có nó để có đủ điều kiện
đến đây tu tập hàng tuần. Ta muốn học Thiền mà sức khỏe không có thì làm sao đi
học được đều đặn? Nếu nay đau, mai ốm thì xem như số giờ học bị gián đoạn. Nghỉ
học một kỳ, xem như bài học mất liên tục. Tuy nhiên, sự nghỉ học này cũng không
quan trọng bằng sự nghỉ đi làm ở hãng xưởng. Một ngày nghỉ việc ở hãng xưởng là
một ngày nồi cơm chúng ta bị đe dọa. Một tháng nghỉ việc là nồi
cơm lớn của gia đình chúng ta bị bể. Thực tế cuộc sống ở đây là như
thế.
15. Hỏi: - Đến
đây con đã nhận ra được điều này. Muốn đủ duyên tu tập, trước hết chúng con
phải có cơ thể khỏe mạnh vì cơ thể là phương tiện để chúng con tiến sâu trên
đường đạo. Bản thân con đã thấy có nhiều đạo hữu rất ham tu Thiền, nhưng thân
cứ nay đau, mai ốm nên chẳng tọa Thiền được. Nhưng con có điều thắc mắc xin
Thầy giải thích lại điểm này cho rõ. Hồi nảy con nghe qua mà không nắm được hết
ý: Vì sao có nhiều vị theo pháp Thiền nhiều năm nhưng thường hay đau ốm?
Đáp: - Trước
hết qúi vị cần biết sự theo đó như thế nào? Theo mà có tinh tấn dụng công không?
Và dụng công mà có đạt được Định chưa? Tức là có dừng được tâm loạn động không?
Có làm chủ vọng tưởng không? Hay suốt ngày vẫn thị-phi, phải-trái, dính mắc hai
bên? Nếu tu kiểu đó thì sự tu kia chỉ là tu hình thức, chớ không phải miên mật,
sống chết với tu Thiền. Vì vậy họ phải thường xuyên đau ốm, bệnh tật là lẽ tất
nhiên. Bản thân chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về sự ứng dụng pháp do Hòa
Thượng chỉ dạy. Chúng tôi đã thực hành miên mật từng pháp một. Kết quả là suốt
thời gian bị tù, chúng tôi chẳng những chữa trị được vài bệnh kinh niên mà
chúng tôi đã bị trước năm 1974 lại còn được khỏe mạnh cho đến ngày được trả tự
do vào năm 1989. Chính vì lý do này nên chúng tôi rất tin tưởng nơi giá trị của
Định. Vì chúng tôi đã rơi vào trạng thái hoạt hóa cơ thể, hoạt hóa máu, hoạt
hóa dây thần kinh, rồi sau đó hết bệnh. Vậy thì điều quí vị thắc mắc, nên xem lại
người đó có nghiêm chỉnh thực hành hay không hay người đó tu theo phong trào, hoặc tu hình thức.
Tu là
chuyển nghiệp
16. Hỏi: - Bạch
Thầy. Như vậy, nếu người tu Thiền đạt được Định thì người đó có khả năng tránh
được bệnh tật hay chữa được một số bệnh tật nào đó. Vậy thì nguyên tắc này có
giống với nguyên tắc “Tu là chuyển
nghiệp” không?
Đáp: - Đúng
vậy. Hễ mình có tu thì mình chuyển được nghiệp của mình. Như Hòa Thượng Viện
Chủ giảng: “Tinh thần nhân quả của Đạo
Phật không phải gây nhân nào, chịu quả nấy trọn vẹn, ngoại trừ người không biết
tu thì nhân quả không sai khác. Còn với người biết tu thì nhân quả sai khác. TU
LÀ CHUYỂN NGHIỆP, giảm hết phiền não, khổ đau để được an vui, hạnh phúc; đó là
đúng theo lời Phật dạy. Nếu tu sai thì không chuyển được nghiệp nên phiền lụy
cứ dai dẳng, khổ đau không dứt trừ, lại còn thối chí tu tập, không được lợi ích
gì cả.” Điều này có nghĩa nội dung
nghiệp được chuyển trên nội dung tu. Chẳng hạn, với người tu Thiền, khi vào
Định, người đó có khả năng tự chữa một số bệnh tật nào đó của họ. Còn nếu tu
Thiền mà chưa vào được những tiến trình Định sâu thẫm, người đó cũng không thể
tự chữa hết những chứng bệnh khó chữa của họ. Cho nên, ở mặt này sự chuyển
nghiệp dựa trên giá trị mức độ tu hành. Người
không tu tập mà muốn thay đổi nghiệp của mình từ xấu trở thành tốt hơn, việc đó
không thể có trong nguyên lý chuyển nghiệp của Đạo Phật. Còn kẻ có tu hay
chuyên tu mà không tin mình có thể chuyển đổi nghiệp của mình, đó là mê
lầm nhân quả; mặc nhiên đồng hóa mình với người tin vào thuyết định
mạng hay số mạng và vô tình biểu lộ tư tưởng bi quan, không chấp nhận
những thang giá trị giải thoát trong Đạo Phật. Vì vậy, người này dù bề ngoài có vẻ
tu hành theo đạo Phật, nhưng nội tâm họ vẫn mang nhiều hoài nghi về việc tu của
họ. Do đó, họ dễ thay đổi lập trường tu hành, để rồi dễ rơi vào trạng thái đổ nghiệp. Nghĩa là thay vì
giải thoát được tâm, tâm của họ lại càng sa lầy trong việc phạm trọng giới: dâm, sát, đạo (dâm dục và tà dâm; giết
người và trộm cắp). Từ đó quả dữ tất nhiên phải đến với họ.
Tuy
nhiên, dù Định có cao thâm đến đâu cũng không có khả năng làm cho con người
trường thọ. Mạng căn con người vẫn nằm trong qui luật sinh diệt: Có sinh, tất
phải có tử. Trong một chừng mực nào đó, sức Định có thể duy trì phần chịu đựng
vật lý cơ thể tối đa là bao nhiêu, chớ không thể duy trì mãi mãi.
Sự khác nhau giữa Định trong
Thiền và Hít Thở trong Khí Công
17. Hỏi: - Thưa
Thầy. Con xin hỏi lại là giữa trạng thái Định của Thiền với sự thở của Khí công
đều giống nhau hay sao, vì cả hai đều có tác dụng chữa trị một số bệnh nào đó? Xin
Thầy giải thích rõ điểm này.
Đáp:
- Trên thật tế giữa 2 trạng thái Định trong Thiền và Hít Thở trong Khí Công đều
khác nhau. Thiền thì tĩnh, còn Hít Thở trong Khí Công thì
động.
Ngược lại 2 tác dụng đều giống nhau, nhưng sự giống nhau này chỉ trên
phạm vi chữa hay ngăn ngừa ốm đau, bệnh tật, còn trên mặt trí huệ hay tâm linh
thì khác nhau. Định trong Thiền và Thở trong Khí Công đều tạo ra được tác dụng
sinh học (bioaction) bên trong cơ thể người thực hành để tạo ra trạng thái hoạt
hóa máu, hoạt hóa tế bào thần kinh não, hoạt hóa dây thần kinh, và hoạt hóa cơ
bắp. Khi bị hoạt hóa như thế, máu sẽ ly tâm, các hệ thống tuyến nội tiết bị tác
động để tiết ra nội tiết tố, và hệ thống bạch huyết bào bị tác động để tiết ra
các chất nước hóa học và tạo ra các kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh, hay tiêu
diệt vi trùng, vi khuẩn và các vi sinh vật khác ở trong máu. Đây là điểm mà cả
2 trạng thái chữa trị một số bệnh đều giống nhau, nhưng mức chữa trị bệnh của
Định thâm sâu và kỳ diệu hơn mức thở của Khí Công. Trong lúc Khí Công phải vận
dụng sự Hít Thở, sự nén khí, sự thở ra và làm căng cơ bắp để tác động vào các
hệ thống bên trong cơ thể, ngõ hầu tác động vào các hệ thống đó tạo ra những
tác dụng sinh học với mục tiêu chữa trị bênh tật. Còn đối với Thiền, khi vào
được Sơ Định, thiền giả chỉ ngồi yên lặng với trạng thái trong não không khởi
nói một lời gì mà vẫn điều hòa khí huyết, điều hòa tim mạch và chữa nhiều chứng
bệnh hơn Khí Công. Đây là sự khác nhau về tư thế tập giữa Định trong Thiền và
Thở trong Khí Công.
18. Hỏi:
- Như vậy tại sao Thầy không dạy chúng con thực hành Định mà dạy chi thêm Khí
Công?
Đáp:
- Muốn vào Định không phải chuyện dễ. Nó đòi hỏi thời gian dụng công. Chúng ta
phải mất ít nhất là 3 tháng và lâu lắm là 6 tháng, với điều kiện dụng công miên
mật, còn nếu dụng công tà tà thì chẳng bao giờ vào được Định. Trong lúc đó điều
cần thiết trước mắt là qúi vị cần có sức khỏe tốt hay chữa trị bệnh cấp thời mà
không mất thời gian lâu như Thiền. Nên chúng tôi hướng dẫn quí vị thở theo Khí
Công trước, gọi là trợ duyên. Quí vị chỉ cần mất nhiều buổi công phu trong vòng
5 - 3 ngày là thấy bệnh tật thuyên giảm hay đạt được mục tiêu ngay. Tuy nhiên,
rồi đây chúng tôi cũng hướng dẫn quí vị vào Định. Còn bây giờ, chúng tôi hướng dẫn quí vị học lý thuyết và cách thực
hành Khí Công để giúp quí vị có hành trang tốt đi hết đoạn đường Thiền.
19.
Hỏi: - Nhiều
người có kinh nghiệm tu Thiền lâu năm họ nói muốn đạt Định thật khó lắm sao
Thầy nói nghe dễ quá vậy?
Đáp: - Quí vị không nhớ Lục Tổ dạy
mình Vọng
tưởng dừng là Định hay sao? Vậy nếu mình dừng được vọng tưởng thì mình
vào Sơ Định ngay nào có khó khăn gì? Do quí vị chưa từng dừng được vọng tưởng
nên quí vị thấy khó, còn người vào được rồi họ thấy dễ như trở bàn tay! Thật sự
giữa dễ và khó chỉ khác nhau ở phương hướng thực hành hay kỹ thuật thực hành.
Nếu quí vị nắm được kỹ thuật, quí vị sẽ vào Định như lấy món đồ chơi từ trong
túi, còn nắm không được thì dù quí vị có mất vài chục năm dụng công, quí vị
cũng chẳng làm sao qua được CỬA KHÔNG của Thiền. Đây là một thực
tế. Vì vậy khi bắt đầu thực hành, chúng tôi sẽ hướng dẫn quí vị cách làm chủ
niệm khởi. Còn bây giờ chúng ta học Khí Công, nên chúng tôi không đi sâu vào
chi tiết này. Phần này sẽ được hướng dẫn khi nào chúng ta học Thiền.
Giá trị của Lý thuyết về Khí công
20.
Hỏi: - Thưa
Thầy. Lý do nào chúng con cần phải biết thêm lý thuyết về Khí Công? Lý thuyết
có cần cho chúng con không? Và nếu học lý thuyết thì Thầy dạy những gì?
Đáp: - Sở dĩ quí vị phải được trang
bị lý thuyết, thứ nhất, quí vị sẽ biết rõ vài dữ kiện chuyên môn có tính cách
hàn lâm, liên quan đến vài chức năng đặc biệt trong cơ thể. Có
như thế quí vị mới biết lý do tại sao chúng ta thở theo Khí Công lại có khả
năng giúp chúng ta ngăn ngừa hay chữa trị một số bệnh tật như dị ứng, cảm cúm,
viêm, hen suyễn hay huyết áp cao, mất ngủ hoặc suy nhược thần kinh. Điều này có
nghĩa chúng tôi cố gắng đưa ra dữ kiện chuyên
môn với mục đích giúp quí vị có thêm kiến thức y học để quí vị vừa đủ niềm tin khi thực hành thở theo Khí Công vừa
có khả năng giải thích lại cho người khác biết những tác dụng của nguyên tắc thở
theo Khí Công. Bởi vì biết chừng đâu, trong một tương lai nào đó, quí vị sẽ có
điều kiện hướng dẫn người khác trong thân nhân, bè bạn, con cháu thở theo Khí
Công để chữa một vài chứng bệnh thông thường nào đó mà quí vị đã trải qua kinh
nghiệm; lúc đó quí vị sẽ có đủ khả năng hướng dẫn người khác mà không sợ mình
thiếu cơ sở khoa học về sinh lý học hay về cơ thể học.
Thực
chất Khí trong cơ thể
21. Hỏi: - Thầy
nói trong cơ thể mình có KHÍ, vậy thực chất Khí này nó là gì? Tác dụng của nó
ra sao? Trong khoa học có ai là người đầu tiên đã khám phá ra Khí đó?
