LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT



LINK POST TRUTHLADY3.BLOGSPOT
http://truthlady3.blogspot.com/2016/11/link-post-truthlady3blogspot.html

goosee
The Sound of Silence

Tuesday, October 4, 2016

NGUYÊN TẮC CHẨN ĐOÁN




Quan điểm chung:
·                     Tận dụng mọi phương pháp chẩn đoán hiện nay của y học.
·                     Sinh lý học Tây y, Bát-cương và Tạng-tượng của Đông y là căn bản để nghiên cứu bệnh lý, là chỉ tiêu để chẩn đoán và theo dỏi diễn biến điều trị.
Các phương pháp chẩn đoán:
I/-        TÂY Y
            Đo huyết áp, sờ, nắn, nghe, hỏi về bệnh, xem các kết quả cận lâm sàng.
II/-       ĐÔNG Y
1)                  Vọng: dùng mắt để quan sát các biểu hiện sinh lý bệnh lý của bệnh nhân.
-                    Động tác: chính xác, dứt khoát, lanh lẹ là bình thường. Quá mức là Dương chứng, yếu kém là Âm chứng.
-                    Ánh mắt: linh hoạt, có thần là bình thường. Long lanh phát ra ánh lạ là dương, lờ đờ vô định là âm.
-                    Da dẻ: tươi nhuận, đều màu, màu sắc hợp lý là bình thường. Màu sắc quá bóng là dương. Xỉn màu là âm (dù vàng hay đỏ).
-                    Niêm mạc: hồng đều (nên xem niêm mạc của trẻ khỏe mạnh từ 7 đến 15 tuổi để biết tiêu chuẩn). Xem thêm bài “Chẩn đoán về Huyết – Khí”.
2)                  Văn: dùng tai nghe để khảo sát:
-                     Cách diễn tả ý tưởng rõ ràng mạch lạc chừng mực (tùy trình độ của mỗi người) là bình thường. Diễn tả nhanh, nhảy đoạn là dương. Diễn tả chậm, ý tưởng trùng lắp là âm.
-                     Âm lượng vừa phải phù hợp với bối cảnh xung quanh là bình thường. Nói lớn, nói nhanh là dương. Nói nhỏ, bỏ lửng câu nói là âm. Tuy nhiên, khía cạnh này còn tùy thuộc nề nếp riêng của mỗi người.
-                     Hơi thở đều đặn nhẹ nhàng là bình thường. Thở nhanh mạnh là dương. Thở chậm quá nhẹ là âm. Nếu người có tập khí công thì cách chẩn đoán này không đúng.
3)                  Thiết: dùng xúc giác để khảo sát bệnh lý bằng cách sờ nắn, xem mạch.
-                    Da thịt cơ gân săn chắc phù hợp với thể trạng là bình thường. Co cứng là thực, lỏng nhão là hư.
-                    Nhiệt độ: bình thường da toàn thân có nhiệt độ tương đối đều. Khi có chênh lệch khác lạ là có bệnh. Nơi bất thường nhất là nơi có rối loạn: nóng là nhiệt, lạnh là hàn. Cách này để chẩn đoán tổng quát toàn thân. Đối với nơi đang bị đau (cục bộ) thì có thêm ý nghĩa khác: ngoài yếu tố hàn nhiệt ra còn có ý nghĩa nóng là do khí bế huyết ứ, lạnh là do khí thiếu, huyết kém.
-                    Mạch: xem thêm về sách mạch lý. Cần lưu ý nguyên lý về mạch cũng thường nhắc nhở: “xả mạch tòng chứng”. Vì vậy mạch cũng chỉ là một yếu tố tham khảo chớ không là yếu tố quyết định. Dĩ nhiên với người giỏi mạch thì việc sai lầm ít khi xảy ra, nhưng nếu không chú ý kết hợp với Vọng, Văn, Vấn thì khi sai lầm sẽ rất nghiêm trọng.
4)                  Vấn: theo tôi, đây là khâu quan trọng nhất và cần linh động khéo léo vận dụng kiến thức tổng quát (ngoài kiến thức y học) và suy luận trên thực tế.
Cần quan tâm đến các tình hình sau:
-                    Nghề nghiệp: nghề nghiệp rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhất là tư thế làm việc và tinh thần khi làm việc.
-                    Nơi cư trú thường xuyên lâu dài (môi trường sống).
-                    Thói quen sinh hoạt: cường độ làm việc – nghỉ ngơi, những thú vui chơi, thói quen tắm rửa.
-                    Tình hình ăn uống. Cảnh giác với câu trả lời “ăn uống bình thường”. Phải hỏi cặn kẽ ăn một ngày mấy lần, mỗi lần ăn bao nhiêu, có ngon miệng hay không, có biết đói bụng hay không? Uống một ngày mấy lần, mỗi lần bao nhiêu. Tính cả phần thức ăn lỏng như canh, hủ tiếu…… v.v.. Trung bình mỗi người cần 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Nhưng cũng cần chú ý đến thời tiết, việc ra mồ hôi và việc tiểu tiện.
-                    Hỏi về tiểu tiện: số lần đi tiểu ngày và đêm, lượng nước tiểu (khoảng 1,5 lít / 24 giờ). Nước tiểu hơi vàng, trong trẻo, mùi khai nhẹ êm ái là bình thường. Trắng là hàn. Đục là có thấp. Đau xót, dễ hay khó – các hiện tượng này là triệu chứng chung của nhiều bệnh khác nhau, sẽ đề cập đến trong bệnh thuộc hệ Tiết Niệu.
-                    Hỏi về đại tiện: mấy ngày một lần. Có một số người hai ngày mới đi một lần đều đặn như thế thì đây cũng là bình thường vì họ có đại trường hơi dài. Tình trạng của phân: cứng khô hay nhão rời, to hay nhỏ, vàng hay có màu khác. Các hiện tượng này sẽ được đề cập trong bệnh hệ Tiêu hóa.
-                    Ngủ: dễ hay khó vào giấc, thẳng giấc hay bị trở giấc, lúc thức dậy tỉnh táo hay lờ đờ. Nằm đâu ngủ đó, ngủ khó thức dậy là khí suy. Ít ngủ, ngủ dễ thức nhưng ngủ lại không khó là khí thịnh. Khó ngủ dễ thức và khó ngủ lại là âm-huyết suy. Xem thêm bài “Mất ngủ”.
-                    Với phụ nữ nên hỏi thêm về kinh nguyệt. Chu kỳ đều hay không, chu kỳ dài (34 ngày) hay ngắn (23 – 25). Số ngày hành kinh, hình thức màu sắc của kinh.
-                    Hỏi về thời điểm bệnh tăng giảm, mùa nào giờ nào trong ngày bệnh tăng hay giảm. Tăng trong mùa nóng hay buổi trưa là nhiệt chứng dương chứng. Tăng trong mùa lạnh hay chiều tối là hàn chứng âm chứng. Nói chung là yếu tố dương (nhiệt - táo) hoặc âm (hàn - thấp) sẽ làm tăng thêm bệnh đồng tính với nó.
-                    Hỏi cảm giác:
Ø    Nhiệt: đau, ngứa, mỏi, nóng.
Ø    Hàn: nhức, tê, nặng nề, lạnh. Riêng trong bệnh thoái hóa các khớp tay chân, đĩa đệm cột sống, các đốt sống thì các triệu chứng này không có ý nghĩa hàn – âm tuyệt đối. Cần xét thêm bệnh tăng khi gặp yếu tố âm – hàn có xảy ra hay không mới có thể kết luận có hàn hay không. Vì luôn luôn các bệnh này làm bệnh nhân có các cảm giác nêu trên.
-                    Tính chu kỳ khí lực (xem bài chu kỳ khí lực và chu kỳ 6 thiên khí) nếu bệnh có quy luật về thời gian.
Về Vấn chẩn sẽ được đề cập chi tiết hơn trong mô tả triệu chứng các bệnh.
III/-     DÒ HUYỆT
            Là phương pháp chẩn đoán bằng cách ấn các huyệt để dò tìm căn nguyên của bệnh. Thực chất cách này thuộc Thiết chẩn. Nhưng trên lâm sàng nó tỏ ra khá độc lập nếu chúng ta nắm vững các nguyên tắc và nhuần nhuyễn kỹ thuật của phương pháp. Ngoài DC-ĐKLP ta nên vận dụng thêm kiến thức của tất cả các phương pháp (môn phái, trường phái) hiện có như Thể châm, Nhĩ châm, Thủ – Túc châm…… v.v..
            Khi dò huyệt bằng que dò cần biết các đặc điểm sau: khi vùng huyệt bị cộm cứng là thực. Vùng huyệt bị mềm lõm xuống là hư. Huyệt bị đau một cách bình thường biểu hiện bệnh nhiệt nhưng cũng có thể là hàn nhẹ. Đau một cách đặc biệt không chịu nổi là nhiệt. Không đau dù đã dùng sức rất mạnh là hàn nhiều (cần thận trọng với bệnh nhân Tiểu đường). Xem thêm bài “Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt DC”.
            Khi dò huyệt bằng ngải cứu cần chú ý: huyệt hút nóng nhanh là huyệt quan trọng hơn huyệt hút nóng chậm. Vừa nóng vừa buốt là hàn nhiều. Vừa nóng vừa ngứa là có nhiệt lẫn vào.
            Nên nhớ chẩn đoán đúng thì điều trị mới đúng và ít có tai biến. Mà chẩn đoán bao giờ cũng khó hơn điều trị. Do đó cần kỹ lưỡng trong khi chẩn đoán để hạn chế sai sót. Và… bao giờ cũng tự hỏi rằng “hay là mình đã sai?”, khi kết quả điều trị không đạt như mong muốn. Không nên áp đặt rằng do lỗi của bệnh nhân vi phạm về sinh hoạt hay ăn uống……v.v.. mặc dù không bỏ qua yếu tố này. Luôn cần quan tâm và tin cậy bệnh nhân sau khi bày tỏ quan điểm cần biết sự thật về bệnh chứng diễn tiến bệnh. Khi chúng ta tôn trọng và không làm họ sợ thì bệnh nhân sẽ tôn trọng và thành thật với ta. Nếu chúng ta nghi ngờ lời khai của bệnh nhân thiếu chính xác (vì họ ngoài ngành Y nên đôi khi không biết cách diễn tả) thì nên khéo léo kiểm chứng bằng phương pháp dò tìm sinh huyệt hoặc có câu hỏi khác lời nhưng cùng ý để xác minh, không nên la rầy. Nên ân cần với các bệnh nhân thuộc giới bình dân trình độ văn hóa thấp. Giới này thường nể sợ thầy thuốc hoặc có tâm trạng ngại ngùng nên khai bệnh hay sai, sót.


