Lương y Tạ Minh.
Trong Đông y, thường gặp những cặp
khái niệm mà tuy đã giải thích khá chi tiết nhưng hình như vẫn tỏ ra khó hiểu
với người sinh sau đẻ muộn như chúng ta như chính khí - tà khí, chủ khí – khách
khí…..v.v.. Bài viết này trình bày những cái hiểu của riêng tôi theo ngôn ngữ
của hiện đại và bổ sung những nhận thức của riêng tôi trên lâm sàng nhằm giúp
các bạn hiểu phần nào các ý nghĩa đó. Mong rằng khi đọc sách Đông y các bạn sẽ
thấy dễ hiểu hơn.
·
Chủ – Khách: chủ là cơ thể, khách
là yếu tố bên ngoài tác động đến cơ thể. Thời tiết và Thực phẩm là khách
thường gặp của cơ thể. Khi ta ăn vào, thức ăn đã vào bộ máy tiêu hóa nhưng vẫn
còn là khách. Chỉ khi nào tất cả thức ăn đó được tiêu hóa, hấp thu rồi biến
thành dưỡng chất dự trữ để trong tương lai tạo thành các loại tế bào, là
một thành phần của cơ thể, thì chúng mới biến thành chủ. Vì thế đã là chủ thì
không bao giờ gây bệnh. Chỉ có khách mới có thể gây bệnh, nhưng không phải
khách nào cũng gây bệnh. Chỉ những khách không hòa hợp được với cơ thể
hay cơ thể không chịu đựng nổi không hóa giải nổi mới gây bệnh (tẩm bổ quá mức
cơ thể không đủ sức biến đổi thành dưỡng chất), thường được gọi là Tà Khách
(khách tà).
·
Chính - Tà: Chính khí là khí căn
bản của cơ thể còn gọi là nguyên khí. Tà khí là khí của khách không hòa hợp với
Chính khí. Trên nguyên tắc là chỉ khi nào Chính khí suy yếu thì tà khí mới xâm
nhập và gây bệnh được. Nhưng trong thực tế khi Tà khí quá mạnh thì dù Chính
khí không suy cơ thể vẫn có thể bị nhiễm bệnh được. Như ta thấy nếu
bỗng nhiên đưa một người từ xứ nhiệt đới sang địa cực mà không có áo quần chống
lạnh thì dù đang khỏe mạnh thế nào đi nữa họ cũng phải bị cảm lạnh.
·
Biểu – Lý: Biểu
là bên ngoài. Lý là bên trong. Mối tương quan này cũng nên hiểu một cách tương
đối rộng chứ không chỉ là mối liên hệ tạng – phủ với nhau. Như ta thấy nếu da
là biểu thì cơ là lý. Tạng là lý thì phủ là biểu. Kinh là biểu thì phủ tạng là
lý. Lạc là biểu thì kinh là lý. Với DC-ĐKLP thì gần như biểu và lý là một.
Vì ta đã biết khi bệnh nhân bị đau dạ dày (lý) hay đau theo kinh Vỵ (biểu) hay
đau cạnh ngoài đùi (biểu) thì cũng đều cần huyệt 39 trong chẩn đoán và điều
trị. Các huyệt còn lại - trong một phác đồ điều trị nào đó - được dùng để chữa
theo cơ chế mà thôi.
·
Tiêu – Bản: Tiêu
là ngọn bệnh, Bản là gốc bệnh. Đây là một cặp ý niệm khá lý thú và rắc rối.
Và………. cũng rất tương đối. Với những bệnh đơn giản mới mắc thì
thường gốc – ngọn là một và thường là bệnh thực. Như thương thực gốc hay ngọn
gì cũng ở Vỵ, ho khi bị cảm thì gốc hay ngọn gì cũng ở Phế. Nhưng với những
bệnh mắc phải đã lâu thì có thể ngọn và gốc cách nhau……. xa lắc xa lơ. Thậm chí
có những trường hợp bệnh mới phát cũng có GỐC và NGỌN cách xa nhau. Ngoài ra
tính tương đối còn thể hiện ở chổ một GỐC này có thể là NGỌN của một GỐC khác.