Đáp:
- Theo kinh nghiệm và dựa vào tài liệu khoa học mà chúng tôi đã có dịp nghiên
cứu, nhưng không nhớ hết được, chúng tôi nhận thấy thực chất KHÍ trong cơ thể
con người là 1 dạng điện bẩm sinh hay điện sinh học (bioelectricity) mà tất cả
sinh vật đều có. Nếu không có dạng điện này, sinh vật không thể nào cử động
được. Nhờ có dạng điện bẩm sinh đó nên sinh vật mới di chuyển và truyền thông
với nhau bằng những tín hiệu riêng biệt của từng loài. Vào thế kỷ 18, từ những
năm 1770, nhà sinh lý học (physiologist) người Ý, tên Luigi Galvani (1737-1798)
là người đầu tiên đã khám phá ra hiện tượng điện (electrical phenomena) trong
sinh vật qua sự nghiên cứu và khảo sát những hoạt động từ loài kiến đến loài ốc,
rồi sau đó đến loài nhái. Từ các năm 1773 đến năm 1786 ông nghiên cứu kỹ về
điện sinh lý học (electrophysiology) trong loài nhái. Ông nhận định rằng tất cả
mọi sự vận động, di chuyển, truyền thông của loài thú đều phải thông qua dạng
điện bẩm sinh. Nếu không có dạng điện này, sinh vật không thể nào di chuyển. Đến
năm 1791, kết thúc công trình nghiên cứu trên 20 năm (1770-1791), ông ấn hành
bản luận án lấy tên là Bình luận về Hiệu
ứng Điện trên sự Vận động Cơ bắp (Commentary on the Effect of Electricity on
Muscular Motion). Ông kết luận rằng trong thú vật có một sức sống (vital force). Ông đặt tên là “Điện
thú vật - Animal Electricity”. Chính điện này đã hoạt hóa dây thần kinh và cơ
bắp. Vào thời đó ông đã xem não bộ là một cơ quan quan trọng nhất vì nó tiết ra
“Dịch điện-Electric fluid” và dây thần kinh dẫn truyền dịch đó đến dây thần
kinh và cơ bắp, làm cho cơ thể cử động. 200 năm sau (1991), những khám của ông
đã được các nhà khoa học hiện đại chứng minh là đúng sự thật. Thuật ngữ “Dịch
Điện” được đổi lại là “Điện hóa học- Electrochemistry”, “Điện Thú vật”, đổi lại
là “Điện Sinh học-Bioelectricity”. Ngoài ra, cách đây trên 2.000 năm, trong nền
y học Trung Hoa cổ thời, các nhà châm cứu cũng đã khám phá ra dạng điện đó, họ
đặt tên là KHÍ. Khí này vận hành trong các kinh mạch khắp cơ thể con người và
hội tụ tại các huyệt, nằm trên kinh mạch. Vào giữa thế kỷ 20, với những thiết
bị khoa học, các nhà châm cứu Nhật đã chế ra máy dò huyệt. Họ chỉ cần đặt một
bóng đèn nhỏ trên một điểm nào đó trên cơ thể, nếu bóng đèn ửng đỏ, họ biết nơi
đó có huyệt. Điều này chứng minh rằng huyệt là nơi hội tụ của Khí và thực chất
Khí là một dạng điện tử bẩm sinh, mang điện tích âm (Electron). Truyền thống y
học cổ thời Trung Hoa đã khám phá nguồn gốc sinh ra bệnh tật con người vốn do
sự lưu thông của Khí bị bế tắt trên kinh mạch nào đó. Chủ đích phép châm cứu
của họ là khai thông kinh mạch hoặc bế huyệt bằng một loại kim đặc biệt nhắm
ngăn chận cơn đau hoặc ngừa hay chữa trị các bệnh liên hệ đến cơ thể hay tạng
phủ. Thực chất kinh mạch không gì khác hơn là dây thần kinh mà trong đó Khí vận
hành, giống như dây điện mà dòng điện đi trong đó. Và hầu hết tại các huyệt đều
có sự hiện diện nhiều dây thần kinh tận cùng (nerve endings) hơn các nơi khác
trên da. Tất cả xung lực từ da truyền vào não đều phải xuất phát từ dây thần
kinh tận cùng. Sự đau đớn hay bệnh tật mà não cảm nhận được tiến hành theo
nguyên tắc này. Khi não tiếp nhận được 1 dòng xung lực từ nơi huyệt nào đó gởi
về, trung khu thần kinh (the central nervous system) liền tiết ra một chất nước
hóa học có tác dụng đáp ứng với nhu cầu chữa trị một thứ bệnh liên hệ. Thí dụ
như muốn chận đứng cơn đau của bệnh nhân, các nhà châm cứu dùng kim châm một
vài huyệt đặc biệt nào đó, có tác dụng chận đứng cơn đau; nơi đây liền truyền
xung lực thần kinh về não. Trung khu thần kinh liền đáp ứng ngay, bằng cách
tiết ra chất endorphins là chất làm mất cảm giác đau tự nhiên (natural analgesics).
Mặt
khác, từ trung khu thần kinh, não cũng phát ra xung lực truyền đến dây thần
kinh tận cùng để truyền những tín hiệu đến cơ quan liên hệ. Do đó bằng những kỹ
thuật luyện tập đặc biệt, các nhà Fakir Ấn độ có khả năng điều khiển tim mạch,
điều khiển phổi mà họ gọi là chế ngự “prana”.
Trong các phương pháp thở của Raja Yoga và Karma Yoga đều có đề cập đến môn
Thở để làm chủ “prana”. Còn các võ sư các môn phái võ Trung Hoa, cũng có khả
năng sử dụng ý chí để điều khiển Khí khai thông kinh mạch hay bế huyệt vừa để
chữa thương vừa để phục hồi sinh lực. Như vậy, bằng năng lực ý chí thông qua kỹ
thuật luyện tập, con người có khả năng tập trung Khí (Electron) và điều khiển Khí
châu lưu khắp cơ thể hay phát Khí ra ngoài khi họ muốn chữa thương cho người
khác hoặc làm di động các vật thể khác mà tay họ không chạm đến. Trong Khí
Công, có môn phóng khí, tụ khí, vận khí,
đề khí là những cách tập luyện với chủ đích điều khiển nguồn năng lực tiềm
tàng trong cơ thể con người mà họ gọi là Khí.
Khí
công của đạo Lão
22. Hỏi: - Trong
phép công phu của Đạo Lão có liên hệ gì đến Khí Công không?
Đáp:
- Có. Phải nói Lão Tử là người đầu tiên thiết lập môn Khí Công. Ông cũng là
người khai sáng Đạo Lão. Cho nên, theo truyền thống, Đạo Lão xem Khí là sinh lực (the vital energy), là sức sống (the life force) vốn trùm
khắp trong vũ trụ và làm hoạt động vạn vật. Lão Tử đã phân chia thế giới bên
ngoài là vũ trụ lớn thuộc dương. Còn
con người là vũ trụ nhỏ thuộc âm. Trong
con người, Khí tích tụ tại huyệt Khí Hải, nằm phía dưới rốn khoảng 7 phân. Ông
là người đầu tiên thiết lập Khí thành một hệ thống để dụng công gọi là “ công
phu”. Ông quan niệm rằng trong cơ thể con người tiềm tàng 3 năng lực: Tinh,
Khí, Thần. Nếu biết kết hợp 3 năng lực đó thành một thể thống nhất, con người
chẳng những ngăn ngừa hay chữa trị mọi thứ bệnh tật trong cơ thể mình mà còn
kéo dài thêm tuổi thọ. Ông đề ra phương pháp Luyện Đơn, tức là luyện tập đơn
điền bằng những kỹ thuật thở đặc biệt thông qua các tiến trình: Luyện
tinh hóa Khí, Luyện Khí hóa Thần, Luyện Thần huờn Hư để đánh thức nguồn
sinh lực bên trong cơ thể mà Ông gọi là chân
khí, nhắm giúp cơ thể khỏe mạnh, ngăn ngừa ốm đau, bệnh tật và kéo dài tuổi
thọ. Ông phân chia trong cơ thể có 3 trung tâm năng lực tiềm tàng, là đơn điền tinh, đơn điền khí và đơn điền
thần. Ở đây chúng ta chỉ tập thở để tăng cường nội lực, có sức khỏe dẻo
dai, ngăn ngừa và chữa trị một vài thứ bệnh tật do thời tiết gây nên, nên không
đi chuyên sâu vào những bộ môn đặc biệt khác của Khí Công.
Nguồn
điện của tim
23. Hỏi: - Thưa
Thầy. Con xin hỏi một câu hơi tò mò. Có phải Khí đó đã làm cho tim co bóp hay
không. Nếu không phải thì nguồn năng lực nào làm cho tim đập thành nhịp?
Đáp:
- Nếu dựa theo quan điểm “Điện thú vật” của Galvani thì có thể nói Khí đó đã
làm cho tim co bóp vì trong tim có một dạng điện đặc biệt, phát ra từ tai tim
phải. Đây là nguồn điện bẩm sinh riêng biệt của tim khác với nguồn điện bẩm sinh
trong mạng lưới tế bào thần kinh não. Nếu không có nguồn điện này, tim không
đập được. Còn đứng trên quan điểm Khí Công Trung Hoa thì dạng điện này khác với
KHÍ của Khí Công vì nó chỉ ở trong tim, chớ không đi theo hệ thống huyệt đạo
của Kinh Mạch như luồng chân khí của
các nhà Khí Công Trung Hoa khám phá ra.
24. Hỏi: - Nhân
đây, chúng con xin Thầy cho biết sơ lược về dạng điện đó ở trong tim. Tuy không
nằm trong chủ đề Khí Công, nhưng ít ra cũng có nhiều liên hệ đến Khí Công và
Thiền, bởi vì Tim đóng vai trò quan trọng trong việc bơm máu. Và cơ thể khỏe
mạnh hay không phần lớn tùy thuộc vào chức năng hoạt động của tim. Xin Thầy vui
lòng giải thích điểm này cho rõ vì bấy lâu nay chúng con không biết có dạng
điện này ở trong tim.
Đáp: - Đúng
vậy. Chức năng của tim đóng vai trò quan trọng trong sinh họat hằng ngày của
con người. Chức năng này được thể hiện bằng sự tuần hoàn máu. Sự tuần hoàn máu
này bắt nguồn từ quá trình họat động bơm
của tim dưới hình thái điện bẩm sinh (innate electricity) hay điện sinh học
(bioelectricity). Nơi phát ra dạng điện thế (action potential) này khởi đầu từ nốt
xoang nhĩ (the sinoatrial node) trên đầu tai tim phải. Chúng tôi chiếu hình
trên bảng cho quí vị thấy.
Đây
là nốt xoang nhĩ phải, nằm trên đầu tai tim phải. Nguồn gốc điện ở tim phát ra
từ xoang nhĩ này. Đây là nơi phát ra xung lực điện hay sóng khử cực (the
depolarization wave) truyền vào hố cơ tim (the atrial myocardium) bằng sợi thần
kinh đặc biệt. Xung lực điện này liền lan rộng ra khắp xoang nhĩ rồi cuối cùng
truyền đến nốt tâm nhĩ thất (the atrioventricular node) phải, nằm phía dưới tai
tim phải (right atrium). Nơi đây dòng
điện lan truyền ngược lên khắp tâm thất trái và phải bằng những sợi thần kinh
đặc biệt, kết quả tạo ra nhịp đập của 2 tai tim phải và trái cùng một lúc.
25. Hỏi: - Thưa
Thầy. Nhân đây chúng con cũng muốn biết về nhịp đập của tim trung bình là bao
nhiêu, và với điều kiện như thế nào gọi là bệnh loạn nhịp tim. Nguyên nhân nào
gây ra bệnh xơ vữa mạch? Chứng nhồi máu cơ tim bắt nguồn từ đâu? Nếu thở bằng
Khí Công có điều chỉnh được nhịp tim không? Người tu Thiền có quân bình được
nhịp tim không?
Đáp:
- Tim đập với tỷ lệ 70 đến 80 nhịp mỗi phút. Hầu hết con người có nhịp tim đập
giữa 60 và 100 nhịp trong mỗi phút. Đến tuổi già, từ 70 trở lên, nhịp tim đập
chậm lại. Đa số lực sĩ đều có nhịp tim đập 60 mỗi phút. Người tu Thiền nếu vào
được Định một cách vững chắc, cũng có nhịp tim đập thấp từ 50 đến 60 nhịp trong
mỗi phút. Khi họ vào Định thì nhịp thở rất khẽ. Tuy nhiên, dù nhịp tim thấp,
nhưng tim của họ vẫn phát triển tốt và bơm máu khắp châu thân có hiệu quả cao
như trạng thái tim bơm nhanh của người bình thường với nhịp giữa 70 và 80
nhịp/phút. Ngoài ra trong trạng thái thư giãn hoàn toàn hay trong lúc ngủ, nhịp
tim cũng giảm thấp. Nếu nhịp tim đập trên 100 nhịp/phút hay dưới 60 nhịp/phút
bị xem là bệnh loạn nhịp tim (cardiac
arrhythmia). Nguyên nhân thông thường của bệnh này là bệnh vành tim (coronary heart disease). Mạch máu cung cấp máu cho
tim bị hẹp lại do chất béo lắng lại trong mạch máu, gây ra bệnh xơ vữa mạch (atheroma), không cung cấp
máu đủ cho các mô, làm cho nơi nào đó trong cơ thể bị đau nhức, sau đó đưa đến
chứng nhồi máu cơ tim (myocardial
infarction hay heart attack). Bằng phương pháp thở Thiền, chúng ta quân
bình được nhịp tim.