CHẨN ĐOÁN ÂM – DƯƠNG, HÀN – NHIỆT VÀ HƯ - THỰC




Lương y Tạ Minh.

I/-        HÀN – NHIỆT
            Những triệu chứng của hàn nhiệt khá phong phú. Tùy theo bệnh mà có các chứng khác nhau. Nhưng mấu chốt vẫn là sự ưa hoặc sợ - nóng và lạnh, tăng hay giảm bệnh khi có điều kiện hàn nhiệt tác động. Cho nên rút gọn lại ta chỉ cần lưu ý các hiện tượng sau đây:
1)                   Những hiện tượng bệnh chứng thuộc hàn: với toàn thân ta có sợ lạnh, thích ấm, bệnh tăng lên khi gặp yếu tố lạnh. Đối với cục bộ ta sờ vào vùng có bệnh thấy lạnh hơn các nơi khác.
2)                   Những hiện tượng thuộc bệnh nhiệt: với toàn thân ta có sợ nóng, ưa mát, bệnh tăng lên khi gặp yếu tố nóng. Với cục bộ ta sờ vào vùng có bệnh thấy nóng hơn các nơi khác.
3)                   Nói cách khác ta có một bệnh nhân có thể tổng trạng hàn hoặc nhiệt và mắc bệnh chứng hàn hay nhiệt. Tổng trạng và bệnh không bắt buộc phải cùng thể loại.
Không nên đặt các câu hỏi có tính áp chế như: “Hễ trời nóng thì bệnh nặng hơn phải không?”. Vì lúc này bệnh nhân sẽ dễ bị ám ảnh và hay trả lời xuôi theo câu hỏi “Phải, hễ nóng là đau hơn”, mà nên hỏi: “Bệnh tăng khi trời nóng hay trời lạnh?”. Với câu hỏi này bệnh nhân bắt buộc phải suy nghĩ và nhớ lại mới trả lời, thì câu trả lời sẽ khách quan hơn. Nếu bệnh nhân phân vân, ta nên khuyến khích bệnh nhân về xem xét lại và trả lời sau. Không nên hối thúc, bệnh nhân dễ bị rối trí và trả lời sai.
            Ta thấy, trong bệnh Dương hư, luôn luôn bệnh nhân sợ lạnh, da lạnh. Trong bệnh Âm hư, bệnh nhân luôn sợ nóng, da nóng. Âm Dương đều hư thì nóng lạnh đều ghét. Biên độ chịu nóng và lạnh của họ rất hẹp. Chưa ai thấy nóng hay lạnh họ đã kêu nóng hoặc lạnh.
            Trên lâm sàng hội chứng toàn thân và triệu chứng cục bộ (nơi có bệnh) có khi thống nhất có khi lại không thống nhất nhau. Vì thế cần chẩn đoán hai lần: toàn thân và cục bộ.
1)                  Khi toàn thân và cục bộ thống nhất thì toàn thân sợ cái gì thì cục bộ tăng triệu chứng theo khi gặp cái đó. Thí dụ: trong đau khớp, bệnh nhân sợ lạnh và khi trời lạnh thì khớp đau hơn. Hoặc bệnh nhân sợ nóng và khớp cũng đau hơn khi trời nóng.
2)                  Khi toàn thân và cục bộ không thống nhất thì yếu tố nóng và lạnh chỉ ảnh hưởng tới một khía cạnh mà thôi. Hoặc có khi ảnh hưởng trái ngược nhau. Ở đây sẽ khá phức tạp. Vì khớp là loại bệnh chứng thường gặp nhất nên được nêu làm ví dụ điển hình, các bệnh khác cũng suy luận tương tự.
·                     Toàn thân ấm hay nóng mà khớp lạnh: thuần túy là do khớp bị nhiễm lạnh (khớp rất lạnh, đây là bệnh thuộc thực – xem ở phần hư - thực dưới đây) hoặc do toàn thân thiếu máu hoặc chỉ do khớp bị thiếu máu (tại khớp không lạnh lắm như trường hợp trước, đây là bệnh do hư – xem ở phần hư - thực ở dưới). Tuy nhiên trên thực tế các loại này hay trùng hợp nhau. Ở đây thì khi trời lạnh, khớp sẽ đau hơn. Khi trời nóng khớp lại đau ít.
·                     Toàn thân mát hay lạnh mà khớp nóng: khớp bị nhiễm nóng hoặc nhiễm trùng nhẹ (nếu nhiễm trùng nặng thì cơ thể bắt buộc phải sốt). Khi khớp nhiễm nóng thì sẽ giảm bệnh (đau) khi gặp yếu tố lạnh. Nếu là nhiễm trùng thì khớp không giảm đau mà có khi còn đau hơn khi gặp lạnh!!
Trên thực tế đôi lúc chúng ta sẽ lúng túng khi gặp các triệu chứng hàn và nhiệt cùng xuất hiện đến nỗi khó phân định là bệnh thuộc hàn hay nhiệt. Hãy bình tĩnh xem xét. Chú ý đến thể trạng bệnh nhân vì thể trạng là nguồn gốc của mọi vấn đề. Một thể trạng (chính khí) vững mạnh rất khó nhiễm bệnh. Xem xét trong cơ thể nơi nào lạnh hay nóng nhất. Nơi đó là nơi ngoại tà xâm nhập gây bế tắc cho toàn thân. Điều chỉnh nơi này cho bình thường lại và điều chỉnh tổng trạng cho cân bằng lại thì sự rối rắm nêu trên sẽ mất và các triệu chứng sẽ hiện rõ hơn. Trên lâm sàng nhiều khi tôi chỉ điều chỉnh tổng trạng xong thì bệnh chứng cũng tự biến mất.
II/-       HƯ – THỰC
-                    Hư là trống rỗng, suy yếu, thiếu thốn. Là bệnh có nguyên nhân do suy yếu hay thiếu thốn. Thí dụ: suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, can dương hư, thận âm hư……v.v.. Vì thế khi nói đến bệnh thuộc hư là nói đến tổng trạng của bệnh nhân hay một tạng phủ nào đó bị suy yếu hỏng hóc. Nguyên nhân làm cho hư thì tùy, có lúc do bản chất tự hư, có khi do nguyên nhân bên ngoài tác động.
-                    Thực là đầy, là dư thừa. Là bệnh do sự dư thừa gây ra. Thí dụ: cảm lạnh là do cơ thể hấp thu nhiều khí lạnh nên bị dư thừa khí lạnh. Cảm nóng là do cơ thể hấp thụ quá nhiều hơi nóng sinh bệnh. Có thể nói bệnh thuộc thực là do nguyên nhân bên ngoài tác động vào khiến cơ thể không chịu đựng nổi mà phát bệnh.