Thí dụ như trong
bệnh Thần kinh tọa. Ngọn của bệnh là đau chân, gốc của nó là một thương tổn của
vùng thắt lưng – cùng. Nhưng bệnh lý ở thắt lưng – cùng có thể là ngọn của một
trong những gốc: viêm khớp, vôi hóa, loãng xương, chấn thương, hàn thấp kết tụ,
nhiệt thấp kết tụ…..v.v.. Trong chứng nhức đầu (ngọn) thì gốc có thể là huyết
áp cao hay kinh mạch bế tắc và nhiều gốc khác nữa, nhưng huyết áp cao cũng chỉ
là ngọn của một trong các gốc: hẹp mạch máu thận, rối loạn lipid máu, thiếu máu
cơ tim…..v.v.. Còn kinh mạch bế tắc thì có thể có gốc do Dương hư, Âm hư, Hàn
tà thực bế, nhiệt tà thực bế hay cũng có khi do tổn thương kinh mạch vì chấn
thương cơ thể hay tinh thần.
Tuy
nhiên các bạn cần biết rằng Đông và Tây y có cái nhìn khá khác nhau về gốc và
ngọn của bệnh. Cẩn thận kẻo có sự nhầm lẫn không đáng có.
Nhưng
theo ý kiến của riêng tôi thì chỉ có hai GỐC: TIÊN THIÊN BẤT TÚC
và HẬU THIÊN BẤT CHÍNH. TIÊN THIÊN BẤT TÚC là di truyền bẩm sinh của mổi người
tiếp thu từ cha mẹ. HẬU THIÊN BẤT CHÍNH là những hoạt động sai lầm của thể xác
và tinh thần. Sinh hoạt thể xác như lao động, vui chơi, ăn uống sai lầm với
cường độ cao hay kéo dài khiến cơ thể hư hao lệch lạc mà sinh bệnh. Do sinh
hoạt tinh thần không đúng như để cho những ý niệm không tốt (nóng
giận, hận thù, lo lắng…) kích động cơ thể thường xuyên khiến tinh thần bị bệnh
hoặc cơ thể bị ảnh hưởng sinh bệnh.
Vì
thế, GỐC bệnh sâu xa nhất là đây. Một cơ thể bị khiếm khuyết về gene thì có lẽ
chỉ có mai sau khi liệu pháp gene hoàn chỉnh may ra mới chữa tốt được. Rõ
ràng một cầu thủ không thể hết chấn thương gối khi còn mãi ra sân thi đấu,
một bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa không thể khỏi bệnh khi mãi ăn uống thức
sống - lạnh. Một bệnh nhân bị dị ứng không thể khỏi bệnh nếu cứ mãi tiếp xúc
với kháng nguyên. Như vậy trị bệnh là trị vào cơ thể bệnh nhân (gene) và
sửa đổi các sinh hoạt không đúng cho bệnh nhân thì mới gọi
là có TRỊ GỐC được.
·
Hư – Thực:
Hư và Thực là hai hiện tượng luôn cần chẩn đoán đúng trong Đông y. Chẩn
đoán Hư - Thực có đúng thì việc điều trị mới thành công an toàn và rốt ráo
được. Các sách thường định nghĩa Hư là suy yếu thiếu hụt, Thực là dư thừa. Ta
thường gặp các ý niệm: “Hư là chính khí hư, Thực là tà khí thực” có
nghĩa vì chính khí suy yếu nên phát bệnh (thuộc hư chứng), vì tà khí mạnh gây
ra bệnh (thuộc thực chứng), đây là nguyên tắc để phân định hư – thực. “Bệnh đã
lâu thuộc hư, bệnh mới phát thuộc thực” có nghĩa bệnh đã lâu mà không trị
dứt thì bệnh biến chuyển phức tạp hơn, phát triển ra ngoài cơ quan thụ bệnh ban
đầu và làm cơ thể suy yếu dần nên chính khí bị hư, bệnh mới phát là do
khách tà quá mạnh xâm nhập cơ thể mà chính khí chưa hư nên chỉ có tà khí thực.
Nhưng theo tôi thì ý niệm này chỉ là một kinh nghiệm để tham khảo
chứ không phải là nguyên tắc, vì trên lâm sàng có nhiều trường hợp không
đúng.
·
Hoãn – Cấp: Hoãn là thong thả, Cấp
là gấp rút. Trong ngôn ngữ hiện đại chính là bệnh mãn tính và bệnh cấp tính.
Một nghĩa khác là bệnh không nguy hiểm và bệnh nguy hiểm tức thời. Một nghĩa
khác nữa là bệnh điều trị bình thường và bệnh thuộc diện cấp cứu. Ta thường gặp
ý niệm “hoãn trị bản, cấp trị tiêu” (bệnh hòa hoãn thì trị gốc, bệnh cấp bách
thì trị ngọn), đây là một hướng dẫn chính xác và tuyệt vời cho chúng ta trong
Đông y. Khó khăn ở chỗ là cần phân định Gốc và Ngọn cho đúng để chữa trị kịp
thời cho những bệnh thuộc loại cấp.
No comments:
Post a Comment