26. Hỏi: - Thưa
Thầy. Qua sự giải thích của Thầy, chúng con được biết là nhờ hình thái điện bẩm
sinh từ tai tim phải, tạo ra sự bơm máu của tim qua động mạch đến phổi và khắp
tất cả các mô rồi trở về tim qua tĩnh mạch. Còn dưới hình thái không tự nhiên
thì những yếu tố nào ảnh hưởng đến nhịp đập của tim?
Đáp:
- Dưới hình thái không tự nhiên, có những yếu tố đặc biệt khác làm ảnh hưởng
đến nhịp đập của tim. Thứ nhất là thông qua hệ thần kinh tự quản (the autonomic
nervous system) gồm giao cảm thần kinh. Nó được xem như là tác nhân gia tốc
(accelerators) nhịp tim. Còn đối giao cảm thần kinh, được xem như là cái thắng
(brakes). Thí dụ nếu cơ thể quí vị bị cảnh giác về một điều nào đó trước mắt
như phải chiến đấu hay tháo chạy (fight-or-flight) thì giao cảm thần kinh liền hoạt động ngay, làm tỷ lệ nhịp tim gia
tăng; ngược lại nếu tâm quí vị an tịnh, thông qua thở Thiền, đối giao cảm thần kinh kinh bị kích
thích làm giảm tỷ lệ nhịp tim. Chính vì vậy, nếu tâm rối loạn, bất an qua những
trạng thái sợ hãi, kinh hoàng, sân hận, uất cảm (emotional stress) là điều kiện
tạo ra huyết áp cao, gia tốc nhịp tim và co thắt cơ tim vì giao cảm thần kinh tiết ra chất hóa học norepinephrine, làm thắt mạch máu, tim đập nhanh và tăng độ đường
máu. Hai là, thông qua các thức ăn uống có nhiều kích thích tố, như rượu, cà
phê và các chất béo cũng làm ảnh hưởng đến nhịp tim vì những thứ đó có khả năng
tạo ra huyết áp cao và cholesterol. Trong đó, đáng kể nhất là rượu.
Rượu tạo ra 1 loại bệnh gọi là bệnh cơ
tim (cardiomyopathy). Bệnh này làm cho tim lớn ra (enlarged).
Có
vài loại thuốc cũng gây rối loạn nhịp tim và làm hại cơ tim, như thuốc chống
giảm đau (antidepressants), thuốc chống ung thư (anticancer drug doxorubicin).
Chúng
tôi cũng nói thêm cho quí vị rõ: Trung tâm điều khiển nhịp đập của tim nằm ở
Cầu não hay Cuống não (brain stem), hoặc Hành tủy (medulla oblongata). Khi thực
hành Thở trong Khí Công hay thở trong Thiền, chúng ta đã sử dụng trung tâm này,
làm tác động đến dây thần kinh phế vị, hay dây thần kinh X. Chúng tôi sẽ giải
thích rõ phần này ở đoạn khác, khi hướng dẫn cách thực hành thở trong Khí Công
hay thở Sổ Tức trong Thiền.
Tuần
hoàn máu và Chức năng của máu
27. Hỏi: - Thưa
Thầy. Con có phần hơi tò mò, muốn biết đại cương tuần hoàn máu như thế nào
trong cơ thể, vì con thấy phần lớn cơ thể khỏe mạnh hay ốm đau đều tùy thuộc
vào máu. Con không biết sự tuần hoàn đó diễn tiến ra sao. Nếu có thể giảng được
xin Thầy nói sơ lược cho chúng con biết.
Ai
cũng biết máu bơm khắp châu thân. Hệ thống tuần hoàn máu bắt đầu từ bên tim
trái, nơi đó tâm nhĩ trái nhận máu với đầy đủ dưỡng khí từ tuần hoàn phổi. Máu
được bơm từ tâm nhĩ trái đến tâm thất trái, từ đó máu rời khỏi tim đi vào động
mạch chủ rồi đến các nhánh động mạch và tiếp tục chảy cho đến tận cùng những
mao mạch. Khi di động qua các thành mao mạch, dưỡng khí và các chất dinh dưỡng
rời khỏi máu vào các mô cơ thể; thán khí và các chất cặn bả khác được bài tiết
ra ngoài qua các hệ thống phổi (thở ra), gan (lọc) và thận (đi tiểu). Mao mạch
tải máu đen (máu bị khử hết dưỡng khí) vào tiểu tĩnh mạch để đến tĩnh mạch chủ.
Từ đó máu trở về tim qua tâm nhĩ phải. Từ tâm nhĩ phải máu vào tuần hoàn phổi
qua tâm thất phải. Nơi đây máu bơm khắp động mạch phổi đến phổi. Từ phổi, thán
khí ra khỏi máu và dưỡng khí đi vào phổi. Rồi sự tuần hoàn cứ tiếp diễn liên
tục như trước.
Trong
sự tuần hoàn này có một đường vòng đến gan. Mao mạch truyền các chất dinh dưỡng
từ bao tử, ruột và những cơ quan tiêu hóa khác vào các tế bào gan để nơi đây
cất giữ hay tồn trử. Máu từ trong gan lại tiếp tục trở lại hệ thống tuần hoàn
chính qua ngã tĩnh mạch chủ phía dưới.
Trong
cuộc vận hành từ tim đến các mô, máu bị dồn ép theo động mạch ở áp lực cao,
trái lại trong cuộc vận hành trở về tim qua tĩnh mạch, máu ở áp lực thấp.
28. Hỏi: - Con xin hỏi thêm. Xin Thầy cho biết chức năng của máu trong cơ thể như thế nào?
Đáp:
- Chức năng của máu gồm 3 việc.
Việc thứ nhất là phân phối. Trong sự phân phối này, máu làm 3 nhiệm vụ:
Việc thứ nhất là phân phối. Trong sự phân phối này, máu làm 3 nhiệm vụ:
1) Máu vận chuyển dưỡng khí từ phổi đến
các mô và vận chuyển thán khí từ các mô đến phổi. Máu cũng mang chất dinh dưỡng
như đường, chất béo và chất đạm từ đường tiêu hóa đến tất cả tế bào cơ thể
(body cells).
2) Máu vận chuyển những chất thải ra
(wastes) từ các tế bào đến gan để gan làm vỡ ra và được bài tiết từ nơi thận.
3) Máu vận tải nội tiết tố
(hormones) được sản xuất từ những cơ quan nội tiết (the endocrine glands) khác
nhau đến các cơ quan then chốt trong cơ thể, như thận, lá lách, tim, gan, phổi.
Việc
thứ hai của nó là Bảo vệ. Trong sự bảo
vệ này, vai trò của máu như sau: Chống lại sự nhiễm độc do sự xâm nhập của vi
trùng, vi khuẩn và độc tố. Nó chứa nhiều cơ chế tài tình để làm ngưng chảy
(máu) do bị đứt hay bị vỡ
từ bên trong cơ thể; nó hàn kín những mạch máu bị tổn thương, bảo vệ sự gây hại
do cục nghẽn tạo ra, và giúp hồi phục sự tổn thương.
Thông qua quá
trình hít thở,
nén khí và thở
ra đúng theo nguyên tắc khí công,
máu giúp ta tiêu trừ một số bệnh tật kinh niên hay nhất thời.
Việc thứ 3 của nó là Điều hòa. Nó
duy trì thân nhiệt (37 độ C hay 98 độ F); duy trì dung tích máu trung bình cho
người lớn nam nữ là 4 lít 7. (Đối với cơ thể khỏe mạnh: Nữ: từ 4 đến 5 lít;
Nam: từ 5 đến 6 lít.)
Yếu
tố cấu tạo máu
29. Hỏi: - Thưa
Thầy. Khi nảy Thầy có nói vai trò của máu trong việc phòng vệ cơ thể là chống
lại sự nhiễm độc do sự xâm nhập của vi trùng, vi khuẩn và độc tố. Xin Thầy cho
biết rõ yếu tố nào giúp cho máu làm được nhiệm vụ đó?
Đáp: - Như
chúng ta học Bát Nhã Tâm Kinh, biết rằng, vạn pháp đều không có nguyên tướng
trạng của nó mà do nhiều phần kết hợp lại. Thực tướng máu trong cơ thể chúng ta
cũng hình thành theo nguyên tắc đó. Tức là dòng máu được kết hợp bởi những hạt máu, gọi là tế bào máu (blood
cells). Và trong dòng máu đó còn có những chất khác nữa. Chính những chất này
lập thành dòng máu. Bằng kính hiển vi (microscope), chúng ta sẽ thấy hạt máu đỏ
có hình dáng như cái dĩa lõm ở 2 đầu, có đường kính khoảng
7ly5, và thấy nhiều chất khác. Trong số đó có 1 chất làm nhiệm vụ tiêu diệt vi
trùng, vi khuẩn, ký sinh trùng, chữa trị viêm và dị ứng là Leucocytes. Còn một
chất khác vừa làm lợi mà cũng vừa gây hại là chất Thrombocytes. Ngoài ra còn có
chất thứ 3 mà cũng là chất đóng vai trò chính trong máu là Hồng Huyết Cầu (Red
blood corpuscles), danh từ khoa học gọi là Erythrocytes.
30. Hỏi: - Nhân
đây xin Thầy cho biết thành phần và vai trò của erythrocytes hay Hồng huyết cầu
trong máu như thế nào mà Thầy cho là quan trọng?
Đáp:
- Trong danh từ Hy lạp erythro có nghĩa đỏ.
Erythrocytes là thuật ngữ y học dùng để chỉ tế bào máu đỏ (red blood cells), hay là hồng huyết cầu (red blood corpuscles). Mỗi hồng huyết cầu chứa nhiều diếu tố (enzymes), muối và đường. Diếu tố là 1 tiểu cầu đạm chất (globular
protein), vai trò của nó là xúc tác các chất hóa học khác để điều hòa và gia
tốc nhịp độ phản ứng hóa học trong cơ thể, giúp cho cơ thể được quân bình. Diếu
tố được sản xuất tùy theo các cơ quan trong cơ thể, nên có hàng ngàn thứ diếu
tố khác nhau ở
mỗi cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt diếu tố từ trong ruột non, nếu kết hợp với
dưỡng khí trong erythrocytes, sẽ tạo ra hemoglobin. Chính vì thế trong quá
trình nén khí của Khí Công tại Đơn Điền, huyệt quang nguyên, cách rốn 8 phân,
vô hình trung ta đã hội tụ máu vào ruột non, làm tăng số lượng hemoglobin là
chất làm màu đỏ cho máu). Còn chức
năng chính của erythrocytes là thu dưỡng khí trong phổi và phân phối cho tất cả
tế bào cơ thể. Đường kính của nó khoảng 7ly5 có dạng giống như cái dĩa lõm ở
2 đầu. Thành phần chính cuả erythrocyte là
hemoglobin.
31. Hỏi: - Xin
Thầy cho biết vai trò của hemoglobin như thế nào trong máu?
Đáp:
- Như nói khi nảy, Hemoglobin là chất làm màu đỏ cho máu. Hemoglobin mang dưỡng
khí từ phổi đến các mô cơ thể. Nó cung cấp năng lượng (energy) cho tất cả tế
bào để tạo ra phản ứng hóa học trong cơ thể. Trung bình trong tế bào máu có 350
triệu phân tử hemoglobins và mỗi phân tử mang 4 phân tử dưỡng khí. Hemoglobin
là một loại chất đạm (protein) có chứa chất sắt (iron). Trong tất cả thú vật (chim,
cá, sâu bọ, loài có vú) đều có hemoglobin. Số lượng hemoglobin cao tùy thuộc
vào số lượng dưỡng khí tập trung cao hơn. Do đó sự hít thở
sâu là quá trình tập trung cao dưỡng khí, gíúp cho cơ thể được hồng hào. Ngoài
ra những chất dinh dưỡng khác như rau xanh, ngũ cốc, chất đạm, chất sắt và
B-complex vitamins cũng là chất cơ bản tạo ra hemoglobin. Trong cơ thể con
người có khoảng 65% chất sắt cung cấp để tạo ra hemoglobin (khoảng 4000 mg).
Gan, lá lách và tủy xương (bone marrow) là nơi chứa hemoglobin. Ngoài ra gan
cũng được xem là cơ quan sản xuất hemoglobin.
32. Hỏi: - Thưa
Thầy. Con xin hỏi 1 câu có vẻ ngoài lề, nhưng chúng con cũng cần biết cho rõ, xin
Thầy vui lòng giải thích. Khi nảy Thầy có nói “Nhờ hít thở
sâu, đem dưỡng khí vào nhiều mình mới được hồng hào”. Vậy khi một người vào
được Định, họ rơi vào trạng thái tịnh tức. Họ ngồi im re, không hít thở
như người tập Khí Công cớ sao họ lại hồng hào?