Điều khó nhất là chẩn đoán đúng về Hư - Thực vì dương chứng có thể do dương vượng có thể do âm hư. Âm chứng có thể do âm vượng có thể do dương hư. Cần nhớ rằng chứng có thể là chứng của tổng trạng có thể là chứng của riêng căn bệnh mà thôi. Phải biết phân biệt đâu là của toàn thân đâu là của riêng căn bệnh.
            Trên thực tế, kinh nghiệm cho biết bệnh thuộc thực thì triệu chứng mạnh mẽ, dữ dội, ồn ào, rõ rệt. Bệnh thuộc hư thì triệu chứng nhẹ nhàng, dịu dàng, phơn phớt, kín đáo. Kín đáo đến mức đôi khi bệnh nhân không cảm nhận được. Tuy việc chẩn mạch sẽ cho biết tương đối rõ về bệnh hư thực nhưng việc học chẩn mạch không dễ. Cần sự truyền thụ trực tiếp giữa thầy và trò. Đồng thời cần kinh nghiệm nhiều trong việc xem mạch. Vì thế trong thời gian qua, sau khi tìm hiểu và theo dỏi tôi tìm ra hiện tượng nêu trên. Điều còn lại là khi thấy triệu chứng thực hay hư thì phải tìm cho được vì đâu mà có triệu chứng này. Chỉ cần biết cách đặt câu hỏi cho phù hợp, kết hợp với óc suy luận phán đoán, khám kỹ theo tất cả các kỹ thuật khám bệnh đã biết thì việc chẩn đoán bệnh thuộc hư hay thực trở nên dễ dàng hơn. Cần xem thêm các bài “Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt DC” và “Làm sao để đạt tứ đắc” của tôi.
III/-     ÂM DƯƠNG
            Trong Đông y, Âm Dương là tổng cương của 6 cương lĩnh kia (hàn, nhiệt, hư, thực, biểu, lý). Ba cương thuộc Dương là nhiệt (nóng), thực (dư thừa), biểu (bên ngoài). Ba cương thuộc âm là hàn (lạnh), hư (suy yếu), lý (bên trong). Có thể nói khi một bệnh nhân xuất hiện đủ triệu chứng của ba cương thuộc Âm hoặc Dương là có thể kết luận bệnh thuộc Âm hay bệnh thuộc Dương. Trong các y án, khi người ta nói “Dương chứng” có nghĩa là triệu chứng thuộc Dương (chứng nhiệt, chứng thực, chứng ở biểu) - tương tự cho từ ngữ “Âm chứng”. Nhưng có lúc chỉ có hai trong ba khía cạnh thôi, người ta cũng nói là Dương chứng hay Âm chứng. Điều này do thói quen và không ảnh hưởng gì đến kết quả chẩn đoán vì thường là bệnh đơn giản mới nói như vậy. Tuy nhiên trong thực tế thì hiếm khi triệu chứng lại thuần nhất đến như vậy mà thường pha trộn vài triệu chứng thuộc âm vài triệu chứng thuộc dương. Nếu bệnh phức tạp thì bắt buộc người ta sẽ nói kỹ hơn như một số từ thường gặp: hư nhiệt (nóng do hư), hư hàn (lạnh do hư), biểu nhiệt lý hàn (ngoài nóng trong lạnh), biểu hàn lý nhiệt (ngoài lạnh trong nóng), biểu hư lý thực (ngoài hư, trong thực)……v.v.. Hoặc cẩn thận hơn người ta sẽ liệt kê đầy đủ các triệu chứng thuộc âm và thuộc dương trước khi kết luận.
            Tóm lại, Dương hay Âm chỉ là tổng kết triệu chứng của ba cương lĩnh thứ cấp của chúng trong Bát Cương mà thôi. Tuy nhiên nói như vậy là cũng chưa đầy đủ vì ÂM và DƯƠNG còn là 2 thành phần cơ bản của cơ thể. Có thể nói gọn: Âm là cơ sở vật chất, Dương là năng lượng tạo nên, duy trì sự tồn tại và hoạt động của vật chất. Điều này khá phức tạp, xin được đề cập ở dịp khác.
KẾT LUẬN:
            Như vậy, khi chẩn đoán bệnh ta luôn cần chẩn đoán bệnh thuộc hàn hay nhiệt, hư hay thực cùng lúc để có kết luận tương đối đủ và đúng. Trong Đông y thì còn cần biết thêm về biểu (bên ngoài) và lý (bên trong), nhưng với DC thì hai yếu tố này không cần thiết nên tôi lược bỏ. Xin xem thêm bài “Một số khái niệm thường gặp”.
CHÚ THÍCH:
·                     Dương chứng: chứng thuộc dương gồm có chứng nhiệt, chứng thực, chứng xuất hiện bên ngoài.
·                     Âm chứng: chứng thuộc âm gồm chứng lạnh, chứng hư, chứng thuộc bên trong.
·                     Biểu chứng: chứng xuất hiện bên ngoài cơ thể có thể thấy, sờ được như các bệnh ngoài da, bệnh viêm khớp…………
·                     Lý chứng: chứng thuộc bên trong là các bệnh chứng của tạng phủ như viêm gan, viêm dạ dày, suy thận………….
·                     Chính khí: sức lực tổng thể của bệnh nhân, sức mạnh nội tại, sức đề kháng. Còn được gọi là nguyên khí.
·                     Tà khí: yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, thời tiết khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm, thức ăn không hợp…... nên thường gọi là ngoại tà.
·                     Bát cương: là 8 cương lĩnh (giềng mối) dùng trong chẩn đoán của Đông y, gồm có Âm, Dương, Hư, Thực, Hàn, Nhiệt, Biểu, Lý. Rất đơn giản nhưng bao trùm phương pháp luận chẩn đoán của Đông y. Rất hiệu nghiệm nếu nắm vững kỹ thuật chẩn đoán này khi cùng phối hợp với Tạng tượng.
Bài viết này chưa phải là bài giảng về Bát Cương mà chỉ nêu lên những mấu chốt của Bát cương mong giúp các bạn sau này có cơ hội đọc sách Đông y sẽ dễ lĩnh hội hơn mà thôi.