Đáp:
- Sở
dĩ họ được như thế, nguyên do như sau: Khi một người vào Định hoặc những tiến
trình Định, họ rơi vào trạng thái tịnh tức (quiet breathing) hay thở cạn (shallow breathing) hoặc ngưng thở
(suspension of breathing), mỗi phút chỉ còn từ 10 đến 12
nhịp. Họ thở
rất khẽ và rất ngắn, tưởng
chừng như họ không thở.
Điều này đã làm cho mức độ dưỡng khí trong phổi họ xuống thấp, máu của họ không
đủ dưỡng khí để cung cấp bình thường cho các tế bào trong cơ thể họ, (trong đó
có các tế bào trong thận). Thận liền phản ứng ngay bằng cách tăng cường việc sản
xuất nội tiết tố erythropoietin là chất làm ra hồng cầu trong máu. Chất này
cũng là một chất đạm, tên glycoprotein. Nếu
vị ấy càng duy trì được trạng thái Định trong nhiều giờ, số lượng dưỡng khí
càng tụt xuống thì thận vị ấy lại càng tăng sản xuất nhiều erythropoietin. Và
nếu hằng ngày vị ấy đều vào Định, thận lại tăng cường sản xuất erythropoietin;
thế là vị ấy có nước da hồng hào, mịn màng như có bồi dưỡng sinh tố B- 12. Đây
là kết quả tất nhiên của người đạt được Định. Như vậy nếu một người tu Thiền
lâu năm mà nước da họ xám xịt hay xanh mét, chắc chắn người đó chưa nếm được mùi vị Định. Đó là chưa kể những chất
nước hóa học khác được tiết ra từ trong thận và vỏ thận, giúp cơ thể họ hưng
phấn. Chúng tôi sẽ giảng thêm phần này khi quí vị học Thiền.
33. Hỏi: - Thưa
Thầy. Vì sao trong Khí Công chỉ dùng thở mà chữa trị được cảm cúm hay những thứ
viêm và dị ứng?
Đáp:
- Nguyên do là trong quá trình nén khí và
thở ra, ta đã tác động đến hệ thống tuần hoàn máu và hệ thống bạch huyết (the lymphatic system),
khiến 2 hệ thống này tạo ra những kháng thể để tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn và những
vi sinh vật khác trong cơ thể. Ngoài ra chúng tôi cũng cần nói thêm cho quí vị
rõ là chính trong máu chúng ta có số lượng tế bào máu trắng đáng kể: khoảng 7,
500 tế bào máu trắng trong mỗi ly khối máu (cubic millimeter of blood); chức
năng của tế bào máu trắng này là ăn vi
trùng, vi khuẩn và chống lại sự nhiễm độc (infection) trong cơ thể chúng ta.
Trong quá trình thở ra theo phương
pháp của Khí Công, vô tình ta đã tác động được lớp tế bào máu trắng trong dòng máu, thông qua trạng thái máu ly tâm, làm cho những thành phần
trong tế bào máu trắng bị tác động vừa để sản xuất kháng thể, vừa được chuyển
vận đến khắp nơi trong cơ thể để tìm và diệt vi trùng, vi khuẩn tại những nơi
nào ta bị viêm, hay tại những nơi có sư hiện diện của vi trùng, vi khuẩn và vi
sinh vật. Cho nên sự nén khí và sự thở ra của Khí Công rất quan trọng đối với
sự chữa bệnh do vi trùng, vi khuẩn gây nên. Khi nào bắt đầu thực tập đến phần
này, chúng tôi sẽ giải thích rõ hơn nữa cho quí vị.
Thành
phần và chức năng của tế bào máu trắng
34. Hỏi: - Bạch
Thầy. Thầy có thế nói rõ những thành phần và chức năng của tế bào máu trắng này
cho chúng con biết thêm chi tiết không? Tại sao chúng lại ăn được vi trùng, vi khuẩn và tiêu diệt các vi sinh vật khác? Tại
sao trong tế bào máu trắng lại tạo ra được kháng thể? Chúng con muốn biết cho
rõ để lỡ có ai hỏi mình, mình không ú ớ!
Đáp: - Trong
thuật ngữ sinh vật học, tế bào máu trắng gọi là leucocytes, cũng gọi là bạch huyết cầu (White blood corpuscles) vai
trò chính của nó là bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm độc (infection) bằng cách
sản xuất ra kháng thể hoặc chính những thành phần trong tế bào máu trắng ăn hết vi trùng, vi khuẩn để bảo vệ cơ
thể. Về thành phần tế bào máu trắng gồm có 3 loại: granulocytes, monocytes và lymphocytes.
Trong đó lymphocytes đóng vai quan trọng hơn cả. Chính trong quá trình nén khí, chúng ta đã tác động trực tiếp
vào lymphocytes. Chúng tôi sẽ nói rõ phần này ở phần nén khí.
1-
Bây giờ chúng tôi nói trước hết về tế bào Granulocytes.
Loại này gồm 3 thứ: neutrophils, eosinophils
và basophils.
a) Neutrophils
có trách nhiệm cô lập và tiêu diệt vi trùng tràn
ngập bằng cách nhai nuốt hết (swallowing) vi trùng. Do đó nó được gọi là thực
bào.
b) Eosinophils.
Vai trò đặc biệt nhất của nó là phản công, chống lại những ký sinh trùng
(parasitic worms), như sán sơ mít hay sán dẹt (flatworms) và sán lãi hay giun
đũa (roundworms), giun móc (hookworms), giun kim hay lãi kim (pinworms). Những
loại giun (worms) này được nở ra trong thức ăn được tiêu hóa trong ruột hay xâm
nhập (invade) vào cơ thể qua da rồi rút chui vào ruột hay qua màn nhầy hô hấp.
c) Basophils.
Chức năng của nó là tấn công những dị ứng (allergic reactions) làm cho những
chất hóa học gồm có phấn hoa, thức ăn,uống hay những mùi đặc biệt nào đó do ta
hít vào qua đường hô hấp, đưa đến bị viêm hay dị ứng, không tác hại được. Basophils chứa nhiều chất hóa học tên histamine (chỉ có khoảng 0,5% trong leucocytes). Histamine là một chất hóa
học có tác dụng chống lại triệu chứng viêm (symptoms of inflammation).
2- Loại thứ hai là Monocytes. Nó cũng là một loại thực bào (phagocyte) như granulocyte chuyên tấn công tiêu diệt các loại vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, bằng cách tuần hoàn theo dòng máu. Nó góp phần quan trọng trong hệ thống miễn nhiễm (immune system).
2- Loại thứ hai là Monocytes. Nó cũng là một loại thực bào (phagocyte) như granulocyte chuyên tấn công tiêu diệt các loại vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, bằng cách tuần hoàn theo dòng máu. Nó góp phần quan trọng trong hệ thống miễn nhiễm (immune system).
3- Loại thứ ba là Lymphocytes. Vai trò quan
trọng nhất của lymphocytes là chống lại sự nhiễm khuẩn, u tế bào (tumor cells)
và dị ứng. Khi dị ứng nguyên (allergens) vào cơ thể, vài ngày sau nó liền bị
lymphocytes nhận biết. Lymphocytes liền sản xuất kháng thể đặc biệt để bao vây
dị ứng nguyên. Lymphocytes tuần hành (roving
around) khắp cơ thể giữa dòng máu và tuyến bạch huyết (lymph glands) để bảo
vệ cơ thể. Có 2 loại lymphocytes: B-Lymphocytes và T-Lymphocytes. T-Lymphocytes
chịu trách nhiệm làm chậm hiện tượng dị ứng (allergy) hay hiện tượng tăng nhạy
cảm (hypersensitvity phenomena). T-Lymphocytes không sản xuất kháng thể như
B-Lymphocytes, nhưng khi chúng nhận biết có tế bào lạ vào cơ thể, chúng liền đi
đến tế bào kia và kẹp dính vào tế bào đó rồi tiết ra chất nước hóa học tên là lymphokines để tiêu diệt tế bào lạ bất
thường kia. B-Lymphocytes, trái lại sản xuất tế bào plasma (plasma cells)
để tế bào này tạo ra kháng thể dính chặt vào kháng nguyên để tiêu diệt vi sinh
vật.
Phần Hai: NHỮNG ĐIỂM THEN CHỐT
VỀ THỞ TRONG KHÍ CÔNG
Nguyên tắc Thở
35. Hỏi: - Bạch
Thầy. Trước khi thực hành thở, xin Thầy cho chúng con biết phải áp dụng như thế
nào?
Đáp:
- Trong Khí Công có nhiều phương pháp Thở. Ở đây chúng tôi xin đề cập đến
phương pháp Thở 3 thì và theo nguyên tắc 1-4-2. Thế nào là thở 3 thì? Thở 3 thì
là một lần dụng công, người thực hành phải làm 3 việc. Trước hết là hít vào, kế
đó là nín thở, gọi là nén khí và sau
cùng là thở ra. 3 lần động tác như thế đều phải gắn liền với nhau, tức là không
bị cắt đứt ở 1 quảng nào, gọi là 3 thì (lần). Nếu chỉ hít vào, thở ra như sổ
tức, gọi là Thở 2 thì (lần). Chữ “thì” ở đây được dịch từ chữ Anh là “time”. Có
nghĩa “lần”.
36. Hỏi: -
Bạch Thầy. Con nhiều lần nghe Thầy nói về nguyên tắc 1-4-2, nhưng con chưa được
rõ lắm, xin Thầy giảng kỹ nguyên tắc này.
Đáp:
- Hít vào tính 1, nín thở phải gấp 4 lần hít vào và khi thở ra gấp 2 lần hít
vào. Đây gọi là nguyên tắc 1-4-2. Thí dụ: Khi hít vào, ta đếm nhẩm trong trí 3
tiếng đếm (1, 2, 3), thì khi nín (gọi là nén
khí), ta phải nín gấp 4 lần hít vào:
3 x 4= 12. Lúc đó ta phải đếm nhẩm từ 1 đến 12. Và khi thở ra, ta thở gấp
2 lần hít vào: 3 x 2 = 6 tiếng đếm. Như vậy, nếu
Hít
vào: 5 tiếng đếm (từ 1 đến 5)
Khi
nén khí bằng: 5 x 4= 20 tiếng đếm
Khi
thở ra bằng: 5 x 2= 10 tiếng đếm
Nếu
hít vào: 10 tiếng đếm (từ
1 đến 10)
Khi
nén bằng: 10 x 4 = 40 tiếng
đếm
Khi
thở ra bằng: 10 x 2 = 20 tiếng
đếm.
Nguyên
tắc 1-4-2 là như thế. Có nghĩa: Hít 1. Nín 4. Thở ra 2.
36. Hỏi: -
Thưa Thầy. Tại sao phải thở theo nguyên tắc 1 - 4 - 2? Tác dụng này như thế nào
trong cơ thể?
Đáp:
- Nguyên tắc này nhắm mục đích tạo ra sự ly
tâm máu đồng bộ trong cơ thể chúng ta. Khi ta hít vào 1, ta phải nín hơi gấp
4 lần hít vào (1 x 4 = 4). Đây là quá
trình tập trung máu vào một điểm nào đó trong cơ thể. Khi đủ số 4 lần, ta
từ từ thở ra gấp 2 lần hít vào (1 x 2 = 2). Trong quá trình thở ra này, máu ta
rơi vào trạng thái ly tâm đồng bộ. Có
nghĩa toàn bộ các phân tử máu đều đồng loạt chảy tủa ra thật nhanh trong hệ
thống động mạch khắp châu thân chúng ta, phù hợp theo quá trình thời gian thở
ra gấp 2 lần hít vào. Nếu áp dụng không đúng, ta sẽ chẳng tạo ra được trạng
thái ly tâm máu. Đó là lý do tại sao ta phải thở theo nguyên tắc 1- 4 - 2.
Tác
dụng Ly Tâm Máu và kỹ thuật Thở
37. Hỏi: -
Xin Thầy giải thích về ý nghĩa ly tâm máu.
Đáp:
- Trong quá trình nén khí, máu tập trung vào một điểm nào đó theo sự tập trung ý
nghĩ của ta. Lúc bấy giờ hầu hết máu đều tập trung vào hệ thống tĩnh mạch ngay
nơi ta tập trung ý nghĩ. Với lòng ống rộng, tĩnh mạch có thể chứa một số lượng
thể tích máu lớn hơn số bình thường. Hơn 65% máu cung cấp cho toàn cơ thể được
tìm thấy ở tĩnh mạch bất cứ lúc nào, vì vậy tĩnh mạch được gọi là bồn chứa máu (blood reservoirs). Rải rác
trong cấu trúc hệ thống tĩnh mạch còn có nhiều thích nghi khác là đầy rẫy nắp
valves chận máu ở khắp tứ chi, không cho máu chảy ngược lại và đối nghịch với
sức hút của quả đất, nghĩa là thay vì rơi xuống, máu cứ chảy lên để về tim. Khi
ta nén
khí, máu liền tự động tập trung vào các bồn chứa của hệ thống tĩnh
mạch. Đây gọi là quá trình máu hướng tâm.