CHẨN ĐOÁN NHANH HÀN – NHIỆT




                                                                                                                 Lương y Tạ Minh, 1993.
            Chẩn đoán bệnh thuộc hàn hay nhiệt là việc cần làm trước khi điều trị để tránh sai lầm. Việc này vừa dễ dàng vừa rắc rối. Dễ khi bệnh mới phát hay bệnh đơn giản. Rắc rối khi bệnh đã lâu hoặc bệnh phức tạp. Nhưng nếu các bạn nắm vững nguyên tắc sau đây thì vấn đề cũng không đến nỗi khó. Đó là cần tách ra hai phần riêng biệt: tổng thể và cục bộ.
            Đối với toàn thân, toàn thân sợ cái gì là cơ thể đang mắc thể bệnh đó. Cơ thể đang bị nhiệt thì sẽ cảm thấy sợ những yếu tố nóng. Cơ thể đang bị hàn thì sẽ cảm thấy sợ những yếu tố lạnh. Các yếu tố nóng hay lạnh gồm thời tiết (nắng mưa gió bão), môi trường sinh hoạt (ngoài trời, trong nhà, phòng máy lạnh, nhà bếp…), thức ăn uống (nhiều hay ít năng lượng). Đối với cục bộ nơi có bệnh cụ thể (viêm xoang, đau thần kinh tọa, viêm dạ dày…vv.) cũng tương tự. Nhưng cũng có không ít trường hợp ngoại lệ, cần thận trọng. Xin xem thêm bài “Chẩn đoán theo Bát Cương”, Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt DC”.
            Trong bài này, tôi cống hiến thêm cho các bạn một phương pháp chẩn đoán hàn nhiệt thuần túy theo DC-ĐKLP mà tôi đã tìm ra sau nhiều năm thực hành, có thể nói rất chính xác trong chẩn đoán cục bộ nơi có bệnh…. mà lại dễ thực hành và kết quả nhanh chóng tức thì. Dùng cây lăn đinh lăn trên mặt, vào vùng phản chiếu nơi có bệnh. Nếu có hiện tượng đau như kim châm chích là bệnh thuộc nhiệt; bạn sẽ dùng cây lăn đinh để trị. Nếu nơi lăn không đau thì bệnh thuộc hàn, phản chiếu sẽ báo nóng với ngải cứu; bạn sẽ dùng ngải cứu để trị. Nếu nơi lăn bằng lăn đinh không đau mà chỉ đau bằng que dò thì hàn nhẹ, có thể chỉ day hay cào có xoa dầu để trị bệnh chớ không cần hơ ngải; trường hợp này hơ ngải cũng được nhưng hơi mạnh hơn mức cần thiết, rất dễ bị quá liều gây phản ứng phụ không tốt.
            Thí dụ: bệnh nhân đau mông trái, ta dùng lăn đinh lăn cánh mũi trái (phản chiếu mông trái). Nếu cánh mũi trái đau khi lăn bằng lăn đinh thì mông trái của bệnh nhân bị đau do nhiệt. Nếu cánh mũi trái của BN không đau, ta dùng ngải cứu dò vùng cánh mũi trái đúng kỹ thuật, vùng này sẽ hút nóng.
            Mời các bạn dùng thử kỹ thuật đơn giản này để chẩn đoán về hàn nhiệt.
            LƯU Ý: Giải pháp này có kết quả cao trong các bệnh đơn giản, bệnh mới phát lần đầu. Khi gặp bệnh khó, phức tạp thì giải pháp này có khi không nói lên hết vấn đề. Các bạn cần tham khảo thêm các bài về chẩn đoán khác, tổng hợp lại thì mới ra vấn đề.



CHẨN ĐOÁN VỀ HUYẾT VÀ KHÍ




Lương y Tạ Minh.

I/-        CHẨN ĐOÁN VỀ HUYẾT
            Theo nhận định riêng của tôi, huyết không chỉ là máu, là hồng cầu, tiểu cầu màu đỏ mà bạch cầu, huyết tương và các vi chất cần thiết trong một cơ thể bình thường cũng thuộc huyết.
            Chẩn đoán về huyết cần tổng hợp các khía cạnh sau:
1)                  Màu sắc của niêm mạc mắt và lưỡi (chất lưỡi): hồng đều là tốt. Niêm mạc mắt và môi quan trọng hơn vì có khi chất lưỡi biểu hiện bệnh lý của tim. Cần xem xét niêm mạc của trẻ khoảng từ 5 – 17 tuổi khỏe mạnh mà ta biết để lấy chuẩn. Về môi thì xem phía trong môi nơi tiếp xúc với răng lợi (nướu). Về mắt thì chia làm hai phần trong và ngoài của mặt trong mí mắt. Màu hồng phải trải đều. Nếu có ẩn màu vàng là có thấp, ẩn màu nâu là thiếu oxy, có tia máu là có huyết ứ. Nhạt hay trắng là huyết suy. Trong nhạt ngoài hồng là chỉ thiếu máu. Trong nhạt ngoài đỏ là thiếu máu có hư nhiệt. Đỏ toàn bộ thì hoặc thực nhiệt (bàn chân ấm) hoặc thượng nhiệt hạ hàn (bàn chân lạnh). Với trường hợp này sau khi giải quyết hiện trạng bệnh xong (do thực nhiệt hoặc do thượng nhiệt hạ hàn) ta cần xét lại mí mắt để biết tình trạng thật của huyết.
2)                  Màu sắc của da, độ tươi nhuận của da, màu sắc các móng tay chân. Màu sắc các nơi này cần hồng nhuận tươi bóng và thuần màu.
3)                  Đo huyết áp xem trị số và quan sát khoảng lui kim, tốc độ lui kim: thiếu máu khi huyết áp tâm thu từ 100 trở xuống kèm theo hiện tượng độ lui kim ít hơn 2 mmHg (1 nấc trên mặt đồng hồ) nhưng cũng có khi kèm thêm khí kém (chức năng kém) hay dương kém (sợ lạnh, thiếu sức bền). Có phối hợp với các yếu tố kể trên. Cần xem thêm bài “Cách đo huyết áp” trong “Các bệnh thường gặp”.
4)                  Xem mạch: thuộc kiểu mạch tiểu (nhỏ), mạch vô lực.
5)                  Xem xét về hiện trạng Thể dịch. Việc này cần tham khảo các xét nghiệm Cận lâm sàng.
Tổng hợp các yếu tố trên xong, phân tích để quyết đoán về huyết ở tình trạng nào: tổng lượng máu, thành phần máu, có tạp chất hay không, các nội tiết tố (cần xét nghiệm).
II/-       CHẨN ĐOÁN VỀ KHÍ
            Đông y mô tả Khí khá phức tạp và là thành phần vô hình, chỉ nhận biết mà không thấy được. Chữ Khí của Đông y bao gồm khí trời, khí của thức ăn và khí trong cơ thể. Chúng thường được đề cập một cách hồn nhiên nên đôi khi gây hoang mang khó hiểu cho người mới học. Tuy nhiên theo tôi, nếu nói về Khí trong cơ thể thì Khí là chức năng các hoạt động của các cơ quan. Còn khí thiên nhiên do cơ thể hấp thu và sử dụng thì cần quy về thành phần của Thiên khí. Nói theo cách “Tây y” thì Khí là hệ thần kinh của bệnh nhân. Thí dụ: Phế khí suy là chức năng hô hấp kém, Vị khí dương suy là chức năng co bóp và Vị khí âm suy là chức năng tiết dịch vị của dạ dày kém, Đại trường khí suy là chức năng truyền tống kém (nhu động ruột) làm cho bón……v.v.. Tương tự ta có khí toàn thân suy tổng quát là Nguyên Khí (Chân khí) suy là chức năng hoạt động thần kinh của toàn thân kém làm cơ thể lười nhác, uể oải, thiếu linh hoạt. Điều này thể hiện qua trạng thái hoạt động toàn thân và vẻ linh hoạt của mặt và mắt; trường hợp này thường được Tây y chẩn đoán là suy nhược thần kinh, là trầm cảm.
            Đối với các tạng phủ thì xem xét dựa theo sinh lý của chúng để đánh giá. Với người giỏi mạch thì việc chẩn đoán về khí không khó. Nhưng nếu không biết xem mạch thì với việc phát huy cách đặt câu hỏi khéo léo cộng với sự quan sát bằng mắt, óc suy luận, dựa trên hiện tượng khác với sinh lý bình thường của tạng phủ ta vẫn có thể chẩn đoán về khí cũng không mấy khó khăn (bệnh lý chính là sự khác thường của sinh lý).
            Điểm khác biệt giữa Dương suy và Khí suy là: Dương hư luôn có sợ lạnh, thiếu sức bền mặc dù vẫn siêng năng tích cực. Còn Khí suy thì không sợ lạnh, chỉ lười uể oải nhưng khi bị ép buộc thì sức làm việc vẫn bền bỉ. Muốn phân biệt Dương và Khí thì cần đặt câu hỏi theo hướng này.
            Tóm lại, để dễ hiểu theo ngôn ngữ hiện đại, theo tôi thì khí là thần kinh, huyết là thể dịch của cơ thể.
            Bài viết này là kinh nghiệm thực tế và không theo hẳn Đông y mà có đối chiếu với Tây y. Do đó sẽ hơi khác với các tài liệu Đông y đã có.