Khi thở ra chính là lúc máu được dịp tập hợp trở về tim qua hệ thống tĩnh
mạch để xịt ra từ tim đến động mạch chủ. Giống như ta mở vòi bơm nước, dưới áp
lực cao làm nước phun vọt mạnh ra ống nước, bắn thành tia mạnh. Sự xịt ra của
máu dưới áp suất cao cũng tương tự như thế, máu bị sức đẩy mạnh từ hệ thống
tĩnh mạch theo nhịp thở ra gấp 2 lần hít vào, bắt buộc máu phải chảy nhanh theo
tỷ lệ gấp 2 lần hít vào. Đây gọi là ly
tâm máu, tức là máu thoát ra từ tim với vận tốc nhanh hơn bình thường và kéo
dài thời gian chảy mạnh (theo nhịp thở gắp 2 lần hít vào). Trạng thái chảy này
của máu không giống như trạng thái tuần hoàn bình thường: máu di động trong hệ
thống động mạch với tốc độ nhanh. Như vậy, ly tâm máu có nghĩa máu được bơm ra
mạnh từ tim qua động mạch chủ đến hệ thống động mạch, cuối cùng đến các mao
mạch, sau thời gian ta nín thở và chuyển vận cơ bắp, cộng với sự
tập trung ý nghĩ vào một chủ điểm trên cơ thể để thực hành nguyên tắc nén khí. Trong
quá trình này, đường kính động mạch chủ và những nhánh chánh động mạch đều nở ra
để đủ sức chứa lưu lượng máu được bơm từ tim theo tốc độ thở ra gắp 2 lần hít
vào. Đặc tính động mạch ở gần tim đều có vách dày và đường kính rộng lớn, làm
cho lòng mạch đủ sức chứa lượng máu từ tim bơm ra, và những động mạch đó đều có
sức đàn hồi, gọi là động mạch đàn hồi (elastic arteries). Có nghĩa động mạch nở
ra rộng rồi thu nhỏ lại một cách thụ động để thích nghi với sự thay đổi thể
tích máu. Nó có 3 lớp vỏ, trong đó lớp vỏ giữa là có sức đàn hồi nhiều nhất.
Nhờ sức đàn hồi này mà máu được giữ nguyên áp suất liên tục trong quá trình thở
ra, tương ứng với nhịp thở gấp 2 lần hít vào mà không bị gián đoạn theo nhịp
đập của tim. Đây là ý nghĩa sự ly tâm máu.
38. Hỏi: - Xin
Thầy giải thích tác dụng của sự ly tâm máu thông qua sự nén khí?
Đáp:-
Tác dụng chủ yếu này, cụ thể như sau: Trong quá trình ly tâm, máu tạo ra 2
trạng thái ma sát (friction). Thứ nhứt là sự ma sát giữa
các phân tử máu (hay hạt máu) với nhau. Thứ hai là sự ma sát giữa lưu lượng máu
(blood flow) với thành mạch máu.
Về
trường hợp thứ nhứt, các phân tử máu bị thúc ép bởi số lượng hơi thở ra gấp 2 lần hít vào nên phải
chảy thật nhanh hơn sự tuần hoàn bình thường trong lòng ống mạch máu, chúng ma sát lẫn nhau, làm vỡ những chất còn
kết lại trong máu mà không được gan tiêu hủy, như chất béo (fats), chất đạm
(proteins) từ trong thức ăn gồm trứng, thịt, cheese và những sản phẩm bơ sữa (dairy
products), như dầu ăn (vegetable oil), bơ thực vật (magarine) và bơ (butter).
Những chất này tuy là yếu tố cơ bản cho sự sống con người, ngược lại cũng đưa đến
sự nguy hiểm sinh mạng con người, nếu chúng không được tiêu hủy hết và sẽ kết
lại thành những mãng nhỏ. Những mãng nhỏ này gọi là tiểu cầu mỡ (fatty plaque) đóng bên trong màng động mạch. Màng động
mạch là một trong 3 thành phần cấu tạo vách động mạch hay thành động mạch
(arterial wall). Sự xơ cứng động mạch [cũng gọi là vữa xơ động mạch (Atherosclerosis)] và động mạch vành (coronary
artery) bị hẹp lại, gây ra bệnh động mạch vành tim (CORONARY ARTERY DISEASE),
bắt nguồn từ khối tiểu cầu này. Nếu chúng càng có nhiều trong máu, chúng sẽ kết
lại thành khối để cuối cùng tạo thành cholesterol, đôi khi thành chất vôi
(calcium). Chúng tăng dần lên theo số tuổi, cuối cùng tạo thành cục nghẽn máu
(blood clots/thrombi) đưa đến nguy hiễm tánh mạng. Vì vậy tác dụng của quá
trình ly tâm máu, trước hết là chúng ta sẽ làm tan các chất béo và chất đạm vốn
còn lại trong máu chúng ta để chận đứng sự hình thành cholesterol trong máu;
ngừa được bệnh xơ cứng động mạch và bệnh làm tăng máu cao.
Về
trường hợp thứ hai, trong quá trình ly tâm máu vừa kể, thể tích lưu lượng máu
được bơm từ tim chảy ra nhanh hơn và lớn hơn mức độ bình thường, tạo ra sự ma sát vào thành mạch máu sát hơn. Độ
ma sát càng lớn khi lưu lượng máu chảy vào hệ thống mạch máu nhỏ của tiểu động
mạch và tiểu tĩnh mạch. Vì thể tích máu lúc bấy giờ lớn hơn lúc thở bình thường
và đường kính các tiểu động mạch và tiểu tĩnh mạch lại nhỏ nên sự va chạm vào
thành mạch máu phải sát nhiều hơn. Nhờ sức ma sát đó, ta có thể làm cho thành
mạch máu ở khắp nơi trong cơ thể, đặc biệt nhất ở não và tim không bị tắc
nghẽn, do những chất béo và chất đạm kết lại thành khối đóng lại trong đó.
Những khối nghẽn hay cục nghẽn này sẽ bị vỡ ra thành những
phiến nhỏ, hay mãng nhỏ (hay bị làm tiêu
mòn) máu cuốn những phiến nghẽn nhỏ đó, đưa về gan để gan làm
nhiệm vụ tiêu hủy chúng, sau đó thận sẽ bài tiết ra qua đường tiểu. Thế
là vô tình ta làm cho máu được lưu
thông dễ dàng, chữa trị được bệnh máu cao, bệnh đau đầu và tránh được
bệnh tai
biến mạch máu não (stroke) hay bệnh nhồi máu cơ tim (myocardial
infarction), quen gọi là bệnh đứng tim (heart-attack).
Cách
thực tập 1-4-2
39. Hỏi:
- Bạch thầy, khi hít vào, nín thở và thở
ra, khoảng cách của mỗi tiếng đếm phải nên như thế nào? Tức là dài, ngắn, nhanh
chậm ra sao?
Đáp:
- Nếu lấy đơn vị giây của đồng hồ làm chuẩn, khoảng cách của mỗi tiếng đếm, mỗi
giây đều bằng nhau. Tức là mỗi tiếng đếm đều cách nhau 1 giây. Không tiếng đếm
nào được nhanh quá mà cũng không tiếng đếm nào được chậm quá. Thí dụ bằng hình
vẽ như dưới đây:
Nếu
tôi hít vào 4 tiếng đếm thì biểu đồ như sau:
1.....2.....3.....4.....
Tôi
nén như sau:
1.....2.....3.....4.....5.....6.....7.....8.....9.....10.....11.....12.....13.....14.....15.....16.....
Tôi
thở
ra như sau:
1.....2.....3.....4.....5.....6.....7.....8.....
40. Hỏi: -
Thưa Thầy. Khi thở
ra bằng mũi hay bằng miệng ?
Đáp:
- Hít vào bằng mũi, thở
ra bằng miệng. Chú ý: Khi thở ra, miệng hơi mở
rộng thay vì mở
hé. Cố gắng thở
ra từ từ, sao cho đủ số theo nguyên tắc 1-4-2. Không được thở
ào ra một lúc làm sai nguyên tắc 2. Đây là quá trình quan trọng có tác dụng đến
trạng thái ma sát hữu hiệu của máu vơí thành mạch máu và giữa máu với các phân
tử máu.
41. Hỏi: -
Thưa Thầy. Khi khởi đầu dụng công, nên hít vào mấy tiếng đếm ?
Đáp:
- Tùy theo sức khỏe hay bệnh trạng của mỗi người, số tiếng đếm đều khác nhau.
Nếu một người đương bị bệnh huyết áp cao, số tiếng đếm khởi
đầu là 2 hoặc 3. Nếu người không bị huyết áp cao mà khỏe mạnh, số khởi
đầu là 5 hoặc 7. Rồi tuần tự tăng dần lên cho đến mức tối đa là từ 1 đến 10
tiếng đếm. Nên chọn khoảng cách mỗi tiếng đếm theo tiêu chuẩn tiếng tíc tắc của
đồng hồ. Chúng tôi có thể lập mẫu tiêu chuẩn thở trong
tuần lễ đầu (7 ngày) cho riêng từng vị theo trạng thái cơ thể mình như sau:
1.
Huyết áp cao:- Hít vào: 2 hoặc 3 tiếng đếm.
- Nén khí: 2 x 4 = 8, hoặc 3 x 4 = 12 tiếng đếm.
- Thở ra: 2 x 2 = 4, hoặc 3 x 2 = 6 tiếng đếm.
2. Sức khỏe trung bình cho phụ nữ và thanh niên:
- Hít vào: 5 hoặc 7 tiếng đếm.
- Nén khí: 5 x 4 = 20, hoặc 7 x 4 = 28 tiếng đếm.
- Thở ra: 5 x 2 = 10, hoặc 7 x 2 = 14 tiếng đếm.
3. Cho người già tuổi từ 65 đến 70:
- Hít vào: 4 hoặc 6 tiếng đếm.
- Nén khí: 4 x 4 = 16, hoặc 6 x 4 = 24 tiếng đếm.
- Thở ra: 4 x 2 = 8, hoặc 6 x 2 = 12 tiếng đếm.
Trường
hợp huyết áp cao
42. Hỏi: -
Thưa Thầy. Tại sao người có huyết áp cao lại thở thấp
hơn người bình thường?
Đáp:
- Vì đề phòng tiểu động mạch của vị đó có thể đã bị dòn và cứng (hard and
unyielding) trong nhiều năm - như
trong bệnh xơ cứng động mạch (arterioclerosis) - làm giảm hay mất sức đàn hồi, hoặc tiểu động mạch quá hẹp do cục
nghẽn ĐÓNG TRONG LÒNG MẠCH đã kết lại to lớn, cản sức chảy đi của lưu lượng
máu. Nếu thời gian nén khí quá dài (từ 4 giây trở lên), làm thể tích lưu lượng
máu tập trung nhiều vào tiểu động mạch, có thể gây nguy hiểm đến việc làm vỡ
tiểu động mạch của vị đó một cách bất thường, khi ta thở ra. Đó là lý do tại
sao số hít vào của người đương bị huyết áp cao phải thấp hơn người bình thường.
Tuy nhiên, trên 20 năm hướng dẫn, chúng tôi chưa gặp trường hợp đáng tiếc nào
xảy ra. Trong tháng 4 vừa qua, có một vị học lóm - học qua sự chỉ dẫn của người
khác, ở Florida, gọi điện thoại hỏi chúng tôi vì sao vị ấy bị lạnh và quá mệt
mỏi, sau khi thở Khí Công để chữa huyết áp cao. Chúng tôi hỏi vị ấy thở được
mấy ngày rồi? Tình trạng huyết cao như thế nào? Năm nay bao nhiêu tuổi? Mỗi lần
thở mấy tiếng đếm? Số khoảng cách thời gian mỗi tiếng đếm dựa vào tiêu chuẩn
nào? Mỗi ngày thở mấy lần? Mỗi lần mấy hơi? Vị đó nói: Thở được 4 ngày rồi.
Huyết áp cao 150/90 hoặc 160/95. Năm nay 60 tuổi. Mỗi lần thở 10 tiếng đếm.
Khoảng cách mỗi tiếng đếm là 1 giây. Mỗi ngày thở 4 lần, mỗi lần thở 10 hơi.
Nghe xong, chúng tôi nói: “Anh không chết là may!” Vì anh đã áp dụng sai. Chúng
tôi giải thích lại cho anh ấy nghe. Và hướng dẫn lại cách thở an toàn hơn. Trong tuần lễ đầu, mỗi ngày
vị đó chỉ thở 2 lần. Mỗi lần hít thở 3 tiếng đếm, nén 12, thở ra 6. Khoảng cách
mỗi tiếng đếm 1 giây. Mỗi lần tập là 5 hơi (tức là thở 5 lần). Tập trong 2 tuần
sẽ báo cáo lại. Sau đó vị đó có gọi, báo cáo lại là huyết áp hiện gìờ ở mức
140/90.
Từ
trên nguyên tắc này, quí vị có thể áp dụng cho người bị huyết áp cao. Họ chỉ
cần hít vào 3 tiếng đếm, nén 12 tiếng và thở ra 6 tiếng; khoảng cách mỗi tiếng
đếm 1 giây là được. Rồi đến tuần lễ sau, họ có thể tăng lên 4 tiếng đếm.