CHẨN ĐOÁN ĐÀM THẤP THỦY




Lương y Tạ Minh, 1988.
            Thấp là ẩm thấp, là độ ẩm của vật chất. Trong y học có 2 loại thấp: ngoại thấp và nội thấp. Ngoại thấp là thấp từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Nội thấp là thấp do cơ thể tự sinh ra. Thủy là nước. Nước là thành phần cần thiết cho cơ thể, nhưng có tỷ lệ nhất định đối với thể trạng cơ thể. Thiếu hay thừa nước đều gây bệnh. Nước thừa bị thân nhiệt làm nóng sẽ cô đọng lại thành thấp, để lâu hơn sẽ cô đọng hơn nữa và thành đàm. Cho nên thủy và thấp dễ trừ hơn đàm. Chỉ có ngoại thấp và thủy mới gây bệnh trực tiếp ngay tức thì cho cơ thể. Còn nội thấp và đàm vốn do cơ thể sinh ra nên không gây bệnh ngay mà chỉ gây trở ngại sinh lý cho cơ thể nếu còn ít. Khi có bệnh rõ ràng là thấp và đàm khá nhiều khiến sinh lý cơ thể khó hoạt động mà sinh bệnh.
            Ta có thể hình dung như sau: một căn nhà muốn đi lại dễ dàng cần thông thoáng, đồ vật cần dùng trong nhà được bố trí hợp lý. Khi có quá nhiều vật dụng cũ kỹ (mà do tiếc của, đã để lại sau khi đã có đồ mới) và bố trí bừa bãi thì việc đi lại trong nhà sẽ khó khăn vì vướng víu. Cơ thể cũng vậy, Nội-Thấp và Đàm do chính cơ thể sinh ra, chúng không phải là độc tố ngoại lai nên hầu như không gây bệnh rõ ràng, nhưng chúng khiến sinh lý cơ thể hoạt động không linh hoạt thông suốt. Chính sự không thông suốt này lâu ngày gây bế tắc sinh bệnh. Đông y có một khái niệm rất hay “ khí hành thì thấp tan, khí suy sinh thấp trệ”. Cho nên không chỉ mạch Hoạt mới có đàm thấp mà mạch Hoãn cũng có thể biểu hiện có thấp đàm.
            Triệu chứng bệnh do đàm thấp thủy khá phong phú và phức tạp. Thậm chí có một số tác giả Đông y cho là “quái bệnh” (bệnh kỳ quái). Nhiều trường hợp bệnh nhân cảm thấy khó chịu không thoải mái, cảm thấy mình có bệnh nhưng thầy thuốc tìm không ra bệnh, nhất là khi dùng Tây y để chẩn đoán.
            Thấp, đàm vốn không hàn không nhiệt. Nhưng rất dễ kết hợp với hàn nhiệt để tạo ra thấp-hàn, thấp-nhiệt, đàm-hàn, đàm-nhiệt. Do đó cần kết hợp với triệu chứng của hàn nhiệt để chẩn đoán và điều trị chính xác.
            Một số triệu chứng thường gặp do thủy, thấp, đàm gây ra:
-                    Người luôn uể oải mỏi mệt không có lý do.
-                    Giấc ngủ mê mệt mà không khỏe khi thức giấc.
-                    Ngủ dễ hay khó thì cũng thức giấc khó khăn. Không tỉnh táo ngay khi thức giấc dù ngủ không thiếu.
-                    Tứ chi cảm thấy nặng nề hoặc mỏi vô cớ, nhất là lưng và chi dưới.
-                    Luôn cảm thấy lười biếng.
-                    Đầu óc không minh mẫn dù không thiếu ngủ hay vận dụng trí óc quá nhiều. Mà trước đây không có hiện tượng này, cũng không bị stress, có nghĩa không hề có vấn đề gì về tinh thần. Cũng không bị thiểu năng tuần hoàn não.
-                    Thay đổi màu sắc ở da, niêm mạc. Hoặc da mất độ tươi nhuận - theo lứa tuổi.
-                    Phù thũng (ấn vào vùng nhiều thịt ở cổ chân bàn chân bị lõm xuống mà khi thả ra không lồi lên ngay).
-                    Béo phì vô cớ, ăn ít ăn thiếu chất mà vẫn mập. Tuy nhiên với triệu chứng này cần xem xét thêm để loại trừ bệnh ở tuyến Yên.
-                    Những bệnh thuộc loại xơ hóa, sừng hóa đều thuộc dạng đàm.



CHU KỲ 12 KINH KHÍ




 Lương y Tạ Minh.

            Cơ thể có 12 tạng phủ, khí của chúng liên lạc ra bên ngoài bằng 12 kinh. Mỗi kinh có giờ chủ đạo riêng. Đến giờ chủ nào, kinh khí đó vượng nhất. Thông qua hiện tượng này, người xưa dùng nó để tả hay bổ cho chúng. Nay, tôi lại dùng nó vào việc chẩn đoán truy tìm bệnh gốc thuộc kinh khí nào và điều chỉnh kinh khí đó để điều trị. Chỉ khi nào bệnh thuộc lãnh vực khí của kinh thì biện pháp này mới có tác dụng. Đôi khi bệnh chỉ do kinh khí gây ra, có khi bệnh do cả tạng và kinh khí. Do đó, hiệu quả điều trị cho ta biết bệnh thuộc khía cạnh nào.
            Trên nguyên tắc, khi kinh khí có bệnh thì cứ đến giờ chủ đạo của nó thì triệu chứng bệnh tăng lên. Có hai trường hợp thực và hư. Thực là kinh khí đó quá mạnh. Hư là kinh khí đó suy yếu. Thực thì làm giảm khí lực của nó. Hư thì tăng khí lực nó lên, nếu không hiệu quả thì ta giảm khí lực của kinh khí đối lập của nó, được tính theo giờ đối lập.
            Thí dụ: một bệnh nhân khi ngủ hễ cứ tới gần 2 giờ sáng là thức giấc, qua 3 giờ mới ngủ lại được, đây là giờ Sữu là giờ của Can khí. Nếu là chứng thực ta day hay áp lạnh 50, 70, nếu là chứng hư ta hơ nhẹ hay dán cao hay xức dầu 50, 70. Vì hơ nhẹ, dán cao, hay xức dầu là bổ, day hay áp lạnh là tả. Nếu không thành công ta chọn kinh khí có giờ đối lập là giờ Mùi, giờ của Tiểu trường. Tương tự cho các loại bệnh chứng khác.
            Bài thơ vắn tắt diễn tả giờ chủ đạo của 12 kinh khí:
Phế Dần, Đại Mão, Vị Thìn cung,
Tỳ Tị, Tâm Ngọ, Tiểu Mùi trung.
Bàng Thân, Thận Dậu, Tâm bào Tuất,
Hợi Tiêu, Tí Đởm, Sửu Can thông.
TP. Hồ Chí Minh, 1993.


 

CHU KỲ LỤC KHÍ




 TP. Hồ Chí Minh, 1993.
Lương y Tạ Minh.

           
 Trong cơ thể có 6 khí (chia ra 12 kinh khí) tương ứng với 6 khí trong thiên nhiên: Thái Dương, Thiếu Dương, Dương Minh, Thái Âm, Thiếu Âm, Quyết Âm. Trong một ngày 24 giờ, 6 khí luân chuyển theo từng 4 tiếng đồng hồ nối tiếp nhau. Trong giờ của khí nào, khí đó vượng nhất. Khí đó suy nhất khi thuộc giờ đối của nó (thí dụ: 9g đối với 21g). Áp dụng trong chẩn đoán ta có bệnh tăng hay giảm vào giờ thiên khí vượng hay suy. Suy ra:
-                     Nếu giờ thiên khí vượng mà bệnh tăng là kinh khí hay tạng phủ tương ứng bị thực. Hoặc kinh khí tạng phủ đối xứng của nó bị suy. Thí dụ: bệnh tăng từ 9 giờ đến 13 giờ, sau đó giảm nhẹ là giờ thuộc thiên khí Thái dương. Suy ra kinh khí Thái dương thực hay kinh khí Thái âm suy. Việc còn lại là tìm xem Thủ hay Túc kinh bị bệnh mà xử lý thích hợp.
-                     Nếu giờ thiên khí vượng mà bệnh giảm thì kinh khí hay tạng phủ tương ứng của nó bị suy. Ta chỉ bổ chính nó.
            Để hiểu bài này và bài trước bạn cần biết, và hiểu càng tốt, về kinh mạch (thuộc ngành châm cứu – Thể châm). Ở đây tôi chỉ nói sơ lược vì thật ra việc ứng dụng hai bài này cũng không cần sâu sắc như một lương y châm cứu. Mà chỉ cần khái lược như dưới đây.
            Thiên khí (khí của trời đất) có 6 khí như nêu trên, cơ thể cũng có 6 khí tương ưng với 6 khí của trời đất.
            Sáu khí ở cơ thể được phân bố cho 12 kinh chạy trong người. Mười hai kinh lại chia làm 2 phần tay (Thủ) và chân (Túc). Như vậy một khí chia làm 2, một theo tay một theo chân giúp các kinh vận hành. Ta có:
-                    Túc Thái Dương Bàng Quang đồng khí với Thủ Thái Dương Tiểu trường.
-                    Túc Thiếu Dương Đởm đồng khí với Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu.
-                    Túc Dương Minh Vị đồng khí với Thủ Dương Minh Đại tràng.
-                    Túc Thái Âm Tỳ đồng khí với Thủ Thái Âm Phế.
-                    Túc Thiếu Âm Thận đồng khí với Thủ Thiếu Âm Tâm.
-                    Túc Quyết Âm Can đồng khí với Thủ Quyết Âm Tâm Bào.
Tuy đồng khí nhưng giờ chủ đạo của mỗi kinh khác nhau, do đó không thể lầm lẫn. Tuy nhiên ta thấy khi một loại khí trong cơ thể có vấn đề ắt có thể gây trở ngại trực tiếp cho 2 kinh hay tạng phủ đồng khí (có tên khí giống nhau) hoặc có khí đối nhau (xem hình ở trên).
            Thường thấy, nôm na là khi một cơn gió ập đến (tà khí) thì hoặc đau bụng tiêu chảy, hoặc viêm hô hấp. Vì khí Thái Dương ở kinh Bàng Quang bảo vệ bên ngoài cơ thể, không chống được tà khí thì hoặc truyền qua Thái Dương Tiểu Trường, Thái Âm Tỳ làm đau bụng tiêu chảy hoặc truyền qua Thái Âm Phế làm ho (viêm hô hấp). Hay khi ăn uống thức lạnh khí hàn nhiều, ngoài đau bụng ra ta có thể bị ớn lạnh, ho. Đây là hiện tượng bệnh thường gặp nhất trong cuộc sống.
            Có bạn sẽ thắc mắc vậy tại sao có người trúng gió ngã ra rồi…… “đi luôn”, đó là vì bản thể người này vốn đã có bệnh về tim mạch. Cơn gió vô tội, nó không cố ý đánh vào Tâm, tội là ở chổ Tâm (hệ tim mạch) đã có bệnh mà không phòng, không chữa!!!
            Đông và Tây y gặp nhau ở điểm này.



           

CHẨN ĐOÁN HÀN NHIỆT BẰNG HUYỆT DIỆN CHẨN




 Tạ Minh.
TP. Hồ Chí Minh, 21-12-1993.

            Bệnh nếu không thuộc hàn thì thuộc nhiệt hoặc hàn nhiệt lẫn lộn. Trung y đã có cách chẩn đoán hàn nhiệt. Còn DC thì sao? Đây là ưu tư của tôi từ khi học và làm DC. Thời gian đầu gần như tôi phải dựa hoàn toàn vào tứ chẩn của Trung y. Sau đó, qua lâm sàng dựa vào huyệt tính và sinh huyệt, tôi tìm cách xây dựng kỹ thuật chẩn đoán riêng cho DC. Trước, để thỏa mãn sự tìm tòi của mình; sau là để đáp ứng nhu cầu của học viên chưa biết Trung y. May mắn thay tôi đã làm được điều này, có thể chưa được hoàn chỉnh nhưng nó góp phần không nhỏ cho những ai chưa biết hay đã biết Đông y – vì trong lâm sàng có một số trường hợp nhờ nó mà sự định bịnh rõ ràng hơn. Xin thử xem và vui thú với phát hiện này.
            Trước hết, ta cần nhớ các chứng hàn nhiệt vừa có toàn thân vừa có cục bộ và sự tương quan giữa chúng không có quy luật. Có nghĩa là có khi toàn thân là hàn mà cục bộ lại nhiệt, có khi toàn thân nhiệt mà cục bộ lại hàn. Có khi toàn thân lẫn cục bộ đều hàn hay nhiệt. Vì thế, khi chẩn đoán hàn nhiệt ta luôn cần xem xét cả hai khía cạnh toàn thân và cục bộ để hạn chế sai sót.
I/-        CHẨN ĐOÁN HÀN NHIỆT TOÀN THÂN
            Hai dụng cụ chính được sử dụng ở đây là que dò và ngải cứu. Cần thuần thục về kỹ thuật, nếu không ta sẽ bị báo hiệu sai và kết quả chẩn đoán sẽ sai theo.
1)                  Dùng que dò:
-                    đau ở 26 là nhiệt ở biểu.
-                    đau ở 143 là nhiệt ở lý.
-                    đau ở 1 hoặc 43 là hàn nhẹ ở lý. 
-                    đau ở 19 là hàn nhẹ ở biểu.
2)                  Dùng ngải cứu: ngải cứu được dùng khi khám bằng que dò không có sinh huyệt:
-                    nóng ở 1 hoặc 43 là hàn nặng ở lý. Khi 43 nóng là mất khả năng tàng trữ Dương khí. Khi 1 nóng là mất khả năng khai phát Dương khí.
-                    nóng ở 19 là hàn nặng ở biểu.
-                    nóng ở 143 là tinh huyết suy, mất khả năng tàng trữ Âm huyết. Khó trị hơn các trường hợp khác.
-                    nóng ở 26 là mất khả năng hấp thu dương khí.
LƯU Ý: phải dò cả 4 huyệt xong rồi mới kết luận sau khi đã tổng hợp – xem ở phần “Kinh nghiệm lâm sàng”.
            Nếu với cả hai phương tiện mà không thấy sinh huyệt thì có thể kết luận toàn thân bịnh nhân bình hòa, không hàn không nhiệt. Chỉ còn cần khám hàn nhiệt cục bộ mà thôi.
II/-       CHẨN ĐOÁN HÀN NHIỆT CỤC BỘ
            Như đã đề cập, khi một cục bộ có vấn đề (cơ quan bị bịnh), ta vẫn cần khám toàn thân để tìm sự liên hệ nếu có giữa toàn thân và cục bộ. Nếu toàn thân không có gì, ta chỉ cần khám cục bộ để biết bịnh thuộc hàn hay nhiệt.
1)                  Dùng que dò: tìm sinh huyệt dựa theo đồ hình phản chiếu nơi bị bịnh - chủ yếu ở trên mặt. Nếu báo đau là bịnh nhiệt. Nếu là vùng phản chiếu như cả cánh tay, hay phóng chiếu xoang, ta dùng lăn đinh nhỏ lăn vào nơi này, nếu đau là bệnh nhiệt.
2)                  Dùng ngải cứu: khi bịnh chứng rõ ràng mà khám bằng que dò không thấy có huyệt đau là bịnh hàn. Dùng ngải cứu dò sẽ thấy nóng.
3)                  Khi huyệt không báo đau mà cũng không báo nóng là tìm chưa đúng, thay đổi hệ thống phản chiếu.
4)                  Khi huyệt báo nóng lẫn báo đau là hàn nhiệt lẫn lộn, hoặc hàn nhẹ. Cần bình tĩnh xem xét kỹ. 
Tuy vậy, theo kinh nghiệm, dò bịnh hàn nhiệt cục bộ bằng huyệt khá phức tạp vì huyệt chịu chi phối bởi nhiều quy luật - như đối xứng, giao thoa, phản hiện v.v.... cần có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ mới ít sai lầm. Do đó, nên phối hợp với sờ tại chỗ để xét hàn nhiệt - xem bài “Làm sao để đạt tứ đắc”. Đồng thời nên hỏi triệu chứng tăng vào mùa nào trong năm, giờ nào trong ngày để tìm hiểu quy luật rồi suy ra./.