Nhưng
nhớ khuyên họ giảm lượng muối ăn mặn hàng
ngày.
Tác
dụng Thở Nội Lực thông qua nén khí
43. Hỏi: - Khi
nãy Thầy có đề cập đến thuật ngữ nén khí.
Xin Thầy giải thích và cụ thể hóa thuật ngữ này, bằng cách chỉ chúng con
cách nén khí.
Đáp:
- Câu hỏi này quá sớm, vì đến phần biểu diễn cách thở, chúng tôi sẽ biểu diễn
cho quí vị xem trước, rồi quí vị thực hành cho chúng tôi xem sau. Tuy nhiên
chúng tôi cũng tạm nói qua, khi đến phần biểu diễn cách thở, chúng tôi sẽ thực
hành cho quí vị thấy. Nén khí có
nghĩa dồn nén hay ép khí vào một điểm nào đó trên cơ thể. Trên thực tế, ta
không thể dồn dưỡng khí vào một điểm nào khác trên cơ thể ngoài phổi, vì khi ta
hít vào, toàn bộ dưỡng khí đều vào phổi và chứa trong các túi phổi ở 2 lá phổi.
Chớ không bao gìờ có việc đưa dưỡng khí
vào một nơi nào đó như nhiều người tưởng như vậy. Trong ngành khí công cổ
thời, người ta nghĩ rằng con người có khả năng điều khiển hơi thở đi khắp nơi
trong cơ thể theo ý muốn của họ. Thí dụ như, điều khiển hơi thở tập trung vào
huyệt Khí Hải, hoặc điều khiển hơi thở đi từ rốn vòng qua xương cụt và đi ngược
lên theo cột sống đến đỉnh đầu v.v.... Thật sự không phải họ điều khiển dưỡng
khí mà đó là họ đã điều khiển luồng chân
khí của họ. Dưỡng khí chỉ ở trong các túi phổi. Vậy thực chất của nén khí là ta tập trung ý nghĩ mình vào
điểm nào đó trên cơ thể rồi chuyển cứng cơ bắp tại điểm đó, chớ không phải tập
trung Hơi Thở vào nơi ta muốn tập trung.
Trong
phương thức thở nội lực, các nhà Khí
Công cổ thời đã áp dụng 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhứt là nén khí, nhằm mục tiêu
tăng cường nội lực và chữa trị vài bệnh tật. Giai đoạn thứ hai là quán
tưởng, nhằm mục tiêu luyện tập nội công và phát huy nội lực đến mức
thâm hậu. Ở đây chúng ta không đi chuyên sâu vào nội công, nên không sử
dụng môn quán tưởng theo Khí Công. Bởi vì chúng ta chỉ chú trọng đến sức
khỏe, ngăn ngừa ốm đau, bệnh tật với chủ đích trợ duyên việc tu Thiền chớ không
có tham vọng trở thành một Khí Công Sư. Vì vậy chúng ta chỉ áp dụng thở nén khí. Tuy chúng ta không có nội
lực thâm hậu, nhưng có sức khỏe DẺO DAI,
dồi dào năng lực và sinh lực để chịu đựng với những thay đổi bất thường của
thời tiết và đối phó với công việc hằng ngày, đòi hỏi sức khỏe tự nhiên. Đó là
trọng tâm của việc thở nội lực thông qua nén khí.
Trước
khi biểu diễn cách thở nén khí, chúng tôi trình bày thêm vài điểm then chốt để
quí vị nắm rõ tác dụng của nén khí. (1) Khi nén khí, chúng ta tập trung ý nghĩ
vào huyệt Quang Nguyên. Đây là huyệt
Quang Nguyên, cách rốn 8 phân. Cùng một lúc với sự tập trung ý nghĩ, chúng ta
phình bụng dưới ra, thót bụng trên lại. Riêng nữ phái thì không phình bụng dưới
ra, sẽ mất vẻ thẩm mỹ mà chỉ nên cùng một lúc chuyển cứng cơ bụng trên và dưới.
(2) Chúng ta cũng cần biết tại sao mình phải nén khí ngay tại những điểm, như
bụng trên, bụng dưới, ngực, 2 vai, nách và nắm chặt 2 bàn tay vân vân, vì bên
trong những vùng đó là nơi kết tập (collect) nốt bạch huyết mà chúng tôi đã
chiếu hình quí vị xem khi nảy. Nguyên tắc tuần hoàn của bạch huyết bào là nhờ
vào sự chuyển vận cơ bắp, bây giờ chúng ta chuyển cứng cơ bắp tại những nơi đó
chính là chúng ta giúp cơ hội cho bạch huyết bào dẫn lưu vào máu được dễ dàng.
(3) Chính vì thế, nếu một người thiếu luyện tập cơ thể, dù cho cơ thể vốn có
sẵn kho tàng thuốc kháng sinh, vị đó
vẫn đau ốm thường trực. Nguyên do vị đó không tác động được hệ bạch huyết, làm
cho bạch huyết bào không được thoát ra với tính cách qui mô, nên cơ thể không
đủ sức chống trả lại sự xâm nhập của vi trùng, vi khuẩn và tế bào lạ (trong đó
có cả tế bào ung thư). Về phần biểu diễn, chúng tôi sẽ trình bày ở phần nghi
thức và cách tập.
Nghi thức và cách tập
44. Hỏi: - Trước khi tập thở, chúng con có nên áp dụng vài nghi thức gì không, thưa Thầy? Nếu có, xin Thầy chỉ dẫn và biểu diễn cách thở 3 thì.
Đáp: - Trước khi thực hành, chúng tôi nói vài nghi thức cho quí vị rõ, sau đó sẽ nói cách thở.
Về nghi thức:
1). Trước khi tập.
- Uống 1 ly nước chín.
- Sau bữa ăn chính 2 tiếng đồng hồ, gồm ăn cơm trưa hay cơm chiều. Cách tốt nhất là để bụng đói rồi tập.
- Mặc áo quần rộng, không siết chặt bụng dưới.
- Ngồi nơi kín gíó, thoáng và không khí trong sạch.
- Nếu ngồi thở gần bờ biển, nên giữ kín sau gáy, bằng cách quàng khăn trên cổ, và mặc áo.
- Chọn nơi ngồi cho thích nghi theo tư thế: ngồi, nằm, đứng, quỳ.
2). Thời gian và chu kỳ tập bình thường.
- Mỗi ngày cố gắng tập thở trong 2 lần: buổi sáng trước khi ăn sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Trong 2 tuần lễ đầu, mỗi lần thở gồm 5 kỳ (periods), đến tuần lễ thứ ba tăng thêm 1 (5 + 1 = 6 kỳ). Cứ thế tuần tự tăng lên đến 12 kỳ. Thi dụ:
- Mỗi lần hít, nén khí và thở ra được xem là 1 lần.
- Nếu thở 5 lần, thì phải: 5 lần thở 1- 4-2.
- Nếu thở 12 lần, thì phải: 12 lần thở 1- 4-2.
1) Tư thế. - Có 4 tư thế: Ngồi, Quỳ, Đứng, Nằm. Mỗi tư thế đều đáp ứng một nhu cầu. Không có tư thế nào tốt hơn tư thế nào.
NGỒI
* Có 2 cách ngồi:
a) Ngồi trên ghế gỗ, có mặt bằng, 2 chân đưa xuống tự nhiên, tùy theo sự thoải mái riêng biệt, lưng thẳng đứng. Tránh ngồi ghế nệm, vì dễ thụn mông xuống, không giữ thân được ngay ngắn.
b) Ngồi theo tư thế bán già: chân phải đặt dưới, chân trái chồng lên trên, lưng thẳng đứng. Có thể ngồi trên tọa cụ (tấm đệm 8 tấc vuông) có đặt bồ đoàn (gối tròn, cao cỡ từ 1 tấc đến 2 tấc, kính từ 5 đến 6 tấc) trên đó để ngồi cho thoái mái.
c) Cũng có thể ngồi theo tư thế kiết già, nếu quí vị ngồi được.
2) Cách Thở:
a) Trước khi HÍT VÀO.
- Lập vị trí tay: Ngón tay của hai bàn tay đan vào nhau. Ngón cái tay phải nằm dưới ngón cái tay trái. Duổi xuống phía bụng dưới, tạo thành hình chữ V. 2 cánh tay đặt dọc trên thân bụng trên.
b) Khi HÍT VÀO.
- Tư thế của tòan bộ 2 cánh tay: Tất cả phần của cánh tay đều được thư gỉãn, tuy nhiên, 2 bàn tay vẫn giữ tư thế đan vào nhau.
- Hít thở bằng cơ hoành (diaphragm) theo số tiếng đếm mà ta đã chọn. Thí dụ 5 tiếng đếm: 1.....2.....3.....4.....5.....Khởi ý điều khiển cơ hoành hít vào, gọi là thở cơ hoành (diaphragmatic breathing). Hít vào đủ số tiếng đếm.
c) Khi NÉN KHÍ.
- Sau khi hít vào vừa đủ số, ta liền tiến hành cùng 1 lúc các động tác như sau:
- Chuyển cứng đồng bộ (chuyển cứng cùng 1 lúc) các bộ phận:
- 2 cánh tay, 2 vai, 2 nách và cơ ngực,
- gồng cứng 2 bàn tay trong tư thế đan vào nhau.
- Đầu hơi cúi xuống. 2 mắt mở hé.
- Đưa ý nghĩ từ trên cơ ngực đi xuống cơ bụng trên; liền theo đó vừa thót bụng trên, vừa chuyển cứng cơ bụng; lập tức phình bụng dưới ra, đồng thời chuyển cứng cơ bụng và tập trung ý nghĩ vào huyệt Quang Nguyên. (Không rời khỏi điểm này cho đến khi nín thở đủ số (gấp 4 lần hít vào) thì thở ra).
d) Khi THỞ RA.
- Thư giãn toàn bộ, nhưng vẫn giữ nguyên tư thế, vì còn tiếp tục thở nữa.
- Chú ý: - Không được thở ào ra một lượt mà phải thở ra từ từ cho đủ số gấp 2 lần hít vào. Có như thế mới tạo ra tác dụng LY TÂM MÁU.
- 2 mắt vẫn mở hé khi thở ra.
e) Tiếp tục HÍT VÀO.
- Khi hơi thở ra vừa hết, ta liền hít vào ngay theo chỉ tiêu số mà ta đã chọn. Sau đó cứ tiếp tục như thường lệ cho đến khi đủ số lần thở (5 lần hoặc 7 lần v.v...) thì ngưng.
3) Xả:
- Đây là quá trình chấm dứt buổi công phu. Thời gian kéo dài trong 5 phút, cho đến khi sức khỏe trở lại bình thường thì đứng dậy.
- Nằm trên giường hay trên sàn nhà, đầu không lót gối.
- Thư giãn toàn bộ thân và tâm: duổi thẳng 2 chân, 2 tay; không tập trung ý nghĩ hay không gá ý vào bất cứ điểm nào trên cơ thể.
* Chú ý: - Trong tuần lễ đầu, cơ bụng và các cơ bắp khác vì săn lại nên cảm thấy nhức, sau đó sẽ hết.
- Sau khi thở xong, giọng nói hơi khàn, kéo dài trong 5 phút thì hết.
- Dễ dàng tiêu hóa, mau đói, ăn khỏe; không
còn kén chọn thức ăn.
- Nội lực bắt đầu được tích trử sau 1 tuần
dụng công: tay chân linh hoạt và khỏe mạnh.
45. Hỏi: - Lối
thở nội lực này có những tác dụng như thế nào nữa Thầy? Thí dụ nó có chữa được
bệnh cao máu không? Thầy có những kinh nghiệm gì để chữa bệnh cao máu?
Đáp: - Lối
thở nội lực này có nhiều tác dụng, như quí vị đã biết là nó giúp chúng ta tăng
cường nội lực, có sức khỏe dẻo dai, chịu đựng dưới những sự thay đổi thời tiết.
Ngoài ra nó còn giúp ta chữa trị một số bệnh ngoài da, bệnh đường ruột, những
thứ bệnh viêm và cảm cúm. Riêng về chữa bệnh huyết áp cao thì rất kiến
hiệu. Như hồi nãy chúng tôi có nói sơ lược cho quí vị về giá trị của sự nén
khí đối với ly tâm máu để chữa huyết áp cao. Còn về kinh nghiệm, chúng
tôi có một ít. Trong khoảng thời gian từ 1982 đến cuối năm 1984, khi sống tại 2
Trại Tập Trung ở Hà Tây và Nam Hà (Bắc Việt Nam), chúng tôi có hướng dẫn nhiều
anh em tù thở để chữa bệnh huyết áp cao và vài chứng bệnh khác. Chúng tôi đã
rút được nhiều kinh nghiệm về từng trường hợp bị huyết áp cao của nhiều anh em.