NGUYÊN TẮC CHUNG CHẨN TRỊ CHỨNG ĐAU NHỨC




Lương y Tạ Minh.

            Đau nhức là một triệu chứng rất thường gặp. Với Tây y, đây là một vấn đề khá lớn và phức tạp đến nỗi hiện nay người ta phải lập ra chuyên khoa đau nhức song song với các khoa khác đã có. Nói theo cách thông thường ta có nhiều nguyên nhân gây đau: sự nhiễm lạnh gây co cơ hoặc co mạch, khối u chèn ép, cục máu đông hay mãng xơ vữa mắc kẹt lại, sự thiếu máu cục bộ tại một cân cơ nào đó, một chấn thương. Tất cả những thứ đó đều có thể gây đau.
            Với DC-ĐKLP thì việc giải quyết các chứng đau nhức tương đối tốt. Chủ yếu cần phán đoán bệnh do hàn hay nhiệt, có nguyên nhân cơ năng hoặc biến đổi thực thể. Luôn luôn cần phản chiếu hay đồng ứng nơi bị đau, có khi cần phải dùng đến hệ kinh mạch của Thể châm.
-                    Do hàn hay nhiệt: thường đột ngột, thất thường, đau tăng khi gặp yếu tố thuận, giảm khi gặp yếu tố nghịch. Hiệu quả điều trị rất cao và triệt để. Thỉnh thoảng có những trường hợp quá nặng điều trị không hiệu quả thì nên chuyển bệnh, thường là phải dùng thuốc tây thật mạnh chích thẳng vào nơi đau mới êm!! Gần đây có cây Hoàn ngọc (cây con khỉ) có tính giảm đau khá mạnh, có thể dùng 5 – 7 lá tươi cũng hiệu quả. Điều trị: hàn thì làm ấm, nhiệt thì làm cho mát.
-                    Do viêm nhiễm: đau cố định, kèm sốt. Đau tăng dần theo thời gian. Bộ Tiêu viêm làm chủ lực.
-                    Do tắc mạch: cũng đột ngột nhưng triệu chứng hàn nhiệt không rõ ràng, có điểm đau trên cùng và đau dọc theo đường dưới hoặc ngoài trọng điểm này, có khi kèm theo tê dại yếu sức. Bộ Tiêu viêm khử ứ làm chủ lực.
-                    Do khối u: cố định, khởi đầu khá mơ hồ như chỉ ê ẩm, từ từ đau tăng dần theo thời gian, không sốt. Nhưng cũng có thể đột ngột khi gặp u ác tính. Bộ Tiêu viêm làm chủ, phản chiếu khối u, lọc thấp. Ta điều trị tốt những trường hợp u mềm. Các u thuộc loại xơ cứng thì hiệu quả không cao và có hạn chế. Muốn biết chính xác thuộc loại nào thì phải nhờ cận lâm sàng. Theo tôi trường hợp u xơ nên ưu tiên cho phẫu thuật nếu không có gì đặc biệt. Hiện nay ngành phẫu thuật đã có những tiến bộ vượt bậc cần tận dụng. LƯU Ý: Không phải chúng ta không trị được bệnh này nhưng kết quả hơi thất thường và đây là loại bệnh có nhiều bất trắc, lại khó chẩn đoán bằng lâm sàng. Vì vậy hướng dẫn bệnh nhân theo Tây y để chẩn đoán là điều nên làm. Vì một khối u có thể là lành tính mà cũng có thể là ung thư, chỉ có thể xác định bằng các biện pháp cận lâm sàng.
-                    Do thiếu máu cục bộ: triệu chứng y như do lạnh nhưng nhẹ nhàng, thường xuất hiện vào sáng sớm khi vừa thức giấc, giảm dần trong ngày. Tổng thể thường bị thiếu máu. Điều trị: dùng bộ Bổ Âm huyết và phản chiếu. Trường hợp này có khi do nghẽn mạch nhẹ ở vị trí trên nơi bị đau, cần cảnh giác.
-                    Do chấn thương: điều trị: Bộ Tiêu viêm khử ứ, Tiêu viêm, phản chiếu, lọc thấp.
Trong việc tìm phản chiếu nơi có bệnh, thông thường dùng hệ phản chiếu trên mặt. Chỉ khi trên mặt không có sinh huyệt hoặc có mà không hiệu quả ta mới nên tìm ở các hệ phản chiếu bàn tay, bàn chân, lưng, bụng. Nếu vẫn không như ý, ta vận dụng thuyết Đồng Ứng, Lân cận, Đối xứng…… để tìm sinh huyệt. Nguyên tắc là như thế, nhưng nếu các bạn muốn nhanh thì áp dụng bài viết “Làm sao để đạt tứ đắc” và “Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt DC” của tôi thì việc tìm sinh huyệt phản chiếu nơi có bệnh sẽ nhanh gọn hơn và kỹ thuật tác động sẽ tốt hơn./.





















No comments:

Post a Comment