Người béo/mập bị huyết cao là thông thường, nhưng cũng có người ốm/gầy mà cũng
bị huyết áp cao, người hút thước lá nhiều cũng bị huyết áp cao. Người tập thể
dục buổi sáng đều đặn cũng bị huyết áp cao. Người ăn chay trường cũng bị huyết
áp cao... Hồi đó chúng tôi có ghi một số dữ kiện để làm kinh nghiệm về những
trường hợp huyết áp cao. Có 1 trường hợp làm chúng tôi nhớ mãi mỗi khi đề cập đến
huyết áp cao đưa đến chết người do nhựa thuốc gây nên, là trường hợp của anh
bạn thân của chúng tôi (hồi chúng tôi
chưa xuất gia). Anh này thuộc loại nghiện thuốc hạng nặng, sau đó chết vì bệnh
tim mạch (cardiovascular disease), tức là lòng động mạch bị bít bởi
nhựa thuốc lá. Hồi bị nhốt trong trại Tập Trung ở Long Thành, anh ấy đã bị chết
ngất 1 lần, sau đó chuyển ra Bắc anh bị lần thứ hai. Khi anh ấy sống chung với
chúng tôi trong Đội Rau Xanh, tại Trại Hà Tây, chúng tôi có khuyên anh ấy giảm
số lượng hút thuốc và nên tập thở Khí Công để đào thải chất nhựa thuốc nicotine ra bớt khỏi động
mạch. Chúng tôi có giải thích cho anh ấy biết: 2 lần mà anh ấy chết ngất là do chất nicotine quá nhiều trong động mạch,
làm cho động mạch bị nghẽn cứng, đưa đến tăng huyết khối vành tim (coronary thrombosis), tạo ra bệnh tim mạch. Nếu không sớm loại nicotine
ra khỏi động mạch, cứ tiếp tục hút, sẽ có ngày chết không kịp trối! Anh ấy
không tin rằng nhựa thuốc có khả năng bít
kín mạch máu, và cũng không tin những tác dụng hữu hiệu của Khí Công có khả
năng làm thông động mạch, bằng cách tạo ra sức ma sát vào thành động mạch để làm mòn dần chất nicotine, nên không
chịu tập. Đến năm 84, tức là 2 năm sau, tại Trại Nam Hà anh bị chết ngất 1 lần
nữa. Lần này, chúng tôi vạch mắt anh ra xem thấy 2 mắt đã đứng tròng; rọi đèn
vào, mắt không còn phản xạ; 8 ngày sau thì chết hẳn. Nên sau này thấy mấy người
thân trong gia đình, chúng tôi đều cảnh giác họ là nên tập thở theo Khí Công
vừa trị huyết áp cao vừa ngừa chứng chết đột ngột.
46. Hỏi: - Thưa
Thầy. Tại sao phương pháp thở nội lực lại kiến hiệu như vậy? Xin Thầy giải
thích cho chúng con biết nguyên nhân, và tác dụng điều trị của Khí Công như thế
nào, nhất là vấn đề huyết áp cao. Riêng con thì con cần biết rõ sự chữa trị
huyết áp cao để thuyết phục Chú con biết, làm cho ông ấy tin tưởng mà lo chữa
trị. Vì ông ấy cũng bị bệnh huyết áp cao.
Đáp: - Sở
dĩ phương pháp thở nội lực đạt được
nhiều kiến hiệu, vì trong phương pháp thở nội lực, chúng ta đã tạo ra được 3
tác dụng: Một là ly tâm máu. Hai là tạo ra kháng thể. Ba là tạo
ra chất nước hóa học. Trong 3 phần này, chúng tôi sẽ giải thích trước
về ly tâm máu. Còn 2 phần kia, gác lại trong kỳ khác.
Về ly tâm máu. - Trong
quá trình này máu bị hoạt hóa, tạo ra 2 trạng thái ma sát. Như hồi nãy chúng tôi có giải thích. Bây giờ nhắc lại: Đó
là sự ma sát giữa các hạt máu với nhau và sự ma sát giữa máu và lòng mạch máu
mà tác dụng chủ yếu là làm soi mòn các
cục máu nghẽn đóng trong đó. Từ đó ta không còn e ngại, âu lo về tình trạng
nguy ngập của bệnh strokes (tai biến mạch
máu não) hay bệnh heart attack (bệnh đứng tim). Thông thường huyết áp cao
là trạng thái áp suất máu từ trong động mạch chính tăng lên do mức cholesterol
cao, hút thuốc lá nhiều, tiểu đường (diabetes mellitus) và do sự căng thẳng xúc
cảm (emotional upset) thường xuyên từ bên ngoài như sân hận (giận dữ), sợ hải, lo
âu, cảm xúc mạnh (stress). Dồn nén tình cảm quá cũng đưa đến huyết áp cao.
Thí dụ như quá bực tức mà không dám thốt ra lời, không biết tâm sự cùng với ai,
cứ dồn nén, ức chế. Trên thực tế, huyết áp cao là kẻ giết người thầm lặng. Lý do là hầu như mọi người đều xem thường
huyết áp cao. Ngay những lúc ban đầu, người ta không cảm thấy nó như thế nào
khi áp suất máu của họ tăng lên, nhưng cuối cùng họ nhận ra hậu quả do nó gây
nên khi nó làm cho những cơ quan trong cơ thể, đặc biệt như tim, mạch máu, não và thận của họ bị tổn
thương. Nếu họ không chết ngay, họ sẽ chịu những hậu quả tai hại xảy ra từ bên
trong não hay tim họ. Khi bị stroke, vùng
ý chí vận động ở vỏ não bị tổn thương, tế bào não nơi vùng này bị chết, khiến
sự vận động của các phần liên hệ như tay, bàn tay, chân và mặt không còn hoạt
động bình thường. Theo ước tính, tại Mỹ có khoảng 30% người trên tuổi 50 bị
huyết áp cao, và 20% ở lớp tuổi 40. Trong nhiều trường hợp, không có nguyên
nhân rõ ràng về huyết áp cao, nhưng nó thường liên hệ đến sự béo phì (obesity),
đôi khi cũng xuất phát từ người ăn quá nhiều lượng muối (thuộc loại ăn mặn tối
đa), hút nhiều thuốc lá, uống quá nhiều rượu, và xúc cảm quá mạnh (emotional stress).
Đó là những yếu tố dẫn đến bệnh tăng huyết áp trầm trọng. Tuy nhiên, khoảng 10%
tìm ra được nguyên nhân là do tuyến thượng thận bị rối loạn và hẹp
động mạch chủ (coarctation of the aorta). Đôi khi cũng xảy ra từ nơi
người đàn bà uống thuốc ngừa thai.
Nhiều
người cho rằng huyết áp không thể chữa mà chỉ có thể kiểm soát bằng bằng cách hạn chế ăn muối, hạn chế ăn chất béo, nhịn
ăn để làm giảm cân, bớt béo phì, hay cai rượu, cai thuốc lá, hoặc đi bài Thái
Cực Quyền để làm giảm bớt áp suất tăng máu. Nhưng đối với chúng tôi, huyết
áp cao hay thấp đều chữa được bằng một trong hai phương thức: một là Khí Công
và hai là những tiến trình Định. Bởi vì cả hai đều tạo ra được trạng thái ly tâm máu!
Chúng tôi có
thể ghi ra một mô thức tác dụng ly tâm máu để quí vị nắm rõ:Từ Ly tâm máu
1) Phân tử máu ma sát lẫn nhau + sức vận tốc ly tâm của máu
2) Thể tích lớn của dòng máu ma sát vào thành mạch máu + sức vận tốc ly tâm của dòng máu
3) Động mạch càng hẹp sức ma sát càng lớn
Do đó:
Ly tâm máu tạo ra sức ma sát giữa các phân tử máu lẫn nhau; giữa máu và thành động mạch.
Đưa đến:
1) Cholesterol (chất béo, chất đạm) hay những phiến nhỏ (platelets) trong máu bị phá vỡ;
2) Vật nghẽn nhỏ (embolus) hay cục huyết khối (thrombus) hoặc máu nghẽn (blood clotting) đóng trong thành động mạch và tĩnh mạch bị soi mòn đi đến tiêu hủy.
3) Ngừa được sự kết lại của huyết khối vành tim (coronary thrombosis) đóng trong động mạch cơ tim.
Kết quả:
1) Tránh được bệnh nhồi máu cơ tim (myocardial infarction)
2) Tránh được bệnh tai biến mạch máu não (stroke)
3) Ngừa được bệnh liệt nữa người (hemiplegia)
4) Chữa hoặc ngừa được bệnh đau đầu do sự kết tụ máu nghẽn gây ra (hematoma)
5) Ngừa hay chấm dứt bệnh huyết áp cao (hypertension)
Bạch Huyết Bào và Hệ thống Bạch Huyết
47. Hỏi: - Bạch
Thầy. Khi nảy Thầy có nói đến phần thực
tập nén khí Thầy sẽ giải thích rõ về Bạch Huyết Bào. Bây giờ đến phần nén khí rồi, chúng con có nhiều câu hỏi
liên quan đến lymphocytes, nhờ Thầy
giải thích: Trước hết xin Thầy giải thích 2 điểm: cấu trúc và chức năng của
Bạch Huyết Bào.
Đáp: - Như
hồi nãy chúng tôi nói: trong máu chúng ta có lớp (layer) tế bào máu trắng hay bạch
huyết bào, tên khoa học là leucocytes. Trong leucocytes có 3
loại: granulocytes, monocytes và lymphocytes. Lymphocytes là một
trong 3 loại bạch huyết bào (tế bào máu trắng) đóng vai trò quan trọng bậc
nhất trong việc bảo vệ toàn bộ cơ thể chúng ta. Bây giờ chúng tôi nói rõ thêm
về cấu trúc và chức năng Bạch Huyết Bào:
1.
Về Cấu trúc: Hệ thống bạch huyết gồm
một mạng lưới nốt bạch huyết (lymph nodes) ở phần trước cơ thể, từ 2 bên cổ, đến
hố nách (armpits), đến 2 bên háng (groins). Chúng tôi chiếu hình hệ thống bạch
huyết lên bảng để quí vị thấy cho rõ.
Đây
là hệ thống Bạch Huyết (The
Lymphatic system). Những nốt đen nhỏ này là nốt bạch huyết (lymph nodes), trong
đó có chứa bạch huyết bào (lymphocytes). Nhớ
nhé: Bạch huyết bào ở trong nốt Bạch huyết. Chúng kết lại thành một mạng
lưới gồm những chùm nốt bạch huyết, được gắn liền với mạch bạch huyết, chằng
chịt tại 5 vùng. (1) Vùng thứ nhất là vùng thắt lưng (lumbar region), nốt bạch huyết đóng 2 bên háng. (2) Đây là vùng ở
khu vực bụng trên và bụng dưới; theo cách bố trí của y khoa, gọi là vùng ruột
(intestinal region). (3) Đây là vùng trung
thất phế quản (bronchomediastinal region), ở giữa ngực. (4) Đây là vùng dưới xương
đòn (subclavian region), ở 2 bên vai. (5) Đây là vùng nách. Ngoài 5 vùng
chính kể trên, còn có các phần phụ: (1) Đây là bồn chứa bạch huyết (the cisterna chyli) ở bên hông trái, dưới
tim. Bồn này thu gom bạch huyết ở vùng thắt lưng và ruột. (2) Những đường sọc
chạy dài từ 2 bàn tay lên đến 2 vai và từ cổ chạy dài đến bụng dưới và chạy dài
từ háng đến 2 bàn chân mà quí vị thấy trong hình là mạch bạch huyết (lymphatic
vessels). Nghĩa là bạch huyết bào dẫn lưu trong đó để vào tim hay đi ra các mô
cơ của các cơ quan trong cơ thể. Những nơi khác sản xuất ra Bạch bào (White Cells), như Tủy Xương,
Lá Lách (Spleen), Tuyến Ức (Thymus gland), đều phải nhờ hệ thống mạch này để vận chuyển Bạch bào vào nốt Bạch Huyết. Quí vị cần phải lưu ý đến các vùng nốt
bạch huyết. Bởi vì những vùng đó có liên quan đến việc nén
khí trong Khí Công. Chúng tôi sẽ phát mỗi vị 1 hình vẽ ghi Hệ Thống
Bạch Huyết.
2.
Về Chức năng: Trước khi được dẫn lưu
(drain = chảy rút hết) vào máu để đóng vai trò thứ hai trong việc bảo vệ cơ
thể, lymphocytes đã được thiết lập thành một hệ thống gồm 2 vai trò: vai trò
thứ nhứt là dẫn lưu bạch huyết vào các mô, và vai trò thứ hai là đưa bạch huyết
trở vào dòng máu để chống sự nhiễm độc trong máu. Sự dẫn lưu này thông qua hệ
thống ống dẫn, gọi là mạch bạch huyết (lymphatic
vessels). Ngay phía dưới cổ, từ vùng ngực (thorocic region) có 2 ống dẫn
(ducts) lớn. Đây là ống dẫn bạch huyết bên phải, dẫn lưu (drains) bạch huyết từ
phần trên cánh tay phải và một bên đầu, và ngực bên phải. Đây là ống dẫn ở ngực
(thorocic duct) bên trái, nhận bạch huyết từ phần bên trái của ngực, chi bên
trái và vùng bên trái của đầu. Phần cuối của mỗi ống dẫn, dẫn lưu bạch huyết
vào 2 tĩnh mạch: tĩnh mạch cảnh trong (the internal jugular vein) và tĩnh mạch dưới
xương đòn (the subclavian vein) để đi vào tim. Bằng cách này, bạch huyết tái
hội nhập vào sự tuần hoàn, khi chúng đi vào tim, và theo máu.
48. Hỏi: - Bạch
Thầy. Còn câu hỏi thứ ba là tác dụng của nén khí đối với hệ thống bạch huyết
như thế nào?
Đáp: - Có
một điểm chúng tôi cần lưu ý quí vị: dù trong cơ thể chúng ta có sẵn hệ thống kháng sinh của bạch huyết, nếu chúng ta
không biết khai thác hệ thống đó, cơ thể chúng ta cũng dễ dàng rước lấy bệnh
tật do vi trùng, vi khuẩn gây nên. Vì vậy phương thức nén khí trong khí công là một
phương tiện thiện xảo và thù thắng giúp chúng ta khai thác được tiềm năng
sức mạnh của bạch huyết bào. Trong hệ thống miễn nhiễm (Immune System), Bạch
huyết bào (lymphocytes) đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Chúng di chuyển liên
tục khắp châu thân theo đường một chiều, vì hệ thống bạch huyết (Lymphatic
system) không có trung tâm bơm như tim bơm máu. Sở dĩ chúng di chuyển được vào
dòng máu hay đi ra các mô là nhờ sức chuyển cứng của cơ bắp từng
phần hay đồng bộ. Thí dụ, nếu ta chỉ chuyển cứng cơ bụng dưới và cơ bụng trên
thì các nốt bạch huyết tại 2 vùng này sẽ trực tiếp bị tác động, giúp phương tiện cho bạch huyết bào được
thoát ra từ nốt bạch huyết nhanh và nhiều hơn. Rồi cũng nhờ sự thúc ép của cơ bắp, bạch huyết bào có phương tiện chảy vào tĩnh mạch nhanh hơn
để hội nhập vào tim, theo động mạch đến các cơ quan khác trong cơ thể. Do
đó, trên định lý dẫn lưu bạch huyết bào, ta có nguyên tắc:
“Bất
kỳ khi nào, hễ có sự gắng sức chuyển gồng/cứng
cơ bắp tại vùng nào đó nằm trong hệ thống bạch huyết, bạch huyết bào từ các
nốt bạch huyết liền bị sự thúc ép từ các mô cơ để thoát ra nhiều hơn số lượng
bình thường và chảy rút đi nhanh hơn vào tĩnh mạch để hội nhập vào tim và tuần
hoàn theo máu, đến tất cả các cơ quan trong cơ thể; giúp những cơ quan này chống lại bệnh tật, do vi trùng, vi khuẩn,
và tế bào lạ gây nên. Đây là cách tăng cường những đạo quân phòng vệ cơ thể, chống lại vi trùng, vi khuẩn và những
loại tế bào lạ. (các loại nắm đóng trên da, những mầm bệnh từ trong máu và
u tế bào)”.
Vì
thế, những người lao động bằng tay chân, có nhiều sự gắng sức chuyển vận cơ
bắp, như nhà nông, lực sĩ, thợ rèn đập sắt, chài lưới, phu khuân vác, những
người tập các môn thể dục thẩm mỹ tại phòng tập thể dục vân vân... đều có cơ
thể khỏe mạnh, ít vướng mắc những chứng bệnh do vi trùng, vi khuẩn gây nên.
Nhưng nếu vì một lý do nào đó, họ gián đoạn lao động chân tay hay tập luyện cơ
bắp, họ cũng vướng mắc vài thứ bệnh thông thường, như cảm cúm và hen suyễn. Tuy
nhiên, trên nguyên tắc, cơ thể họ vẫn có nhiều sức đề kháng hơn chúng ta -
những người lười biếng lao động chân tay,
bao gồm đi bộ, chạy, bơi lội và những môn thể dục khác.
Riêng
về Khí Công, trong quá trình nén khí chính
là lúc chúng ta chuyển vận cơ bắp gần như đồng bộ. Sự chuyển vận này hiệu quả
hơn 10 lần của người lao động tay chân hay người tập luyện cơ bắp: Thứ nhứt,
chúng ta tập chú sự gồng cơ bắp hay chuyển cứng cơ bắp vào các trung tâm có nốt
bạch huyết, như ở 2 vai, 2 nách, giữa ngực, bụng trên, bụng dưới, 2 cánh tay và
2 bàn tay. Đây là một hình thức tác động trực tiếp vào hệ bạch huyết để giúp
các trung tâm này tiết ra lymphocytes và được dẫn lưu vào máu hay đi vào mô cơ.
Nếu chúng ta biết khai thác tiềm
năng đặc biệt của hệ thống bạch huyết này, chúng ta sẽ có một tủ thuốc kháng sinh thường trực trong
cơ thể để bảo vệ hay chống lại vi trùng, vi khuẩn và tế bào lạ xâm nhập vào cơ
thể, gây đủ thứ bệnh tật cho chúng ta. Cách nén
khí và thở ra của
Khí Công là cách giúp chúng ta khai thác được tiềm năng đặc biệt của hệ
thống bạch huyết. Còn nếu chúng ta không biết khai thác thì sẽ rước lấy
bệnh tật một cách tự nhiên. Bởi vì không phải lúc nào bạch huyết bào
(lymphocytes) cũng đầy đủ lực lượng hùng hậu trong cơ thể để kháng cự lại vi
trùng, vi khuẩn hay những tế bào lạ; dù trong cơ thể chúng ta có sẵn.
49. Hỏi:
- Thưa Thầy. Mấy cái nốt đen nhỏ mà Thầy nói là nốt bạch huyết. Con chưa nhận ra được sự khác nhau giữa nốt bạch huyết và bạch huyết bào, rồi hệ thống
bạch huyết nữa. Xin Thầy giải
thích lại cho chúng con được rõ.
Đáp: - Không
rõ à? Được. Chúng tôi giảng lại: Bạch huyết là một thể lỏng có màu trắng đục
như màu sữa, bên trong có chứa bạch huyết
bào, chất đạm, chất béo và đại thực bào (macrophages). Đại thực bào là những tế
bào to lớn chuyên ăn vi trùng, ăn tế bào ung thư và nhận chìm bất cứ những thể
lạ (foreign bodies) nào vào trong hệ bạch huyết. Bạch huyết bào nằm trong hệ
thống Bạch huyết. Bạch huyết là thuật ngữ chuyên môn được dịch ra Hán
Việt từ danh từ “lymph”. Nốt bạch
huyết thường được gọi là tuyến bạch huyết
(Lymph gland). Nốt đó có hình
giống như hạt đậu, chiều dài khoảng 2.5 cm. Chức năng của các nốt này là ngăn
chận sự nhiễm độc, tiêu diệt và thanh lọc vi trùng trước khi chúng vào trong
máu. Nếu 1 phần nào cơ thể bị viêm làm cương lên thì những nốt kế bên đó sưng
lên để chận đứng sự bành trướng của bệnh. Trong mỗi nốt bạch huyết, có 2 loại
bạch huyết bào: T- Bạch Huyết Bào và B-Bạch Huyết Bào (T-Lymphocytes và
B-Lymphocytes). Toàn bộ các nốt bạch huyết lập thành hệ thống bạch huyết (The
Lymphatic System). Như vậy, hệ thống bạch huyết là một hệ thống dẫn lưu
(drains) bạch huyết (lymph) khắp nơi trong cơ thể đi vào dòng máu và vào các mô
cơ. Hệ thống này là một phần trong hệ thống miễn nhiễm (Immune System), góp
phần quan trọng chủ yếu trong việc bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng và
ung thư.
Còn
Lymphocyte là một loại tế bào máu
trắng (White blood cell), được dịch sang Hán Việt là “Bạch huyết bào”. (Tại
Việt Nam, bác sĩ Tôn thất Tùng, chuyên khoa về Trị Bệnh Gan Vùng Nhiệt Đới,
dịch âm là lem phô). Trong hệ thống mạch (vessels), Bạch huyết bào di chuyển
khắp châu thân theo đường một chiều vì hệ bạch huyết không có trung tâm bơm như
tim bơm máu. Sở
dĩ nó tuần hoàn được là nhờ sự vận động của cơ bắp. Khi có sự gắng sức của cơ
bắp, bạch huyết bào liền bị thúc ép từ các mô cơ để đi vào dòng máu qua ngã
tĩnh mạch. Trong lúc đó bạch huyết là nơi sản xuất ra bạch huyết bào, chúng kết
thành những chuổi nốt, phần lớn nằm ở phía trước thân. Trong quá trình nén
khí và chuyển cứng cơ bắp theo phương pháp Khí Công, chính là lúc chúng ta tác
động vào hệ bạch huyết để tăng cường việc sản xuất bạch huyết bào. Rõ
không?
50. Hỏi: - Thưa
Thầy. Thầy giảng nhiều quá, con khó ghi nhớ nổi. Chắc là sau này phải nghe đi
nghe lại nhiều lần mới hiểu được bài
giảng của Thầy. Bây giờ con xin tóm kết phần này, đọc lại Thầy nghe, nếu thiếu
chỗ nào xin Thầy bổ sung.
1.
Bằng phương pháp thở nén khí theo nguyên tắc 1 - 4 - 2,
tập trung ý nghĩ vào huyệt Quang Nguyên, cách rốn 8 phân, chuyển cứng toàn bộ
cơ bắp ở 2 vai, 2 cánh tay, 2 bàn tay, bụng trên và bụng dưới để tác động vào
hệ bạch huyết, giúp tạo ra kháng thể tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn, đặc biệt là
chữa các thứ:- Bệnh viêm, như viêm họng, viêm xoang mũi;
- Cảm cúm, dị ứng phấn hoa và những thứ bệnh do vi trùng gây nên, và tiêu diệt tế bào lạ trong máu cũng như ngoài da.
- Do đó, bằng cách này ta cũng có thể chữa những chứng bệnh ngoài da như ghẻ, lác, lông ben, mụn ·mặt và mục cóc.
2. Cũng bằng phương pháp thở nén khí, ta có thể:
- Chữa bệnh huyết áp cao;
- Điều hòa khí huyết trong cơ thể;
- Ngừa được bệnh cao cholesterol trong máu và tiêu diệt những mầm bệnh từ trong máu.
- Ngoài ra ta cũng sẽ có thêm sức khỏe dẻo dai, tức là có thêm nội lực; chịu đựng những sự thay đổi bất thường của thời tiết.
3. Về cách tập:
- Mỗi ngày cố gắng tập thở 2 lần: Sáng, sau khi thức dậy. Tối, trước khi đi ngủ. Riêng về buổi sáng, trước khi tập, nhớ uống 1 ly nước ấm (khoảng ¼ lít).
- Khi tập phải để bụng đói, hoặc tập sau bữa ăn chính 2 tiếng đồng hồ.
- Lần đầu Hít Thở 5 lần, sau đó từ từ tăng dần lên đến 12 lần trong mỗi buổi tập.
- Số tiếng đếm lần đầu có thể 3, sau đó tăng dần lên đế 10 tiếng đếm. Khoảng cách mỗi tiếng đếm đều bằng nhau.
- Không được nén khí ở vùng ngực (tránh bị nhói ở tim), phải nén khí ở đơn điền tinh (bụng dưới).
- Đặc biệt, đối với phái nam, khi nén khí, thót bụng trên lại; đối với phái nữ, thót bụng trên và bụng dưới khi nén khí (không được phình bụng dưới ra).
- Nên nới lỏng thắt lưng trước khi tập.
- Chọn nơi thoáng khí để tập.
- Nếu tập ở bãi biển nên quàng khăn che sau gáy, tránh sự nhiễm gíó vào lỗ chân lông phía sau gáy.
- Sẵn sàng khăn để lau mồ hôi.
4. Về tư thế tập thở nội lực:
1. Có 2 cách: Ngồi và Đứng.
- Về cách ngồi:
b) Ngồi nơi kín gíó và bất cứ nơi đâu cũng được, miễn sao được thoái mái.
2. Về cách đứng:
a) Đứng nơi kín gíó,
b) Đứng dạng 2 chân, cách nhau khoảng 8 tấc (theo người lớn).
c) Khi thở ra nhớ rùn chân xuống theo thế xuống trung bình tấn để tránh khỏi bị té chúi về phía trước.
2. Về cách Xả:
- Sau khi tập xong, lau mồ hôi, nếu có;
- Nằm ngữa trên giường hoặc trên sàn nhà;
- Đầu không lót gối;
- Thư giãn toàn diện 2 tay, 2 chân và thân mình;
- Thở bình thường, cho đến khi nào hết mệt thì thôi.
3. Chú ý:
- Trong tuần lễ đầu, cơ bụng và cơ tay căng làm đau nhức lâm râm, sau đó bình thường trở lại.
- Sau mỗi lần tập xong, giọng nói hơi khàn trong vài phút.
- Trên đây là phần tóm kết của con, xin Thầy cho ý kiến.
Đáp: - Tóm kết như thế là hay lắm. Khá đầy đủ.
HẾT
No comments:
Post a Comment